Chiếc áo bị đánh cắp (Ghassan Kanafani) / by Phuong Nguyen

Truyện ngắn
“Chiếc áo bị đánh cắp”
Ghassan Kanafani
English translation by Michael Fares

——

Kìm lại tiếng chửi thề báng bổ gần như đã trượt khỏi đầu môi, anh ngẩng đầu nhìn lên bầu trời tăm tối mịt mù. Anh có thể thấy trên đầu mình mây đen vần vũ như những phiến đá nham thạch dần co cụm, phủ trùm lên nhau, rồi lại tan biến.

Cơn mưa này sẽ không dừng lại đêm nay, nghĩa là anh không được ngủ và phải tiếp tục khom lưng đào hào, rẽ đường cho dòng nước đầy bùn tránh xa khỏi cột lều. Cơn mưa lạnh xối xả dội vào người giờ đây dường như chẳng thể thấm vào vai lưng anh nữa. Cái lạnh ấy thậm chí đem đến cho anh một cảm giác tê dại dễ chịu làm sao.

Anh ngửi thấy mùi khói. Vợ anh đã nhóm lửa để nướng bánh mì. Anh muốn đào xong cái hào này để có thể trở về lều rồi hong tay bên đống lửa cho đến khi chúng rát bỏng. Nếu có thể, anh sẽ dùng tay không để bắt lấy ngọn lửa, rồi chuyền chúng từ tay này sang tay kia cho đến khi giá lạnh hoàn toàn tan biến. Nhưng anh sợ hãi không dám bước vào trong túp lều. Bởi đã từ rất lâu, trong đôi mắt của vợ anh có một câu hỏi đáng sợ hơn cả cái lạnh tê tái này. Nếu anh bước vào thì cô sẽ cất tiếng hỏi, với đôi tay vùi trong mớ bột nhào và đôi mắt nhìn thẳng vào anh:

“Anh tìm được việc làm chưa?... Chúng ta phải ăn cái gì đây?... Làm cách nào ‘người này’ đã kiếm được việc làm ở đây và ‘người kia’ đã kiếm được việc làm ở đó?”

Rồi cô sẽ chỉ vào Abd Al-Rahman đang co mình trong góc lều như một con mèo tội nghiệp ướt sũng, rồi lắc đầu trong câm lặng cay đắng hơn cả ngàn lời trách móc. Anh phải nói gì với cô đêm nay, ngoài những gì anh đã nói vào bao đêm khác:

“Em muốn anh phải đi ăn trộm vì Abd Al-Rahman sao?”

Anh đứng thẳng mình trong một khoảnh khắc khi hơi thở hổn hển bật ra lặng lẽ, rồi lại khom lưng bên cái cuốc gãy, dõi mắt nhìn về phía căn lều tối tăm, để rồi cảm thấy một cơn hoảng loạn ập đến khi anh tự hỏi chính mình:

“Ăn trộm thì đã sao?”

Kho chứa của Tổ chức Cứu Trợ Quốc tế ở gần lều, và nếu anh muốn thì chắc chắn có cách để lẻn vào trong – qua một cái lỗ bên tường mà anh sẽ tìm được ở đâu đó – đến nơi bột mì và gạo chất đống. Tiền ở đó chẳng thuộc về bất kì ai. Chúng đến từ đằng xa, từ những người mà theo giáo viên ở trường học của Abd Al-Rahman là một lũ đạo đức giả, một lũ “giết người rồi đến viếng thăm đám tang người chúng đã xuống tay.”

Liệu có gây hại cho ai nếu anh chỉ trộm một túi bột mì… hay là hai… thậm chí mười túi? Và nếu anh muốn bán những túi bột này cho một ai đó có khả năng ngửi ra mùi đồ ăn cắp, cùng khả năng mặc cả còn khá hơn nữa thì sao?

Ý tưởng này ngày càng hấp dẫn. Thế nên anh tiếp tục đào bới với quyết tâm mạnh mẽ hơn rằng mình phải đào xong cái hào quanh lều, rồi bắt đầu tự hỏi bản thân rằng tại sao anh không bắt đều kế hoạch này ngay đêm nay. Mưa rơi tầm tã, và bọn lính canh thì sợ lạnh hơn là lợi ích của Tổ Chức Cứu Trợ Quốc Tế. Vậy sao không tiến hành ngay bây giờ? Tại sao?

