Truyện ngắn
“Chiếc áo bị đánh cắp”
Ghassan Kanafani
English translation by Michael Fares
——
Kìm lại tiếng chửi thề báng bổ gần như đã trượt khỏi đầu môi, anh ngẩng đầu nhìn lên bầu trời tăm tối mịt mù. Anh có thể thấy trên đầu mình mây đen vần vũ như những phiến đá nham thạch dần co cụm, phủ trùm lên nhau, rồi lại tan biến.
Cơn mưa này sẽ không dừng lại đêm nay, nghĩa là anh không được ngủ và phải tiếp tục khom lưng đào hào, rẽ đường cho dòng nước đầy bùn tránh xa khỏi cột lều. Cơn mưa lạnh xối xả dội vào người giờ đây dường như chẳng thể thấm vào vai lưng anh nữa. Cái lạnh ấy thậm chí đem đến cho anh một cảm giác tê dại dễ chịu làm sao.
Anh ngửi thấy mùi khói. Vợ anh đã nhóm lửa để nướng bánh mì. Anh muốn đào xong cái hào này để có thể trở về lều rồi hong tay bên đống lửa cho đến khi chúng rát bỏng. Nếu có thể, anh sẽ dùng tay không để bắt lấy ngọn lửa, rồi chuyền chúng từ tay này sang tay kia cho đến khi giá lạnh hoàn toàn tan biến. Nhưng anh sợ hãi không dám bước vào trong túp lều. Bởi đã từ rất lâu, trong đôi mắt của vợ anh có một câu hỏi đáng sợ hơn cả cái lạnh tê tái này. Nếu anh bước vào thì cô sẽ cất tiếng hỏi, với đôi tay vùi trong mớ bột nhào và đôi mắt nhìn thẳng vào anh:
“Anh tìm được việc làm chưa?... Chúng ta phải ăn cái gì đây?... Làm cách nào ‘người này’ đã kiếm được việc làm ở đây và ‘người kia’ đã kiếm được việc làm ở đó?”
Rồi cô sẽ chỉ vào Abd Al-Rahman đang co mình trong góc lều như một con mèo tội nghiệp ướt sũng, rồi lắc đầu trong câm lặng cay đắng hơn cả ngàn lời trách móc. Anh phải nói gì với cô đêm nay, ngoài những gì anh đã nói vào bao đêm khác:
“Em muốn anh phải đi ăn trộm vì Abd Al-Rahman sao?”
Anh đứng thẳng mình trong một khoảnh khắc khi hơi thở hổn hển bật ra lặng lẽ, rồi lại khom lưng bên cái cuốc gãy, dõi mắt nhìn về phía căn lều tối tăm, để rồi cảm thấy một cơn hoảng loạn ập đến khi anh tự hỏi chính mình:
“Ăn trộm thì đã sao?”
Kho chứa của Tổ chức Cứu Trợ Quốc tế ở gần lều, và nếu anh muốn thì chắc chắn có cách để lẻn vào trong – qua một cái lỗ bên tường mà anh sẽ tìm được ở đâu đó – đến nơi bột mì và gạo chất đống. Tiền ở đó chẳng thuộc về bất kì ai. Chúng đến từ đằng xa, từ những người mà theo giáo viên ở trường học của Abd Al-Rahman là một lũ đạo đức giả, một lũ “giết người rồi đến viếng thăm đám tang người chúng đã xuống tay.”
Liệu có gây hại cho ai nếu anh chỉ trộm một túi bột mì… hay là hai… thậm chí mười túi? Và nếu anh muốn bán những túi bột này cho một ai đó có khả năng ngửi ra mùi đồ ăn cắp, cùng khả năng mặc cả còn khá hơn nữa thì sao?
Ý tưởng này ngày càng hấp dẫn. Thế nên anh tiếp tục đào bới với quyết tâm mạnh mẽ hơn rằng mình phải đào xong cái hào quanh lều, rồi bắt đầu tự hỏi bản thân rằng tại sao anh không bắt đều kế hoạch này ngay đêm nay. Mưa rơi tầm tã, và bọn lính canh thì sợ lạnh hơn là lợi ích của Tổ Chức Cứu Trợ Quốc Tế. Vậy sao không tiến hành ngay bây giờ? Tại sao?
“Anh đang làm gì đấy Abu Al-Abd?”
Anh ngẩng đầu về phía giọng nói phát ra, và nhận ra cái bóng của Abu Sameer đang dần tiến lại từ giữa hai dãy lều kéo dài dài đằng đẵng giữa màn đêm.
“Tôi đang đào bột.”
“Anh đang đào cái gì cơ?”
“Tôi đang… tôi đang đào một cái hào.”
“Chắc anh đang nghĩ về bột mì phải không. Việc phân phối sẽ bị trì hoãn cho đến sau mười ngày của tháng tới, tóm lại vào khoảng mười lăm ngày nữa, cho nên đừng nghĩ về nó bây giờ trừ khi anh muốn ‘vay’ một ít từ kho chứa.”
Anh thấy cánh tay Abu Sameer chỉ về phía kho, cái bóng từ làn môi dày của hắn miết thành một nụ cười tinh quái. Anh cảm nhận được tình thế khó xử nên lại tiếp tục xộc cái cuốc gãy vào mớ bùn lầy.
Anh nghe thấy Abu Sameer cười sảng rồi chìm dần vào trong tiếng thì thầm:
“Cầm lấy điếu thuốc này đi… À khoan, không được, chỉ khiến anh thấy tệ hơn dưới cơn mưa này thôi. Tôi quên mất trời đang mưa. Não tôi bây giờ chỉ toàn bột.”
Một cảm giác khó chịu ngạt thở bủa vây anh. Anh đã ghét Abu Sameer từ lâu, một tên lắm mồm đáng ghét.
“Trời đang mưa, anh ra ngoài làm gì?”
“Tôi ra ngoài… Tôi ra ngoài để xem anh có cần giúp đỡ không?”
“Không, cảm ơn…”
“Anh còn đào lâu không?”
“Chắc là cả đêm.”
“Chẳng phải tôi đã bảo anh hãy đào khi trời còn sáng sao? Anh cứ đi lang thang đâu đó rồi rời khỏi khu trại… anh đi tìm Ấn Triện của Solomon à?”
“Không… tìm việc…”
Anh thở dốc rồi ngẩng đầu khỏi cán cuốc.
