"Đẫm ướt" (Refaat Alareer) by Phuong Nguyen


"Đẫm ướt"
Refaat Alareer (1979 - 2023)

-

Ở bên bờ Địa Trung Hải
Tôi thấy nhân loại đầm đìa muối mặn
mặt úp,
tử nạn,
hố mắt toang hoác,
Tay họ giơ lên trời trong tiếng nguyện cầu
hoặc kinh hoàng run rẩy.
Tôi nào có hay.
Biển cả dữ dội hơn trái tim người Ả Rập, quay cuồng điệu nhảy
trầm mình trong máu đỏ.
Chỉ có hòn sỏi khóc thương
Chỉ còn hòn sỏi...
"Và tất cả nước hoa dưới vòm trời Ả Rập cũng không thể"
xức hương che mùi thối
mà bè lũ Israel đã sinh sôi.

----

(Hoài Phương dịch)

Giữa vòng vây (III) by Phuong Nguyen

Tiếp theo Giữa vòng vây phần 1 và 2, đây là phần 3 của toàn bài thơ dài 27 trang được ông sáng tác vào năm 2002, trùng thời gian xảy ra cuộc khởi nghĩa Intifada lần thứ hai, khi rất nhiều nơi bị binh lính IDGAF vây hãm, trong đó Nhà Thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem bị vây trong 40 ngày. Khi mình bắt đầu dịch bài thơ này, những thước phim kinh hoàng đầu tiên về bệnh viện Al-Shifa vừa xuất hiện, và trong thời gian tiếp tục dịch bao tin tức dã man khác đã tuôn ra, trong đó có quang cảnh những ngôi mộ tập thể quá đau lòng ở bệnh viện Nasser. Toàn Gaza bây giờ là một vòng vây. Những vòng vây nối tiếp vòng vây, từ năm này qua năm khác...

---

Giữa vòng vây (III)
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Fady Joudah

-

(Gửi đến màn đêm: ) Dẫu ngươi có đòi hỏi công bằng
rằng “mọi thứ của anh phải dành cho tất cả”… cho người mơ lẫn bọn lính canh
gác mộng, thì ta vẫn thất lạc một tuần trăng, máu vẫn tuôn tràn
đẫm trong tấm áo, ôi hỡi đêm thâu…

*

Ta ủi an người cha khóc con rằng: “Gương mặt người tử đạo có Thánh thần chứng giám”
rồi sau đó không lâu, ta gửi ông lời mừng đứa con vừa chào đời.

*

(Gửi đến tử thần: ) Ta biết rõ chiếc xe tăng
mà ngươi cưỡi đến. Ta biết rõ ý đồ của ngươi… nên hãy rời đi
dẫu đã đánh rơi một chiếc nhẫn. Hãy tạ tội với toán lính và bọn sĩ quan,
hãy nói rằng: Cặp đôi vừa cưới ấy
đã thấy ta dõi nhìn, thế nên ta ngần ngại
rồi ta thả người vợ đẫm nước mắt ấy đi
về bên gia đình cô… chỉ một mình.

*

Thánh thần… ôi hỡi Thánh Thần! Vì sao người đã bỏ rơi con
khi con chỉ mới là đứa trẻ… vì sao người chưa trao cho con thử thách?

*

Người mẹ kể rằng:
Tôi nào có thấy con bước đi khi máu chảy
nào có thấy đóa hoa tím rơi thắm bàn chân con.
con trai tôi khi nãy còn đứng dựa tường
với cốc trà bông cúc trong tay
khói ấm dâng tràn,
miên man nghĩ đến ngày mai…

*

Người mẹ kể rằng: Mới đầu tôi đâu rõ
ngọn ngành câu chuyện. Họ nói rằng: Con trai chị
vừa kết hôn chỉ một lúc trước. Tôi sung sướng hòa cùng đàn người ca vang múa hát
cho đến khi đêm tàn. Rồi mọi người rời đi, chỉ còn
giỏ hoa tím kề bên rải rác, tôi mới hỏi rằng: Thế cô dâu và chú rể đâu?
Một ai đó trả lời: Nhìn kia, trên vòm trời, hai thiên thần
đang quấn quít bên nhau… Tôi lại nhảy múa cuồng điên
bên bao người ca vang, múa hát, cho đến khi tôi ngất đi
vì một cơn đột quỵ.
Khi nào tuần trăng mật của con mới qua đi
hỡi con yêu của mẹ?

*

Vòng vây sẽ còn kéo dài
cho đến khi quân chiếm đóng, lẫn người bị vây nhận thấy
nỗi buồn chán này
là một phần nhân tính.

*

Này lũ lính gác! Lẽ nào các người chưa chán?
đợi chờ những hạt muối của chúng ta lấp lánh trong giọt mồ hôi
và đóa hồng rực sáng trong vết thương hở toác
Các người chưa chán sao? Hỡi bọn lính gác?

*

Và đây nơi ta đứng vững, ta ngồi, bám trụ, hóa thành bất tử.
Bởi chúng ta có một mục tiêu:
được tồn tại.
Vì vậy mà ta sẽ khước từ tất cả:
Ta từ chối thiết kế của lá cờ
(Hỡi kẻ sống sót, ta sẽ hài lòng biết mấy
nếu biểu tượng các người chọn là một con lừa)
Ta từ chối biên soạn bản quốc ca
(Hỡi kẻ sống sót, ta sẽ hài lòng biết mấy
nếu các người hát về hôn lễ của chim câu)
Ta từ chối nghĩa vụ quân sự của phụ nữ
(Hỡi kẻ sống sót, ta sẽ hài lòng biết mấy
nếu quốc phòng được gửi gắm cho một người đàn bà)
Ta từ chối bàn về những phần trăm, cái gì của chung, của riêng
Ta khước từ tất cả. Chỉ một mục tiêu duy nhất:
là được sống, được tồn tại…
Rồi sau đó ta sẽ mở lòng cho những ngưỡng vọng khác.

*

Thẳm sâu, sâu thẳm
hiện tại tiếp tục ngân lên
khúc hát của chân tay,
bên kia chân trời mục tiêu ấy…

*

Trên đường đến tù giam, anh ta nói rằng:
Ngày xác thân này được giải phóng, tôi sẽ hiểu ra
tụng ca quê nhà chẳng khác gì
sự phỉ báng
chỉ là một công việc, như bao công việc khác.

*

Đất nước ở trước thềm bình minh,
hãy gọi đàn ngựa thức dậy
rồi nhẹ nhàng cất cánh,
nhẹ nhàng
vượt thoát khỏi giấc mơ
rồi hãy ngồi xuống khi vòm trời tô vẽ
dáng hình anh trên phiến đá thở dài.

*

Làm cách nào ta gánh vác tự do, làm cách nào nàng gánh vác ta?
Ta sẽ đi về đâu sau ngày hôn lễ, ta phải nói gì
với nàng vào lúc hừng đông: Liệu em đã say giấc nồng
bên ta? Giấc mơ về dải đất của bầu trời
có khiến em u sầu về sự tồn tại? Em có thức dậy an lành từ cõi mộng?
Em có muốn dùng chút trà, hay cà phê với sữa?
Em muốn nước trái cây hay nụ hôn của ta?
(Làm cách nào ta có thể giải phóng tự do của chính mình?) Hỡi những người xa lạ!
Ta nào phải tha nhân. Gường của ta cũng là của người.
Dẫu có hoang đàng, phóng túng, vô cùng, hãy rải rắc nhục thể này
như tđóa hoa trong hơi thở ngợp. Tự do ơi! Hãy để ta
làm quen với người. Đưa ta băng qua lằn ranh nghĩa lý
để từ hai, hóa một!
Làm cách nào ta gánh vác nàng, làm cách nào nàng gánh vác ta, làm cách nào
ta trở thành chủ nhân
và nàng hóa thân nô lệ. Làm cách nào để giải phóng tự do
trừ khi đôi ta rẽ hướng?

*

Chỉ cần một chút màu xanh mênh mông và vĩnh hằng
là quá đủ
để vơi đi gánh nặng thời cuộc
để rửa sạch vũng lầy ở nơi đây.

*

Vòng vây sẽ còn tiếp diễn
Cho đến khi ta cắt tỉa hàng cây
bằng đôi tay của bậc thánh nhân và những người y sĩ.

*

Thứ vòng vây ẩn dụ này sẽ còn tiếp diễn
tới khi ta vùng thoát khỏi đức khổ hạnh trầm ngâm:
đóa diên vĩ nhỏ lệ cho ngày ta đến
đóa diên vĩ khóc thương vào lúc ta đi
khi nơi chốn giương mắt nhìn thời cuộc vô ích.

*

Linh hồn ấy phải vỡ tan
rồi trên đôi chân trần nàng nhẹ nhàng tiến bước
đến bên ta, tay trong tay, như hai người bạn cũ
Chia cho nhau chiếc bánh mì xưa
và nửa ly rượu hồng từ thời cổ đại
cùng nhau dấn bước trên con đường dài
cho đến một ngày cuộc đời rẽ hướng:
Ta băng qua biên cương của tạo hóa. Còn linh hồn ta
nàng ngồi xuống trên một phiến đá cao
co rúm, cúi mình.

*

(Gửi đến thi nhân: ) Càng tách rời khỏi sự vắng mặt
ngươi càng dấn sâu hơn vào nỗi cô độc của thánh thần.
Nên hãy hóa thân thành “chủ thể” thất lạc
thành “khách thể” của chính ngươi.
hãy tồn tại trong sự vắng mặt.

*

(Gửi đến thi ca: ) Hãy vây hãm vòng phong tỏa này.

*

(Gửi áng văn xuôi: ) Hãy kéo ra bằng chứng
từ bách khoa toàn thư của bao học giả rồi ném vào hiện thực
một hiện thực đã bị bằng chứng xóa xổ.
rồi giải thích mớ tro tàn này.

*

(Gửi đến thi ca và áng văn xuôi: ) Hãy bay lên trời xanh
như cánh én mang đến mùa xuân bao phúc lành!

*

Ta viết những hai mươi dòng về tình yêu
chỉ để tưởng tượng rằng
vòng vây này
đã thoái lui được hai mươi mét!...

*

Hắn chừa chỗ cho lời mỉa mai:
chuông điện thoại không đổ
chuông cửa cũng chẳng reo
thế làm sao ngươi chắc chắn
rằng ta đã vắng mặt?

*

Hắn chừa chỗ cho vài khúc hát:
Ta chẳng thể đợi nàng giữa phút giờ ngóng trông
Bởi ta không thể đọc Dotoevsky
không thể nghe Om Kalhoum lẫn Maria Callas
hoặc bất kì ai khác. Khi ta đợi nàng, đôi tay bám rịt chiếc đồng hồ
đang dịch dần sang bên trái,
nơi thời gian chẳng tồn tại. Ta vừa đợi nàng
mà cũng chẳng đợi nàng,
điều ta đợi chờ là sự vĩnh hằng.

*

Anh ta cất lời: Nàng thích hoa gì?
Nàng đáp rằng: Những đóa cẩm chướng… tuyền một màu đen.
Anh nói tiếp: Nàng sẽ đưa ta đi về đâu
cùng những đóa cẩm chướng đen tuyền ấy?
Nàng thầm thì: Đến nơi ánh sáng hội tụ trong cõi lòng
rồi đi xa hơn… xa hơn… xa hơn nữa.

*

(Gửi đến Tình yêu: ) Hỡi tình yêu! Cánh chim của bao điều tiềm ẩn!
hãy giải phóng chúng ta khỏi sắc xanh vĩnh hằng, khỏi sự vắng mặt rùng mình trong cơn sốt.
Hãy bước vào căn bếp để cùng ta chuẩn bị bữa tối.
Ta sẽ nấu ăn còn nàng rót rượu,
hãy chọn khúc hát ca tụng
vị thế trung dung, cùng xúc cảm hỗn mang: nếu ai đó nói rằng
nàng là hậu duệ của loài jinn… hãy tin vào điều đó!
Và nếu họ nói rằng nàng chẳng khác chi cúm mùa… cũng hãy tin vào điều đó!
Hãy soi rọi bản thân rồi xé bỏ tấm mạng phủ lấy gương mặt. Giờ nàng ở đây
bên ta, thật hiền hòa tách từng búp tỏi, và sau bữa tối
nàng sẽ chọn cho ta một thước phim lãng mạn,
nơi đôi ta là chứng nhân cho hai người hùng ở nơi xa
nay đã hóa thành hai khán giả.

*

Buổi sáng đầu tiên sau chuỗi ngày vây hãm
Người con gái tiến đến bên người nàng yêu
nàng vận tấm áo mỹ miều và chiếc quần màu tro xám,
linh hồn nàng trong suốt như những quả mơ
vào tháng Ba: Ngày hôm nay chỉ dành cho riêng ta,
tất cả, hỡi người yêu dấu, nên xin người
đừng đến trễ, kẻo lũ diều quạ sẽ đậu kín bờ vai…
Rồi nàng cắn một mẩu táo khi đợi chờ niềm hy vọng
Trông ngóng người nàng yêu
mà giờ có lẽ
Người sẽ chẳng bao giờ đến.

---

(Còn tiếp)

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Di ngôn của các bác sĩ và thường dân khi bị vây hãm ở bệnh viện Al-Shifa, ảnh được dịch bởi Free Watermelon NOW

Giữa vòng vây (Phần 2) by Phuong Nguyen

"Giữa vòng vây" (Phần 2)
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Fady Joudah

----

Ánh chớp, tia sét và nhận thức
đều như nhau
Và chỉ một khắc nữa ta sẽ nhận ra đây phải chăng
là khải huyền…
Bạn thân ta sẽ hiểu rằng
bài thơ đã kết thúc
rồi hủy diệt chính kẻ từng chấp bút…

*
(Gửi đến nhà phê bình) Đừng luận chữ của ta
với một chiếc thìa, hay một cái bẫy!
Những lời vây lấy ta trong giấc ngủ
Những lời chưa từng được thốt ra
viết thành chính ta, rồi bỏ mặc ta
kiếm tìm giữa tàn tích mộng mị.

*

Hàng cây bách sau lưng tên lính, tháp giáo đường
canh giữ cho bầu trời đừng đổ sụp. Sau hàng rào kẽm gai
tên lính đứng đái – bên cỗ xe tăng thận trọng canh gác -
ngày thu đi qua khi sắc vàng đổ xuống
con đường thênh thang như thánh đường
ngày Chủ nhật
sau buổi kinh cầu…

*

Đất nước ở trước thềm bình minh
và chúng ta sẽ không khước từ
Công lao những người tử đạo ngã xuống
bởi trên mảnh đất này, chúng ta bình đẳng
Nhục thể họ nuôi dưỡng khóm cỏ xanh
ban phúc lành dẫn đường cho hòa khí.

*

Ngày mai ta sẽ yêu cuộc đời
Khi ngày mai tới, ta sẽ yêu cuộc sống như nó vốn là,
như sự xảo quyệt tầm thường
dẫu rực rỡ hay xám xịt ảm đạm
thì cũng chẳng có gì sau cái chết, không thể phục sinh.
Và nếu niềm vui là điều ta không thể tránh
xin giữ chúng nhẹ nhàng
trong tim, bên hai mạn sườn!
Bởi không một cựu binh trung thành
sẽ để niềm vui cắn phải anh ta… một lần nữa!

*

(Gửi đến kẻ sát nhân) Nếu ngươi từng ngẫm về những gương mặt ngươi đã giết
hãy nghĩ thật chậm, hẳn ngươi sẽ nhớ đến mẹ của ngươi
trong lò hơi ngạt, để rồi được giải phóng khỏi lí lẽ của súng đạn
Ngươi sẽ sực tỉnh nhận ra: đây không phải là con đường
để tìm lại căn tính!

*

(Gửi đến một kẻ sát nhân khác) Nếu ngươi để bào thai ấy được yên
chỉ ba mươi ngày thôi, mọi thứ đã đổi thay:
cuộc phong tỏa chấm dứt, và trong ký ức của sinh linh ấy
sẽ không có dấu vết của vòng vây,
bé trai ấy sẽ lớn lên thành một thiếu niên khỏe mạnh
Học cùng trường với một trong những đứa con gái ngươi
chúng sẽ học về lịch sử châu Á
cùng nhau quây quần trong chiếc tổ tình yêu
rồi hạ sinh một bé gái (có lẽ sẽ là người Do Thái)
Ngươi có nhận ra mình đã làm gì sai?
Bởi giờ đây con gái ngươi trở thành góa phụ
cháu gái ngươi giờ đã mồ côi.
Ngươi đã làm gì với gia đình của những người chạy nạn
Và làm sao ngươi có thể hạ sát
Ba cánh chim, chỉ bằng một phát đạn?

*

Ta vốn chẳng cần vần điệu
Chúng chẳng giúp gì cho giai âm
cũng không giúp làm dịu đi đau đớn
chúng dư thừa
như ruồi nhặng vây quanh yến tiệc.

*

Sương mù tăm tối, thứ bóng tối trắng tinh, đặc quánh
được bóc tách như vỏ cam bởi đôi tay người đàn bà.

*

Cô độc. Chúng ta cô độc đến thẳm sâu trầm tích
Chỉ đôi khi được viếng thăm bởi cầu vồng.

*

Chúng ta đã bao giờ làm hại ai? Đã bao giờ tấn công
một đất nước khác? Ngay cả khi đau đớn dội xuống
từ xa. Niềm vui như cơn mưa phùn chỉ tắm gội ta
một lần duy nhất.
Vòng vây là triền miên đợi chờ
trên chiếc thang nghiêng, giữa miền giông tố.

*
Ta còn những người anh em bên kia dải đất rộng,
những người anh em hiền hòa. Họ yêu thương ta.
Họ dõi theo trong nước mắt
và rồi thật lặng lẽ, họ kháo nhau rằng:
“Ôi… nếu chúng đã bị phong tỏa…”
rồi họ chìm vào câm lặng.
“Xin đừng bỏ đi, đừng bỏ mặc chúng tôi.”

*

Những bộ lạc xưa chưa từng viện đến Caesar
lẫn Khosrau, bao niềm hy vọng họ đặt vào thủ lĩnh Khalifah
bởi luật lệ của chúng ta được thông qua bởi người nhà.
Thế nhưng thời hiện đại khiến trái tim họ tha hóa
rồi họ đánh đổi những con lạc đà
vì một chiếc máy bay.

*

Ta sẽ thét lên giữa mênh mông cô độc
để những kẻ ngủ say đừng thức giấc.
Ta sẽ thét lên để tự mình đứng dậy
khỏi tù đày của trí tưởng tượng.

*

Ta là nhà thơ cuối cùng đã quên đi cách ngủ
Bởi cùng một căn bệnh khiến kẻ thù không bao giờ chợp mắt:
Trái đất này quá chật chội
không có chỗ cho con người
lẫn các vị thần.

