Bức tường sắt - Jabotinsky / by Phuong Nguyen

Bức tường sắt


Nguyên tác tiếng Nga, Razsviet, 4.11.1923

Quá trình xâm chiếm Palestine
Sự đồng thuận với cộng đồng Ả Rập là bất khả
Chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc phải tiến bước.


Dẫu cho quy tắc vàng là luôn bắt đầu bài viết cùng luận điểm quan trọng nhất, nhưng tôi cho rằng trong bài viết này mình cần phải giới thiệu đôi điều, trên hết, là lời tự giới thiệu về bản thân mình.

Tôi được biết đến rộng rãi như là kẻ thù của người Ả Rập và rằng tôi muốn trục xuất họ khỏi Palestine, vân vân. Điều này không đúng.

Về mặt cảm xúc, đối với tôi cộng đồng Ả Rập không khác gì những quốc gia khác, thờ ơ một cách lịch sự. Về mặt chính trị, thái độ của tôi được quyết định bởi hai nguyên tắc. Điều đầu tiên, tôi cho rằng việc trục xuất tất cả người Ả Rập khỏi Palestine là hoàn toàn bất khả. Palestine sẽ luôn có hai quốc gia – và với tôi điều này là đủ, miễn là cộng đồng Do Thái chiếm đa số. Điều thứ hai, tôi thuộc về đoàn thể từng vạch ra chương trình Helsingfors – chương trình về quyền lợi quốc gia cho tất cả dân tộc cùng sinh sống trong quốc gia đó. Trong quá trình soạn thảo chương trình này, chúng tôi không chỉ nghĩ về riêng người Do Thái mà tất cả những người mang quốc tịch khác, và cơ sở của nó là muôn người bình đẳng.

Tôi sẵn sàng ràng buộc mình với lời thề rằng chúng tôi và hậu duệ của chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì đi ngược lại nguyên tắc quyền lợi bình đẳng, và rằng chúng tôi sẽ không trục xuất bất kỳ ai. Tôi cho rằng đây là một đức tin tương đối hòa bình.

Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là liệu chúng ta có thể thực thi một mục tiêu hòa bình cùng với những biện pháp hòa bình hay không. Câu trả lời không tùy thuộc ở thái độ chúng ta đối với cộng đồng Ả Rập, mà hoàn toàn tùy thuộc ở cách cộng đồng Ả Rập nhìn nhận ta cũng như chủ nghĩa Zionism.

Đồng thuận tự nguyện là không khả thi.

Sẽ không có một sự đồng thuận tự nguyện nào giữa chúng ta và cộng đồng Ả Rập Palestine. Không phải bây giờ và trong tương lai mà tôi dự đoán. Tôi khẳng định điều này không phải vì muốn làm tổn thương những người Zion ôn hòa. Tôi thực cũng không tin rằng họ sẽ có vấn đề gì. Trừ những người bẩm sinh mù lòa, họ hẳn phải nhận ra từ lâu rằng ta hoàn toàn không thể có được sự đồng ý tự nguyện của những người Ả Rập Palestine để cải đạo “Palestine” từ một quốc gia Ả Rập thành một quốc gia với cộng đồng Do Thái chiếm đa số.

Các độc giả của tôi hẳn đã có một khái niệm về lịch sử chủ nghĩa thực dân ở các quốc gia khác. Tôi sẽ cho họ một gợi ý, hãy nhìn lại những nơi mà họ từng biết qua đó để xem có một trường hợp đơn lẻ nào trong quá trình xâm chiếm thực dân được tiến hành với sự đồng thuận từ cộng đồng bản địa hay không. Chưa từng có tiền lệ như thế.

Cộng đồng bản địa, dẫu văn minh hay không, đã luôn luôn ngoan cố chống lại chủ nghĩa thực dân mà không quan tâm xem đối phương là văn minh hay man dã.

Cũng không có bất kì khác biệt nào trong việc nhà nước thực dân có hành xử đàng hoàng hay không. Đồng bọn của Cortez và Pizzaro hoặc (như một số người sẽ nhắc nhở chúng ta) tiền nhân của chúng ta dưới thời Joshua Ben Nun, đã hành xử như phường trộm cướp; nhưng những người Cha Dựng Nước, những người tiên phong thực sự của Bắc Mỹ, là những người vô cùng đức hạnh, họ chẳng muốn làm hại bất kỳ ai, ít nhất là với bộ lạc Da Đỏ, và họ thực sự tin rằng bình nguyên ấy đủ rộng cho cả người Da Trắng lẫn tộc Da Đỏ. Tuy nhiên dẫu cho những người thực dân ấy là tốt hay xấu, thì cộng đồng bản địa sẽ luôn chiến đấu chống lại họ với cùng một sự hung hãn.