“Sao anh không đi ngủ đi rồi để tôi được yên một mình?”
“Nghe này Abu Al-Abd, nếu chốc nữa anh thấy một túi bột biến mất trước mắt mình, thì đừng có mở miệng nói với bất kì ai.”
“Cái gì cơ?” Abu Al-Abd thốt lên, trái tim anh bắt đầu đập thình thịch. Anh có thể ngửi thấy mùi thuốc lá nồng nặc bốc ra từ miệng Abu Sameer khi hắn xì xào với đôi mắt mở to:
“Sẽ có vài túi bột được chuyển đi trong đêm đến chỗ đó.”
“Chỗ nào?”
“Đằng kia kìa.”
Abu Al-abd cố gắng nhìn về phía Abu Sameer chỉ tay, nhưng cánh tay hắn vẫn gác bên mạn sườn, rồi anh nghe thấy tiếng hắn gằn giọng thì thầm:
“Anh sẽ được chia phần.”
“Các anh chui vào qua một cái lỗ à?”
Uốn lưỡi lại một cách rụt rè, Abu Sameer ngửa đầu trốn tránh, rồi lại thì thào với cái giọng khàn đục:
“Mấy túi bột tự rời đi… chúng biết đi!”
“Anh điên rồi!”
“Không, anh mới là kẻ bất hạnh… Nghe này. Vào thẳng vấn đề nhé. Những gì chúng ta cần làm là lấy vài túi bột trong kho rồi đem lại đằng kia. Tên lính gác sẽ chuẩn bị mọi thứ cho ta như mọi khi. Người giao dịch chẳng phải tôi, cũng chẳng phải anh – đó là tên người Mỹ tóc vàng của tổ chức…. Không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn sau khi ta thỏa thuận. Bọn Mỹ sẽ bán bột và tôi ăn lời… tên lính canh cũng được chia phần… Anh cũng thế…. Tất cả nhờ vào sự hợp tác của chúng ta. Giờ thì anh nghĩ sao?”
Abu Al-Abd cảm thấy vấn đề này rắc rối hơn nhiều việc chỉ trộm một, hai, hay thậm chí là mười túi bột, và cảm giác kinh tởm bủa vây khi nghĩ rằng anh phải làm việc với gã này, một kẻ đáng ghét không thể chịu nổi mà toàn khu trại ai ai cũng biết rõ.
Nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy một sự dễ chịu ngất ngây khi nghĩ rằng một ngày nào đó anh có thể quay lại túp lều cùng chiếc áo mới cho Abd Al-Rahman, với vài món đồ nho nhỏ cho vợ anh sau triền miên khốn khổ. Hai nụ cười đó mới đẹp đẽ làm sao. Chỉ riêng cơ hội được nhìn thấy nụ cười của Abd Al-Rahman là quá đủ để anh dấn thân vào âm mưu vừa được đề xuất,
Nếu anh thất bại thì sao?... Số phận thê thảm nào đang đợi chờ vợ và con trai anh… Đó là cái ngày mà Abd Al-Rahman sẽ phải lúi cúi bên vệ đường với chiếc hộp đánh giày, lắc cái đầu bé nhỏ của nó khi cắm mặt vào những đôi giày đẹp đẽ của khách hàng. Một số phận thê thảm, đáng nguyền rủa.
Nhưng nếu anh thành công thì Abd Al-Rahman sẽ trở thành một con người mới, và anh có thể thoát khỏi câu hỏi đáng sợ chất chứa trong đôi mắt vợ anh. Nếu anh thành công thì cái cảnh đào hào vào những đêm mưa này sẽ chấm dứt, và anh có thể sống ở những nơi mà giờ đây anh chẳng thể tưởng tượng ra nổi.
“Sao anh không thôi với cái hào này đi để chúng ta vào việc trước khi trời sáng” Abu Sameer cất tiếng.
Đúng vậy, tại sao không rời khỏi cái hào này đi? Abd Al-Rahman đang ở góc lều run rẩy trong cái lạnh rét mướt, và anh có thể cảm thấy hơi thở của con trai anh chạm đến cái trán lạnh run của chính mình. Anh ước gì có thể cứu Abd Al-Rahman khỏi sự suy nhược khốn khổ này.
Mưa đã ngớt hạt và trên trời, vầng trăng đang xé mây thành một đường lởm chởm.
Abu Sameer vẫn đứng đối diện anh như một bóng ma tăm tối với hai bàn chân khổng lồ cắm sâu vào trong vũng bùn, cổ áo khoác cũ sờn dựng lên che cả vành tai, hắn ta đứng đó, chờ đợi. Trước mặt anh là một kẻ đang chào mời một cơ hội quá sức mù mờ, hắn khẩn khoản xin anh lấy vài túi bột trong kho rồi mang đến một nơi nào đó, nơi hàng tháng có gã người Mỹ ghé qua, rồi hắn sẽ đứng trước những túi bột trong khi cười cợt và xoa hai bàn tay sạch sẽ vào nhau, đôi mắt xanh trông chẳng khác gì con mèo đang rình rập chuẩn bị vồ lấy một con chuột bất cẩn đáng thương nào đó.
“Từ khi nào anh bắt đầu giao dịch với lính canh và tên nhân viên đó?”
“Anh có muốn làm hay không? Hoặc nhé, anh chỉ cần cầm tiền bán bột rồi đem hối lộ lũ khốn đó. Nghe này. Tên người Mỹ là bạn của tôi, và hắn thích công việc suôn sẻ gọn gàng. Hắn luôn bảo điều ưu tiên hàng đầu là thời gian, và hắn không thích sự chậm trễ. Chúng ta phải làm ngay bây giờ, nhanh nào!”