“Anh đang làm gì đấy Abu Al-Abd?”

Anh ngẩng đầu về phía giọng nói phát ra, và nhận ra cái bóng của Abu Sameer đang dần tiến lại từ giữa hai dãy lều kéo dài dài đằng đẵng giữa màn đêm.

“Tôi đang đào bột.”

“Anh đang đào cái gì cơ?”

“Tôi đang… tôi đang đào một cái hào.”

“Chắc anh đang nghĩ về bột mì phải không. Việc phân phối sẽ bị trì hoãn cho đến sau mười ngày của tháng tới, tóm lại vào khoảng mười lăm ngày nữa, cho nên đừng nghĩ về nó bây giờ trừ khi anh muốn ‘vay’ một ít từ kho chứa.”

Anh thấy cánh tay Abu Sameer chỉ về phía kho, cái bóng từ làn môi dày của hắn miết thành một nụ cười tinh quái. Anh cảm nhận được tình thế khó xử nên lại tiếp tục xộc cái cuốc gãy vào mớ bùn lầy.

Anh nghe thấy Abu Sameer cười sảng rồi chìm dần vào trong tiếng thì thầm:

“Cầm lấy điếu thuốc này đi… À khoan, không được, chỉ khiến anh thấy tệ hơn dưới cơn mưa này thôi. Tôi quên mất trời đang mưa. Não tôi bây giờ chỉ toàn bột.”

Một cảm giác khó chịu ngạt thở bủa vây anh. Anh đã ghét Abu Sameer từ lâu, một tên lắm mồm đáng ghét.

“Trời đang mưa, anh ra ngoài làm gì?”

“Tôi ra ngoài… Tôi ra ngoài để xem anh có cần giúp đỡ không?”

“Không, cảm ơn…”

“Anh còn đào lâu không?”

“Chắc là cả đêm.”

“Chẳng phải tôi đã bảo anh hãy đào khi trời còn sáng sao? Anh cứ đi lang thang đâu đó rồi rời khỏi khu trại… anh đi tìm Ấn Triện của Solomon à?”

“Không… tìm việc…”

Anh thở dốc rồi ngẩng đầu khỏi cán cuốc.

“Sao anh không đi ngủ đi rồi để tôi được yên một mình?”

“Nghe này Abu Al-Abd, nếu chốc nữa anh thấy một túi bột biến mất trước mắt mình, thì đừng có mở miệng nói với bất kì ai.”

“Cái gì cơ?” Abu Al-Abd thốt lên, trái tim anh bắt đầu đập thình thịch. Anh có thể ngửi thấy mùi thuốc lá nồng nặc bốc ra từ miệng Abu Sameer khi hắn xì xào với đôi mắt mở to:

“Sẽ có vài túi bột được chuyển đi trong đêm đến chỗ đó.”

“Chỗ nào?”

“Đằng kia kìa.”

Abu Al-abd cố gắng nhìn về phía Abu Sameer chỉ tay, nhưng cánh tay hắn vẫn gác bên mạn sườn, rồi anh nghe thấy tiếng hắn gằn giọng thì thầm:

“Anh sẽ được chia phần.”

“Các anh chui vào qua một cái lỗ à?”

Uốn lưỡi lại một cách rụt rè, Abu Sameer ngửa đầu trốn tránh, rồi lại thì thào với cái giọng khàn đục:

“Mấy túi bột tự rời đi… chúng biết đi!”

“Anh điên rồi!”

“Không, anh mới là kẻ bất hạnh… Nghe này. Vào thẳng vấn đề nhé. Những gì chúng ta cần làm là lấy vài túi bột trong kho rồi đem lại đằng kia. Tên lính gác sẽ chuẩn bị mọi thứ cho ta như mọi khi. Người giao dịch chẳng phải tôi, cũng chẳng phải anh – đó là tên người Mỹ tóc vàng của tổ chức…. Không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn sau khi ta thỏa thuận. Bọn Mỹ sẽ bán bột và tôi ăn lời… tên lính canh cũng được chia phần… Anh cũng thế…. Tất cả nhờ vào sự hợp tác của chúng ta. Giờ thì anh nghĩ sao?”

