Những đứa trẻ của Rafah (Samih al-Qasim) by Phuong Nguyen

Những đứa trẻ của Rafah (1971)
Samih al-Qasim
—-
Gửi đến kẻ đào đường trên vết thương hàng triệu người
Gửi đến kẻ lái chiến tăng dày xéo những đóa hồng trong vườn
Kẻ đập vỡ cửa sổ giữa đêm thâu
Kẻ đốt cháy vườn hoa, bảo tàng nhân danh hòa bình.
Kẻ đã dẫm lên bầy chim sẻ trên quảng trường.
Máy bay các người đã dội bom xuống giấc mộng bao trẻ thơ.
Và cầu vồng trên trời cao các người cũng đập nát.

Đêm nay, gửi đến các ngươi tuyên ngôn của lũ trẻ vươn lên từ cội nguồn bất khả,
Đêm nay, những đứa trẻ của Rafah nói rằng:
“Chúng ta chưa từng tết tóc thành những tấm chăn.
Chúng ta chưa từng phun nước bọt lên thi hài, hay nhổ đi những cái răng vàng của họ.
Vậy tại sao các người cướp đi trang sức của chúng ta đổi lại cho vô vàn đạn pháo?
Tại sao các người khiến những đứa trẻ Ả Rập rơi vào cảnh mồ côi?
Cảm ơn! Cảm ơn các người không kể xiết!
Nỗi buồn của chúng ta nay đã trưởng thành.
Và giờ đây, chúng ta buộc lòng phản kháng.

—-

(Hoài Phương dịch)

”Cất lên tiếng hát” (Nidal Al-Faqaawi ) by Phuong Nguyen

”Cất lên tiếng hát”
Nidal Al-Faqaawi (1985 - )
From English translation by Wael Sawah
—-

Gửi đến cái cây nguồn cội,
gửi đến chiếc lá nghỉ ngơi trên thân cỏ gầy
đến người nông dân tiếc thương thửa ruộng vừa gặt
đến ngọn gió,
đến con đường đất trải từ cánh đồng đại mạch đến khu rừng bê tông,
đến vãng khách lạc lối trên cỗ xe kéo bởi linh hồn,
đến ánh trăng tàn,
đến kẻ tội đồ khát máu lẫn sự thật
đến người xa lạ bị vĩnh hằng mê hoặc,
rồi họ nằm xuống nghỉ ngơi,
trong khi tôi cất lên tiếng hát,
cho bóng tối tà ác
cho kẻ dối lừa, cho bọn sói lang và lũ người dâm đãng,
cho đám tiều phu đã làm ô uế thân xác mẹ tôi,
cùng đồng phạm là lũ thợ mộc như cành nhánh trên cây ấy,
và cho đôi cánh,
hướng về nơi tôi sẽ gọi là nhà,
một chiếc lồng,
nơi tôi cất lên tiếng hát.

—-
(Hoài Phương dịch)

Hoàng Đế (Nidal Al-Faqaawi) by Phuong Nguyen

”Hoàng đế”
Nidal Al-Faqaawi (1985 - )
From English translation by Wael Sawah
—-
Mọi thứ sẽ kết thúc thế nào?
Bao bộ lạc cổ xưa trong máu thịt bảo vệ ta khỏi hiểm họa
cùng mũi tên đá và gậy gộc giáo mác.
Ở trong ta là dòng dõi từ thuở hồng hoang
Từ người Ấn Độ, người Caucasian, Aryan đến Mông Cổ
Ở ta là bao đế chế văn minh khởi sinh từ đất đỏ,
nơi người da-đen trắng đang cư ngụ.

Ở trong ta đang tiến bước những bộ lạc lang thang
giữa tiếng đao gươm và mùi lửa cháy
Ở trong ta là đạo quân vĩ đại
quân đoàn của những chiến binh què cụt
Ở ta là chiến thắng cười thầm,
và rượu hồng quyện vào tiếng thét tù binh.
Ở ta là những góa phụ và kẻ không nhà
những căn chòi bốc cháy và thi hài nhung nhúc
Mọi thứ sẽ kết thúc ra sao?
địa cầu chỉ còn lại mình ta
bị gặm nhấm bởi thất bại
bốc mùi như một Hoàng Đế đã chết.

—-
(Hoài Phương dịch)

Nidal Al-Faqaawi sinh năm 1985 tại Khan Yunis, Dải Gaza. Anh có bằng thạc sĩ về tâm lý học từ đại học Al-Azhar ở Gaza và một bằng cử nhân về tâm lý học từ đại học Al-Aqsa ở Gaza. Al-Faqaawi làm trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên. Anh đã làm thơ từ nhiều năm và các bài thơ của anh được đăng trên nhiều tạp chí văn học Arab khu vực.
Bài thơ “Hoàng đế” và “Ta cất lên tiếng hát” nằm trong tuyển tập thơ “Những bài thơ lúc ban trưa” (Noon poems) đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Cây viết trẻ 2015 được tổ chức bởi A.M Qattan Foundation

"Không chỉ vút qua" by Phuong Nguyen

"Không chỉ vút qua"
Hiba Abu Nada (1991 - 2023)
From English translation by Huda Fakhreddine

----

Hôm qua, một vì sao thì thầm
với tia sáng bé nhỏ trong tim tôi rằng
Chúng ta không chỉ là sự tồn tại
lẳng lặng vút qua.

Nên đừng chết. Bởi dưới ánh sáng này
vẫn còn bao người lang thang
vô định.

Bạn được sinh ra từ chan chứa thương yêu
nên hãy mang bên mình chỉ riêng tình cảm đó
hãy trao nó cho bao người sững sờ run rẩy.
Để rồi một ngày, khu vườn sẽ sống dậy
từ cái tên ta, từ những gì sót lại
của một trái tim không ngừng khao khát.

Những lời dạy xưa nay đã trưởng thành
sẽ dạy cho ta biết cách chữa lành
bằng nỗi khao khát, bằng lòng hoài mong,
cách để hóa thân thành mùi hương diệu kỳ
tràn vào ủi an lá phổi cứng đờ: như hơi thở nhẹ nhàng,
như một hớp khí ô-xy trong mát.
Rồi thật dịu dàng ta chăm sóc những vết thương,
như một tấm gạc hữu dụng, một dấu hiệu thanh thản,
như viên thuốc giảm đau.

Ôi tia sáng bé nhỏ trong tim ta, xin đừng chết
dẫu cho bao thiên hà khắp vòm trời
đang dần khép lai.

Ôi tia sáng bé nhỏ trong ta, hãy nói:
Đây cõi lòng ta mời người bước tới
tất cả mọi người, hãy vào đây nơi chốn bình yên!

---

(Hoài Phương dịch)

Bảy thiên đường cho một quê hương (Hiba Abu Nada) by Phuong Nguyen

Bảy thiên đường cho một quê hương
Hiba Abu Nada
From English translation by Huda Fakhreddine

——

Trong lá phổi chúng ta có một quê hương
và hơi thở ta là lưu đày biệt xứ,
một quê hương tuôn tràn trong huyết quản
như bước chân ta hối hả hướng về.

Một quê hương vươn tỏa giữa bụi rậm sầu thương,
giữa rừng kẻ lạ như dây leo trườn bò,
và ánh nhìn ta là hạt lệ ngân ngấn.
Quê hương trao tặng ta thanh âm,
rồi phó thác cho ta khúc hát.

Liệu ta có thể chối bỏ quê nhà?
Liệu quê nhà có khước từ ta?
khi người là một phần trong huyết quản,
và chúng ta là những bậc thầy đổ máu.

Bánh mì và cơn đói đồng nghĩa trong cuốn sách về ta,
như mảnh vụn của ánh sáng và bóng tối.
Ta đã học cách tìm hy vọng nơi tận cùng thương yêu
như mưa rơi trên sa mạc của vần điệu.

Đây một quê nhà trần trụi đến bên ta
người quấn ta che thân như tấm áo.
Và trong dòng máu ta có một đại dương
nơi con thuyền rời bến trong nhịp tim rung từng hồi.

Những nẻo đường quê hương nhồi căng chiếc gối
Bao phố phường ẩn náu giữa cơn mơ.
Liệu quê nhà có ngủ vùi trong ta đến vĩnh hằng
nhào nặn thời gian như vòng lặp bất tận?

Kìa hàng ô-liu đứng đó như người dưng,
màu sắc, hương vị chúng giờ sao quá xa lạ.
Vũ trụ này chẳng còn chỗ cho chúng ta,
như một hành lang hẹp dần khép kín
Như thể sự tồn tại của ta là một tai tiếng,
chúng ta là tội phạm vì lỡ khát khao,
và lòng ái quốc của ta là tội ác.

"Hãy bình tĩnh" (Hiba Abu Nada) by Phuong Nguyen

“Hãy bình tĩnh”
Hiba Abu Nada (1991 - 2023)
From English translation by Huda Fakhreddine
—-

Ôi, chúng ta thật cô độc!
Bao người đã thắng trận,
chỉ còn lại ngươi chôn thân trong bùn lầy,
trơ trọi, khô khốc!

Darwish, ông có biết không?
Chẳng có bài thơ nào quay về bên nỗi đơn côi,
bên những điều đã thất lạc, những điều
bị đánh cắp.

Chúng ta thật cô độc!
Lại một kỷ nguyên mông muội. Khốn nạn thay
những kẻ chia cắt chúng ta trong chiến trận
lẫn đoàn khách viếng thăm tang lễ các người
chỉ là một.

Chúng ta thật cô độc!
Địa cầu như một chợ trời,
nơi đất nước vĩ đại của các người bị mang ra đấu giá,
để rồi biến mất!

Chúng ta cô độc quá!
Một thời đại vô lương làm sao,
không một ai đứng về phía chúng ta,
mãi mãi không ai cả.

Chúng ta cô độc quá!
Nên hãy gạt đi những bài thơ tự cổ chí kim
cùng những giọt nước mắt… Và hỡi Palestine,
hãy thâu vén lại chính mình, bình tĩnh!

—-
(Hoài Phương dịch)

Bức tường sắt - Jabotinsky by Phuong Nguyen

Bức tường sắt


Nguyên tác tiếng Nga, Razsviet, 4.11.1923

Quá trình xâm chiếm Palestine
Sự đồng thuận với cộng đồng Ả Rập là bất khả
Chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc phải tiến bước.


Dẫu cho quy tắc vàng là luôn bắt đầu bài viết cùng luận điểm quan trọng nhất, nhưng tôi cho rằng trong bài viết này mình cần phải giới thiệu đôi điều, trên hết, là lời tự giới thiệu về bản thân mình.

Tôi được biết đến rộng rãi như là kẻ thù của người Ả Rập và rằng tôi muốn trục xuất họ khỏi Palestine, vân vân. Điều này không đúng.

Về mặt cảm xúc, đối với tôi cộng đồng Ả Rập không khác gì những quốc gia khác, thờ ơ một cách lịch sự. Về mặt chính trị, thái độ của tôi được quyết định bởi hai nguyên tắc. Điều đầu tiên, tôi cho rằng việc trục xuất tất cả người Ả Rập khỏi Palestine là hoàn toàn bất khả. Palestine sẽ luôn có hai quốc gia – và với tôi điều này là đủ, miễn là cộng đồng Do Thái chiếm đa số. Điều thứ hai, tôi thuộc về đoàn thể từng vạch ra chương trình Helsingfors – chương trình về quyền lợi quốc gia cho tất cả dân tộc cùng sinh sống trong quốc gia đó. Trong quá trình soạn thảo chương trình này, chúng tôi không chỉ nghĩ về riêng người Do Thái mà tất cả những người mang quốc tịch khác, và cơ sở của nó là muôn người bình đẳng.

Tôi sẵn sàng ràng buộc mình với lời thề rằng chúng tôi và hậu duệ của chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì đi ngược lại nguyên tắc quyền lợi bình đẳng, và rằng chúng tôi sẽ không trục xuất bất kỳ ai. Tôi cho rằng đây là một đức tin tương đối hòa bình.

Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là liệu chúng ta có thể thực thi một mục tiêu hòa bình cùng với những biện pháp hòa bình hay không. Câu trả lời không tùy thuộc ở thái độ chúng ta đối với cộng đồng Ả Rập, mà hoàn toàn tùy thuộc ở cách cộng đồng Ả Rập nhìn nhận ta cũng như chủ nghĩa Zionism.

Đồng thuận tự nguyện là không khả thi.