Anh lại hình dung trong đầu cái cảnh tên người Mỹ mắt híp màu xanh dương chễm chệ đứng trước những túi bột, miệng cười ha hả trong khi xoa lòng bàn tay sạch sẽ vào nhau một cách tự tin và sung sướng, và anh chợt cảm thấy rúng động. Anh nhận ra rằng gã người Mỹ này đang bán bột mì trong khi miệng ra rả nói với những người đàn bà và lũ trẻ ở khu trại tỵ nạn rằng việc phân phối sẽ bị hoãn lại tận mười ngày nữa vào tháng sau. Một cơn thịnh nộ như sóng cồn ập đến, như tiếng lòng anh vang vọng khi nghĩ rằng rồi một ngày anh sẽ phải quay về từ kho chứa trắng tay, nghẹn ngào nói với vợ anh rằng họ đã hoãn phần bột của chúng ta thêm mười ngày nữa. Sự thất vọng bao phủ gương mặt sạm nâu, khắc khổ của cô mới đau đớn làm sao. Anh đã từng thấy ứ nghẹn như thể có hàng ngàn cái bướu nhồi trong cuống họng trước sự im lặng đáng sợ ấy, khi cô nhìn vào túi bột trống rỗng vắt vẻo trên vai anh như cái dây lòng thòng trên giá treo cổ. Cái nhìn ấy có nghĩa rằng họ phải chờ đợi mười ngày nữa trước khi tìm được bột mì hay bất kỳ thứ gì để ăn. Dường như Abd Al-Rahman hiểu rõ tình thế này, bởi từ lâu thằng bé đã thôi liên tục đòi ăn dẫu cho bụng đói.
Trong mỗi túp lều tại khu trại tị nạn này là bao ánh mắt chìm sâu trong cùng một nỗi thất vọng. Mỗi đứa trẻ trong khu trại này sẽ phải chờ mười ngày, chỉ để được ăn một mẩu bánh.
Và hắn chính là nguyên nhân của sự trì hoãn – Abu Sameer – hắn đứng trước mặt anh như một bóng ma đen đặc, bàn chân hắn cắm vào vũng bùn thấp thỏm trong khi đợi chờ kết cục của một cuộc giao dịch. Hắn, và gã người Mỹ mắt híp màu xanh chà hai bàn tay sạch sẽ vào nhau trước những túi bột chất đống trong khi ngoác mồm cười ha hả.
Anh không biết bằng cách nào anh đã nhấc cán cuốc cao quá đầu mình, lẫn cách mà anh bổ nó xuống đầu của Abu Sameer cùng hết sức bình sinh. Anh cũng không biết làm sao vợ anh đã xoay sở lôi anh đi khỏi cái xác của Abu Sameer trong khi anh thét vào mặt cô rằng tháng này việc phân phối bột mì sẽ không bị trì hoãn…
Anh chỉ biết rằng khi anh cuối cùng đã quay trở lại lều, ướt sũng trong bùn lầy và nước mưa, anh đã ôm chặt Abd Al-Rahman trong vòng tay, và anh nhìn vào gương mặt nhợt nhạt, vàng vọt của con trai mình…
Anh vẫn mong mỏi được nhìn thấy nụ cười của con khi nó nhìn thấy một chiếc áo mới…
Và rồi anh bắt đầu khóc…
---
(Hoài Phương dịch)
Ảnh: Một túp lều ở trại tỵ nạn được dựng nên bởi Liên Hiệp Quốc tại Khan Younis, miền nam dải Gaza. Tác giả bức ảnh Ibraheem Abu Mustafa / REUTERS
*Ghassan Kanafani là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia gạo cội trong nền văn học Palestine. Ông sinh năm 1936 tại Vùng ủy trị Palestine và gia đình ông đã rơi vào cảnh ly tán sau sự biến Nakba 1948, họ đã đến Damascus tại Syria tỵ nạn, và ông đã cầm bút lên sáng tác truyện ngắn vì muốn dạy cho những đứa trẻ tại khu trại tỵ nạn về lịch sử của dân tộc. NĂm 1972, ông khi đó chỉ mới 36 tuổi đã qua đời cùng cô cháu 17 tuổi bởi một cuộc đánh bom ám sát mà đặc vụ Mossad đã cài vào trong xe hơi ông.
Ghassan Kanafani
Vùng đất của những quả cam buồn (Ghassan Kanafani) /
"Vùng đất của những quả cam buồn"
Ghassan Kanafani
From English translation by Mona Anis, Hala Halim and Nejmeh Khalil-Habib.
-
Ngày mà chúng tôi buộc phải rời khỏi Jaffa để đi đến Acre chẳng hề có cảm giác rằng một thảm họa đang ập đến. Không khác gì những chuyến nghỉ mát hằng năm, khi cả gia đình cùng nhau đến một thành phố khác trẩy hội. Những ngày ở Acre trôi qua không có gì khác thường, đứa trẻ là tôi khi đó thậm chí còn thích thú bởi nhờ chuyến đi này mà khỏi phải đến trường… Dù sao thì vào cái đêm xảy ra trận oanh tạc nhắm vào Acre, mọi sự dần trở nên rõ ràng hơn. Một đêm kinh hoàng trôi qua giữa sự im lặng của những người đàn ông và tiếng đàn bà cầu khẩn. Lũ trẻ cùng trang lứa như tôi và cậu khi đó vẫn còn quá nhỏ để hiểu được ngọn ngành câu chuyện. Nhưng vào đêm đó những dòng chữ đang dần hiện rõ. Trời hửng sáng, trong khi bọn người Do Thái đang rời đi trong những tràng chửi rủa đầy đe dọa, tôi thấy một chiếc xe tải lớn chắn trước cửa nhà chúng ta. Những vật dụng nhẹ, chủ yếu là đồ ngủ, đang được ném vào xe tải trong vội vàng kích động.
Tôi đứng tựa lưng vào bức tường cổ kính của căn nhà và quan sát trong khi mẹ cậu trèo vào xe, sau đó là dì cậu với bọn trẻ con, rồi cha cậu vác cậu cùng những đứa em ném lên xe phía trên mớ hành lý. Rồi ông tóm lấy tôi đang đứng ở một góc, nhét tôi vào khoang hành lý bằng sắt phía trên buồng lái trông chẳng khác gì một cái lồng, và ở đó tôi thấy em trai Riad của mình đang ngồi im thin thít. Tôi chưa kịp tìm được một tư thế thoải mái thì xe đã lăn bánh. Acre dần mất dạng sau những rặng đồi khi chiếc xe leo dốc hướng về Rass El-Naqoura ở Lebanon.
Bầu trời mù mây và làn hơi lạnh lẽo ngấm dần vào thân thể. Riad lặng lẽ ngồi tựa lưng vào đống hành lý, chân gác trên thành sắt, mắt dõi nhìn xa xăm, còn tôi ngồi đối diện nó với đôi tay bó gối, mặt úp vào giữa hai bắp đùi. Những điền trang cam lùi dần sau lưng từng chút một trong khi chiếc xe hì hục leo lên một con dốc ướt… Và ở đằng xa vẳng lại tiếng súng như lời chia tay.
