"Samih al-Qasim: Anh sẽ khắc tên chúng ta lên ngọn gió"
From English translation by Zeina Azzam
(Được biết đến rộng rãi như một nhà thơ, Samih al-Qasim cũng là một người viết tiểu luận xuất sắc, ông thường viết bài bằng tiếng Ả Rập cho các tờ báo Palestine/Israel. Ông cũng là một diễn giả, một người viết thư tài năng. Trong hai năm từ tháng năm 1986 cho đến tháng năm 1988, al-Qasim và Mahmoud Darwish đã trao đổi với nhau bằng thư từ. Những lá thư được viết bằng tiếng Ả Rập này là một tượng đài của thi ca, của ngôn ngữ, tình bạn, tình yêu, và không ngạc nhiên khi ta nhìn về thân phận hai tác giả, chúng còn hàm chứa những tâm tình cảm động về quê hương và sự lưu vong. Được xuất bản dưới dạng những “lá thư”, tuyển tập này đã lập tức trở thành một danh tác kinh điển của văn học Ả Rập hiện đại. Lá thư dưới đây được viết ra khi họ mới bắt đầu trao đổi. Trong thư trước đó Mahmoud Darwish đã nhờ al-Qasim đến thăm tàn tích quê nhà ông: làng al-Birweh ở Galilee, và đi tìm cây minh quyết (carob) vẫn còn trụ vững tại đó. Darwish viết rằng, “Nếu ngày mai anh có đi qua cây minh quyết, hãy trao cho nó một cái ôm và khắc tên chúng ta lên cội cây ấy.”)
——-
Gửi em trai Mahmoud:
Những ngày gần đây cái nóng trở nên thật kinh khủng và mực nước hồ Tiberias đã chạm mức thấp kỷ lục. Đây là lời cảnh báo mà đến các vị chóp bu cũng phải lo lắng đến nỗi họ chính thức ra thông cáo về một đợt hạn khẩn cấp. Bộ trưởng bộ nông ghiệp đã ban hành những giải pháp vô cùng khắt khe nhằm cắt giảm phân phối lượng nước tưới tiêu. Những phòng ban khác từ kinh tế, y tế và thậm chí là cả quân đội cũng dự đoán rằng sớm thôi, sẽ đến phiên họ thực thi các giải pháp khắc nghiệt tương tự. Hồi đầu anh không lo lắm. Thậm chí anh còn thấy vui. Anh mường tượng mình sẽ hạnh phúc biết bao nếu hồ Tiberia hoàn toàn trơ đáy. Và biết đâu năm sau sẽ chẳng còn tuyết rơi ở Jabal al-Shaykh? Điều gì sẽ xảy ra khi những mạch ngầm chảy vào sông Jordan cạn kiệt? Có lẽ rêu xanh sẽ bắt đầu nảy nở, để rồi chính chúng cũng khô lại, rã nát và dần hóa đá. Những bụi lau sậy sẽ khô cong. Cây cối héo tàn. Muông thú và những cánh chim di tản. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao. Màu xanh ngả vàng, màu vàng thâm thành nâu tối, để rồi màu nâu bạc thành sắc xám. Và rồi chúng sẽ tuyên bố rằng đất nước chúng ta đã chính thức sa mạc hóa. Cái nóng cuồng nộ dâng trào cho đến khi anh tìm thấy chính mình lần nữa, một Bedouin(1) hân hoan ngồi giữa sa mạc hạnh phúc của chính mình.
Hồi đầu anh chẳng lo lắng gì cả. Rồi sự sợ hãi bắt đầu gặm lấy anh như một con chuột đói. Vậy nhưng sau đó anh nhận ra rằng chúng sẽ giải quyết vấn đề khẩn cấp với nguồn nước này bằng tác phong Israeli truyền thống. Chúng sẽ đi đến Liên Hiệp Quốc, vạch ra những yêu sách về một quốc gia Israel vĩ đại như Thánh Kinh Torah từng ước định, để rồi chiếm hữu nguồn nước của sông Nile và dòng Euphrates.