Abu Al-Abd cảm thấy vấn đề này rắc rối hơn nhiều việc chỉ trộm một, hai, hay thậm chí là mười túi bột, và cảm giác kinh tởm bủa vây khi nghĩ rằng anh phải làm việc với gã này, một kẻ đáng ghét không thể chịu nổi mà toàn khu trại ai ai cũng biết rõ.

Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy một sự dễ chịu ngất ngây khi nghĩ rằng một ngày nào đó anh có thể quay lại túp lều cùng chiếc áo mới cho Abd Al-Rahman, với vài món đồ nho nhỏ cho vợ anh sau triền miên khốn khổ. Hai nụ cười đó mới đẹp đẽ làm sao. Chỉ riêng cơ hội được nhìn thấy nụ cười của Abd Al-Rahman là quá đủ để anh dấn thân vào âm mưu vừa được đề xuất,

Nếu anh thất bại thì sao?... Số phận thê thảm nào đang đợi chờ vợ và con trai anh… Đó là cái ngày mà Abd Al-Rahman sẽ phải lúi cúi bên vệ đường với chiếc hộp đánh giày, lắc cái đầu bé nhỏ của nó khi cắm mặt vào những đôi giày đẹp đẽ của khách hàng. Một số phận thê thảm, đáng nguyền rủa.

Nhưng nếu anh thành công thì Abd Al-Rahman sẽ trở thành một con người mới, và anh có thể thoát khỏi câu hỏi đáng sợ chất chứa trong đôi mắt vợ anh. Nếu anh thành công thì cái cảnh đào hào vào những đêm mưa này sẽ chấm dứt, và anh có thể sống ở những nơi mà giờ đây anh chẳng thể tưởng tượng ra nổi.

“Sao anh không thôi với cái hào này đi để chúng ta vào việc trước khi trời sáng” Abu Sameer cất tiếng.

Đúng vậy, tại sao không rời khỏi cái hào này đi? Abd Al-Rahman đang ở góc lều run rẩy trong cái lạnh rét mướt, và anh có thể cảm thấy hơi thở của con trai anh chạm đến cái trán lạnh run của chính mình. Anh ước gì có thể cứu Abd Al-Rahman khỏi sự suy nhược khốn khổ này.

Mưa đã ngớt hạt và trên trời, vầng trăng đang xé mây thành một đường lởm chởm.

Abu Sameer vẫn đứng đối diện anh như một bóng ma tăm tối với hai bàn chân khổng lồ cắm sâu vào trong vũng bùn, cổ áo khoác cũ sờn dựng lên che cả vành tai, hắn ta đứng đó, chờ đợi. Trước mặt anh là một kẻ đang chào mời một cơ hội quá sức mù mờ, hắn khẩn khoản xin anh lấy vài túi bột trong kho rồi mang đến một nơi nào đó, nơi hàng tháng có gã người Mỹ ghé qua, rồi hắn sẽ đứng trước những túi bột trong khi cười cợt và xoa hai bàn tay sạch sẽ vào nhau, đôi mắt xanh trông chẳng khác gì con mèo đang rình rập chuẩn bị vồ lấy một con chuột bất cẩn đáng thương nào đó.

“Từ khi nào anh bắt đầu giao dịch với lính canh và tên nhân viên đó?”

“Anh có muốn làm hay không? Hoặc nhé, anh chỉ cần cầm tiền bán bột rồi đem hối lộ lũ khốn đó. Nghe này. Tên người Mỹ là bạn của tôi, và hắn thích công việc suôn sẻ gọn gàng. Hắn luôn bảo điều ưu tiên hàng đầu là thời gian, và hắn không thích sự chậm trễ. Chúng ta phải làm ngay bây giờ, nhanh nào!”

