"Núi, đá”
Lena Khalaf Tuffaha
—-
Đừng gọi con gái anh là Shaymaa,
vì lòng can trường sẽ dẫn chúng
đi vào đường đạn dưới trướng độc tài.
Đừng gọi những đứa trẻ là Sundus,
Bởi vườn địa đàng sẽ triệu hồi khóm cúc,
để những chiếc lá quay về trong vòng tay ôm.
Đừng đặt tên chúng là Malak hay Raneem,
Bởi thiên thần tìm người giống họ để bầu bạn,
đôi cánh bạc luẩn khuất trong xà lim hôi thối,
tiếng họ cười lảnh lót thay tiếng kinh cầu.
Đừng đặt tên con trai anh là Hamza.
cái tên này kích động đòn tra tấn
bằng lời hứa của ý chí kiên cường.
Cũng đừng gọi chúng
Là Muhammad, Ahed, Zakaria hoặc Ismail
Bởi chúng sẽ hóa thân thành vỏ ốc
để rồi bị vùi chôn trên bãi cát rộng.
Đừng đặt tên cho con. Hãy để chúng được sống
vô danh, hãy khép chặt làn mi
rồi trao tiếng nói chúng cho chim sơn ca.
Đừng trao cho chúng cái tên
và nếu anh chẳng còn lựa chọn,
hãy gọi chúng bằng những thứ có thể chống chọi
trước xói mòn băng hoại kéo dài đến thiên thu.
Hãy gọi chúng là núi cao,
Đặt tên chúng là đá tảng.
——
(Hoài Phương dịch)
Lena Khalaf Tuffaha là một nhà thơ, nhà văn nữ người Mỹ mang trong mình dòng máu Palestine, Syria và Jordan. Tập thơ đầu tay của cô “Water and salt” đã đoạt giải 2018 Washington State Book Award và “ARAB IN NEWSLAND” đã đoạt giải 2016 Twos Sylvias Press Prize.
Bài thơ này của cô cũng là tâm tư của những bao người cha mẹ khi đặt tên cho con cái, mong rằng cái tên đẹp đẽ đầy sức mạnh ấy sẽ đem đến phúc lành và thay họ bảo vệ cho con mình trước cuộc đời dài, nhưng cô cũng sợ rằng những cái tên quá đẹp đẽ, quá chính trực ấy sẽ khiến con họ chết yểu khi bủa vây là bạo tàn. Sau đây là ý nghĩa của từng cái tên được nhắc đến trong bài thơ:
Shaymaa: Tên một người chị của Ngôn Sứ Muhammad, có nghĩa là “Người có phẩm hạnh cao thượng”
Sundus: Tấm lụa được dùng để may áo trên thiên đường.
Malak: Thiên thần
Raneem: Tiếng hát thánh thót
Hamza: Sư tử, sự kiên cường vững chãi. Đây cũng là tên một người chú của Ngôn sứ Muhammad.
Muhammad: Tên của Ngôn sứ
Ahed: Độc nhất vô nhị
Zakaria: Tên của một Ngôn Sứ, có nghĩa “Được thánh thần ghi nhớ”
Ismail: Có nghĩa thánh thần đã nghe thấy.
Tranh được thiết kế bởi Dylan McGarry, sử dụng cho mục đích minh họa.