Lệnh di tản (Lena Khalaf Tuffaha) by Phuong Nguyen

“Lệnh di tản”
Lena Khalaf Tuffaha
——

Chúng gọi cho ta,
trước khi hàng tấn bom thả xuống.
Chuông điện thoại đổ
rồi một ai đó biết rõ họ tên tôi
trả lời bằng thứ tiếng Ả Rập hoàn hảo:
“Đây là David.”
Sững sờ khi tiếng nổ siêu thanh cùng bản giao hưởng ngàn mảnh kính vỡ
vẫn còn vang vọng trong đầu
Tôi tự hỏi mình có quen David nào ở Gaza?
Chúng gọi cho ta chỉ để nói
”Chạy đi.”
Ngươi có 58 giây từ khi cú điện thoại này chấm dứt.
Nhà ngươi là mục tiêu kế tiếp.
Chắc chúng cho rằng đây là phép lịch sự
thời chiến.
Chúng chẳng quan tâm rằng chúng ta
không còn nơi nào để chạy thoát.
Chúng không quan tâm rằng biên giới đã khép chặt
giấy tờ sổ sách của chúng ta vô giá trị
rằng chúng ta bị kết án chung thân
trong một nhà ngục bên bờ biển
nơi có những con đường chật chội
và vô số con người chen chúc
chồng chất trên nhau
đông đúc hơn bất cứ nơi nào trên Trái Đất.
Chạy đi.
Chúng ta chẳng muốn giết một ai.
Không quan trọng
nếu các người chẳng thể gọi lại để thanh minh
rằng người chúng ta đang truy lùng không có ở đây
không có ai trong căn nhà này
ngoại trừ ngươi và những đứa trẻ
đang cổ vũ cho Argentina
chia nhau lát bánh mì cuối của tuần này
và đếm từng cây nến phòng khi mất điện.
Ngươi có con hay không chẳng quan trọng.
Vì nơi ngươi sống là một sai lầm
và giờ là cơ hội để ngươi tháo chạy
đến không nơi nào cả.
Không quan trọng
rằng 58 giây không đủ
để tìm lại tập ảnh ngày cưới
hay tấm chăn yêu thích của con trai ngươi
lẫn mẫu đơn đăng ký còn dang dở của cô con gái sắp vào đại học
hoặc đôi giày
không đủ để gom lại tất cả mọi người trong nhà.
Không quan trọng nếu các ngươi còn bao dự định.
Không quan trọng dẫu ngươi có là ai.
Hãy chứng minh bản thân là con người.
Hãy chứng minh ngươi đang đứng bằng hai chân.
Rồi chạy đi.

——

(Hoài Phương dịch)

Lena Khalaf Tuffaha là một nhà thơ, nhà văn nữ người Mỹ mang trong mình dòng máu Palestine, Syria và Jordan. Tập thơ đầu tay của cô “Water and salt” đã đoạt giải 2018 Washington State Book Award và “ARAB IN NEWSLAND” đã đoạt giải 2016 Twos Sylvias Press Prize.

"Rửa hận" by Phuong Nguyen

Ảnh: Chân dung Taha Muhammad Ali trong cửa hàng của mình khi ông còn trẻ.

"Rửa hận"
Taha Muhammad Ali (1931 - )
From English translation by Peter Cole

——

Đôi khi… tôi ước ao
được giao đấu
với kẻ đã giết cha tôi
rồi san bằng nhà cửa,
kẻ đã trục xuất tôi
vào một đất nước nhỏ hẹp.
Và nếu hắn giết tôi
thì cũng chẳng sao, bởi tôi sẽ được nghỉ ngơi,
nhưng khi có cơ hội -
thì tôi sẽ rửa hận!

*

Nhưng nếu tôi nhận ra,
rằng đối thủ của mình
có một người mẹ
đợi chờ hắn quay về,
nếu hắn có một người cha đang đặt bàn tay
ngay lồng ngực, nơi trái tim ông
thấp thỏm lo âu khi đứa con
đến muộn buổi hẹn,
dẫu chỉ mười lăm phút -
Nếu vậy, tôi không thể xuống tay
dù cho cơ hội đã ở ngay đây.

*

Vậy đấy… tôi chẳng thể
xuống tay
nếu tôi biết được rằng
hắn có những người anh, người chị
ngày ngày ngóng đợi trong thương yêu.
Hắn còn đó người vợ hiền mong chồng về nhà để vỡ ra tiếng chào
cùng những đứa con thơ
không chịu nổi cảnh vắng cha
những món quà hắn mang về khiến chúng hạnh phúc làm sao.
Hoặc giả hắn có những người bạn đồng hành,
hàng xóm thân quen
đồng minh trong chốn tù lao,
hoặc ai đó bầu bạn bên giường bệnh,
Nếu hắn còn những bạn học từ thuở ấu thơ
mở lời hỏi thăm,
gửi câu chúc lành.

*

Nhưng nếu
hắn chỉ còn một mình -
như cành khô cắt cụt khỏi tàn cây -
không mẹ, không cha
không anh em ruột thịt,
không vợ con
lẫn họ hàng thân thích, không láng giềng, bè bạn,
không đồng nghiệp, không cả người thương yêu,
thì thôi, tôi sẽ chẳng buồn thêm thắt
cho nỗi buồn tì nặng vai một kẻ thật cô đơn -
không cái chết thống khổ đầy đau đớn
lẫn nỗi buồn thê thảm của chia ly
Tôi sẽ lấy đó làm niềm vui,
tôi chẳng đoái hoài mỗi khi chạm mặt hắn trên đường – bởi tôi
giờ đã hiểu ra
chính bản thân sự phớt lờ
cũng là một cách rửa hận.

——

(Hoài Phương dịch)

Taha Muhammad Ali là một nhà thơ Palestine, sinh năm 1931 ở một ngôi làng nhỏ gần Galilee, mà sau đó đã bị đánh bom rồi san bằng trong thảm họa Al-Nakba để dọn chỗ cho công cuộc chiếm đóng của Israel. Giờ đây, ông sống tại Nazareth, nơi ông vận hành một cửa hàng bán đồ lưu niệm, như postcard, chân nến, tượng Đức Mẹ ở trước cửa vào Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin. Ông không học quá lớp bốn, nhưng ông đã luôn yêu mến thi ca, ông đã đọc vô số sách vở về văn học và giờ đây cửa hàng khiêm tốn của ông trở thành một không gian thi ca thân mật, nơi ông đón tiếp những người khách vãng lai và cả những người chủ động tìm đến để được tiếp xúc với ông, trao đổi với ông về thi ca và nghe ông ngâm thơ.

Taha Muhammad Ali nói rằng, “Trong thơ của tôi không có Palestine, không cả Israel. Nhưng thơ tôi có đọa đày, buồn thương, khao khát, hãi sợ, và những điều này tạo thành chính bản thân Palestine và Israel. Đây là nghệ thuật khi ta chắt lọc những điều có thật từ cuộc sống, ta gầy dựng nó một lần nữa cùng với trí tưởng tượng trong ta."

Tấm vé (Samih Al- Qasim) by Phuong Nguyen

Tấm vé
Samih al-Qasim
From English translation by A.Z Foreman

——

Ngày mạng sống tôi bị tước đi
trong khi đẩy nòng súng sục sạo túi áo,
kẻ đã xuống tay
sẽ tìm thấy những tấm vé:
một đưa tôi đến với hòa bình,
một đưa tôi về bên cánh đồng rải rắc mưa rơi
và một tấm vé
đến nơi có lương tri nhân loại.

Nên tôi khẩn cầu, này kẻ giết người thân mến:
đừng phớt lờ, đừng lãng phí chúng.
Hãy cầm trên tay tấm vé
rồi cất bước khởi hành.

Máu dệt thời gian (Suheir Hammad) by Phuong Nguyen

"Máu dệt thời gian"
Suheir Hammad (1973 - )
—-

Những chiếc khăn keffiyeh lỗi thời
được dệt nên từ bao lời chuyện kể
giờ như những sợi chỉ tuôn rơi
quanh cuống họng tôi.


Giờ đây
chúng ta đã đoạt giải Nobel
một nỗ lực đáng kính vì hòa bình thế giới
chúng ta nói lời cảm ơn, cảm ơn rồi lại cảm ơn
đến những người vĩnh viễn chối bỏ rằng chúng ta là người
họ sưởi ấm đôi tay ta trầy trụa
bằng bàn tay của bè lũ sát nhân.


Mắt trả mắt
nhưng bởi vì đôi mắt chúng ta
từ lâu rồi đã bị bom mìn khoét rỗng,
rồi nuốt trọng như hạt quả ô-liu
chúng ta gào lên, cổ họng chúng ta
bị xé thành mảnh vụn
đem đi làm mồi cho sói đói
giữa bạo tàn lửa bỏng.


Ta là một người mẹ
và ta sẽ không hy sinh con trai mình
cho cuộc chiến giữa bầy người
với những chiến thần.
Ta là một người mẹ
và ta chối từ việc hy sinh
con gái ta cho những gã trai đã hóa điên
sau khi chứng kiến lũ trẻ bị nghiền nát dưới mưa bom
chỉ còn lại vụn não và nắm xương tàn.


Ta là một người cha
con gái ta đã mất trí trong cảnh lưu đày
đứa con của lũ trẻ mồ côi không nhà,
đứa con của những giấc mơ kiệt quệ
để rồi giờ đây
hỡi cái hôn của đất, người tình của đêm
con dân của thánh thần, nạn nhân của sống còn
chúng ta thấu hiểu
chúng ta đứng trước lằn ranh thứ hòa bình dối trá đang dẫm lên hy vọng
chúng ta cất giọng với những cành ô liu héo tàn.


Chúng ta cất tiếng gọi Falastin
trong khúc dân ca và điệu nhảy dân làng
Falastin của người tử đạo và những người mẹ
Falastin bị san bằng ở Beirut
của những cái miệng đã bị nghiến thành lặng im
trong những phiếu ăn ở Brooklyn.


Giờ đây chúng ta đang ghé thăm Nhà Trắng
và giữa khán phòng Jordan đang phát ngôn
nhân danh người giữ chìa khóa cho căn nhà chúng ta
những người đang sống trong nhà chúng ta.
Giờ đây
ta là đứa con gái
đang khạc ra cành ô liu
ta là đứa con trai đang tái thiết một đất nước
là người cha đang tìm lại chính mình
ta là người mẹ
dệt câu chuyện chung này vào chiếc keffiyeh
đan vào đó một quê hương
đẫm máu đổ tang thương và nước mắt
cùng với yêu thương và năm tháng.


Ta dệt nên câu chuyện
của Falastin
trong một chiếc keffiyeh
sẽ không bao giờ bị tháo rời.

——

(Hoài Phương dịch)

*Keffiyeh: Khăn đội đầu truyền thống của Palestine. Gồm có hoa văn lá ô-liu tượng trưng cho sức mạnh và sự kiên cường. Hoa văn mắt lưới thể hiện mối quan hệ mật thiết của người dân Palestine với vùng biển Địa Trung Hải. Hoa văn sọc tượng trưng cho những tuyến đường giao thương của một vùng đất đa dạng, dồi dào về văn hóa và lịch sử.

*Falastin: Chính là Palestine trong tiếng Ả Rập.

Suheir Hammad là một nhà thơ, tác giả và nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Palestine. Cô sinh vào tháng 10 năm 1973 tại Amman, Jordan, trong một gia đình tị nạn Palestine và di cư cùng gia đình đến Brooklyn, New York khi cô chỉ mới năm tuổi.

Cô nhận giải thưởng American Book Award năm 2009 và giải thưởng Arab American Book Award cho thơ năm 2009. Các tác phẩm khác của cô bao gồm "ZaatarDiva", "Born Palestinian,Born Black" và "Drops of This Story". Ngoài các tác phẩm thi ca được đăng rộng rãi trong các tuyển tập, cô cũng sản xuất các vở kịch như "Blood Trinity" và "breaking letter(s)", cũng như viết lời cho vở kịch đa phương tiện "Re-Orientalism." Cô đã xuất hiện như một diễn viên trong bộ phim "Salt of this sea", một bộ phim về sự liên hệ mật thiết giữa người Palestine với biển cả. Bộ phim này đã được chiếu tại liên hoan phim Cannes 2008

Chiếc áo bị đánh cắp (Ghassan Kanafani) by Phuong Nguyen

Truyện ngắn
“Chiếc áo bị đánh cắp”
Ghassan Kanafani
English translation by Michael Fares

——

Kìm lại tiếng chửi thề báng bổ gần như đã trượt khỏi đầu môi, anh ngẩng đầu nhìn lên bầu trời tăm tối mịt mù. Anh có thể thấy trên đầu mình mây đen vần vũ như những phiến đá nham thạch dần co cụm, phủ trùm lên nhau, rồi lại tan biến.