Anh lại hình dung trong đầu cái cảnh tên người Mỹ mắt híp màu xanh dương chễm chệ đứng trước những túi bột, miệng cười ha hả trong khi xoa lòng bàn tay sạch sẽ vào nhau một cách tự tin và sung sướng, và anh chợt cảm thấy rúng động. Anh nhận ra rằng gã người Mỹ này đang bán bột mì trong khi miệng ra rả nói với những người đàn bà và lũ trẻ ở khu trại tỵ nạn rằng việc phân phối sẽ bị hoãn lại tận mười ngày nữa vào tháng sau. Một cơn thịnh nộ như sóng cồn ập đến, như tiếng lòng anh vang vọng khi nghĩ rằng rồi một ngày anh sẽ phải quay về từ kho chứa trắng tay, nghẹn ngào nói với vợ anh rằng họ đã hoãn phần bột của chúng ta thêm mười ngày nữa. Sự thất vọng bao phủ gương mặt sạm nâu, khắc khổ của cô mới đau đớn làm sao. Anh đã từng thấy ứ nghẹn như thể có hàng ngàn cái bướu nhồi trong cuống họng trước sự im lặng đáng sợ ấy, khi cô nhìn vào túi bột trống rỗng vắt vẻo trên vai anh như cái dây lòng thòng trên giá treo cổ. Cái nhìn ấy có nghĩa rằng họ phải chờ đợi mười ngày nữa trước khi tìm được bột mì hay bất kỳ thứ gì để ăn. Dường như Abd Al-Rahman hiểu rõ tình thế này, bởi từ lâu thằng bé đã thôi liên tục đòi ăn dẫu cho bụng đói.

Trong mỗi túp lều tại khu trại tị nạn này là bao ánh mắt chìm sâu trong cùng một nỗi thất vọng. Mỗi đứa trẻ trong khu trại này sẽ phải chờ mười ngày, chỉ để được ăn một mẩu bánh.

Và hắn chính là nguyên nhân của sự trì hoãn – Abu Sameer – hắn đứng trước mặt anh như một bóng ma đen đặc, bàn chân hắn cắm vào vũng bùn thấp thỏm trong khi đợi chờ kết cục của một cuộc giao dịch. Hắn, và gã người Mỹ mắt híp màu xanh chà hai bàn tay sạch sẽ vào nhau trước những túi bột chất đống trong khi ngoác mồm cười ha hả.

Anh không biết bằng cách nào anh đã nhấc cán cuốc cao quá đầu mình, lẫn cách mà anh bổ nó xuống đầu của Abu Sameer cùng hết sức bình sinh. Anh cũng không biết làm sao vợ anh đã xoay sở lôi anh đi khỏi cái xác của Abu Sameer trong khi anh thét vào mặt cô rằng tháng này việc phân phối bột mì sẽ không bị trì hoãn…

Anh chỉ biết rằng khi anh cuối cùng đã quay trở lại lều, ướt sũng trong bùn lầy và nước mưa, anh đã ôm chặt Abd Al-Rahman trong vòng tay, và anh nhìn vào gương mặt nhợt nhạt, vàng vọt của con trai mình…

Anh vẫn mong mỏi được nhìn thấy nụ cười của con khi nó nhìn thấy một chiếc áo mới…

Và rồi anh bắt đầu khóc…

---

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Một túp lều ở trại tỵ nạn được dựng nên bởi Liên Hiệp Quốc tại Khan Younis, miền nam dải Gaza. Tác giả bức ảnh Ibraheem Abu Mustafa / REUTERS

*Ghassan Kanafani là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia gạo cội trong nền văn học Palestine. Ông sinh năm 1936 tại Vùng ủy trị Palestine và gia đình ông đã rơi vào cảnh ly tán sau sự biến Nakba 1948, họ đã đến Damascus tại Syria tỵ nạn, và ông đã cầm bút lên sáng tác truyện ngắn vì muốn dạy cho những đứa trẻ tại khu trại tỵ nạn về lịch sử của dân tộc. NĂm 1972, ông khi đó chỉ mới 36 tuổi đã qua đời cùng cô cháu 17 tuổi bởi một cuộc đánh bom ám sát mà đặc vụ Mossad đã cài vào trong xe hơi ông.