poetry

"Địa Cầu dần khép chặt" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Địa Cầu dần khép chặt"
Mahmoud Darwish
From English translation by Sinan Antoon

-

Vây quanh ta là Địa Cầu dần khép chặt
ép chúng ta đi qua hành lang cuối
ta cắt rời từng mảnh thịt để lách qua.

Địa Cầu đang bóp nát chúng ta.
Giá như chúng ta là ngọn lúa mì
để vươn mình sống dậy sau cửa tử.
Giá như Địa Cầu là mẹ sinh ra ta
để bà thương xót rủ lòng từ bi.
Giá như chúng ta là ảnh hình của đá
để giấc mơ mang ta bên mình như chiếc gương soi.

Ta đã thấy khuôn mặt những kẻ
sẽ ném con trẻ của chúng ta qua khung cửa chốn tận cùng.
Và trong gương chỉ còn lại những vì sao lơ lửng.

Ta phải chạy đi đâu khi chân chạm đường biên cuối?
Bầy chim bay về đâu khi đã đến cùng trời?
Và hàng cây say ngủ nơi đâu sau khi trút làn hơi cuối?

Chúng ta sẽ viết tên mình lên màn sương đỏ thẫm.
Chúng ta sẽ cắt rời tay bài quốc ca
để thịt da ta ngân lên khúc hát.

Và tại đây trên hành lang cuối
tất cả chúng ta sẽ ngã xuống
Để từ dòng máu ta tuôn trào
một cành ô-liu vươn tỏa.

----

(Hoài Phương dịch)

Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn by Phuong Nguyen



Thơ của Mahmoud Darwish, đặc biệt về giai đoạn sau, không còn miêu tả trực diện những gì xảy ra trước mắt hay miêu tả cảm xúc dữ dội (một ví dụ về giai đoạn đầu là bài thơ Giấy căn cước). Ông rẽ hướng sang một lối viết mới trừu tượng hơn, huyền bí hơn, mang tính kể chuyện, trích dẫn điển tích, và có phần siêu thực để kể lại lịch sử của Palestine. Bài thơ sau đây thuộc về giai đoạn sau.

"Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn"
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Có một ghế trống cho tôi
giữa rạp chiếu bóng hoang tàn ở Beirut.
Hồi kết của nó
tôi đã quên, hoặc không còn nhớ rõ.
Không có gì đáng để chờ đợi
bởi vở kịch được dựng nên khá vụng về:
Hỗn loạn… đoàn người tuyệt vọng
đang kể lại trận chiến, những câu chuyện
mà khán giả đã quen thuộc.
Bỗng nhiên các diễn viên xé toạc kịch bản,
rồi hối hả đi tìm gã biên kịch trong hàng ghế khán giả -
những nhân chứng vốn đã ngồi đây trước khi họ xuất hiện.
Tôi thì thầm với tay nghệ sĩ ngồi trước mình:
Đừng vội thủ thế, hãy kiên nhẫn,
trừ khi anh chính là gã biên kịch đó.
- Không phải tôi.
Hắn hỏi ngược lại: Thế ông có phải tay biên kịch đó không?
- Không phải.
Chúng tôi ngồi rúm ró trong sợ hãi. Tôi mở lời:
Can đảm lên, giữ lòng trung lập,
rồi vùng lên trước số phận đang ập đến.
Anh ta trả lời: Màn sau chẳng có ai hy sinh anh dũng
nên tôi sẽ đợi những màn sau nữa.
Biết đâu tôi sẽ đổi vai ở hồi cuối,
tùy xem mớ sắt thép kia làm gì với những người anh em của mình.
Tôi thốt lên: Vậy ra anh chính là hắn!
Anh ta đáp rằng: Cả ông và tôi đều là những tay biên kịch giấu mặt
những nhân chứng ẩn danh.
Tôi đáp: Tôi thì liên quan gì? Tôi chỉ là một khán giả đến đây xem kịch!
Anh ta tiếp lời: Bên lề vực thẳm không ai là khán giả…
không ai có thể trung dung. Anh phải chọn phe
khi vở diễn đã gần kề hồi kết.

Tôi trả lời: Nếu vậy tôi cần biết khởi đầu của mọi sự.
Mọi thứ đã bắt đầu ra sao?



(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Rạp chiếu bóng Nasser ở Gaza, năm 1961

Bởi không ai nhận diện được xác của chính mình, nên tôi không thể by Phuong Nguyen

“Bởi không ai nhận diện được xác của chính mình, nên tôi không thể”
Omar Ziyadeh
From English translation by Alice S. Yousef
——

(1)
Tôi ngồi trước màn hình, dòng suy tư như bệnh viện dưới mưa bom
Ai đó đang đào bới
họ đào sâu vào thâm tâm tôi đi tìm ngôi mộ cuối.
Đâu là nơi nghỉ ngơi cuối cùng, nấm mồ cuối cho những gì đang xảy ra?
Người tử đạo nằm trong túi nhựa màu lam,
đổ vào nấm mồ tập thể như dòng sông chảy tràn.
cái chết ở đây… chết đi như chưa ai từng thấy:
không bác sĩ, không nhà tang lễ, không người hộ tang.
Một cái chết chẳng như chính nó
to lớn hơn những gì nó có thể níu giữ
to lớn hơn những gì nó có thể kháng cự.
Những gia đình chẳng còn miệng để cất tiếng:
chúng tôi từng ở đây.
Người mẹ mang bầu đứa con không bao giờ chào đời,
dạ con mở rộng cho những sinh linh muốn quay lại
đã bị dội bom
ngựa… tan thành từng mảnh
chim… rã ra từng phần
mèo… đoạn thịt đứt rời
những xe lừa kéo
không kẻ sống sót
hướng về phương nam.
Nhân viên cứu hộ chạy đến căn nhà
đã chết đi một tuần trước
mà không ai biết họ là ai.