Rass El-Naqoura dần hiện ra ở phía xa đường chân trời giữa màn sương xanh thẫm, và chiếc xe bất chợt dừng lại. Những người đàn bà chui ra từ trong mớ hành lý, họ xuống xe rồi đi đến một quầy bán cam dọc đường. Khi họ quay lại cùng những túi cam, chúng ta có thể nghe thấy tiếng họ sụt sùi khóc. Và ở khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra những quả cam này mới thân thương làm sao, những quả ngọt to tròn, sạch sẽ này là điều gì đó đáng được trân trọng. Cha cậu bước xuống từ bên cạnh tài xế, ông cầm một quả cam trong tay, chau mày nhìn nó đầy suy tư lặng lẽ, và rồi ông bật khóc như một đứa trẻ đáng thương, bất lực.
Xe chúng ta dừng lại ở Rass El-Naqoura bên cạnh rất nhiều những chiếc xe khác trông y hệt. Những người đàn ông giao nộp vũ khí cho toán lính, vốn được đặt ngay tại đó chỉ để dành cho mục đích này. Rồi đến lượt chúng ta bước xuống. Tôi thấy bao khẩu súng ngắn và súng máy được ném lên trên một cái bàn lớn, và trải ra trước mắt tôi là hàng dài xe tải nối đuôi nhau đi đến Lebanon, bỏ lại đằng sau những nẻo đường quanh co và vùng đất của cây cam ngọt, rồi những giọt lệ đắng chát bắt đầu tuôn rơi. Mẹ cậu vẫn lặng lẽ nhìn lại rặng cây cam ở phía xa, và tất cả những cây cam cha cậu đã để lại cho lũ người Do Thái ấy sáng bừng trong mắt ông… Như thể những cái cây mà ông đã chọn mua thật cẩn thận ấy giờ đây là tấm gương phản chiếu gương mặt chính ông. Và những giọt lệ mà ông chẳng thể giấu đi trước mặt những sĩ quan tại đồn cảnh sát ấy, đang sáng lên lấp lánh.
Buổi chiều hôm đó khi chúng ta đến được Sidon, chúng ta đã trở thành những người lưu vong.
…..
Con đường nuốt chửng chúng ta như muôn vạn điều khác. Chỉ mới mấy ngày mà cha cậu trông già hẳn đi, như thể ông đã từ lâu không ngủ. Ông đứng đó bên cạnh mớ hành lý được vứt chỏng chơ bên vệ đường. Tôi biết nếu mình mở miệng nói gì đó thì ông sẽ lập tức thét vào mặt mình: “Khốn nạn! Cha mày là thằng khốn nạn!” Hai câu chửi này hiện ra rõ mồn một trên gương mặt ông. Ngay cả khi tôi đã được nuôi dạy trong một trường đạo khắt khe, thì ngay tại khoảnh khắc này tôi đã hoài nghi rằng liệu Chúa trời có thực muốn con dân của Người hạnh phúc. Tôi ngờ rằng Chúa thực ra chẳng nghe, chẳng thấy điều gì cả. Tất cả những bức tranh họa chân dung Chúa Trời thương yêu lũ trẻ với nụ cười hiền đều dối trá, cũng như bao lời nói dối khác từ những kẻ xây trường đạo nhằm thu tiền phụ phí. Tôi biết chắc rằng Chúa của chúng ta ở Palestine đã bỏ rơi vùng đất này, Người cũng đã từng là một người tỵ nạn ở đâu đó trên thế giới và chính Người cũng bất lực trước những khốn khổ của bản thân mình. Giờ đây chúng ta, những kẻ lưu vong đang ngồi bên vệ đường đợi chờ một số phận mới mở ra, giúp ta tìm một giải pháp. Chính chúng ta phải tự tìm lời giải cho điều này. Chúng ta phải tự đi tìm một mái nhà để dung thân. Nỗi đau này đã rơi vào đầu một bé trai ngây thơ như vậy đấy.
Buổi tối là thời gian kinh khủng nhất khi đêm buông rơi từng chút, từng chút một. Tôi rất sợ… khi nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua đêm dài bên vệ đường trong khi linh hồn đầy ứ những cơn ác mộng kinh hoàng. Chẳng có ai ủi an và tôi không còn một ai để chạy đến. Sự im lặng như đá tảng của cha cậu càng khiến tôi sợ hãi nhiều hơn, và những quả cam trong bàn tay mẹ cậu như ngọn lửa thiêu đốt lồng ngực tôi. Ai cũng im lặng trong khi dõi mắt nhìn vào con đường tối tăm mịt mù, mong rằng một giải pháp sẽ xuất hiện từ đâu đó từ trong góc nhỏ đằng kia rồi đưa tất cả chúng ta đến một nơi nào đó an toàn. Và rồi số phận đã đến, trong hình hài người chú của cậu, người vừa đến thị trấn vài ngày trước đó. Ông ấy chính là số phận của chúng ta.
Chú của cậu vốn chẳng phải là người đàn ông tử tế gì cho cam, và khi ông nhận thấy mình đang vất vưởng bên vệ đường thì bản tính càng trở nên man rợ. Ông đi đến ngôi nhà của một gia đình Do Thái, đạp tung cửa rồi ném đồ đạc trong nhà tứ tung trong khi thét vào mặt họ: “Cút đến Palestine ngay!” Chắc chắn họ đã không đi đến Palestine, nhưng vì quá hoảng sợ trước cơn thịnh nộ của người đàn ông lạ mặt nên họ đã lánh đến một phòng khác, chừa lại căn phòng chỉ còn lại mỗi sàn và mái nhà cho chú ấy.
Chú cậu dẫn cả gia đình ta đông đúc cùng thêm một đống hành lý vào căn phòng. Chúng ta qua đêm trên sàn nhà, đắp chăn bằng áo choàng của những người lớn. Vào buổi sáng khi thức dậy, những người đàn ông vẫn còn ngồi trên ghế. Và rồi thảm kịch bắt đầu ngấm vào thân thể chúng ta… tất cả chúng ta.