Sẽ không có một sự đồng thuận tự nguyện nào giữa chúng ta và cộng đồng Ả Rập Palestine. Không phải bây giờ và trong tương lai mà tôi dự đoán. Tôi khẳng định điều này không phải vì muốn làm tổn thương những người Zion ôn hòa. Tôi thực cũng không tin rằng họ sẽ có vấn đề gì. Trừ những người bẩm sinh mù lòa, họ hẳn phải nhận ra từ lâu rằng ta hoàn toàn không thể có được sự đồng ý tự nguyện của những người Ả Rập Palestine để cải đạo “Palestine” từ một quốc gia Ả Rập thành một quốc gia với cộng đồng Do Thái chiếm đa số.

Các độc giả của tôi hẳn đã có một khái niệm về lịch sử chủ nghĩa thực dân ở các quốc gia khác. Tôi sẽ cho họ một gợi ý, hãy nhìn lại những nơi mà họ từng biết qua đó để xem có một trường hợp đơn lẻ nào trong quá trình xâm chiếm thực dân được tiến hành với sự đồng thuận từ cộng đồng bản địa hay không. Chưa từng có tiền lệ như thế.

Cộng đồng bản địa, dẫu văn minh hay không, đã luôn luôn ngoan cố chống lại chủ nghĩa thực dân mà không quan tâm xem đối phương là văn minh hay man dã.

Cũng không có bất kì khác biệt nào trong việc nhà nước thực dân có hành xử đàng hoàng hay không. Đồng bọn của Cortez và Pizzaro hoặc (như một số người sẽ nhắc nhở chúng ta) tiền nhân của chúng ta dưới thời Joshua Ben Nun, đã hành xử như phường trộm cướp; nhưng những người Cha Dựng Nước, những người tiên phong thực sự của Bắc Mỹ, là những người vô cùng đức hạnh, họ chẳng muốn làm hại bất kỳ ai, ít nhất là với bộ lạc Da Đỏ, và họ thực sự tin rằng bình nguyên ấy đủ rộng cho cả người Da Trắng lẫn tộc Da Đỏ. Tuy nhiên dẫu cho những người thực dân ấy là tốt hay xấu, thì cộng đồng bản địa sẽ luôn chiến đấu chống lại họ với cùng một sự hung hãn.

Tất cả mọi cộng đồng bản địa, văn minh hay không, sẽ luôn xem lãnh thổ của họ như một quốc gia, nơi họ là những chủ nhân duy nhất, luôn luôn như vậy; họ sẽ khước từ không chỉ những chủ nhân mới mà thậm chí là những cộng sự hay sự hợp tác. 

Người Ả Rập không phải lũ ngốc.

Điều này cũng đúng với người Ả Rập. Những người theo chủ nghĩa hòa bình trong chúng ta đang cố gắng thuyết phục rằng cộng đồng Ả Rập hoặc là lũ ngốc mà ta có thể dễ dàng thao túng chỉ bằng cách che giấu mục tiêu thực sự, hoặc là một lũ băng hoại tham nhũng, dễ dàng lung lạc bằng việc hối lộ để rồi trao cho chúng ta những ưu thế tại Palestine như sự trao đổi cho lợi ích về văn hóa hoặc kinh tế. Tôi xin phủ nhận những quan điểm này về người Ả Rập Palestine. Về mặt văn hóa, họ thua chúng ta tận năm trăm năm, và họ không có sức chịu đựng lẫn quyết tâm của chúng ta; nhưng bọn họ cũng là những nhà tâm lý học giỏi giang chẳng thua kém gì ta, với não trạng được mài giũa qua hàng thế kỷ tranh biện. Ta có thể nói với họ bất cứ điều gì về mục đích trong sạch của ta, xoa dịu họ với những lời đường mật êm ái, nhưng họ hiểu rõ cái ta muốn, cũng như ta hiểu rõ cái mà họ không muốn là gì. Ít nhất, họ cảm nhận được tình yêu đầy ghen tỵ với vùng đất Palestine, như cách người Aztecs cảm nhận về Mexico cổ đại hay người Sioux với những bình nguyên trải rộng.

Tưởng tượng rằng họ sẽ đồng thuận với việc thực thi chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc để đổi lại những tiện ích về mặt đạo đức và kinh tế mà thực dân Do Thái sẽ đem lại, như những gì mà những kẻ yêu Ả Rập trong chúng ta đang làm, là một suy nghĩ thật trẻ con, tiềm ẩn sâu thẳm trong đó sự khinh miệt với cộng đồng Ả Rập; nghĩa là họ coi thường dân tộc Ả Rập, một bộ lạc tham nhũng có thể bị mua chuộc, và sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ đổi lấy hệ thống đường sắt tân tiến.

Tất cả người bản địa sẽ chống lại thực dân.

Không có lời bao biện nào cho quan điểm này. Một vài người Ả Rập có lẽ sẽ nhận hối lộ. Nhưng không có nghĩa rằng toàn thể dân tộc Ả Rập ở Palestine sẽ bán đi lòng ái quốc mãnh liệt mà họ gìn giữ khắt khe, ngay cả người Papuan cũng sẽ không bán đi cái gì cả. Mọi tộc bản địa trên thế giới này đã luôn chống lại chủ nghĩa thực dân, ngay cả với hy vọng nhỏ nhoi nhất rằng họ có thể loại trừ hiểm nguy bị rơi vào cảnh thuộc địa hóa.

Và đây là những gì cộng đồng Ả Rập ở Palestine đang làm, và họ sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi vẫn còn một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng họ có thể ngăn việc biến vùng đất “Palestine” thành “Đất nước Israel.”

Nhận thức Ả Rập

Một số người trong chúng ta đã tự thuyết phục bản thân tin rằng mọi vấn đề đến từ sự hiểu lầm - Người Ả Rập không hiểu chúng ta và đó là lí do duy nhất khiến họ chống lại ta; và nếu ta giải thích rõ cho họ thấy rằng mục đích của ta thực ra ôn hòa thế nào, họ sẽ lập tức giang rộng tay chào đón ta như những người bạn.

Suy nghĩ này thực vô căn cứ và đã bị phủ nhận hết lần này đến lần khác. Tôi sẽ nhắc lại một trong rất nhiều trường hợp. Vài năm trước, khi ngày Sokolow quá cố đang trong chuyến công du định kỳ đến Palestine, ông đã phát biểu tại một cuộc họp về sự “hiểu lầm” này. Ông đã diễn đạt một cách rõ ràng và đầy thuyết phục rằng người Ả Rập đã hoàn toàn nhầm lẫn nếu họ cho rằng chúng ta muốn tước đi của cải đất đai, hay muốn trục xuất họ khỏi đất nước của họ, hay chúng ta muốn đô hộ họ. Chúng ta thậm chí còn không yêu cầu thành lập một chính quyền Do Thái để nắm giữ Quyền ủy trị của Liên Hiệp Quốc.

Một trong những tờ báo Ả Rập, “El Carmel” đã trả lời trong một bài báo vào thời điểm đó như sau:

Những người Do Thái Phục Quốc đang làm ầm lên một chuyện nhỏ nhặt. Chẳng có sự hiểu lầm nào cả. Tất cả những gì Ngài Sokolow nói về mục đích của chủ nghĩa Zion là thật, nhưng người Ả Rập chẳng cần ông ta để biết những điều này. Tất nhiên, ngay tại thời điểm này cộng đồng Zion không thể nghĩ về việc đuổi cổ người Ả Rập khỏi đất nước, hay đô hộ, hay là một chính phủ Do Thái. Hiện tại, quá rõ ràng, họ chỉ quan tâm về một điều duy nhất – Đó là người Ả Rập sẽ không cản trở việc nhập cư. Những người Zion đã đảm bảo với chúng ta rằng việc nhập cư sẽ được quản lý chặt chẽ dựa vào nhu cầu kinh tế của Palestine. Người Ả Rập không nghi ngờ gì việc đó: đây là chân lý, vì nếu không thì sẽ chẳng có một sự nhập cư nào cả.

Không có “hiểu lầm” nào cả           

Chủ biên Ả Rập này thực sự đã sẵn lòng đồng ý rằng Palestine có đủ tiềm năng đón nhận, có nghĩa rằng nơi đây đủ rộng để đón chào rất nhiều người Do Thái mà chẳng cần phải di dời một người Ả Rập nào cả. Chỉ có một điều duy nhất người Zion mong muốn, và đó là điều mà người Ả Rập không muốn, bởi đó là con đường nơi người Do Thái sẽ dần trở thành cộng đồng đa số, và một chính phủ Do Thái sẽ theo đó thành lập, và tương lai của động đồng Ả Rập sẽ phụ thuộc vào lòng tốt của người Do Thái; và việc trở thành cộng đồng thiểu số không hay ho gì, chính người Do Thái hiểu rõ điều này và không ngừng chỉ ra. Vì thế, không có một sự “hiểu lầm” nào ở đây cả.  

Người Zion mong muốn chỉ một điều, sự nhập cư Do Thái; và sự nhập cư Do Thái là điều người Ả Rập không muốn.

Tuyên bố về vị thế của chủ biên người Ả Rập này quá hợp lý, quá hiển nhiên, không cần tranh cãi, đến mức ai cũng thuộc nằm lòng, và nó nên được đưa ra làm cơ sở cho tất cả những thảo luận trong tương lai về vấn đề Ả Rập. Chúng ta sử dụng cụm từ nào để giải thích về mục tiêu thực dân hóa vùng đất này, dẫu đó là ngôn từ của Herzl hay Sir Herbert Samuel, hoàn toàn không quan trọng.

Chủ nghĩa thực dân có lí do riêng của nó, và đây là lời giải thích duy nhất khả dĩ, không thể đổi thay, rõ ràng như ánh sáng ban ngày đối với mỗi người Do Thái và mỗi người Ả Rập.

Chủ nghĩa thực dân chỉ có một mục đích duy nhất, và người Ả Rập Palestine không thể chấp nhận được mục đích này. Nó nằm trong bản chất của mọi điều, và đặc biệt trong hoàn cảnh này, bản chất không thể bị thay đổi.

Bức tường Sắt

Chúng ta không thể đưa ra bất kỳ sự bồi thường thỏa đáng nào cho người Ả Rập Palestine để đổi lấy vùng đất Palestine. Do đó, việc đạt được một thỏa thuận tự nguyện là không khả thi. Nếu có ai đó vẫn xem việc đồng thuận như điều kiện tiên quyết cho chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc thì hãy nói “không” và rút lui khỏi ngay bây giờ.

Chủ nghĩa Thực Dân Zion hoặc phải dừng lại, hoặc phải tiếp tới mặc kệ cộng đồng bản địa. Điều đó có nghĩa nó chỉ có thể tiến hành và phát triển dưới sự bảo vệc của một quyền lực độc lập khỏi cộng đồng bản địa – sau một bức tường sắt, nơi mà cộng đồng bản địa không thể xâm nhập.

Đó là chính sách đối ngoại Ả Rập của chúng ta; không phải những gì chúng ta nên làm, nhưng bản chất nó là như thế dẫu ta có thừa nhận hay không. Nếu không thì ta cần gì Tuyên bố Balfour? Hay quyền ủy trị? Đối với chúng ta, giá trị của họ chính là những gì Quyền lực ngoại quốc đã tạo ra tại đất nước này, những điều kiện về quản lý và an ninh để phòng khi cộng đồng bản địa muốn gây trở ngại, thì sẽ lập tức nhận ra rằng họ là không thể.

Và chúng ta, tất cả chúng ta, không loại trừ một ai, yêu cầu từng ngày rằng những Quyền Lực ngoại quốc này, phải tiếp tục được thi hành không khoan nhượng và quyết liệt.

Không có một sự khác biệt nào trong vấn đề này giữa những người theo “chủ nghĩa quân phiệt” hay người “ăn chay”. Ngoại trừ những người thuộc nhóm đầu tiên ưa chuộng rằng bức tường sắt sẽ được chống đỡ bởi binh lính Do Thái, còn nhóm kia thì chỉ cần được làm người Anh là quá đủ hạnh phúc rồi.

Tất cả chúng ta yêu cầu rằng nhất thiết phải có một bức tường sắt. Nhưng chúng ta liên tục làm hỏng việc khi cứ tiếp tục đàm phán về một “thỏa thuận”, nghĩa là ta phải báo cáo với Chính Quyền Ủy Trị rằng điều quan trọng ở đây không phải là bức tường sắt, mà là đàm phán. Những phép tu từ sáo rỗng này vô cùng nguy hiểm. Và đó là lí do vì sao ta phải lấy đó làm niềm vui, và là một nghĩa vụ, đem lại tai tiếng cho việc đàm phán rằng nó vừa tuyệt vời, vừa dối trá.  