(2)
Ôi Gaza,
Ôi Hiroshima,
le lói sáng như da loài cầm thú
bên ngưỡng cửa quá khứ,
Ôi Carthage
Ôi thành Troy vây hãm,
với những con ngựa bội phản,
Ôi Sarajevo…
Những trái táo đượm máu,
Đừng đi về phương nam,
chúng tàn sát rừng cọ ở đó
bên lề biên giới.
Đừng đi về phương bắc
nơi đó đầy ắp tử thi như hàng mi trên đôi mắt đứa con các người.
Đừng đi về hướng đông,
nơi những bức tường máu chảy thành sông
từ khi thời gian bắt đầu.
Đừng đi về hướng tây,
đó là nơi chúng dựng đầy giá treo cổ
giữa sa mạc mênh mông trải rộng…

--
(Hoài Phương dịch)
Bài thơ được sáng tác đầu năm 2014, đây là đoạn trích đoạn từ một bài thơ dài hơn cùng tên của tác giả được dịch bởi Alice D. Yousef
Bài thơ được đăng tải trên trang “Word without borders” ngày 23 tháng Giêng 2024.

Omar Ziyadeh là nhà thơ Palestine sinh năm 1987 tại Nablus. Anh có bằng cử nhân về Anh ngữ và bằng thạc sĩ về ngôn ngữ và dịch thuật từ đại học An-Najah ở Nablus. Anh đã xuất bản hai tập sách: Con chó mù đi dạo (Kelab Amyaa’ Fe Nozha, tuyển tập thơ được nhận giải từ tổ chức Abdel Mohsin Al-Quattan và giải Mokhtalaf Feed.

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua rất khác... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

The Water of the Nile
Frederick Goodall (1822–1904)
Manchester Art Gallery

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua rất khác...
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua thật khác lạ…
mỗi khoảnh khắc là kỷ niệm tái sinh trong cánh chim
dòng sông Nile. Tôi đã ở đó. Con người ở đây
là tạo vật của Thần Mặt Trời. Không ai tự gọi chính mình
bằng tên: “Ta là đứa con của sông Nile, cái tên này với ta
là đủ.” Từ giây phút đầu tiên, anh gọi bản thân
“đứa con của sông Nile” như né tránh gánh nặng của vực thẳm.
Ở đó, người sống kẻ chết hái những đám mây bông gòn
ở Thượng Ai Cập, họ trồng lúa mì
xuôi vùng Châu Thổ. Chắn giữa người sống
và người chết, hai lính gác thay nhau quan sát
hàng cây. Những điều lãng mạn tồn tại trong anh,
anh bước đi bên mép vực linh hồn, lạc trong mê cung thời gian, như thể trước khi chào đời, Mẹ Ai Cập
đã hạ sinh anh trước trong hình hài đóa sen.
Anh có hiểu chính mình chưa? Ai Cập rón rén ngồi
Xuống bên chính nó: “Không có thứ gì giống ta.”
Nó vá tấm áo của thiên thu cũ sờn cùng làn gió thổi tới
từ khắp nơi. Tôi đã ở đó. Nhân loại
viết nên minh triết của Sinh-Diệt. Mọi thứ
thật lãng mạn dưới ánh trăng … chỉ trừ bài thơ
ngoái đầu tìm kiếm một ngày mai, trầm tư
trước sự bất tử nhưng chỉ có những câu từ yếu ớt
bật ra trước dòng sông Nile trải rộng.

——

(Hoài Phương dịch)

Không lá cờ tung bay trong gió... by Phuong Nguyen

The Standing Bearer, Unfolding the Holy Flag
Jean-Leon Gerome

Không lá cờ tung bay trong gió…
Mahmoud Darwish
From English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Không lá cờ tung bay trong gió
Không tuấn mã trôi dạt khi gió nhẹ thổi qua
Cũng không tiếng trống dồn khi làn sóng vỗ…
Hôm nay chẳng điều gì xảy ra giữa tấn bi kịch.
Bức màn hạ xuống, cả nhà thơ lẫn khán giả
đều đã rời đi – không còn cây bách, không chuyến diễu hành,
không cành ô-liu đón chào thuyền nhân đến,
họ mỏi mệt vì cánh mũi rướm máu và hồi cuối nhẹ như không
như thể họ dịch chuyển từ số phận này
qua số phận khác, một định mệnh được viết tràn dòng chữ,
một người nữ Hy Lạp đang đóng vai
người đàn bà thành Troy, trắng như màu đen,
không vỡ tung cũng chẳng cao thượng, và không ai hỏi rằng:
“Điều gì sẽ xảy đến ngày mai?”
“Cái gì sẽ tới sau đoạn dừng đầy chất Homer này?”
…như thể mọi thứ chỉ là một giấc mơ đẹp
nơi tù binh chiến tranh thanh thản
với sự sòng phẳng của những đêm dài trước mắt,
như thể họ đang nói rằng:
“Chúng ta hàn gắn vết thương cùng muối mặn”
“Chúng ta sống bên cạnh ký ức”
“Chúng ta sẽ thử chết đi một cách bình thường”
“Chúng ta đợi chờ phục sinh, tại đây, trong lãnh địa của hắn
trong một chương sắp đến khi hồi cuối đã qua…”

—-

(Hoài Phương dịch)

" Anas Al-Yazij gửi đến hôn thê Shaima Abu Al-Ouf, khi anh tìm thấy xác nàng hai ngày sau đó" by Phuong Nguyen

“Anas Al-Yazij gửi đến hôn thê Shaima Abu Al-Ouf, khi anh tìm thấy xác nàng hai ngày sau đó”
Hamed Ashour (1994 - )
——

Shaima à,
Ta yêu nàng rất nhiều, ta yêu nàng xiết bao
ta đang bị tấn công lần nữa
từ khi chúng ta gác máy ba ngày trước,
lúc năm đầu đạn thổi tung nhà nàng.
Từ lúc chúng ta thử áo cưới, một tối vẽ henna
từ những lời cuối ta trao, một giai đoạn hạnh phúc làm sao.

