Asmaa Alghoul

"Con chị đây" by Phuong Nguyen

Truyện ngắn

“Con chị đây”
Asmaa Alghoul (1982 - )
From English translation by Kareem James Abu-Zeid

——-

Cô cảm thấy buồn cười. Nhưng làm sao có thể cười trong tình thế này được, họ sẽ nói gì về cô kia chứ?

Đây là lần đầu tiên cô biết thế nào là gây tê cục bộ. Dẫu từng nghe hàng tá người kể lại, nhưng thật chẳng ngờ nó sẽ nhột nhạt đến thế, nhất là ở gần xương cụt.

Cô cố tìm dấu vết một nụ cười đã bị lãng quên trên gương mặt những bác sĩ đứng gần, dẫu chỉ một nét thật mảnh ngay khóe môi thôi cũng đủ tiết lộ rằng thực ra chuyện này khá hài hước, đủ một lý do để cô có thể phá lên cười. Nhưng trước mặt cô chỉ có bà bác sĩ nói tiếng Anh bằng khẩu âm Anh khô cứng và một bác sĩ khác người Ấn Độ đang bận rộn sắp xếp những y cụ của ông. Nên cô ghìm nụ cười ấy lại. Rồi sự nhột nhạt ấy tan biến, chỉ còn lại cảm giác tê dại từ bàn chân đi dọc lên cẳng, ở vùng bụng và sau lưng, thuốc tê đã ngấm khiến nửa thân từ rốn trở xuống mất sạch cảm giác, cho đến từng móng chân.

Rồi ông bác sĩ người Ấn Độ mở lời. Điện tâm đồ cho thấy nhịp tim cô đang tăng khá nhanh, nên ông đề nghị có lẽ nên cho cô một liều thuốc ngủ. Cô không trả lời.

Rồi cô bắt đầu chú ý đến bức màn trắng đang chắn ngang nhận thức của cô với phần dưới cơ thể mình, nơi một bác sĩ đang rạch bụng cô bằng một con dao mổ. Cô không thể thấy gì ngoài những bóng ma. Dường như có rất nhiều chân nhện đang trườn bò nơi bụng dưới. Không có một cảm giác gì về da thịt, nhưng cô ý thức rõ dòng thời gian đang trôi. Cô chờ đợi, chờ đợi cảnh tượng như trong một thước phim nào đó khi cô có thể trò chuyện với con trai mình. Nhưng cậu bé còn đang chìm dưới tầng sâu của sự sống. Cậu xuất hiện trong lời hứa của một cô y tá người Nam Phi: “Chúng tôi phải mổ để lấy em bé ra, rồi chị sẽ được thấy con mình.” Con trai của cô. Con cô đang ở đâu?

Những cái bóng đằng sau tấm màn trắng chuyển động ngày càng nhanh. Trong một khoảnh khắc cô tưởng rằng mình là cái bệ kim loại của một cỗ máy cơ khí với những cái bánh răng và cần gạt đang di chuyển không ngừng từ trái sang phải. Cơn buồn ngủ bất thần ập đến từ sau liều thuốc ngủ của ông bác sĩ người Ấn, nhưng cô cố gắng thức. Cô sẽ cảm thấy tội lỗi biết bao nếu bỏ lỡ khoảnh khắc này, giây phút điên rồ nhất sau chín tháng hoài thai. Khoảng thời gian đó, đơn giản thay, chỉ để dành cho khoảnh khắc này: khi cả thế giới mang bầu rồi sinh con. Sinh sản và mô phỏng là điều khiến nhân loại không ngừng đi tới. Nhưng tử cung của cô giờ đây là một ngoại lệ. Như thể tất cả những cuộc hoài thai và chào đời, tất cả những bài thơ mà thế giới này chưa từng được biết tới đang tích tụ đầy ứ bên trong cô.

Con người bé nhỏ ấy đang ở đâu?

Cô chờ đợi rồi tiếp tục chờ đợi trong nỗi lo rằng liều thuốc ngủ kia sẽ tìm đến mi mắt mình và rồi cô sẽ đánh mất… Cô chợt mở mắt khi tiếng khóc vang lên, nhưng lại chẳng thể thấy được nguồn gốc của âm thanh bé nhỏ đó. Họ đã quên rằng cô là mẹ đứa trẻ ư? Cô không biết nữa. Cô cố gắng mở lời nhưng không thể cất ra thành tiếng. Cô có thể nghe thấy tiếng khóc bảng lảng vọng lại, như dòng nước bùng bục trôi ra từ một chiếc vòi cũ. Cô biết, con trai cô nào có phải một cái ống nước rỉ sét cũ mục, cô chỉ muốn xác nhận, muốn được nhìn thấy đứa con vào khoảnh khắc khi cô vừa mê man, vừa tỉnh thức.

“Con chị đây.”

Tiếng nói ấy dẫn đường khi họ trao tay cô một tạo vật trần truồng trông có vẻ nửa người, nửa ốc với mái tóc bết ướt cùng cẳng tay chân lòng thòng. Chỉ khác chăng đây là một sinh linh khiến nước mắt cô tuôn rơi. Hai hàng lệ nóng tuôn trào. Cô bật khóc nức nở.

Tiếng khóc đó là nỗi kinh hoàng chất chứa trong lòng cô dành cho sinh linh này, về một thế giới mà rồi đây con trai cô sẽ kế thừa. Còn đó một nỗi sợ khác, rằng cảm giác tội lỗi sẽ đè nặng vai cô vào cái ngày mà bao giấc mơ và ước vọng của đứa trẻ này chìm sâu trong thất vọng khôn cùng. Tiếng khóc đó hằn lên trái tim cô một vết thương mới, nhưng nó cũng mang trong mình một cái tên xưa cũ: tình yêu.

——

(Hoài Phương dịch)

Asmaa al-Ghoul sinh năm 1982 tại Rafah, một thành phố ở Gaza giáp ranh với Ai Cập, nơi dân số chủ yếu là người tị nạn Palestine. Năm 2003, cô kết hôn với một nhà thơ người Ai Cập và chuyển đến Abu Dhabi. Sau đó, cô và chồng ly hôn, và cô trở về Gaza với con trai. Ở tuổi 18, al-Ghoul giành giải Palestinian Youth Literature Award. Năm 2010, cô nhận được giải thưởng Hellman/Hammett từ Human Rights Watch, nhằm hỗ trợ những nhà văn 'thể hiện ý kiến chỉ trích chính sách công hoặc những người nắm quyền.' Năm 2012, al-Ghoul được trao Courage in Journalism bởi International Women’s Media Foundation. Cô làm việc cho Lebanon’s Samir Kassir Foundation, một tổ chức vận động cho tự do truyền thông. Cô hiện đang sống ở Toulouse, Pháp.