Đạo đức và công bằng trong chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc

Hai điểm chính:

Đầu tiên, nếu có ai đó phản đối rằng quan điểm này là vô đạo đức, tôi sẽ trả lời họ rằng: Không đúng, bởi hoặc chủ nghĩa Zion là đạo đức và công bằng, hoặc nó vô đạo đức và vô lương. Nhưng đó là một câu hỏi ta phải tự trả lời trước khi quyết tâm trở thành người theo chủ nghĩa Zion. Nên thực ra, chúng ta đã giải quyết xong câu hỏi đó, hoàn toàn khẳng định.

Chúng tôi tin rằng chủ nghĩa Zion – Do Thái Phục Quốc là đạo đức và công bằng. Và bởi vì nó vừa đạo đức, vừa công bằng, nên công lý phải được thực thi, mặc kệ Joseph, Simon, Ivan hay Achmet có đồng ý hay không.

Không có một giá trị đạo đức nào khác.

Tiến trình đồng thuận

Thứ hai, điều này không có nghĩa rằng ta không thể đạt được thỏa thuận nào với người Ả Rập Palestine. Điều bất khả ở đây là sự tự nguyện. Miễn là người Ả Rập nhận thấy vẫn còn chút hy vọng để thoát khỏi chúng ta, họ sẽ không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng này đổi lấy những lời tử tế, hay là bánh mì với bơ, bởi họ chẳng phải lũ tiện dân, mà là những người đang sống. Và nếu những người đang sống nhún nhường trước những vấn đề hệ trọng như vậy, là khi họ nhận ra chẳng còn một hy vọng nào để thoát khỏi chúng ta, họ không thể đục vỡ được bức tường sắt. Chỉ khi đó họ mới từ bỏ những lãnh tụ cực đoan, mà câu cửa miệng luôn là “Không bao giờ!” Và quyền lãnh đạo sẽ được chuyển cho những nhóm ôn hòa hơn, những kẻ sẽ tiếp cận chúng ta với những đề xuất mang tính nhượng bộ. Chỉ khi đó, chúng ta có thể mong đợi sự đàm phán trung thực về những vấn đề thiết thực hơn, như một cam kết không di dời cộng đồng Ả Rập, quyền bình đẳng cho công dân Ả Rập, hay tính toàn vẹn của dân tộc Ả Rập.

Và khi điều đó xảy ra, tôi tin rằng những người Do Thái chúng ta sẽ sẵng sàng trao cho họ những bảo đảm đáng tin cậy, để đôi bên có thể chung sống trong hòa bình, như những người hàng xóm tốt bụng.


Nhưng cách duy nhất để đạt được thỏa thuận này, là một bức tường sắt, có nghĩa rằng một thể chế tại Palestine không chịu áp lực từ bất kỳ cộng đồng Ả Rập nào cả. Nói cách khác, cách duy nhất để đạt đến thỏa thuận này trong tương lai là từ bỏ tất cả những ý tưởng tìm kiếm sự đồng thuận ngay tại thời điểm này.

———

LUÂN LÝ CỦA BỨC TƯỜNG SẮT

Viết bởi Vladimir Jabontinsky

Trong “Chuẩn mực Do Thái”, 5/9/1941

Nguyên tác được đăng tải trên tờ Rassviet (Paris) ngày 11/11/1923, phần nối tiếp của Bức Tường Sắt

I.

Hãy cùng quay lại với Chương Trình Helsingfors. Vì tôi là một trong những người soạn thảo, một cách tự nhiên tôi không thắc mắc về sự công bằng của những nguyên tắc được tán thành tại đây. Chương trình này đảm bảo bình đẳng cho công dân, và quyền tự quyết của dân tộc. Tôi chắc chắn rằng bất kì một vị thẩm phán công minh nào cũng sẽ chấp nhận chương trình này như cơ sở hoàn hảo cho sự hợp tác hòa bình, thịnh vượng giữa hai dân tộc.

Tuy nhiên thật lố bịch khi mong đợi người Ả Rập có được não trạng của một thẩm phán công minh; trong cuộc xung đột này họ không ở vị trí thẩm phán; mà là một trong những bên tranh chấp. Sau tất cả, câu hỏi quan trọng nhất là liệu người Ả Rập, ngay cả những kẻ tin vào sự hợp tác hòa bình, có đồng ý việc chung sống với bất kỳ “láng giềng” nào trong một đất nước họ xem như của chính họ hay không, ngay cả khi đó là những láng giềng tốt. Ngay cả những kẻ cố gắng thuyết phục ta bằng những mỹ từ cao siêu cũng không thể phủ nhận rằng sự toàn vẹn sắc tộc luôn tiện hơn so với sự đa dạng tự nhiên. Vậy thì tại sao một quốc gia đang thỏa mãn với sự cô lập lại phải mở cửa đón chào một số lượng lớn những người láng giềng mới, ngay cả khi đó là những người tốt? “Chúng tôi không muốn cả ong lẫn mật của các người”, là một câu trả lời thích đáng.

Nhưng ngoài khó khăn nền tảng này, tại sao chính người Ả Rập phải chấp nhận chương trình Helsingfors, hoặc bất kỳ chương trình nào khác về một Quốc gia đa sắc tộc? Một yêu sách như thế là không tưởng. Học thuyết Springer còn chưa được 30 tuổi. Và sẽ không có một quốc gia nào, ngay cả những nơi văn minh nhất, từng chấp nhận việc áp dụng học thuyết này vào thực tế một cách trung thực. Ngay cả Cộng Hòa Séc dưới quyền lãnh đạo của Masaryk, người thầy của tất cả chủ nghĩa tự trị cũng không thể làm được.

Trong cộng đồng Ả Rập, ngay cả những học giả của họ cũng chưa từng nghe về học thuyết này. Nhưng chính những học giả này cũng biết rằng cộng đồng thiểu số luôn khốn khổ ở mọi nơi: từ người Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Hồi giáo ở Ấn Độ, đến người Irish dưới quyền Anh Quốc, người Ba Lan và Tiệp Khắc dưới bàn tay người Đức, và bây giờ thì người Đức lại dưới trướng Ba Lan và Tiệp Khắc, cứ thế, không hồi kết. Vì thế mà một người hẳn phải ngộ độc với mỹ từ để hy vọng rằng người Ả Rập sẽ tin tưởng người Do Thái, một trường hợp đơn lẻ trong toàn thể nhân loại, có khả năng hay ít nhất là chân thành thực thi một ý tưởng chưa bao giờ thành công ở bất cứ quốc gia nào uy quyền hơn thế.

Tôi nhấn mạnh điểm này không phải vì tôi muốn người Do Thái cũng sẽ từ bỏ chương trình Helsinfors như tiền đề của một tạm ước (Modus vivendi) về sự chung sống trong tương lai. Trái lại, chúng tôi – ít nhất là tác giả của những dòng viết này – tin vào chương trình lẫn khả năng biến nó hành hiện thực trong đời sống chính trị mặc dầu tất cả tiền lệ đều đã thất bại. Nhưng nó vô dụng với người Ả Rập vào thời điểm này. Họ không thể hiểu, và họ sẽ không đặt bất cứ niềm tin nào vào nguyên tắc của chương trình này: họ không thể trân trọng nó.

II.

Và bởi vì nó vô dụng, nên nó cũng nguy hại. Khó tin làm sao những người Do Thái lại đơn giản về mặt chính trị như thế. Họ nhắm mắt trước những quy tắc nền tảng nhất trong cuộc sống: đó là chúng ta không thể nhân nhượng với những kẻ không sẵn sàng thỏa hiệp.

Có một ví dụ điển hình ở nước Nga ngày xưa, khi một trong những quốc gia đối địch đã đồng lòng phát động một cuộc thập tự chinh chống lại người Do Thái, tẩy chay và hành quyết họ. Cùng thời điểm đó, quốc gia này đang chiến đấu dành quyền tự trị mà không hề che dấu dự định sử dụng quyền tự trị để đàn áp người Do Thái. Còn tệ hơn trước đó. Vậy nhưng những chính trị gia và nhà văn người Do Thái (kể cả những người theo chủ nghĩa dân tộc) lại cho rằng nghĩa vụ của họ là phải ủng hộ việc kẻ thù của mình dành lấy quyền tự trị, bởi quyền tự trị là thiêng liêng cao cả. Thật đáng nể làm sao khi người Do Thái chúng ta xem đó là nghĩa vụ rằng ta phải đứng dậy và hò reo khi bản “Marsellaise” (quốc ca Pháp) vang lên, ngay cả khi nó được chơi bởi Haman (Haman the Agagite: nhân vật trong kinh thánh đã giết chết người Do Thái tại Ba Tư) và những cái đầu người Do Thái bị đập nát như tiếng đệm đàn. Tôi từng được kể rằng một người Dân Chủ nhiệt thành luôn đứng nghiêm trang như một người lính mỗi khi bản Marsellause vang lên. Rồi một đêm một toán trộm cướp đã xông vào nhà, một trong số chúng đang chơi bài Marsellaise. Những hành vi này chẳng hề mang tính đạo đức mà chỉ là chuyện tầm phào nhăng cuội. Xã hội con người được xây dựng trên nền tảng lợi ích song phương. Nếu anh lấy đi quy tắc song phương này nó sẽ trở thành sự dối trá. Mỗi một người bước qua cửa nhà tôi trên đường có quyền được sống chỉ khi anh ta thừa nhận quyền được sống của chính tôi; nhưng nếu họ quyết tâm giết tôi, thì tôi không thể thừa nhận quyền được sống của anh ta nữa. Điều này cũng đúng trên tầm quốc gia. Nếu không, thì thế giới sẽ trở thành một cánh rừng của bầy thú hoang, nơi không chỉ kẻ yếu, nhưng ngay cả những người mang trong mình tình cảm sẽ bị hủy diệt.

Thế giới phải là một nơi của sự hợp tác và lòng tốt song phương. Nếu chúng ta còn sống thì cách chúng ta sống phải như nhau, nếu chúng ta phải chết, thì tất cả chúng ta sẽ cùng chết chung một cách.

Nhưng không có một sự đức hạnh hay một đạo luật nhân đạo công nhận quyền lợi của một kẻ phàm ăn trong khi bao nhiêu người đang chết đói. Đạo đức duy nhất khả dĩ của nhân loại ở đây được đưa vào thực hành, đặc biệt trong hoàn cảnh của chúng ta: Nếu ngoài Chương Trình Helsingfors ra ta còn nhét đầy túi sự nhún nhường đủ loại, trong đó có sự tự nguyện tham gia vào cuộc đàm phán về một Liên Minh Ả Rập tuyệt vời od morza do morza (biển nối biển/from the sea to the sea) điều này chỉ khả thi nếu như người Ả Rập đồng ý kiến tạo nên một Palestine Do Thái. Tiền nhân chúng ta hiểu rõ điều này. Và Talmud trích dẫn một ví dụ pháp lý như sau – có mối liên hệ gần gũi đến trường hợp này. Hai người đi trên đường tìm được một mảnh vải. Một người nói: “Tôi tìm thấy nó nên nó là của tôi.” Rồi người kia đáp lại “Không đúng, tôi tìm thấy nó nên nó mới là của tôi.” Thẩm phán quyết định cắt mảnh vải làm hai, và mỗi kẻ cứng đầu kia lấy một nửa. Nhưng có một phiên bản khác nữa. Đó là khi chỉ có một trong hai bên tranh chấp là kẻ cứng đầu: người kia, ngược lại, muốn chứng tỏ với thế giới rằng anh ta thật cao thương. Nên anh ta nói rằng: “Cả hai chúng tôi đều cùng tìm thấy mảnh vải, vì thế tôi xin nửa phần của mình, vì phần kia thuộc về B. Nhưng bên B lại khăng khăng rằng anh ta tìm thấy nó nên anh phải sở hữu toàn bộ mảnh vải đó. Trong trường hợp này, Talmud đề nghị một quyết định khôn ngoan, nhưng lại thất vọng vô cùng cho người đàn ông lịch lãm kia. Thẩm phán nói rằng: “Bởi vì có sự đồng thuận về một nửa mảnh vải. Bên A đã thừa nhận một nửa sẽ thuộc về B. Nên sự tranh chấp chỉ xảy ra trong một nửa mảnh vải. Thế nên chúng ta sẽ chia nửa mảnh vải này thành hai mảnh nhỏ hơn: kẻ cứng đầu sẽ có ba phần tư, trong khi người “thanh cao” kia chỉ nhận được một phần tư, công bằng như ý anh ta mong muốn. Làm một người lịch lãm là tốt, nhưng trở thành một thằng ngốc thì không. Tổ tiên ta biết rõ điều này, nhưng chúng ta đã quên mất. Và chúng ta phải ghi nhớ điều này. Đặc biệt là khi tình thế ngày càng trở nên tồi tệ vì chúng ta nhượng bộ. Chúng ta không thể nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc Arab bằng không Chủ nghĩa Zionism sẽ bị phá hủy. Chúng ta không thể từ bỏ nỗ lực đoạt lấy Cộng đồng Do Thái đa số tại Palestine. Chúng ta cũng không thể cho phép bọn Ả Rập quản lý vấn đề di dân của người Do Thái hay gia nhập vào một Liên Đoàn Ả Rập. Chúng ta thậm chí không thể ủng hộ một phong trào Ả Rập nào cả, họ đầy sự thù địch và vì thế mà chúng ta, kể cả những người ra rả về sự ủng hộ với cộng đồng Ả Rập, phải hân hoan khi những phong trào này thất bại, không chỉ ở Transjordan kề cận, mà cả ở Syria và Morocco. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, không có một phương hướng nào khác cho đến khi Bức Tường Sắt vững vàng sẽ buộc cộng đồng Ả Rập nhân nhượng, đàm phán với chúng ta một lần cho mãi mãi.