*

Giữa sắc màu đen - đỏ, lịch sử gom chúng ta lại ở đây.
Nếu không tồn tại tội lỗi thì Thánh kinh đã chẳng quá dày.
Nếu không có ảo vọng thì dấu chân Ngôn sứ để lại trên cát đã hằn sâu,
và đường về với Chúa sẽ ngắn lại
để thiên thu tấu lên bản phúc âm vĩnh hằng.
Còn ta, ta sẽ thì thầm với bóng tối rằng:
Nếu lịch sử nơi này đừng quá thăng trầm
Thì khúc điếu văn ta gửi đến ngọn đồi bạch dương...
sẽ dài biết mấy!

*

Mất mát của chúng ta: mỗi ngày hai đến tám người tử đạo
Mười người trọng thương.
Hai mươi tòa nhà.
Năm mươi cội ô-liu...
được thêm vào sai lầm hệ thống, và chúng sẽ đi vào
Những bài thơ, vở kịch, những tấm toan dang dở.

*

Ta cất giữ đau thương vào những chiếc lọ, giấu chúng khỏi tầm nhìn
của binh lính, vì chúng sẽ ăn mừng cuộc vây hãm…
Ta cất giữ đau thương cho một mùa khác,
một ký ức,
Một điều gì đó sẽ khiến ta bất ngờ giữa con đường.
Nhưng một ngày, nếu cuộc đời bình thường trở lại
ta cũng biết tiếc thương bao điều gần gũi
vốn bị nhấn chìm dưới những dòng tiêu đề lớn lao,
khi ta không cảm nhận được những vết thương bé nhỏ trong tim
đang ồ ạt băng huyết.
Ngày mai khi quê hương liền lặn
chúng ta sẽ cảm nhận được
dư chấn nhói đau.

*

Giữa con đường thắp sáng bởi ngọn đèn kẻ ly hương
Ta thấy một túp lều phần phật bay tứ phía:
ngoan cường chống chọi gió lộng từ phương Nam
và kìa hướng Đông tiếp giáp trời Tây của đạo Sufi,
Ở hướng Tây: cuộc đình chiến cho những người tử nạn
được vinh danh trên đồng xu hòa bình.
Và ở phương Bắc xa xăm
không tồn tại địa lý lẫn tứ hướng
là nơi các vị thần tụ hội.

*

Anh ta nói rằng: Hãy đợi ta bên lề vực thẳm
Và nàng trả lời: Đến đây… hãy đến đây!
Bởi em chính là vực thẳm!

*

Một người phụ nữ nói với đám mây: hãy che chở người tôi yêu
vì máu của anh đã thấm nặng tấm áo này.

*

Con yêu, nếu con không là mưa
hãy hóa thành cây, phì nhiêu xanh tốt
Con yêu, nếu con không là cây
hãy hóa thành hòn đá, thấm đẫm hơi sương
Con yêu, nếu con không là đá
Hãy hóa thành ánh trăng
Rồi quay về trong giấc mơ những người con yêu…
(Một người đàn bà thầm thì trong lễ tang
bên người con trai đã chết)

---

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Di ngôn của các y bác sĩ, thường dân viết ở trên tường bệnh viện Al-Shifa, nơi đã bị binh lính IOF phong tỏa. Ảnh được dịch bởi Free Watermelon NOW

“NƠI KHÔNG CÁNH CỬA” (Walid Daqqah) by Phuong Nguyen

Gửi đến các bạn hai tiểu luận ngắn của nhà văn người Palestine Walid Daqqah. Ông cũng là một chiến sĩ tự do và là một người tù chính trị đã thụ án dài nhất trong nhà tù Israel gần 4 thập kỷ. Ông vừa qua đời cách đây 1 tuần vì bệnh ung thư xương trong khi vẫn còn đang bị giam cầm.

Dịch từ bài viết "We Call It a Policy of Slow Killing”: Why so Many Called for the Release of Walid Daqqah" (Chúng tôi gọi đây là chính sách Giết chậm: Tại sao nhiều người đang kêu gọi việc trả tự do cho Walid Daqqah)

-

Dựa theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Daqqah từng là một chiến sĩ của lực lượng cách mạng Palestine và ông đã bị giam trong nhà ngục Israel trong gần bốn thập kỷ với tội danh “liên quan với nhóm vũ trang đã tổ chức bắt cóc và ám sát một người lính Israel vào năm 1984.” Tuy đã mãn hạn tù nhưng bản án của ông liên tục bị gia hạn. Ông bị ốm nặng và không được cung cấp những liệu pháp y tế cần thiết. Tổ chức Ân xá Quốc tế, cùng với ban biên tập của tờ Haaretz (tòa báo lâu đời nhất của Israel) đã kêu gọi việc trả tự do cho ông. Tổ chức Ân Xá quốc tế cho hay, “Trường hợp của Daqqah là một ví dụ rõ rệt về sự tàn nhẫn của hệ thống tư pháp Israel đối với người Palestine, trong đó có cả những người bệnh nặng và đang hấp hối.”

Walid Daqqa đã qua đời vào ngày 7 tháng 4, năm 2024, thọ 62 tuổi.

Ông có một người vợ mà họ đã kết hôn sau khi ông đã bị bắt giam trong tù. Và dẫu cho chính quyền Israel đã tìm mọi cách ngăn cấm ông để lại người thừa tự như 1 sự trừng phạt, ông đã tìm cách đưa tinh trùng của mình ra đến tay vợ (họ không được phép quan hệ tình dục khi vợ đi thăm nuôi ông) và vợ ông đã hạ sinh một bé gái mang tên Milad. Ông chỉ được gặp con gái mình một lần duy nhất vào tháng 10 năm 2022. Ông qua đời khi vẫn còn đang thụ án tại Israel trong bệnh viện Shamir Medical Center.

-------

Đã từ lâu mỗi khi Milad hỏi qua điện thoại rằng ‘Cha ơi, cha đang ở đâu?’ Tôi tránh dùng từ ‘nhà tù.” Tôi sợ rằng con bé còn quá nhỏ và chưa đủ sức để có thể sống được với từ này cùng những hàm ý nặng nề chất chứa trong đó” . Walid Daqqah chia sẻ trong bài tiểu luận của ông “Nơi không cánh cửa”

Người tù chính trị và cũng là nhà văn Palestine 62 tuổi này đã bị bắt vào năm 1986 và bị kết án 37 năm tù trong nhà ngục Israel. Ông đáng lí đã mãn hạn tù vào năm 2023, nhưng những người cầm quyền tại Israel đã kéo dài bản án của ông thêm hai năm, với cáo buộc vận chuyển trái phép điện thoại di động trong tù. Bà Sana’ Salameh, người vợ mà ông đã kết hôn vào năm 1999 sau khi đã ở trong tù, viết rằng, “Với những tội danh tương tự, hình phạt thường chỉ có vài ngày trong phòng biệt giam. Nhưng họ bắt Walid phải thụ án thêm hai năm.” Salameh cùng nhiều nhà hoạt động khác tin rằng việc họ liên tục kéo dài thời gian thụ án của Daqqah thực chất là một sự trừng phạt cho thái độ thách thức của ông. Tiêu biểu nhất là khi ông đã lén vận chuyển tinh trùng ra khỏi nhà tù đến vợ mình, để rồi sau đó bà hạ sinh một bé gái vào năm 2020 mang tên Milad, mặc cho phía nhà chức trách Israel đã cấm họ không được quan hệ vợ chồng – một quyết định trái với luật pháp.

Tháng 12 năm 2022, Daqqah được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tủy giai đoạn cuối. Mặc dù tình trạng rất nguy kịch, ông không được phép ra tù và cũng không được cung cấp những liệu pháp y tế cần thiết để duy trì tính mạng. “Họ đã từng trì hoãn việc đưa ông đến bệnh viện chữa trị cho đến khi gần như quá muộn,” Salameh chia sẻ. “Chính sách y tế chểnh mảng này không có gì mới. Chúng tôi gọi nó là chính sách “giết chậm”

Tháng 3 năm 2023, gia đình của ông đã phát động một chiến dịch trên mạng xã hội dưới Hashtag #Free_Walid_Daqqah. Trong chiến dịch này, nhiều tản văn và tiểu luận của ông đã được dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Anh bởi Dalia Taha – một nhà thơ và biên kịch người Palestine. Những tiểu luận dưới đây mang tên “Nơi không cánh cửa” và “Chú ơi, cho con một điếu thuốc” đã được bí mật vận chuyển từ xà lim của ông. Một số tác phẩm khác của Daqqah bao gồm “Thời thế song song” (sau đó đã được chuyển thể thành kịch nói), “Nhận thức chảy tan hoặc: Tái định nghĩa sự tra tấn” và tiểu thuyết trẻ em “Câu chuyện bí mật của giọt dầu”

“NƠI KHÔNG CÁNH CỬA”

Một dạo sau khi trở về từ chuyến nghỉ mát bên bờ biển, Milad gọi điện cho tôi và tôi đã hứa rằng lần tới, tôi sẽ đưa con bé đi. Con bé im lặng vài giây rồi ngập ngừng trả lời, cẩn trọng như thể không muốn khiến tôi bị sốc, rằng “Làm sao được, cha không có một cánh cửa.”

Đã từ lâu mỗi khi Milad hỏi qua điện thoại rằng, “Cha ơi, cha đang ở đâu?” Tôi tránh sử dụng từ “nhà tù.” Tôi sợ rằng con bé còn quá nhỏ và chưa đủ sức để có thể sống được với từ này cùng những hàm ý nặng nề chất chứa trong đó. Tôi cảm thấy thật khó xử và không biết liệu tôi có nên nói ra sự thật hay không? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi cứ giấu đi hiện thực cay đắng này, để những ẩn ý trong hai chữ nhà tù không hằn sâu trong trí tưởng tượng của con bé?

Nhưng con bé hiểu được nhà tù là gì qua những chuyến viếng thăm, trước cả khi hiểu được ý nghĩa của từ này. Với con bé, nơi cha của con bé bị cầm tù và không thể rời khỏi này không có một cánh cửa. Nếu nơi này không có một cánh cửa thì dĩ nhiên tôi không thể cùng con đi thăm biển. Tôi không thể ngồi bên con bé vào bữa sáng. Cũng không thể đưa con đến nơi con bé hân hoan gọi là “trường học.”

Từ những ký ức đầu tiên trong cuộc đời, các con của chúng ta đã hiểu được hiện thực của những bức tường, rào chắn và chốt kiểm soát. Chúng hiểu điều này từ lâu trước khi biết đến từ “chiếm đóng.” Và chúng ta buộc lòng tự hỏi bản thân một câu hỏi vừa phức tạp vừa mật thiết trong việc giáo dục con cái: Làm cách nào để biến cảm giác nặng nề được nhào nặn nên từ hiện thực đầy áp lực này thành nguồn năng lượng thúc đẩy những hành động tích cực, vốn rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng tính cách non trẻ đang không ngừng lớn lên từng ngày?

Trong khi đang bâng khuâng rằng liệu tôi có nên dùng từ “nhà tù” với Milad hay không, những ký ức từ tháng năm giam cầm bắt đầu sống dậy trong tâm tưởng. Tôi nhận ra rằng quanh mình suốt thời gian này tồn tại không chỉ một mà những ba thế hệ: Người Cha, Người Con, Người Cháu. Có lẽ nhà tù đã ngấm ngầm lan tỏa vào trong cuộc đời lũ trẻ qua những chuyến thăm nuôi, để rồi sau đó chính chúng cũng hóa thành tù nhân, rồi bước chân vào ách giam cầm. Một trong những câu chuyện về đời sống trong tù của tôi mang tên “Chú ơi, cho con điếu thuốc” khi một tù nhân chỉ mới mười hai tuổi đã hỏi xin tôi một điếu thuốc lá. Nếu điều này xảy ra bên ngoài bức tường xà lim giữa một cuộc đời bình thường, tôi chắc chắn sẽ nói không. Chẳng ai muốn cho trẻ con hút thuốc cả. Nhưng tôi bất chợt nhận ra rằng yêu cầu mà cậu bé đặt ra chính là khao khát được trưởng thành thật nhanh, để cậu có thể đối đầu với những tháng năm ngục tù dai dẳng trước mặt, hoặc vì cậu muốn trấn tĩnh lại bản thân sau khi bị bắt giữ một cách đầy bạo lực. Thông qua hành động hút thuốc, cậu dường như muốn tuyên bố rằng “Hãy nhìn này, tôi là một người lớn!” Thế nên tôi đã cho cậu ấy một điếu thuốc. Rồi đến ngày gặp gỡ Milad, tôi cuối cùng cũng đã thốt ra hai chữ “nhà tù.” Tôi nương theo những dấu hiệu của con bé. Nó đã dạy cho tôi tầm quan trọng của sự thành thật khi nuôi dạy con trẻ. Dù tôi có dùng chữ “nhà tù” hay không thì trong lòng con bé ý nghĩa của từ này đã hiện hữu rồi. Đó là một nơi không cánh cửa.

“CHÚ ƠI, CHO CON ĐIẾU THUỐC”

Tôi nhớ đó là buổi sáng và tôi có thể nghe thấy tiếng xiềng xích leng keng trong khi tên quản ngục đang đến gần. Âm thanh đó ngân lên khi hắn ném mớ xích xuống đất, và rồi khi âm thanh ấy đi qua, một cảm giác bình yên lan tỏa khắp căn phòng. Một mớ xích còng lấy đôi tay, rồi một mớ khác dài hơn để ràng lại đôi chân. Tám cặp còng tay xích sắt đủ loại cho bảy người tù.

Tôi cùng vài người nữa đang đứng tựa vào tường trong một cái sân nhỏ bị vây kín bởi buồng giam, thấm mệt vì phải di chuyển từ nhà tù này đến nhà tù khác kể từ khi cả bọn bắt đầu chống đối bằng cách tuyệt thực. Tôi gượng sức hớp lấy một hơi dài để chuẩn bị trước chuyến hành trình vài tiếng đồng hồ bên trong một cái hộp sắt, mà dưới nóng điên cuồng này, sớm thôi sẽ hóa thành một lò luyện ngục.

Sau khi đã xích cả bọn, tên quản ngục tiến về phía xe tải vận chuyển tù nhân. Rồi tôi chợt nghe thấy một tiếng nói vọng ra từ buồng giam ở ngay sau lưng mình.

“Chú ơi, cho con điếu thuốc.” Tôi nhòm vào buồng giam tối tăm nhưng chẳng thấy một ai. Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ mình hoang tưởng, nhưng rồi ngay sau đó tôi lại nghe thấy giọng nói cất lên, lớn hơn và tuyệt vọng hơn. “Chú, chú ơi, cho con một điếu thuốc đi!” Tôi nhìn vào buồng giam lần nữa.

“Con ở đâu vậy?”

“Ở đây, dưới này này!”

Tôi cúi thấp người rồi nhìn qua khe hở dưới cửa, nơi tù nhân thường nhận đồ ăn nước uống, nơi tay họ sẽ bị còng lại trước khi bước ra khỏi buồng giam, và tôi thấy một đứa bé dường như chưa đến 12 tuổi. Một đứa bé đang hỏi xin tôi thuốc lá.

Tôi không biết nên trả lời thế nào. Tôi nên đưa cho thằng bé điếu thuốc hay nên dạy cho nó biết về những hiểm nguy tiềm tàng trong thuốc lá, như cách mà tất cả người lớn sẽ làm khi ở bên ngoài tù giam? Người lớn, người lớn… tôi chợt nhận ra rằng mình cũng thuộc vào nhóm người trưởng thành này, bởi thằng bé gọi tôi là “chú.” Tôi đã già rồi sao?

Bị gọi như thế này khiến tôi bất thần hốt hoảng, bởi là lần đầu tiên sau 26 năm sống trong ách giam cầm tôi đối thoại với một ai kém xa tuổi mình như vậy. Ở trong tù chúng tôi thường không gọi nhau bằng những xưng hô thể hiện sự kính trọng tuổi tác. Có cách nhau bao nhiêu tuổi, chúng tôi vẫn chỉ gọi nhau là “người anh em”, “đồng chí”, và gần đây nhất là “chiến sĩ.”

Tôi trầm tư nghĩ về cậu bé. Tôi có thể cảm thông với khao khát được cầm vào điếu thuốc đó. Không phải cảm giác thèm cơn say nicotine, mà là tính biểu hiện điếu thuốc mang đến. Đây là một đứa bé đang hoảng sợ giữa thế giới khắc nghiệt của tù đày và mong rằng mình có thể lớn lên thật nhanh. Trong khi tôi thì khao khát quay ngược thời gian để lại được làm một đứa trẻ, hay chí ít là một thanh niên, như cái hồi mà tôi vừa bước chân vào tù một phần tư thế kỷ trước.

Cả hai chúng tôi đều hoảng sợ. Tôi sợ thời gian đã qua, cậu bé thì sợ những tháng ngày đang chờ đợi phía trước. Quá khứ là thứ khiến tôi sợ hãi, còn với cậu bé, đó là tương lai. Tôi sợ hãi nghĩ về cuộc đời đã cháy tàn trong nhà tù, còn cậu sợ trước những gì mà điếu thuốc kẹp giữa làn môi giờ đây chẳng thể nào đốt cháy. Sau hơi thuốc đầu tiên, điếu thuốc trở thành một thứ gì đó khác lạ, và chính cậu bé trai đang nhón chân rướn mình này dường như đã già thêm mấy tuổi. Tàn thuốc cháy đỏ hóa thành chiếc đèn lồng trong tay, xua đi cô đơn và sợ hãi, xua đi bóng tối đang bủa vây giữa chốn tù đày.

Cậu bé đâu có hút thuốc, nó chỉ đang cố gắng dập tắt hình ảnh trẻ con đang đeo bám chính mình. Bởi trong thế giới tù đày, ngày ngày phải đối mặt với bọn lính canh tàn nhẫn, tuổi thơ chỉ là một gánh nặng. Biết rằng trước mặt là những tháng năm bị giam cầm, cậu bé mong muốn rũ bỏ hình ảnh yếu đuối và ngây thơ vốn giờ đây chẳng còn tích sự gì nữa. Sự ngây thơ đó vốn đã vô dụng từ khi thẩm phán tuyên án cậu phải đi tù bốn năm.

Tên cai ngục quay lại. Hắn nhấc chiếc còng thứ tám trên sàn nhà rồi lệnh cho thằng bé chìa tay qua khe cửa. Thằng bé làm theo trong khi điếu thuốc vẫn còn kẹp giữa ngón tay. Tên cai ngục quát lên bắt thằng bé thả điếu thuốc rồi lầm bầm bằng tiếng Hebrew rằng thật tệ hại làm sao khi ngay cả một thằng nhóc cũng hút thuốc, trong khi hắn tiếp tục ràng mớ xiềng xích vào đôi tay nhỏ bé đó mà chẳng chút rung động. Cổ tay của cậu bé quá nhỏ, nên hắn xiết lại vài lần mà không thành để rồi quyết định dùng nó để xích chân cậu lại.

