"THƯ GỬI TỪ GAZA" (Ghassan Kanafani ) / by Phuong Nguyen

Truyện ngắn

"THƯ GỬI TỪ GAZA" (1955)

Ghassan Kanafani (1936 - 1972)

Truyện ngắn được dịch và phát hành trong "The 1936-39 Revolt in Palestine" bởi Tricontinental Society of London vào năm 1980

-

Mustafa thân mến,

Tôi đã nhận được thư cùng lời ngỏ rằng cậu đã làm tất cả thủ tục cần thiết để chào đón tôi tại Sacramento. Tôi cũng vừa hay tin rằng tôi đã được nhận vào khoa Kỹ thuật dân dụng của Đại học California. Cảm ơn cậu nhiều lắm, bạn thân quý của tôi. Và hẳn cậu sẽ cảm thấy khó hiểu khi tôi thông báo tin này – và đừng nghi ngờ, vì tôi hoàn toàn không do dự, thậm chí tôi khẳng định rằng mình chưa từng nhìn thấy mọi thứ sáng rõ như bây giờ. Không đâu, bạn yêu quý, tôi đã đổi ý. Tôi sẽ không đi cùng cậu đến “vùng đất tràn ngập sắc xanh, với dòng nước sạch và những gương mặt đáng mến.” Đúng vậy, tôi sẽ ở lại đây, và tôi sẽ không bao giờ rời đi.

Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc vì cuộc đời chúng ta từ nay rẽ hướng, Mustafa à. Tôi dường như nghe thấy lời cậu nhắc nhở về cái thời chúng ta từng thề thốt rằng sẽ luôn đi cùng nhau, hai đứa trẻ gào lên rằng: “Chúng ta sẽ giàu!” Nhưng tôi không thể làm gì khác. Vâng, tôi vẫn nhớ ngày đó ở sân bay Cairo, tôi đứng đó nắm chặt tay cậu, mắt dán chặt vào những động cơ ngoài kia đang chạy điên cuồng. Vào khoảnh khắc khi mọi thứ như bị cuốn vào vòng xoay của thời gian và cái động cơ gầm rú inh tai nhức óc đó, cậu đứng đó, gương mặt bầu bĩnh chỉ còn lại im lặng.

Gương mặt cậu vẫn không đổi thay gì từ hồi bé, từ cái thời ta lớn lên ở quận Shajiya ở Gaza, chỉ điểm thêm vài nếp nhăn mờ nhạt. Chúng ta đã lớn lên cùng nhau, hiểu nhau quá rõ và từng hứa hẹn sẽ cùng nhau đi đến tận cùng. Nhưng..

“Chỉ còn mười lăm phút nữa máy bay cất cánh. Đừng nhìn trời nhìn đất như thế. Nghe này! Năm sau, cậu phải đi Kuwait, dành dụm từng đồng lương cho đến khi đủ để bứng gốc cậu khỏi Gaza và chuyển đến California. Ta đã khởi hành cùng nhau, nên ta phải cùng nhau đi tiếp… “

Lúc đó mắt tôi chỉ thấy đôi môi cậu di chuyển không ngừng. Đó là cách cậu đối thoại, chẳng có dấu phẩy, dấu chấm gì cả. Nhưng tôi mơ hồ nhận thấy cậu không hoàn toàn hạnh phúc với chuyến bay. Vì cậu không thể đưa ra ba lí do khả quan cho điều đó. Chính tôi cũng đã chịu giày vò, khổ sở làm sao, nhưng suy nghĩ rõ ràng nhất trong đầu tôi là đây: Sao chúng ta không từ bỏ Gaza rồi trốn chạy? Vì sao? Dù sao hoàn cảnh của cậu giờ đã khá hơn đúng không. Bộ giáo dục ở Kuwait đã ký với cậu một bản hợp đồng trong khi tôi thì không. Giữa những tháng ngày cực khổ ở đây, đôi khi tôi nhận được khoản tiền nhỏ cậu gửi cho. Cậu muốn tôi xem nó như một khoản vay, vì sợ rằng tôi sẽ thấy bị xúc phạm. Cậu biết hoàn cảnh gia đình tôi; cậu biết rằng khoản lương còm cõi của tôi tại trường UNRWA không đủ để nuôi mẹ tôi, vợ góa của anh tôi cùng bốn đứa cháu.