III.

Hãy cùng nhau xem xét về quan điểm những kẻ cho rằng học thuyết này là vô lương. Hãy cùng nhau đào tận gốc rễ của sự tà ác – đó là chúng ta đang tìm cách đô hộ một đất nước, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân nơi đó, nói cách khác, bằng vũ lực. Mọi thứ khác phát sinh một cách không mong muốn từ gốc rễ này dĩ nhiên không thể phủ nhận. Vậy chúng ta phải làm sao?

Cách đơn giản nhất là tìm một quốc gia khác để xâm chiếm và đô hộ, như Uganda chẳng hạn. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng vấn đề, ta sẽ nhận ra rằng cái ác tương tự cũng tồn tại ở đó. Uganda đã có một dân tộc bản địa, và dẫu có nhận thức hay không như mọi trường hợp khác trong lịch sử, sẽ vùng lên phản kháng những kẻ thực dân. Tôi thừa nhận những người bản địa này da đen. Nhưng chẳng có gì thay đổi về mặt thiết yếu. Nếu như việc thuộc địa hóa một quốc gia và dẫm đạp lên mong muốn của cộng đồng bản địa và phi đạo đức, thì nó cũng phải được áp dụng lên người da đen ngang bằng với người da trắng. Tất nhiên, người da đen có lẽ không đủ tiến bộ để nghĩ đến việc gửi phái đoàn đến London, nhưng anh ta sẽ sớm tìm được những người bạn tốt bụng người da trắng, những người sẽ chỉ bảo cho anh ta cách. Dẫu cho những người bản xứ này thật bất lực, như một lũ trẻ, vấn đề sẽ chỉ trở nên ngày càng trầm trọng. Nếu như việc chủ nghĩa thực dân là thôn tính và cướp bóc, thì còn tội ác nào ghê gớm hơn cướp từ những đứa trẻ bất lực. Vì thế, thuộc địa hóa Uganda là phi đạo đức, và thuộc địa hóa bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này dẫu tên gọi là gì, đều là phi đạo đức. Chẳng còn nơi nào không người ở trên thế giới. Mỗi ốc đảo đều có một bộ tộc dựng đất cất nhà từ thời xa xưa, và họ sẽ không chấp nhận bất kì một sự nhập cư ồ ạt hay một sự thôn tính bởi ngoại bang. Vì vậy, nếu có một dân tộc không vùng đất, thì giấc mơ của họ về một quốc gia nơi họ gọi là nhà là một giấc mơ phi đạo đức. Những người không đất đai sẽ phải tồn tại như vậy đến thiên thu. Toàn trái đất này đã được phân chia rồi. Quá đủ: Vì Đạo đức đã nói như thế:

Từ góc nhìn Do Thái, đạo đức khoác trên mình một dáng vẻ thật thú vị. Mọi người nói rằng cộng đồng Do Thái chúng ta có tổng cộng 15 triệu người rải rác khắp nơi trên thế giới. Một nửa trong số đó không nhà cửa, bần cùng, bị săn lùng. Dân số Ả Rập tổng cộng 38 triệu người. Họ sinh sống ở Morocco, Algeria, Tunis, Tripoli, Ai Cập, Syria, Arabia và Iraq, một vùng đất rộng lớn bằng một nửa Châu Âu, nếu ta loại trừ những vùng sa mạc. Trong khu vực này mỗi dặm vuông có 16 người Ả Rập. Để so sánh thì Sicily có 352 người mỗi dặm vuông, Anh có 669 người. Và quan trọng hơn, hãy nhớ rằng Palestine chiếm khoảng một phần 200 tổng diện tích khu vực này.

Vậy nhưng nếu những người Do Thái vô gia cư muốn có Palestine cho chính họ, thì họ lại là bọn “vô đạo đức” vì cộng đồng bản địa không đồng ý với điều đó. Thứ đạo đức này chỉ được chấp nhận trong những bộ lạc ăn thịt người, chứ không phải thế giới văn minh. Đất đai không thuộc về những kẻ sở hữu thừa mứa mà là những người không có trong tay một tấc đất. Và công lý đơn giản làm sao, ta phải cắt đất từ những quốc gia được xem như chủ đất lớn nhất thế giới và chia phần cho những tộc người du mục lang thang không nơi đâu để gọi là nhà. Và nếu một quốc gia chủ đất hùng mạnh như vậy từ chối, thì cũng là lẽ tự nhiên thôi - họ sẽ phải tuân theo bằng sự ép buộc. Công lý được thi hành bằng vũ lực thì vẫn là công lý. Đây là chính sách Ả Rập duy nhất mà chúng ta cho là khả thi. Còn về sự đồng thuận, thì đợi khi có thời gian chúng ta sẽ tính tiếp.

Bao nhiêu khẩu hiệu đã được sử dụng để chống lại chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc; vài người đem Dân Chủ, đa số quyết định quyền tự quyết của một dân tộc. Điều đó có nghĩa dân số Ả Rập ở Palestine hiện nay đang chiếm đa số, họ có quyền tự quyết về định mệnh của họ, và họ sẽ quyết định rằng Palestine phải là một quốc gia Ả Rập. Dân chủ và quyền tự quyết là những quy tắc thiêng liêng, nhưng những quy tắc thiêng liêng như Tên của Chúa Trời không thể sử dụng bừa bãi - để làm bệ đỡ cho dối trá, để che đậy sự bất công. Nguyên tắc tự quyết không có nghĩa là nếu ai đó đã chiếm quyền một dải đất thì nó sẽ thuộc về anh ta mãi mãi, và những người bị buộc rời khỏi đất đai mình sẽ vô gia cư cho đến thiên thu. Quyền tự quyết có nghĩa là sự xét lại – xét lại về sự phân phối đất đai giữa những quốc gia có quá nhiều đất, họ phải chia đất cho những quốc gia ít đất và những người chẳng có miếng đất nào cả, nên mọi người trên thế gian này có thể thực thi quyền tự quyết. Và giờ đây khi phần đông những đế chế văn minh thừa nhận rằng người Do Thái có quyền quay lại Palestine, điều đó có nghĩa rằng người Do Thái, về nguyên tắc, cũng là “công dân” và “cư dân” của Palestine, họ chỉ bị đuổi đi hồi trước, và giờ đây sự hồi hương của họ sẽ là một hành trình dài, và hoàn toàn sai trái khi ta quả quyết rằng cư dân bản địa có quyền từ chối sự hồi hương này, vì “Dân chủ.” Nền Dân chủ của Palestine gồm có hai sắc tộc, sắc tộc địa phương và những người đã bị trục xuất, và nhóm thứ hai này sẽ chiếm đa số.

--- 

"Địa Cầu dần khép chặt" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Địa Cầu dần khép chặt"
Mahmoud Darwish
From English translation by Sinan Antoon

-

Vây quanh ta là Địa Cầu dần khép chặt
ép chúng ta đi qua hành lang cuối
ta cắt rời từng mảnh thịt để lách qua.

Địa Cầu đang bóp nát chúng ta.
Giá như chúng ta là ngọn lúa mì
để vươn mình sống dậy sau cửa tử.
Giá như Địa Cầu là mẹ sinh ra ta
để bà thương xót rủ lòng từ bi.
Giá như chúng ta là ảnh hình của đá
để giấc mơ mang ta bên mình như chiếc gương soi.

Ta đã thấy khuôn mặt những kẻ
sẽ ném con trẻ của chúng ta qua khung cửa chốn tận cùng.
Và trong gương chỉ còn lại những vì sao lơ lửng.

Ta phải chạy đi đâu khi chân chạm đường biên cuối?
Bầy chim bay về đâu khi đã đến cùng trời?
Và hàng cây say ngủ nơi đâu sau khi trút làn hơi cuối?

Chúng ta sẽ viết tên mình lên màn sương đỏ thẫm.
Chúng ta sẽ cắt rời tay bài quốc ca
để thịt da ta ngân lên khúc hát.

Và tại đây trên hành lang cuối
tất cả chúng ta sẽ ngã xuống
Để từ dòng máu ta tuôn trào
một cành ô-liu vươn tỏa.

----

(Hoài Phương dịch)

"Samih al-Qasim: Anh sẽ khắc tên chúng ta lên ngọn gió" by Phuong Nguyen

Samih al-Qasim và Mahmoud Darwish, nguồn ảnh từ Palestine Museum Digital Archive

"Samih al-Qasim: Anh sẽ khắc tên chúng ta lên ngọn gió"
From English translation by Zeina Azzam


(Được biết đến rộng rãi như một nhà thơ, Samih al-Qasim cũng là một người viết tiểu luận xuất sắc, ông thường viết bài bằng tiếng Ả Rập cho các tờ báo Palestine/Israel. Ông cũng là một diễn giả, một người viết thư tài năng. Trong hai năm từ tháng năm 1986 cho đến tháng năm 1988, al-Qasim và Mahmoud Darwish đã trao đổi với nhau bằng thư từ. Những lá thư được viết bằng tiếng Ả Rập này là một tượng đài của thi ca, của ngôn ngữ, tình bạn, tình yêu, và không ngạc nhiên khi ta nhìn về thân phận hai tác giả, chúng còn hàm chứa những tâm tình cảm động về quê hương và sự lưu vong. Được xuất bản dưới dạng những “lá thư”, tuyển tập này đã lập tức trở thành một danh tác kinh điển của văn học Ả Rập hiện đại. Lá thư dưới đây được viết ra khi họ mới bắt đầu trao đổi. Trong thư trước đó Mahmoud Darwish đã nhờ al-Qasim đến thăm tàn tích quê nhà ông: làng al-Birweh ở Galilee, và đi tìm cây minh quyết (carob) vẫn còn trụ vững tại đó. Darwish viết rằng, “Nếu ngày mai anh có đi qua cây minh quyết, hãy trao cho nó một cái ôm và khắc tên chúng ta lên cội cây ấy.”)

——-

Gửi em trai Mahmoud:

Những ngày gần đây cái nóng trở nên thật kinh khủng và mực nước hồ Tiberias đã chạm mức thấp kỷ lục. Đây là lời cảnh báo mà đến các vị chóp bu cũng phải lo lắng đến nỗi họ chính thức ra thông cáo về một đợt hạn khẩn cấp. Bộ trưởng bộ nông ghiệp đã ban hành những giải pháp vô cùng khắt khe nhằm cắt giảm phân phối lượng nước tưới tiêu. Những phòng ban khác từ kinh tế, y tế và thậm chí là cả quân đội cũng dự đoán rằng sớm thôi, sẽ đến phiên họ thực thi các giải pháp khắc nghiệt tương tự. Hồi đầu anh không lo lắm. Thậm chí anh còn thấy vui. Anh mường tượng mình sẽ hạnh phúc biết bao nếu hồ Tiberia hoàn toàn trơ đáy. Và biết đâu năm sau sẽ chẳng còn tuyết rơi ở Jabal al-Shaykh? Điều gì sẽ xảy ra khi những mạch ngầm chảy vào sông Jordan cạn kiệt? Có lẽ rêu xanh sẽ bắt đầu nảy nở, để rồi chính chúng cũng khô lại, rã nát và dần hóa đá. Những bụi lau sậy sẽ khô cong. Cây cối héo tàn. Muông thú và những cánh chim di tản. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao. Màu xanh ngả vàng, màu vàng thâm thành nâu tối, để rồi màu nâu bạc thành sắc xám. Và rồi chúng sẽ tuyên bố rằng đất nước chúng ta đã chính thức sa mạc hóa. Cái nóng cuồng nộ dâng trào cho đến khi anh tìm thấy chính mình lần nữa, một Bedouin(1) hân hoan ngồi giữa sa mạc hạnh phúc của chính mình.