Khi cậu bé bước ra khỏi buồng giam để chuẩn bị cho việc di chuyển, tôi nhìn theo mà tưởng như đây là đứa con trai của mình. Đứa con mà số phận vẫn chưa muốn gieo vào cuộc sống. Từng thớ thịt trong tôi cùng bản năng của người cha dâng trào khiến tôi khao khát được ôm chầm cậu bé trong tay. Những giọt nước mắt đã chực trào, nhưng tôi ráng kiềm lại cảm xúc ấy, sợ rằng tôi sẽ vô tình phá vỡ hình ảnh của người đàn ông mà cậu bé mong muốn trở thành. Tôi bước đến để bắt lấy tay cậu như một đồng chí, hay như một đối thủ, rồi mở lời:

“Con sao rồi, hỡi chiến binh?”

----

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Chân dung người tù chính trị, chiến sĩ tự do, nhà văn Walid Daqqah.

Nguồn bài viết trong comment

Thơ từ Gaza by Phuong Nguyen

Một bài thơ không đề của một người viết trẻ tuổi tên Nadine Murtaja. Bạn chỉ mới 21 tuổi và là một học sinh nha khoa trước khi chiến tranh và pháo kích đã san bằng trường đại học, khiến bao người ly tán và sự học của bạn ngừng trệ. Bạn bắt đầu làm thơ từ năm 16 tuổi và bạn mong mình sẽ sống sót, để có thể cống hiến cuộc đời mình vì tự do của Palestine.

Bài thơ này tìm thấy trên trang instagram @Wawog_now (Writers against the war on Gaza / hiệp hội những nhà văn phản đối cuộc chiến ở Gaza)

——

Và nếu tử thần
không siết tôi ngạt thở
thì làn khói sẽ ra tay
đưa đường cho kỷ niệm, tiếng thét
về bên người thân yêu
từ nhiều năm trước.

làn khói sẽ tuyên bố
lễ hạ huyệt cho một văn thư mới
chôn vùi trong nấm mồ băm nát.

Tôi sợ phải đếm.
Bởi những con số quay cuồng
trong đầu tôi.

Tôi đếm những vì sao
rồi chợt nhận ra
chúng là máy bay chiến đấu
đang đưa những linh hồn
về nơi an trú cuối cùng.

Khi mẹ tôi
thấy một vầng sáng chói lòa
trắng xóa, bà đã nói
thật dịu dàng rằng
đó là một vì sao rực rỡ.

Và rồi vì sao ấy rơi
cướp đi tiếng nói bao người
ở giữa con đường.

"Giữa vòng vây" (Phần 1) by Phuong Nguyen

"Giữa vòng vây" (Phần 1)
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)

-

Bên phía dốc của ngọn đồi, đối điện là đêm buông
và họng súng của thời gian
Kề bên khu vườn hắt bóng dài đổ nát
Chúng ta làm công việc của tù nhân,
của những kẻ không nghề ngỗng:
vun đắp nên niềm hy vọng.

*

Một đất nước đang chờ đón bình minh.
Ta ngày càng dại khờ
sau dằng dặc ngóng trông giờ phút của chiến thắng:
Ta không biết đến màn đêm vì đạn pháo sáng lòa
bởi kẻ thù của ta không bao giờ ngủ
chúng rọi sáng cho ta
giữa đêm đen hầm tối.

*

Ở đây, khi công việc ngâm lên
bài thơ cuối, ta chẳng còn ai để chờ đợi.

*

Nơi đây không tồn tại cái “tôi”
Adam nhớ ra: thịt đất trong anh từng là cát bụi.

*

Vòng vây sẽ còn tiếp diễn cho đến khi ta dạy cho kẻ thù
những bài thơ của một thời vô luân.

*

Màn trời xám xịt lúc chạng vạng
rực sắc cam khi đêm xuống. Còn trái tim ta
vô cảm như hoa nở bên bờ rào.

*

Giữa vòng vây, cuộc đời hóa thời gian
ta không ngừng nhớ lại cách mọi thứ khởi đầu
để quên đi cách mà chúng sẽ kết thúc…

*

Cuộc đời.
Toàn thể.
Một cuộc đời không khiếm khuyết,
nuôi dưỡng những vì sao
không biết đến hồi tận…
và những đám mây di cư
không nhà.
Chỉ còn lại sự sống
bâng khuâng:
Làm cách nào để hồi sinh tất cả!

*

Anh mở lời bên lưng chừng cái chết:
Chẳng còn gì để mất, không cả một dấu vết:
Tự do ở rất gần. Tương lai đã ở trong tay.
Và sớm thôi tôi sẽ đi xuyên qua đời mình,
Tái sinh không điều gì ràng buộc, mồ côi,
Màu trời sẽ là cái tên của cuộc đời mới…

*

Và ở đây bên con dốc mịt mù, bên thềm cửa
nơi thời gian dần cạn
ta làm những gì một đứa con của Allah nên làm:
quên đi đau đớn.
Bởi nỗi đau
là người đàn bà không còn giăng sợi dây phơi buổi sáng,
vì bà hài lòng với lá cờ sạch sẽ tinh tươm.

*

Không có tiếng vọng âm hưởng Homer ở nơi đây
Huyền thoại gõ cửa đúng lúc ta mưu cầu
Không có tiếng vọng mang âm hưởng Homer….
Và tại đây một thống tướng khai quật đất nước còn say ngủ
dưới tàn tích trước trận chiến thành Troy.

*

Bọn lính canh đo lường khoảng cách giữa người sống
Và người chết
Bằng họng súng của chiến tăng…

*

Trong khi chúng ta ước lượng khoảng cách giữa nhục thể
Và súng cối… bằng giác quan thứ sáu.

*

Này người đang đứng ngoài cửa, hãy vào đây,
Ngồi xuống cùng tôi uống ly cà phê Ả rập này
Rồi khi bình minh tới,
Chúng ta chắc chắn sẽ trở thành
những người đàn ông như anh vậy!

*

Chúng ta là những kẻ dư giả thời gian
ta lắc xí ngầu, lần giở giấy tờ để khuây khỏa
Ta theo dõi tin tức những người thương tật từ hôm qua,
rồi ta xem cung hoàng đạo:
vào năm 2002, ống kính sẽ mỉm cười
Với những ai sinh ra trong vòng phong tỏa.

*

Mỗi khi ngày hôm qua trờ tới, ta trả lời:
Hãy rời đi, bởi buổi hẹn của chúng ta là một ngày khác
hãy trở lại ngày mai.

*

Một nhà thơ châm biếm rằng
Nếu sớm biết kết cục thế này
Thì tôi sẽ chẳng còn gì để làm với từ ngữ!

*

Mỗi một cái chết,
ngay cả khi được dự đoán
đều là cái chết đầu tiên
làm sao để biết
vầng trăng
đang ngủ say dưới đá tảng?

*

Một ý nghĩ gián đoạn:
Ai đó như tôi đã từng bâng khuâng điều gì
trên ngọn đồi kia, ba nghìn năm trước
về khoảnh khắc chóng vánh của hiện tại?
Suy nghĩ này khiến trái tim quặn đau
khi dòng ký ức bỗng nhiên sống lại.

*

Khi những phi cơ biến mất, chim bồ câu trắng
Cất cánh bay, rửa sạch gò má chốn thiên đường
Với đôi cánh tự do huy hoàng, chúng đoạt lấy
thinh không và đùa chơi. Bay cao hơn, cao hơn nữa, hỡi bồ câu trắng
đến một nơi thật xa. Ôi giá như, bầu trời
là thật.
(Một người bay giữa hai quả bom mở lời)

---

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Di thư của một người sống trong vòng phong tỏa ở bệnh viện Al-Shifa

Ôi những đứa trẻ ranh của Gaza (Khaled Juma) by Phuong Nguyen

Ôi những đứa trẻ ranh của Gaza.
Các em từng quấy rầy ta
với tiếng la hét ngoài cửa sổ.
Các em lấp đầy buồi sớm mai
với bao ồn ào, náo động.
Các em đã đập vỡ chậu cây
rồi trộm đóa hoa cô đơn của ta ngoài ban công.
Xin hãy trở lại
ta sẽ để các em làm ồn thoải mái
ta sẽ để cho các em đập vỡ chậu cây
rồi lấy đi tất cả đóa hoa.
Hãy quay lại…
Ta xin các em hãy quay lại…

Gaza qua khung cửa sổ (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

Đó là ngày thứ năm, 12 tháng Mười và những mảnh giấy nhỏ đang rơi xuống từ vòm trời thành phố Beit Lahia thuộc miền bắc dải Gaza, nơi tôi và gia đình sinh sống. Trên mảnh giấy là phù hiệu của quân đội Israel kèm theo lời cảnh báo: Hãy tránh xa khỏi những khu vực quân sự của lực lượng Hamas, và hãy rời khỏi nhà ngay lập tức.

Tôi phóng xuống lầu và thấy cha mẹ cùng các anh em mình đang hối hả đóng gói đồ đạc. Bao gia đình tứ tán đã tràn đến các trường học trong khu vực để tỵ nạn. Đây là những nơi được vận hành bởi Quỹ cứu trợ Liên Hiệp Quốc và Cơ quan tuyển dụng dành cho người Tỵ nạn Palestine ở vùng cận đông. Mẹ tôi nhận được cuộc điện từ chú, ông nói rằng gia đình tôi có thể đến trú tạm chỗ nhà vợ ông ở Jabalia, tên của trại tỵ nạn lớn nhất ở dải Gaza nơi hàng chục nghìn người đang sinh sống.

Rồi vợ tôi, chị dâu, mẹ cùng các chị em ruột và lũ trẻ vội đi đến khu trại ấy bằng xe hơi. Anh lớn của tôi, anh rể và tôi thì theo sau bằng xe đạp. Giữa đường đi chúng tôi thấy hàng tá gia đình đang cuốc bộ, tay xách nách mang những gì họ có thể mang vác. Không lâu sau đó Israel sẽ ra hiệu lệnh di tản đến hàng triệu cư dân ở miền bắc Gaza, một yêu cầu mà chính Liên Hiệp Quốc cũng gọi là “bất khả thi".

Tối hôm đó vào khoảng 8 giờ 30, căn hộ nơi chúng tôi đang trú ngụ bỗng sáng lòa bởi một vụ nổ. Bụi mịt mù tràn vào mọi ngóc ngách căn phòng, xung quanh mọi người gào thét, tiếng thét của họ cũng đinh tai không thua gì vụ nổ. Tôi chạy vội ra ngoài nhưng chẳng đi được xa bởi trên đường giờ đây ngổn ngang mảnh vụn và những cây cọc thép. Cách đó khoảng chừng 50 mét, xe hơi của anh rể tôi đang bốc cháy, căn nhà gần đó cũng đang bị nuốt trọn trong ngọn lửa dữ. Tôi ngước mắt nhìn lên tầng hai căn nhà đó, nơi giờ đây chẳng còn bốn bức tường và thấy dáng hình một người đàn bà đang cheo leo đứng bên mép vực, trong tay bà ôm một đứa trẻ bất động.

Những căn nhà ở Jabalia bé đến nỗi phòng khách tràn ra đường. Bạn có thể nghe thấy hàng xóm đang nói gì, có thể ngửi thấy mùi thức ăn vươn ra từ căn bếp. Nhiều con hẻm rất hẹp chỉ chừng một mét. Sau hai ngày ở khu trại, vào sáng thứ bảy, gia đình chúng tôi chẳng còn gì để ăn. Israel đã cắt đứt đường vận chuyển lương thực, điện nước, năng lượng lẫn thuốc men đến toàn dải Gaza. Tôi đi tìm một hiệu bánh, nhưng trước cửa tiệm là hàng trăm người đang đứng đợi mỏi mòn. Chỉ mới hai ngày trước cuộc tấn công nhà tôi vừa ăn bánh pita. Mớ bánh thừa vẫn còn trong tủ lạnh ở căn nhà tại Beit Lahia.

Tôi quyết định quay về nhà mà không nói với mẹ hay vợ tôi. Tôi biết chắc chắn họ sẽ ngăn cản ý định đó. Chuyến đi chỉ vỏn vẹn mười phút, tôi thấy hai bên vệ đường bao người đang đi về hướng ngược lại, trĩu nặng trên vai họ là túi to áo quần, chăn nệm và thực phẩm. Một cảm giác đáng sợ chợt thoáng qua khi tôi nhận ra chẳng còn hình ảnh lũ trẻ chơi đá banh hay bắn bi vui vẻ. Tôi nhủ thầm đây chẳng còn là khu phố mà mình từng quen thuộc.

Trên đường lớn, tôi bắt gặp những cảnh tượng kinh hoàng khác. Một cửa hiệu nơi tôi từng đưa lũ trẻ đến mua nước trái cây và bánh bích quy giờ chỉ còn là tàn tích gạch vụn. Cái tủ lạnh nơi từng chất đầy kem giờ ngổn ngang đá cuội. Tôi ngửi thấy mùi thuốc nổ lẫn trong mùi thịt cháy.

Tôi đạp nhanh hơn. Tôi rẽ trái hướng về nhà mình.

Tôi được sinh ra ở Al-Shati, một trong tám trại tỵ nạn ở dải Gaza. Vào năm 2000, khi cuộc khởi nghĩa Intifada thứ hai vừa bắt đầu, cha tôi quyết định chuyển cả gia đình đến Beit Lahia. Căn nhà mới của chúng tôi chẳng có cửa sổ còn sàn nhà thì trơ trụi không viên gạch lót. Những ống dẫn nước lộ ra khắp nơi trong căn bếp và phòng tắm.

Cha tôi đã vay tiền để mua một mảnh đất kề bên vào năm 2010, nơi ông cùng mẹ gieo trồng cây ăn quả như là ổi, chanh, cam, cây đào và cả xoài cùng nhiều loại rau khác. Ông cũng tìm thấy thú vui trong việc chăn nuôi và có một đàn gà, vịt, một đám thỏ và cả bồ câu trong khu vườn.  

Sau chương trình nghiên cứu sinh Hoa kỳ vào năm 2021, tôi trở về Gaza và bất ngờ thấy cha mẹ đã trùng tu căn hộ của vợ chồng tôi trong thời gian tôi vắng nhà. Họ mua cho chúng tôi thảm mới, bộ ly thủy tinh, chén dĩa mới và cả một chiếc bàn làm việc mới cóng! Họ đóng cho tôi một chiếc tủ nơi tôi sẽ chất đầy những cuốn sách vừa mua sau chuyến đi. Trần nhà cũng được sơn lại cùng hoa văn tôi yêu thích với một ngôi sao màu nâu-vàng ở chính giữa, bao quanh bởi những hình tam giác, hình tròn nhỏ và một chiếc cầu vồng. Những hình ảnh, sắc màu đó đó đứng cạnh nhau, ôm lấy nhau, hòa thuận bên nhau cứ như bao người hàng xóm xa lạ sống cùng tầng trong tòa nhà vậy. Giây phút vừa nhìn thấy những hoa văn này, tôi lập tức hiểu rằng cha mẹ yêu thương mình đến nhường nào.

Những tưởng tôi là người duy nhất trên đường nhưng khi đến gần tòa nhà, tôi bất ngờ thấy anh hàng xóm Jaleel đang tưới cây, một tay kẹp điếu thuốc. Anh bảo tôi rằng vợ và em dâu anh đang ở trong nhà giặt đồ, họ đang đổ nước đầy bình và nhồi thức ăn vào túi nhựa bởi họ đang tỵ nạn ở một trường học, và ở đó không có nước sạch, nhà vệ sinh vô cùng bẩn thỉu, thế nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác.

Thở phào nhẹ nhõm khi thấy tòa nhà nơi mình từng sống vẫn còn đứng vững, tôi cuốc bộ đến căn hộ ở tầng ba. Tôi ghé qua căn bếp trước tiên. Cửa tủ lạnh và ngăn đá vẫn còn để hở như lúc mà chúng tôi vội vàng chạy đi, vì không còn đủ điện nên mọi thứ bắt đầu phân hủy, trừ mớ bánh mì vẫn còn cầm cự được.

Tôi tiến vào thư phòng nơi tôi thường ngồi viết thơ, truyện ngắn và tiểu luận, nơi tôi từng dành hàng giờ đọc Kalil Gibranm Naomi Shihab Nye, Mary Karrr và Mahmoud Darwish. Mọi thứ giờ đây phủ đầy bụi, cửa kính vỡ nát, một vài cuốn sách đã rơi khỏi kệ. Tôi lấy vài thỏi kẹo từ hộc tủ mang về cho lũ trẻ.

Rồi tôi bước vào phòng khách. Cửa sổ vẫn mở như mọi khi, và tôi ước gì mình có thể khép chúng lại vì mùa đông lạnh sắp tới nhưng toàn bộ cửa sổ đã vỡ tan bởi rung chấn từ vụ nổ, và giờ thì ai mà có tiền để sửa cửa sổ ở Gaza? Tấm rèm từng thổi tung vào người tôi dưới cơn mưa bom giờ đang nhẹ nhàng đung đưa trong cơn gió.

Tôi ngồi trên ghế bành, ngước mắt nhìn lên trần nhà, những hoa văn đủ sắc hình vẫn còn sáng lên trong nước sơn mới. Chùm đèn lơ lửng trên đầu. Hai trong số chúng được nối dây, một thì dùng pin phòng khi cúp điện, nhưng giờ đây không còn cái nào hoạt động cả.

Một đợt nóng bất thần ập đến vào buổi chiều. Chẳng còn tiếng động cơ xe máy rì rầm và âm thanh của chiếc xe kem quen thuộc ngày thường, chỉ còn tiếng vo ve của những chiếc drone đang bay trên đầu. Chẳng còn học sinh rộn ràng trên đường về nhà lúc tan trường, chẳng còn những gia đình chở nhau đi đến bãi biển, và vườn cây giờ đây im bặt tiếng chim. Bên tai tôi vang vọng tiếng còi hụ inh ỏi từ xe cứu thương và cứu hỏa, những dòng tin tức rò rè trên đài, và vẳng lại từ xa là những tiếng nổ, lúc thỉnh thoảng, lúc liên tiếp không ngừng. Một bản hòa âm mới mẻ nhưng vô cùng xa lạ.

Dường như có một con ruồi mắc kẹt trong phòng khách. Giờ đây việc đuổi nó đi chẳng còn quan trọng nhưng tôi vẫn muốn vén rèm rồi mở tung cửa sổ. Rồi một vụ nổ bất thình lình dội xuống thổi tôi bay về góc tường, ngay sau đó là cơn rung chấn dữ dội trên mặt đất và cả trong tim tôi. Những cuốn sách đang rơi xuống từ trên giá.

Đàn chim hối hả bay lên trời, một con không bắt kịp rồi rụng xuống khi chưa kịp ngóc đầu. Có lẽ một hòn đá đã đập trúng nó. Ai sẽ băng bó cho nó khi giờ đây thậm chí chẳng có đủ bác sĩ cho con người?

Tôi quay lại chiếc ghế và nhìn vào điện thoại đang sáng lên những dòng tin mới: “Hai vụ nổ lớn ở Beit Lahia, thông tin đang được cập nhật.” Tôi tự hỏi điều gì đã xảy đến với con ruồi. Đây có phải là lời cảnh báo cho cả hai chúng tôi: đừng di chuyển.