Tất cả mọi cộng đồng bản địa, văn minh hay không, sẽ luôn xem lãnh thổ của họ như một quốc gia, nơi họ là những chủ nhân duy nhất, luôn luôn như vậy; họ sẽ khước từ không chỉ những chủ nhân mới mà thậm chí là những cộng sự hay sự hợp tác. 

Người Ả Rập không phải lũ ngốc.

Điều này cũng đúng với người Ả Rập. Những người theo chủ nghĩa hòa bình trong chúng ta đang cố gắng thuyết phục rằng cộng đồng Ả Rập hoặc là lũ ngốc mà ta có thể dễ dàng thao túng chỉ bằng cách che giấu mục tiêu thực sự, hoặc là một lũ băng hoại tham nhũng, dễ dàng lung lạc bằng việc hối lộ để rồi trao cho chúng ta những ưu thế tại Palestine như sự trao đổi cho lợi ích về văn hóa hoặc kinh tế. Tôi xin phủ nhận những quan điểm này về người Ả Rập Palestine. Về mặt văn hóa, họ thua chúng ta tận năm trăm năm, và họ không có sức chịu đựng lẫn quyết tâm của chúng ta; nhưng bọn họ cũng là những nhà tâm lý học giỏi giang chẳng thua kém gì ta, với não trạng được mài giũa qua hàng thế kỷ tranh biện. Ta có thể nói với họ bất cứ điều gì về mục đích trong sạch của ta, xoa dịu họ với những lời đường mật êm ái, nhưng họ hiểu rõ cái ta muốn, cũng như ta hiểu rõ cái mà họ không muốn là gì. Ít nhất, họ cảm nhận được tình yêu đầy ghen tỵ với vùng đất Palestine, như cách người Aztecs cảm nhận về Mexico cổ đại hay người Sioux với những bình nguyên trải rộng.

Tưởng tượng rằng họ sẽ đồng thuận với việc thực thi chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc để đổi lại những tiện ích về mặt đạo đức và kinh tế mà thực dân Do Thái sẽ đem lại, như những gì mà những kẻ yêu Ả Rập trong chúng ta đang làm, là một suy nghĩ thật trẻ con, tiềm ẩn sâu thẳm trong đó sự khinh miệt với cộng đồng Ả Rập; nghĩa là họ coi thường dân tộc Ả Rập, một bộ lạc tham nhũng có thể bị mua chuộc, và sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ đổi lấy hệ thống đường sắt tân tiến.

Tất cả người bản địa sẽ chống lại thực dân.

Không có lời bao biện nào cho quan điểm này. Một vài người Ả Rập có lẽ sẽ nhận hối lộ. Nhưng không có nghĩa rằng toàn thể dân tộc Ả Rập ở Palestine sẽ bán đi lòng ái quốc mãnh liệt mà họ gìn giữ khắt khe, ngay cả người Papuan cũng sẽ không bán đi cái gì cả. Mọi tộc bản địa trên thế giới này đã luôn chống lại chủ nghĩa thực dân, ngay cả với hy vọng nhỏ nhoi nhất rằng họ có thể loại trừ hiểm nguy bị rơi vào cảnh thuộc địa hóa.

Và đây là những gì cộng đồng Ả Rập ở Palestine đang làm, và họ sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi vẫn còn một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng họ có thể ngăn việc biến vùng đất “Palestine” thành “Đất nước Israel.”

Nhận thức Ả Rập

Một số người trong chúng ta đã tự thuyết phục bản thân tin rằng mọi vấn đề đến từ sự hiểu lầm - Người Ả Rập không hiểu chúng ta và đó là lí do duy nhất khiến họ chống lại ta; và nếu ta giải thích rõ cho họ thấy rằng mục đích của ta thực ra ôn hòa thế nào, họ sẽ lập tức giang rộng tay chào đón ta như những người bạn.