Ôi không, Mahmoud, người bạn quý mến của anh ơi! Thật sai trái nếu hồ Tiberias khô cạn và dòng Jordan thu hẹp. Đỉnh Jabal al-Shaykh(2) không thể xuất hiện cùng một cái đầu hói. Ngọn núi này cần phải đội trên đầu một lớp tuyết dày, như chiếc khăn turban của nỗi sầu bi, và cũng để đảm bảo nguồn nước cho bè lũ Zion ấy!
Em đã quay về vết thương đầu tiên ấy trong thư - ký ức tuổi thơ trỗi dậy khi bị dày xéo dưới gót giày một người lính Anh Quốc tên George, để rồi giật nảy mình trước đôi hài của Shlomo. Em đã quay về thời khắc bị đuổi đi một cách bạo ngược khi đang chơi đùa cùng những chú thằn lằn ở làng al-Birweh(3). Anh biết nói gì với em đây? Anh có thể nói gì về những trải nghiệm của chúng ta, ba ngày ba đêm chỉ mặc mỗi một bộ đồ, một đôi dép, chờ đợi một thiết tăng Do Thái trở về từ đống gạch vụn từng là làng al-Birweh. Anh có thể nói gì về sự kinh hoàng rúng động tâm can ấy (vì chỉ trẻ con mới biết sợ, đúng không?!), khi ta chuẩn bị chạy trốn. Lần này ta không chỉ lánh nạn đến điền trang ô-liu hay những hang động ở Jabal Haydar, mà là lưu vong trên chính vùng đất Ả Rập. Có lẽ anh mất trí thật rồi khi chọn ở lại. Anh thất vọng vì em đã rời đi. Ký ức về thời gian tên gọi Nakba ấy không ngừng ám ảnh anh. Anh vẫn dằn vặt rằng mình là kẻ thất bại ra sao vào cái ngày đứa trẻ là anh hối hả chạy theo cha xuống đường. Ông vơ lấy khẩu súng trường rồi lao đến phòng tuyến bảo vệ làng al-Liyat sau khi hay tin làng al-Birweh đã thất thủ và quân chinh phạt đang trên đường tiến đến. Cha anh đội trên đầu một chiếc khăn kufiyyah màu trắng cùng một sợi dây thêu mà ông đã giữ bên mình từ thời đi nghĩa vụ quân sự cùng lính biên phòng ở Transjordan. Anh chạy theo ông, đầu đội chiếc mũ sắt mà ông đã giữ lại sau khi rời quân ngũ – phòng cho những ngày khó khăn phía trước. Anh nhớ rõ ông tức giận ra sao khi quát mắng anh rằng, “Đi về nhà ngay và hãy ở bên cạnh mẹ và các chị em của con!” “Còn cái mũ thì sao?” Anh nài nỉ. “Cầm lấy nó đi cha!” (Anh không quá lo lắng cho cha vì anh rất tự hào về ông. Và ngay tại giây phút đó, anh chợt nhớ đến bài hát chúng ta từng ngâm nga ở sân chơi, khi leo trèo giữa tàn cây, “Do Thái, lũ Do Thái khốn kiếp - điều gì đã đưa các ngươi đến vùng đất chiến tranh?”)
Cha đã bỏ lại cái mũ. Chỉ với khẩu súng trường cùng với vài viên đạn ít ỏi, ông chẳng bảo vệ nổi một tấc đất. Còn những kẻ đã đến nhân danh phòng vệ (và “giữ” đất) – chúng tháo quân hàm, vứt vũ khí cùng với lòng danh tự để rồi tẩu tán từ bắc sang đông như một lũ cừu. Chính bọn chúng mới là lũ khốn kiếp!