Một ý nghĩ bất thần ập tới và tôi không thể giũ nó khỏi đầu. Tôi bâng khuâng liệu chính mình có trở thành một số liệu hay không? Tôi tưởng tượng bản thân đang chết dần mòn trong khi cái tên mình được xướng lên trên đài.

Tôi nhớ đến một ngày vào năm 2020, khi tôi cùng vợ chứng kiến bão tuyết ở Syracuse, New York. Người dân túa ra từ trong nhà để xem điện có bị cúp hay chưa. Vợ tôi bật cười khi tôi nói rằng “Nếu mấy người này ở Gaza, họ sẽ bâng khuâng ở ngoài đường cả ngày.”

Tôi vẫn nhìn chăm chăm lên trần nhà nơi chẳng còn con ruồi nào đang bay. Trà đã pha xong nhưng tôi chẳng còn tâm trạng nào để uống. Bụi mù từ hai cú nổ đang dần rơi xuống ghế sô-pha, phủ một lớp mỏng trên bàn, bám vào tấm thảm. Tôi khép cửa sổ lại một chút chỉ để chừa ra một khe hở.

Tôi quên nhắc đến tiếng chó. Thường ngày bọn chúng chẳng khiến tôi để tâm nhưng từ sau khi Israel liên tục công kích, lũ chó đã trở nên ồn ào hơn hẳn. Đôi khi vào ban đêm, chúng tru lên một cách thê lương như đang khóc.

Trần nhà cũng đang trừng trừng nhìn lại, rồi tôi khép mắt. Khi mở mắt ra, những ngôi sao, hình tròn và tam giác bên cạnh cầu vồng vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Cách chúng bám vào trần nhà cứ như đứa trẻ bấu víu bầu ngực mẹ. Trong một phút giây, tôi ước sao mình có thể quay về làm một đứa nhỏ.

Một tiếng nổ khác rền vang mà không để lại vệt khói. Cảm giác kinh hoàng chạy dọc sống lưng, tôi tưởng như mình bị mù mỗi lần nghe tiếng nổ mà không nhìn thấy nó xảy ra ở đâu. Tôi nghĩ đến trại tị nạn nơi gia đình mình đang trú ngụ, tôi nghĩ đến đứa con gái bảy tuổi là Jaffa. Con bé chưa bao giờ hỏi tôi “Ai đang ném bom chúng ta vậy cha?”, nó chỉ khóc lên rằng “Cha ơi, bom đang rơi! Con sợ! Con muốn trốn đi!”

Tôi gọi cho vợ mình Miriam. Cô ấy bảo rằng mọi người đều “ổn”. Bọn trẻ “đang xem video trên Youtube”, bởi đó là thứ duy nhất có thể phân tán sự chú ý của chúng khỏi những vụ nổ.

Tôi vội gom một tá trứng, ít thịt bò, thịt gà, bánh mì còn ăn được trong bếp. Tôi không dám lấy nồi hay chảo vì sợ rằng những chiếc drone Israel sẽ tưởng nhầm chúng là súng hay pháo. Tôi lấy thêm một dây sạc điện tử ở thư viện, rồi thoáng nhìn lại chồng sách trên bàn làm việc trước khi rời đi. Chúng ở đó, như đang đợi chờ tôi tiến đến chọn một cuốn mang ra vườn, nơi tôi sẽ nằm dưới tán cây ăn trái rồi tận hưởng cuốn sách trong một buổi chiều êm ái. Tôi ước ao được nếm vị ngọt của nước ép ổi, hay một chút nước chanh mát ngay bây giờ.

Tôi lại ngồi xuống ghế sô pha để lấy hơi rồi lại ngước nhìn trần nhà. Suốt bảy ngày qua, bao căn nhà đã đổ sập xuống những gia đình chúng từng cưu mang rồi nghiến chết họ, có lẽ nào trần nhà của tôi cũng sẽ rơi xuống và chôn vùi tôi? Cái gì sẽ giết chết tôi? Những hình tam giác nhỏ? Hay là mảnh cầu vồng? Hay những ngôi sao màu vàng và nâu?

Trên đường đạp xe về lại trại tị nạn Jabalia, tôi có thể cảm thấy ánh mắt bao người bên đường đang dõi nhìn túi đồ ăn giắt trên xe mình. Tôi có thể hiểu được tâm trạng họ, rằng họ cũng ước ao được quay về nhà để mang đi tư trang cần thiết.

Gần đến “nhà”, tôi phải đạp qua một con đường đầy đá vụn và mảnh bom. Tôi cẩn thận luồn lách để bánh xe không phát nổ dưới sức nặng của tôi cùng bao túi đồ lỉnh kỉnh. Xung quanh là bao gia đình đang lê bước, có vài đứa trẻ đang chơi nhảy lò cò. Có lẽ họ sẽ giật mình kinh hoảng nếu lỡ như chiếc bánh xe này phát nổ.

Buồng giam (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Buồng giam”

Mahmoud Darwish (1941 - 2008)

From English translation by Ben Bennai

——

Có thể đấy

Đôi khi, hoàn toàn có thể

Nhất là ngay giây phút này

Tôi có thể nhảy lên lưng ngựa

Giữa chốn tù đày

Rồi chạy thoát.

Và bốn bức tường xà lim

có thể tan biến

để những buồng giam hóa dải đất xa

Nơi không tồn tại đường biên giới.

Mày đã làm gì với bức tường?

Tôi trả chúng về cùng đất đá.

Thế mày đã làm gì với trần nhà?

Tôi biến chúng thành yên ngựa.

Còn những ràng xích sắt?

Tôi biến chúng thành mẩu bút chì.

Rồi gã cai ngục nổi điên

Hắn buộc tôi ngậm miệng

Hắn nói rằng thi ca thật vớ vẩn,

rồi sập cửa buồng giam.

Nhưng rồi buổi sáng

Hắn quay lại

Rồi quát lên:

Nước ở đâu ra?

Tôi mang đến từ dòng chảy sông Nile.

Còn những cái cây

Và thứ âm nhạc này?

Từ nhịp đập trong huyết quản.

Rồi gã cai ngục nổi điên

Hắn buộc tôi ngậm miệng.

Hắn nói rằng bài thơ của tôi thật ngớ ngẩn,

rồi sập cửa buồng giam.

Nhưng rồi đêm đấy hắn trở lại:

Mặt trăng này từ đâu đến?

Có lẽ là đêm dài thành Baghdad.

Còn những giọt rượu?

Từ rặng nho trên đồi Algiers

Thế còn tự do?

Từ hàng xích sắt anh tròng vào người tôi đêm qua.

Tên cai ngục chợt buồn bã

rồi van nài tôi hãy trả lại cho gã

tự do.

---

(Hoài Phương dịch)

Ảnh minh họa: Một nghệ sĩ người Ý đang vẽ tranh bích họa chân dung Ahed Tamini, một bạn nữ người Palestine nổi tiếng sống tại Tây Ngạn, được như một biểu tượng của sự phản kháng. Ahed Tamini nổi lên sau những bức ảnh mà phóng viên chụp lại khi cô chỉ mới mười hai tuổi, một bé gái nhỏ bé gầy còm vung nắm đấm trước mặt những binh lính Israel được trang bị võ khí tới tận răng. Cô cũng từng chất vấn những người lính Israel tại chốt kiểm soát rằng vũ khí họ mang đầy mình có phải để giết trẻ em, phụ nữ, người vô tội. Khi người lính trả lời rằng vũ khí này là để tự vệ, không để giết ai cả, cô đã hỏi rằng: "Vậy nếu tôi bước qua chốt chặn này, anh có bắn tôi không?" sau đó thản nhiên bước qua chốt chặn trong sự ngạc nhiên của những tên lính lẫn gia đình của chính mình. Cô cùng mẹ bị bắt đi tù vì cô đã tát một người lính Israel sau khi em họ cô bị bắn vào đầu bằng đạn cao su. Biểu tình đã nổ ra khắp thế giới đòi trả tự do cho Ahed Tamini, và hai nghệ sĩ người Ý này đã vẽ nên bức bích họa chân dung cô trên một phần bức tường phân biệt chủng tộc ở Bethlehem. Hai người nghệ sĩ này sau đó đã bị bắt và ngay lập tức bị trục xuất khỏi Israel. Ahed Tamini cùng mẹ là một trong những người được phía Israel trả tự do trong cuộc trao đổi con tin gần nhất.

Không đề by Phuong Nguyen

Một bài thơ tình cờ thấy trên Trang Darwishism, đọc tới đâu xúc động tới đó nên dịch lại chia sẻ đến mọi người. Không rõ tên tác giả nên Thơ Palestine assume là admin page đó tự viết. Mình sẽ update thông tin nếu admin bên đó trả lời nha. Link đến bài tiếng anh trong comment.


Trong lòng tôi có tấm bản đồ Palestine
nơi lịch sử dệt nên trong mỗi nét viền
nơi bản làng thầm thì kể nên huyền thoại cũ
từng câu chuyện khơi mở dưới tán ô-liu.

Từ bãi biển Gaza đến cổng thành Bethlehem
xuyên qua con đường hẹp cổ xưa ở Nablus,
là những bức tường vĩ đại của Jerusalem
uy nghiêm trấn giữ cho ký ức đừng sụp đổ

Khắp phố phường Ramallah ngân vang âm vọng
của những đấu tranh trên vùng đất linh thiêng
Những câu chuyện xuôi trên ngọn đồi của Hebron
nơi bất công nhỏ lệ thấm đẫm buồng tim!

Từ Jenin bát ngát cánh đồng đến hàng cọ ở Jericho
là bao bài thánh ca cẩn trên từng viên đá,
là những vết sẹo cắt sâu trên dải đất quê nhà,
nhưng dưới muôn vì sao, hy vọng bừng nở đến vĩnh hằng.

Bởi trong tim ta, tấm bản đồ này sống mãi,
như bản chúc thư cho đau đớt quật cường,
trong mỗi câu chuyện là lửa hồng phát sáng
là nỗi khao khát cho tự do ngút ngàn!


Chủ nghĩa Zion. Đôi nét về Theodor Herzl (2) by Phuong Nguyen

“Ta sẽ mang theo tất cả bọn người ăn xin và bán hàng rong, và lũ quỷ sứ có thể giữ lại những ai không muốn rời khỏi, những kẻ không muốn làm việc.
Một khi ta đã lấy đi tất cả đám người nghèo túng thì ai cũng sẽ thở phào nhẹ nhõm.
Sự rực rỡ của người Do thái sẽ không còn là gánh nặng của Châu Âu. Bởi những ai thấu đáo sẽ sớm xây nên cung điện ở chân trời mới.
Nhưng rồi tiếng thở phào đó từ từ sẽ hóa thành cảm giác mất mát; tuy nhiên đến thời điểm đó thì chúng ta đã hoàn toàn ổn định ở vùng đất mới, chúng ta sẽ có quân đội và bộ máy ngoại giao.
Khó tìm nhất là những người làm công tác ngoại giao, vì chúng ta đã mất sạch phong cách sau thời gian dài bị cầm tù.


Gửi đến các quý ông của Glion:
Nhà Rothschilds chẳng hề biết rằng tài sản của họ đang gặp nguy. Họ sống trong một cái vòng tròn giả dối với những cận thần, người hầu kẻ hạ, với những người làm công, nghèo túng và lũ quý tộc ăn bám.
Đây chính là giải pháp, bởi tôi sẽ có thể làm hài lòng tất cả:
Người nghèo, kẻ giàu, công nhân, học giả, chính phủ, và cả những kẻ bài Do Thái.”

(Trang 44)

***

“Đầu tiên ta sẽ thương thuyết với Sa Hoàng (Mà người bảo trợ cho chúng ta: hoàng tử xứ Wales sẽ sớm giới thiệu) để xin phép ngài để những người Do Thái Nga rời khỏi Nga.
Ngài ấy phải hứa danh dự và ta sẽ in những lời này lên báo chí (ngài sẽ tin rằng ta chỉ có thể lấy đi vài trăm ngàn thôi)
Sau đó ta sẽ thương thuyết với Hoàng Đế Đức. Sau đó là Áo. Rồi đến Pháp, về vấn đề người Do Thái Algeria, và sau đó thì tùy theo nhu cầu.
Để có được tự tôn trọng ở những vương triều Châu Âu, thì ta phải có được những chiếc huy chương danh dự nhất. Đó là Anh Quốc.”

(Trang 52)

****

“Ngôn ngữ không phải là rào cản, bởi Thụy Sĩ cũng là một liên bang của nhiều dân tộc khác nhau.
Chúng ta sẽ xem bản thân như là một quốc gia dựa xây dựng trên nền tảng đức tin.
Thực ra, Tiếng đức có khả năng sẽ trở thành ngôn ngữ chính thức. Judendeutsh (Tiếng Đức được nói bởi người Do Thái) và cái băng tay màu vàng ấy sẽ trở thành chiếc nơ xanh đính trên chúng ta.
Ta cũng không có vấn đề gì với tiếng Anh hay tiếng Pháp! Ta sẽ ủng hộ thanh niên chơi những môn thể thao Anh Quốc, bằng cách này họ cũng sẽ được rèn luyện cho quân đội.”
(Trang 57)

****

“Lưu ý rằng cuộc chiến tiếp theo ở Châu Âu sẽ không làm tổn hại đến tài sản của chúng ta mà đem lại lợi ích, bởi vì tất cả người Do Thái đã vận chuyển tài sản của họ ra khỏi đất nước, đến một nơi an toàn.
Những kẻ hèn nhát sẽ muốn trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong Đất nước của chúng ta khi có chiến sự. Nhưng cũng như ta muốn ủng hộ bọn đào ngũ chạy đến bên ta giữa thời bình, ta sẽ nghiêm cấm việc này giữa thời chiến, nhân danh lòng tự hào Do Thái.
Hãy để những kẻ chần chừ không đứng về phía chúng ta ngay từ đầu hoàn thành bổn phận của họ, ở lại và chiến đấu. Rồi khi chiến tranh đã qua, chúng ta sẽ đón nhận họ trong danh dự, ban cho họ những danh hiệu cao quý hơn những gì quê hương trước đó có thể trao tặng. Bằng cách này quân lực của chúng ta cũng sẽ có những chiến binh từng kinh qua trận mạc và đã đối diện cái chết, điều này sẽ giúp quân đôi của chúng ta thêm phần uy tín.”
(Trang 65)

***

“Và rồi khi hòa bình được kí kết, tiếng nói của chúng ta sẽ có trọng lượng hơn với tư cách bên cung cấp tài chính, chúng ta sẽ đạt được sự công nhận thông qua những kênh ngoại giao.”

(Trang 65)

***

“Nếu chúng ta đi đến Nam Mỹ, một vùng đất tôi khá ưu ái lựa chọn này bởi nó cách xa Châu Âu vừa quân sự hóa, vừa bẩn thiểu, hiệp ước đầu tiên ta phải đạt được là với những nước Cộng hòa Nam Mỹ.
Chúng ta sẽ cho họ những khoản vay đổi lại đặc quyền lãnh thổ cũng như sự bảo đảm. Một trong những điều kiện quan trọng nhất là họ phải cho phép có một đội quân tự vệ.
Hồi đầu ta sẽ cần xin phép của họ, nhưng rồi từ từ chúng ta sẽ ngày càng lớn mạnh, có thể tự cung tự cấp mọi điều, và rồi ta sẽ chẳng cần nể nang ai nữa cả.
Trong một khoảng thời gian chúng ta sẽ cần có sự bảo vệ của những đội quân trực thuộc đất nước đón nhận ta. Sau đó thì chúng ta sẽ kí kết một liên minh độc lập với họ.
Chúng ta cần phải có những chính sách hòa hợp giữa Nam Mỹ và Châu Âu.
Nếu chúng ta đến NAm Mỹ, thì việc lập quốc sẽ nằm ngoài tai mắt của Châu Âu trong một khoảng thời gian đáng kể.
Và tại Nam Mỹ, thời gian đầu chúng ta cần phải sinh hoạt theo luật lệ, để tâm đến hiệp ước dẫn độ vân vân, của đất nước đón nhận ta (và Châu Âu)
Quân tự vệ của chúng ta sẽ luôn chiếm khoảng 10% tổng số đàn ông nhập cư. Bằng cách này chúng ta có thể có một quân đội mà không bị chú ý, và chúng ta sẽ tiến hành mọi thứ thật cẩn thận trong thời gian dài, chúng ta sẽ khai thác triệt để kẻ thù của những nước cộng hòa, đồng thời duy trì tình hòa hữu thông qua những món quà tặng, hối lộ và những khoản vay.
Việc vượt biển sẽ được tiến hành bởi các nhóm địa phương cùng các đơn vị xã hội.
Sẽ có những tàu hạng nhất, hạng hai, hạng ba, mỗi tàu sẽ có hệ thống hướng dẫn cùng phương tiện giải trí phù hợp với tầng lớp.
Bằng cách này ta có thể tránh những mâu thuẫn về khác biệt giai cấp (có thể quan sát khi ở gần nhau quá nhiều ngày)
Ai cũng phải trả tiền vượt biên. Ta muốn sự xa hoa, và không cần sự ghen tỵ không đáng.

(trang 70)

****
"Những người Do Thái nhỏ bé có thể sẽ tập hợp thành những nhóm nhỏ địa phương, rồi quyên góp bù vào số tiền mà nhà Rothschild đã từ chối cung cấp. Nhưng liệu tôi có thể nhận món tiền này sau khi kế hoạch của tôi được phơi bày trước thế giới? Những người Do Thái giàu sụ sẽ từ chối rồi khiến dự án này thất bại sau; bởi tất nhiên, họ có lẽ sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt hại.

(Trang 80)

***
Trong những chuyến đi tôi sẽ mời một số những người trọng vọng (không phải những kẻ giàu nhất) đến buổi họp đầu tiên, tôi sẽ bắt họ thề phải giữ bí mật về kế hoạch mà sớm thôi tôi sẽ công bố với Hội Đồng. Một cuộc họp lớn hơn sẽ diễn ra sau đó, và quy mô sẽ được bàn bạc trong cuộc họp đầu tiên. Trong cuộc họp này tôi sẽ công bố về kế hoạch “rò rỉ” - tuy nhiên tôi sẽ không vội nói về một Quốc gia - họ chỉ cần biết rằng chúng ta đang tìm một nơi an toàn cho tài sản, nguồn vốn của chúng ta, một vùng đất mới cho dân lao động. Nhưng ta phải cẩn thận không để một đất nước nào dính líu đến công việc của những “hội kín.” Có lẽ ta sẽ phải gặp riêng từng đại diện và buộc họ viết xuống lời thề.
Tôi phải hết sức cẩn thận về hiểm họa của những “hội kín” này ở bất cứ đâu. Đó là lí do chiến dịch tuyên truyền của chúng ta phải được thực hiện bởi những kẻ cẩn trọng nhất. Rồi tôi sẽ che giấu bản thân bằng cách gửi một số “hướng dẫn tối mật” đến chính quyền đợi họ phê chuẩn.
Dù sao thì chúng ta vẫn muốn mọi việc tiến hành dưới sự đồng ý của chính quyền, nhưng không cần sự phiền hà gây ra bởi bè lũ nghị viện và báo chí.

