Gần đây mình đang vẽ nhiều xương xẩu, trong đầu lúc nào cũng lúc nhúc toàn xương với cơ, nhìn bàn tay mà mắt như có tia X tưởng tượng coi dưới thịt dưới da đó cục xương chuyển động thế nào. Vì hiểu biết chưa sâu, bàn tay chưa quen cảm giác, nên khi vẽ vẫn phải bám sát reference, và hôm nay bỗng nhiên xẹt ngang bức tranh chưa từng thấy này của cụ Seiho. Một bộ xương được vẽ phóng túng làm sao, từ đây mà đắp da đắp thịt vào sẽ thành một dung nhan hết sức dị dạng, nhưng vậy thì sao, vẫn thể hiện được sự uyển chuyển, thướt tha và say đắm của một con người. Vẽ thực quá có lẽ cũng là giới hạn của ta. Tình cảm khi sục sôi cũng có thể làm méo mó nhận thức cơ mà. Nhìn cho thật kỹ vào đây, một con người hay không là con người, chẳng còn quần áo, chẳng còn thịt da, linh hồn có phần đã thoát xác phần còn đây, say sưa múa quạt dưới cơn mưa hoa anh đào. Ở Ý bây giờ cũng là mùa xuân, nhưng là mùa xuân cấm vận, hoa đào vừa thấy đêm kia bung nở cạnh con đường sầm uất nay đã trổ đầy lá non mất rồi. Có lẽ đó là điều đáng tiếc nhất bên cạnh vô số những điều đáng tiếc đã xảy ra trong những năm qua. Một mùa xuân đi qua như vô hình...
Có một lời truyền miệng rằng để vẽ bức tranh lạ lùng như một sự giao thoa giữa thực và giả này, Seiho đã chăm chút, tỉ mẩn vẽ lại từ tiêu bản xương thật một lần rồi hai lần, nhưng rồi vẫn không được chấp nhận cho đợt triển lãm danh tiếng Nihon Bijutsuin.
Con đường hội họa cũng thật khó nói, đâu có một chiếc la bàn nào chỉ cho ta thấy đâu là con đường phải đi, ngay tới những bậc họa sư cũng từng sống trong cảnh hàn vi chật vật, rấm rứt tối ngủ không ngon vì dường như bao công sức đôi tay họ làm ra đến chai sần, rạn vỡ mà không ai hiểu, không ai chứng cho. Không ít người hâm mộ Van Gogh vì ông ấy triệu triệu... đô, họ cũng có thể yêu quý ông nhiều hơn khi biết sinh thời ông đã vất vả làm sao chỉ để sống đến ngày chẳng còn muốn sống, nhưng con đường ấy liệu ta có hiểu được không? Bần cùng mấy ai muốn đâm đầu vào. Thứ ta muốn tạo ra không đơn thuần chỉ vì nó được giá, mà nó như một cái mầm âm ỉ trong lòng đâm nứt da thịt để trồi lên thành lá, thành hoa. Ta cho rằng đây thực sự là hoàn hảo, vậy mà sau bao công sức đổ ra nó lại bị từ chối thẳng thừng, thảm thương làm sao.
Trộm nghĩ, khi đặt bút vẽ xuống bất kì điều gì, hãy nghĩ đến sự tồn tại của nó như một bản thể độc lập, tách rời khỏi chính sự kính mến trong ta. Hãy nghĩ đến nơi nó lưu lac, những người sẽ đón nhận nó. Ý chí đi lên của con người là một điều đẹp đẽ thúc đẩy ta tiếp tục tìm kiếm, kiến tạo nên những thứ mới mẻ, đột phá, và bởi con người là một sinh vật cộng đồng, ta mong đợi phản ứng của những người xung quanh để chứng thực niềm tin của mình. Nhưng nếu không ai ngoài chính ta nhìn thấy cái đẹp của nó trong cuộc đời hữu hạn này thì sao. Đó là một gánh nặng không tưởng. Ta có thể bị tổn thương, bởi sự kiến tạo này là máu thịt và tâm hồn của chính ta. Và cái tôi, đôi khi, là thứ nặng nhất trên vai một con người.
Còn nếu ta cứ kệ xác nó đi, hãy cứ kiến tạo như người lạc trong rừng chẳng còn cách nào khác ngoài phạt phẳng những cành cây um tùm tìm lối đi, nằm rạp xuống đất mà nghe, nghe cái tiếng âm u của nước bước đi trong thớ rễ, trôi trong mạch máu li ti, nước thấm ra đầu lưỡi, lướt trên đầu ngọn bút...
Có lẽ như vậy sẽ vui hơn nhiều.
Như cái bộ xương hở hang múa quạt này, tựa là ngắm hoa, mà lại chẳng thấy cánh hoa nào