Một năm sau khi cha mất, anh lấy hết can đảm xem lại giấy tờ của ông. Anh tìm thấy một lá thư từ “Thiếu tướng Amer,” người chỉ Huy Đội quân Cứu thế Ả Rập chịu trách nhiệm về khu vực gần làng al-Ramah. Trong thư, ông ta hứa rằng sẽ công nhận cha anh như một chiến binh và phong cho ông hàm đại úy, như một cách động viên tinh thần chiến sĩ. Em trai ta ơi, những gì xảy ra sau đó giữa sự mồ côi và đại họa là đây: Thiếu tướng Amer đã đào ngũ ngay lập tức cùng với những sĩ quan và binh lính. Chẳng còn gì sót lại trong thung lũng trừ đá cuội, xác thường dân nát vụn bên những khẩu súng vô dụng cùng băng đạn ít ỏi của họ.
Bây giờ em sẽ tìm thấy những kẻ lên án chúng ta như lũ hèn nhát đã tháo chạy và bỏ rơi quê nhà. Một lũ lợn dối trá! Đồng bào ta đã kiên cường và chiến đấu với sự nhiệt thành sôi sục mặc dù cái thứ “cân bằng quyền lực” như cách ta gọi ngày nay đã hoàn toàn chống lại họ. Đồng bào ta là những vật hy sinh sẵn có, được đặt giữa cây búa của lũ xâm lược man rợ và chiếc đe của những hứa hẹn hão huyền.
Em trai Mahmoud, nhà thơ khốn khổ của ta ơi, điều gì đã lôi em vào trò cân não bạo liệt này? Ai đã nhồi nhét những cây minh quyết(4) của làng al-Birweh – và tất cả cây cối trên toàn thể Palestine – vào trong cơ thể mỏi mệt của em? Có phải là những người khai hoang ở Phần Lan buồn chán? Hay là bài hát thê lương về tàn tích của một quê hương đau đớn?
Em trai yêu quý của anh, giờ đây anh thậm chí không chịu nổi khi hoa mơ bung nở– nên vì sao em trao cho anh gánh nặng của cây minh quyết ở làng al-Birweh? Những đóa hoa mơ chúng ta từng hái - trước khi chúng bị bứt rời khỏi tuổi thơ ta - giờ đã hóa thành biểu tượng của thành phố Carma’il. Em có còn nhớ chúng không? Mahmoud à, giờ đây chúng ta chỉ là hai con ký sinh trùng trên một đóa hoa mơ khai nở.
Và em ép tất cả vào trong lá thư, em nén chặt lên ta những hàng cây minh quyết cùng dòng nước mắt tuôn trào và những khúc hát buồn bã từ Phần Lan lạnh lẽo, xa xôi. Đổi lại, anh sẽ kể cho em sự thật quý giá này mà chẳng cần những lời trang hoàng bóng bẩy. Tình bạn đẹp đẽ của chúng ta có nhiều lo âu đặc thù cùng những nỗi buồn gián đoạn nhưng không bao giờ kết thúc. Chúng ta cả gan phạm phải trọng tội – vĩnh viễn và triệt để đồng nhất con người với tổ quốc, cá thể với tập thể, đồng nhất cá nhân và mục đích. Đôi khi anh tự hỏi rằng: có phải chúng ta đang đọc bài thơ của chính mình, hay đó là quê hương đang ngâm lên khúc hát? Chúng ta viết nên bài thơ, hay bài thơ đang kể về chúng ta? Đâu là nơi sự riêng tư chấm dứt và tính tập thể bắt đầu? Liệu có còn điều gì ở chúng ta là sự riêng tư? Đôi khi anh ngờ rằng có lẽ chúng ta chưa từng yêu một người phụ nữ vì chính bản thân cô ấy. Và cũng chưa ai từng yêu chúng ta vì chính bản thân ta. Anh tưởng tượng rằng khi chúng ta ăn uống, đi dạo, khi ta yêu và du hành, khi chúng ta giận dữ rồi hạnh phúc, chúng ta làm tất cả những điều này giữa một cơn mang tên quê nhà.