(Trang 82)

****

Một ý tưởng tuyệt vời, chúng ta có thể mời những kẻ bài Do Thái uy tín trọng vọng như những đơn vị thanh lý tài sản.
Bởi quần chúng cần sự đảm bảo rằng việc chúng ta rời đi sẽ không khiến đất nước họ rơi vào cảnh kiệt quệ.
Ban đầu, họ sẽ không được trả nhiều tiền cho công việc này, bằng không chúng ta sẽ làm hỏng việc của mình, và khiến họ mang tiếng như là “lũ bù nhìn cho bọn Do Thái”
Ta sẽ trả nhiều tiền cho họ hơn sau đó, để rồi dần dần ở những quốc gia mà chúng ta đã rời khỏi sẽ chỉ còn lại các quan chức không phải người Do Thái.
<<Những kẻ bài Do Thái sẽ trở thành những người bạn đáng tin cậy nhất của chúng ta, những quốc gia bài Do Thái sẽ trở thành đồng minh của chúng ta.>>
Chúng ta sẽ di cư trong danh dự.

(Trang 85)

****

Khi chúng ta chiếm đóng vùng đất mới, chúng ta phải ngay lập tức mang lại lợi ích cho đất nước đón nhận chúng ta. Chúng ta phải khéo léo chiếm đoạt tài sản tư nhân trên những mảnh đất họ giao cho ta.
Chúng ta sẽ thử vận chuyển những kẻ nghèo khó bần cùng (dân địa phương) qua biên giới bằng cách tạo việc làm cho họ ở những quốc gia trung gian kề cận, đồng thời không cho phép họ làm việc trong đất nước của chúng ta.
Những chủ doanh nghiệp sẽ đứng về phía chúng ta. Cả hai quá trình: thâu tóm tài sản và loại bỏ cộng đồng nghèo khổ kia cần phải được thực thi một cách kín đáo và vô cùng cẩn trọng.
Hãy khiến những người chủ bất động sản tin rằng họ đang ở trên cơ, rằng họ đã lừa được chúng ta bằng cách bán mọi thứ cho ta với giá cao hơn giá trị thật của chúng.
Nhưng chúng ta sẽ không bán lại cho họ bất cứ cái gì cả.

(Trang 88)

***

Tôi cũng không cần phải nói ra rằng chúng ta sẽ chấp nhận những người khác đạo, chúng ta cũng sẽ bảo vệ tài sản của họ, danh dự của họ, tự do của họ với sự ép buộc nghiêm khắc nhất. Đây là một lĩnh vực khác mà chúng ta sẽ đặt ra một ví dụ tuyệt vời cho thế giới cũ.
Mới đầu, dĩ nhiên mọi người sẽ xa lánh chúng ta, chúng ta chắc chắn sẽ bốc mùi hôi thối.
Nhưng rồi khi quan điểm của thế giới hoàn toàn xoay chuyển theo hướng có lợi cho chúng ta, chúng ta sẽ đặt ra những nền móng vững vàng cho một đất nước mới. Chúng ta sẽ không phải sợ hãi làn sóng nhập cư nước ngoài, chúng ta sẽ đón những người khác với lòng nhân từ mang cung cách quý tộc cùng sự hiền hòa kiêu hãnh.

(Trang 89)

****

“Chúng ta sẽ chỉ bán cho riêng người Do Thái, và tất cả bất động sản sẽ được giao dịch chỉ riêng giữa những người Do Thái. Tất nhiên, chúng ta không thể làm vậy chỉ bằng cách không công nhận những giao dịch khác. Mặc dù không đi ngược lại khái niệm công bằng của thế giới hiện đại, thì chúng ta chưa đủ sức mạnh để thực hiện điều này.
Do đó, chúng ta phải canh giữ cẩn thận từng giao dịch bất động sản thông qua quyền mua lại của một Công ty. Nếu như người chủ sở hữu muốn bán một bất động sản nào đó, chúng ta sẽ có quyền mua lại ở giá bán ban đầu. Chúng ta sẽ thêm cho họ một khoản bồi thường cho những cải thiện nhất định được xác định bởi một hội đồng các chuyên gia, gồm có một người do bên chủ sở hữu chỉ định và một người bên phía chúng ta. Nếu hai người này không đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ tìm một bên thứ ba không liên quan để đưa ra quyết định.
Quyền mua lại này sẽ là một sự ưu ái đặc biệt, không thể thu hồi bằng khoản vay thế chấp.

(Trang 89)

***

“Với những tài sản được thâu tóm một cách tự nguyện, ta cần phải sử dụng những nhân viên đại phương, và những người này tuyệt đối không được biết rằng người chủ thuê anh ta thực ra là một mật vụ, đã thừa lệnh từ một đầu não “Ủy ban mua bán tài sản”
Những giao dịch này phải được mua một cách đồng thời, tức khắc như thể một nút bấm điện tử. Những mật vụ của chúng ta sẽ tự xuất hiện như những người mua tự do, sẽ nhận được tín hiệu “Marchez (Tiến lên)! Và trong vòng một tuần, các giao dịch phải được hoàn tất, nếu không giá cả sẽ tăng lên chóng mặt.
Tất nhiên, trước đó chúng ta phải nghiên cứu kĩ lưỡng về những loại giấy tờ sở hữu (nếu có) thông qua những cuộc điều tra bí mật, thăm dò từng trường hợp cụ thể, vv…
Những chủ đất có sự gắn bó đặc biệt với vùng đất của họ bởi vì tuổi già, thói quen, hay sao đó, sẽ được đề xuất một giải pháp về việc di cư đến bất cứ nơi nào họ muốn, như những người của chúng ta vậy. Đề xuất này chỉ được đưa ra khi mọi nỗ lực giao dịch trước đó đều thất bại.
Và nếu cũng không được, thì cũng chẳng phải là tổn thất lớn, ta sẽ không làm hại họ. Sự gắn bó sâu sắc với đất đai thường chỉ diễn ra ở những khu đất nhỏ. Những điền trang lớn luôn có một cái giá nhất định.
Nếu có quá nhiều chủ đất như vậy trong một khu vực, thì ta sẽ để mặc họ và phát triển về thương nghiệp ở những khu vực khác thuộc quyền sở hữu của chúng ta.

(Trang 90)

***

Ngay cả khi Gudemann cũng thất bại, ta sẽ gửi Baron Jacob đến gặp Edmond - một thành viên gia tộc Rothschilds Palestine, và ta sẽ nhờ ông ta sắp xếp một buổi nói chuyện.

(Endmond James de Rothschild người Pháp là một thành viên của hệ thống ngân hàng Rothschilds và cũng là một mạnh thường quân lớn cho Zionism. Không rõ vì sao trong đoạn này Herzl gọi ông là Palestine Rothschild)

(Trang 99)

****

Trong thư gửi đến Dr. Gudemann và nhờ ông đến gặp Albert Rothschild:

“Tôi khá thờ ơ với tính Do Thái trong mình; có thể nói tôi chẳng hề ý thức được nó. Nhưng cũng như cách mà làn sóng bài Do Thái đã buộc những kẻ Do Thái nửa vời, hèn nhát, ích kỷ tự cải đạo sang Thiên Chúa giáo, nó cũng đã buộc tính Do Thái trong tôi phải trồi lên mặt nước. Chẳng hề liên quan gì đến sự sùng đạo cả. Mặc dù tôi có lòng tôn kính với đức tin của tổ tiên chúng ta, tôi không phải là một kẻ cuồng tín và sẽ không bao giờ trở thành như thế.

Nhưng tôi sẽ không làm điều gì đối lập với tôn giáo, mà trái lại, tôi thực sự muốn làm việc với những vị rabbi, tất cả những vị rabbi”
(Trang 109)

****

Trong lá thư thứ tư gửi đến Baron Hirsch:

“Hiện tại ta chưa thể giúp đỡ người Do Thái. Nếu giờ anh dẫn một người đến Vùng Đất Hứa, hắn ta sẽ cười cợt và phỉ báng anh. Bởi vì hắn ta quá là tha hóa.
Tuy nhiên, tôi biết rõ vùng đất đó ở đâu, trong chính chúng ta! Trong tài sản của chúng ta, nhân công của chúng ta, trong sự kết hợp kì ảo của hai yếu tố mà tôi đã nghĩ ra. Nhưng chúng ta phải lún sâu hơn nữa. Chúng ta cần phải bị sỉ nhục nhiều hơn nữa, bị phun nước bọt vào mặt, bị chế giễu, đánh đập, bị cướp bóc, bị giết nhiều hơn nữa trước khi ý tưởng này chín rũ trong lòng chúng ta.
Hiện tại, chúng ta phải chịu đựng sự phỉ báng giữa xã hội thượng lưu nơi chúng ta phải cố gắng thể hiện mình, phải chịu đựng sức ép kinh tế ở tầng lớp trung lưu, và những thảm kịch ghê gớm nhất ở những tầng lớp thấp kém.
Chúng ta chưa đủ tuyệt vọng. Đó là lí do vì sao một người cứu rỗi lại hóa thành trò hề, để rồi bị cười cợt. Cười cợt ư? Ôi không, thậm chí chỉ là một nụ cười; họ còn chẳng còn đủ sức mạnh để cười thành tiếng nữa.”

(Trang 116)

——

(Hoài Phương dịch)

Hôm nay nhiêu đây nhé các bạn.


Đường đắng (Tawfiq Zayzad) by Phuong Nguyen

Đường đắng
Tawfiq Zayzad (1929 - 1994)

——

Hãy trả lời!
Ta cất tiếng gọi Palestine, một quê hương
chằng chịt vết thương, muối mặn thấm đẫm.
Ta gọi như thét gào: Xin cho ta hòa vào người
để rồi chảy tràn.
Ta là đứa con mà thảm kịch đã bỏ rơi
với lưỡi dao kề bên cuống họng.
Ta sống trong tiếng xào xạc của hoài niệm,
giữa đồn điền ô-liu.
Ta viết nên bài thơ ngọt đắng cho bao người cùng khổ,
Ta viết cho những phận đời cơ cực.
Ta cắm ngòi bút xuyên thấu trái tim đau,
nhúng vào mực chảy trong dòng máu.
Thức ăn của ta là bức tường thép 
Nước uống là cơn gió tháng mười thổi qua,
Ta khiến gương mặt kẻ cướp tứa máu
bằng những bài thơ bén tựa lưỡi dao.
Nếu sống lưng ta bị nghiến nát bởi ngàn mảnh vụn
ta sẽ thay thế nó với một chiếc hòm
chất nên từ đá cuội của làng Hittin!

——

(Hoài Phương dịch)

Tawfiq Zayzad (1929 - 1994) chính trị gia, thị trưởng thành phố Nazareth và là "nhà thơ phản kháng" người Palestine. Ông sinh ra tại Nazareth dưới thời Uỷ trị Anh Quốc, ông là một thành viên tích cực trong hội cộng sản từ khi còn trẻ. Ông từng lãnh đạo quần chúng trong nhiều sự kiện nổi dậy chống lại các sưu thuế bất công ban hành bởi nhà nước Israel, và cũng là lia do ông bị bắt bỏ tù nhiều lần, và bị hạn chế đi lại. Những tháng ngày trong tù là khi ông sáng tác thi ca mãnh liệt nhất. Từ năm 1962 đến 1964, ông đi học tại Moscow, và sau khi trở lại Palestine, năm 1975 ông được bầu làm thị trưởng thành phố Nazareth, một chiến thắng mà nhà nước Israel vô cùng gai mắt và cảm thấy đe doạ. Ông đã gây áp lực lên nhà nước Israel về cách đối xử bất công với người dân Palestine, tại Israel và cả lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ông qua đời năm 1994 khi vẫn còn đang nhậm thức thị trưởng.

"Đôi môi cắt hở" (Samih al-Qasim) by Phuong Nguyen

Một bài phỏng vấn từ năm 1983 với nhà thơ Samih al-Qasim, một người Palestine sinh sống tại Israel sau thảm họa al-Nakba, để thấy được những thách thức mà ông phải đối mặt khi lưu lại quê hương bị chiếm đóng trong khi vẫn liên tục cất lên tiếng nói vạch trần và đòi lại công bằng cho đồng bào của mình.

"ĐÔI MÔI RẠCH HỞ VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC"

Samih al-Qasim

”Tôi đã có thể kể lại

câu chuyện về chú chim sơn ca

đã chết

Tôi đã có thể kể cho anh

câu chuyện đó...

nếu như đôi môi tôi

không bị rạch hở.”

Samih Al-Qasim là nhà thơ sinh sống và làm việc tại Haifa. Sinh ra vào năm 1939, tuyển tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản vào năm 1958. Tập thơ thứ hai của ông mang tên “Khúc hát trong ngõ hẹp” (1965) được xuất bản với đầy trang giấy trắng. Nhiều dòng, đoạn thơ, thậm chí là toàn bộ bài thơ đã bị hệ thống kiểm duyệt của Israel xóa sạch. Năm 1967 khi ông đang bị bắt bỏ tù trong cuộc chiến 6 ngày, ông quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Israel. Vào năm 1968, ông từ chối để tuyển tập thơ của mình “Đợi cánh chim sấm” bị kiểm duyêt, và đã ngay lập tức bị bắt giam.

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện vào ngày 18 tháng sáu năm 1983 bởi một nhà văn người Yemen tên Abdullah al-Udhari, trong khuôn khổ buổi đọc thơ cùng nhiều nhà văn khác bị kiểm duyệt mang tên “Tiếng nói trong vòng phong tỏa”

(Abdullah Al-Udhari) Là một nhà thơ Palestine sinh sống tại Israel, ông có được sự tự do như những người đồng nghiệp Do Thái khác trong công việc của mình?

(Samih al-Qasim) Tôi sẽ thú thật với anh rằng từ “kiểm duyệt” đối với tôi khá thân thuộc, bởi tôi đã có nhiều trải nghiệm tồi tệ với hệ thống kiểm duyệt của Israel. Tôi tin rằng ngay cả những nhà văn Do Thái cũng không có tự do dưới thể chế Israel. Có lẽ anh từng nghe tên hai nhà biên kịch người Do Thái nổi tiếng, Hanoch Levine và Yeshuwa Sobol, gần đây hai vở kịch của họ đã bị kiểm duyệt và cấm công chiếu. Những ai rao giảng về tự do và dân chủ ở Israel hoàn toàn là lũ đạo đức giả. Chiếu theo luật của Israel, tôi có thể viết và đọc thơ chỉ trích Menachim Begin (cựu thủ tướng Israel) nhưng bộ luật đó cũng cho phép chính Menachim Begin tịch thu mảnh đất mà tôi sẽ đến để đọc bài thơ đó. Và ông ta làm đúng như vậy. Theo cá nhân tôi thì ngay cả thể chế tồi tệ nhất trên thế giới này vẫn còn khá hơn những bộ luật "tuyệt vời” của Israel.

(Abdullah Al-Udhari) Trái ngược với nhiều nhà văn Palestine khác, ông đã chọn ở lại quê hương mình. Ông có thể chia sẻ lí do cho việc này không?

(Samih al-Qasim) Có lẽ anh từng nghe qua những lời này của Brutus: “Nếu như người bạn ấy hỏi rằng vì sao Brutus đã nổi dậy chống lại Caesar, thì đây là câu trả lời của ta: Không phải vì ta không còn yêu mến Caesar, nhưng bởi vì ta yêu Rome nhiều hơn thế nữa.” Tôi hiểu ý anh khi anh hỏi rằng vì sao tôi lại tự hủy hoại bản thân mình với những điều kiện tồi tệ ở Israel. Không phải vì tôi không yêu bản thân mình, nhưng bởi vì tình yêu quê hương trong tôi còn lớn lao hơn thế.

(Abdullah Al-Udhari) Nếu ông được mời chuyển đến những quốc gia Ả Rập khác, ông sẽ đi chứ?

(Samih al-Qasim) Đầu tiên, trong hoàn cảnh này tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia Ả Rập nào sẽ ngỏ lời. Một người bạn thân quý của tôi là Buland al-Haidari từng hỏi rằng tôi đã đến thăm Baghdad chưa. Và tôi chỉ có thể nói rằng tôi chưa từng đến Baghdad hay bất cứ một thành phố Ả Rập nào khác, nhưng tôi vẫn theo sát dòng tin tức về những gì đang diễn ra ở đó từ trong cái nhà tù lớn của mình. Tôi cũng tin rằng nếu như tôi được đến Damascus, Baghdad hay Rabat, tôi sẽ rảo bước giữa những con đường như một người được sinh ra và lớn lên ở đó, như thể tôi đã ở đấy hàng thập kỷ. Không có sự khác biệt về tinh thần giữa Baghdad hay Tunis hoặc Jerusalem, tất cả những đất nước này đều thân thuộc với tôi, đều là những nơi tôi gọi là quê nhà. Nhưng anh biết đó Israel không cho phép tôi quay về Rameh. Tôi không được phép ghé thăm ngôi làng xưa nơi có những con đường đẹp đẽ cùng bao người bạn cũ. Cái giá mà tôi phải trả đó là tôi không thể đi đến bất kỳ quốc gia Ả Rập nào, cũng không thể đi thăm bạn bè. Beirut cách Haifa chỉ một giờ lái xe, nhưng đối với tôi việc đi đến Beirut còn khó hơn đi đến Washington hay London. Đó là một sưu thuế rất nặng nề mà tất cả chúng tôi đang phải trả. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng dẫu phải trả thuế bằng máu, thì quê nhà xứng đáng cho điều đó.

(Abdullah Al-Udhari) Có một bài thơ ông từng xuất bản trong tuyển tập “Viễn cảnh” (outlooks), và tôi nhớ rằng một số ban ngành Israel đã phản đối kịch liệt. Nhiều nhà văn Israel đã biểu tình và đe dọa rút tác phẩm của họ nếu bài thơ này không được đưa vào tuyển tập đó. Ông có thể nói rõ hơn về những gì đã xảy ra?

(Samih al-Qasim) Đầu tiên, quê hương của tôi đã bị cưỡng đoạt, nên thêm một bài thơ bị cưỡng chế thì đã sao, tôi không quan tâm. Các bài thơ của tôi bị xem như một scandal chống lại nền dân chủ của Israel quá nhiều lần rồi. Có một lần, một thành viên trong nghị viện Israel đã trích dẫn bộ luật xưa từ thời Ottoman để lấy cớ bắt giữ tôi trong một năm, thậm chí không thông qua tòa án, chỉ vì tôi đã báng bổ Chúa trời trong một bài thơ của mình. Tôi đáp trả rằng nếu các ông muốn giam tôi một năm cho mỗi một câu báng bổ thì tôi sẽ thụ án chung thân rồi chết rục trong tù. Bài thơ đó tên là “Điếu văn” và cuối cùng tòa báo đã chọn và xuất bản nó. Tuy nhiên, Moshe Dayan khi đó là Bộ trưởng bộ ngoại vụ đã phát biểu trong một bài phỏng vấn rằng bài thơ đó đáng ra không nên được xuất bản bởi người viết ra nó là kẻ thù của Israel. Tất nhiên nhiều nhà văn và nghệ sĩ Israel đã cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, bởi thể chế của họ thậm chí không dám đối mặt với một bài thơ. Thật khó sống trong một chế độ sợ hãi với ngay cả một bài thơ.