Cơn mưa này sẽ không dừng lại đêm nay, nghĩa là anh không được ngủ và phải tiếp tục khom lưng đào hào, rẽ đường cho dòng nước đầy bùn tránh xa khỏi cột lều. Cơn mưa lạnh xối xả dội vào người giờ đây dường như chẳng thể thấm vào vai lưng anh nữa. Cái lạnh ấy thậm chí đem đến cho anh một cảm giác tê dại dễ chịu làm sao.

Anh ngửi thấy mùi khói. Vợ anh đã nhóm lửa để nướng bánh mì. Anh muốn đào xong cái hào này để có thể trở về lều rồi hong tay bên đống lửa cho đến khi chúng rát bỏng. Nếu có thể, anh sẽ dùng tay không để bắt lấy ngọn lửa, rồi chuyền chúng từ tay này sang tay kia cho đến khi giá lạnh hoàn toàn tan biến. Nhưng anh sợ hãi không dám bước vào trong túp lều. Bởi đã từ rất lâu, trong đôi mắt của vợ anh có một câu hỏi đáng sợ hơn cả cái lạnh tê tái này. Nếu anh bước vào thì cô sẽ cất tiếng hỏi, với đôi tay vùi trong mớ bột nhào và đôi mắt nhìn thẳng vào anh:

“Anh tìm được việc làm chưa?... Chúng ta phải ăn cái gì đây?... Làm cách nào ‘người này’ đã kiếm được việc làm ở đây và ‘người kia’ đã kiếm được việc làm ở đó?”

Rồi cô sẽ chỉ vào Abd Al-Rahman đang co mình trong góc lều như một con mèo tội nghiệp ướt sũng, rồi lắc đầu trong câm lặng cay đắng hơn cả ngàn lời trách móc. Anh phải nói gì với cô đêm nay, ngoài những gì anh đã nói vào bao đêm khác:

“Em muốn anh phải đi ăn trộm vì Abd Al-Rahman sao?”

Anh đứng thẳng mình trong một khoảnh khắc khi hơi thở hổn hển bật ra lặng lẽ, rồi lại khom lưng bên cái cuốc gãy, dõi mắt nhìn về phía căn lều tối tăm, để rồi cảm thấy một cơn hoảng loạn ập đến khi anh tự hỏi chính mình:

“Ăn trộm thì đã sao?”

Kho chứa của Tổ chức Cứu Trợ Quốc tế ở gần lều, và nếu anh muốn thì chắc chắn có cách để lẻn vào trong – qua một cái lỗ bên tường mà anh sẽ tìm được ở đâu đó – đến nơi bột mì và gạo chất đống. Tiền ở đó chẳng thuộc về bất kì ai. Chúng đến từ đằng xa, từ những người mà theo giáo viên ở trường học của Abd Al-Rahman là một lũ đạo đức giả, một lũ “giết người rồi đến viếng thăm đám tang người chúng đã xuống tay.”

Liệu có gây hại cho ai nếu anh chỉ trộm một túi bột mì… hay là hai… thậm chí mười túi? Và nếu anh muốn bán những túi bột này cho một ai đó có khả năng ngửi ra mùi đồ ăn cắp, cùng khả năng mặc cả còn khá hơn nữa thì sao?

Ý tưởng này ngày càng hấp dẫn. Thế nên anh tiếp tục đào bới với quyết tâm mạnh mẽ hơn rằng mình phải đào xong cái hào quanh lều, rồi bắt đầu tự hỏi bản thân rằng tại sao anh không bắt đều kế hoạch này ngay đêm nay. Mưa rơi tầm tã, và bọn lính canh thì sợ lạnh hơn là lợi ích của Tổ Chức Cứu Trợ Quốc Tế. Vậy sao không tiến hành ngay bây giờ? Tại sao?

“Anh đang làm gì đấy Abu Al-Abd?”

Anh ngẩng đầu về phía giọng nói phát ra, và nhận ra cái bóng của Abu Sameer đang dần tiến lại từ giữa hai dãy lều kéo dài dài đằng đẵng giữa màn đêm.

“Tôi đang đào bột.”

“Anh đang đào cái gì cơ?”

“Tôi đang… tôi đang đào một cái hào.”

“Chắc anh đang nghĩ về bột mì phải không. Việc phân phối sẽ bị trì hoãn cho đến sau mười ngày của tháng tới, tóm lại vào khoảng mười lăm ngày nữa, cho nên đừng nghĩ về nó bây giờ trừ khi anh muốn ‘vay’ một ít từ kho chứa.”

Anh thấy cánh tay Abu Sameer chỉ về phía kho, cái bóng từ làn môi dày của hắn miết thành một nụ cười tinh quái. Anh cảm nhận được tình thế khó xử nên lại tiếp tục xộc cái cuốc gãy vào mớ bùn lầy.

Anh nghe thấy Abu Sameer cười sảng rồi chìm dần vào trong tiếng thì thầm:

“Cầm lấy điếu thuốc này đi… À khoan, không được, chỉ khiến anh thấy tệ hơn dưới cơn mưa này thôi. Tôi quên mất trời đang mưa. Não tôi bây giờ chỉ toàn bột.”

Một cảm giác khó chịu ngạt thở bủa vây anh. Anh đã ghét Abu Sameer từ lâu, một tên lắm mồm đáng ghét.

“Trời đang mưa, anh ra ngoài làm gì?”

“Tôi ra ngoài… Tôi ra ngoài để xem anh có cần giúp đỡ không?”

“Không, cảm ơn…”

“Anh còn đào lâu không?”

“Chắc là cả đêm.”

“Chẳng phải tôi đã bảo anh hãy đào khi trời còn sáng sao? Anh cứ đi lang thang đâu đó rồi rời khỏi khu trại… anh đi tìm Ấn Triện của Solomon à?”

“Không… tìm việc…”

Anh thở dốc rồi ngẩng đầu khỏi cán cuốc.

“Sao anh không đi ngủ đi rồi để tôi được yên một mình?”

“Nghe này Abu Al-Abd, nếu chốc nữa anh thấy một túi bột biến mất trước mắt mình, thì đừng có mở miệng nói với bất kì ai.”

“Cái gì cơ?” Abu Al-Abd thốt lên, trái tim anh bắt đầu đập thình thịch. Anh có thể ngửi thấy mùi thuốc lá nồng nặc bốc ra từ miệng Abu Sameer khi hắn xì xào với đôi mắt mở to:

“Sẽ có vài túi bột được chuyển đi trong đêm đến chỗ đó.”

“Chỗ nào?”

“Đằng kia kìa.”

Abu Al-abd cố gắng nhìn về phía Abu Sameer chỉ tay, nhưng cánh tay hắn vẫn gác bên mạn sườn, rồi anh nghe thấy tiếng hắn gằn giọng thì thầm:

“Anh sẽ được chia phần.”

“Các anh chui vào qua một cái lỗ à?”

Uốn lưỡi lại một cách rụt rè, Abu Sameer ngửa đầu trốn tránh, rồi lại thì thào với cái giọng khàn đục:

“Mấy túi bột tự rời đi… chúng biết đi!”

“Anh điên rồi!”

“Không, anh mới là kẻ bất hạnh… Nghe này. Vào thẳng vấn đề nhé. Những gì chúng ta cần làm là lấy vài túi bột trong kho rồi đem lại đằng kia. Tên lính gác sẽ chuẩn bị mọi thứ cho ta như mọi khi. Người giao dịch chẳng phải tôi, cũng chẳng phải anh – đó là tên người Mỹ tóc vàng của tổ chức…. Không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn sau khi ta thỏa thuận. Bọn Mỹ sẽ bán bột và tôi ăn lời… tên lính canh cũng được chia phần… Anh cũng thế…. Tất cả nhờ vào sự hợp tác của chúng ta. Giờ thì anh nghĩ sao?”

Abu Al-Abd cảm thấy vấn đề này rắc rối hơn nhiều việc chỉ trộm một, hai, hay thậm chí là mười túi bột, và cảm giác kinh tởm bủa vây khi nghĩ rằng anh phải làm việc với gã này, một kẻ đáng ghét không thể chịu nổi mà toàn khu trại ai ai cũng biết rõ.

Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy một sự dễ chịu ngất ngây khi nghĩ rằng một ngày nào đó anh có thể quay lại túp lều cùng chiếc áo mới cho Abd Al-Rahman, với vài món đồ nho nhỏ cho vợ anh sau triền miên khốn khổ. Hai nụ cười đó mới đẹp đẽ làm sao. Chỉ riêng cơ hội được nhìn thấy nụ cười của Abd Al-Rahman là quá đủ để anh dấn thân vào âm mưu vừa được đề xuất,

Nếu anh thất bại thì sao?... Số phận thê thảm nào đang đợi chờ vợ và con trai anh… Đó là cái ngày mà Abd Al-Rahman sẽ phải lúi cúi bên vệ đường với chiếc hộp đánh giày, lắc cái đầu bé nhỏ của nó khi cắm mặt vào những đôi giày đẹp đẽ của khách hàng. Một số phận thê thảm, đáng nguyền rủa.

Nhưng nếu anh thành công thì Abd Al-Rahman sẽ trở thành một con người mới, và anh có thể thoát khỏi câu hỏi đáng sợ chất chứa trong đôi mắt vợ anh. Nếu anh thành công thì cái cảnh đào hào vào những đêm mưa này sẽ chấm dứt, và anh có thể sống ở những nơi mà giờ đây anh chẳng thể tưởng tượng ra nổi.

“Sao anh không thôi với cái hào này đi để chúng ta vào việc trước khi trời sáng” Abu Sameer cất tiếng.

Đúng vậy, tại sao không rời khỏi cái hào này đi? Abd Al-Rahman đang ở góc lều run rẩy trong cái lạnh rét mướt, và anh có thể cảm thấy hơi thở của con trai anh chạm đến cái trán lạnh run của chính mình. Anh ước gì có thể cứu Abd Al-Rahman khỏi sự suy nhược khốn khổ này.

Mưa đã ngớt hạt và trên trời, vầng trăng đang xé mây thành một đường lởm chởm.

Abu Sameer vẫn đứng đối diện anh như một bóng ma tăm tối với hai bàn chân khổng lồ cắm sâu vào trong vũng bùn, cổ áo khoác cũ sờn dựng lên che cả vành tai, hắn ta đứng đó, chờ đợi. Trước mặt anh là một kẻ đang chào mời một cơ hội quá sức mù mờ, hắn khẩn khoản xin anh lấy vài túi bột trong kho rồi mang đến một nơi nào đó, nơi hàng tháng có gã người Mỹ ghé qua, rồi hắn sẽ đứng trước những túi bột trong khi cười cợt và xoa hai bàn tay sạch sẽ vào nhau, đôi mắt xanh trông chẳng khác gì con mèo đang rình rập chuẩn bị vồ lấy một con chuột bất cẩn đáng thương nào đó.

“Từ khi nào anh bắt đầu giao dịch với lính canh và tên nhân viên đó?”

“Anh có muốn làm hay không? Hoặc nhé, anh chỉ cần cầm tiền bán bột rồi đem hối lộ lũ khốn đó. Nghe này. Tên người Mỹ là bạn của tôi, và hắn thích công việc suôn sẻ gọn gàng. Hắn luôn bảo điều ưu tiên hàng đầu là thời gian, và hắn không thích sự chậm trễ. Chúng ta phải làm ngay bây giờ, nhanh nào!”

Anh lại hình dung trong đầu cái cảnh tên người Mỹ mắt híp màu xanh dương chễm chệ đứng trước những túi bột, miệng cười ha hả trong khi xoa lòng bàn tay sạch sẽ vào nhau một cách tự tin và sung sướng, và anh chợt cảm thấy rúng động. Anh nhận ra rằng gã người Mỹ này đang bán bột mì trong khi miệng ra rả nói với những người đàn bà và lũ trẻ ở khu trại tỵ nạn rằng việc phân phối sẽ bị hoãn lại tận mười ngày nữa vào tháng sau. Một cơn thịnh nộ như sóng cồn ập đến, như tiếng lòng anh vang vọng khi nghĩ rằng rồi một ngày anh sẽ phải quay về từ kho chứa trắng tay, nghẹn ngào nói với vợ anh rằng họ đã hoãn phần bột của chúng ta thêm mười ngày nữa. Sự thất vọng bao phủ gương mặt sạm nâu, khắc khổ của cô mới đau đớn làm sao. Anh đã từng thấy ứ nghẹn như thể có hàng ngàn cái bướu nhồi trong cuống họng trước sự im lặng đáng sợ ấy, khi cô nhìn vào túi bột trống rỗng vắt vẻo trên vai anh như cái dây lòng thòng trên giá treo cổ. Cái nhìn ấy có nghĩa rằng họ phải chờ đợi mười ngày nữa trước khi tìm được bột mì hay bất kỳ thứ gì để ăn. Dường như Abd Al-Rahman hiểu rõ tình thế này, bởi từ lâu thằng bé đã thôi liên tục đòi ăn dẫu cho bụng đói.