Tại sao anh lại nói với em những điều này? Bởi em đã gửi gắm cho anh những hàng cây minh quyết. Vì thế mà anh muốn thành thật với em. Từ khi chúng ta bị chia cắt, mà không, có lẽ từ khi chúng ta quen biết, anh đã luôn lảng tránh tàn tích của làng al-Birweh cùng những hàng ô liu, những rặng minh quyết, những khóm xương rồng. Mỗi khi tình cờ bước qua, anh lảng đi để khỏi phải nhìn vào chúng. Và những lúc anh buộc mình phải căng mắt nhìn, trái tim anh đau đớn khôn cùng như thể một con bò cạp vàng đã châm ngòi độc không thương xót. Đừng ghen tỵ vì anh đã ở lại. Nơi đây là Địa Ngục. Và ở phía đó cũng là Địa ngục bủa vây. Địa ngục trường tồn cho đến ngày ta chạm đến Thiên đường, khi những đứa trẻ Palestine vẫy lá cờ đất nước ta trong buổi chào đón một nguyên thủ quốc gia hay một ngày lễ linh thiên thành kính – Ngày Khải Hoàn, Ngày Tự Do, và Ngày Độc Lập.
Xin em tha thứ cho anh. Anh sẽ không đến thăm cái cây tuổi thơ của em tại làng al-Birwa và anh sẽ không khắc tên chúng ta lên gội gỗ già ấy… Vì sự thật, toàn vẹn và đơn giản vậy thôi: Anh không làm thế được. Nhưng anh có thể làm một điều khác: anh sẽ khắc tên chúng ta trên đầu ngọn gió. Rồi anh sẽ khắc ngọn gió vào dải đất quê hương. Và quê hương sẽ hằn sâu trong da thịt của anh. Để rồi anh rải rắc từng mảnh thịt chính mình khắp những bài thơ. Để kết thư thì Nawal và bọn trẻ nhờ anh gửi lời chúc lành đến em… Gia đình anh biết em rất rõ nhờ vào những bức ảnh, nhờ vào thi ca và những cuộc điện thoại. Không lâu trước đây con trai anh Watan Muhammah hỏi rằng, “Sao chú Mahmoud chẳng bao giờ đến thăm mình, như khi chúng ta đến thăm chú ấy?” Anh nói rằng, “Chú Mahmoud bận lắm, nhưng một ngày khi xong việc chắc chắn chú sẽ đến thăm chúng ta.”
Anh đã kể với em rằng anh đã bỏ rượu chưa? Thật tốt làm sao giờ đây anh đảm bảo được một chỗ cho mình ở vòng loại trước cửa thiên đường. Dạ dày của anh cũng không còn quặn đau nữa. Em thì sao? Hãy thư giãn nhé. Như một câu châm ngôn ông bà từng nói, “Những người già biết cách tự chữa lành chính họ.” Những chiêu trò ngày xưa chẳng còn tác dụng nữa đâu, người bạn quý của anh. Chúng ta đã già rồi.
Anh trai em Samih Al-Qasim
(Al-Ramah, 6/10/1986)
——
(Hoài Phương dịch)
Nguồn bài viết: https://www.jadaliyya.com/Details/31145
(1)Bedouin: một bộ lạc Ả rập du mục sinh sống trong những vùng sa mạc tại bán đảo Ả Rập, Bắc Phi, vùng Levant và Mesopotamia.
(2) Jabal al-Shaykh: Tên gọi Ả Rập của núi Hermon ngày nay nằm trong địa phận chiếm đóng Israel. Tên gọi của dãy núi này trong tiếng Ả Rập có nghĩa “Ngọn núi của những vị thần”, đây là một mốc địa lý quan trọng từ thời đồ đồng và được nhắc đến trong sử thi Gilgamesh.
(3) al-Birweh: ngôi làng nơi Mahmoud Darwish đã sinh ra, và đã bị xóa khỏi bản đồ trong cuộc xâm lược của Israel trong thảm họa al-Nakba.
(4) cây minh quyết: cây carob (tên khoa học Ceratonia siliqua) , một loại cây thường xanh cho ra hạt giống như cây cacao để làm chocolate phổ biến ở lưu vực Địa Trung Hải.