Suy nghĩ này thực vô căn cứ và đã bị phủ nhận hết lần này đến lần khác. Tôi sẽ nhắc lại một trong rất nhiều trường hợp. Vài năm trước, khi ngày Sokolow quá cố đang trong chuyến công du định kỳ đến Palestine, ông đã phát biểu tại một cuộc họp về sự “hiểu lầm” này. Ông đã diễn đạt một cách rõ ràng và đầy thuyết phục rằng người Ả Rập đã hoàn toàn nhầm lẫn nếu họ cho rằng chúng ta muốn tước đi của cải đất đai, hay muốn trục xuất họ khỏi đất nước của họ, hay chúng ta muốn đô hộ họ. Chúng ta thậm chí còn không yêu cầu thành lập một chính quyền Do Thái để nắm giữ Quyền ủy trị của Liên Hiệp Quốc.

Một trong những tờ báo Ả Rập, “El Carmel” đã trả lời trong một bài báo vào thời điểm đó như sau:

Những người Do Thái Phục Quốc đang làm ầm lên một chuyện nhỏ nhặt. Chẳng có sự hiểu lầm nào cả. Tất cả những gì Ngài Sokolow nói về mục đích của chủ nghĩa Zion là thật, nhưng người Ả Rập chẳng cần ông ta để biết những điều này. Tất nhiên, ngay tại thời điểm này cộng đồng Zion không thể nghĩ về việc đuổi cổ người Ả Rập khỏi đất nước, hay đô hộ, hay là một chính phủ Do Thái. Hiện tại, quá rõ ràng, họ chỉ quan tâm về một điều duy nhất – Đó là người Ả Rập sẽ không cản trở việc nhập cư. Những người Zion đã đảm bảo với chúng ta rằng việc nhập cư sẽ được quản lý chặt chẽ dựa vào nhu cầu kinh tế của Palestine. Người Ả Rập không nghi ngờ gì việc đó: đây là chân lý, vì nếu không thì sẽ chẳng có một sự nhập cư nào cả.

Không có “hiểu lầm” nào cả           

Chủ biên Ả Rập này thực sự đã sẵn lòng đồng ý rằng Palestine có đủ tiềm năng đón nhận, có nghĩa rằng nơi đây đủ rộng để đón chào rất nhiều người Do Thái mà chẳng cần phải di dời một người Ả Rập nào cả. Chỉ có một điều duy nhất người Zion mong muốn, và đó là điều mà người Ả Rập không muốn, bởi đó là con đường nơi người Do Thái sẽ dần trở thành cộng đồng đa số, và một chính phủ Do Thái sẽ theo đó thành lập, và tương lai của động đồng Ả Rập sẽ phụ thuộc vào lòng tốt của người Do Thái; và việc trở thành cộng đồng thiểu số không hay ho gì, chính người Do Thái hiểu rõ điều này và không ngừng chỉ ra. Vì thế, không có một sự “hiểu lầm” nào ở đây cả.  

Người Zion mong muốn chỉ một điều, sự nhập cư Do Thái; và sự nhập cư Do Thái là điều người Ả Rập không muốn.

Tuyên bố về vị thế của chủ biên người Ả Rập này quá hợp lý, quá hiển nhiên, không cần tranh cãi, đến mức ai cũng thuộc nằm lòng, và nó nên được đưa ra làm cơ sở cho tất cả những thảo luận trong tương lai về vấn đề Ả Rập. Chúng ta sử dụng cụm từ nào để giải thích về mục tiêu thực dân hóa vùng đất này, dẫu đó là ngôn từ của Herzl hay Sir Herbert Samuel, hoàn toàn không quan trọng.

Chủ nghĩa thực dân có lí do riêng của nó, và đây là lời giải thích duy nhất khả dĩ, không thể đổi thay, rõ ràng như ánh sáng ban ngày đối với mỗi người Do Thái và mỗi người Ả Rập.

Chủ nghĩa thực dân chỉ có một mục đích duy nhất, và người Ả Rập Palestine không thể chấp nhận được mục đích này. Nó nằm trong bản chất của mọi điều, và đặc biệt trong hoàn cảnh này, bản chất không thể bị thay đổi.