Trong mỗi túp lều tại khu trại tị nạn này là bao ánh mắt chìm sâu trong cùng một nỗi thất vọng. Mỗi đứa trẻ trong khu trại này sẽ phải chờ mười ngày, chỉ để được ăn một mẩu bánh.

Và hắn chính là nguyên nhân của sự trì hoãn – Abu Sameer – hắn đứng trước mặt anh như một bóng ma đen đặc, bàn chân hắn cắm vào vũng bùn thấp thỏm trong khi đợi chờ kết cục của một cuộc giao dịch. Hắn, và gã người Mỹ mắt híp màu xanh chà hai bàn tay sạch sẽ vào nhau trước những túi bột chất đống trong khi ngoác mồm cười ha hả.

Anh không biết bằng cách nào anh đã nhấc cán cuốc cao quá đầu mình, lẫn cách mà anh bổ nó xuống đầu của Abu Sameer cùng hết sức bình sinh. Anh cũng không biết làm sao vợ anh đã xoay sở lôi anh đi khỏi cái xác của Abu Sameer trong khi anh thét vào mặt cô rằng tháng này việc phân phối bột mì sẽ không bị trì hoãn…

Anh chỉ biết rằng khi anh cuối cùng đã quay trở lại lều, ướt sũng trong bùn lầy và nước mưa, anh đã ôm chặt Abd Al-Rahman trong vòng tay, và anh nhìn vào gương mặt nhợt nhạt, vàng vọt của con trai mình…

Anh vẫn mong mỏi được nhìn thấy nụ cười của con khi nó nhìn thấy một chiếc áo mới…

Và rồi anh bắt đầu khóc…

---

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Một túp lều ở trại tỵ nạn được dựng nên bởi Liên Hiệp Quốc tại Khan Younis, miền nam dải Gaza. Tác giả bức ảnh Ibraheem Abu Mustafa / REUTERS

*Ghassan Kanafani là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia gạo cội trong nền văn học Palestine. Ông sinh năm 1936 tại Vùng ủy trị Palestine và gia đình ông đã rơi vào cảnh ly tán sau sự biến Nakba 1948, họ đã đến Damascus tại Syria tỵ nạn, và ông đã cầm bút lên sáng tác truyện ngắn vì muốn dạy cho những đứa trẻ tại khu trại tỵ nạn về lịch sử của dân tộc. NĂm 1972, ông khi đó chỉ mới 36 tuổi đã qua đời cùng cô cháu 17 tuổi bởi một cuộc đánh bom ám sát mà đặc vụ Mossad đã cài vào trong xe hơi ông.

Vùng đất của những quả cam buồn (Ghassan Kanafani) by Phuong Nguyen

Một vườn cam tại Jaffa, Palestine



"Vùng đất của những quả cam buồn"
Ghassan Kanafani
From English translation by Mona Anis, Hala Halim and Nejmeh Khalil-Habib.

-

Ngày mà chúng tôi buộc phải rời khỏi Jaffa để đi đến Acre chẳng hề có cảm giác rằng một thảm họa đang ập đến.  Không khác gì những chuyến nghỉ mát hằng năm, khi cả gia đình cùng nhau đến một thành phố khác trẩy hội. Những ngày ở Acre trôi qua không có gì khác thường, đứa trẻ là tôi khi đó thậm chí còn thích thú bởi nhờ chuyến đi này mà khỏi phải đến trường… Dù sao thì vào cái đêm xảy ra trận oanh tạc nhắm vào Acre, mọi sự dần trở nên rõ ràng hơn. Một đêm kinh hoàng trôi qua giữa sự im lặng của những người đàn ông và tiếng đàn bà cầu khẩn. Lũ trẻ cùng trang lứa như tôi và cậu khi đó vẫn còn quá nhỏ để hiểu được ngọn ngành câu chuyện. Nhưng vào đêm đó những dòng chữ đang dần hiện rõ. Trời hửng sáng, trong khi bọn người Do Thái đang rời đi trong những tràng chửi rủa đầy đe dọa, tôi thấy một chiếc xe tải lớn chắn trước cửa nhà chúng ta. Những vật dụng nhẹ, chủ yếu là đồ ngủ, đang được ném vào xe tải trong vội vàng kích động.

Tôi đứng tựa lưng vào bức tường cổ kính của căn nhà và quan sát trong khi mẹ cậu trèo vào xe, sau đó là dì cậu với bọn trẻ con, rồi cha cậu vác cậu cùng những đứa em ném lên xe phía trên mớ hành lý. Rồi ông tóm lấy tôi đang đứng ở một góc, nhét tôi vào khoang hành lý bằng sắt phía trên buồng lái trông chẳng khác gì một cái lồng, và ở đó tôi thấy em trai Riad của mình đang ngồi im thin thít. Tôi chưa kịp tìm được một tư thế thoải mái thì xe đã lăn bánh. Acre dần mất dạng sau những rặng đồi khi chiếc xe leo dốc hướng về Rass El-Naqoura ở Lebanon.

Bầu trời mù mây và làn hơi lạnh lẽo ngấm dần vào thân thể. Riad lặng lẽ ngồi tựa lưng vào đống hành lý, chân gác trên thành sắt, mắt dõi nhìn xa xăm, còn tôi ngồi đối diện nó với đôi tay bó gối, mặt úp vào giữa hai bắp đùi. Những điền trang cam lùi dần sau lưng từng chút một trong khi chiếc xe hì hục leo lên một con dốc ướt… Và ở đằng xa vẳng lại tiếng súng như lời chia tay.

Rass El-Naqoura dần hiện ra ở phía xa đường chân trời giữa màn sương xanh thẫm, và chiếc xe bất chợt dừng lại. Những người đàn bà chui ra từ trong mớ hành lý, họ xuống xe rồi đi đến một quầy bán cam dọc đường. Khi họ quay lại cùng những túi cam, chúng ta có thể nghe thấy tiếng họ sụt sùi khóc. Và ở khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra những quả cam này mới thân thương làm sao, những quả ngọt to tròn, sạch sẽ này là điều gì đó đáng được trân trọng. Cha cậu bước xuống từ bên cạnh tài xế, ông cầm một quả cam trong tay, chau mày nhìn nó đầy suy tư lặng lẽ, và rồi ông bật khóc như một đứa trẻ đáng thương, bất lực.

Xe chúng ta dừng lại ở Rass El-Naqoura bên cạnh rất nhiều những chiếc xe khác trông y hệt. Những người đàn ông giao nộp vũ khí cho toán lính, vốn được đặt ngay tại đó chỉ để dành cho mục đích này. Rồi đến lượt chúng ta bước xuống. Tôi thấy bao khẩu súng ngắn và súng máy được ném lên trên một cái bàn lớn, và trải ra trước mắt tôi là hàng dài xe tải nối đuôi nhau đi đến Lebanon, bỏ lại đằng sau những nẻo đường quanh co và vùng đất của cây cam ngọt, rồi những giọt lệ đắng chát bắt đầu tuôn rơi. Mẹ cậu vẫn lặng lẽ nhìn lại rặng cây cam ở phía xa, và tất cả những cây cam cha cậu đã để lại cho lũ người Do Thái ấy sáng bừng trong mắt ông… Như thể những cái cây mà ông đã chọn mua thật cẩn thận ấy giờ đây là tấm gương phản chiếu gương mặt chính ông. Và những giọt lệ mà ông chẳng thể giấu đi trước mặt những sĩ quan tại đồn cảnh sát ấy, đang sáng lên lấp lánh.

Buổi chiều hôm đó khi chúng ta đến được Sidon, chúng ta đã trở thành những người lưu vong.

…..

Con đường nuốt chửng chúng ta như muôn vạn điều khác. Chỉ mới mấy ngày mà cha cậu trông già hẳn đi, như thể ông đã từ lâu không ngủ. Ông đứng đó bên cạnh mớ hành lý được vứt chỏng chơ bên vệ đường. Tôi biết nếu mình mở miệng nói gì đó thì ông sẽ lập tức thét vào mặt mình: “Khốn nạn! Cha mày là thằng khốn nạn!” Hai câu chửi này hiện ra rõ mồn một trên gương mặt ông. Ngay cả khi tôi đã được nuôi dạy trong một trường đạo khắt khe, thì ngay tại khoảnh khắc này tôi đã hoài nghi rằng liệu Chúa trời có thực muốn con dân của Người hạnh phúc. Tôi ngờ rằng Chúa thực ra chẳng nghe, chẳng thấy điều gì cả. Tất cả những bức tranh họa chân dung Chúa Trời thương yêu lũ trẻ với nụ cười hiền đều dối trá, cũng như bao lời nói dối khác từ những kẻ xây trường đạo nhằm thu tiền phụ phí. Tôi biết chắc rằng Chúa của chúng ta ở Palestine đã bỏ rơi vùng đất này, Người cũng đã từng là một người tỵ nạn ở đâu đó trên thế giới và chính Người cũng bất lực trước những khốn khổ của bản thân mình. Giờ đây chúng ta, những kẻ lưu vong đang ngồi bên vệ đường đợi chờ một số phận mới mở ra, giúp ta tìm một giải pháp. Chính chúng ta phải tự tìm lời giải cho điều này. Chúng ta phải tự đi tìm một mái nhà để dung thân. Nỗi đau này đã rơi vào đầu một bé trai ngây thơ như vậy đấy.

Buổi tối là thời gian kinh khủng nhất khi đêm buông rơi từng chút, từng chút một. Tôi rất sợ… khi nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua đêm dài bên vệ đường trong khi linh hồn đầy ứ những cơn ác mộng kinh hoàng. Chẳng có ai ủi an và tôi không còn một ai để chạy đến. Sự im lặng như đá tảng của cha cậu càng khiến tôi sợ hãi nhiều hơn, và những quả cam trong bàn tay mẹ cậu như ngọn lửa thiêu đốt lồng ngực tôi. Ai cũng im lặng trong khi dõi mắt nhìn vào con đường tối tăm mịt mù, mong rằng một giải pháp sẽ xuất hiện từ đâu đó từ trong góc nhỏ đằng kia rồi đưa tất cả chúng ta đến một nơi nào đó an toàn. Và rồi số phận đã đến, trong hình hài người chú của cậu, người vừa đến thị trấn vài ngày trước đó. Ông ấy chính là số phận của chúng ta.

Chú của cậu vốn chẳng phải là người đàn ông tử tế gì cho cam, và khi ông nhận thấy mình đang vất vưởng bên vệ đường thì bản tính càng trở nên man rợ. Ông đi đến ngôi nhà của một gia đình Do Thái, đạp tung cửa rồi ném đồ đạc trong nhà tứ tung trong khi thét vào mặt họ: “Cút đến Palestine ngay!” Chắc chắn họ đã không đi đến Palestine, nhưng vì quá hoảng sợ trước cơn thịnh nộ của người đàn ông lạ mặt nên họ đã lánh đến một phòng khác, chừa lại căn phòng chỉ còn lại mỗi sàn và mái nhà cho chú ấy.

Chú cậu dẫn cả gia đình ta đông đúc cùng thêm một đống hành lý vào căn phòng. Chúng ta qua đêm trên sàn nhà, đắp chăn bằng áo choàng của những người lớn. Vào buổi sáng khi thức dậy, những người đàn ông vẫn còn ngồi trên ghế. Và rồi thảm kịch bắt đầu ngấm vào thân thể chúng ta… tất cả chúng ta.

Chúng ta không lưu lại Sidon quá lâu, chỉ ba ngày. Phòng của chú cậu khá nhỏ và chẳng đủ cho thậm chí một nửa chúng ta. Mẹ cậu hỏi cha cậu rằng liệu ông có thể tìm được việc mới, nếu không thì chúng ta có thể quay lại vườn cam… Cha cậu nổi điên lên rồi ông thét vào mặt bà, giọng ông run lên trong giận dữ. Những rắc rối gia đình bắt đầu từ đây. Mối dây bền chặt của một đại gia đình hạnh phúc mà chúng ta từng có giờ đã ở lại sau lưng, cùng với những rặng cây cam, ngôi nhà cũ, và những người tử đạo đã ngã xuống.

Tôi không biết cha cậu đã lấy tiền từ đâu. Tôi biết ông đã bán hết trang sức của mẹ cậu, những món đồ ông từng mua tặng bà để khiến bà vui và tự hào về chồng của mình. Nhưng ngay cả mớ trang sức ấy cũng chẳng đủ để giải quyết vấn đề của chúng ta, ta cần nhiều hơn thế nữa. Liệu cha cậu có vay tiền không? Hay là ông đã bán đi vài món tư trang mà không cho chúng ta biết. Tôi cũng chẳng rõ. Tôi chỉ nhớ rằng chúng ta đã chuyển đến một vùng ngoại ô nào đó ở Sidon, nơi cha cậu ngồi xuống nhoẻn miệng cười lần đầu tiên. Ông đang đợi ngày 15 tháng Năm khi ông có thể trở về nhà cùng đoàn quân chiến thắng.