Chúng ta không lưu lại Sidon quá lâu, chỉ ba ngày. Phòng của chú cậu khá nhỏ và chẳng đủ cho thậm chí một nửa chúng ta. Mẹ cậu hỏi cha cậu rằng liệu ông có thể tìm được việc mới, nếu không thì chúng ta có thể quay lại vườn cam… Cha cậu nổi điên lên rồi ông thét vào mặt bà, giọng ông run lên trong giận dữ. Những rắc rối gia đình bắt đầu từ đây. Mối dây bền chặt của một đại gia đình hạnh phúc mà chúng ta từng có giờ đã ở lại sau lưng, cùng với những rặng cây cam, ngôi nhà cũ, và những người tử đạo đã ngã xuống.
Tôi không biết cha cậu đã lấy tiền từ đâu. Tôi biết ông đã bán hết trang sức của mẹ cậu, những món đồ ông từng mua tặng bà để khiến bà vui và tự hào về chồng của mình. Nhưng ngay cả mớ trang sức ấy cũng chẳng đủ để giải quyết vấn đề của chúng ta, ta cần nhiều hơn thế nữa. Liệu cha cậu có vay tiền không? Hay là ông đã bán đi vài món tư trang mà không cho chúng ta biết. Tôi cũng chẳng rõ. Tôi chỉ nhớ rằng chúng ta đã chuyển đến một vùng ngoại ô nào đó ở Sidon, nơi cha cậu ngồi xuống nhoẻn miệng cười lần đầu tiên. Ông đang đợi ngày 15 tháng Năm khi ông có thể trở về nhà cùng đoàn quân chiến thắng.
Ngày 15 tháng Năm đến sau một khoảng thời gian cay đắng. Chính xác lúc mười hai giờ đêm, khi tôi vẫn còn đang ngủ say thì ông đá vào tôi, hồ hởi nói với chất giọng vang rền như sấm: Dậy, dậy mau, đi xem quân đoàn Ả Rập đang tiến vào Palestine kìa. Tôi hối hả thức dậy và chạy như bay trên đôi chân trần xuyên qua ngọn đồi giữa đêm khuya cho đến khi đến được đường chính cách làng chính xác một kilometre. Tất cả lũ chúng ta, từ già đến bé ai nấy chạy hộc tốc như một lũ ngốc, về phía đến ánh đèn xe hơi rọi trên con đường hướng đến Rass El-Naqoura .
Đến được đường chính thì ai cũng mệt và thấm lạnh, nhưng tiếng hét điên cuồng của cha cậu khiến mọi người quên hết tất thảy. Ông đuổi theo đoàn xe như một đứa trẻ, tay vẫy không ngừng. Ông gào cho đến khi khản giọng và hết cả hơi, nhưng ông vẫn tiếp tục chạy theo sau đoàn xe như một đứa trẻ. Chúng ta chạy theo ông, thét lên như ông, trong khi những người lính đáng ngưỡng mộ kia dõi đôi mắt lấp ló dưới chiếc mũ nhìn chúng ta trong sự im lặng cứng nhắc. Ai cũng hết cả hơi, nhưng cha cậu dẫu đã hơn 50 tuổi rồi thì vẫn tiếp tục chạy. Ông ném thuốc lá lên xe cho những chiến binh. Ông tiếp tục đuổi theo, và chúng ta cũng chạy theo ông như một bầy dê nhỏ.
Đoàn xe đột ngột biến mất rồi chúng ta quay trở về nhà, mệt lử và chẳng còn hơi sức. Cha cậu chẳng nói lời nào, hoàn toàn im lặng. Khi một chiếc xe lướt ngang và nhá đèn xe vào ông, tôi thấy hai gò má của ông đầm đìa nước mắt.
Sau tối đó, cuộc sống trôi qua chậm rãi. Chúng ta đã bị đánh lừa bởi những lời tuyên bố và bởi sự thật đắng cay. Tuyệt vọng bắt đầu xâm chiếm gương mặt tất cả chúng ta. Cha cậu cảm thấy thật khó khăn để nói về Palestine, những tháng ngày hạnh phúc ở điền trang cam ngày xưa, hay căn nhà ông từng có.
Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Ngay cả chuyện vặt vãnh cũng đủ khiến cha cậu nổi cơn tam bành. Rồi một ngày, khi một đứa trong chúng ta hỏi xin ông cái gì đó, ông đã nhảy dựng lên như thể bị điện giật rồi soi vào từng đứa. Một ý tưởng đáng nguyền rủa bất thần nảy sinh trong đầu ông. Ông đột ngột đứng dậy, như thể vừa tìm ra giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông vừa cảm thấy rằng bản thân đủ mạnh mẽ để đặt dấu chấm hết cho thảm kịch này, vừa cảm thấy kinh hoàng vì những điều ông sắp tiến hành đây thật thảm khốc, ông bắt đầu lắp bắp nói những điều vô nghĩa. Ông đi sang trái rồi lại sang phải, như thể đang tìm một thứ mà không ai trong chúng ta có thể nhìn thấy. Rồi ông nhảy lên một chiếc hộp mà chúng ta đã mang đến từ Acre sau khi vứt hết mọi thứ trong đó ra trong kinh động hối hả. Mẹ cậu dường như hiểu được điều gì đang xảy ra, có lẽ đó là cái ta gọi là bản năng của người mẹ chăng, bà vội đẩy cả lũ chúng ta khỏi nhà và nói rằng chúng ta phải chạy ngay lên đồi.
Chúng ta đã không làm theo ý bà, thay vì chạy đi thì chúng ta dí mặt vào cánh cửa, căng tai ra dán chặt vào những thớ gỗ rồi lắng nghe trong kinh sợ. Chúng ta nghe thấy cha cậu lẩm bẩm rằng: Tôi sẽ giết hết chúng nó, rồi tôi sẽ tự sát. Tôi muốn chấm dứt cảnh này… Tôi muốn chấm dứt… Tôi muốn…
Qua khe cửa nhỏ, chúng ta nhìn thấy cha cậu dạng chân đứng trên sàn nhà, ông thở dốc, hàm răng nghiến chặt. Đối diện là mẹ cậu đứng ở bên kia căn phòng và bà đang nhìn ông với vẻ mặt kinh hoàng.