Bức tường Sắt

Chúng ta không thể đưa ra bất kỳ sự bồi thường thỏa đáng nào cho người Ả Rập Palestine để đổi lấy vùng đất Palestine. Do đó, việc đạt được một thỏa thuận tự nguyện là không khả thi. Nếu có ai đó vẫn xem việc đồng thuận như điều kiện tiên quyết cho chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc thì hãy nói “không” và rút lui khỏi ngay bây giờ.

Chủ nghĩa Thực Dân Zion hoặc phải dừng lại, hoặc phải tiếp tới mặc kệ cộng đồng bản địa. Điều đó có nghĩa nó chỉ có thể tiến hành và phát triển dưới sự bảo vệc của một quyền lực độc lập khỏi cộng đồng bản địa – sau một bức tường sắt, nơi mà cộng đồng bản địa không thể xâm nhập.

Đó là chính sách đối ngoại Ả Rập của chúng ta; không phải những gì chúng ta nên làm, nhưng bản chất nó là như thế dẫu ta có thừa nhận hay không. Nếu không thì ta cần gì Tuyên bố Balfour? Hay quyền ủy trị? Đối với chúng ta, giá trị của họ chính là những gì Quyền lực ngoại quốc đã tạo ra tại đất nước này, những điều kiện về quản lý và an ninh để phòng khi cộng đồng bản địa muốn gây trở ngại, thì sẽ lập tức nhận ra rằng họ là không thể.

Và chúng ta, tất cả chúng ta, không loại trừ một ai, yêu cầu từng ngày rằng những Quyền Lực ngoại quốc này, phải tiếp tục được thi hành không khoan nhượng và quyết liệt.

Không có một sự khác biệt nào trong vấn đề này giữa những người theo “chủ nghĩa quân phiệt” hay người “ăn chay”. Ngoại trừ những người thuộc nhóm đầu tiên ưa chuộng rằng bức tường sắt sẽ được chống đỡ bởi binh lính Do Thái, còn nhóm kia thì chỉ cần được làm người Anh là quá đủ hạnh phúc rồi.

Tất cả chúng ta yêu cầu rằng nhất thiết phải có một bức tường sắt. Nhưng chúng ta liên tục làm hỏng việc khi cứ tiếp tục đàm phán về một “thỏa thuận”, nghĩa là ta phải báo cáo với Chính Quyền Ủy Trị rằng điều quan trọng ở đây không phải là bức tường sắt, mà là đàm phán. Những phép tu từ sáo rỗng này vô cùng nguy hiểm. Và đó là lí do vì sao ta phải lấy đó làm niềm vui, và là một nghĩa vụ, đem lại tai tiếng cho việc đàm phán rằng nó vừa tuyệt vời, vừa dối trá.  

Đạo đức và công bằng trong chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc

Hai điểm chính:

Đầu tiên, nếu có ai đó phản đối rằng quan điểm này là vô đạo đức, tôi sẽ trả lời họ rằng: Không đúng, bởi hoặc chủ nghĩa Zion là đạo đức và công bằng, hoặc nó vô đạo đức và vô lương. Nhưng đó là một câu hỏi ta phải tự trả lời trước khi quyết tâm trở thành người theo chủ nghĩa Zion. Nên thực ra, chúng ta đã giải quyết xong câu hỏi đó, hoàn toàn khẳng định.

Chúng tôi tin rằng chủ nghĩa Zion – Do Thái Phục Quốc là đạo đức và công bằng. Và bởi vì nó vừa đạo đức, vừa công bằng, nên công lý phải được thực thi, mặc kệ Joseph, Simon, Ivan hay Achmet có đồng ý hay không.

Không có một giá trị đạo đức nào khác.

Tiến trình đồng thuận

Thứ hai, điều này không có nghĩa rằng ta không thể đạt được thỏa thuận nào với người Ả Rập Palestine. Điều bất khả ở đây là sự tự nguyện. Miễn là người Ả Rập nhận thấy vẫn còn chút hy vọng để thoát khỏi chúng ta, họ sẽ không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng này đổi lấy những lời tử tế, hay là bánh mì với bơ, bởi họ chẳng phải lũ tiện dân, mà là những người đang sống. Và nếu những người đang sống nhún nhường trước những vấn đề hệ trọng như vậy, là khi họ nhận ra chẳng còn một hy vọng nào để thoát khỏi chúng ta, họ không thể đục vỡ được bức tường sắt. Chỉ khi đó họ mới từ bỏ những lãnh tụ cực đoan, mà câu cửa miệng luôn là “Không bao giờ!” Và quyền lãnh đạo sẽ được chuyển cho những nhóm ôn hòa hơn, những kẻ sẽ tiếp cận chúng ta với những đề xuất mang tính nhượng bộ. Chỉ khi đó, chúng ta có thể mong đợi sự đàm phán trung thực về những vấn đề thiết thực hơn, như một cam kết không di dời cộng đồng Ả Rập, quyền bình đẳng cho công dân Ả Rập, hay tính toàn vẹn của dân tộc Ả Rập.