(Abdullah Al-Udhari) Trước khi cuộc chiến Sáu ngày nổ ra, chính quyền Israel đã bỏ tù ông và có vài tin đồn rằng nhiều nhà văn và học giả Israel đã biểu tình gây sức ép lên chính phủ đòi tự do cho ông. Ông có thể kể thêm về những gì đã xảy ra khiến họ phải trả tự do cho ông?

(Samih al-Qasim) Tôi bị bắt rất nhiều lần. Khi cuộc chiến vừa nổ ra tôi đã bị giam lỏng. Đôi khi tôi nghĩ mình biết nhiều về nhà tù Israel hơn chính quê hương mình. Mỗi lần bị bắt tôi chẳng hề cảm thấy buồn hay bị xúc phạm, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ, kiên cường hơn bởi cuộc đấu tranh của mình đang đến gần chiến thắng. Có một bộ luật nói rằng nhà thơ phải tự giác nộp sáng tác của mình đến bộ kiểm duyệt trực thuộc quân đội trước khi anh ta xuất bản. Và phần lớn trường hợp, người chịu trách nhiệm kiểm duyệt là một cậu lính trẻ từng học qua vài lớp tiếng Ả Rập thời đi học nhưng không thể đọc lưu loát. Anh ta còn chẳng thể đọc được bài thơ, thì làm sao hiểu được nó! Thế nên tôi quyết định không gửi tuyển tập “Đợi chờ cánh chim sấm” qua bộ kiểm duyệt. Khi tập thơ được xuất bản, họ đã dán hình bìa cuốn sách trên tất cả đồn cảnh sát với lệnh: “Nếu thấy cuốn sách này ở bất cứ đâu thì tịch thu ngay tại chỗ.” Cứ như ở miền Viễn Tây với những trát truy nã "Dù sống hay chết” vậy. Tất nhiên sau đó tôi đã bị ném vào tù. Rất nhiều những nhà thơ, nhà văn sống trong chế độ dân chủ đã không chấp nhận nổi sự sỉ nhục này. Rồi một chiến dịch nổ ra, có lẽ là trên quy mô toàn cầu, vì những nhà thơ, nhà văn, ca sĩ và nghệ sĩ như Joan Baez, Allen Ginsberg, Jean Paul Satre, Theodorakis và nhiều người khác nữa đã tham gia vào chiến dịch. Khoảng 70 bức điện tín được gửi từ nước ngoài đến chính phủ lên án việc bắt giam tôi và gây sức ép buộc họ phải trả cho tôi tự do. Nhưng ngay sau đó, họ đổi luật. Đây là một ví dụ xuất sắc về nền dân chủ của Israel. Họ tuyên bố rằng: nhà thơ không cần phải đích thân kiểm duyệt tác phẩm nhưng đó là trách nhiệm của bên xuất bản. Và sự kiểm duyệt toàn diện này vẫn đang tiếp diễn đến hiện tại. Có một bộ luật ai ai cũng biết đó là nếu anh hát một bài hát về quê hương hay mặc đồ mang màu cờ Palestine, nếu anh viết một bài thơ hay truyện ngắn đề cập đến những vấn đề tiềm tàng hiểm họa cho an ninh quốc phòng Israel, họ sẽ bắt giam anh ngay mà không cần giải thích “hiểm họa quốc phòng” ấy có nghĩa là gì. Chính vì thế mà những bài hát, những gì chúng tôi trao đổi, ăn uống, thậm chí quần áo chúng tôi bận hằng ngày, chiếu theo luật, có thể khiến chúng tôi đi tù. Nhưng chúng tôi sẽ không nhân nhượng bộ luật này. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống, tiếp tục viết lách, cất lên những bài hát của dân tộc mình.

(Abdullah) Một học giả nổi tiếng người Do Thái từng nhận xét về cách chính quyền Israel đã nhẫn tâm đàn áp phong trào Black Panther Israel rằng: Israel bây giờ quả thực là một quốc gia Trung đông. Điều này liệu có đúng?

(Samih al-Qasim) Đây là một nhận xét vô cùng nguy hiểm. Israel không giống bất kỳ đất nước nào khác trên thế giới này. Anh cần phải hiểu được điều này. Nó thậm chí còn chẳng giống Nam Phi. Bởi vì có sự khác biệt giữa một thể chế lợi dụng khác biệt chủng tộc để đàn áp con người, với một thể chế muốn bứng gốc toàn thể cư dân địa phương rồi trục xuất họ khỏi quê nhà. Đây không phải là vấn đề thay đổi thể chế, mà là quyền được ở lại trên chính quê hương mình. Tôi hiện khá là vui, bởi lời nói dối rằng Israel là miền đất hứa cho người Do thái đang dần mất đi uy tín, bởi 60% người Israel hiện nay đến từ phương Đông, đa số người Israel đến từ những quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo. Dẫu cho họ chiếm đa số, thể chế Israel không thể hiện sự tôn trọng và có sự phân biệt rõ rệt về văn hóa. Những người dân này quen thuộc với khúc hát của Umm Khlthum, Abdul Wahab và Farid al-Atrash, họ cũng nói tiếng Ả Rập. Họ sẽ bị nhắc nhở rằng nói tiếng Đức thì ổn, nói được tiếng Anh thì tuyệt vời, nhưng nói tiếng Ả Rập là một sự xấu hổ. Gần đây, đặc biệt sau cuộc xâm chiếm Lebanon, anh sẽ thấy rằng người dân đang dần mở mắt. Những người Do Thái đến từ Morocco, Iraq, người Ai Cập, Lebanon và Syria không còn cảm thấy hổ thẹn khi trò chuyện bằng tiếng Ả Rập nữa. Chúng ta không nên thổi phồng những gì đang diễn ra bởi nó chưa phải là một cuộc cách mạng. Nhưng đây là một bước tiến vô cùng thú vị, và tôi mong rằng phong trào này sẽ ngày càng lớn mạnh.

---

(Hoài Phương dịch)

Giữa những người lạ (Harun Hashim Rasheed) by Phuong Nguyen

"Giữa những người lạ"
Harun Hashim Rasheed (1926-1984)
From English translation by Mohammed Sawaie

——

Laila bước đến bên cha
với nỗi đau dâng tràn trong mắt
khoang bụng cô sôi sục lửa hồng
cháy bỏng cùng bao nỗi khát vọng.
Mây mù dâng lên trong đôi mắt
đang yếu dần đi trước bạo bệnh.
Nỗi buồn của Bureij* giờ đã ngủ say
chẳng còn lại giai điệu lẫn tiếng nói.
Và Laila bước đến bên cha
đã già đi dưới sức nặng của năm tháng.
Rạn nứt vì đớn đau,
Cô hối hả mở lời:
“Cha ơi, tại sao,
tại sao,
chúng ta là những kẻ xa lạ?
Lẽ nào ta chẳng còn bè bạn
chẳng còn ai thân thuộc trên thế giới?
Lẽ nào ta không có bạn tâm giao?
Cũng chẳng có người nào yêu dấu?
Cha ơi, vì sao,
vì sao chúng ta…?
Vì sao chúng ta là những người xa lạ?
Vì sao chúng ta là những người xa lạ?
Những tháng năm đằng đẵng
Chẳng có gì thay đổi, cha ơi
không hy vọng, không tin tốt lành,
chỉ còn đớn đau và sầu thảm,
chỉ còn ưu phiền, hoạn nạn
chỉ còn lại số phận ai oán
đang cất lên tiếng gọi
quê nhà trong con.
Tại sao?
Cha ơi
Tại sao, chúng ta là những người xa lạ?

Tại sao
chúng ta phải chịu đựng thống khổ
trong nghèo nàn, tuyệt vọng
khi chúng ta lang bạt
từ nơi này đến nơi khác?
Chẳng lẽ ta không có một vùng đất
để ươm mầm ước vọng?
Nơi tin lành cất bước
khiêu vũ cùng tiếng chim trên vòm trời trải rộng?
Chẳng lẽ ta không có một quê hương
mang cái tên được thời gian tán thưởng?
Tại sao
Cha ơi, tại sao…
Chúng ta là những người xa lạ?

Chẳng phải dải đất quê nhà chúng ta
với thảm xanh ngút ngàn
được tươi tắm bởi bao dòng suối mát
và những giấc mơ hiền hòa
tỏa sáng trong yêu thương?
Tại sao chúng ta không được canh tác
như những người tự do
đôi tay ta thu hoạch quả ngọt của quê hương
ta cho đi để rồi nhận lại?
Tại sao ta không thể
cần mẫn chăm sóc quê nhà
và đổi lại Người nuôi dưỡng chính ta?
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
chúng ta là những người xa lạ?

Tại sao chúng ta sống trong túp lều
dẫu nóng nực hay buốt giá
Tại sao chúng ta không thể về nhà
nơi có cánh đồng và lòng danh dự?
Tại sao chúng ta đau đớn quá,
vì bệnh tật, đói khát
trong khổ sở giày vò?
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
Chúng ta là những người xa lạ?


Hôm qua, con hỏi cha
về mẹ
người đã rời đi, không bao giờ trở lại.
Con cất tiếng hỏi
khi tim gióng lên đau đớn từng hồi.
Con hỏi cha với lệ tràn trong mắt
và cha chỉ ngồi đó lặng lẽ
chẳng nghe, chẳng nói.
Cha ơi, sự im lặng đó thật dữ dội.
Tiếng nói cha chẳng thể nào cứu rỗi.
Nên con đã thét lên:
Hãy nói con hay!
Vì sao chúng ta là những kẻ xa lạ!

Con hỏi cha
chỉ vài ngày trước
về anh trai Ahmad.
Khi cha cố gắng xua tan tăm tối
trong đôi mắt con,
cha như muốn nói rằng, Anh con đã chết rồi
Laila ơi, anh đã trở thành người tử đạo,
Nhưng cha đã không nói!
Tại sao không hả cha?
Tại sao?
Tại sao chúng ta
là những kẻ xa lạ?

Cha có còn nhớ Salwa?
Hôm qua con thấy bạn ấy bên vệ đường
không còn nhà cửa, thất lạc
đầy đọa bởi khốn khổ, buồn thương.
Bệnh tật đã thay đổi bạn ấy rất nhiều
Cha ơi.
Không còn là bạn ấy nữa
đó không phải người bạn con từng biết,
đôi mắt bạn ấy chỉ còn đau đớn
và cơ thể giầy vò bởi bệnh tật.
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
Tại sao chúng ta là những kẻ xa lạ?

Cha ơi!
Nhân danh Thánh thần, hãy nói con hay
Vì sao chúng ta đi đến Jaffa?
Những hình ảnh thân thương ấy
đang lướt qua trước mắt con.
Liệu chúng ta có thể đến nơi trong tự hào,
trong phẩm hạnh, mặc thời thế đảo điên?
Hãy nói cho con biết, con còn có thể bước vào căn phòng cũ?
Con có thể bước vào cùng những giấc mơ không?
Và liệu con có thể chạm vào giấc mơ đó ?
Liệu nó có nghe thấy bước chân con?
Con có thể tiến vào với trái tim
nhung nhớ quê nhà như một cơn khát?
Cha ơi
Giá như con có thể trổ cánh
như loài chim,
để vút bay cùng bao khát vọng
hoài thai từ tình yêu dâng tràn với quê hương.
Nhưng thương thay con chỉ là nắm đất;
nơi đôi chân con cắm sâu vào, trói chặt.

Giọt lệ ấm nóng,
run rẩy,
tuôn tràn,
từng hạt.
Tiếng khóc của đứa con như sấm nổ rền vang
dội vào bầu trời ảm đạm phủ lấy đôi tai của người cha,
và rồi ông gầm lên: “Chúng ta sẽ lấy lại tất cả,
chúng ta sẽ đòi lại quê nhà
chúng ta sẽ không bằng lòng với cái gì khác,
không cái giá nào đủ để đổi chác!”

Ta sẽ không chết đi dẫu có đói khát
Ngay cả thống khổ cũng chẳng thể chôn vùi chúng ta
hy vọng sẽ luôn chiến thắng
mỗi khi hận thù vẫy gọi.
Hãy kiên nhẫn, con gái ơi, kiên nhẫn
Ngày mai, chiến thắng sẽ đứng về phía chúng ta!

(Gaza, 1951)

——

(Hoài Phương dịch)

*Bureij: Tên một trại tỵ nạn ở Gaza

Harun Hashem Rasheed sinh năm 1927 tại Gaza. Khi còn là một đứa trẻ, ông đã chứng kiến quân lính Anh phá hủy nhà cửa của ông và hàng xóm láng giềng như một biện pháp trấn áp các cuộc nổi dậy của người Palestine, những sự kiện này đã để lại dấu ấn sâu đậm và thúc đẩy ông trở thành một nhà thơ. Sau khi nhận được bằng Cử nhân giáo dục từ trường cao đẳng Gaza, ông làm việc như một giáo viên cho đến năm 1954. Sau đó ông trở thành giám đốc của đài phát thanh Sawt al-Arab tại Gaza cho đến khi Gaza rơi vào tay người Israel vào năm 1967. Ông bị quân lính Israel quấy rối thường xuyên và cuối cùng buộc phải rời khỏi Gaza. Ông làm việc tại Cairo như đại diện chính thức của Palestine tại Liên minh các quốc gia Ả Rập. Ông qua đời vào tháng 5 năm 2002. Trong văn nghiệp của mình ông đã xuất bản hơn 20 tuyển tập thơ, tiểu thuyết, và ông cũng từng làm việc như một nhà biên kịch.

Bài thơ “Giữa những người lạ” được viết ra tại Gaza vào năm 1951, và đã được xuất bản trong tuyển tập thơ “Thế hệ túp lều” (The tent generation)

Ảnh: Nhà thơ Harun Hashem Rasheed (thứ 2 từ trái sang)

Chúng ta sẽ không hóa thành hồn ma, khúc kinh cầu cho sự phản kháng by Phuong Nguyen

Chúng ta sẽ không hóa thành hồn ma, khúc kinh cầu cho sự phản kháng
Rasha Abdulhadi

——

tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc họ tập hợp thành đạo quân
tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc đã kịp chui vào lòng đất
tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc rơi vào kiếp lưu vong
tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc buộc phải sinh con ngay chốt chặn
tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc bị tống vào tù
tất cả đàn bà đang chết dần, hoặc phải tránh đi qua ngôi nhà chẳng còn thuộc về họ
tất cả đàn bà đã chết sạch, hoặc đang thêu
thức ăn và chút tiền còn lại lên chiếc lưỡi đứa con yêu.

tất cả trẻ em đang chết dần hoặc đứng lên biểu tình
tất cả trẻ em đã chết sạch, hoặc chúng đang ngâm lên bài thơ nơi biên giới
tất cả trẻ em đã chết sạch, hoặc đang nhặt gạch vụn từ ngôi nhà đổ sụp cho vào túi
tất cả trẻ em đã chết sạch, hoặc đang thả những chiếc diều bay cao đối đầu với máy bay chiến đấu
tất cả trẻ em đang chết dần, hoặc phải trở thành những người lớn nay đã chết sạch.

tất cả đàn ông đã chết với di ảnh đính trên tường hoặc vùi thân trong ngục tối
tất cả đàn ông đã chết sạch hoặc đang bắt đầu viết sách
tất cả đàn ông đang chết dần, hoặc đang dùng chiếc muỗng để đào hầm thoát thân
tất cả đàn ông đang chết dần, hoặc đang xướng lên khúc hát dọc chân tường
tất cả đàn ông đang chết dần, hoặc đang dựng thang cao hơn tường rào
tất cả đàn ông đang chết dần hoặc bay qua những đường biên giới
tất cả đàn ông đã chết sạch hoặc đang đối mặt với bức tường.

tất cả học sinh đang chết dần hoặc họ đoàn kết lại
tất cả học sinh đang chết dần hoặc đang ngạt thở vì khí ga
tất cả học sinh đã chết sạch hoặc bị trừng phạt bằng cách tước đoạt học bổng
tất cả học sinh đang chết dần hoặc phải ăn trộm thực phẩm nuôi nhau
tất cả học sinh đã chết sạch, hoặc danh tính họ đang bị phơi bày trực tuyến.

tất cả phụ nữ bị tống giam hoặc chính họ phải cầm lái trốn chạy
tất cả phụ nữ bị tấn công hoặc họ đang dẫn đầu đoàn người trên quảng trường
tất cả phụ nữ bị ám sát hoặc chính họ đang bắt giữ bọn cảnh sát.

tất cả những người queer đang chết dần, hoặc họ đang giật lấy micro từ những lão già.

tất cả mọi người đang chết, hoặc từ chối đi về nhà
họ đang chết, đang chết, đã chết hoặc đang kháng cự cái chết
chúng tôi đang chết, chúng tôi đang chết, chúng tôi đang chết đi, chúng tôi đã chết
hoặc chúng tôi sẽ tiếp tục chống cự tới hơi thở cuối cùng.

——

(Hoài Phương dịch)

Rasha Abdulhadi là nhà thơ queer người Palestine, bạn đã lớn lên trong cảnh lưu vong ở Damascus, Syria và sau đó là ở miền quê Georgia tại Mỹ. Bạn là một nhà thơ đã có nhiều tập sách được xuất bản và từng được đề cử cho giải thưởng văn học Hugo. Bài thơ này được đăng tải trên tạp chí The Offing Mag vào ngày 26 tháng 10,2023, với lời nhắn nhủ của bạn: Những đọc giả thân mến, hãy cùng chúng tôi chống lại, kháng cự cuộc diệt chủng người Palestine đang diễn ra. Dù bạn ở đâu và tìm được cái gì để ném vào cỗ xe diệt chủng, xin hãy làm ngay. Nếu bạn có trong tay một nắm cát, hãy ném nó. Nếu bạn có một ít trong kẽ tay, hãy cạy nó ra rồi ném nó. Hãy dừng nó lại bằng khả năng của chính bạn. Cuộc hủy diệt người Palestine không phải là không thể dừng lại và chúng ta phải chống lại nó trong từng hơi thở và hành động.

