"Vùng đất của những quả cam buồn"
Ghassan Kanafani
From English translation by Mona Anis, Hala Halim and Nejmeh Khalil-Habib.
-
Ngày mà chúng tôi buộc phải rời khỏi Jaffa để đi đến Acre chẳng hề có cảm giác rằng một thảm họa đang ập đến. Không khác gì những chuyến nghỉ mát hằng năm, khi cả gia đình cùng nhau đến một thành phố khác trẩy hội. Những ngày ở Acre trôi qua không có gì khác thường, đứa trẻ là tôi khi đó thậm chí còn thích thú bởi nhờ chuyến đi này mà khỏi phải đến trường… Dù sao thì vào cái đêm xảy ra trận oanh tạc nhắm vào Acre, mọi sự dần trở nên rõ ràng hơn. Một đêm kinh hoàng trôi qua giữa sự im lặng của những người đàn ông và tiếng đàn bà cầu khẩn. Lũ trẻ cùng trang lứa như tôi và cậu khi đó vẫn còn quá nhỏ để hiểu được ngọn ngành câu chuyện. Nhưng vào đêm đó những dòng chữ đang dần hiện rõ. Trời hửng sáng, trong khi bọn người Do Thái đang rời đi trong những tràng chửi rủa đầy đe dọa, tôi thấy một chiếc xe tải lớn chắn trước cửa nhà chúng ta. Những vật dụng nhẹ, chủ yếu là đồ ngủ, đang được ném vào xe tải trong vội vàng kích động.
Tôi đứng tựa lưng vào bức tường cổ kính của căn nhà và quan sát trong khi mẹ cậu trèo vào xe, sau đó là dì cậu với bọn trẻ con, rồi cha cậu vác cậu cùng những đứa em ném lên xe phía trên mớ hành lý. Rồi ông tóm lấy tôi đang đứng ở một góc, nhét tôi vào khoang hành lý bằng sắt phía trên buồng lái trông chẳng khác gì một cái lồng, và ở đó tôi thấy em trai Riad của mình đang ngồi im thin thít. Tôi chưa kịp tìm được một tư thế thoải mái thì xe đã lăn bánh. Acre dần mất dạng sau những rặng đồi khi chiếc xe leo dốc hướng về Rass El-Naqoura ở Lebanon.
Bầu trời mù mây và làn hơi lạnh lẽo ngấm dần vào thân thể. Riad lặng lẽ ngồi tựa lưng vào đống hành lý, chân gác trên thành sắt, mắt dõi nhìn xa xăm, còn tôi ngồi đối diện nó với đôi tay bó gối, mặt úp vào giữa hai bắp đùi. Những điền trang cam lùi dần sau lưng từng chút một trong khi chiếc xe hì hục leo lên một con dốc ướt… Và ở đằng xa vẳng lại tiếng súng như lời chia tay.
Rass El-Naqoura dần hiện ra ở phía xa đường chân trời giữa màn sương xanh thẫm, và chiếc xe bất chợt dừng lại. Những người đàn bà chui ra từ trong mớ hành lý, họ xuống xe rồi đi đến một quầy bán cam dọc đường. Khi họ quay lại cùng những túi cam, chúng ta có thể nghe thấy tiếng họ sụt sùi khóc. Và ở khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra những quả cam này mới thân thương làm sao, những quả ngọt to tròn, sạch sẽ này là điều gì đó đáng được trân trọng. Cha cậu bước xuống từ bên cạnh tài xế, ông cầm một quả cam trong tay, chau mày nhìn nó đầy suy tư lặng lẽ, và rồi ông bật khóc như một đứa trẻ đáng thương, bất lực.
Xe chúng ta dừng lại ở Rass El-Naqoura bên cạnh rất nhiều những chiếc xe khác trông y hệt. Những người đàn ông giao nộp vũ khí cho toán lính, vốn được đặt ngay tại đó chỉ để dành cho mục đích này. Rồi đến lượt chúng ta bước xuống. Tôi thấy bao khẩu súng ngắn và súng máy được ném lên trên một cái bàn lớn, và trải ra trước mắt tôi là hàng dài xe tải nối đuôi nhau đi đến Lebanon, bỏ lại đằng sau những nẻo đường quanh co và vùng đất của cây cam ngọt, rồi những giọt lệ đắng chát bắt đầu tuôn rơi. Mẹ cậu vẫn lặng lẽ nhìn lại rặng cây cam ở phía xa, và tất cả những cây cam cha cậu đã để lại cho lũ người Do Thái ấy sáng bừng trong mắt ông… Như thể những cái cây mà ông đã chọn mua thật cẩn thận ấy giờ đây là tấm gương phản chiếu gương mặt chính ông. Và những giọt lệ mà ông chẳng thể giấu đi trước mặt những sĩ quan tại đồn cảnh sát ấy, đang sáng lên lấp lánh.