Hồi đầu anh chẳng lo lắng gì cả. Rồi sự sợ hãi bắt đầu gặm lấy anh như một con chuột đói. Vậy nhưng sau đó anh nhận ra rằng chúng sẽ giải quyết vấn đề khẩn cấp với nguồn nước này bằng tác phong Israeli truyền thống. Chúng sẽ đi đến Liên Hiệp Quốc, vạch ra những yêu sách về một quốc gia Israel vĩ đại như Thánh Kinh Torah từng ước định, để rồi chiếm hữu nguồn nước của sông Nile và dòng Euphrates.

 Ôi không, Mahmoud, người bạn quý mến của anh ơi! Thật sai trái nếu hồ Tiberias khô cạn và dòng Jordan thu hẹp. Đỉnh Jabal al-Shaykh(2) không thể xuất hiện cùng một cái đầu hói. Ngọn núi này cần phải đội trên đầu một lớp tuyết dày, như chiếc khăn turban của nỗi sầu bi, và cũng để đảm bảo nguồn nước cho bè lũ Zion ấy!

Em đã quay về vết thương đầu tiên ấy trong thư - ký ức tuổi thơ trỗi dậy khi bị dày xéo dưới gót giày một người lính Anh Quốc tên George, để rồi giật nảy mình trước đôi hài của Shlomo. Em đã quay về thời khắc bị đuổi đi một cách bạo ngược khi đang chơi đùa cùng những chú thằn lằn ở làng al-Birweh(3). Anh biết nói gì với em đây? Anh có thể nói gì về những trải nghiệm của chúng ta, ba ngày ba đêm chỉ mặc mỗi một bộ đồ, một đôi dép, chờ đợi một thiết tăng Do Thái trở về từ đống gạch vụn từng là làng al-Birweh. Anh có thể nói gì về sự kinh hoàng rúng động tâm can ấy (vì chỉ trẻ con mới biết sợ, đúng không?!), khi ta chuẩn bị chạy trốn. Lần này ta không chỉ lánh nạn đến điền trang ô-liu hay những hang động ở Jabal Haydar, mà là lưu vong trên chính vùng đất Ả Rập. Có lẽ anh mất trí thật rồi khi chọn ở lại.  Anh thất vọng vì em đã rời đi. Ký ức về thời gian tên gọi Nakba ấy không ngừng ám ảnh anh. Anh vẫn dằn vặt rằng mình là kẻ thất bại ra sao vào cái ngày đứa trẻ là anh hối hả chạy theo cha xuống đường. Ông vơ lấy khẩu súng trường rồi lao đến phòng tuyến bảo vệ làng al-Liyat sau khi hay tin làng al-Birweh đã thất thủ và quân chinh phạt đang trên đường tiến đến. Cha anh đội trên đầu một chiếc khăn kufiyyah màu trắng cùng một sợi dây thêu mà ông đã giữ bên mình từ thời đi nghĩa vụ quân sự cùng lính biên phòng ở Transjordan. Anh chạy theo ông, đầu đội chiếc mũ sắt mà ông đã giữ lại sau khi rời quân ngũ – phòng cho những ngày khó khăn phía trước. Anh nhớ rõ ông tức giận ra sao khi quát mắng anh rằng, “Đi về nhà ngay và hãy ở bên cạnh mẹ và các chị em của con!” “Còn cái mũ thì sao?” Anh nài nỉ. “Cầm lấy nó đi cha!” (Anh không quá lo lắng cho cha vì anh rất tự hào về ông. Và ngay tại giây phút đó, anh chợt nhớ đến bài hát chúng ta từng ngâm nga ở sân chơi, khi leo trèo giữa tàn cây, “Do Thái, lũ Do Thái khốn kiếp - điều gì đã đưa các ngươi đến vùng đất chiến tranh?”)

Cha đã bỏ lại cái mũ. Chỉ với khẩu súng trường cùng với vài viên đạn ít ỏi, ông chẳng bảo vệ nổi một tấc đất. Còn những kẻ đã đến nhân danh phòng vệ (và “giữ” đất) – chúng tháo quân hàm, vứt vũ khí cùng với lòng danh tự để rồi tẩu tán từ bắc sang đông như một lũ cừu. Chính bọn chúng mới là lũ khốn kiếp!

Một năm sau khi cha mất, anh lấy hết can đảm xem lại giấy tờ của ông. Anh tìm thấy một lá thư từ “Thiếu tướng Amer,” người chỉ Huy Đội quân Cứu thế Ả Rập chịu trách nhiệm về khu vực gần làng al-Ramah. Trong thư, ông ta hứa rằng sẽ công nhận cha anh như một chiến binh và phong cho ông hàm đại úy, như một cách động viên tinh thần chiến sĩ. Em trai ta ơi, những gì xảy ra sau đó giữa sự mồ côi và đại họa là đây: Thiếu tướng Amer đã đào ngũ ngay lập tức cùng với những sĩ quan và binh lính. Chẳng còn gì sót lại trong thung lũng trừ đá cuội, xác thường dân nát vụn bên những khẩu súng vô dụng cùng băng đạn ít ỏi của họ.

Bây giờ em sẽ tìm thấy những kẻ lên án chúng ta như lũ hèn nhát đã tháo chạy và bỏ rơi quê nhà. Một lũ lợn dối trá! Đồng bào ta đã kiên cường và chiến đấu với sự nhiệt thành sôi sục mặc dù cái thứ “cân bằng quyền lực” như cách ta gọi ngày nay đã hoàn toàn chống lại họ. Đồng bào ta là những vật hy sinh sẵn có, được đặt giữa cây búa của lũ xâm lược man rợ và chiếc đe của những hứa hẹn hão huyền.

Em trai Mahmoud, nhà thơ khốn khổ của ta ơi, điều gì đã lôi em vào trò cân não bạo liệt này? Ai đã nhồi nhét những cây minh quyết(4) của làng al-Birweh – và tất cả cây cối trên toàn thể Palestine – vào trong cơ thể mỏi mệt của em? Có phải là những người khai hoang ở Phần Lan buồn chán? Hay là bài hát thê lương về tàn tích của một quê hương đau đớn?  

Em trai yêu quý của anh, giờ đây anh thậm chí không chịu nổi khi hoa mơ bung nở– nên vì sao em trao cho anh gánh nặng của cây minh quyết ở làng al-Birweh? Những đóa hoa mơ chúng ta từng hái - trước khi chúng bị bứt rời khỏi tuổi thơ ta - giờ đã hóa thành biểu tượng của thành phố Carma’il. Em có còn nhớ chúng không? Mahmoud à, giờ đây chúng ta chỉ là hai con ký sinh trùng trên một đóa hoa mơ khai nở.

Và em ép tất cả vào trong lá thư, em nén chặt lên ta những hàng cây minh quyết cùng dòng nước mắt tuôn trào và những khúc hát buồn bã từ Phần Lan lạnh lẽo, xa xôi. Đổi lại, anh sẽ kể cho em sự thật quý giá này mà chẳng cần những lời trang hoàng bóng bẩy. Tình bạn đẹp đẽ của chúng ta có nhiều lo âu đặc thù cùng những nỗi buồn gián đoạn nhưng không bao giờ kết thúc. Chúng ta cả gan phạm phải trọng tội – vĩnh viễn và triệt để đồng nhất con người với tổ quốc, cá thể với tập thể, đồng nhất cá nhân và mục đích. Đôi khi anh tự hỏi rằng: có phải chúng ta đang đọc bài thơ của chính mình, hay đó là quê hương đang ngâm lên khúc hát? Chúng ta viết nên bài thơ, hay bài thơ đang kể về chúng ta? Đâu là nơi sự riêng tư chấm dứt và tính tập thể bắt đầu? Liệu có còn điều gì ở chúng ta là sự riêng tư? Đôi khi anh ngờ rằng có lẽ chúng ta chưa từng yêu một người phụ nữ vì chính bản thân cô ấy. Và cũng chưa ai từng yêu chúng ta vì chính bản thân ta. Anh tưởng tượng rằng khi chúng ta ăn uống, đi dạo, khi ta yêu và du hành, khi chúng ta giận dữ rồi hạnh phúc, chúng ta làm tất cả những điều này giữa một cơn mang tên quê nhà.  

Tại sao anh lại nói với em những điều này? Bởi em đã gửi gắm cho anh những hàng cây minh quyết. Vì thế mà anh muốn thành thật với em. Từ khi chúng ta bị chia cắt, mà không, có lẽ từ khi chúng ta quen biết, anh đã luôn lảng tránh tàn tích của làng al-Birweh cùng những hàng ô liu, những rặng minh quyết, những khóm xương rồng. Mỗi khi tình cờ bước qua, anh lảng đi để khỏi phải nhìn vào chúng. Và những lúc anh buộc mình phải căng mắt nhìn, trái tim anh đau đớn khôn cùng như thể một con bò cạp vàng đã châm ngòi độc không thương xót. Đừng ghen tỵ vì anh đã ở lại. Nơi đây là Địa Ngục. Và ở phía đó cũng là Địa ngục bủa vây. Địa ngục trường tồn cho đến ngày ta chạm đến Thiên đường, khi những đứa trẻ Palestine vẫy lá cờ đất nước ta trong buổi chào đón một nguyên thủ quốc gia hay một ngày lễ linh thiên thành kính – Ngày Khải Hoàn, Ngày Tự Do, và Ngày Độc Lập.   

Xin em tha thứ cho anh. Anh sẽ không đến thăm cái cây tuổi thơ của em tại làng al-Birwa và anh sẽ không khắc tên chúng ta lên gội gỗ già ấy… Vì sự thật, toàn vẹn và đơn giản vậy thôi: Anh không làm thế được. Nhưng anh có thể làm một điều khác: anh sẽ khắc tên chúng ta trên đầu ngọn gió. Rồi anh sẽ khắc ngọn gió vào dải đất quê hương. Và quê hương sẽ hằn sâu trong da thịt của anh. Để rồi anh rải rắc từng mảnh thịt chính mình khắp những bài thơ. Để kết thư thì Nawal và bọn trẻ nhờ anh gửi lời chúc lành đến em… Gia đình anh biết em rất rõ nhờ vào những bức ảnh, nhờ vào thi ca và những cuộc điện thoại. Không lâu trước đây con trai anh Watan Muhammah hỏi rằng, “Sao chú Mahmoud chẳng bao giờ đến thăm mình, như khi chúng ta đến thăm chú ấy?” Anh nói rằng, “Chú Mahmoud bận lắm, nhưng một ngày khi xong việc chắc chắn chú sẽ đến thăm chúng ta.”

Anh đã kể với em rằng anh đã bỏ rượu chưa? Thật tốt làm sao giờ đây anh đảm bảo được một chỗ cho mình ở vòng loại trước cửa thiên đường. Dạ dày của anh cũng không còn quặn đau nữa. Em thì sao? Hãy thư giãn nhé. Như một câu châm ngôn ông bà từng nói, “Những người già biết cách tự chữa lành chính họ.” Những chiêu trò ngày xưa chẳng còn tác dụng nữa đâu, người bạn quý của anh. Chúng ta đã già rồi.

                                                                                           Anh trai em Samih Al-Qasim

                                                                                          (Al-Ramah, 6/10/1986) 

——

(Hoài Phương dịch)

Nguồn bài viết: https://www.jadaliyya.com/Details/31145

(1)Bedouin: một bộ lạc Ả rập du mục sinh sống trong những vùng sa mạc tại bán đảo Ả Rập, Bắc Phi, vùng Levant và Mesopotamia.

(2) Jabal al-Shaykh: Tên gọi Ả Rập của núi Hermon ngày nay nằm trong địa phận chiếm đóng Israel. Tên gọi của dãy núi này trong tiếng Ả Rập có nghĩa “Ngọn núi của những vị thần”, đây là một mốc địa lý quan trọng từ thời đồ đồng và được nhắc đến trong sử thi Gilgamesh.

