Mourid Barghouti

Chẳng vấn đề gì (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

Chẳng vấn đề gì
Mourid Barghouti
From English translation by his wife Radwa Ashour
—-

Tôi nhìn lại chính mình:
Không có vấn đề gì.
Tôi trông khá ổn, có lẽ
vài thiếu nữ sẽ nghĩ rằng
ngay tới mái tóc bạc của tôi cũng khá hấp dẫn;
gọng kính được rèn đúc chỉn chu,
thân nhiệt chính xác ba mươi bảy độ,
sơ-mi được ủi phẳng, hai chiếc giày vừa vặn.
Chẳng vấn đề gì cả.

Hai tay tôi không bị trói trong còng sắt,
Và miệng lưỡi tôi chưa bị buộc phải im lặng,
Chưa ai giáng xuống tôi một bản án
Và tôi vẫn có thể đến bàn làm việc mỗi sáng;
Tôi được phép đến thăm họ hàng ở tù giam
và được đến viếng mộ một vài người ở đất nước khác.
Chẳng có vấn đề gì cả.

Và tôi không ngạc nhiên khi gã bạn thân
đầu đã trổ sừng.*
Tôi thích cách gã khôn ngoan giấu đi cái đuôi lồ lộ
dưới lần vải áo, móng vuốt của gã điềm tĩnh làm sao.
Anh có thể giết tôi, nhưng rồi tôi sẽ tha thứ
bởi anh là một người bạn;
anh có thể đả thương tôi đôi lúc.
Không vấn đề gì cả.

Nụ cười của phát thanh viên truyền hình
chẳng khiến tôi phát ốm nữa.
Tôi cũng dần quen thuộc khi màu Khaki**
chặn đứng dải màu của riêng tôi
thâu đêm suốt sáng.
Và đó là lý do
giấy căn cước tôi luôn cắp bên mình
ngay cả khi đang ở hồ bơi.
Chẳng vấn đề gì cả.

Giấc mơ của tôi bắt chuyến tàu đêm qua
khi tôi chưa tìm thấy lời tạ từ.
Rồi tôi nghe thấy đoàn tàu đã rơi
xuống một thung lũng cằn cỗi
(chỉ còn mỗi người lái tàu sống sót).
Tôi tạ ơn Trời, rồi dặn lòng nguôi ngoai
Bởi còn đó những cơn ác mộng nho nhỏ
còn đó niềm hy vọng chúng sẽ chuyển mình thành giấc mộng lớn lao.
Chẳng vấn đề gì cả.

Tôi nhìn lại mình, từ khi hoài thai cho đến hiện tại.
Chìm giữa đớn đau, tôi chợt nhớ lại
Có một cuộc đời sau cái chết;
Có một cuộc đời sau cái chết
Và tôi ổn với điều đó
Nhưng rồi tôi bàng hoàng chất vấn:
Thánh Thần ơi
liệu có một cuộc đời trước cái chết hay không?

——

(Hoài Phương dịch)
English © Translation: 2009, Radwa Ashour
From: Midnight and Other Poems
Publisher: Arc Publications, Todmorden, Lancashire, 2009

(Hoài Phương dịch)

English © Translation: 2009, Radwa Ashour, from Midnight and Other Poems. Publisher: Arc Publications, Todmorden, Lancashire, 2009

*Đoạn này ám chỉ Israel

**Khaki: ám chỉ màu áo của lính Israel.

Một trong những bài thơ của Mourid Barghouti - nhà văn lưu vong người Palestine - được dịch sang tiếng Anh bởi vợ của ông là bà Radwa Ashour - một nhà văn người Ai Cập.

Mourid Barghouti sinh năm 1944 tại một thị trấn không xa Ramallah, và chỉ bốn năm sau đó, cả gia đình ông rơi vào cảnh ly tán khi đại họa Nakba xảy ra và họ sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Mourid Barghouti khi lớn đã chuyển đến Cairo theo học ngành ngữ văn Anh, nơi ông gặp tình yêu của đời mình là Radwa Ashour - con gái của một luật sư và một văn sĩ. Bà say mê lịch sử, chính trị, văn học và đã bị cuốn hút bởi Mourid Barghouti khi đến những buổi đọc thơ của ông. Trước khi đến với nhau như người yêu, họ đã là hai người bạn thân thiết, thường xuyên trao đổi thư từ ngay cả khi Mourid Barghouti đã tốt nghiệp và đi làm ở Bahrain. Dần dà tình yêu nảy nở, Mourid Barghouti quay lại Cairo và xin phép gia đình Radwa Ashour được cưới cô làm vợ, nhưng đã vấp phải sự chống đối bởi vì hoàn cảnh và xuất thân của ông - một người Palestine lưu vong, không nhà, không quê hương, không phải là người bạn đời mà họ mong muốn cho con gái của mình. Tuy nhiên khi thấy tình yêu giữa hai người trẻ quá mãnh liệt, cha của Radwa Ashour đã chịu thua và đồng ý cho họ đến với nhau.