Ngày 15 tháng Năm đến sau một khoảng thời gian cay đắng. Chính xác lúc mười hai giờ đêm, khi tôi vẫn còn đang ngủ say thì ông đá vào tôi, hồ hởi nói với chất giọng vang rền như sấm: Dậy, dậy mau, đi xem quân đoàn Ả Rập đang tiến vào Palestine kìa. Tôi hối hả thức dậy và chạy như bay trên đôi chân trần xuyên qua ngọn đồi giữa đêm khuya cho đến khi đến được đường chính cách làng chính xác một kilometre. Tất cả lũ chúng ta, từ già đến bé ai nấy chạy hộc tốc như một lũ ngốc, về phía đến ánh đèn xe hơi rọi trên con đường hướng đến Rass El-Naqoura .

Đến được đường chính thì ai cũng mệt và thấm lạnh, nhưng tiếng hét điên cuồng của cha cậu khiến mọi người quên hết tất thảy. Ông đuổi theo đoàn xe như một đứa trẻ, tay vẫy không ngừng. Ông gào cho đến khi khản giọng và hết cả hơi, nhưng ông vẫn tiếp tục chạy theo sau đoàn xe như một đứa trẻ. Chúng ta chạy theo ông, thét lên như ông, trong khi những người lính đáng ngưỡng mộ kia dõi đôi mắt lấp ló dưới chiếc mũ nhìn chúng ta trong sự im lặng cứng nhắc. Ai cũng hết cả hơi, nhưng cha cậu dẫu đã hơn 50 tuổi rồi thì vẫn tiếp tục chạy. Ông ném thuốc lá lên xe cho những chiến binh. Ông tiếp tục đuổi theo, và chúng ta cũng chạy theo ông như một bầy dê nhỏ.

Đoàn xe đột ngột biến mất rồi chúng ta quay trở về nhà, mệt lử và chẳng còn hơi sức. Cha cậu chẳng nói lời nào, hoàn toàn im lặng. Khi một chiếc xe lướt ngang và nhá đèn xe vào ông, tôi thấy hai gò má của ông đầm đìa nước mắt.

Sau tối đó, cuộc sống trôi qua chậm rãi. Chúng ta đã bị đánh lừa bởi những lời tuyên bố và bởi sự thật đắng cay. Tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm gương mặt tất cả chúng ta. Cha cậu cảm thấy thật khó khăn để nói về Palestine, những tháng ngày hạnh phúc ở điền trang cam ngày xưa, hay căn nhà ông từng có.

Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Ngay cả chuyện vặt vãnh cũng đủ khiến cha cậu nổi cơn tam bành. Rồi một ngày, khi một đứa trong chúng ta hỏi xin ông cái gì đó, ông đã nhảy dựng lên như thể bị điện giật rồi soi vào từng đứa. Một ý tưởng đáng nguyền rủa bất thần nảy sinh trong đầu ông. Ông đột ngột đứng dậy, như thể vừa tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông vừa cảm thấy rằng bản thân đủ mạnh mẽ để đặt dấu chấm hết cho thảm kịch này, vừa cảm thấy kinh hoàng vì những điều ông sắp tiến hành đây thật thảm khốc, ông bắt đầu lắp bắp nói những điều vô nghĩa. Ông đi sang trái rồi lại sang phải, như thể đang tìm một thứ mà không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy. Rồi ông nhảy lên một chiếc hộp mà chúng ta đã mang đến từ Acre sau khi vứt hết mọi thứ trong đó ra trong kinh động hối hả. Mẹ cậu dường như hiểu được điều gì đang xảy ra, có lẽ đó là cái ta gọi là bản năng của người mẹ chăng, bà vội đẩy cả lũ chúng ta khỏi nhà và nói rằng chúng ta phải chạy ngay lên đồi.

Chúng ta đã không làm theo ý bà, thay vì chạy đi thì chúng ta dí mặt vào cánh cửa, căng tai ra dán chặt vào những thớ gỗ rồi lắng nghe trong kinh sợ. Chúng ta nghe thấy cha cậu lẩm bẩm rằng: Tôi sẽ giết hết chúng nó, rồi tôi sẽ tự sát. Tôi muốn chấm dứt cảnh này… Tôi muốn chấm dứt… Tôi muốn…

Qua khe cửa nhỏ, chúng ta nhìn thấy cha cậu dạng chân đứng trên sàn nhà, ông thở dốc, hàm răng nghiến chặt. Đối diện là mẹ cậu đứng ở bên kia căn phòng và bà đang nhìn ông với vẻ mặt kinh hoàng.

Lúc đầu tôi không hiểu đầu đuôi chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi nhớ rõ khoảnh khắc vừa nhìn thấy khẩu súng ngắn giắt bên mạn sườn ông, tôi lập tức co chân chạy, như thể đang trốn khỏi một bóng ma thình lình xuất hiện. Tôi chạy khỏi nhà hướng đến ngọn đồi, và càng chạy xa tôi càng cảm thấy tuổi thơ mình ngày càng mất dạng. Tôi bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời chúng ta sẽ không bao giờ còn như trước nữa: chẳng còn đơn giản như xưa, và cuộc sống giờ đây không còn là điều mà ngày ngày chúng ta phấn khởi chờ đợi. Tình thế đã tới bước đường cùng khi nhát súng vào đầu là điều duy nhất một người cha có thể làm cho các con ông. Nên từ bây giờ chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta phải biết điều, phải im lặng khi cha bắt đầu kể lể về những vấn đề của ông. Chúng ta sẽ không nài nỉ đòi ăn dẫu cho bụng kêu lên vì đói, và chúng ta sẽ tuyệt đối vâng lời, nhoẻn miệng cười với cái gật đầu khi ông quát lên: “Đi lên đồi chơi đi và đừng có quay lại đây trước buổi trưa đấy!”

Đêm đó cha cậu run lên vì sốt, một khoảng thời gian đã trôi qua từ khi bóng tối bủa vây khắp căn nhà. Mẹ cậu ngồi bên cạnh ông. Đôi mắt chúng ta ánh lên như mắt mèo giữa bóng đêm. Đôi môi chúng ta khép chặt như chiếc rương chưa từng được mở, như thể chúng là tàn tích của một vết thương xưa cũ.

Chúng ta chất đống trong một góc xó, xa khỏi tuổi thơ, xa khỏi vùng đất của những cây cam ngọt… những quả cam ngọt đã chết vì được tưới tắm bởi bàn tay kẻ lạ, như lời một người nông dân già từng kể cho chúng ta nghe. Cha cậu vẫn ốm liệt giường, còn mẹ cậu thì gặm nhấm những giọt lệ chảy tràn, những giọt lệ sẽ ở đó trong đôi mắt bà mãi mãi. Chúng ta mò vào phòng như những kẻ thất lạc. Tôi nhác thấy gương mặt cha cậu run rẩy trong căm giận vỡ nát, và cùng lúc đó tôi cũng thấy, khẩu súng ngắn màu đen trên chiếc bàn thấp, cạnh nó là một quả cam.

Một quả cam nhăn nhúm, khô kiệt, héo tàn…

——

(Hoài Phương dịch)

Nguyên tác lần đầu được tăng tải trên Tuần báo Al-Ahram nhân dịp tưởng niệm 50 năm xảy ra Al-Nakba, thảm họa xảy đến với người Palestine khi Israel lập quốc vào ngày 15 tháng 5, 1948. Truyện ngắn này được xuất bản vào năm 1998, thuộc tuyển tập những bài viết ghi lại lịch sử giao tranh giữa cộng đồng Ả Rập và Israel, cũng như những mất mát người Palestine đã đi qua trong thân phận lưu vong.

Trong truyện có đề cập đến tình tiết binh đoàn Ả Rập tiến đến Palestine. Đây là một nhóm quân đội Ả Rập từ những nước lân cận đi đến để bảo vệ Palestine và người dân của họ trước quân đội Israel Hagana Militias. Họ là niềm hy vọng của bao người Palestine, tuy nhiên, họ đã bị đánh bại và Israel chính thức lập quốc.

Ảnh: Một doanh nghiệp gia đình đang đóng gói cam của nông trại họ tại Jaffa, Palestine, năm 1907, Nguồn từ Bibliothèque nationale de France.

Kẻ thù của ánh dương (Samih al-Qasim) by Phuong Nguyen

Kẻ thù của ánh dương
Samih al-Qasim
From English translation by Aruri, Naseer Hasan, and Edmund Ghareeb

——

Như ngươi muốn – ta có thể mất kế sinh nhai
rồi phải bán đi chiếc giường manh áo.
Ta có thể phải trở thành thợ cắt đá.
Một phu khuân vác, một chân quét đường.
Ta có thể dọn dẹp cửa hàng các ngươi,
moi móc tìm thức ăn trong đống rác.
Để rồi ngã gục trong đói khát,
Ôi kẻ thù của ánh dương…
Nhưng!
Ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp,
Cho đến nhịp đập cuối cùng trong huyết quản,
Ta sẽ kiên cường phản kháng!

*

Ngươi có thể cướp đi dải đất cuối của quê nhà,
Vứt tuổi trẻ ta làm mồi cho những buồng giam.
Có thể cướp đi toàn bộ di sản.
Đốt sạch sách vở, những vần thơ ta đã viết.
Ngươi có thể đem thịt da ta làm mồi cho lũ chó.
rồi giăng chiếc lưới kinh hoàng
phủ lên bản làng ta.
Ôi, kẻ thù của ánh dương…
Nhưng!
Ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp,
Cho đến nhịp đập cuối cùng trong huyết quản,
Ta sẽ kiên cường phản kháng!

*

Ngươi có thể dập tắt ánh sáng trong đôi mắt.
Rồi đánh cắp những nụ hôn của mẹ hiền.
Ngươi có thể nguyền rủa cha ta, nhân dân ta.
Có thể bóp méo lịch sử của chúng ta,
Ngươi có thể cướp đi nụ cười bao trẻ thơ
cùng tất cả những gì thiết tha cho cuộc sống.
Ngươi có thể lừa dối bạn bè ta bằng gương mặt dối trá
Rồi dựng lên những bức tường thù hằn vây lấy ta
Ngươi có thể dán mắt ta vào bao lời sỉ nhục
Ôi kẻ thù của ánh dương…
Nhưng!
Ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp,
Cho đến nhịp đập cuối cùng trong huyết quản,
Ta sẽ kiên cường phản kháng!

*

Ôi kẻ thù của ánh dương…
Những huân chương giương cao nơi hải cảng.
Như cuộc phóng xuất ngập tràn không gian,
Một ánh sáng chói lòa buồng tim,
Và kìa ở đường chân trời,
Một cánh buồm ló dạng
chống chọi trước cuồng phong gió táp
và thăm thẳm vực sâu.

*

Đó là Ulysses
đang trở về nhà
từ đại dương của mất mát.
Giữa ánh nắng ngập tràn trên nẻo đường hồi hương,
là những người lưu vong,
là những người đàn ông, đàn bà, và vì họ
Ta xin thề rằng:
Ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp,
Cho đến nhịp đập cuối cùng trong huyết quản,
Ta sẽ kiên cường kháng cự
Ta sẽ phản kháng – và phản kháng!

——

(Hoài Phương dịch)

Bài thơ "Kẻ thù của ánh dương" (Enemy of the sun) trở nên nổi tiếng vào những năm 70, sau khi nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi George Jackson bị giết bởi cai ngục trong nhà tù California. Trong bản cáo phó được đăng tải bởi The Black Panther Intercommunal News Service, bên cạnh bức chân dung của George Jackson là 5 đoạn của bài thơ "Kẻ thù của ánh dương", kèm tên, ngày sinh và mất của Jackson, dẫn đến sự hiểu lầm trong nhiều năm rằng Jackson là tác giả của bài thơ này. Cho đến năm 2009, khi Greg Thomas - một học giả và nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi tổng hợp lại 99 cuốn sách mà Jackson đã để lại trong buồng giam, ông phát hiện ra bài thơ "Kẻ thù của ánh dương" của tác giả Samih al-Qasim, nằm trong tuyển tập "Thơ phản chiến Palestine" (Poetry of Palestinian resistance) được xuất bản bởi Drum and Spear Press vào năm 1970. Jackson đã tìm hiểu nhiều về công cuộc phản kháng của người Palestine khi ông ở trong tù, và đã chép tay lại bài thơ này, dẫn đến "sự hiểu lầm kỳ diệu" theo lời của Greg Thomas, bởi nó chứng tỏ mối liên hệ bền chặt giữa những phong trào cách mạng chống lại chủ nghĩa đế quốc và Zionism ở khắp nơi trên thế giới, mà tiêu biểu ở đây là giữa người Mỹ gốc Phi và Palestine.