"Lá thư từ biển cả" (Liana Badr) by Phuong Nguyen

Gửi đến các bạn một truyện ngắn rất thú vị mang âm hưởng khoa học viễn tưởng của nhà văn nữ người Palestine Liana Badr. Bà viết về một thế giới hậu tận thế với những cột mốc của lịch sử hiện đại và sự phản kháng của người Palestine trong ách chiếm đóng, cũng như vị thế của con người chúng ta trước những thảm họa tự nhiên chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần. Tất cả những điều này gói gọn trong 1 từ: tình yêu

"Lá thư từ biển cả"
Liana Badr (1950 - )
From English translation by Aida Bamia & Omnia Amin

——

Chiếc máy tính nhấp nháy phát ra luồng sáng nho nhỏ này đang giải mã một lá thư mà tôi tìm thấy trong một chiếc vỏ chai trôi dạt ngoài biển cách đây không lâu.

Bắt đầu với những từ rời rạc: mật ong, mùa hè , một con ong đực, hơi ấm, màu nâu, tử đinh hương, lau sậy, hàng rào mắt cáo, một nắm đất, một làn gió thổi, cây papyrus, kem vị va-ni, những quả nho, gia vị, băng cassette, xanh lam, ống sáo, một chiếc áo, đại dương, tuyết…

Trước khi tìm thấy cái chai này, tôi đang đi tìm ý nghĩa của tình yêu. Từ này đã xuất hiện trong một số văn bản tối nghĩa tôi tình cờ tìm thấy. Tôi cũng từng thấy nó trên những bức tranh, từng nghe thấy qua những đoạn ghi âm của một dạng sống nào đó trên Trái Đất trước kỷ nguyên đại hồng thủy. Những cái tên lạ lẫm vút qua trước mắt khiến tôi cảm thấy choáng váng. Một cảm giác kỳ lạ làm sao khi bao nhiêu từ ngữ người xưa từng sử dụng giờ trở nên quá xa lạ. Mọi thứ đã thay đổi nhiều sau trận đại hồng thủy.

Lá thư trong chai mà tôi nhặt được ngoài biển đó đã khơi dậy trong tôi sự tò mò. Nó chất chứa những từ ngữ diễn đạt nên thứ tình yêu mà tôi khát khao hiểu được. Một người đàn ông với bao tình cảm dâng trào đã viết ra lá thư này, chỉ vài phút trước khi biển cả phủ kín toàn bộ bề mặt Trái Đất.

Chiếc máy nho nhỏ đến từ Nhật này có nhiệm vụ giúp tôi hiểu được ý nghĩa của đồ vật hoặc những mối liên hệ của chúng. Chỉ trong một nút bấm, nó có thể rà soát thông tin khắp mọi bách khoa toàn thư chuyên ngành, và rồi thông qua thần giao cách cảm, nó nhận biết được liệu những kết quả đó có khiến tôi hài lòng hay không.

Tôi muốn cái gì là tình yêu, tôi muốn chạm vào, tôi đợi chờ và khao khát mang nó bên mình mãi mãi – nếu tình yêu thực có tồn tại. Một từ chạm vào tận đáy lòng tôi, thêm vào sự tồn tại trong tôi một ý nghĩa mới mẻ, huyền bí, đầy hấp dẫn. Trong quá trình tìm kiếm, hơi ấm râm ran lan tỏa khắp những đầu ngón tay tôi vốn đã luôn lạnh giá.

Lá thư trong chai đó là một trong ba mươi lá thư khác được viết ra bởi cùng một người. Cho đến giờ tôi chỉ mới tìm được một lá thư và cơ hội tìm được số còn lại khá mong manh. Tôi là người duy nhất trong nhóm có thể bơi lặn và sống dưới biển. Nhờ khả năng này mà tôi tìm được cái chai sau khi những tấm bản đồ xưa đã thất lạc, những đất nước bị chia cắt và bầu sinh quyển hoàn toàn đảo lộn. Các lục địa và cư dân từng sinh sống ở đó đều thay hình đổi dạng. Điều này xảy ra sau khi Nam Cực và Bắc Cực tan chảy, kéo theo đó là trận Đại Hồng Thủy. Sau sự kiện này, con người được chia ra làm hai dạng: người Miền Núi, hoặc Miền Biển.

Sau khi cả thế giới bị nhận chìm, chỉ còn lại một giống người duy nhất với hình thể và màu sắc khác nhau còn sống sót. Giống người này được gọi là “survival-loving”, cái tên được công bố bởi Liên Hiệp Quốc – một tổ chức đạo đức ảo mà rồi sau đó cũng suy tàn. Họ lập luận rằng tất cả cư dân trên Trái Đất là hậu duệ đến từ một mã di truyền, nên giờ đây việc cấp bách nhất là phải chấm dứt mọi cuộc đối đầu sắc tộc vốn là nguyên nhân đẩy hành tinh của chúng ta đến bờ tuyệt diệt. Phát hiện về giống người Brighton cùng những khám khá tương tự vào năm 2017 chỉ ra rằng từ thời thần thoại, cư dân Bắc Bán Cầu vốn có nước da ngăm và màu mắt xanh. Khám phá này xảy ra đồng thời với sự ra đời của một thế hệ da trắng với màu mắt rực rỡ. Những sắc tộc này dần đồng hóa theo thời gian rồi tỏa ra định cư ở khắp nơi. Làn sóng này đã chấm dứt thời đại của những tư duy hẹp hòi và trí tưởng tượng nông cạn từng một thời thống trị, chia cắt giống người dựa vào màu da và màu mắt.

Thảm họa lớn nhất xảy ra vào khoảng 30 năm trước khi thủ lĩnh của một quốc gia hùng mạnh nhất Bắc Bán Cầu gặp gỡ một thủ lĩnh khác đến từ vùng Cực Nam. Tánh khí hai người này khá giống nhau, ươn gàn, khốn nạn, nóng nảy và đối đầu nhau về mặt lợi ích. Một ngày khi đang ở trên một chiếc phà, họ cãi nhau xem nút bấm kích nổ vũ khí hạt nhân của ai to hơn. Sự đối đầu này dẫn đến những cuộc thử nghiệm bom hydro và bom chân không rộng khắp, như thể họ đang đọ xem ai có nhiều cơ bắp hơn vậy. Cuộc đọ sức này đã khiến thế giới đảo điên, vô số người đã chết và rồi mực nước biển dâng cao, nhận chìm tất cả những thành phố duyên hải.

Nơi trú ẩn duy nhất còn khả dĩ là ở đỉnh núi cao hoặc trên những chiếc thuyền, bằng không họ phải tập luyện để có thể sống dưới nước trong thời gian dài. Những người sống sót đã đi qua bao bài tập huấn khắc nghiệt với niềm hy vọng rằng hậu duệ của họ sẽ thoát khỏi số phận đã bao trùm lên những thế hệ trước đó. Những người Miền Núi đã học cách nhảy cao vượt qua những ngọn đồi và những đỉnh núi xa, giống như những người cao su từng xuất hiện giữa một cộng đồng dân số mang tên Palestine giữa thời gian khi họ đối mặt với những hiểm họa khôn lường. Sự kiện này diễn ra giữa thời điểm khi một cộng đồng thực dân đã xây lên những bức tường cao ngất nhằm chia cắt bản làng, thành phố cũng như những gia đình của cộng đồng bị chiếm đóng. Và kì lạ làm sao, thảm kịch này đã dẫn đến sự sản sinh một thế hệ của những người “du tường” với khả năng leo trèo kiệt xuất. Họ nhảy vượt qua bao hàng rào cao ngất và bức tường chằng chịt kẽm gai được gài dây điện để rồi dần dần học được cách sinh sống ở trên đỉnh những cây đại thụ.

Những kẻ áp bức khi đó chỉ bận tâm đến việc buôn vũ khí, dựng nên những bức tường cao ngất cho bất kỳ ai có nhu cầu trên thế giới. Phần lớn những kẻ này muốn duy trì vị thế ưu việt, đứng trên những người nghèo khổ bị cầm tù sau trùng điệp dãy tường. Chúng đã viết nên những tuyên ngôn trên con đường đổ nát, trên cây cầu đổ sụp, những tòa nhà chọc trời xiêu vẹo sau khi bị càn quét bởi cơn lũ: “Chúng ta không có đối tác hòa bình nào cả” ; “Cả đất lẫn trời chỉ thuộc về riêng chúng ta”; “Chúng ta kiểm soát mọi quyết định, bởi vì chúng ta là những kẻ Chúa Trời đã lựa chọn, chúng ta vượt trên toàn bộ nhân loại.”



Chúng gợi ta nhớ đến những người cố chấp, những người không muốn chấp nhận bằng chứng di truyền học chỉ ra rằng qua thời gian, các chủng tộc dần hòa vào nhau. Khái niệm về một chủng tộc thuần khiết siêu việt, vượt trên tất cả sắc tộc khác chỉ là ảo tưởng. Con người ai cũng như ai dẫu cho có sự phân hóa đa dạng về tôn giáo và tín ngưỡng. Sự khác biệt về sắc tộc và màu da chỉ là về ngoại thất, giống như màu sắc khác nhau của vỏ một trái táo vậy.



Dẫu sao thì, cái chai này cùng lá thư kì lạ bên trong đó đang khiến tôi phát điên!



Tôi muốn hiểu được bản chất của tình yêu, nhưng cỗ máy này chỉ cung cấp những thông tin chung chung không đưa đến một kết luận cụ thể nào cả. Trong từ “Tình yêu”, tôi thấy hàng triệu bài hát, cách diễn đạt, cùng những điệu nhảy tựa những vì sao, huyền bí như những thiên hà xa xôi. Tôi hiện là một chuyên viên về hải dương học nghiên cứu cách để bảo tồn sự tiếp diễn của giống người. Công việc của tôi là đo nồng độ acid và phóng xạ có trong nước biển, hoàn toàn không có mối liên hệ gì với thứ ngôn ngữ của tình yêu.





Ngôn từ trong lá thư vừa phức tạp, vừa mơ hồ. Tôi cố gắng mường tượng để hiểu được ý nghĩa của bao hình ảnh đang trải ra trước mặt. Tôi muốn tìm ý nghĩa của thứ tình yêu vượt qua biên giới của từ điển và bách khoa toàn thư. Quá trình tìm kiếm dường như bất tận cho đến khi tôi tìm thấy một tập thơ chép tay tiếng Ả Rập, mang tên “Chiếc nhẫn của bồ câu” từ nhà thơ người Andalusia Ibn Hamz. Đó là một bản hiệp ước về tình yêu gồm có ba mươi chương, mười hai chương trong đó viết về những đặc điểm vừa được ca tụng mà cũng chịu nhiều chỉ trích của tình yêu. Đầu tôi quay mòng mòng khi đọc lời tựa: “Chúa ban phúc cho anh; tình yêu vui thú buổi ban đầu để rồi trở nên nghiêm túc về sau.”

Điều này có ý nghĩa gì đối với một người không thể phân biệt được cái gì là vui thú và nghiêm túc như tôi?

Tình yêu thật khó hiểu: nó vừa gắn liền với tấn bi kịch, với hiểm nguy, giận dữ, vừa mang đến niềm vui và hạnh phúc dị thường. Tôi cảm thấy hoang mang khi tình yêu có thể trao số phận một ai đó vào bàn tay của người họ yêu thương. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để diễn tả được tình yêu là gì, tôi đã lắng nghe vô số bài hát và bài được viết bởi bao nhiêu ngôn ngữ khác biệt. Nhưng không có cái gì lí giải rành mạch được một thứ dường như là huyền thoại, như một sinh vật với mã di truyền không ai có thể diễn dịch.



Khó hiểu nhất là những nguồn thông tin kết nối tình yêu với vô số bài viết, với thức ăn và cả khiêu vũ, ví dụ như trong bài hát “Sway”: “Khi điệu Marimba trỗi dậy / Hãy cùng em khiêu vũ, cùng em đu đưa/ Như đại dương êm đềm ôm lấy bến bờ / Hãy ôm em thật chặt, khiến em xoay vòng mê mải.” Thật khó để hiểu rằng một đại dương có thể dễ dàng nuốt lấy bao người lại có thể êm đềm ôm lấy bờ biển như những người đang yêu. Dòng chảy đại dương vốn chỉ biết cuốn trôi rồi gầm gừ trong giận dữ, như khi nó nhận chìm bao thuyền nhân di cư từ Châu Phi, Châu Á và Trung Đông trên con đường đi về phương bắc.

Ở gần nơi mà tôi đã tìm thấy cái chai, tôi cũng tìm thấy một chiếc kính viễn vọng. Tôi mong rằng những thiết bị thông minh của mình có thể dùng khả năng thần giao cách cảm để kết nối chúng ta với những người đã gửi đi những vật dụng này, giúp ta nhìn thấy được những điều họ từng nhìn thấy.

Sau khi tìm được lá thư, tôi bắt đầu phân tích những gì được viết trên thân kính viễn vọng và cuối cùng tôi cũng tìm thấy mối liên kết. Tôi tìm thấy hai ký hiệu có vẻ là hình trái tim được khắc trên phần ống đúc từ thép. Máy tính của tôi cho thấy mỗi ký hiệu này là cái tên của một trong hai người yêu nhau chưa rõ danh tính.

Tới đây thì tôi tạm dừng rồi bắt đầu xem một loạt những sự kiện kì lạ trên màn hình tivi: những tiêu đề và thước phim ghi lại chiến tranh ở Trung Đông, vùng Balkan, Yemen, Syria, Palestine và khắp nơi. Đây là lí do Đại Hồng Thủy đã xảy ra. May mắn thay, một số người đã xoay sở tìm được cách sống sót sau cuộc chiến khốc liệt khiến bao thế hệ của giống người không chỉ chống lại nhau, mà còn chống lại cả tự nhiên.



Dù quên mang theo lọ dầu thông Trung Quốc giúp an thần, nhưng tối đó tôi đã ngủ say. Sáng hôm sau, âm thanh từ chiếc đài mà tôi đã chỉnh sửa để phát những bài về “tình yêu” ùa vào tai đánh thức tôi dậy. Tôi nghe thấy điệu waltz, vũ khúc phương Đông và tiếng đàn flamenco Tây Ban Nha. Bữa tiệc huy hoàng đang phát ra từ một thiết bị đến từ thế giới cũ.



Tôi nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, tôi sẽ kết nối máy tính của mình với bộ nhớ bên trong chiếc kính viễn vọng, bởi từng nguyên tử có ký ức sự kiện trong chính nó. Nó bắt đầu truyền tải những gì mà đôi mắt người chủ chiếc kính viễn vọng đã thấy vào những giây phút cuối cùng. Ông nằm bên một mặt hồ, ngắm nhìn đàn chim trắng sải cánh phủ kín vòm trời khi vút bay giữa đại dương xanh. Tôi không thể tin rằng màu sắc đó từng tồn tại, bởi giờ đây biển và đại dương đều rất ô nhiễm. Tôi đã thấy biển xanh và bầu trời mang sắc trắng. Một sự kết hợp kỳ diệu làm sao!







Người đàn ông đó đang nằm thư giãn trên bãi cỏ trong lúc chờ đợi vợ mình, bà là nhiếp ảnh gia làm việc cho một tạp chí mang tên National Geographic. Bà đang làm việc cho một dự án bảo tồn thiên nhiên và động vật quý hiếm. Ông là biên tập viên, và vợ ông là người ghi lại hình ảnh những loài sinh vật đang bị đe dọa bên bờ tuyệt chủng bởi nạn săn bắn, ô nhiễm và băng tan. Họ đã nhìn thấy một con gấu trắng đầy bùn đang tuyệt vọng trong đói khát, nó không còn bắt được cá bởi mực nước dâng lên dữ dội sau khi những khối băng tan rã. Họ yêu thích cá heo, cá sấu, hải cẩu và những chú hải cẩu sơ sinh, họ cũng thích những loài chim tao nhã, cáo trắng Bắc Cực, chó sói, mòng biển xám và nâu. Họ đau đớn khi chứng kiến ô nhiễm tràn lan theo chân đoàn khách du lịch, những kẻ hiếu kỳ làm vấy bẩn ngay cả những vùng đất xa xăm từng rất khó tiếp cận. Tthiên nhiên trở thành nguồn cung cấp món hàng xa xỉ, chỉ phục vụ cho việc giải trí. Trong khi những cư dân bản địa nghèo khổ như người Da Đỏ bị đặt sau những bức tường và hàng rào kẽm gai để họ không lọt vào con mắt những kẻ hiếu kỳ hạnh phúc.

Người đàn ông đó sưởi ấm dưới tia sáng óng ánh màu mật trong khi chờ đợi vợ ông chụp ảnh đàn chim trên ngọn đồi xanh mướt bên bờ Biển Bắc. Ông chợp mắt rồi chìm vào một giấc mộng tuyệt đẹp. Và ngay giây phút đó, đợt xâm thực đầu tiên của đại dương bắt đầu.

Ông hối hả đi tìm vợ mình, bỏ lại đằng sau cái túi đựng kính viễn vọng cùng một cái chai chưa đựng lá thư tình ông chuẩn bị ném vào đại dương. Trước đó ông đã thả hai mươi chín cái chai khác mà không rõ lí do vì sao; có lẽ là một cách để kỷ niệm tình yêu đã mang họ đến bên nhau.

Những cơn sóng thần dâng cao nuốt trọn cả thế giới, có lẽ nào đây là những xúc cảm ông đã đi qua?

Giờ đây tôi phải làm gì khi tóc tai dựng đứng bởi kết cục của câu chuyện buồn này? Tôi chỉ có thể tiếp tục tìm kiếm những ý nghĩa mà tôi không hiểu được và chưa từng nghĩ tới: mật ong, mùa hè , một con ong đực, hơi ấm, màu nâu, tử đinh hương, lau sậy, hàng rào mắt cáo, một nắm đất, một làn gió thổi, cây papyrus, kem vị va-ni, những quả nho, gia vị, băng cassette, xanh lam, ống sáo, một chiếc áo, đại dương, tuyết…

Tôi có thể tìm đến những người trẻ hơn, vài người trong số họ là chuyên viên về thực vật nên biết đâu họ có thể hiểu được những từ ngữ này, biết đâu họ có thể hiểu được sự hiếu kỳ của tôi về những đóa hoa bung nở ở nơi chốn kì lạ.

Tôi cũng có thể đi tìm một vài chuyên gia về mặt trời, bởi giờ đây chúng ta đang đối mặt với ngày tàn của nó. Tôi cũng có thể tìm vài nhà tâm lý học để chắc chắn rằng họ đã tìm ra cách để chữa trị con người – những người muốn thâu tóm tự nhiên trong lòng bàn tay rồi viết những lời tán tụng trên cây cầu đổ sụp, trên những tàn tích vì họ nghĩ bản thân thật siêu việt, rằng họ quan trọng hơn phần còn lại của nhân loại.





Câu hỏi của tôi là, liệu có một người nào có thể giải thích cho tôi ý nghĩa của tình yêu?

Rồi một ngày, chắc chắn tôi sẽ hiểu ra người đàn ông đấy đang mơ về điều gì trong khi nằm trên bãi cỏ chờ đợi người vợ:

Màu xanh, sắc trắng, thiên thanh, ngọc lam…

Những màu sắc đó là bài học đầu tiên của tôi về giấc mơ, và biết đâu là cả tình yêu nữa!