Từ lễ Eid và những tiếng gào thét
từ những hàng xóm, bè bạn, bao ngày lễ thành hôn
từ đứa con đầu ta trì hoãn đến sự bướng bỉnh của nàng
Ta nói rằng, “Ta chỉ muốn một đứa con.”
Nàng trả lời, “Không, em muốn có cả một gia tộc.”

Ta yêu nàng vô cùng, nhiều biết mấy, và ta đang bị tấn công một lần nữa,
tay đút túi, tâm trí ta nằm trọn lòng bàn tay.
Ta cất lời rằng, “Ôi Shaima,
một chiến cơ vừa mới bay qua,
cả chuông đồng lẫn tháp giáo đường đều sụp đổ.”

Và nàng nói rằng, “Sẽ không sao đâu, cánh chim câu còn đó.”
Ta nói, “Cửa sổ vỡ tung rồi”
Nàng trả lời, “Chẳng phải đó là cách ánh sáng được tự do?”
Ta yêu nàng biết bao.

Nhưng giờ đây ta bị tấn công, như từ muôn thuở,
ta bị chôn vùi dưới gạch vụn.
Lũ khốn và bọn thương nhân sẽ đến tụ tập họp bàn,
chúng đấu giá quê hương ta với một nhúm sống còn ít ỏi,
chúng sẽ thành lập ủy ban, dựng lại tháp đổ, sửa sang những căn nhà tan nát.

Còn căn nhà của chúng ta, hỡi tình yêu,
mái ấm mà ta đắp nên với từng hòn đá trước khi hóa đơn và nợ nần chồng chất
trước khi chúng ta chìm trong cãi vã – màu sắc chiếc sofa, những bức tường
và ở một góc vườn nhà nơi ta gieo mầm một cây nho bé nhỏ.

Chúng ta sẽ lấy lại những con đường
những tháp giáo đường, vườn cây, lấy lại dòng điện và những ống nước
Ta nói rằng, một khi ngừng bắn, ai sẽ trả lại dòng máu cho Shaima!
Chúng ta sẽ lấy lại những con đường
những tháp giáo đường, sân sau, lấy lại điện năng, lấy lại nguồn nước.
Ta thét gào, “Bom đã ngừng rơi, nhưng ai sẽ trả lại huyết mạch của Shaima?”

——
(Hoài Phương dịch)

Hamed Ashour (1994 - ) Một nhà thơ trẻ sinh ra và lớn lên tại dải Gaza. Anh đã có bằng cử nhân về phát triển xã hội tại đại học Al-Quds Open University vào năm 2017 và đã làm việc như một nhân viên xã hội. Các tác phẩm thi ca của anh đã được xuất bản qua những tạp chí văn chương khu vực.

"Ta có trí khôn của một kẻ chịu tội" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

The Death of Socrates
Jacques-Louis David, 1787

"Ta sáng suốt như một kẻ chịu tội"
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Ta sáng suốt như người thụ án tử hình,
Vì vô sản nên không điều gì sở hữu được ta
di thư ta viết nên rỉ ra từ dòng máu:
“Hỡi thần dân trong khúc hát ta: hãy tin vào dòng nước”
Ta mơ thấy mình bị đâm xuyên, được trao mũ miện bởi những ngày mai…
Ta mơ thấy trái tim vùng đất này thật vĩ đại
vượt xa khỏi bản đồ,
trong sạch hơn gương soi
lẫn chiếc giá đợi ta đến treo cổ.
Ở vầng trời cao ta lạc lối giữa mây trắng dập dìu
như thể ta là chú chim đầu rìu
và ngọn gió đã hóa thân thành đôi cánh.
Rồi hừng đông đến, tiếng quát từ lính gác đêm
dựng ta dậy từ cõi mộng cùng những ngôn từ:
Ngươi sẽ sống thêm một lần chết khác,
nên hãy xem lại di thư,
giờ tử của ngươi một lần nữa trì hoãn.
Ta hỏi: Tới khi nào?
Hắn trả lời: Đến khi ngươi đã chết thêm vài khắc.
Ta nói rằng: Ta vô sản nên không điều gì trói buộc ta
và chúc thư của ta rỉ ra từ dòng máu:
“Ôi những thần dân trong khúc hát ta: hãy tin vào dòng nước.”

—-

(Hoài Phương dịch)

Tranh: "The death of Socrates", Jacques-Louis David, 1787

Từ tuyển tập thơ "Now, As You Awaken" (2006) tuyển dịch bởi Omnia Amin and Rick London gồm các bài thơ của Mahmoud Darwish được chọn lọc từ tập thơ “Don’t apologize for what you have done” xuất bản bởi El-Rayyes Books, Beirut, 2004

"Không lời tạ tội với giếng sâu" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Truth Coming Out of Her Well
Jean-Léon Gérôme, 1896

"Không lời tạ tội với giếng sâu"
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Ta đã không tạ tội với giếng sâu khi bước ngang đó.
Ta mượn nhờ đám mây từ cành thông cổ rồi bóp nát nó
như một quả cam. Đợi chờ một linh thần nai trắng.
Ta bảo trái tim mình nhẫn nại: Giữ lòng trung lập, dẫu cho
ngươi chẳng phải một phần trong ta. Tại đây, những gã mục đồng
đứng ở trên không, làm ra sáo trúc và rù quyến những chú gà lôi
vùng núi cao, lùa chúng vào cạm bẫy. Tại đây,
trên lưng ngựa ta bay đến những hành tinh của chỉ riêng ta, bay thật xa.
Tại đây, một nhà chiêm tinh từng bảo ta rằng: Hãy cẩn thận với con đường trải nhựa
và những chiếc xe cơ giới, hãy cưỡi đi trên tiếng thở dài. Tại đây, ta tháo rời
cái bóng của chính mình, rồi chờ đợi. Ta chọn hòn đá nhỏ nhất
rồi bên nó ta đứng chờ, tỉnh thức. Ta đã đánh vỡ một huyền thoại
để rồi chính mình cũng tan nát. Ta đảo quanh miệng giếng đến khi
rời khỏi chính mình bay đến bên một nhân dạng khác. Giọng nói cất lên
từ sâu trong lòng giếng vang: Nấm mồ này
chẳng thuộc về ngươi. Vậy nên ta nói lời xin lỗi. Ta ngâm lên vài lời
thật thông thái từ Thiên Kinh, và nói với người xa lạ
dưới giếng kia rằng: Bình an ở bên anh, bên cái ngày anh đã bị giết
trên vùng đất của hòa bình, bình an ở bên anh ngày anh vươn lên
từ sâu thẳm lòng giếng tối tăm
và anh sẽ sống…