Bạn có thể đọc thêm bài viết của Greg Thomas về sự liên hệ mật thiết giữa Black Panther Party và Palestine tại đây:

https://www.hamptonthink.org/.../the-black-panther-party...

Tranh: Ulysses deriding Polyphemus - Homer's Odyssey, Joseph Mallord William Turner

Chẳng vấn đề gì (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

Chẳng vấn đề gì
Mourid Barghouti
From English translation by his wife Radwa Ashour
—-

Tôi nhìn lại chính mình:
Không có vấn đề gì.
Tôi trông khá ổn, có lẽ
vài thiếu nữ sẽ nghĩ rằng
ngay tới mái tóc bạc của tôi cũng khá hấp dẫn;
gọng kính được rèn đúc chỉn chu,
thân nhiệt chính xác ba mươi bảy độ,
sơ-mi được ủi phẳng, hai chiếc giày vừa vặn.
Chẳng vấn đề gì cả.

Hai tay tôi không bị trói trong còng sắt,
Và miệng lưỡi tôi chưa bị buộc phải im lặng,
Chưa ai giáng xuống tôi một bản án
Và tôi vẫn có thể đến bàn làm việc mỗi sáng;
Tôi được phép đến thăm họ hàng ở tù giam
và được đến viếng mộ một vài người ở đất nước khác.
Chẳng có vấn đề gì cả.

Và tôi không ngạc nhiên khi gã bạn thân
đầu đã trổ sừng.*
Tôi thích cách gã khôn ngoan giấu đi cái đuôi lồ lộ
dưới lần vải áo, móng vuốt của gã điềm tĩnh làm sao.
Anh có thể giết tôi, nhưng rồi tôi sẽ tha thứ
bởi anh là một người bạn;
anh có thể đả thương tôi đôi lúc.
Không vấn đề gì cả.

Nụ cười của phát thanh viên truyền hình
chẳng khiến tôi phát ốm nữa.
Tôi cũng dần quen thuộc khi màu Khaki**
chặn đứng dải màu của riêng tôi
thâu đêm suốt sáng.
Và đó là lý do
giấy căn cước tôi luôn cắp bên mình
ngay cả khi đang ở hồ bơi.
Chẳng vấn đề gì cả.

Giấc mơ của tôi bắt chuyến tàu đêm qua
khi tôi chưa tìm thấy lời tạ từ.
Rồi tôi nghe thấy đoàn tàu đã rơi
xuống một thung lũng cằn cỗi
(chỉ còn mỗi người lái tàu sống sót).
Tôi tạ ơn Trời, rồi dặn lòng nguôi ngoai
Bởi còn đó những cơn ác mộng nho nhỏ
còn đó niềm hy vọng chúng sẽ chuyển mình thành giấc mộng lớn lao.
Chẳng vấn đề gì cả.

Tôi nhìn lại mình, từ khi hoài thai cho đến hiện tại.
Chìm giữa đớn đau, tôi chợt nhớ lại
Có một cuộc đời sau cái chết;
Có một cuộc đời sau cái chết
Và tôi ổn với điều đó
Nhưng rồi tôi bàng hoàng chất vấn:
Thánh Thần ơi
liệu có một cuộc đời trước cái chết hay không?

——

(Hoài Phương dịch)
English © Translation: 2009, Radwa Ashour
From: Midnight and Other Poems
Publisher: Arc Publications, Todmorden, Lancashire, 2009

(Hoài Phương dịch)

English © Translation: 2009, Radwa Ashour, from Midnight and Other Poems. Publisher: Arc Publications, Todmorden, Lancashire, 2009

*Đoạn này ám chỉ Israel

**Khaki: ám chỉ màu áo của lính Israel.

Một trong những bài thơ của Mourid Barghouti - nhà văn lưu vong người Palestine - được dịch sang tiếng Anh bởi vợ của ông là bà Radwa Ashour - một nhà văn người Ai Cập.

Mourid Barghouti sinh năm 1944 tại một thị trấn không xa Ramallah, và chỉ bốn năm sau đó, cả gia đình ông rơi vào cảnh ly tán khi đại họa Nakba xảy ra và họ sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Mourid Barghouti khi lớn đã chuyển đến Cairo theo học ngành ngữ văn Anh, nơi ông gặp tình yêu của đời mình là Radwa Ashour - con gái của một luật sư và một văn sĩ. Bà say mê lịch sử, chính trị, văn học và đã bị cuốn hút bởi Mourid Barghouti khi đến những buổi đọc thơ của ông. Trước khi đến với nhau như người yêu, họ đã là hai người bạn thân thiết, thường xuyên trao đổi thư từ ngay cả khi Mourid Barghouti đã tốt nghiệp và đi làm ở Bahrain. Dần dà tình yêu nảy nở, Mourid Barghouti quay lại Cairo và xin phép gia đình Radwa Ashour được cưới cô làm vợ, nhưng đã vấp phải sự chống đối bởi vì hoàn cảnh và xuất thân của ông - một người Palestine lưu vong, không nhà, không quê hương, không phải là người bạn đời mà họ mong muốn cho con gái của mình. Tuy nhiên khi thấy tình yêu giữa hai người trẻ quá mãnh liệt, cha của Radwa Ashour đã chịu thua và đồng ý cho họ đến với nhau.

Ngày họ kết hôn, Mourid Barghouti đã viết nên dòng thơ:

"Sáng ngày 22, tháng bảy, năm 1970, chúng ta đã trở thành một gia đình,

Và nụ cười nàng là nơi ta gọi là nhà."

Một mối tình đẹp nảy sinh giữa triền miên phản kháng.

Ảnh: Mourid Barghouti và Radwa Ashour tại Cairo khi còn trẻ.




"Núi, đá" (LENA KHALAF TUFFAHA) by Phuong Nguyen

"Núi, đá”
Lena Khalaf Tuffaha
—-

Đừng gọi con gái anh là Shaymaa,
vì lòng can trường sẽ dẫn chúng
đi vào đường đạn dưới trướng độc tài.

Đừng gọi những đứa trẻ là Sundus,
Bởi vườn địa đàng sẽ triệu hồi khóm cúc,
để những chiếc lá quay về trong vòng tay ôm.

Đừng đặt tên chúng là Malak hay Raneem,
Bởi thiên thần tìm người giống họ để bầu bạn,
đôi cánh bạc luẩn khuất trong xà lim hôi thối,
tiếng họ cười lảnh lót thay tiếng kinh cầu.

Đừng đặt tên con trai anh là Hamza.
cái tên này kích động đòn tra tấn
bằng lời hứa của ý chí kiên cường.

Cũng đừng gọi chúng
Là Muhammad, Ahed, Zakaria hoặc Ismail
Bởi chúng sẽ hóa thân thành vỏ ốc
để rồi bị vùi chôn trên bãi cát rộng.

Đừng đặt tên cho con. Hãy để chúng được sống
vô danh, hãy khép chặt làn mi
rồi trao tiếng nói chúng cho chim sơn ca.

Đừng trao cho chúng cái tên
và nếu anh chẳng còn lựa chọn,
hãy gọi chúng bằng những thứ có thể chống chọi
trước xói mòn băng hoại kéo dài đến thiên thu.
Hãy gọi chúng là núi cao,
Đặt tên chúng là đá tảng.

——

(Hoài Phương dịch)

Lena Khalaf Tuffaha là một nhà thơ, nhà văn nữ người Mỹ mang trong mình dòng máu Palestine, Syria và Jordan. Tập thơ đầu tay của cô “Water and salt” đã đoạt giải 2018 Washington State Book Award và “ARAB IN NEWSLAND” đã đoạt giải 2016 Twos Sylvias Press Prize.

Bài thơ này của cô cũng là tâm tư của những bao người cha mẹ khi đặt tên cho con cái, mong rằng cái tên đẹp đẽ đầy sức mạnh ấy sẽ đem đến phúc lành và thay họ bảo vệ cho con mình trước cuộc đời dài, nhưng cô cũng sợ rằng những cái tên quá đẹp đẽ, quá chính trực ấy sẽ khiến con họ chết yểu khi bủa vây là bạo tàn. Sau đây là ý nghĩa của từng cái tên được nhắc đến trong bài thơ:

  • Shaymaa: Tên một người chị của Ngôn Sứ Muhammad, có nghĩa là “Người có phẩm hạnh cao thượng”

  • Sundus: Tấm lụa được dùng để may áo trên thiên đường.

  • Malak: Thiên thần

  • Raneem: Tiếng hát thánh thót

  • Hamza: Sư tử, sự kiên cường vững chãi. Đây cũng là tên một người chú của Ngôn sứ Muhammad.

  • Muhammad: Tên của Ngôn sứ

  • Ahed: Độc nhất vô nhị

  • Zakaria: Tên của một Ngôn Sứ, có nghĩa “Được thánh thần ghi nhớ”

  • Ismail: Có nghĩa thánh thần đã nghe thấy.

    Tranh được thiết kế bởi Dylan McGarry, sử dụng cho mục đích minh họa.

Gửi đến nhà thơ trẻ tuổi (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Gửi đến nhà thơ trẻ tuổi"
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Fady Joudah

—-

Đừng tin vào nguyên tắc của chúng ta, hãy quên đi tất cả
Rồi dấn bước với ngôn từ của riêng anh,
như thể anh là người đầu tiên viết xuống vần thơ,
là thi sĩ cuối cùng trên trái đất.

*

Nếu có đọc thơ của chúng ta, xin đừng xem bản thân như đoạn nối
mà hãy chỉnh đốn lại những sai lầm của tiền nhân
trong cuốn sách bao phận người khốn khổ.

*

Đừng bao giờ hỏi rằng: Tôi là ai?
Bởi anh biết rõ mẹ của anh là ai,
Còn người cha? Hãy là người cha của chính mình.

*

Nếu sự thật trắng xóa, hãy viết
bằng giọt mực rỉ ra từ lũ quạ.
Và nếu sự thật đen đặc, hãy viết
cùng ánh sáng thắp lên từ ảo ảnh.

*

Nếu anh muốn giao đấu với chim cắt
thì hãy cùng chúng cất cánh bay.

*


Và nếu một ngày anh rơi vào lưới tình,
đừng đợi đối phương, chính anh
phải khát khao một kết cục.

*

Cuộc đời chẳng sôi động như ta kỳ vọng, nhưng đừng quá bận tâm
nếu anh không muốn tâm hồn chịu nhiều tổn thương.

*

Nếu anh suy tưởng trước đóa hồng quá lâu
Anh sẽ không né tránh dẫu trong lòng cơn bão.

*

Và anh cũng như ta, nhưng vực thẳm của ta đã quá tỏ tường.
Còn đợi chờ anh là những con đường cùng bao bí mật không hồi kết
Chúng cứ trồi sụt, rồi lại trồi sụt.

*

Anh có thể coi cái chết của tuổi trẻ
là khi tài năng, hoặc trí tuệ
trưởng thành. Hẳn rồi, đó là trí tuệ,
là sự khôn ngoan của khuyết ngôn lạnh lùng.

*

Ngàn cánh chim sải cánh trong lòng bàn tay
Cũng không bằng một chú chim đậu trên đỉnh đại thụ.

*

Một bài thơ giữa thời tang thương
Là đóa hoa đẹp bừng nở giữa nghĩa trang.

*

Chẳng dễ gì để theo bước tiền nhân
nên hãy cứ là chính anh, hãy vượt qua cả chính mình
ở bên kia biên giới tiếng vọng.

*

Nhiệt huyết có ảnh hưởng sâu rộng đến đâu rồi cũng lụi tàn
Nhưng vì con tim, hãy lấp đầy mình với nhiệt tình tha thiết,
hãy bước theo nó trước khi anh đi đến cuối đường.

*

Đừng nói với người yêu rằng: anh là em,
và em là anh, mà ngược lại: chúng ta là hai người khách
trong một đám mây thừa thãi, lưu đày.

*

Hãy dùng hết sức mình để đi sai đường, hãy đi chệch hướng khỏi quy tắc.

*

Đừng đặt hai vì sao trong một câu nói,
hãy đặt những thứ bên lề kề bên điều gì đó hệ trọng,
để say mê tràn dâng được hoàn tất.

*

Đừng tin rằng vào sự chính xác những lời ta hướng dẫn,
Chỉ tin vào dấu vết đoàn hành hương để lại.

*

Phẩm hạnh là viên đạn găm vào trái tim người thi sĩ.
một sự minh triết đầy chết chóc.
Nên hãy mạnh mẽ như một con bò giận dữ
Hãy yếu mềm như đóa hoa hạnh nhân khi yêu
Và đừng là bất cứ điều gì
khi anh tấu lên khúc nhạc cho chính mình trong căn phòng khép kín.