Lúc đầu tôi không hiểu đầu đuôi chuyện gì đang xảy ra. Nhưng tôi nhớ rõ khoảnh khắc vừa nhìn thấy khẩu súng ngắn giắt bên mạn sườn ông, tôi lập tức co chân chạy, như thể đang trốn khỏi một bóng ma thình lình xuất hiện. Tôi chạy khỏi nhà hướng đến ngọn đồi, và càng chạy xa tôi càng cảm thấy tuổi thơ mình ngày càng mất dạng. Tôi bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời chúng ta sẽ không bao giờ còn như trước nữa: chẳng còn đơn giản như xưa, và cuộc sống giờ đây không còn là điều mà ngày ngày chúng ta phấn khởi chờ đợi. Tình thế đã tới bước đường cùng khi nhát súng vào đầu là điều duy nhất một người cha có thể làm cho các con ông. Nên từ bây giờ chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta phải biết điều, phải im lặng khi cha bắt đầu kể lể về những vấn đề của ông. Chúng ta sẽ không nài nỉ đòi ăn dẫu cho bụng kêu lên vì đói, và chúng ta sẽ tuyệt đối vâng lời, nhoẻn miệng cười với cái gật đầu khi ông quát lên: “Đi lên đồi chơi đi và đừng có quay lại đây trước buổi trưa đấy!”
Đêm đó cha cậu run lên vì sốt, một khoảng thời gian đã trôi qua từ khi bóng tối bủa vây khắp căn nhà. Mẹ cậu ngồi bên cạnh ông. Đôi mắt chúng ta ánh lên như mắt mèo giữa bóng đêm. Đôi môi chúng ta khép chặt như chiếc rương chưa từng được mở, như thể chúng là tàn tích của một vết thương xưa cũ.
Chúng ta chất đống trong một góc xó, xa khỏi tuổi thơ, xa khỏi vùng đất của những cây cam ngọt… những quả cam ngọt đã chết vì được tưới tắm bởi bàn tay kẻ lạ, như lời một người nông dân già từng kể cho chúng ta nghe. Cha cậu vẫn ốm liệt giường, còn mẹ cậu thì gặm nhấm những giọt lệ chảy tràn, những giọt lệ sẽ ở đó trong đôi mắt bà mãi mãi. Chúng ta mò vào phòng như những kẻ thất lạc. Tôi nhác thấy gương mặt cha cậu run rẩy trong căm giận vỡ nát, và cùng lúc đó tôi cũng thấy, khẩu súng ngắn màu đen trên chiếc bàn thấp, cạnh nó là một quả cam.
Một quả cam nhăn nhúm, khô kiệt, héo tàn…
——
(Hoài Phương dịch)
Nguyên tác lần đầu được tăng tải trên Tuần báo Al-Ahram nhân dịp tưởng niệm 50 năm xảy ra Al-Nakba, thảm họa xảy đến với người Palestine khi Israel lập quốc vào ngày 15 tháng 5, 1948. Truyện ngắn này được xuất bản vào năm 1998, thuộc tuyển tập những bài viết ghi lại lịch sử giao tranh giữa cộng đồng Ả Rập và Israel, cũng như những mất mát người Palestine đã đi qua trong thân phận lưu vong.
Trong truyện có đề cập đến tình tiết binh đoàn Ả Rập tiến đến Palestine. Đây là một nhóm quân đội Ả Rập từ những nước lân cận đi đến để bảo vệ Palestine và người dân của họ trước quân đội Israel Hagana Militias. Họ là niềm hy vọng của bao người Palestine, tuy nhiên, họ đã bị đánh bại và Israel chính thức lập quốc.
Ảnh: Một doanh nghiệp gia đình đang đóng gói cam của nông trại họ tại Jaffa, Palestine, năm 1907, Nguồn từ Bibliothèque nationale de France.
"THƯ GỬI TỪ GAZA" (Ghassan Kanafani ) /
Truyện ngắn
"THƯ GỬI TỪ GAZA" (1955)
Ghassan Kanafani (1936 - 1972)
Truyện ngắn được dịch và phát hành trong "The 1936-39 Revolt in Palestine" bởi Tricontinental Society of London vào năm 1980
-
Mustafa thân mến,
Tôi đã nhận được thư cùng lời ngỏ rằng cậu đã làm tất cả thủ tục cần thiết để chào đón tôi tại Sacramento. Tôi cũng vừa hay tin rằng tôi đã được nhận vào khoa Kỹ thuật dân dụng của Đại học California. Cảm ơn cậu nhiều lắm, bạn thân quý của tôi. Và hẳn cậu sẽ cảm thấy khó hiểu khi tôi thông báo tin này – và đừng nghi ngờ, vì tôi hoàn toàn không do dự, thậm chí tôi khẳng định rằng mình chưa từng nhìn thấy mọi thứ sáng rõ như bây giờ. Không đâu, bạn yêu quý, tôi đã đổi ý. Tôi sẽ không đi cùng cậu đến “vùng đất tràn ngập sắc xanh, với dòng nước sạch và những gương mặt đáng mến.” Đúng vậy, tôi sẽ ở lại đây, và tôi sẽ không bao giờ rời đi.
Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc vì cuộc đời chúng ta từ nay rẽ hướng, Mustafa à. Tôi dường như nghe thấy lời cậu nhắc nhở về cái thời chúng ta từng thề thốt rằng sẽ luôn đi cùng nhau, hai đứa trẻ gào lên rằng: “Chúng ta sẽ giàu!” Nhưng tôi không thể làm gì khác. Vâng, tôi vẫn nhớ ngày đó ở sân bay Cairo, tôi đứng đó nắm chặt tay cậu, mắt dán chặt vào những động cơ ngoài kia đang chạy điên cuồng. Vào khoảnh khắc khi mọi thứ như bị cuốn vào vòng xoay của thời gian và cái động cơ gầm rú inh tai nhức óc đó, cậu đứng đó, gương mặt bầu bĩnh chỉ còn lại im lặng.
Gương mặt cậu vẫn không đổi thay gì từ hồi bé, từ cái thời ta lớn lên ở quận Shajiya ở Gaza, chỉ điểm thêm vài nếp nhăn mờ nhạt. Chúng ta đã lớn lên cùng nhau, hiểu nhau quá rõ và từng hứa hẹn sẽ cùng nhau đi đến tận cùng. Nhưng..