(3) al-Birweh: ngôi làng nơi Mahmoud Darwish đã sinh ra, và đã bị xóa khỏi bản đồ trong cuộc xâm lược của Israel trong thảm họa al-Nakba.

(4) cây minh quyết: cây carob (tên khoa học Ceratonia siliqua) , một loại cây thường xanh cho ra hạt giống như cây cacao để làm chocolate phổ biến ở lưu vực Địa Trung Hải.

Chuyến tàu đã lỡ (Mahmoud Darwish ) by Phuong Nguyen

Chuyến tàu đã lỡ
Mahmoud Darwish
English translation by Nezar Andary

——

Nhanh chân lên vì chuyến tàu đã lỡ.
Và nơi đây ta đã luôn chờ đợi
bên vệ đường
Bao vãng khách hối hả lao đi
giữa cuộc đời thường nhật… còn ta
Ta tiếp tục đợi.

Khao khát bao điều còn tàng ẩn
ngày càng xa xăm nhưng đang dần xảy đến.
Sự lãng quên chẳng xua đuổi ta đi.
Và ký ức cũng không kéo ta lại gần
bên người đàn bà ấy
và nếu vầng trăng âu yếm chạm tay
nàng sẽ thét lên rằng: chính ta mới là vầng trăng.

Nhanh chân lên vì chuyến tàu đã lỡ.
Thời gian của ta lây lất ở bên đường
nào có thuộc về ta.
Thời khắc đã đổi thay
Mấy giờ rồi?
Cái gì ngăn lối ngày hôm qua
với ngày mai
khi những người gypsie lên đường di cư?

Nơi đây ta đã chào đời mà chẳng thể để lại người thừa tự.
Và chuyến tàu này
sẽ hoàn thiện cuộc hoài thai ngoan cố ấy
khi cơn say đang điên cuồng vây lấy.

Nơi đây ta được tìm thấy nhưng chính ta lại chẳng tìm ra
bất cứ thứ gì.
Trên chuyến tàu này ta đã chạm trán
linh hồn ta, chất chứa
đôi bờ một dòng sông đã chết
như cách một thanh niên ngã xuống.

 

Nhanh chân lên vì chuyến tàu đã lỡ.
Nó vút qua khi ta ngồi đó
như một sân ga, bối rối rằng liệu ta nên
nói lời tiễn biệt hay cất lời chào tha nhân:
Rảo bước trên vệ đường,
Một lời chào mừng
Một quán cà phê
Những văn phòng
Những đóa hồng
Những chiếc điện thoại
Tờ báo
Những chiếc bánh mì kẹp
Âm nhạc, cùng với
nhịp điệu dành riêng cho
một thi nhân khác sẽ đến đây trong nỗi đợi chờ.

Nhanh chân lên vì chuyến tàu đã lỡ.
dẫu ta đã muộn
nhưng vẫn còn đây nỗi đợi chờ.

——

(Hoài Phương dịch)

From Mahmoud Darwish’s latest collection, “Why Did You Abandon The Horse” (Riyad Naguib El Rayess, 1995)

Translated from the Arabic by Nezar Andary.

This poem appeared in Al Jadid Magazine, Vol. 4, No. 23, Spring 1998.

.

"Nếu anh thấy mình cô độc..." (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Nếu anh thấy mình cô độc
Mahmoud Darwish
English translation by

——

Nếu anh thấy mình cô độc, hãy nhủ thầm:
Sự lưu vong đã thay đổi dáng hình…
Chẳng phải trước anh, Abu Tamman từng đau đớn
khi ông gặp gỡ chính bản thân mình:
“Ngươi không còn là ngươi
và nhà cũng chẳng còn là nhà…”
Vạn vật chứa đựng lòng ái quốc trong anh:
Đóa hoa dại vươn lên từ góc nhỏ hoang tàn,
Ký tự “H” trong cái tên anh được chú chim sẻ điêu khắc
trên cành cây phỉ gãy ngang
kìa chú ong nhỏ châm chích cánh tay anh giang rộng
như đang với lấy một con ngỗng
phía bên kia bờ rào.
Và với riêng anh:
Tấm gương soi vào nỗi thất vọng
để rồi anh… mà cũng chẳng phải là anh, cất tiếng:
“Gương mặt ta đã thất lạc nơi đâu?”
Anh đào bới giữa bao món đồ thường nhật
hòng tìm lại cảm xúc,
hạnh phúc bật lên tiếng khóc
một thất vọng trào dâng nhoẻn miệng cười thầm…
Anh đã tìm thấy chính anh chưa?
Hãy nói với bản thân rằng: Ta chỉ thấy mình cô độc,
dẫu đã lỡ mất hai tuần trăng
nhưng quê nhà là nơi chốn vĩnh hằng.

——

(Hoài Phương dịch)

Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn by Phuong Nguyen



Thơ của Mahmoud Darwish, đặc biệt về giai đoạn sau, không còn miêu tả trực diện những gì xảy ra trước mắt hay miêu tả cảm xúc dữ dội (một ví dụ về giai đoạn đầu là bài thơ Giấy căn cước). Ông rẽ hướng sang một lối viết mới trừu tượng hơn, huyền bí hơn, mang tính kể chuyện, trích dẫn điển tích, và có phần siêu thực để kể lại lịch sử của Palestine. Bài thơ sau đây thuộc về giai đoạn sau.

"Có một ghế trống cho tôi giữa rạp chiếu bóng hoang tàn"
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Có một ghế trống cho tôi
giữa rạp chiếu bóng hoang tàn ở Beirut.
Hồi kết của nó
tôi đã quên, hoặc không còn nhớ rõ.
Không có gì đáng để chờ đợi
bởi vở kịch được dựng nên khá vụng về:
Hỗn loạn… đoàn người tuyệt vọng
đang kể lại trận chiến, những câu chuyện
mà khán giả đã quen thuộc.
Bỗng nhiên các diễn viên xé toạc kịch bản,
rồi hối hả đi tìm gã biên kịch trong hàng ghế khán giả -
những nhân chứng vốn đã ngồi đây trước khi họ xuất hiện.
Tôi thì thầm với tay nghệ sĩ ngồi trước mình:
Đừng vội thủ thế, hãy kiên nhẫn,
trừ khi anh chính là gã biên kịch đó.
- Không phải tôi.
Hắn hỏi ngược lại: Thế ông có phải tay biên kịch đó không?
- Không phải.
Chúng tôi ngồi rúm ró trong sợ hãi. Tôi mở lời:
Can đảm lên, giữ lòng trung lập,
rồi vùng lên trước số phận đang ập đến.
Anh ta trả lời: Màn sau chẳng có ai hy sinh anh dũng
nên tôi sẽ đợi những màn sau nữa.
Biết đâu tôi sẽ đổi vai ở hồi cuối,
tùy xem mớ sắt thép kia làm gì với những người anh em của mình.
Tôi thốt lên: Vậy ra anh chính là hắn!
Anh ta đáp rằng: Cả ông và tôi đều là những tay biên kịch giấu mặt
những nhân chứng ẩn danh.
Tôi đáp: Tôi thì liên quan gì? Tôi chỉ là một khán giả đến đây xem kịch!
Anh ta tiếp lời: Bên lề vực thẳm không ai là khán giả…
không ai có thể trung dung. Anh phải chọn phe
khi vở diễn đã gần kề hồi kết.

Tôi trả lời: Nếu vậy tôi cần biết khởi đầu của mọi sự.
Mọi thứ đã bắt đầu ra sao?



(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Rạp chiếu bóng Nasser ở Gaza, năm 1961

Nếu ta là một ai khác giữa đoạn đường... by Phuong Nguyen

Nếu ta là một ai khác giữa đoạn đường...
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Nếu ta là một ai khác giữa đoạn đường, ta sẽ không
ngoái nhìn – Ta sẽ nói những gì một người đàn ông
phiêu bạt nói với người đàn bà lãng du: Xin chào, hỡi người lạ
hãy đánh thức cây đàn guitar, hãy trì hoãn ngày mai
chờ con đường trải rộng, và cùng nhau
chúng ta sẽ trốn thoát khỏi câu chuyện này: Nơi nàng chỉ là nàng
nơi ta từng là một ai khác trước khi đôi ta gặp gỡ tại giây phút này.

 

Nếu ta là một ai khác giữa đoạn đường
ta sẽ vẫn thuộc về nơi đây, chẳng còn đường lui cho ta
lẫn nàng. Hãy gọi đàn guitar thức dậy để rồi chúng ta
dò dẫm bước đi giữa vùng đất xa lạ, bao hướng đi mời gọi
vãng khách bước vào thử thách của trọng lực. Ta chẳng khá hơn
những bước chân đặt xuống. Nàng là la bàn
mà cũng là vực thẳm. Nếu ta là một ai khác
ta sẽ chôn sâu xúc cảm này ở đáy chiếc vali
cùng những bài thơ trắng muốt, tan chảy
trong suốt trừu tượng.
Chúng phát sáng, cứng cỏi hơn kỷ niệm
mong manh hơn giọt sương, và ta sẽ nói rằng:
Bản ngã của ta là mênh mông trải rộng.

Nếu ta là một ai khác giữa đoạn đường, ta sẽ nói
với cây đàn guitar: hãy dạy cho ta những phím đàn mới,
bởi quê nhà ngày càng xa xôi. Con đường hồi hương
ngày càng đẹp tuyệt vời – đây sẽ lời cho một bài hát mới -
đường càng dài rộng, ý nghĩa càng căng tràn sức sống
Từ một hóa thành hai trên nẻo đường.
Là ta
và một ai khác…

 

Ký ức cho sự lãng quên by Phuong Nguyen

Chân dung Mahmoud Darwish được chụp bởi nhiếp ảnh gia Leonardo Cendamo tại Turin, Italy

KÝ ỨC CHO SỰ LÃNG QUÊN

Beirut, tháng 8, 1982

-

Đừng uống cà phê trong vội vã. Nó là người chị của thời gian, thế nên ta phải hớp từng ngụm, từng ngụm thật chậm rãi. Cà phê là âm thanh của hương vị, là lòng mặc tưởng cuốn ta vào dòng chảy của ký ức và linh hồn. Cà phê là một thói quen mà cùng với thuốc lá mời gọi ta đến bên một thói quen khác nữa - một tờ báo.

Tờ báo đâu rồi? Chỉ mới sáu giờ sáng mà tôi đã lọt thỏm vào địa ngục. Tin tức cần phải được đọc chứ không chỉ nghe thấy, nên một sự kiện chưa trở thành sự kiện trừ khi nó được ghi chép lại. Tôi biết một nghiên cứu sinh ở sở ngoại vụ Israel đã chối đây đẩy “tin đồn” rằng Beirut đang bị vây hãm, anh tuyên bố rằng trừ khi bản tin đó được viết bằng tiếng Hebrew, bằng không thì tấy thảy những gì anh đọc đều không xác thực. Anh nhất mực không tin rằng Beirut đang bị phong tỏa chỉ vì tờ báo Israel ấy chưa đến kịp tay. Nhưng đây không phải là điều điên rồ nhất khiến tôi khốn khổ. Với tôi, tờ nhật báo thực sự là một cơn nghiện. Tờ báo ấy đang ở đâu?