—-

(Hoài Phương dịch)

 

"Không gì hơn ngoài Iraq" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Không gì hơn ngoài Iraq”
Mahmoud Darwish
English translation by by Elissar Haikal

——

Ta nhớ Al-Sayyab ở vùng Vịnh cất tiếng gào trong tuyệt vọng
“Iraq, Iraq, không gì hơn ngoài Iraq…”
Ta nhớ Al-Sayyab… giữa bình nguyên Sumeria trải rộng
bóng hình người đàn bà chinh phục màn sương cằn cỗi
hòng truyền lại cho chúng ta quê nhà cùng sự lưu vong.
Ta nhớ Al-Sayyab… thi ca được sinh ra tại Iraq,
Nên người Iraq ai cũng là thi sĩ, bạn ta ơi!
Ta nhớ Al-Sayyab… cuộc đời chẳng như ông kỳ vọng
giữa dòng Tigris và Euphrates, ông không mặc tưởng
như Gelgamesh từng nghĩ về ngọn cây vĩnh hằng lẫn ngày Phán Xử.
Ta nhớ Al-Sayyab… người vâng theo luật lệ Hammurabi
che đi hạ bộ của mình rồi bước đến huyệt mộ
Ta nhớ Al-Sayyab khi vật lộn trong cơn sốt và mê sảng:
Các anh ta nấu bữa tối cho đội quân Hulagu
Chẳng phải người hầu kẻ hạ… mà là các anh ta!
Ta nhớ Al-Sayyab…chúng ta chẳng mơ ước gì lớn lao
hơn giá trị một con ong cho sự sống, không gì lớn lao
hơn đôi tay bé nhỏ đang khuấy động sự vắng mặt...
Ta nhớ Al-Sayyab… những thợ rèn đã chết vùng lên
từ nấm mồ hòng đúc cho ta xiềng xích!
Ta nhớ Al-Sayyab… thi ca là trải nghiệm, là lưu vong
là cặp song sinh, chúng ta mơ một cuộc đời
chẳng xa vời hơn sự sống, mơ một cái chết chỉ đơn thuần được chết:
“Iraq, Iraq, không gì hơn ngoài Iraq… ”  

——

This poem appeared in Al Jadid, Vol. 9, no. 44 (Summer 2003)
Copyright (c) 2003 by Al Jadid

(Hoài Phương dịch)

Giờ đây, anh đã thức... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Dead Swan, Jan Weenix

Giờ đây, anh đã thức
Mahmoud Darwish
Translated by Omnia Amin and Rick London

—-

Giờ đây anh đã thức, hãy nhớ vũ khúc cuối
của thiên nga. Anh có nhảy múa cùng thiên thần
khi say ngủ? Há chăng cánh bướm
đã thắp sáng cho anh khi chúng cháy bùng trong
vĩnh hằng chói loá một đóa hồng? Có phải phượng hoàng
đã hiện ra và gọi tên anh dõng dạc?
Anh có thấy hừng đông trên ngón tay
những người anh yêu quý? Anh có chạm vào
giấc mơ bằng cả đôi tay, hay anh
đã để mặc chúng trong cõi mộng, rồi thình lình thức tỉnh
trước sự vắng mặt của chính mình? Người mơ không chối bỏ
giấc mơ, họ lóe sáng rồi tiếp tục
sống cuộc đời từng hiện hữu trong cõi mộng ấy…. Hãy nói cho ta hay
cách anh từng khiến giấc mơ sống dậy
và ta sẽ tiết lộ con người thật của chính anh. Còn bây giờ,
anh đã thức, hãy nhớ xem anh có làm điều gì trái
với giấc mơ. Và nếu anh đã làm sai, thì hãy nhớ lại
vũ khúc cuối cùng bầy thiên nga…

—-

(Hoài Phương dịch)

Và họ không hỏi rằng... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Và họ không hỏi rằng…
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——


Họ không hỏi rằng: Điều gì đợi chờ ta sau cái chết?
Mặc dù say đắm với Thiên Đàng hơn những điều
đang xảy ra ở trần gian, họ trăn trở
vì một câu hỏi khác: Chúng ta phải làm gì
trước ngày ra đi? Gần gũi cuộc đời, chúng ta sống
như không tồn tại – cuộc đời chúng ta là những mảnh đất hoang,
đợi các bị thần bất động sản
cãi nhau chia phần.
Chúng ta sống kề cận cát bụi cổ xưa.
Cuộc đời ta là triền miên muộn phiền trong đêm người viết sử:
“Dẫu ta đã khiến họ biến mất, họ vẫn quay về
từ trong sự vắng mặt.”
Cuộc đời chúng ta là gánh nặng trên vai họa sĩ:
“Ta vẽ họ, ta hóa thành họ rồi màn sương phủ trùm ta.
Cuộc đời chúng ta khiến Thống tướng u sầu:
“Làm cách nào một hồn ma rướm máu?”
Chúng ta sẽ trở thành điều chúng ta muốn. Chúng ta mong
được sống, một chút thôi, chẳng vì điều gì hơn - tỏ lòng tôn kính
cho sự phục sinh sau cái chết.
Họ bất chợt cất lên những lời như triết gia:
“Cái chết với chúng ta là vô nghĩa: hắn không tồn tại nếu ta còn sống
Cái chết với chúng ta là vô nghĩa: nếu hắn tồn tại ta sẽ không còn.”
Và họ sắp xếp lại những giấc mơ,
rồi chìm vào giấc ngủ khi còn đang đứng.