*

Con đường dài rộng như đêm thâu của nhà thơ từ thuở xưa:
bao bình nguyên và núi đồi trải rộng, thung lũng và sông sâu.
Hãy tiến bước như thước đo của giấc mộng: theo chân anh
là nhành hoa huệ, hoặc giá treo cổ.

*

Ta không quá lo lắng về nhiệm vụ của anh.
Mà là những kẻ sẽ nhảy múa
trên mộ con cái của chính hắn,
cùng những chiếc camera ẩn mình
trong chiếc rốn những nhạc công.

*

Anh sẽ không làm ta thất vọng,
nếu anh tách rời bản thân khỏi tha nhân, khỏi chính ta.
Những gì không giống ta luôn đẹp đẽ bội phần.

*

Từ giây phút này, điều duy nhất bảo vệ anh là một tương lai bị bỏ mặc.

*

Đừng nghĩ rằng, khi anh tan vào bi thương
như dòng lệ chảy trên cây nến cháy,
Đừng nghĩ rằng có ai sẽ đó sẽ nhìn thấy anh
rồi những ai sẽ đi theo ánh sáng anh thắp lên bằng trực giác.
Hãy nghĩ về chính mình: đây có phải toàn bộ bản thân anh?

*

Chẳng có bài thơ nào hoàn chỉnh, cánh bướm sẽ hoàn thiện chúng.

*

Không có lời khuyên nào trong tình yêu. Đó là trải nghiệm.
Không có lời khuyên nào về thi ca. Đó là tài năng thiên phú.

*

Và điều quan trọng sau cuối, Salaam.*

——

(Hoài Phương dịch)

* (Arabic: سلام, salām) Là một lời chào phổ thông nhất trong tiếng Ả Rập và cũng là một lời chúc lành, có nghĩa là "hòa bình", "bình yên ở bên anh"

Cây Ô-liu thứ hai (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Cây Ô-liu thứ hai
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Marilyn Hacker

——

Cây ô liu không cười, chẳng khóc. Cây ô liu là người đàn bà e ấp
của sườn đồi. Đôi chân nàng được bóng râm che chở,
Không một chiếc lá rơi, dẫu trước mặt là bão táp cuồng phong.
Nàng đứng như ngồi, và ngồi như đang đứng.
Nàng thân ái như người chị của vĩnh hằng, như cô hàng xóm ngọt ngào của thời gian -
người đã giúp nàng tích trữ những giọt dầu bóng loáng,
giúp nàng quên đi tên của bè lũ xâm lăng, trừ những người La Mã
đã chung sống bên nàng, chỉ vay mượn cành nhánh nàng
để kết thành vòng hoa. Họ không bạc đãi nàng như người tù thất trận
mà như một người bà đáng kính, bởi phẩm cách của nàng
khiến gươm đao lập tức vỡ tan. Và khi đứng trước nàng, trước sắc xanh bạc trầm mặc,
màu sắc bối rối không thốt nổi thành lời, không dám trộm nhìn
những điều tàng ẩn trong dung nhan đó. Cây ô liu không xanh cũng chẳng bạc,
nếu hòa bình cần có một sắc màu, ấy chính là màu ô-liu.
Không ai khen ngợi cây ô-liu rằng, Nàng mới đẹp làm sao!
Mà phải thốt lên: Thật rực rỡ, thật cao thượng! Bởi nàng
dạy những chiến binh buông rơi súng trường,
để được nàng chỉ bảo trọng dịu dàng và yêu thương: Hãy về nhà
rồi dùng dầu của ta để thắp lên ánh sáng! Nhưng,
những người lính này, những kẻ của thời nay
chúng vây hãm nàng bằng xe ủi, bứt rời gốc rễ nàng khỏi huyết quản
của đất mẹ. Chúng đánh đập người bà đáng kính của chúng ta, người khai hoang lập địa,
cành nhánh nàng rơi đầy mặt đất, gốc rễ nàng chổng lên trời.
Nàng không kêu than, không gạt nước mắt. Nhưng một người cháu của nàng
khi chứng kiến buổi hành quyết đã nhặt viên đá
rồi ném vào tên lính, để rồi cả hai đều trở thành người tử đạo.
Khi toán lính hân hoan rời đi,
chúng tôi đặt cậu vào hố sâu – trong cái nôi của người bà yêu dấu.
Chúng tôi biết rằng sớm thôi, cậu sẽ trở thành một cây ô liu -
đầy gai, xanh mướt!

Ảnh: Một bức ảnh vô cùng iconic về hành trình cướp đất của binh lính Israel được chụp bởi phóng viên, nhiếp ảnh gia Nasser Ishtayeh - người đã bị lính Israel bắn hơn 11 lần trong khi tác nghiệp, trong đó có một lần bị nặng và ông đã rơi vào tình trạng hôn mê. Trong bức ảnh, một người đàn bà Palestine đang ôm lấy cây ô-liu của gia đình trong khi lính Israel đang san bằng điền trang của bà.

Cây Ô-liu là một trong những biểu tượng của Palestine. Loài cây này vốn có xuất xứ từ vùng Tiểu Á: Iran, Syria và Palestine, và khoảng 6000 năm trước dần dần lan ra, trải rộng khắp bình nguyên Địa Trung Hải. Cây Ô-liu có tuổi thọ rất cao, trung bình 500 năm và có thể thọ đến 1500 năm tuổi. Palestine từng là một vùng đất màu mỡ nông nghiệp với những rặng ô-liu mênh mông trải dài, và cũng giống với nông dân Ý bây giờ, người dân Palestine có một sự gắn bó sâu sắc với những vườn ô-liu đã gắn bó bên gia đình họ qua nhiều thế kỷ. Trong hành trình "dựng quốc", binh lính Israel đã đốt và đào bật gốc vô số những cây ô-liu hàng trăm, nghìn năm tuổi, để người nông dân không còn kế sinh nhai phải bỏ xứ mà đi. Hình ảnh cây olive vì vậy, thường xuất hiện trong băng rôn, biểu ngữ, thi ca của người Palestine như một biểu tượng phản kháng.

(Hoài Phương dịch)

Hai bài thơ của Salim Al-Naffar by Phuong Nguyen

Sự sống

Lưỡi dao có thể nuốt trọn
mảnh thịt sót lại nơi mạn sườn ta,
và súng trường có thể nghiền nát
những gì còn lại của đá,
nhưng sự sống đang dần tiến đến
và đó là cách mà nó mang lại
một cuộc đời
cho ngay cả chúng ta.

***

Khởi hành

Địa cầu ngáp dài,
rồi giang cánh
những người lính tán gẫu
khi vòng phong tỏa bủa vây.
Những tấm gương bị hủy diệt:
khi quân lính rời đi
mà không để lại một lời.

—-

(Hoài Phương dịch)

Salim Al-Naffar (1963 - 2023) là một trong những nhà thơ Gaza đã ra đi dưới những không kích của Israel mấy tháng qua. Sinh ra tại trại tỵ nạn Jaffa, gia đình ông bị trục xuất đến Jordan vào năm 1968 và đến năm 1994 mới được hồi hương. Ông đã từng sống cùng với gia đình gồm với vợ và hai con nhỏ tại trại tỵ nạn Al-Nafar ở Gaza, cho đến ngày 7/12/2023 khi cả gia đình ông, cùng chị dâu và những đứa cháu đều thiệt mạng khi bị chôn vùi dưới đống gạch vụn sau một trận không kích. Thi hài của họ vẫn còn nằm dưới đống tàn tích. Ông từng là một trong những tiếng nói quan trọng trong cộng đồng văn chương khu vực và đã xuất bản hơn 12 tuyển tập văn chương, ông cũng được biết đến như một người làm công tác xã hội năng nổ, luôn giúp đỡ người khác nhiệt tình, một nhà thơ được biết đến với “Trái tim vàng.”

Lớp học vẽ (Salim Al-Naffar) by Phuong Nguyen

"Lớp học vẽ"
Salim Al-Naffar (1963-2023)
From English translation by Danielle Linehhan Kiedaisch and Lorna MacBean

——

Nếu ta dừng bước
Liệu sự vô tận có ngừng lại không?
Ta gào lên thống thiết từ trong bão lửa,
tiếng thét ta chìm vào bóng tối.
Có ai nghe thấy không?
Có ai trả lời không?

Lũ trẻ nhúng bánh mì vào dòng lệ ta tuôn tràn
trong khi ta vật lộn với xiềng xích thời gian
được vẽ ra nhằm điểm trang cho chiến trận
Một đứa trẻ thì thầm:
“Họ đưa cha của con đi rồi… chú có thấy ông không?”

Nhưng tôi kiệt sức
vì phải nhìn
vì những chuyến hành trình
vì tháng ngày lo lắng
Mẹ ơi, con mệt rồi…
Niềm vui, nỗi buồn, đều là những thứ hoang đường
Và những chuyến đi này ngấu nghiến con, từng mẩu, từng mẩu một…

Khi ta dừng lại
Cuộc đời hóa thành ký ức.
Khi ta ngủ say,
bên cạnh thời gian,
mở lời.

Trong lớp học vẽ
thời gian được phác đồ trên đường nét quê hương
cùng câu chuyện khi bao hiệp sĩ đối đầu thời gian với toàn bộ linh hồn.
Thầy giáo kể chuyện
rồi điểm tô màu sắc vào tâm trí chúng ta.
Gieo nơi chốn vào buồng tim, biến chúng thành câu hỏi:
Điều gì đã xảy ra với người thầy đó?

Thầy tôi đã bị tuyên cáo vắng mặt.
Chẳng còn bức tranh, chẳng còn câu chuyện, giấc mơ đẹp tan tành
Mỏi mệt bởi những chuyến đi, những câu hỏi
và một cuộc đời triền miên thống khổ,
tôi hóa thành kẻ lang thang.
Ai sẽ thấy được bước chân đi lạc?

Chẳng được yêu thương và kiệt sức trong giận dữ,
họ dẫm trên tầng mây
họ ngắt bỏ vì sao khỏi vòm trời
rồi họ làm trật nhịp thời gian trôi.

Nếu chúng ta dừng lại
Thời gian có bước tiếp không?
Ta chưa từng nghĩ rằng mình đang đưa lũ trẻ vào lòng sóng dữ.

….

Điều gì đã xảy ra với chúng ta?
Ta có học được điều gì từ sự vắng mặt?
Rằng sự sống không được bảo bọc ở miền hoang dã.

Ta đập tay trên cửa nhà tử thần
và chỉ có thinh lặng trả lời.
Chúng ta lớn lên trên dải đất eo hẹp
Cuộc đời ta vươn lên từ dòng nước.
Nên hãy cãi lại điều này:
Dẫu quê hương có bị vòm trời nghiền nát
thì chúng ta vẫn tiếp tục cất lên tiếng hát.

—-

(Hoài Phương dịch)

Thật buồn khi tìm được một bài thơ hay, một nhà thơ mới để giới thiệu đến mọi người, đọc xuống phần ghi chú tác giả, nhận ra người đã mất.

Salim Al-Naffar (1963 - 2023) là một trong những nhà thơ Gaza đã ra đi dưới những không kích của Israel mấy tháng qua. Sinh ra tại trại tỵ nạn Jaffa, gia đình ông bị trục xuất đến Jordan vào năm 1968 và đến năm 1994 mới được hồi hương. Ông đã từng sống cùng với gia đình gồm với vợ và hai con nhỏ tại trại tỵ nạn Al-Nafar ở Gaza, cho đến ngày 7/12/2023 khi cả gia đình ông, cùng chị dâu và những đứa cháu đều thiệt mạng khi bị chôn vùi dưới đống gạch vụn sau một trận không kích. Thi hài của họ vẫn còn nằm dưới đống tàn tích. Ông từng là một trong những tiếng nói quan trọng trong cộng đồng văn chương khu vực và đã xuất bản hơn 12 tuyển tập văn chương, ông cũng được biết đến như một người làm công tác xã hội năng nổ, luôn giúp đỡ người khác nhiệt tình, một nhà thơ được biết đến với “Trái tim vàng.”

"Địa ngục" và "Túc số của người chết" (Ameer Hamad) by Phuong Nguyen

Địa ngục
Ameer Hamad
——
Chúng ta bị trục xuất khỏi dòng sông,
Chúng ta bị tống khỏi địa ngục
Nhưng địa ngục là nơi ta đã sinh ra,
nơi người trồng cây
không có quyền với lấy
những tảng đá nóng bỏng rực hồng
Dưới tầng sâu ta cặm cụi lầm lũi
làm nguội chúng đi bằng cả tấm thân
mài nhẵn chúng thành bức tượng rồi ném đến trời cao
nơi những người anh em ta bước qua
giang tay đón lấy.