Những chiếc máy bay phản lực đang cuồn cuộn kéo đến. Bầu trời như phát điên. Thật quá sức điên rồ. Hừng đông cảnh báo ta rằng hôm nay là ngày cuối cùng của Sáng Thế. Chúng sẽ dội bom ở đâu? Có nơi nào mà chúng không oanh tạc? Khu vực vòng quanh sân bay có đủ rộng để nuốt chửng những đợt pháo kích này, dữ dội bạo tàn đến mức có thể hạ sát cả biển khơi? Tôi mở đài lên và ùa vào tai là những đoạn quảng cáo vui vẻ: “Thuốc lá Merit – đậm đà và ít nicotine hơn trước!” “Đồng hồ Citizen - vì thì giờ chính xác!” “Hãy đến với Marlboro, hãy đến nơi khoái lạc chờ đợi!” “Nước khoáng Sức Khỏe - Sức khỏe đến từ núi cao!” Nhưng nước ở đâu? Tiếng nói của những nữ phát thanh viên trên đài Monte Carlo bỗng ngày càng e thẹn, như thể họ vừa bước ra khỏi bồn tắm hay từ chốn phòng the kịch tính: “Oanh tạc dữ dội tại Beirut.” Oanh tạc dữ dội tại Beirut! Nhẽ nào bản tin này được phát đi như một tin vắn giữa một ngày bình thường, trong một cuộc chiến bình thường từ một đài phát thanh bình thường không kém? Tôi chuyển sang đài BBC. Những giọng nói lãnh đạm chết người đang hút tẩu phì phèo giữa phiên điều trần với khán thính giả. Giọng nói được phát đi qua làn sóng ngắn, rồi khuếch đại lên thành sóng trung nơi nó được biến chuyển thành âm thanh như những biếm họa gớm guốc: “Phóng viên của chúng tôi cho biết rằng, đối với những bên quan sát thận trọng thì có vẻ những gì đang diễn ra sẽ trở nên rõ ràng hơn dần dần khi phát ngôn viên các bên lên tiếng, trừ khi xảy ra khó khăn trong việc tiếp cận các sự kiện, điều này chỉ ra rằng hai phe trong cuộc chiến đang đặc biệt cố gắng không đề cập đến những phỏng đoán mơ hồ có thể tiết lộ danh tính những phi cơ cũng như phi công chưa xác định, nếu chúng ta muốn biết chính xác hơn thì điều này sẽ khẳng định rằng một số người đang mặc quân phục rất đẹp.” Giọng Ả Rập thanh lịch với những thông tin chuẩn xác làm sao, được kết lại bằng khúc hát của Muhammad Abd al-Wahhab bằng thứ ngôn ngữ Ả Rập bình dân cùng những xúc cảm chuẩn xác nhất: “Đến đây gặp anh, hoặc nói cho anh biết anh có thể gặp em nơi nào / Nói anh biết phải đi về đâu, hoặc từ bỏ em bây giờ.”

Những giọng đều đều i hệt nhau. Như hạt cát diễn tả đại dương. Những lời hùng biện chối tai, vô sỉ, chúng diễn tả cái chết như dự báo thời tiết, thậm chí bản tin về con ngựa hay một trận đua xe còn khá hơn thế. Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tôi mở cửa vài bận mà chẳng thấy tờ báo nào cả. Tại sao tôi lại đi tìm một tờ báo trong khi những tòa nhà đang đổ sập từ mọi hướng? Lẽ nào như thế chưa đủ ghi chép hay sao?

Có điều gì đó không đúng. Kẻ đi tìm tờ báo giữa địa ngục này là kẻ đang cố trốn chạy khỏi cái chết cá nhân đến bên một cái chết tập thể. Anh ta đang đi tìm cặp mắt một con người, để cùng sẻ chia sự im lặng, cầu mong một mẩu đối thoại. Anh ta đang tìm cách tham gia vào cái chết này, bởi bằng chứng chỉ được phơi bày với một nhân chứng và những nấm mồ sẽ phủ lên xác người, vì người truyền tin về con ngựa khụy ngã, nhân danh diễn ngôn và câm lặng, để vơi đi buồn chán trong nỗi chờ đợi một cái chết không thể tránh khỏi. Bởi lũ quái thú mình đồng da sắt này đang gầm lên rằng chúng sẽ không buông tha ai trong hòa khí, và sẽ chẳng một ai đếm những xác người.

Tôi lừa dối bản thân rằng: Chẳng cần tìm kiếm bất kì dòng miêu tả nào về quang cảnh xung quanh hay nội tâm bất an đang rò rỉ. Sự thật là tôi sợ hãi mình sẽ rơi vào hoang tàn đổ nát để rồi trở thành miếng mồi cho một tiếng rên không ai nghe thấy. Điều đó thật rất đớn đau. Đau như thể chính mình đang đi qua nỗi đau ấy, như thể mọi thứ đã xảy ra rồi. Và tôi ở ngay đó, dưới tấn gạch vụn. Tôi cảm thấy nỗi đau đang dày xéo những con thú bị nghiền nát vang vọng từ tâm khảm. Một tiếng khóc bật ra trong đau đớn mà chẳng ai nghe thấy. Nỗi đau như một bóng ma, đến từ phía ngược lại - từ những gì có thể xảy ra. Có những người chân trúng đạn vẫn còn cảm thấy cái đau nhói thịt tận vài năm sau khi chân đã bị cắt. Họ vươn tay chạm vào nỗi đau ở nơi chẳng còn cẳng chân nữa. Cơn đau tưởng tượng như một bóng ma ấy có lẽ sẽ bám theo họ đến ngày cuối cuộc đời. Nhưng tôi lại cảm thấy cái đau của một vết thương chưa xảy đến. Đôi chân tôi đã ở đó, gãy nát dưới đống gạch vụn.

Đây là điềm báo cho tôi. Có lẽ tôi sẽ không ra đi trong ánh chớp lòa của pháo kích khi chưa kịp nhận thức điều gì đang xảy ra. Có lẽ một bức tường sẽ chầm chậm đổ xuống thân xác này, khiến tôi đi qua một đau đớn kéo dài đến thiên thu, tôi gào khóc, nhưng không một ai nghe thấy. Có lẽ cẳng chân, cánh tay và cả hộp sọ tôi sẽ bị nghiền nát. Hoặc lồng ngực tôi bị đè chặt để rồi thoi thóp tận vài ngày sau, khi chẳng một ai có đủ thời gian đi tìm thịt da còn sót lại của người xa lạ trong đổ nát. Có lẽ mảnh thủy tinh từ tròng kính vỡ sẽ găm vào đôi mắt khiến tôi mù lòa. Hay một cây cọc sắt sẽ xiên qua mạn sườn, hoặc tôi nằm đó chìm dần vào lãng quên, bên đống thịt thối bị xé nát thành từng mảnh nhỏ vùi trong cát bụi.

Nhưng tại sao tôi lại quan tâm đến nơi chốn lẫn những điều sẽ xảy đến với xác chết của chính mình? Tôi không rõ. Tôi mong muốn một đám tang chỉnh tề cùng một cơ thể toàn vẹn không nát vụn từng mảnh, được đặt ngay ngắn trong một quan tài gỗ, với một lá cờ bốn màu rõ rệt phủ lên trên (dẫu cái tên đến từ một dòng thơ mà âm thanh phát ra không diễn đạt được ý nghĩa của chúng) và bè bạn sẽ khiêng tôi trên vai, bên những người vừa là bạn, mà cũng là kẻ thù.

Và tôi muốn vòng hoa kết từ hoa hồng vàng và đỏ. Tôi không thích màu hồng rẻ tiền, và xin đừng mang đến Tử Linh Lan, vì chúng tỏa mùi cái chết. Tôi muốn có một phát thanh viên không ba hoa lắm mồm, giọng không khàn đục và có thể diễn một vở sầu bi thuyết phục. Giữa những đoạn băng phát lại lời tôi từng nói, tôi muốn anh ta phát biểu vài lời. Tôi muốn một đám tang gọn gàng và bình thản; và tôi muốn nó thật hoành tráng, không phải một dịp tụ tập mà là một sự tiễn đưa đẹp đẽ. May mắn làm sao kẻ đã chết trong ngày đầu tang lễ, khi bao người thăm viếng tranh nhau ca tụng họ! Trong ngày hôm đó, họ là hiệp sĩ, là người yêu, là người trong sạch nhất! Không lời vu khống, không lời nguyền rủa, không cả tỵ hiềm. Và bởi vì chẳng có vợ con, mọi sự sẽ càng tuyệt vời hơn cho tôi hơn nữa. Những bè bạn tôi chẳng cần tốn sức đọc một điếu văn dài thê lương không hồi kết cho đến khi người góa phụ mủi lòng thương người đương phát biểu. Những đứa trẻ cũng giữ được phẩm hạnh của chúng, vì chẳng phải chầu chực trước cửa viện hành chính vận hành bởi một lũ quan liêu theo kiểu bộ lạc. Tuyệt làm sao bởi tôi chỉ một mình, một mình và một mình thôi. Vì lí do đó mà tang lễ của tôi không cần phúng điếu để không ai phải lo lắng về việc có đi có lại, và khi hậu sự xong xuôi, những người đưa tang có thể quay lưng bước về đời sống thường nhật. Tôi muốn một cỗ áo quan tao nhã, và nằm trong đó tôi dõi mắt ra nhìn đoàn người thăm viếng, như những gì biên kịch Tawfiq al-Hakim từng toan tính. Tôi muốn quan sát cách họ đứng, đi lại, thở dài, cách họ biến nước bọt thành những giọt nước mắt. Tôi cũng muốn nghe trộm những lời mỉa mai: “Hắn từng trăng hoa lắm.” “Hắn bảnh bao diêm dúa cực kì.” “Tấm thảm trong nhà hắn dầy lông ngập đến gối.” “Hắn có một lâu đài bên vùng duyên hải Pháp, một biệt thự ở Tây Ban Nha và một tài khoản bí mật tại ngân hàng Zurich. Hắn cũng bí mật sở hữu một phi cơ riêng và năm chiếc siêu xe tại tầng hầm ở Beirut.” “Bọn này không chắc hắn có một du thuyền ở Hy Lạp không, nhưng nhà hắn chất đầy vỏ ốc đủ để xây cả một trại di tản.” “Hắn lừa dối đàn bà.” “Nhà thơ đã chết, mang theo tất cả thi ca. Và còn gì sót lại? Vai trò của ông đã chấm dứt và chúng ta sẽ khép lại huyền thoại về ông. Ông ấy mang theo những bài thơ rồi biến mất. Dù sao thì ông ấy từng có một cái mũi dài, lưỡi ông cũng thế.” Khi trí tưởng tượng được thả rông thì tôi sẽ còn nghe nhiều điều khắc nghiệt hơn vậy nữa. Nhưng tôi sẽ cười trong cỗ áo quan của mình và thử cất tiếng rằng, “Đủ rồi đấy!” Tôi thử quay lại cuộc sống, và tôi sẽ thất bại.

Nhưng không, tôi sẽ không chết tại đây! Dưới đống gạch vụn này. Tôi sẽ giả vờ mình đang tản bộ dưới phố tìm mua một tờ báo. Nỗi sợ là một sự ô nhục giữa cơn sốt chủ nghĩa anh hùng đang bùng nổ - từ những người vô danh trên tiền tuyến đến những linh hồn giản dị đã chọn ở lại Beirut, cống hiến những ngày còn lại đi tìm nguồn nước rót đầy một can hai mươi lít dưới trận mưa bom, họ kéo dài phút giây phản kháng và lòng kiên định trong dòng lịch sử, rồi đối diện trước những mảnh sắt nổ tung giữa trận chiến, họ trả giá bằng chính thịt da của mình. Anh hùng ở ngay đây, ngay chính phần bị chia cắt tại Beirut này giữa trưa hè bỏng lửa. Đó là Tây Beirut. Người ngã xuống tại đây chẳng phải tình cờ. Và những ai còn sống thực là may mắn, vì không một khoảng đất nào đạn pháo chừa ra và chẳng có đến một chỗ đặt chân mà không phát nổ. Nhưng tôi không muốn chết đi dưới đống gạch vụn. Tôi muốn nằm xuống trên con đường trải rộng.

Bỗng nhiên lũ giòi bọ, từng nổi tiếng trong một bộ tiểu thuyết nào đó, bủa vây khắp người tôi. Những con giòi trật tự xếp thành từng hàng theo màu sắc, chủng loại để tiêu hóa một xác chết, chúng lột thịt khỏi xương sạch sẽ chỉ trong vài phút. Một cuộc đột kích, rồi hai, và chẳng còn lại gì ngoài xương trắng. Những con giòi xuất hiện chẳng từ nơi đâu, từ trong lòng đất, từ bên trong chính xác chết ấy. Nhờ có đội quân vô cùng nghiêm túc này mà cái xác ngấu nghiến chính nó chỉ trong vài khoảnh khắc. Chắc chắn hình ảnh này sẽ rút cạn một người đàn ông khỏi lý tưởng anh hùng lẫn xác thịt, tống anh ta vào trong sự trần trụi của số phận điên rồ, một sự điên rồ tuyệt đối, hư vô tuyệt đối; một bức tranh lột trần khúc hát khỏi những lời tụng ca cái chết, lột trần sự trốn chạy để anh ta lao vào chiến đấu. Phải chăng để vượt qua sự thật xấu xí này mà trí tưởng tượng của con người - những thần dân ngụ trong xác chết – đã mở ra một không gian để cứu rỗi linh hồn khỏi hư vô? Phải chăng đây là giải pháp được đề xướng bởi tôn giáo và thi ca? Biết đâu. Biết đâu đấy…

- Mahmoud Darwish

----

(Hoài Phương dịch)

From English translation by Ibrahim Muhawi

Ảnh: Chân dung Mahmoud Darwish được chụp bởi nhiếp ảnh gia Leonardo Cendamo tại Turin, Italy

Bởi không ai nhận diện được xác của chính mình, nên tôi không thể by Phuong Nguyen

“Bởi không ai nhận diện được xác của chính mình, nên tôi không thể”
Omar Ziyadeh
From English translation by Alice S. Yousef
——

(1)
Tôi ngồi trước màn hình, dòng suy tư như bệnh viện dưới mưa bom
Ai đó đang đào bới
họ đào sâu vào thâm tâm tôi đi tìm ngôi mộ cuối.
Đâu là nơi nghỉ ngơi cuối cùng, nấm mồ cuối cho những gì đang xảy ra?
Người tử đạo nằm trong túi nhựa màu lam,
đổ vào nấm mồ tập thể như dòng sông chảy tràn.
cái chết ở đây… chết đi như chưa ai từng thấy:
không bác sĩ, không nhà tang lễ, không người hộ tang.
Một cái chết chẳng như chính nó
to lớn hơn những gì nó có thể níu giữ
to lớn hơn những gì nó có thể kháng cự.
Những gia đình chẳng còn miệng để cất tiếng:
chúng tôi từng ở đây.
Người mẹ mang bầu đứa con không bao giờ chào đời,
dạ con mở rộng cho những sinh linh muốn quay lại
đã bị dội bom
ngựa… tan thành từng mảnh
chim… rã ra từng phần
mèo… đoạn thịt đứt rời
những xe lừa kéo
không kẻ sống sót
hướng về phương nam.
Nhân viên cứu hộ chạy đến căn nhà
đã chết đi một tuần trước
mà không ai biết họ là ai.