Viết nên quê nhà (Najwan Darwish) by Phuong Nguyen

Viết nên quê nhà
by  Najwan Darwish
translated by Kareem James Abu-Zeid

——

Ta muốn viết nên quê nhà,
Ta muốn ngôn từ
trở thành bản thân vùng đất ấy.
Nhưng ta chỉ là bức tượng tạc nên từ đôi tay người La Mã
mà người Ả Rập đã lãng quên.
Lũ thực dân cướp đi bàn tay ta đứt lìa
rồi đưa chúng vào trong bảo tàng.
Chẳng sao. Ta vẫn muốn viết nên -
dải đất quê nhà
Ngôn từ trong ta vang vọng khắp chốn
và sự câm lặng là câu chuyện của ta.

—-

(Hoài Phương dịch)

Najwan Darwish (1978 - ) Nhà thơ Palestine sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh từng theo học luật và đã hành nghề luật sư trong vài năm trước khi quyết định dành trọn thời gian cho thi ca và đã xuất bản nhiều tập thơ. Anh cũng là cố vấn văn học cho nhiều hoạt động nghệ thuật thị giác, sân khấu kịch trường, và biên tập nhiều tạp chí về văn học Palestine và cộng đồng Arab.

Trận oanh tạc chấm dứt (Najwan Darwish) by Phuong Nguyen

Trận oanh tạc chấm dứt
Najwan Darwish
English translation by Kareem James Abu-Zeid

—-

Ngày mai sẽ chẳng còn ai biết đến ngươi.
Trận oanh tạc đã qua
chỉ để bắt đầu một lần nữa trong người.
Những tòa nhà đổ sụp, chân trời rực cháy
đưa mồi cho bão lửa càn quét thâm tâm ngươi,
ngọn lửa dữ nuốt trọn đá tảng.

Lũ sát nhân đang say ngủ,
nhưng ngươi thì không -
mãi mãi tỉnh thức,
thức cho đến khi tất thảy vỡ vụn, những tảng đá khổng lồ
từng là nước mắt những thánh thần ẩn dật.

Sự thứ tha đã kết thúc,
Lòng khoan dung tuôn tràn khỏi thời gian.
Không ai biết đến ngươi bây giờ,
và sẽ chẳng một ai biết đến ngươi ngày mai.
Như những cái cây, ngươi
đã bị gieo xuống vùng đất nơi đạn pháo san bằng.

——

(Hoài Phương dịch)

Người tử đạo cho Intifada (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Người tử đạo cho Intifada
Fadwa Tuqan
——

Họ vẽ nên bản đồ dẫn đường cho sự sống
Rồi lát lối đi ấy cùng đá quý và trái tim trẻ tuổi ấm nồng
họ nâng trái tim lên như hòn đá trong lòng bàn tay
như than hồng, rực lửa
rồi ném chúng vào quỷ dữ bên đường
đã là lúc để phô bày sức mạnh cùng lòng can đảm,
tiếng nói của họ chạm đến muôn nơi
vang vọng khắp chốn
rồi cùng với sức mạnh và lòng can đảm ấy
họ chết đứng
rực lửa trên đường
bừng sáng như những vì sao
đôi môi họ quyện lấy làn môi của sự sống.

***

Tử thần đã đến và vung lưỡi hái
họ vẫn vững chân đối diện cái chết
ngay thẳng hơn rừng cọ
hùng dũng hơn cánh đồng lúa trổ
sáng tỏ hơn vầng dương chiếu rọi
đẹp đẽ hơn hàng cây tưới tắm dưới cơn mưa ôm ấp hừng đông
họ vươn lên, nhảy vọt, lao đến chiến trường
nơi họ lan ra như những quả cầu lửa
họ bốc cháy, sáng rực, trao cho ta ánh sáng
giữa chặng đường - rồi biến mất như vệt nắng dần tan.

***

Ôi những giấc mơ của họ đang hiện ra ở nơi xa
ôm ấp tương lai hạnh phúc!
Và ngươi sẽ mang họ quay lại
cùng những ngày mai tuyệt vời.
Hình hài của tái sinh sẽ vươn lên từ vực sâu của đêm và cái chết
trên gương mặt hắn hiển linh bao tin tốt lành
và giữa đôi mày rộng, một vì sao rực sáng.

***

Đất Mẹ sẽ mớm cho anh dòng sữa ngọt suốt cuộc đời  
để ngay đến sự cô đọng của cái ác
và quỷ dữ nơi đất liền, thống trị biển khơi
cũng không thể bứt rời anh khỏi bầu ngực Người
và anh sẽ chẳng bao giờ rời xa dòng sữa ấy
dẫu bè lũ cướp ngôi xuống tay bạo tàn
anh sẽ chẳng bao giờ rời xa dòng sữa ấy
và rồi giữa màn đêm bội bạc, tử thần sẽ vẽ nên
đầu vú bầu ngực căng tràn bằng giọt táo đắng.  

***

Hãy nhìn họ từ đằng xa!
Họ đang trỗi dậy cao hơn, cao hơn nữa
khi cả thế giới căng mắt dõi theo!
Họ đang vươn lên những nấc thang vời vợi
khi dòng máu trào dâng!
Trái tim họ không thể nào bị trói buộc bởi tử thần bội bạc
khi sự tái sinh và hừng đông còn đó
trong tầm mắt, dẫn họ bước tiếp con đường của hy sinh!
Hãy nhìn họ đàn chim ưng giang đôi cánh giữa Intifada
họ bước đến vĩnh hằng, vì dải đất và quê hương tôn kính!