Ngày họ kết hôn, Mourid Barghouti đã viết nên dòng thơ:

"Sáng ngày 22, tháng bảy, năm 1970, chúng ta đã trở thành một gia đình,

Và nụ cười nàng là nơi ta gọi là nhà."

Một mối tình đẹp nảy sinh giữa triền miên phản kháng.

Ảnh: Mourid Barghouti và Radwa Ashour tại Cairo khi còn trẻ.




Ta đã thấy Ramallah (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

"Ta đã thấy Ramallah"
Mourid Barghouti
Trích đoạn từ tiểu thuyết “I saw Ramallah”, translated by Ahdaf Soueif

—-

“The homeland does not leave the body
until the last moment,
the moment of death.

The fish,
Even in the fisherman's net,
Still carries
The smell of the sea.”

——-

“Tổ quốc sẽ không rời khỏi xác thân
cho đến hồi tận,
khi tử thần bước đến.

Như những con cá
Dẫu đã phơi mình trong tấm lưới
Vẫn còn vương vấn trên người
Mùi vị của biển khơi”

― Mourid Barghouti

Một vĩnh hằng nhỏ bé (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

Một vĩnh hằng nhỏ bé
Mourid Barghouti
English translation by Zeina Hashem Bec

——

Đơn độc, vút bay, ban công là những tầng mây
trong vòng tay êm ái của bầu trời
Bãi biển trải dài trước mắt, một thiên đường
nơi màu xanh lục (thầm thì, gầm lên vang vọng)
đủ nói lên tất cả.
Xanh lục nơi viền lá lấp lánh màu quả hồ trăn
Xanh lục bú mớm, trườn bò
cho đến khi trưởng thành như quả mơ sáng tỏ
rồi dần ngả màu rỉ sét xa hoa
như tấm da một quả lựu chín rũ.
Màu lục xám đào thoát khỏi xanh lam
lấp lánh như ngọc trai ngả sang ánh đồng
trong suốt tựa quả nho bé nhỏ và hơi giống
một thứ tôi không thể gọi tên.

Cánh rừng trải rộng từ đồi xa dần chạm đến
sự tĩnh lặng nơi lòng hồ trải rộng
và mùi của hoa thơm nhẹ rơi
từ chân núi, hướng về phía tôi, cao xa vời vợi
như cánh chim mãi trói buộc bởi vòm trời.
Và dáng hình núi xanh thân thương như
tổ tiên ta, những người tỏ tường nơi họ thuộc về,
dãy núi là những kỷ nguyên,
và nếu ngươi nhìn thật kỹ, chúng là cơ thể của thời gian.
Tô điểm bởi những con thuyền, mặt hồ là
chiếc váy xinh của một cô cháu nhỏ. Gật gù ngái ngủ cô lắng nghe
ngọn núi thầm thì những mẩu chuyện thần kì
khi cơn gió thẹn thùng thổi qua
(những bản làng lác đác bên vòng hồ)
và có phần hối lỗi vì lỡ khiến tàn lá lao xao.

Và rồi đôi cánh thình lình trổ ra
tôi nhấc mình bay lên mênh mông trải rộng
giờ là cánh chim tôi bỗng chốc nhận ra
thế nào là góc nhìn toàn cảnh.
Và tôi cất lời thật là một buổi sáng yên lành
cho những ai dừng lại nhìn ngắm,
cảnh tượng nơi vạn vật nương tựa vào nhau.
Tôi sẽ cần đến một năm
để học tên của bao đại thụ,
của tán cây, những đóa hoa, tên các loài chim,
một năm để học được tên tôi giữa nơi này.
Và tại đây thi ca là hoàn hảo,
nên viết sao cũng được, hỡi người lạ
bởi những kí tự khao khát anh ở chốn này.

