"Máu dệt thời gian"
Suheir Hammad (1973 - )
—-
Những chiếc khăn keffiyeh lỗi thời
được dệt nên từ bao lời chuyện kể
giờ như những sợi chỉ tuôn rơi
quanh cuống họng tôi.
Giờ đây
chúng ta đã đoạt giải Nobel
một nỗ lực đáng kính vì hòa bình thế giới
chúng ta nói lời cảm ơn, cảm ơn rồi lại cảm ơn
đến những người vĩnh viễn chối bỏ rằng chúng ta là người
họ sưởi ấm đôi tay ta trầy trụa
bằng bàn tay của bè lũ sát nhân.
Mắt trả mắt
nhưng bởi vì đôi mắt chúng ta
từ lâu rồi đã bị bom mìn khoét rỗng,
rồi nuốt trọng như hạt quả ô-liu
chúng ta gào lên, cổ họng chúng ta
bị xé thành mảnh vụn
đem đi làm mồi cho sói đói
giữa bạo tàn lửa bỏng.
Ta là một người mẹ
và ta sẽ không hy sinh con trai mình
cho cuộc chiến giữa bầy người
với những chiến thần.
Ta là một người mẹ
và ta chối từ việc hy sinh
con gái ta cho những gã trai đã hóa điên
sau khi chứng kiến lũ trẻ bị nghiền nát dưới mưa bom
chỉ còn lại vụn não và nắm xương tàn.
Ta là một người cha
con gái ta đã mất trí trong cảnh lưu đày
đứa con của lũ trẻ mồ côi không nhà,
đứa con của những giấc mơ kiệt quệ
để rồi giờ đây
hỡi cái hôn của đất, người tình của đêm
con dân của thánh thần, nạn nhân của sống còn
chúng ta thấu hiểu
chúng ta đứng trước lằn ranh thứ hòa bình dối trá đang dẫm lên hy vọng
chúng ta cất giọng với những cành ô liu héo tàn.
Chúng ta cất tiếng gọi Falastin
trong khúc dân ca và điệu nhảy dân làng
Falastin của người tử đạo và những người mẹ
Falastin bị san bằng ở Beirut
của những cái miệng đã bị nghiến thành lặng im
trong những phiếu ăn ở Brooklyn.
Giờ đây chúng ta đang ghé thăm Nhà Trắng
và giữa khán phòng Jordan đang phát ngôn
nhân danh người giữ chìa khóa cho căn nhà chúng ta
những người đang sống trong nhà chúng ta.
Giờ đây
ta là đứa con gái
đang khạc ra cành ô liu
ta là đứa con trai đang tái thiết một đất nước
là người cha đang tìm lại chính mình
ta là người mẹ
dệt câu chuyện chung này vào chiếc keffiyeh
đan vào đó một quê hương
đẫm máu đổ tang thương và nước mắt
cùng với yêu thương và năm tháng.
Ta dệt nên câu chuyện
của Falastin
trong một chiếc keffiyeh
sẽ không bao giờ bị tháo rời.
——
(Hoài Phương dịch)
*Keffiyeh: Khăn đội đầu truyền thống của Palestine. Gồm có hoa văn lá ô-liu tượng trưng cho sức mạnh và sự kiên cường. Hoa văn mắt lưới thể hiện mối quan hệ mật thiết của người dân Palestine với vùng biển Địa Trung Hải. Hoa văn sọc tượng trưng cho những tuyến đường giao thương của một vùng đất đa dạng, dồi dào về văn hóa và lịch sử.
*Falastin: Chính là Palestine trong tiếng Ả Rập.
Suheir Hammad là một nhà thơ, tác giả và nhà hoạt động chính trị người Mỹ gốc Palestine. Cô sinh vào tháng 10 năm 1973 tại Amman, Jordan, trong một gia đình tị nạn Palestine và di cư cùng gia đình đến Brooklyn, New York khi cô chỉ mới năm tuổi.
Cô nhận giải thưởng American Book Award năm 2009 và giải thưởng Arab American Book Award cho thơ năm 2009. Các tác phẩm khác của cô bao gồm "ZaatarDiva", "Born Palestinian,Born Black" và "Drops of This Story". Ngoài các tác phẩm thi ca được đăng rộng rãi trong các tuyển tập, cô cũng sản xuất các vở kịch như "Blood Trinity" và "breaking letter(s)", cũng như viết lời cho vở kịch đa phương tiện "Re-Orientalism." Cô đã xuất hiện như một diễn viên trong bộ phim "Salt of this sea", một bộ phim về sự liên hệ mật thiết giữa người Palestine với biển cả. Bộ phim này đã được chiếu tại liên hoan phim Cannes 2008