Tôi phải hiểu được!

Và tới đây, giấc mơ còn để ngỏ của chàng trai trẻ ấy đã đến hồi kết khi anh vẫn đang kể lại câu chuyện của mình. Tôi đã thấy trọn vẹn con người anh, trong sự thức tỉnh mà tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình có thể.

---

(Hoài Phương dịch)

Liana Badr là một nhà văn chuyên về thể loại truyện ngắn, bà cũng là một đạo diễn người Palestine. Bà sinh ra tại Jerusalem vào năm 1950 và đã bị trục xuất khỏi Jericho vào năm 1967, sau đó bà đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Bà là đạo diễn cho bảy bộ phim tài liệu và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế.

Nhắc nhở các bạn tuần lễ Ramadan đã bắt đầu, và đây là cột mốc mà Benjamin Netanyahu từng phát biểu rằng sẽ tổng lực tấn công vào Rafah, phòng tuyến cuối cùng của Gaza nơi gần 1,5 triệu người đang tỵ nạn. All eyes on Rafah! All eyes on Gaza! Diệt chủng không thể xảy ra trong thời đại của chúng ta. Tự do cho Palestine! Lên án, phê phán và phản kháng!

Điều tôi sẽ làm (Suheir Hammad) by Phuong Nguyen

"Điều ta sẽ làm"
Suheir Hammad

——

Ta sẽ không nhảy múa
khi ngươi gióng lên hồi trống trận.
Ta sẽ không bán rẻ linh hồn
lẫn xương máu bản thân
cho tiếng trống đổ dồn.
Ta sẽ không nhảy múa
dưới ngón đòn roi. Vì ta biết rõ
nó không còn sự sống.
Ta biết rõ tấm da
mà ngươi đang gõ vào.
Đó từng là một sinh linh
bị săn lùng, bị đánh cắp
và rồi căng thành mặt trống. Ta sẽ không
nhảy múa giữa cuộc chiến
mà ngươi đang kích động.
Ta sẽ không vỡ tan, quay cuồng
Ta sẽ không bị nghiền nát bởi ngươi.
Ta sẽ không hận thù vì ngươi
cũng không ghét bỏ ngươi. Ta sẽ không
xuống tay vì ngươi. Ta sẽ không
tưởng nhớ bao sinh mệnh ngã xuống
bằng cách giết người hay tự sát. Ta sẽ không
đứng về phía ngươi, ta sẽ không nhảy múa
dưới mưa bom, dẫu cho bao người
say sưa. Ai cũng có thể mắc sai lầm. Bởi sự sống
là một đặc ân, chẳng phải ngẫu nhiên hay sơ suất.
Ta sẽ không quên đi cội nguồn bản thân.
Ta sẽ đóng nên cái trống của riêng mình.
Gom lại những người thân yêu
để khúc kinh cầu nhảy múa. Thanh âm của chúng ta
ngân lên như trống dồn. Ta sẽ không
bị thao túng. Ta sẽ không giao phó
cái tên lẫn nhịp điệu của mình
cho vũ khúc của chiến tranh. Ta sẽ nhảy múa
ta sẽ phản kháng, nhảy múa
rồi phản kháng trong từng bước chân. Bởi nhịp tim ta
khuất phục cả tử thần. Tiếng trống trận của ngươi
không thể lấn át
nhịp thở của chính ta.

——

(Hoài Phương dịch)

Suheir Hammad là một nhà thơ, tác giả và nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Palestine. Cô sinh vào tháng 10 năm 1973 tại Amman, Jordan, trong một gia đình tị nạn Palestine và di cư cùng gia đình đến Brooklyn, New York khi cô chỉ mới năm tuổi.

Cô nhận giải thưởng American Book Award năm 2009 và giải thưởng Arab American Book Award cho thơ năm 2009. Các tác phẩm khác của cô bao gồm "ZaatarDiva", "Born Palestinian,Born Black" và "Drops of This Story". Ngoài các tác phẩm thi ca được đăng rộng rãi trong các tuyển tập, cô cũng sản xuất các vở kịch như "Blood Trinity" và "breaking letter(s)", cũng như viết lời cho vở kịch đa phương tiện "Re-Orientalism." Cô đã xuất hiện như một diễn viên trong bộ phim "Salt of this sea", một bộ phim về sự liên hệ mật thiết giữa người Palestine với biển cả. Bộ phim này đã được chiếu tại liên hoan phim Cannes 2008

Ảnh: Chân dung nhà thơ Suheir Hammad

"Không lời hướng dẫn" (Lina Alsharif ) by Phuong Nguyen

“Không lời hướng dẫn”
Lina Alsharif



Chẳng có một cuốn sách ẩm thực
dạy ta cách nặn bánh mì
từ thức ăn dành cho gia súc,
trộn với nước thải và một nhúm cát
làm sao để ủ khối bột đó lên men
và cái gì có thể ăn kèm?
Những nguyên liệu này được đong đếm
theo tỉ lệ giữa tuyệt vọng và đói khát.

Chẳng có một cuốn sách hướng dẫn cha mẹ
cách để trấn an
một đứa bé khóc đòi trong cơn đói
cách vỗ về đưa con vào giấc ngủ
mớm cho con lời hứa sáo rỗng
như tiếng ru bao tử cồn cào
kể cho con nghe về yến tiệc cùng những thiên thần hân hoan
mà chúng chẳng thể nghe, hoặc thấy.

Chẳng có lấy một phương pháp khoa học
để thanh lọc nước cống,
cách tách rời phân người
khỏi mảnh vụn tử thi
thành một thứ nước ta có thể dùng.
Làm sao để chưng cất giọt mưa đầy tử khí
rồi chiết muối mặn từ nước mắt tuôn tràn.

——

Một bài thơ được viết ra giữa những ngày Gaza đang chìm trong bom đạn, nạn đói, khi người dân Gaza không còn gì để ăn và họ phải nghiền thức ăn dành cho chim và gia súc, trộn cùng với cát và cỏ dại. Đã có những em bé qua đời vì hệ tiêu hóa non nớt của chúng không thể tiêu hóa được thứ bột này. Một người mẹ có con chết vì nghẽn ruột sau khi ăn bánh mì đã khóc, giá như tôi đừng cho con ăn. Nhưng giữa chết đói, và chết vì bị nghẽn ruột, thì họ có lựa chọn gì?

Lina Alsharif là một nhà thơ nữ hiện đang sống ở Qatar và cô đang sáng tác những bài thơ ghi lại những gì đang xảy ra ở Gaza hiện tại, cô cũng từng là học sinh của giáo sư Refaat Alareer, người đã viết nên bài thơ “Nếu tôi phải chết” và đã qua đời trong một cuộc pháo kích nhắm vào nhà riêng của ông vào năm ngoái. Có thể đọc thêm thơ của cô tại instgram @lina_poetry

Ảnh: Những chiếc bánh mì làm từ thức ăn dành cho gia súc ở Gaza.

"Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông" (Rafeef Ziadah) by Phuong Nguyen

"Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông"
Rafeef Ziadah (1979 - )

—-

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ.

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ, cùng số liệu được chuẩn bị cho việc phản biện.

Thế nhưng ông ta đã hỏi, “Cô Ziadah, cô có cho rằng mọi sự sẽ được giải quyết nếu cô thôi dạy con cái mình về sự thù địch?”

Một khoảng lặng.

Tôi dặn lòng hãy mạnh mẽ và kiên nhẫn, nhưng kiên nhẫn không có trên đầu lưỡi hôm nay khi Gaza đang oằn mình trong pháo kích.

Kiên nhẫn đã hoàn toàn bay biến.

Một khoảng lặng. Mỉm cười.

”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”

Một khoảng lặng.

”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”

Người Palestine chúng tôi dạy về cuộc đời sau khi vùng trời cuối đã bị chiếm đóng.

Chúng tôi dạy về cuộc đời sau khi bọn chúng dựng nên những khu định cư, những bức tường phân biệt chủng tộc ở bên kia vùng trời cuối.

”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”

Nhưng ngày hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ.

Hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, câu chuyện về con người ấy!

Chị thấy đó, đây không phải về vấn đề chính trị.

Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu với mọi người về chị và đồng bào chị, nên hãy kể một câu chuyện về con người.

Làm ơn đừng nhắc đến những từ như “phân biệt chủng tộc” và “chiếm đóng.”

Đây không phải về vấn đề chính trị.

Với tư cách một phóng viên, chị phải giúp chúng tôi kể nên câu chuyện về chị, một câu chuyện không nhuốm màu chính trị ấy!

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình...

Hay chị kể về câu chuyện một người phụ nữ ở Gaza đang cần thuốc men?

Về chị thì sao?

Về mớ chân tay gãy nát đủ để che khuất mặt trời?

Hãy đưa những thi thể đó cho chúng tôi cùng danh sách tên của họ trong giới hạn một ngàn hai trăm từ.

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ, đủ khiến cho những người đã trở nên vô cảm với máu đổ từ bọn khủng bố cũng phải xúc động.

Vậy mà họ cảm thấy tiếc thương.

Họ cảm thấy tiếc thương cho đàn gia súc ở Gaza.

Thế nên tôi đã đưa ra những bản nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cùng số liệu, chúng tôi lên án, chúng tôi phê phán và từ chối!

Đây không phải vị thế cân bằng: có một quân chiếm đóng và những người bị chiếm đóng.

Cùng một trăm người chết, hai trăm, rồi một nghìn.

Giữa những con số đó là tội ác chiến tranh và bao cuộc thảm sát, tôi xổ ra những từ này rồi mỉm cười “không có gì kì lạ”, “không phải khủng bố”

Rồi tôi lại đếm, đếm lại một trăm người chết, một nghìn.

Còn ai ở đó?

Có ai đang lắng nghe tôi?

Tôi ước có thể khóc thương trên thân xác người ngã xuống.

Tôi ước mình có thể chạy đi trên đôi chân trần giữa những trại tỵ nạn, ước sao tôi có thể ôm chặt từng đứa trẻ trọn vòng tay rồi bịt tai chúng lại, để chúng không phải nghe tiếng gầm bom rơi suốt cuộc đời dài như tôi.

Hôm nay, cơ thể tôi trở thành một cuộc thảm sát trên truyền hình.
Và tôi sẽ nói cho anh hay, những nghị quyết Liên Hiệp Quốc của anh ấy, hoàn toàn vô dụng!

Không lời trích dẫn; Tôi sẽ không dùng bất cứ trích đoạn hấp dẫn nào dẫu cho tiếng Anh của tôi có tốt đến đâu, bởi vì không trích dẫn, không trích dẫn, không lời trích dẫn nào có thể khiến họ sống lại!

Không một trích dẫn nào có thể sửa sai...

”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”

”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”

Người Palestine chúng tôi thức dậy mỗi buổi sáng để dạy cho phần còn lại thế giới biết về cuộc đời, thưa ông!

London, 12/11/2011

---

(Hoài Phương dịch)

Rafeef Ziadah là nữ thi sĩ người Palestine, cô cũng là một nhà hoạt động vì nhân quyền và là giảng viên tại King's College ở London, Anh Quốc. Bài thơ này cô viết ra vào năm 2011, khi Gaza cũng đang đi qua chiến sự như hiện tại, cô chia sẻ rằng cô đã dành cả đêm để diễn tập để phát biểu trước công chúng tại Anh, cô cũng phải trau chuốt cách phát âm vì âm "p" trong tiếng Ả Rập" sẽ thành âm "b", và cô muốn bài phát biểu của mình tốt nhất có thể. Tuy nhiên sau bao nỗ lực đó, một nhà báo đã hỏi cô rằng, "Thưa cô Ziadah, cô có cho rằng mọi sự sẽ được giải quyết nếu cô thôi dạy con cái mình về sự thù địch?", cô đã viết nên bài thơ này sau trải nghiệm đó. Một bài thơ được viết từ 12 năm trước vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ cần thay con số 1 nghìn người chết thành 30 nghìn.

Bạn có thể nghe cô đọc bài thơ trong video được đính ở phần comment.

Ảnh minh họa: dưới đống gạch vụn này có 13 đứa trẻ Palestine, 13 giấc mơ đã bị chôn vùi. Bức graffiti mang tên "giấc mơ / أحلام" đã được vẽ nên từ bàn tay của những đứa trẻ còn sống sót ở Rafah - vòng tuyến cuối cùng của Gaza. Ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia @abed_zagout (instagram)

Xem loạt ảnh tại đây https://www.instagram.com/p/C3qDyGyIpQ4/?hl=en

"Con chị đây" by Phuong Nguyen

Truyện ngắn

“Con chị đây”
Asmaa Alghoul (1982 - )
From English translation by Kareem James Abu-Zeid

——-

Cô cảm thấy buồn cười. Nhưng làm sao có thể cười trong tình thế này được, họ sẽ nói gì về cô kia chứ?

Đây là lần đầu tiên cô biết thế nào là gây tê cục bộ. Dẫu từng nghe hàng tá người kể lại, nhưng thật chẳng ngờ nó sẽ nhột nhạt đến thế, nhất là ở gần xương cụt.

Cô cố tìm dấu vết một nụ cười đã bị lãng quên trên gương mặt những bác sĩ đứng gần, dẫu chỉ một nét thật mảnh ngay khóe môi thôi cũng đủ tiết lộ rằng thực ra chuyện này khá hài hước, đủ một lý do để cô có thể phá lên cười. Nhưng trước mặt cô chỉ có bà bác sĩ nói tiếng Anh bằng khẩu âm Anh khô cứng và một bác sĩ khác người Ấn Độ đang bận rộn sắp xếp những y cụ của ông. Nên cô ghìm nụ cười ấy lại. Rồi sự nhột nhạt ấy tan biến, chỉ còn lại cảm giác tê dại từ bàn chân đi dọc lên cẳng, ở vùng bụng và sau lưng, thuốc tê đã ngấm khiến nửa thân từ rốn trở xuống mất sạch cảm giác, cho đến từng móng chân.

Rồi ông bác sĩ người Ấn Độ mở lời. Điện tâm đồ cho thấy nhịp tim cô đang tăng khá nhanh, nên ông đề nghị có lẽ nên cho cô một liều thuốc ngủ. Cô không trả lời.

Rồi cô bắt đầu chú ý đến bức màn trắng đang chắn ngang nhận thức của cô với phần dưới cơ thể mình, nơi một bác sĩ đang rạch bụng cô bằng một con dao mổ. Cô không thể thấy gì ngoài những bóng ma. Dường như có rất nhiều chân nhện đang trườn bò nơi bụng dưới. Không có một cảm giác gì về da thịt, nhưng cô ý thức rõ dòng thời gian đang trôi. Cô chờ đợi, chờ đợi cảnh tượng như trong một thước phim nào đó khi cô có thể trò chuyện với con trai mình. Nhưng cậu bé còn đang chìm dưới tầng sâu của sự sống. Cậu xuất hiện trong lời hứa của một cô y tá người Nam Phi: “Chúng tôi phải mổ để lấy em bé ra, rồi chị sẽ được thấy con mình.” Con trai của cô. Con cô đang ở đâu?

Những cái bóng đằng sau tấm màn trắng chuyển động ngày càng nhanh. Trong một khoảnh khắc cô tưởng rằng mình là cái bệ kim loại của một cỗ máy cơ khí với những cái bánh răng và cần gạt đang di chuyển không ngừng từ trái sang phải. Cơn buồn ngủ bất thần ập đến từ sau liều thuốc ngủ của ông bác sĩ người Ấn, nhưng cô cố gắng thức. Cô sẽ cảm thấy tội lỗi biết bao nếu bỏ lỡ khoảnh khắc này, giây phút điên rồ nhất sau chín tháng hoài thai. Khoảng thời gian đó, đơn giản thay, chỉ để dành cho khoảnh khắc này: khi cả thế giới mang bầu rồi sinh con. Sinh sản và mô phỏng là điều khiến nhân loại không ngừng đi tới. Nhưng tử cung của cô giờ đây là một ngoại lệ. Như thể tất cả những cuộc hoài thai và chào đời, tất cả những bài thơ mà thế giới này chưa từng được biết tới đang tích tụ đầy ứ bên trong cô.

Con người bé nhỏ ấy đang ở đâu?

Cô chờ đợi rồi tiếp tục chờ đợi trong nỗi lo rằng liều thuốc ngủ kia sẽ tìm đến mi mắt mình và rồi cô sẽ đánh mất… Cô chợt mở mắt khi tiếng khóc vang lên, nhưng lại chẳng thể thấy được nguồn gốc của âm thanh bé nhỏ đó. Họ đã quên rằng cô là mẹ đứa trẻ ư? Cô không biết nữa. Cô cố gắng mở lời nhưng không thể cất ra thành tiếng. Cô có thể nghe thấy tiếng khóc bảng lảng vọng lại, như dòng nước bùng bục trôi ra từ một chiếc vòi cũ. Cô biết, con trai cô nào có phải một cái ống nước rỉ sét cũ mục, cô chỉ muốn xác nhận, muốn được nhìn thấy đứa con vào khoảnh khắc khi cô vừa mê man, vừa tỉnh thức.

“Con chị đây.”

Tiếng nói ấy dẫn đường khi họ trao tay cô một tạo vật trần truồng trông có vẻ nửa người, nửa ốc với mái tóc bết ướt cùng cẳng tay chân lòng thòng. Chỉ khác chăng đây là một sinh linh khiến nước mắt cô tuôn rơi. Hai hàng lệ nóng tuôn trào. Cô bật khóc nức nở.

Tiếng khóc đó là nỗi kinh hoàng chất chứa trong lòng cô dành cho sinh linh này, về một thế giới mà rồi đây con trai cô sẽ kế thừa. Còn đó một nỗi sợ khác, rằng cảm giác tội lỗi sẽ đè nặng vai cô vào cái ngày mà bao giấc mơ và ước vọng của đứa trẻ này chìm sâu trong thất vọng khôn cùng. Tiếng khóc đó hằn lên trái tim cô một vết thương mới, nhưng nó cũng mang trong mình một cái tên xưa cũ: tình yêu.

——

(Hoài Phương dịch)

Asmaa al-Ghoul sinh năm 1982 tại Rafah, một thành phố ở Gaza giáp ranh với Ai Cập, nơi dân số chủ yếu là người tị nạn Palestine. Năm 2003, cô kết hôn với một nhà thơ người Ai Cập và chuyển đến Abu Dhabi. Sau đó, cô và chồng ly hôn, và cô trở về Gaza với con trai. Ở tuổi 18, al-Ghoul giành giải Palestinian Youth Literature Award. Năm 2010, cô nhận được giải thưởng Hellman/Hammett từ Human Rights Watch, nhằm hỗ trợ những nhà văn 'thể hiện ý kiến chỉ trích chính sách công hoặc những người nắm quyền.' Năm 2012, al-Ghoul được trao Courage in Journalism bởi International Women’s Media Foundation. Cô làm việc cho Lebanon’s Samir Kassir Foundation, một tổ chức vận động cho tự do truyền thông. Cô hiện đang sống ở Toulouse, Pháp.