(2)
Ôi Gaza,
Ôi Hiroshima,
le lói sáng như da loài cầm thú
bên ngưỡng cửa quá khứ,
Ôi Carthage
Ôi thành Troy vây hãm,
với những con ngựa bội phản,
Ôi Sarajevo…
Những trái táo đượm máu,
Đừng đi về phương nam,
chúng tàn sát rừng cọ ở đó
bên lề biên giới.
Đừng đi về phương bắc
nơi đó đầy ắp tử thi như hàng mi trên đôi mắt đứa con các người.
Đừng đi về hướng đông,
nơi những bức tường máu chảy thành sông
từ khi thời gian bắt đầu.
Đừng đi về hướng tây,
đó là nơi chúng dựng đầy giá treo cổ
giữa sa mạc mênh mông trải rộng…

--
(Hoài Phương dịch)
Bài thơ được sáng tác đầu năm 2014, đây là đoạn trích đoạn từ một bài thơ dài hơn cùng tên của tác giả được dịch bởi Alice D. Yousef
Bài thơ được đăng tải trên trang “Word without borders” ngày 23 tháng Giêng 2024.

Omar Ziyadeh là nhà thơ Palestine sinh năm 1987 tại Nablus. Anh có bằng cử nhân về Anh ngữ và bằng thạc sĩ về ngôn ngữ và dịch thuật từ đại học An-Najah ở Nablus. Anh đã xuất bản hai tập sách: Con chó mù đi dạo (Kelab Amyaa’ Fe Nozha, tuyển tập thơ được nhận giải từ tổ chức Abdel Mohsin Al-Quattan và giải Mokhtalaf Feed.

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua rất khác... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

The Water of the Nile
Frederick Goodall (1822–1904)
Manchester Art Gallery

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua rất khác...
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
From English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Mỗi giờ ở Ai Cập trôi qua thật khác lạ…
mỗi khoảnh khắc là kỷ niệm tái sinh trong cánh chim
dòng sông Nile. Tôi đã ở đó. Con người ở đây
là tạo vật của Thần Mặt Trời. Không ai tự gọi chính mình
bằng tên: “Ta là đứa con của sông Nile, cái tên này với ta
là đủ.” Từ giây phút đầu tiên, anh gọi bản thân
“đứa con của sông Nile” như né tránh gánh nặng của vực thẳm.
Ở đó, người sống kẻ chết hái những đám mây bông gòn
ở Thượng Ai Cập, họ trồng lúa mì
xuôi vùng Châu Thổ. Chắn giữa người sống
và người chết, hai lính gác thay nhau quan sát
hàng cây. Những điều lãng mạn tồn tại trong anh,
anh bước đi bên mép vực linh hồn, lạc trong mê cung thời gian, như thể trước khi chào đời, Mẹ Ai Cập
đã hạ sinh anh trước trong hình hài đóa sen.
Anh có hiểu chính mình chưa? Ai Cập rón rén ngồi
Xuống bên chính nó: “Không có thứ gì giống ta.”
Nó vá tấm áo của thiên thu cũ sờn cùng làn gió thổi tới
từ khắp nơi. Tôi đã ở đó. Nhân loại
viết nên minh triết của Sinh-Diệt. Mọi thứ
thật lãng mạn dưới ánh trăng … chỉ trừ bài thơ
ngoái đầu tìm kiếm một ngày mai, trầm tư
trước sự bất tử nhưng chỉ có những câu từ yếu ớt
bật ra trước dòng sông Nile trải rộng.

——

(Hoài Phương dịch)

"Hãy nghĩ về người khác" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Hands”, Christks Bokoros

Hãy nghĩ về người khác
Mahmoud Darish (1941 - 2008)
English translation by Mohammed Shaheen
—-

Hãy nghĩ về người khác khi chuẩn bị bữa sáng
(Đừng quên phân phát thức ăn đến lũ chim câu)
Hãy nghĩ về người khác khi phát động chiến tranh
(Đừng quên những người chỉ mưu cầu hòa bình)
Hãy nghĩ về người khác khi thanh toán hóa đơn nước
(Những người chỉ nguôi ngoai cơn khát nhờ đám mây)
Hãy nghĩ về người khác trên nẻo đường hồi hương
(Đừng quên bao mảnh đời sống trong lều bạt)
Hãy nghĩ đến người khác khi say ngủ và đếm những vì sao
(những người chẳng còn nơi nào để chợp mắt)
Và khi lời ẩn dụ mang đến tự do, hãy nghĩ cho người khác
(Bởi quyền lên tiếng của họ đã bị tước đoạt)
Hãy nghĩ về chính mình khi mặc tưởng trước những mảnh đời xa xăm
(Hãy nói rằng: Giá tôi là ngọn nến giữa màn đêm sâu thẳm )

—-

(Hoài Phương dịch)

Think of Others” by Mahmoud Darwish, from Almond Blossoms and Beyond. Translated from the original Arabic by Mohammed Shaheen. © Interlink Books, 2010.

 

Đêm và nàng chỉ một mình... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

The Automat, Edward Hopper

Đêm và nàng chỉ một mình
Mahmoud Darwish
From English translation by Omnia Amin and Rick London
——

Đêm đã đến và nàng chỉ một mình,
cô độc, cũng như ta
giữa ngọn nến trước mặt ta và nàng là hai chiếc bàn trống
trong nhà hàng một tối mùa đông.
Không điều gì quấy nhiễu thinh lặng giữa đôi ta
Nàng không biết ta đã trộm nhìn khi nàng bứt cánh hoa hồng
từ trên lồng ngực, và ta không biết nàng đã thấy ta
hớp một nụ hôn từ cốc rượu nồng…
Nàng không đánh rơi vụn bánh mì và ta cũng không vấy nước
trên khăn bàn.
Không điều gì quấy nhiễu bình yên giữa chúng ta
Nàng một mình, cũng như ta kề bên vẻ đẹp của nàng. Tại sao
tổn thương không mang ta đến bên nhau? Ta tự hỏi. Tại sao
không thử nếm giọt rượu của nàng. Nàng không biết ta đã thấy
cách nàng gác đôi chân và ta không biết nàng đã liếc nhìn
khi ta cởi áo khoác. Ta không làm gì khiến nàng phiền mắt
và nàng cũng chẳng làm gì quấy nhiễu ta, chúng ta hòa âm
trong sự quên lãng…
Bữa tối chỉ hai người cô độc mới ngon miệng làm sao.
Giọng nói của đêm xanh thẳm, ta không cô đơn
và nàng cũng vậy bởi ta đang cùng lắng nghe
những âm điệu thủy tinh ấy.
Không điều gì quấy rầy chúng ta đêm nay.
Nàng không nói rằng:
Tình yêu chào đời như một sinh thể sống
rồi dần hóa thành một khái niệm.
Và ta cũng không nói rằng:
Tình yêu chỉ còn là khái niệm…

Nhưng dường như là vậy đấy.

——
(Hoài Phương dịch)



Không lá cờ tung bay trong gió... by Phuong Nguyen

The Standing Bearer, Unfolding the Holy Flag
Jean-Leon Gerome

Không lá cờ tung bay trong gió…
Mahmoud Darwish
From English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Không lá cờ tung bay trong gió
Không tuấn mã trôi dạt khi gió nhẹ thổi qua
Cũng không tiếng trống dồn khi làn sóng vỗ…
Hôm nay chẳng điều gì xảy ra giữa tấn bi kịch.
Bức màn hạ xuống, cả nhà thơ lẫn khán giả
đều đã rời đi – không còn cây bách, không chuyến diễu hành,
không cành ô-liu đón chào thuyền nhân đến,
họ mỏi mệt vì cánh mũi rướm máu và hồi cuối nhẹ như không
như thể họ dịch chuyển từ số phận này
qua số phận khác, một định mệnh được viết tràn dòng chữ,
một người nữ Hy Lạp đang đóng vai
người đàn bà thành Troy, trắng như màu đen,
không vỡ tung cũng chẳng cao thượng, và không ai hỏi rằng:
“Điều gì sẽ xảy đến ngày mai?”
“Cái gì sẽ tới sau đoạn dừng đầy chất Homer này?”
…như thể mọi thứ chỉ là một giấc mơ đẹp
nơi tù binh chiến tranh thanh thản
với sự sòng phẳng của những đêm dài trước mắt,
như thể họ đang nói rằng:
“Chúng ta hàn gắn vết thương cùng muối mặn”
“Chúng ta sống bên cạnh ký ức”
“Chúng ta sẽ thử chết đi một cách bình thường”
“Chúng ta đợi chờ phục sinh, tại đây, trong lãnh địa của hắn
trong một chương sắp đến khi hồi cuối đã qua…”

—-

(Hoài Phương dịch)

Cây bách tan tành như tháp giáo đường đổ nát by Phuong Nguyen

Cây bách tan tành như tháp giáo đường đổ nát
Mahmoud Darwish
From English translation by Omnia Amin and Rick London

—-

“Cây Bách là nỗi buồn của cây
chẳng phải một cái cây, nó không đổ bóng
vì chính bản thân nó là bóng của loài cây.”
Bassam Hajar

Cây bách tan tành như tháp giáo đường đổ nát, ngủ say
giữa đường, trong cái bóng khổ hạnh, xanh ngắt và tối tăm,
như chính bản thân nó. Không ai bị thương. Xe chạy vụt qua,
rồi tăng tốc khi cán qua cành nhánh, mạt cây bám trên
cửa sổ… cây bách nát tan từng mảnh,
nhưng chú chim câu chọn đây làm tổ chẳng muốn dời
chiếc tổ trần trụi đến tàn cây khác. Trên đầu, hai cánh chim thiên di
lượn vòng quan sát xem nơi đây có đủ tốt để gọi là nhà,
Chúng ra hiệu cho nhau. Một người đàn bà nói với hàng xóm rằng:
“Chuyện gì đã xảy ra, phải chăng bão táp đã quét qua?”
“Không phải, không cả xe ủi… vậy mà cây bách
đã tan tành.” Một ai đó bước qua đống đổ nát nói rằng:
“Có lẽ nó phát chán vì bị bỏ rơi, thời gian
xói mòn, vì nó dài như hươu cao cổ, vô nghĩa
như một cây chổi, và bóng mát chẳng đủ rộng cho những cặp tình nhân.”
Một bé trai nói rằng: “Con từng vẽ nó mà không phạm lỗi, đường nét của nó
mới dễ vẽ làm sao.” Một thiếu nữ lầm bầm: “Bầu trời
hôm nay thiếu vắng điều gì, có lẽ vì cây bách đã tan tành từng mảnh.”
Chàng trai trẻ mở lời: “Không đâu, bầu trời hôm nay hoàn hảo
vì cây bách đã nát vụn.” Đến lượt tôi nói với chính mình:
“Chẳng có gì khó hiểu hay rõ ràng, cây bách đã ngã tan tành -
chỉ có vậy thôi: cây bách nát tan thành mảnh vụn.