Taha Muhammad Ali

"Rửa hận" by Phuong Nguyen

Ảnh: Chân dung Taha Muhammad Ali trong cửa hàng của mình khi ông còn trẻ.

"Rửa hận"
Taha Muhammad Ali (1931 - )
From English translation by Peter Cole

——

Đôi khi… tôi ước ao
được giao đấu
với kẻ đã giết cha tôi
rồi san bằng nhà cửa,
kẻ đã trục xuất tôi
vào một đất nước nhỏ hẹp.
Và nếu hắn giết tôi
thì cũng chẳng sao, bởi tôi sẽ được nghỉ ngơi,
nhưng khi có cơ hội -
thì tôi sẽ rửa hận!

*

Nhưng nếu tôi nhận ra,
rằng đối thủ của mình
có một người mẹ
đợi chờ hắn quay về,
nếu hắn có một người cha đang đặt bàn tay
ngay lồng ngực, nơi trái tim ông
thấp thỏm lo âu khi đứa con
đến muộn buổi hẹn,
dẫu chỉ mười lăm phút -
Nếu vậy, tôi không thể xuống tay
dù cho cơ hội đã ở ngay đây.

*

Vậy đấy… tôi chẳng thể
xuống tay
nếu tôi biết được rằng
hắn có những người anh, người chị
ngày ngày ngóng đợi trong thương yêu.
Hắn còn đó người vợ hiền mong chồng về nhà để vỡ ra tiếng chào
cùng những đứa con thơ
không chịu nổi cảnh vắng cha
những món quà hắn mang về khiến chúng hạnh phúc làm sao.
Hoặc giả hắn có những người bạn đồng hành,
hàng xóm thân quen
đồng minh trong chốn tù lao,
hoặc ai đó bầu bạn bên giường bệnh,
Nếu hắn còn những bạn học từ thuở ấu thơ
mở lời hỏi thăm,
gửi câu chúc lành.

*

Nhưng nếu
hắn chỉ còn một mình -
như cành khô cắt cụt khỏi tàn cây -
không mẹ, không cha
không anh em ruột thịt,
không vợ con
lẫn họ hàng thân thích, không láng giềng, bè bạn,
không đồng nghiệp, không cả người thương yêu,
thì thôi, tôi sẽ chẳng buồn thêm thắt
cho nỗi buồn tì nặng vai một kẻ thật cô đơn -
không cái chết thống khổ đầy đau đớn
lẫn nỗi buồn thê thảm của chia ly
Tôi sẽ lấy đó làm niềm vui,
tôi chẳng đoái hoài mỗi khi chạm mặt hắn trên đường – bởi tôi
giờ đã hiểu ra
chính bản thân sự phớt lờ
cũng là một cách rửa hận.

——

(Hoài Phương dịch)

Taha Muhammad Ali là một nhà thơ Palestine, sinh năm 1931 ở một ngôi làng nhỏ gần Galilee, mà sau đó đã bị đánh bom rồi san bằng trong thảm họa Al-Nakba để dọn chỗ cho công cuộc chiếm đóng của Israel. Giờ đây, ông sống tại Nazareth, nơi ông vận hành một cửa hàng bán đồ lưu niệm, như postcard, chân nến, tượng Đức Mẹ ở trước cửa vào Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin. Ông không học quá lớp bốn, nhưng ông đã luôn yêu mến thi ca, ông đã đọc vô số sách vở về văn học và giờ đây cửa hàng khiêm tốn của ông trở thành một không gian thi ca thân mật, nơi ông đón tiếp những người khách vãng lai và cả những người chủ động tìm đến để được tiếp xúc với ông, trao đổi với ông về thi ca và nghe ông ngâm thơ.

Taha Muhammad Ali nói rằng, “Trong thơ của tôi không có Palestine, không cả Israel. Nhưng thơ tôi có đọa đày, buồn thương, khao khát, hãi sợ, và những điều này tạo thành chính bản thân Palestine và Israel. Đây là nghệ thuật khi ta chắt lọc những điều có thật từ cuộc sống, ta gầy dựng nó một lần nữa cùng với trí tưởng tượng trong ta."