Buổi chiều hôm đó khi chúng ta đến được Sidon, chúng ta đã trở thành những người lưu vong.
…..
Con đường nuốt chửng chúng ta như muôn vạn điều khác. Chỉ mới mấy ngày mà cha cậu trông già hẳn đi, như thể ông đã từ lâu không ngủ. Ông đứng đó bên cạnh mớ hành lý được vứt chỏng chơ bên vệ đường. Tôi biết nếu mình mở miệng nói gì đó thì ông sẽ lập tức thét vào mặt mình: “Khốn nạn! Cha mày là thằng khốn nạn!” Hai câu chửi này hiện ra rõ mồn một trên gương mặt ông. Ngay cả khi tôi đã được nuôi dạy trong một trường đạo khắt khe, thì ngay tại khoảnh khắc này tôi đã hoài nghi rằng liệu Chúa trời có thực muốn con dân của Người hạnh phúc. Tôi ngờ rằng Chúa thực ra chẳng nghe, chẳng thấy điều gì cả. Tất cả những bức tranh họa chân dung Chúa Trời thương yêu lũ trẻ với nụ cười hiền đều dối trá, cũng như bao lời nói dối khác từ những kẻ xây trường đạo nhằm thu tiền phụ phí. Tôi biết chắc rằng Chúa của chúng ta ở Palestine đã bỏ rơi vùng đất này, Người cũng đã từng là một người tỵ nạn ở đâu đó trên thế giới và chính Người cũng bất lực trước những khốn khổ của bản thân mình. Giờ đây chúng ta, những kẻ lưu vong đang ngồi bên vệ đường đợi chờ một số phận mới mở ra, giúp ta tìm một giải pháp. Chính chúng ta phải tự tìm lời giải cho điều này. Chúng ta phải tự đi tìm một mái nhà để dung thân. Nỗi đau này đã rơi vào đầu một bé trai ngây thơ như vậy đấy.
Buổi tối là thời gian kinh khủng nhất khi đêm buông rơi từng chút, từng chút một. Tôi rất sợ… khi nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua đêm dài bên vệ đường trong khi linh hồn đầy ứ những cơn ác mộng kinh hoàng. Chẳng có ai ủi an và tôi không còn một ai để chạy đến. Sự im lặng như đá tảng của cha cậu càng khiến tôi sợ hãi nhiều hơn, và những quả cam trong bàn tay mẹ cậu như ngọn lửa thiêu đốt lồng ngực tôi. Ai cũng im lặng trong khi dõi mắt nhìn vào con đường tối tăm mịt mù, mong rằng một giải pháp sẽ xuất hiện từ đâu đó từ trong góc nhỏ đằng kia rồi đưa tất cả chúng ta đến một nơi nào đó an toàn. Và rồi số phận đã đến, trong hình hài người chú của cậu, người vừa đến thị trấn vài ngày trước đó. Ông ấy chính là số phận của chúng ta.
Chú của cậu vốn chẳng phải là người đàn ông tử tế gì cho cam, và khi ông nhận thấy mình đang vất vưởng bên vệ đường thì bản tính càng trở nên man rợ. Ông đi đến ngôi nhà của một gia đình Do Thái, đạp tung cửa rồi ném đồ đạc trong nhà tứ tung trong khi thét vào mặt họ: “Cút đến Palestine ngay!” Chắc chắn họ đã không đi đến Palestine, nhưng vì quá hoảng sợ trước cơn thịnh nộ của người đàn ông lạ mặt nên họ đã lánh đến một phòng khác, chừa lại căn phòng chỉ còn lại mỗi sàn và mái nhà cho chú ấy.
Chú cậu dẫn cả gia đình ta đông đúc cùng thêm một đống hành lý vào căn phòng. Chúng ta qua đêm trên sàn nhà, đắp chăn bằng áo choàng của những người lớn. Vào buổi sáng khi thức dậy, những người đàn ông vẫn còn ngồi trên ghế. Và rồi thảm kịch bắt đầu ngấm vào thân thể chúng ta… tất cả chúng ta.
Chúng ta không lưu lại Sidon quá lâu, chỉ ba ngày. Phòng của chú cậu khá nhỏ và chẳng đủ cho thậm chí một nửa chúng ta. Mẹ cậu hỏi cha cậu rằng liệu ông có thể tìm được việc mới, nếu không thì chúng ta có thể quay lại vườn cam… Cha cậu nổi điên lên rồi ông thét vào mặt bà, giọng ông run lên trong giận dữ. Những rắc rối gia đình bắt đầu từ đây. Mối dây bền chặt của một đại gia đình hạnh phúc mà chúng ta từng có giờ đã ở lại sau lưng, cùng với những rặng cây cam, ngôi nhà cũ, và những người tử đạo đã ngã xuống.