“Chỉ còn mười lăm phút nữa máy bay cất cánh. Đừng nhìn trời nhìn đất như thế. Nghe này! Năm sau, cậu phải đi Kuwait, dành dụm từng đồng lương cho đến khi đủ để bứng gốc cậu khỏi Gaza và chuyển đến California. Ta đã khởi hành cùng nhau, nên ta phải cùng nhau đi tiếp… “
Lúc đó mắt tôi chỉ thấy đôi môi cậu di chuyển không ngừng. Đó là cách cậu đối thoại, chẳng có dấu phẩy, dấu chấm gì cả. Nhưng tôi mơ hồ nhận thấy cậu không hoàn toàn hạnh phúc với chuyến bay. Vì cậu không thể đưa ra ba lí do khả quan cho điều đó. Chính tôi cũng đã chịu giày vò, khổ sở làm sao, nhưng suy nghĩ rõ ràng nhất trong đầu tôi là đây: Sao chúng ta không từ bỏ Gaza rồi trốn chạy? Vì sao? Dù sao hoàn cảnh của cậu giờ đã khá hơn đúng không. Bộ giáo dục ở Kuwait đã ký với cậu một bản hợp đồng trong khi tôi thì không. Giữa những tháng ngày cực khổ ở đây, đôi khi tôi nhận được khoản tiền nhỏ cậu gửi cho. Cậu muốn tôi xem nó như một khoản vay, vì sợ rằng tôi sẽ thấy bị xúc phạm. Cậu biết hoàn cảnh gia đình tôi; cậu biết rằng khoản lương còm cõi của tôi tại trường UNRWA không đủ để nuôi mẹ tôi, vợ góa của anh tôi cùng bốn đứa cháu.
“Nghe cho rõ này. Hãy viết cho tôi hằng ngày… hằng giờ… mỗi phút! Máy bay sắp cất cánh rồi. Tạm biệt! Mà không, ta sẽ gặp lại nhau!”
Làn môi lạnh của cậu áp vào má tôi, cậu quay mặt đi hướng về phía máy bay, và khi cậu ngoái đầu nhìn lại, tôi có thể thấy những giọt nước mắt ngân ngấn.
Bộ giáo dục Kuwait đã ký hợp đồng với tôi sau đó. Có lẽ không cần thiết kể lại tỉ mỉ rằng tôi đã sống ra sao. Tôi đã luôn viết thư kể cho cậu nghe mọi thứ. Cuộc đời tôi ở đó cảm giác như keo hồ, trống rỗng như một con hàu nhỏ, lạc lối giữa nỗi cô đơn đè nén, chậm chạp vật lộn với một tương lai mịt mù như khởi đầu của màn đêm, tôi mắc kẹt trong những thói quen sa đọa, trong một trận chiến buồn nôn với thời gian. Mọi thứ đều nóng nực nhớp nháp. Và cả cuộc đời tôi đã luôn trơn nhẫy như vậy, tôi đếm từng ngày đợi chờ một tháng đi qua.
Vào khoảng giữa năm đó, người Do Thái dội bom xuống quận trung tâm Dabha và tấn công Gaza, Gaza của chúng ta, với pháo kích và súng phun lửa. Sự kiện đó chắc hẳn đã thay đổi một chút thói quen của tôi, nhưng ngoài ra không có gì đáng để tâm; Vì tôi đã chuẩn bị rời khỏi Gaza, tôi sẽ đi đến California nơi tôi sẽ sống cho chính mình, cho cái tôi đã chịu đựng khổ cực quá lâu rồi. Tôi ghét Gaza và con người nơi đây. Mọi thứ trong cái thị trấn què cụt này gợi tôi nhớ một bức tranh vẽ người đàn ông bệnh tật chỉ toàn màu xám. Dĩ nhiên, tôi sẽ gửi một khoản tiền khiêm tốn cho mẹ tôi, người vợ góa của anh tôi và các con của cô ấy, để giúp họ xoay sở đời sống, nhưng tôi sẽ giải phóng chính mình khỏi mối dây ràng buộc cuối cùng này khi đặt chân đến California xanh mướt, xa khỏi những thất bại bốc mùi đầy ứ trong sống mũi suốt bảy năm qua. Sự cảm thông trói buộc tôi với các cháu của mình, với mẹ của chúng và mẹ của chính tôi sẽ không bao giờ đủ để biện hộ cho tấn bi kịch này khi tôi lao mình xuống con dốc đứng. Nó không thể kéo tôi xuống sâu hơn nữa. Tôi phải chạy trốn!
Cậu biết những cảm xúc này, đúng không Mustafa? Vì cậu thực sự đã đi qua chúng. Sự liên kết mù mờ ta có với Gaza là gì, làm sao nó có thể khiến bao quyết tâm chạy trốn lu mờ đi? Tại sao chưa ai từng phân tích rõ ràng vấn đề này để tìm cho nó một ý nghĩa? Tại sao chúng ta không bỏ những thất bại đầy thương tích này lại sau lưng, rồi hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, nơi ta có thể tìm được những sự ủi an sâu sắc? Tại sao? Chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ…
Hồi tháng sáu, khi tôi về nhà nghỉ mát để sắp xếp hết tất cả tư trang, khao khát đợi chờ chuyến khởi hành ngọt ngào, một khởi đầu hướng về những điều bé nhỏ nhưng có thể mang lại ý nghĩa đẹp đẽ và tươi sáng cho cuộc đời, tôi chợt tìm thấy Gaza, một Gaza mà mình đã luôn thân thuộc hiểu rõ. Nó khép chặt như một con ốc nhỏ hoen gỉ mà sóng biển phun ra trên bờ cát ẩm ướt trải dài bên cạnh một lò mổ. Gaza bí bách hơn cả tâm trí một người ngủ say đang giãy dụa trong cơn ác mộng kinh hoàng, với những con hẻm nhỏ, chi chít ban công lồi lõm chìa ra… một Gaza như vậy đấy! Vậy mà căn nguyên không tên nào đã dẫn lối cho một người quay lại bên gia đình, bên mái nhà của anh ta, về lại bên những ký ức của anh ta như cách dòng suối dẫn đường cho đàn dê núi? Tôi không hiểu nổi. Tôi chỉ biết rằng sáng hôm đó tôi đến thăm nhà mẹ. Và khi tôi đến nơi thì chị dâu, vợ của người anh đã mất ra tiếp đón tôi giàn giụa nước mắt. Chị hỏi tôi rằng liệu đêm nay tôi có thể đáp ứng nguyện vọng của Nadia – cô con gái đang bị thương của chị không? Hãy đến thăm nó tại bệnh viện Gaza nơi nó đang điều trị. Cậu còn nhớ Nadia không, đứa con gái mười ba tuổi xinh xắn vô cùng của anh trai tôi?