Khi hắn chạm đến tận cùng cô độc (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Khi hắn chạm đến tận cùng cô độc
Ghassan Zaqtan
English translation by Fady Joudah

—-

Hắn sập cửa rồi tắt đèn
trừ hành lang nơi dẫn đến hàng rào
nơi hắn trộm nhìn giàn hoa giấy

bên những cành táo ngọt hắn gieo xuống mùa đông qua.
Chỉ một ngọn nến leo lét trong phòng,
vậy thôi là đủ.

Cuộn khói dâng lên bên ánh lửa yếu ớt
khiến hắn nghĩ đến một nơi có những gương mặt
cùng thân thể, tên gọi và nơi chốn  
đang ngồi phía bên kia làn khói mỏng.  

Giữa hành lang vô tận tiếng thở dài lăn lộn khi cố vươn đến hắn
Tiếng nói và những căn phòng quá xa xôi, như thể bị chôn vùi.

Nhưng hắn còn ở đó giang rộng đôi tay
cùng làn khói dẫn đường đưa họ băng qua bóng tối
ánh sáng là dấu hiệu, là hành lang yêu thương
bảo vệ cho mọi thứ đừng rơi, đừng lạc lối.  

Để ký ức của hắn đừng kết thúc cũng không mục rữa
Chỉ vừa đủ để đợi chờ hắn ở một cõi xa xôi
cho đến khi hắn chạm đến tận cùng của cô độc

Ghassan Zaqtan, November 2, 2021

                                        —Zakariya/Beit Jala/Ramallah

Ngựa đen (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Ngựa đen
Ghassan Zaqtan
English translation by Fady Joudah



Kẻ thù đã chết không ngừng nghĩ về ta trong giấc ngủ vĩnh hằng
Những bóng ma lướt đi trên bậc thang, ngồi trong góc tối
Những bóng ma ta nhặt bên vệ đường, như chuỗi hạt
quàng trên cổ một người kết từ tội lỗi.

Tội lỗi ngập tràn cuống họng, và tại đây ta nuôi sống những bóng ma, cho họ ăn
rồi họ bơi vòng quanh như đàn ngựa đen trong giấc mộng.

Với sức sống từ người tử nạn, điệu Blue cuối trỗi dậy
khi ta nghĩ về sự đố kỵ,
cánh cửa rạch hở và hơi thở tràn qua kẽ nứt, dòng sông
thở phập phồng, như một kẻ say
và quá khứ của người đàn bà chợt thức dậy giữa công viên…

Và khi ta chìm vào giấc ngủ
Ta thấy một chú ngựa đang gặm cỏ
bất cứ khi nào ta chìm vào giấc ngủ
một chú ngựa bước đến gặm nhấm giấc mơ ta

Trên chiếc bàn ở Ramallah là bao lá thư dang dở, bức ảnh người bạn cũ
Bản chép tay bài thơ của một chàng trai trẻ từ Gaza, đồng hồ cát,
và khởi đầu của bài thơ đang đập cánh trong đầu.  

Tôi muốn nhớ về bạn như bài hát ta từng nghe hồi tiểu học
mà tôi nhớ tường tận, chưa từng phạm lỗi
với đôi môi lạc nhịp và mái đầu nghiêng
cùng bàn chân nhỏ hăng hái giậm sàn đất
và trên chiếc bàn là đôi tay vỗ liên hồi.  

Tất cả đã chết vì chiến tranh, bằng hữu, bạn học…
những bàn chân nhỏ ấy vẫn còn đây, cùng đôi tay hăng hái, dẫm trên
sàn lớp học, bàn ăn, bên vệ đường
trên vai lưng những người dạo bước
và bất cứ nơi đâu tôi đi đến
tôi vẫn nghe
tôi vẫn nhìn thấy.

Mẹ tôi (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Mẹ tôi
Mahmoud Darwish
English translation by A.Z. Forman.

—-

Con nhớ làm sao bánh mì thơm
và những ly cà phê của mẹ
Cách mẹ khẽ chạm tay
Và ký ức tuổi thơ sống dậy
từng ngày, từng ngày
Con phải nâng niu cuộc đời này
Bởi nếu con chết đi
Con sẽ hổ thẹn vô cùng trước giọt nước mắt người.

Và nếu một ngày con trở lại
Hãy xem con như tấm mạng người phủ trước làn mi
Trên nắm xương con hãy rải tràn cỏ xanh
nơi bước chân mẹ đã ban phước lành
như vùng đất thánh.
Và hãy bện chúng ta lại thật chặt,
Bằng một lọn tóc của mẹ
Và như thế con biết đâu sẽ trở thành bất tử
Linh hồn con vươn lên như thánh thần
Nếu con có thể chạm đến tận cùng đáy sâu trái tim người.

Nếu một ngày con trở lại, xin mẹ
Hãy dùng con như củi khô, mồi cho bếp lửa
Hãy xem con như sợi dây phơi căng trên mái nhà người
Bởi nếu không được mẹ ban phước hằng ngày
Con yếu đuối làm sao, chẳng còn đứng vững.

Con đã già rồi…
Hãy mang cho con bản đồ sao thời thơ ấu
Để con cùng bầy chim thiên di
tìm thấy con đường hồi hương
về tổ ấm nơi mẹ vẫn đợi chờ.

—-

(Hoài Phương dịch)

Mahmoud Darwish sáng tác bài thơ này khi còn trẻ, khi ông đang bị giam trong nhà ngục Israel, và ông bày tỏ lòng thương nhớ và sự hối lỗi gửi đến mẹ qua bài thơ này, được viết như một lá thư gửi đến bà. Ông kể rằng:


”Khi tôi còn ở trong ngục, mẹ đã đến thăm, bà mang theo trái cây và cà phê, và tôi không thể nào quên giây phút cai ngục tịch thu bình cà phê rồi đổ chúng xuống trước mặt bà… tôi không thể nào quên những giọt nước mắt đó. Tôi đã viết nên bài thơ này gửi đến mẹ trong buồng giam, trên vỏ một hộp thuốc lá rỗng. Tôi từng nghĩ rằng đây chỉ là lời xin lỗi của một đứa trẻ gửi đến mẹ mà thôi, chẳng nghĩ rằng rồi một ngày bài thơ này sẽ thành bài hát được xướng lên bởi hàng triệu đứa trẻ trên thế giới.”