.
.
.

Túc số của người chết
Ameer Hamad
——
Tôi giấu mình trong tủ áo,
nơi tôi tìm thấy bà bên biển lặng,
đếm từng lỗ nhỏ dầy trên bãi cát,
Bà nói rằng người chết liên quan mật thiết
đến quy luật khiến vũ trụ vận hành.
Chúng ta nợ họ,
một hiện thực không quá sạn khô,
và rồi mọi thứ sẽ thắp sáng
như những dự thảo bị gạt đi bởi lũ cặn bã
khi túc số hoàn thành.

From the poetry collection I Looked for their Keys in the Locks by Ameer Hamad, first prize winner in the 2019 Young Writer Competition. Hamad was born in Jerusalem in 1992, and currently resides there. He obtained a bachelor’s degree in Computer Science from Birzeit University in 2016. He has published multiple of his works and literary translations in a number of cultural platforms.

 

CREDITSPOEMS BY AMEER HAMAD TRANSLATION BY WAEL SAWAH  MAY 23 2023

"Đường về" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Đường về”
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Munir Akasha

——

Ta hướng đến một quê nhà chẳng phải thịt da.
Nơi hàng cây không là xương tủy.
Nơi đá tảng chẳng phải bầy dê trong bài ca núi vọng.
Và hòn sỏi không phải bách hợp bung hoa.
Đường về một quê hương không còn hào quang mặt trời thắp sáng.
Không còn những nữ thần tụng ca.
Một vùng biển dành cho ta, một vùng biển chống lại ta.
Khi chẳng còn nước lẫn lúa mì,
hãy ăn tình yêu trong ta, hãy uống cạn những giọt nước mắt…
Kìa những nhà thơ quấn khăn tang,
và tiếng nói vươn cao nhờ tượng đá.
Một hũ cốt để tro bụi thời gian đừng phủ lên linh hồn.
Những đóa hồng dành cho ta, chống lại ta. Vinh quang cho họ và cho ta.
Đôi mắt ta chỉ thấy những điều vô hình của quê nhà: Sự huyền bí.
Vì đây mới là vinh quang của ta: một ngai vàng ngự trên trùng điệp bàn chân rách nát
đang lê bước trên đường về mái ấm bao người,
trừ ngôi nhà của riêng ta!
Một linh hồn phải tìm ra bản ngã trong linh hồn chính hắn,
bằng không, hãy chết đi ngay chốn này!

——

(Hoài Phương dịch)

Lời hứa của tự do (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Lời hứa tự do
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Munir Akasha
—-
Ta rảo bước giữa phố phường Tây Ngạn
Không chút run sợ, dẫu cho những tên cướp đang uống cạn
dòng máu ta tuôn tràn. Đôi chân ta rách nát,
sưng phồng, tứa máu bởi lưỡi dao cắm sâu vào quê nhà
trên con đường ta lê bước, đoàn người nối tiếp đoàn người.
Chúng ta là làn gió vuốt ve bạo tàn,
là thuốc súng chống chọi trước thù hằn sóng dữ:
Ta hành quân, hành động, ta không bao giờ chợp mắt,
bởi còn đó bao lời thề ta phải gìn giữ :
Một tự do gọi ta đến từ chân trời xa
Dẫn bước chân ta như vì sao bắc đẩu.
Ta chẳng tiếc gì, ta hy sinh tất cả, ta sẽ làm việc vất vả
Cho đến khi ca khúc khải hoàn đến tự do quê nhà!


(Hoài Phương dịch)

"Ta là ai nếu không có lưu đày?" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Ta là ai nếu không có lưu đày?”
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Munīr ʻAkash, Carolyn Forché
Từ tuyển tập thơ “Unfortunately, it was Paradise”, University of California Press, 2003

——
Này người lạ bên kia bờ
như con sông… dòng nước trói buộc ta vào cái tên người.
Chẳng điều gì khiến ta từ xa xăm trở về
bên ốc đảo: không chiến tranh lẫn hòa bình.
Không điều gì khiến ta bước vào bản phúc âm.
Không một điều chi… Chẳng còn gì thắp sáng đôi bờ
khi triều xuống, giữa đôi dòng sông Nile và Euphrate.
Không điều gì lôi ta rời khỏi chiến xa của Pharaoh.
Không điều gì có thể mang ta đi, gieo vào trong ta ý nghĩ:
không hoài niệm lẫn lời hứa.
Ta phải làm gì? Ta biết làm gì nếu không còn lưu vong
như đêm dài đang trừng trừng soi mình trong dòng nước?

 
Dòng nước trói buộc ta vào cái tên người…
Không điều gì bứt rời ta khỏi cánh bướm mộng mị
Không điều gì mang đến thực tại: không bụi mù lẫn lửa dữ.
Ta phải làm gì nếu không còn đóa hồng ở Samarkand?
Ta phải làm gì trên quảng trường nơi hòn đá mặt trăng mài nhẵn nhụi người ca sĩ?


Chúng ta nhẹ bẫng, như những căn nhà
tung bay trong cơn gió thổi từ dải đất xa.
Đôi ta kết bạn với bao tạo vật dị thường luẩn khuất giữa làn mây…
Đôi ta đã được giải phóng khỏi vòng tay vươn tỏa của bản dạng quê nhà.
Ta phải làm gì?
Ta phải làm gì đây nếu không còn lưu đày
khi đêm dài đang soi mình trong dòng nước chảy?


Dòng nước trói buộc ta vào cái tên người…
Chẳng còn gì sót lại trong ta ngoài người
Và ngươi cũng chẳng còn gì khác ngoài chính ta -
rồi người lạ âu yếm đôi chân của tha nhân, cất tiếng hỏi:
Hỡi người lạ! Ta phải làm sao với bao điều còn lại
khi ta chợp mắt giữa hai truyền thuyết thật yên bình?
Điều gì nâng đỡ chúng ta: không mái nhà, không cả lối đi.
Phải chăng còn đường này đã luôn như vậy từ khởi sinh?
Phải chăng giấc mơ của chúng ta đã tìm thấy một tuấn mã Mông Cổ trên đồi
Rồi đổi ta để lấy chú ngựa đó?
Ta phải làm gì?
Ta phải làm gì đây nếu không có lưu đày?

Ta đã thấy Ramallah (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

"Ta đã thấy Ramallah"
Mourid Barghouti
Trích đoạn từ tiểu thuyết “I saw Ramallah”, translated by Ahdaf Soueif

—-

“The homeland does not leave the body
until the last moment,
the moment of death.

The fish,
Even in the fisherman's net,
Still carries
The smell of the sea.”

——-

“Tổ quốc sẽ không rời khỏi xác thân
cho đến hồi tận,
khi tử thần bước đến.

Như những con cá
Dẫu đã phơi mình trong tấm lưới
Vẫn còn vương vấn trên người
Mùi vị của biển khơi”

― Mourid Barghouti

Ta và nàng (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

Ta và nàng
Mourid Barghouti (1944 - 2021)

——

Nàng đẹp tuyệt vời như đất nước tự do
Còn ta, kiệt sức như quê hương trong vòng chiếm đóng.
Nàng buồn như người bị bỏ rơi mà không ngừng tranh đấu
Còn ta, rúng động như thể chiến tranh đã gần kề.
Nàng được khát khao như hồi kết trận không kích.
Còn ta, kinh hoàng như một người đang đào bới tàn tích gạch vụn.
Nàng can trường như một phi công lão luyện
Và như người bà của phi công ấy, ta tự hào về nàng biết bao.
Nàng lo lắng như cha của một bệnh nhân
Còn ta, bình tĩnh như y tá đang chăm nom người đó
Nàng ngọt ngào như giọt sương
Và để vươn lên, nàng là tất cả những gì ta cần …
Đôi ta dữ dội như lửa hận
Mà cũng dịu dàng như sự thứ tha.
Nàng can trường như trụ cột trên pháp đình
Còn ta bối rối như người chịu bao định kiến
Và mỗi khi đôi ta gặp gỡ
Ta chuyện trò không nghỉ ngơi, như hai luật sư
Đang bảo vệ thế giới…

—-

(Hoài Phương dịch)

Bài thơ được Mourid Barghouti viết gửi đến Radwa Ashour, người vợ đã khuất của ông và cũng là một nhà văn người Ai Cập. Radwa Ashour thường là người sẽ dịch những bài thơ mà Mourid Barghouti viết ra sang tiếng Anh. Họ gặp nhau khi còn là học sinh tại đại học Cairo vào những năm 1960s, khi Radwa Ashour đến một buổi đọc thơ của ông và họ dần nảy sinh tình cảm. Cả Mourid Barghouti và Radwa Ashour đều là những cây viết phản chiến mạnh mẽ, những nhà hoạt động xã hội tích cực, nên sự kết nối giữa họ ngày càng bền chặt sâu sắc dẫu cho khoảng cách là điều không tránh khỏi, bởi Mourid Barghouti là một người Palestine và thường xuyên phải rơi vào cảnh lưu vong. Sau khi họ kết hôn và có một đứa con vào năm 1977, cùng năm đó tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã đến Israel công du, sau đó ông ban lệnh trục xuất Mourid Barghouti cùng rất nhiều người tỵ nạn Palestine khỏi Ai Cập, và Barghouti không thể quay về Ai Cập suốt 17 năm sau đó. Radwa Ashour đã nuôi con một mình trong thời gian đó, và tìm cách đến thăm ông mỗi khi bà có thể. Radwa Ashour biết rất nhiều về lịch sử của Palestine thông qua lời kể của chồng cũng như việc bà tự tìm tòi nghiên cứu, bà biết rõ những bản làng đã bị xóa tên trên bản đồ cùng những con người ở đó, và bà cũng đã xuất bản những tiểu thuyết xuất sắc về lịch sử của người Ả Rập, trong đó “Granada” viết về những người Ả Rập bị trục xuất khỏi Andalusia (Tây Ban Nha) được xem như là kiệt tác của bà. Mourid Barghouti và Radwa Ashour đã kết hôn với nhau 44 năm, cho đến khi bà qua đời vì bạo bệnh vào năm 2014.

"THƯ GỬI TỪ GAZA" (Ghassan Kanafani ) by Phuong Nguyen

Truyện ngắn

"THƯ GỬI TỪ GAZA" (1955)

Ghassan Kanafani (1936 - 1972)

Truyện ngắn được dịch và phát hành trong "The 1936-39 Revolt in Palestine" bởi Tricontinental Society of London vào năm 1980

-

Mustafa thân mến,

Tôi đã nhận được thư cùng lời ngỏ rằng cậu đã làm tất cả thủ tục cần thiết để chào đón tôi tại Sacramento. Tôi cũng vừa hay tin rằng tôi đã được nhận vào khoa Kỹ thuật dân dụng của Đại học California. Cảm ơn cậu nhiều lắm, bạn thân quý của tôi. Và hẳn cậu sẽ cảm thấy khó hiểu khi tôi thông báo tin này – và đừng nghi ngờ, vì tôi hoàn toàn không do dự, thậm chí tôi khẳng định rằng mình chưa từng nhìn thấy mọi thứ sáng rõ như bây giờ. Không đâu, bạn yêu quý, tôi đã đổi ý. Tôi sẽ không đi cùng cậu đến “vùng đất tràn ngập sắc xanh, với dòng nước sạch và những gương mặt đáng mến.” Đúng vậy, tôi sẽ ở lại đây, và tôi sẽ không bao giờ rời đi.

Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc vì cuộc đời chúng ta từ nay rẽ hướng, Mustafa à. Tôi dường như nghe thấy lời cậu nhắc nhở về cái thời chúng ta từng thề thốt rằng sẽ luôn đi cùng nhau, hai đứa trẻ gào lên rằng: “Chúng ta sẽ giàu!” Nhưng tôi không thể làm gì khác. Vâng, tôi vẫn nhớ ngày đó ở sân bay Cairo, tôi đứng đó nắm chặt tay cậu, mắt dán chặt vào những động cơ ngoài kia đang chạy điên cuồng. Vào khoảnh khắc khi mọi thứ như bị cuốn vào vòng xoay của thời gian và cái động cơ gầm rú inh tai nhức óc đó, cậu đứng đó, gương mặt bầu bĩnh chỉ còn lại im lặng.

Gương mặt cậu vẫn không đổi thay gì từ hồi bé, từ cái thời ta lớn lên ở quận Shajiya ở Gaza, chỉ điểm thêm vài nếp nhăn mờ nhạt. Chúng ta đã lớn lên cùng nhau, hiểu nhau quá rõ và từng hứa hẹn sẽ cùng nhau đi đến tận cùng. Nhưng..