“Nghe cho rõ này. Hãy viết cho tôi hằng ngày… hằng giờ… mỗi phút! Máy bay sắp cất cánh rồi. Tạm biệt! Mà không, ta sẽ gặp lại nhau!”

Làn môi lạnh của cậu áp vào má tôi, cậu quay mặt đi hướng về phía máy bay, và khi cậu ngoái đầu nhìn lại, tôi có thể thấy những giọt nước mắt ngân ngấn.

Bộ giáo dục Kuwait đã ký hợp đồng với tôi sau đó. Có lẽ không cần thiết kể lại tỉ mỉ rằng tôi đã sống ra sao. Tôi đã luôn viết thư kể cho cậu nghe mọi thứ. Cuộc đời tôi ở đó cảm giác như keo hồ, trống rỗng như một con hàu nhỏ, lạc lối giữa nỗi cô đơn đè nén, chậm chạp vật lộn với một tương lai mịt mù như khởi đầu của màn đêm, tôi mắc kẹt trong những thói quen sa đọa, trong một trận chiến buồn nôn với thời gian. Mọi thứ đều nóng nực nhớp nháp. Và cả cuộc đời tôi đã luôn trơn nhẫy như vậy, tôi đếm từng ngày đợi chờ một tháng đi qua.

Vào khoảng giữa năm đó, người Do Thái dội bom xuống quận trung tâm Dabha và tấn công Gaza, Gaza của chúng ta, với pháo kích và súng phun lửa. Sự kiện đó chắc hẳn đã thay đổi một chút thói quen của tôi, nhưng ngoài ra không có gì đáng để tâm; Vì tôi đã chuẩn bị rời khỏi Gaza, tôi sẽ đi đến California nơi tôi sẽ sống cho chính mình, cho cái tôi đã chịu đựng khổ cực quá lâu rồi. Tôi ghét Gaza và con người nơi đây. Mọi thứ trong cái thị trấn què cụt này gợi tôi nhớ một bức tranh vẽ người đàn ông bệnh tật chỉ toàn màu xám. Dĩ nhiên, tôi sẽ gửi một khoản tiền khiêm tốn cho mẹ tôi, người vợ góa của anh tôi và các con của cô ấy, để giúp họ xoay sở đời sống, nhưng tôi sẽ giải phóng chính mình khỏi mối dây ràng buộc cuối cùng này khi đặt chân đến California xanh mướt, xa khỏi những thất bại bốc mùi đầy ứ trong sống mũi suốt bảy năm qua. Sự cảm thông trói buộc tôi với các cháu của mình, với mẹ của chúng và mẹ của chính tôi sẽ không bao giờ đủ để biện hộ cho tấn bi kịch này khi tôi lao mình xuống con dốc đứng. Nó không thể kéo tôi xuống sâu hơn nữa. Tôi phải chạy trốn!

Cậu biết những cảm xúc này, đúng không Mustafa? Vì cậu thực sự đã đi qua chúng. Sự liên kết mù mờ ta có với Gaza là gì, làm sao nó có thể khiến bao quyết tâm chạy trốn lu mờ đi? Tại sao chưa ai từng phân tích rõ ràng vấn đề này để tìm cho nó một ý nghĩa? Tại sao chúng ta không bỏ những thất bại đầy thương tích này lại sau lưng, rồi hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, nơi ta có thể tìm được những sự ủi an sâu sắc? Tại sao? Chúng ta không hoàn toàn hiểu rõ…