Bài thơ “Mẹ tôi” đã được Marcel Khalife, một nhạc sĩ người Lebanon phổ nhạc, mời các bạn nghe ca khúc này tại đây”

https://www.youtube.com/watch?v=gX2x7aW2EbI

Câu chuyện (Kamal Nasser) by Phuong Nguyen

Câu chuyện
Kamal Nasser (1924 - 1973)
English translation by Micheal R. Burch

—-

Để tôi kể anh nghe câu chuyện này…
câu chuyện từng sống trong giấc mộng dân tôi,
hoài thai từ thế giới của lều bạt,
cảm hứng là đói khát, được tô điểm thêm bởi bao đêm kinh hoàng
Câu chuyện đất nước tôi, một nhúm dân lưu lạc.
Nơi nửa cân bột mì hai mươi mạng chia nhau
kèm theo lời hứa hẹn… và vài món quà nhỏ.

Đó là câu chuyện của những người khốn khổ
nối nhau thành hàng đằng đẵng mười năm
trong cơn đói,
giữa đớn đau và giọt nước mắt rơi,
giữa nhọc nhằn và khao khát.
Đó là câu chuyện về những người lưu lạc,
bị ném vào mê lộ của tháng năm,
Thế nhưng họ vẫn ngoan cường trụ lại
đồng lòng hợp nhất dẫu có bị lột trần
khi lê bước chân từ ánh sáng về túp lều nhỏ:
cuộc cách mạng ngày trở lại
vào thế giới của đêm thâu.

—-

(Hoài Phương dịch)

Kamal Nasser (Kamal Butros Nasser) Là một chính trị gia Palestine và cũng là một nhà thơ, nhà văn. Ông sinh ra tại Gaza vào năm 1924 và lớn lên ở Birzeit trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Ông từng theo học tại Đại học Birzeit rồi sau đó theo đuổi Chính trị học tại American University tại Beirut. Ông trở thành giáo viên sau đó trong khi theo đuổi học luật tại Jerusalem. Vào năm 1952, ông gia nhập Ba’ath (Arab society Ba’th party) và chịu trách nhiệm sản xuất ở tòa báo Al-Ba’ath tại Ramallah và tờ báo Jil al-Jadid, một tòa báo quân đội. Bị trục xuất khỏi Tây Ngạn bởi Israel vào năm 1967, Nasser trở thành chủ biên của tuần báo Falastin Al Thawra trực thuộc PLO. Ông cũng là phát ngôn viên chính thức của PLO và từng nắm giữ chứng vụ quan trọng trong ban truyền thông. Ông qua đời vào đêm 9/4/1973, bị ám sát bởi lực lượng tinh nhuệ Israel trong một cuộc đột kích vào Lebanon.

Rita và khẩu súng trường (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Rita và khẩu súng trường”
Mahmoud Darwish
English translation by Lamdi Hasan

—-

Giữa Rita và đôi mắt của ta
là một khẩu súng trường
Những ai từng biết Rita
Sẽ quỳ xuống rồi tấu nhạc
tụng ca thánh thần trong đôi mắt đẫm màu mật ấy.

Và ta đã hôn Rita
khi nàng còn rất trẻ
Ta nhớ cách nàng bước đến
cách bím tóc nàng quấn quít bàn tay ta
Và ta nhớ Rita
như chim sẻ nhớ thương suối nguồn.
Ah, Rita
Giữa chúng ta là triệu cánh chim, hình ảnh
mà phần nhiều là điểm hẹn đôi ta từng gặp gỡ
rền vang tiếng súng trường.

Cái tên Rita là yến tiệc nơi vòm miệng
Và thân thể nàng là hôn lễ trong huyết quản ta.
Ta lạc mất mình trong Rita suốt hai năm
Nàng say ngủ trong vòng tay ta thời gian đó
Chúng ta trao cho nhau bao thề nguyện
Bên những chiếc ly hoàn mỹ
Để giọt rượu thiêu cháy làn môi
Và rồi cùng nhau đôi ta lần nữa tái sinh.

Ôi, Rita!
Có điều gì khiến ta rời mắt khỏi nàng trước khi họng súng đến
Chỉ đôi giấc ngủ ngày và làn mây sóng sánh mật ong
Đã từng có một thời…
Ôi, thinh lặng của đêm rơi
Khi bình minh tới ánh trăng của ta thiên di về cõi khác
hướng về vùng trời có đôi mắt màu mật ong
Và rồi thành phố càn quét những nhạc công
Cùng với Rita.

Giữa đôi mắt ta và Rita -
Là một khẩu súng trường.

——


Translator note: Mahmoud Darwish đã từng yêu một cô gái người Israel vào những năm 1960 khi ông còn trẻ, và đây là bài thơ ông viết về tình yêu nồng cháy giữa ông và cô gái đó. Họ đứng ở hai bên bờ chiến tuyến với những khác biệt không thể dung hòa giữa Israel và Palestine, một tình yêu cam go, “dị giáo” bị số đông phản đối như câu chuyện giữa Romeo và Juliet. Rita là biệt hiệu mà ông gọi người yêu của mình - Tamar Ben-Ami, và câu chuyện giữa họ đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu “Viết lại, ta là một người Ả Rập” (2014). Ben-Ami là con gái của một gia đình Do Thái giàu có, Mahmoud Darwish khi đó là sinh viên tại trường đại học Haifa, và họ gặp nhau tại một cuộc diễu hành của Đảng cộng sản Israel vào năm 1962. Tại thị trấn Shfaram gần Haifa, ông thường đọc thơ và Ben-Ami - một vũ công và ca sĩ - trình diễn âm nhạc. Ông khi đó 22 tuổi và Ben-Ami 16 tuổi rưỡi. Ben-Ami nói rằng cô không muốn công khai mối quan hệ của họ bởi vì thể chế cộng sản, và vì ông là một người Arab, cô là một người Do Thái.