Tối đó tôi mua nửa kí táo rồi đi tới bệnh viện thăm Nadia. Tôi biết rằng mẹ tôi và chị dâu tôi đang giấu diếm cái gì đó, một điều mà họ không dám nói ra thành lời, một điều gì đó khác thường mà tôi không thể nắm bắt. Tôi thương Nadia như một thói quen, cùng một thói quen khiến tôi thương yêu cả thế hệ được nuôi nấng từ thất bại và sự di dời, tới mức một người sẽ cho rằng một cuộc đời hạnh phúc là điều gì đó biến chất, tội lỗi.
Cái gì đã xảy ra khi đó? Tôi không rõ. Tôi bước vào trong căn phòng trắng một cách bình thản. Những đứa trẻ đau bệnh mang trong mình điều gì đó thánh thiện làm sao, càng nhiều hơn khi chúng hứng chịu một vết thương tàn nhẫn, ghê gớm. Nadia nằm trên giường, tựa lưng vào một chiếc gối lớn, mái tóc xõa ra như tấm thảm dày. Đôi mắt to rộng của con bé chất chứa sự im lặng sâu thẳm và dường như dưới đáy đồng tử đen láy ấy lấp lánh giọt nước mắt. Gương mặt con bé bình thản, tĩnh lặng nhưng đầy biểu cảm, như một ngôn sứ bị đày đọa. Nadia chỉ là một đứa trẻ, nhưng lại có vẻ không đơn thuần là một đứa trẻ nữa, trông con bé già hơn nhiều.
“Nadia!”
Tôi không chắc liệu có phải mình là người vừa mở lời không hay là ai đó sau lưng. Nhưng con bé hướng mắt lên nhìn tôi, và tôi thấy mình tan chảy như một mẩu đường rơi tõm vào trong tách trà nóng.
Tôi nghe thấy giọng cô bé tuôn ra từ nụ cười khe khẽ. “Chú! Chú vừa đến từ Kuwait phải không?”
Giọng con bé vỡ ra trong cuống họng, nó chống tay gượng mình ngồi dậy và xoay cổ hướng về phía tôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh và vỗ lưng con bé.
“Nadia! Chú có mua quà cho con từ Kuwait đây, nhiều quà lắm. Chú sẽ đợi đến khi con hoàn toàn bình phục và có thể rời khỏi giường, rồi con sẽ đến nhà chú chơi và nhận quà nhé. Chú có mua cho con cái quần màu đỏ mà con từng viết thư hỏi chú. Chú mua cho con rồi đấy.”
Đó là một lời nói dối sinh ra từ sự căng thẳng, nhưng khi những lời đó thốt ra tôi cảm tưởng như rằng đây là lần đầu tiên mình nói thật. Nadia run rẩy như thể bị điện giật, con bé cúi đầu trong lặng câm đáng sợ. Tôi có thể cảm thấy nước mắt con bé rơi ướt đẫm lòng bàn tay.
“Nói gì đi, Nadia! Con không muốn cái quần màu đỏ đó nữa sao?” Con bé ngước mắt nhìn tôi và cố gắng mở miệng nói điều gì đó, nhưng không được, nó nghiến chặt răng rồi tôi nghe thấy tiếng nói của con bé vọng về như thể từ cõi xa xăm.
“Chú ơi!”
Bạn tôi ơi… Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cẳng chân của Nadia, bị cắt cụt đến háng. Không bao giờ! Tôi cũng sẽ không thể quên được nỗi đau đã khắc sâu trên gương mặt con bé, vĩnh viễn trở thành một phần của nó. Tôi rời khỏi bệnh viện Gaza, bàn tay vo lấy tờ hai bảng vốn là món quà nhỏ cho Nadia mà giờ đây trông lố bịch làm sao, chẳng khác gì một sự nhạo báng. Mặt trời rực cháy đổ xuống phố phường sắc màu của máu. Và Gaza trải ra trước mắt tôi thật khác lạ, Mustafa à! Chúng ta chưa từng thấy dáng vẻ này. Những hòn đá chất đầy ở trước khu Shajiya nơi ta từng sống mang trong mình ý nghĩa, và dường như chúng được đặt xuống ngay tại đây không vì lí do nào hơn mà để giải thích cho chính điều đó. Gaza mà chúng ta từng sống, nơi có những con người tốt lành thiện lương mà suốt bảy năm thất bại ê chề ấy giờ đây thật mới mẻ. Tôi cảm thấy rằng đây chỉ là khởi đầu. Tôi cũng không rõ vì sao thâm tâm tôi bật ra suy nghĩ đó. Tôi tưởng tượng rằng đại lộ mà tôi đang rảo bước về nhà chỉ là khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến Safad. Mọi thứ ở Gaza quặn đau trong một nỗi buồn không bị giới hạn chỉ bao hàm trong giọt nước mắt. Đây là một thử thách, thậm chí hơn thế nữa, như thể ta khao khát khôi phục lại cẳng chân đã bị cắt rời!
Tôi dấn bước vào những con đường của Gaza chói lòa ánh nắng. Họ kể lại rằng Nadia đã mất đi cẳng chân của mình khi con bé lao đến bảo bọc những đứa em, cố gắng bảo vệ chúng khi bom rơi và lửa dữ tràn vào nhà như những chiếc móng vuốt của ác thú giương ra. Nadia đã có thể tự cứu chính mình, con bé có thể bỏ chạy để giữ lại cẳng chân, nhưng nó đã không làm như thế.
Không đâu, bạn tôi ơi, tôi sẽ không đến Sacramento, và tôi sẽ không hối hận. Và tôi cũng không thể kết thúc những gì ta đã bắt đầu cùng nhau thời niên thiếu. Cảm giác không tên bé nhỏ mà cậu đã bỏ lại ở Gaza đó cần phải lớn lên cho đến khi trong lòng cậu có một gã khổng lồ. Nó phải trải rộng, và cậu phải đi tìm nó giữa đống gạch vụn của thất bại ê chề này nếu như cậu khao khát tìm thấy chính mình.
Tôi sẽ không đến bên cậu. Nhưng cậu có thể quay lại đây! Về đi, về để học những điều mới từ cẳng chân bị cắt cụt đến háng của Nadia, để hiểu được sự sống, và cái giá của sự tồn tại.
Hãy về đây, người bạn yêu quý của tôi! Tất cả chúng tôi đang đợi.
---
(Hoài Phương dịch)