Hồi tháng sáu, khi tôi về nhà nghỉ mát để sắp xếp hết tất cả tư trang, khao khát đợi chờ chuyến khởi hành ngọt ngào, một khởi đầu hướng về những điều bé nhỏ nhưng có thể mang lại ý nghĩa đẹp đẽ và tươi sáng cho cuộc đời, tôi chợt tìm thấy Gaza, một Gaza mà mình đã luôn thân thuộc hiểu rõ. Nó khép chặt như một con ốc nhỏ hoen gỉ mà sóng biển phun ra trên bờ cát ẩm ướt trải dài bên cạnh một lò mổ. Gaza bí bách hơn cả tâm trí một người ngủ say đang giãy dụa trong cơn ác mộng kinh hoàng, với những con hẻm nhỏ, chi chít ban công lồi lõm chìa ra… một Gaza như vậy đấy! Vậy mà căn nguyên không tên nào đã dẫn lối cho một người quay lại bên gia đình, bên mái nhà của anh ta, về lại bên những ký ức của anh ta như cách dòng suối dẫn đường cho đàn dê núi? Tôi không hiểu nổi. Tôi chỉ biết rằng sáng hôm đó tôi đến thăm nhà mẹ. Và khi tôi đến nơi thì chị dâu, vợ của người anh đã mất ra tiếp đón tôi giàn giụa nước mắt. Chị hỏi tôi rằng liệu đêm nay tôi có thể đáp ứng nguyện vọng của Nadia – cô con gái đang bị thương của chị không? Hãy đến thăm nó tại bệnh viện Gaza nơi nó đang điều trị. Cậu còn nhớ Nadia không, đứa con gái mười ba tuổi xinh xắn vô cùng của anh trai tôi?

Tối đó tôi mua nửa kí táo rồi đi tới bệnh viện thăm Nadia. Tôi biết rằng mẹ tôi và chị dâu tôi đang giấu diếm cái gì đó, một điều mà họ không dám nói ra thành lời, một điều gì đó khác thường mà tôi không thể nắm bắt. Tôi thương Nadia như một thói quen, cùng một thói quen khiến tôi thương yêu cả thế hệ được nuôi nấng từ thất bại và sự di dời, tới mức một người sẽ cho rằng một cuộc đời hạnh phúc là điều gì đó biến chất, tội lỗi.

Cái gì đã xảy ra khi đó? Tôi không rõ. Tôi bước vào trong căn phòng trắng một cách bình thản. Những đứa trẻ đau bệnh mang trong mình điều gì đó thánh thiện làm sao, càng nhiều hơn khi chúng hứng chịu một vết thương tàn nhẫn, ghê gớm. Nadia nằm trên giường, tựa lưng vào một chiếc gối lớn, mái tóc xõa ra như tấm thảm dày. Đôi mắt to rộng của con bé chất chứa sự im lặng sâu thẳm và dường như dưới đáy đồng tử đen láy ấy lấp lánh giọt nước mắt. Gương mặt con bé bình thản, tĩnh lặng nhưng đầy biểu cảm, như một ngôn sứ bị đày đọa. Nadia chỉ là một đứa trẻ, nhưng lại có vẻ không đơn thuần là một đứa trẻ nữa, trông con bé già hơn nhiều.

“Nadia!”

Tôi không chắc liệu có phải mình là người vừa mở lời không hay là ai đó sau lưng. Nhưng con bé hướng mắt lên nhìn tôi, và tôi thấy mình tan chảy như một mẩu đường rơi tõm vào trong tách trà nóng.

Tôi nghe thấy giọng cô bé tuôn ra từ nụ cười khe khẽ. “Chú! Chú vừa đến từ Kuwait phải không?”

Giọng con bé vỡ ra trong cuống họng, nó chống tay gượng mình ngồi dậy và xoay cổ hướng về phía tôi. Tôi ngồi xuống bên cạnh và vỗ lưng con bé.

“Nadia! Chú có mua quà cho con từ Kuwait đây, nhiều quà lắm. Chú sẽ đợi đến khi con hoàn toàn bình phục và có thể rời khỏi giường, rồi con sẽ đến nhà chú chơi và nhận quà nhé. Chú có mua cho con cái quần màu đỏ mà con từng viết thư hỏi chú. Chú mua cho con rồi đấy.”