Và khi điều đó xảy ra, tôi tin rằng những người Do Thái chúng ta sẽ sẵng sàng trao cho họ những bảo đảm đáng tin cậy, để đôi bên có thể chung sống trong hòa bình, như những người hàng xóm tốt bụng.


Nhưng cách duy nhất để đạt được thỏa thuận này, là một bức tường sắt, có nghĩa rằng một thể chế tại Palestine không chịu áp lực từ bất kỳ cộng đồng Ả Rập nào cả. Nói cách khác, cách duy nhất để đạt đến thỏa thuận này trong tương lai là từ bỏ tất cả những ý tưởng tìm kiếm sự đồng thuận ngay tại thời điểm này.

———

LUÂN LÝ CỦA BỨC TƯỜNG SẮT

Viết bởi Vladimir Jabontinsky

Trong “Chuẩn mực Do Thái”, 5/9/1941

Nguyên tác được đăng tải trên tờ Rassviet (Paris) ngày 11/11/1923, phần nối tiếp của Bức Tường Sắt

I.

Hãy cùng quay lại với Chương Trình Helsingfors. Vì tôi là một trong những người soạn thảo, một cách tự nhiên tôi không thắc mắc về sự công bằng của những nguyên tắc được tán thành tại đây. Chương trình này đảm bảo bình đẳng cho công dân, và quyền tự quyết của dân tộc. Tôi chắc chắn rằng bất kì một vị thẩm phán công minh nào cũng sẽ chấp nhận chương trình này như cơ sở hoàn hảo cho sự hợp tác hòa bình, thịnh vượng giữa hai dân tộc.

Tuy nhiên thật lố bịch khi mong đợi người Ả Rập có được não trạng của một thẩm phán công minh; trong cuộc xung đột này họ không ở vị trí thẩm phán; mà là một trong những bên tranh chấp. Sau tất cả, câu hỏi quan trọng nhất là liệu người Ả Rập, ngay cả những kẻ tin vào sự hợp tác hòa bình, có đồng ý việc chung sống với bất kỳ “láng giềng” nào trong một đất nước họ xem như của chính họ hay không, ngay cả khi đó là những láng giềng tốt. Ngay cả những kẻ cố gắng thuyết phục ta bằng những mỹ từ cao siêu cũng không thể phủ nhận rằng sự toàn vẹn sắc tộc luôn tiện hơn so với sự đa dạng tự nhiên. Vậy thì tại sao một quốc gia đang thỏa mãn với sự cô lập lại phải mở cửa đón chào một số lượng lớn những người láng giềng mới, ngay cả khi đó là những người tốt? “Chúng tôi không muốn cả ong lẫn mật của các người”, là một câu trả lời thích đáng.

Nhưng ngoài khó khăn nền tảng này, tại sao chính người Ả Rập phải chấp nhận chương trình Helsingfors, hoặc bất kỳ chương trình nào khác về một Quốc gia đa sắc tộc? Một yêu sách như thế là không tưởng. Học thuyết Springer còn chưa được 30 tuổi. Và sẽ không có một quốc gia nào, ngay cả những nơi văn minh nhất, từng chấp nhận việc áp dụng học thuyết này vào thực tế một cách trung thực. Ngay cả Cộng Hòa Séc dưới quyền lãnh đạo của Masaryk, người thầy của tất cả chủ nghĩa tự trị cũng không thể làm được.

