Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn / by Phuong Nguyen



Thơ của Mahmoud Darwish, đặc biệt về giai đoạn sau, không còn miêu tả trực diện những gì xảy ra trước mắt hay miêu tả cảm xúc dữ dội (một ví dụ về giai đoạn đầu là bài thơ Giấy căn cước). Ông rẽ hướng sang một lối viết mới trừu tượng hơn, huyền bí hơn, mang tính kể chuyện, trích dẫn điển tích, và có phần siêu thực để kể lại lịch sử của Palestine. Bài thơ sau đây thuộc về giai đoạn sau.

"Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn"
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Có một ghế trống cho tôi
giữa rạp chiếu bóng hoang tàn ở Beirut.
Hồi kết của nó
tôi đã quên, hoặc không còn nhớ rõ.
Không có gì đáng để chờ đợi
bởi vở kịch được dựng nên khá vụng về:
Hỗn loạn… đoàn người tuyệt vọng
đang kể lại trận chiến, những câu chuyện
mà khán giả đã quen thuộc.
Bỗng nhiên các diễn viên xé toạc kịch bản,
rồi hối hả đi tìm gã biên kịch trong hàng ghế khán giả -
những nhân chứng vốn đã ngồi đây trước khi họ xuất hiện.
Tôi thì thầm với tay nghệ sĩ ngồi trước mình:
Đừng vội thủ thế, hãy kiên nhẫn,
trừ khi anh chính là gã biên kịch đó.
- Không phải tôi.
Hắn hỏi ngược lại: Thế ông có phải tay biên kịch đó không?
- Không phải.
Chúng tôi ngồi rúm ró trong sợ hãi. Tôi mở lời:
Can đảm lên, giữ lòng trung lập,
rồi vùng lên trước số phận đang ập đến.
Anh ta trả lời: Màn sau chẳng có ai hy sinh anh dũng
nên tôi sẽ đợi những màn sau nữa.
Biết đâu tôi sẽ đổi vai ở hồi cuối,
tùy xem mớ sắt thép kia làm gì với những người anh em của mình.
Tôi thốt lên: Vậy ra anh chính là hắn!
Anh ta đáp rằng: Cả ông và tôi đều là những tay biên kịch giấu mặt
những nhân chứng ẩn danh.
Tôi đáp: Tôi thì liên quan gì? Tôi chỉ là một khán giả đến đây xem kịch!
Anh ta tiếp lời: Bên lề vực thẳm không ai là khán giả…
không ai có thể trung dung. Anh phải chọn phe
khi vở diễn đã gần kề hồi kết.

Tôi trả lời: Nếu vậy tôi cần biết khởi đầu của mọi sự.
Mọi thứ đã bắt đầu ra sao?



(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Rạp chiếu bóng Nasser ở Gaza, năm 1961