“Chỉ còn mười lăm phút nữa máy bay cất cánh. Đừng nhìn trời nhìn đất như thế. Nghe này! Năm sau, cậu phải đi Kuwait, dành dụm từng đồng lương cho đến khi đủ để bứng gốc cậu khỏi Gaza và chuyển đến California. Ta đã khởi hành cùng nhau, nên ta phải cùng nhau đi tiếp… “

Lúc đó mắt tôi chỉ thấy đôi môi cậu di chuyển không ngừng. Đó là cách cậu đối thoại, chẳng có dấu phẩy, dấu chấm gì cả. Nhưng tôi mơ hồ nhận thấy cậu không hoàn toàn hạnh phúc với chuyến bay. Vì cậu không thể đưa ra ba lí do khả quan cho điều đó. Chính tôi cũng đã chịu giày vò, khổ sở làm sao, nhưng suy nghĩ rõ ràng nhất trong đầu tôi là đây: Sao chúng ta không từ bỏ Gaza rồi trốn chạy? Vì sao? Dù sao hoàn cảnh của cậu giờ đã khá hơn đúng không. Bộ giáo dục ở Kuwait đã ký với cậu một bản hợp đồng trong khi tôi thì không. Giữa những tháng ngày cực khổ ở đây, đôi khi tôi nhận được khoản tiền nhỏ cậu gửi cho. Cậu muốn tôi xem nó như một khoản vay, vì sợ rằng tôi sẽ thấy bị xúc phạm. Cậu biết hoàn cảnh gia đình tôi; cậu biết rằng khoản lương còm cõi của tôi tại trường UNRWA không đủ để nuôi mẹ tôi, vợ góa của anh tôi cùng bốn đứa cháu.

“Nghe cho rõ này. Hãy viết cho tôi hằng ngày… hằng giờ… mỗi phút! Máy bay sắp cất cánh rồi. Tạm biệt! Mà không, ta sẽ gặp lại nhau!”

Làn môi lạnh của cậu áp vào má tôi, cậu quay mặt đi hướng về phía máy bay, và khi cậu ngoái đầu nhìn lại, tôi có thể thấy những giọt nước mắt ngân ngấn.

Bộ giáo dục Kuwait đã ký hợp đồng với tôi sau đó. Có lẽ không cần thiết kể lại tỉ mỉ rằng tôi đã sống ra sao. Tôi đã luôn viết thư kể cho cậu nghe mọi thứ. Cuộc đời tôi ở đó cảm giác như keo hồ, trống rỗng như một con hàu nhỏ, lạc lối giữa nỗi cô đơn đè nén, chậm chạp vật lộn với một tương lai mịt mù như khởi đầu của màn đêm, tôi mắc kẹt trong những thói quen sa đọa, trong một trận chiến buồn nôn với thời gian. Mọi thứ đều nóng nực nhớp nháp. Và cả cuộc đời tôi đã luôn trơn nhẫy như vậy, tôi đếm từng ngày đợi chờ một tháng đi qua.

Vào khoảng giữa năm đó, người Do Thái dội bom xuống quận trung tâm Dabha và tấn công Gaza, Gaza của chúng ta, với pháo kích và súng phun lửa. Sự kiện đó chắc hẳn đã thay đổi một chút thói quen của tôi, nhưng ngoài ra không có gì đáng để tâm; Vì tôi đã chuẩn bị rời khỏi Gaza, tôi sẽ đi đến California nơi tôi sẽ sống cho chính mình, cho cái tôi đã chịu đựng khổ cực quá lâu rồi. Tôi ghét Gaza và con người nơi đây. Mọi thứ trong cái thị trấn què cụt này gợi tôi nhớ một bức tranh vẽ người đàn ông bệnh tật chỉ toàn màu xám. Dĩ nhiên, tôi sẽ gửi một khoản tiền khiêm tốn cho mẹ tôi, người vợ góa của anh tôi và các con của cô ấy, để giúp họ xoay sở đời sống, nhưng tôi sẽ giải phóng chính mình khỏi mối dây ràng buộc cuối cùng này khi đặt chân đến California xanh mướt, xa khỏi những thất bại bốc mùi đầy ứ trong sống mũi suốt bảy năm qua. Sự cảm thông trói buộc tôi với các cháu của mình, với mẹ của chúng và mẹ của chính tôi sẽ không bao giờ đủ để biện hộ cho tấn bi kịch này khi tôi lao mình xuống con dốc đứng. Nó không thể kéo tôi xuống sâu hơn nữa. Tôi phải chạy trốn!

Cậu biết những cảm xúc này, đúng không Mustafa? Vì cậu thực sự đã đi qua chúng. Sự liên kết mù mờ ta có với Gaza là gì, làm sao nó có thể khiến bao quyết tâm chạy trốn lu mờ đi? Tại sao chưa ai từng phân tích rõ ràng vấn đề này để tìm cho nó một ý nghĩa? Tại sao chúng ta không bỏ những thất bại đầy thương tích này lại sau lưng, rồi hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, nơi ta có thể tìm được những sự ủi an sâu sắc? Tại sao? Chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ…

Hồi tháng sáu, khi tôi về nhà nghỉ mát để sắp xếp hết tất cả tư trang, khao khát đợi chờ chuyến khởi hành ngọt ngào, một khởi đầu hướng về những điều bé nhỏ nhưng có thể mang lại ý nghĩa đẹp đẽ và tươi sáng cho cuộc đời, tôi chợt tìm thấy Gaza, một Gaza mà mình đã luôn thân thuộc hiểu rõ. Nó khép chặt như một con ốc nhỏ hoen gỉ mà sóng biển phun ra trên bờ cát ẩm ướt trải dài bên cạnh một lò mổ. Gaza bí bách hơn cả tâm trí một người ngủ say đang giãy dụa trong cơn ác mộng kinh hoàng, với những con hẻm nhỏ, chi chít ban công lồi lõm chìa ra… một Gaza như vậy đấy! Vậy mà căn nguyên không tên nào đã dẫn lối cho một người quay lại bên gia đình, bên mái nhà của anh ta, về lại bên những ký ức của anh ta như cách dòng suối dẫn đường cho đàn dê núi? Tôi không hiểu nổi. Tôi chỉ biết rằng sáng hôm đó tôi đến thăm nhà mẹ. Và khi tôi đến nơi thì chị dâu, vợ của người anh đã mất ra tiếp đón tôi giàn giụa nước mắt. Chị hỏi tôi rằng liệu đêm nay tôi có thể đáp ứng nguyện vọng của Nadia – cô con gái đang bị thương của chị không? Hãy đến thăm nó tại bệnh viện Gaza nơi nó đang điều trị. Cậu còn nhớ Nadia không, đứa con gái mười ba tuổi xinh xắn vô cùng của anh trai tôi?

Tối đó tôi mua nửa kí táo rồi đi tới bệnh viện thăm Nadia. Tôi biết rằng mẹ tôi và chị dâu tôi đang giấu diếm cái gì đó, một điều mà họ không dám nói ra thành lời, một điều gì đó khác thường mà tôi không thể nắm bắt. Tôi thương Nadia như một thói quen, cùng một thói quen khiến tôi thương yêu cả thế hệ được nuôi nấng từ thất bại và sự di dời, tới mức một người sẽ cho rằng một cuộc đời hạnh phúc là điều gì đó biến chất, tội lỗi.

Cái gì đã xảy ra khi đó? Tôi không rõ. Tôi bước vào trong căn phòng trắng một cách bình thản. Những đứa trẻ đau bệnh mang trong mình điều gì đó thánh thiện làm sao, càng nhiều hơn khi chúng hứng chịu một vết thương tàn nhẫn, ghê gớm. Nadia nằm trên giường, tựa lưng vào một chiếc gối lớn, mái tóc xõa ra như tấm thảm dày. Đôi mắt to rộng của con bé chất chứa sự im lặng sâu thẳm và dường như dưới đáy đồng tử đen láy ấy lấp lánh giọt nước mắt. Gương mặt con bé bình thản, tĩnh lặng nhưng đầy biểu cảm, như một ngôn sứ bị đày đọa. Nadia chỉ là một đứa trẻ, nhưng lại có vẻ không đơn thuần là một đứa trẻ nữa, trông con bé già hơn nhiều.

“Nadia!”

Tôi không chắc liệu có phải mình là người vừa mở lời không hay là ai đó sau lưng. Nhưng con bé hướng mắt lên nhìn tôi, và tôi thấy mình tan chảy như một mẩu đường rơi tõm vào trong tách trà nóng.

Tôi nghe thấy giọng cô bé tuôn ra từ nụ cười khe khẽ. “Chú! Chú vừa đến từ Kuwait phải không?”

Giọng con bé vỡ ra trong cuống họng, nó chống tay gượng mình ngồi dậy và xoay cổ hướng về phía tôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh và vỗ lưng con bé.

“Nadia! Chú có mua quà cho con từ Kuwait đây, nhiều quà lắm. Chú sẽ đợi đến khi con hoàn toàn bình phục và có thể rời khỏi giường, rồi con sẽ đến nhà chú chơi và nhận quà nhé. Chú có mua cho con cái quần màu đỏ mà con từng viết thư hỏi chú. Chú mua cho con rồi đấy.”

Đó là một lời nói dối sinh ra từ sự căng thẳng, nhưng khi những lời đó thốt ra tôi cảm tưởng như rằng đây là lần đầu tiên mình nói thật. Nadia run rẩy như thể bị điện giật, con bé cúi đầu trong lặng câm đáng sợ. Tôi có thể cảm thấy nước mắt con bé rơi ướt đẫm lòng bàn tay.

“Nói gì đi, Nadia! Con không muốn cái quần màu đỏ đó nữa sao?” Con bé ngước mắt nhìn tôi và cố gắng mở miệng nói điều gì đó, nhưng không được, nó nghiến chặt răng rồi tôi nghe thấy tiếng nói của con bé vọng về như thể từ cõi xa xăm.

“Chú ơi!”

Bạn tôi ơi… Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cẳng chân của Nadia, bị cắt cụt đến háng. Không bao giờ! Tôi cũng sẽ không thể quên được nỗi đau đã khắc sâu trên gương mặt con bé, vĩnh viễn trở thành một phần của nó. Tôi rời khỏi bệnh viện Gaza, bàn tay vo lấy tờ hai bảng vốn là món quà nhỏ cho Nadia mà giờ đây trông lố bịch làm sao, chẳng khác gì một sự nhạo báng. Mặt trời rực cháy đổ xuống phố phường sắc màu của máu. Và Gaza trải ra trước mắt tôi thật khác lạ, Mustafa à! Chúng ta chưa từng thấy dáng vẻ này. Những hòn đá chất đầy ở trước khu Shajiya nơi ta từng sống mang trong mình ý nghĩa, và dường như chúng được đặt xuống ngay tại đây không vì lí do nào hơn mà để giải thích cho chính điều đó. Gaza mà chúng ta từng sống, nơi có những con người tốt lành thiện lương mà suốt bảy năm thất bại ê chề ấy giờ đây thật mới mẻ. Tôi cảm thấy rằng đây chỉ là khởi đầu. Tôi cũng không rõ vì sao thâm tâm tôi bật ra suy nghĩ đó. Tôi tưởng tượng rằng đại lộ mà tôi đang rảo bước về nhà chỉ là khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến Safad. Mọi thứ ở Gaza quặn đau trong một nỗi buồn không bị giới hạn chỉ bao hàm trong giọt nước mắt. Đây là một thử thách, thậm chí hơn thế nữa, như thể ta khao khát khôi phục lại cẳng chân đã bị cắt rời!

Tôi dấn bước vào những con đường của Gaza chói lòa ánh nắng. Họ kể lại rằng Nadia đã mất đi cẳng chân của mình khi con bé lao đến bảo bọc những đứa em, cố gắng bảo vệ chúng khi bom rơi và lửa dữ tràn vào nhà như những chiếc móng vuốt của ác thú giương ra. Nadia đã có thể tự cứu chính mình, con bé có thể bỏ chạy để giữ lại cẳng chân, nhưng nó đã không làm như thế.

Không đâu, bạn tôi ơi, tôi sẽ không đến Sacramento, và tôi sẽ không hối hận. Và tôi cũng không thể kết thúc những gì ta đã bắt đầu cùng nhau thời niên thiếu. Cảm giác không tên bé nhỏ mà cậu đã bỏ lại ở Gaza đó cần phải lớn lên cho đến khi trong lòng cậu có một gã khổng lồ. Nó phải trải rộng, và cậu phải đi tìm nó giữa đống gạch vụn của thất bại ê chề này nếu như cậu khao khát tìm thấy chính mình.

Tôi sẽ không đến bên cậu. Nhưng cậu có thể quay lại đây! Về đi, về để học những điều mới từ cẳng chân bị cắt cụt đến háng của Nadia, để hiểu được sự sống, và cái giá của sự tồn tại.

Hãy về đây, người bạn yêu quý của tôi! Tất cả chúng tôi đang đợi.

---

(Hoài Phương dịch)