Tôi ngẫm về xác thân rồi chợt thấy hoang mang:
bên dưới hàng cúc trên làn áo mỏng
là một hiện thực
như đầu gối đập vào nền cẩm thạch,
rồi ập đến một quá khứ hãi hùng
như loài sói lang nghĩ về đứa trẻ thơ
và hối thúc tôi gọi đó là tương lai.
Ở kia là nhà cửa dân tôi
nay đã đổi người,
bao tổn thương mất mát được sắp đặt
ngay ngắn như từ điển trên giá sách.

Bản thân tôi khép chặt, nhưng đôi mắt còn mở to
như cửa sổ nhà mẹ tôi
chưa từng thấy quan cảnh những đứa cháu
chơi đùa ở sân sau -
Nhưng bà đã chứng kiến quân đội Yahweh đùa cợt
với tháng năm của chúng tôi, bà kinh qua thời thế đảo điên
nhìn thân thể nạn nhân hủy hoại triệt để
cùng nỗi hoài mong sụp đổ như những trần nhà.

Và dưới hàng cúc trên lần áo mỏng
Tôi tiếp tục công việc mang tên tồn tại:
Giữ cho Radwa được ấm,
Để Majid lưu lại đến tận khuya
Và mẹ Munif ngắt hoa từ vườn nhà
trong khi bà đợi ông Munif trở về.
Chúng tôi tản bộ giữa rặng núi vào buổi sớm mai,
chuyện trò, lắng nghe, mỏi mệt, từ tốn, nghỉ ngơi, hối hả,
giận dữ rồi thứ tha,
chúng tôi quên đi, đôi khi lạc lối, xin lời hướng dẫn
ngâm lên một khúc Al-Mutanabbi
phá lên cười trước một câu đùa hòa cùng nước mắt.

Tôi có thể khiến cái chết hối cải trước thất bại của hắn không?
Cái chết có tin rằng tôi đang bước đi trên đôi chân người đã khuất?
Bước chân của tôi thuộc về họ,
và bài thơ này đang dỏng tai nghe.
Tôi có nên thuyết phục cái chết rằng sớm thôi sẽ đến lượt mình
như sự cứu rỗi, hay vòng tay ôm.
Nó đang xảy ra rồi
và cùng nhau ta biết đâu kham nổi
gánh nặng của một vẻ đẹp quá sức chịu đựng,
một vĩnh hằng nhỏ nhoi
khiến ta ngạc nhiên trong giây phút này: Tamim chuẩn bị bấm máy
… và tôi lên tiếng, Hãy đợi:

Để tôi chỉnh lại cổ áo cho Radwa
kéo Munif và mẹ tôi lại gần hơn một chút,
đưa những người cao nhất như cha và Majid vào chính giữa.
Cái chết liệu có bị thuyết phục rằng chúng tôi đã hồi sinh
trượt khỏi tay tử thần, cất cánh bay giữa bầy chim?
Trên mặt hồ, chúng ta hòa cùng làn nước,
thành núi tảng và bóng râm,
và hàng quán rải rác bên đường.

Chính nơi đây ta trục xuất nỗi khát khao từ ngôn ngữ.
Khát khao, lời tự thú đánh vỡ và tách đôi
nơi chốn, thân thể và bản ngã.
Bờ cũng là sông
Bởi không có bờ thì con sông đã thành thứ khác.
Và ngọn núi là núi nhờ bao triền đồi bồi đắp
Còn những đóa hoa, chẳng phải đều trổ ra từ cành nhánh?
Như cán cần lưỡi gươm để hoàn thành sứ mệnh
Ai có thể tách rời loài chim khỏi sự hiện diện của đôi cánh?
Ai có thể tách rời ngọn sóng khỏi biển xanh?
Và ai có thể tách rời con thuyền khỏi dòng nước?
Ai từng nói mùa xuân là khi mùa hạ vắng mặt?
Ai tách bạch đám mây khỏi sắc trắng?
Và bầu trời sẽ chẳng còn hào quang
nếu không có vầng trăng trong tim hắn.

Có phải tôi vừa nói những lời này không
hay những người đã chết bất thần ứng khẩu
Tôi không chắc,
Nhưng tôi không nhớ họ -
bởi vì họ còn đây
dưới hàng cúc trong lần áo mỏng.