Tôi không biết cha cậu đã lấy tiền từ đâu. Tôi biết ông đã bán hết trang sức của mẹ cậu, những món đồ ông từng mua tặng bà để khiến bà vui và tự hào về chồng của mình. Nhưng ngay cả mớ trang sức ấy cũng chẳng đủ để giải quyết vấn đề của chúng ta, ta cần nhiều hơn thế nữa. Liệu cha cậu có vay tiền không? Hay là ông đã bán đi vài món tư trang mà không cho chúng ta biết. Tôi cũng chẳng rõ. Tôi chỉ nhớ rằng chúng ta đã chuyển đến một vùng ngoại ô nào đó ở Sidon, nơi cha cậu ngồi xuống nhoẻn miệng cười lần đầu tiên. Ông đang đợi ngày 15 tháng Năm khi ông có thể trở về nhà cùng đoàn quân chiến thắng.
Ngày 15 tháng Năm đến sau một khoảng thời gian cay đắng. Chính xác lúc mười hai giờ đêm, khi tôi vẫn còn đang ngủ say thì ông đá vào tôi, hồ hởi nói với chất giọng vang rền như sấm: Dậy, dậy mau, đi xem quân đoàn Ả Rập đang tiến vào Palestine kìa. Tôi hối hả thức dậy và chạy như bay trên đôi chân trần xuyên qua ngọn đồi giữa đêm khuya cho đến khi đến được đường chính cách làng chính xác một kilometre. Tất cả lũ chúng ta, từ già đến bé ai nấy chạy hộc tốc như một lũ ngốc, về phía đến ánh đèn xe hơi rọi trên con đường hướng đến Rass El-Naqoura .
Đến được đường chính thì ai cũng mệt và thấm lạnh, nhưng tiếng hét điên cuồng của cha cậu khiến mọi người quên hết tất thảy. Ông đuổi theo đoàn xe như một đứa trẻ, tay vẫy không ngừng. Ông gào cho đến khi khản giọng và hết cả hơi, nhưng ông vẫn tiếp tục chạy theo sau đoàn xe như một đứa trẻ. Chúng ta chạy theo ông, thét lên như ông, trong khi những người lính đáng ngưỡng mộ kia dõi đôi mắt lấp ló dưới chiếc mũ nhìn chúng ta trong sự im lặng cứng nhắc. Ai cũng hết cả hơi, nhưng cha cậu dẫu đã hơn 50 tuổi rồi thì vẫn tiếp tục chạy. Ông ném thuốc lá lên xe cho những chiến binh. Ông tiếp tục đuổi theo, và chúng ta cũng chạy theo ông như một bầy dê nhỏ.
Đoàn xe đột ngột biến mất rồi chúng ta quay trở về nhà, mệt lử và chẳng còn hơi sức. Cha cậu chẳng nói lời nào, hoàn toàn im lặng. Khi một chiếc xe lướt ngang và nhá đèn xe vào ông, tôi thấy hai gò má của ông đầm đìa nước mắt.
Sau tối đó, cuộc sống trôi qua chậm rãi. Chúng ta đã bị đánh lừa bởi những lời tuyên bố và bởi sự thật đắng cay. Tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm gương mặt tất cả chúng ta. Cha cậu cảm thấy thật khó khăn để nói về Palestine, những tháng ngày hạnh phúc ở điền trang cam ngày xưa, hay căn nhà ông từng có.
Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Ngay cả chuyện vặt vãnh cũng đủ khiến cha cậu nổi cơn tam bành. Rồi một ngày, khi một đứa trong chúng ta hỏi xin ông cái gì đó, ông đã nhảy dựng lên như thể bị điện giật rồi soi vào từng đứa. Một ý tưởng đáng nguyền rủa bất thần nảy sinh trong đầu ông. Ông đột ngột đứng dậy, như thể vừa tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông vừa cảm thấy rằng bản thân đủ mạnh mẽ để đặt dấu chấm hết cho thảm kịch này, vừa cảm thấy kinh hoàng vì những điều ông sắp tiến hành đây thật thảm khốc, ông bắt đầu lắp bắp nói những điều vô nghĩa. Ông đi sang trái rồi lại sang phải, như thể đang tìm một thứ mà không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy. Rồi ông nhảy lên một chiếc hộp mà chúng ta đã mang đến từ Acre sau khi vứt hết mọi thứ trong đó ra trong kinh động hối hả. Mẹ cậu dường như hiểu được điều gì đang xảy ra, có lẽ đó là cái ta gọi là bản năng của người mẹ chăng, bà vội đẩy cả lũ chúng ta khỏi nhà và nói rằng chúng ta phải chạy ngay lên đồi.