Đó là một lời nói dối sinh ra từ sự căng thẳng, nhưng khi những lời đó thốt ra tôi cảm tưởng như rằng đây là lần đầu tiên mình nói thật. Nadia run rẩy như thể bị điện giật, con bé cúi đầu trong lặng câm đáng sợ. Tôi có thể cảm thấy nước mắt con bé rơi ướt đẫm lòng bàn tay.

“Nói gì đi, Nadia! Con không muốn cái quần màu đỏ đó nữa sao?” Con bé ngước mắt nhìn tôi và cố gắng mở miệng nói điều gì đó, nhưng không được, nó nghiến chặt răng rồi tôi nghe thấy tiếng nói của con bé vọng về như thể từ cõi xa xăm.

“Chú ơi!”

Bạn tôi ơi… Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được cẳng chân của Nadia, bị cắt cụt đến háng. Không bao giờ! Tôi cũng sẽ không thể quên được nỗi đau đã khắc sâu trên gương mặt con bé, vĩnh viễn trở thành một phần của nó. Tôi rời khỏi bệnh viện Gaza, bàn tay vo lấy tờ hai bảng vốn là món quà nhỏ cho Nadia mà giờ đây trông lố bịch làm sao, chẳng khác gì một sự nhạo báng. Mặt trời rực cháy đổ xuống phố phường sắc màu của máu. Và Gaza trải ra trước mắt tôi thật khác lạ, Mustafa à! Chúng ta chưa từng thấy dáng vẻ này. Những hòn đá chất đầy ở trước khu Shajiya nơi ta từng sống mang trong mình ý nghĩa, và dường như chúng được đặt xuống ngay tại đây không vì lí do nào hơn mà để giải thích cho chính điều đó. Gaza mà chúng ta từng sống, nơi có những con người tốt lành thiện lương mà suốt bảy năm thất bại ê chề ấy giờ đây thật mới mẻ. Tôi cảm thấy rằng đây chỉ là khởi đầu. Tôi cũng không rõ vì sao thâm tâm tôi bật ra suy nghĩ đó. Tôi tưởng tượng rằng đại lộ mà tôi đang rảo bước về nhà chỉ là khởi đầu của một chặng đường dài hướng đến Safad. Mọi thứ ở Gaza quặn đau trong một nỗi buồn không bị giới hạn chỉ bao hàm trong giọt nước mắt. Đây là một thử thách, thậm chí hơn thế nữa, như thể ta khao khát khôi phục lại cẳng chân đã bị cắt rời!

Tôi dấn bước vào những con đường của Gaza chói lòa ánh nắng. Họ kể lại rằng Nadia đã mất đi cẳng chân của mình khi con bé lao đến bảo bọc những đứa em, cố gắng bảo vệ chúng khi bom rơi và lửa dữ tràn vào nhà như những chiếc móng vuốt của ác thú giương ra. Nadia đã có thể tự cứu chính mình, con bé có thể bỏ chạy để giữ lại cẳng chân, nhưng nó đã không làm như thế.

Không đâu, bạn tôi ơi, tôi sẽ không đến Sacramento, và tôi sẽ không hối hận. Và tôi cũng không thể kết thúc những gì ta đã bắt đầu cùng nhau thời niên thiếu. Cảm giác không tên bé nhỏ mà cậu đã bỏ lại ở Gaza đó cần phải lớn lên cho đến khi trong lòng cậu có một gã khổng lồ. Nó phải trải rộng, và cậu phải đi tìm nó giữa đống gạch vụn của thất bại ê chề này nếu như cậu khao khát tìm thấy chính mình.

Tôi sẽ không đến bên cậu. Nhưng cậu có thể quay lại đây! Về đi, về để học những điều mới từ cẳng chân bị cắt cụt đến háng của Nadia, để hiểu được sự sống, và cái giá của sự tồn tại.

Hãy về đây, người bạn yêu quý của tôi! Tất cả chúng tôi đang đợi.

---

(Hoài Phương dịch)