Mahmoud Darwish kể lại, ông từng bảo Ben-Ami: Em là thanh gươm thắng trận. Và cô trả lời: Và anh là lưỡi dao đã đào thoát.

Tuy nhiên tình yêu của họ không thể vượt qua lý tưởng. Mahmoud Darwish ngày càng nổi tiếng trong vai trò chủ bút và thông dịch cho Tòa báo Cộng Sản, cùng những bài thơ phản chiến và đả kích Israel, tiêu biểu là bài thơ “Thẻ căn cước”(Identity card, 1964) đã khiến ông đi tù. Ben-Ami vẫn còn trẻ và không thể từ bỏ gia đình, cuộc đời mình tại Israel. Họ chia tay. Vào năm 1967, sau cuộc chiến 6 ngày, Ben-Ami gia nhập quân đội Israel. Khi biết tin này Mahmoud Darwish đã gửi thư cho cô rằng:

”Tamari, tuần này anh nghĩ về em rất nhiều. Những suy tư này khiến anh cảm thấy thật tệ hại. Anh chỉ còn thấy trong em một tên tội phạm. Anh buộc lòng phải quên đi những khía cạnh đẹp đẽ ngọt ngào của em. Chúng còn tồn tại không? Anh mong là có.”

Sau trận chiến 1967, Darwish bị giam lỏng tại Haifa, và vào năm 1971, ông rời khỏi PAlestine đến Cairo, sau đó là Beirut, Moscow và Paris, cuộc đời lưu vong của ông bắt đầu và không bao giờ quay lại quê hương. Ông nhắc lại mối tình của mình với Ben-Ami sau đó trong tuyển tập “Hồi ký những tiếc thương tầm thường”(Journal of an Ordinary Grief)

“Ta nghĩ về em: Em đang làm gì? Có lẽ em đang ở Nablus, hay một thành phố khác, trên tay là một khẩu súng trường trong đội ngũ quân xâm lược, có lẽ ngay chính giây phút này em đang ra lệnh buộc vài người đàn ông giơ tay hay quỳ mọp dưới đất. Có lẽ em đang thẩm vấn và tra tấn một bé gái Ả Rập bằng tuổi em, cũng xinh xắn như em đã từng.”

Ben-Ami sau khi rời khỏi IDF (Quân đội Israel), bà đã rời Israel đến Đức làm việc như một biên đạo múa, nơi bà sinh sống đến tận bây giờ.

Bà chia sẻ với Mara’ana - đạo diễn của thước phim tài liệu “Viết lại, Ta là một người Ả Rập” - rằng: “Tôi có những người bạn Israel và tôi muốn ở lại nơi đó. Tôi nghĩ rằng mình chọn nơi này vì khi đó danh tính của tôi, khái niệm “tôi là ai” vẫn còn quá yếu ớt, tôi không dám thể hiện bản thân mình vì tôi còn trẻ, tôi bận đi học và chẳng có thời gian để suy tư, có lẽ…”

”Sự chia ly này là lỗi lầm của tôi. Tôi không đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong mối quan hệ này.”

Trên mạng có nhiều bài viết lan truyền về việc Mahmoud Darwish từng hẹn hò một tình báo viên Mossad trong quân đội Israel, nhưng bài phỏng vấn này đã xóa tan nghi vấn đó. Họ đã từng yêu nhau khi họ còn trẻ, một tình yêu vượt qua rào cản tôn giáo - ý thức hệ, dẫu nó đã chết yểu, nhưng tình yêu của họ còn đó trong thi ca.

Mong rằng một ngày nào đó, người Do Thái và Ả Rập sẽ có thể ôm lấy nhau trong yêu thương, như nhà Montague và Capulet hòa giải sau cái chết hai người con của họ, như những gì Mahmoud Darwish từng mong mỏi.

Vào một ngày như hôm nay (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Vào một ngày như hôm nay
Mahmoud Darwish
English translation by Fady Joudah

—-

Vào một ngày như hôm nay, tại một góc khuất
nơi nhà nguyện, trên mình là phục sức nữ tính,  
giữa một năm nhuận, giữa cuộc hạnh ngộ giữa sắc xanh lục
vĩnh hằng, và màu đen kolh thăm thẳm.
Khi hình hài hòa quyện cùng vật chất,
giữa những giác quan và đức khổ hạnh Sufi,
Bên dưới dàn nho vươn tỏa trên giàn rào,
Và những cái bóng đến đều đặn như một chu kỳ,
Khiến dáng hình của ý nghĩa đớn đau, và ngay tại
nơi chốn xúc động khôn cùng này/
                  Ta sẽ gặp khởi đầu và điểm tận của chính mình
                  Rồi cất lời: Khốn kiếp! Hãy mang ta đi nhưng nhớ chừa lại
Trái tim sự thật hẵng còn tươi cho đứa con lũ chó rừng
Và ta sẽ nói rằng: Ta chẳng phải một công dân
cũng không là kẻ chạy nạn
Ta chỉ muốn một điều thôi và không gì khác
Một điều duy nhất:
Là cái chết đơn giản và lặng im
Trong một ngày như hôm nay,
giữa góc khuất của bụi hoa diên vỹ
Biết đâu chúng sẽ đền bù cho ta ít nhiều
sau một đời ta đong đếm
bằng phút giây
bằng ly biệt
Ta muốn chết đi giữa một khu vườn
Chỉ vậy và không gì khác!

(Hoài Phương dịch)