Chúng ta đã không làm theo ý bà, thay vì chạy đi thì chúng ta dí mặt vào cánh cửa, căng tai ra dán chặt vào những thớ gỗ rồi lắng nghe trong kinh sợ. Chúng ta nghe thấy cha cậu lẩm bẩm rằng: Tôi sẽ giết hết chúng nó, rồi tôi sẽ tự sát. Tôi muốn chấm dứt cảnh này… Tôi muốn chấm dứt… Tôi muốn…
Qua khe cửa nhỏ, chúng ta nhìn thấy cha cậu dạng chân đứng trên sàn nhà, ông thở dốc, hàm răng nghiến chặt. Đối diện là mẹ cậu đứng ở bên kia căn phòng và bà đang nhìn ông với vẻ mặt kinh hoàng.
Lúc đầu tôi không hiểu đầu đuôi chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi nhớ rõ khoảnh khắc vừa nhìn thấy khẩu súng ngắn giắt bên mạn sườn ông, tôi lập tức co chân chạy, như thể đang trốn khỏi một bóng ma thình lình xuất hiện. Tôi chạy khỏi nhà hướng đến ngọn đồi, và càng chạy xa tôi càng cảm thấy tuổi thơ mình ngày càng mất dạng. Tôi bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời chúng ta sẽ không bao giờ còn như trước nữa: chẳng còn đơn giản như xưa, và cuộc sống giờ đây không còn là điều mà ngày ngày chúng ta phấn khởi chờ đợi. Tình thế đã tới bước đường cùng khi nhát súng vào đầu là điều duy nhất một người cha có thể làm cho các con ông. Nên từ bây giờ chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta phải biết điều, phải im lặng khi cha bắt đầu kể lể về những vấn đề của ông. Chúng ta sẽ không nài nỉ đòi ăn dẫu cho bụng kêu lên vì đói, và chúng ta sẽ tuyệt đối vâng lời, nhoẻn miệng cười với cái gật đầu khi ông quát lên: “Đi lên đồi chơi đi và đừng có quay lại đây trước buổi trưa đấy!”
Đêm đó cha cậu run lên vì sốt, một khoảng thời gian đã trôi qua từ khi bóng tối bủa vây khắp căn nhà. Mẹ cậu ngồi bên cạnh ông. Đôi mắt chúng ta ánh lên như mắt mèo giữa bóng đêm. Đôi môi chúng ta khép chặt như chiếc rương chưa từng được mở, như thể chúng là tàn tích của một vết thương xưa cũ.
Chúng ta chất đống trong một góc xó, xa khỏi tuổi thơ, xa khỏi vùng đất của những cây cam ngọt… những quả cam ngọt đã chết vì được tưới tắm bởi bàn tay kẻ lạ, như lời một người nông dân già từng kể cho chúng ta nghe. Cha cậu vẫn ốm liệt giường, còn mẹ cậu thì gặm nhấm những giọt lệ chảy tràn, những giọt lệ sẽ ở đó trong đôi mắt bà mãi mãi. Chúng ta mò vào phòng như những kẻ thất lạc. Tôi nhác thấy gương mặt cha cậu run rẩy trong căm giận vỡ nát, và cùng lúc đó tôi cũng thấy, khẩu súng ngắn màu đen trên chiếc bàn thấp, cạnh nó là một quả cam.
Một quả cam nhăn nhúm, khô kiệt, héo tàn…
——
(Hoài Phương dịch)
Nguyên tác lần đầu được tăng tải trên Tuần báo Al-Ahram nhân dịp tưởng niệm 50 năm xảy ra Al-Nakba, thảm họa xảy đến với người Palestine khi Israel lập quốc vào ngày 15 tháng 5, 1948. Truyện ngắn này được xuất bản vào năm 1998, thuộc tuyển tập những bài viết ghi lại lịch sử giao tranh giữa cộng đồng Ả Rập và Israel, cũng như những mất mát người Palestine đã đi qua trong thân phận lưu vong.
Trong truyện có đề cập đến tình tiết binh đoàn Ả Rập tiến đến Palestine. Đây là một nhóm quân đội Ả Rập từ những nước lân cận đi đến để bảo vệ Palestine và người dân của họ trước quân đội Israel Hagana Militias. Họ là niềm hy vọng của bao người Palestine, tuy nhiên, họ đã bị đánh bại và Israel chính thức lập quốc.
Ảnh: Một doanh nghiệp gia đình đang đóng gói cam của nông trại họ tại Jaffa, Palestine, năm 1907, Nguồn từ Bibliothèque nationale de France.