Trong cộng đồng Ả Rập, ngay cả những học giả của họ cũng chưa từng nghe về học thuyết này. Nhưng chính những học giả này cũng biết rằng cộng đồng thiểu số luôn khốn khổ ở mọi nơi: từ người Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Hồi giáo ở Ấn Độ, đến người Irish dưới quyền Anh Quốc, người Ba Lan và Tiệp Khắc dưới bàn tay người Đức, và bây giờ thì người Đức lại dưới trướng Ba Lan và Tiệp Khắc, cứ thế, không hồi kết. Vì thế mà một người hẳn phải ngộ độc với mỹ từ để hy vọng rằng người Ả Rập sẽ tin tưởng người Do Thái, một trường hợp đơn lẻ trong toàn thể nhân loại, có khả năng hay ít nhất là chân thành thực thi một ý tưởng chưa bao giờ thành công ở bất cứ quốc gia nào uy quyền hơn thế.

Tôi nhấn mạnh điểm này không phải vì tôi muốn người Do Thái cũng sẽ từ bỏ chương trình Helsinfors như tiền đề của một tạm ước (Modus vivendi) về sự chung sống trong tương lai. Trái lại, chúng tôi – ít nhất là tác giả của những dòng viết này – tin vào chương trình lẫn khả năng biến nó hành hiện thực trong đời sống chính trị mặc dầu tất cả tiền lệ đều đã thất bại. Nhưng nó vô dụng với người Ả Rập vào thời điểm này. Họ không thể hiểu, và họ sẽ không đặt bất cứ niềm tin nào vào nguyên tắc của chương trình này: họ không thể trân trọng nó.

II.

Và bởi vì nó vô dụng, nên nó cũng nguy hại. Khó tin làm sao những người Do Thái lại đơn giản về mặt chính trị như thế. Họ nhắm mắt trước những quy tắc nền tảng nhất trong cuộc sống: đó là chúng ta không thể nhân nhượng với những kẻ không sẵn sàng thỏa hiệp.

Có một ví dụ điển hình ở nước Nga ngày xưa, khi một trong những quốc gia đối địch đã đồng lòng phát động một cuộc thập tự chinh chống lại người Do Thái, tẩy chay và hành quyết họ. Cùng thời điểm đó, quốc gia này đang chiến đấu dành quyền tự trị mà không hề che dấu dự định sử dụng quyền tự trị để đàn áp người Do Thái. Còn tệ hơn trước đó. Vậy nhưng những chính trị gia và nhà văn người Do Thái (kể cả những người theo chủ nghĩa dân tộc) lại cho rằng nghĩa vụ của họ là phải ủng hộ việc kẻ thù của mình dành lấy quyền tự trị, bởi quyền tự trị là thiêng liêng cao cả. Thật đáng nể làm sao khi người Do Thái chúng ta xem đó là nghĩa vụ rằng ta phải đứng dậy và hò reo khi bản “Marsellaise” (quốc ca Pháp) vang lên, ngay cả khi nó được chơi bởi Haman (Haman the Agagite: nhân vật trong kinh thánh đã giết chết người Do Thái tại Ba Tư) và những cái đầu người Do Thái bị đập nát như tiếng đệm đàn. Tôi từng được kể rằng một người Dân Chủ nhiệt thành luôn đứng nghiêm trang như một người lính mỗi khi bản Marsellause vang lên. Rồi một đêm một toán trộm cướp đã xông vào nhà, một trong số chúng đang chơi bài Marsellaise. Những hành vi này chẳng hề mang tính đạo đức mà chỉ là chuyện tầm phào nhăng cuội. Xã hội con người được xây dựng trên nền tảng lợi ích song phương. Nếu anh lấy đi quy tắc song phương này nó sẽ trở thành sự dối trá. Mỗi một người bước qua cửa nhà tôi trên đường có quyền được sống chỉ khi anh ta thừa nhận quyền được sống của chính tôi; nhưng nếu họ quyết tâm giết tôi, thì tôi không thể thừa nhận quyền được sống của anh ta nữa. Điều này cũng đúng trên tầm quốc gia. Nếu không, thì thế giới sẽ trở thành một cánh rừng của bầy thú hoang, nơi không chỉ kẻ yếu, nhưng ngay cả những người mang trong mình tình cảm sẽ bị hủy diệt.

Thế giới phải là một nơi của sự hợp tác và lòng tốt song phương. Nếu chúng ta còn sống thì cách chúng ta sống phải như nhau, nếu chúng ta phải chết, thì tất cả chúng ta sẽ cùng chết chung một cách.

Nhưng không có một sự đức hạnh hay một đạo luật nhân đạo công nhận quyền lợi của một kẻ phàm ăn trong khi bao nhiêu người đang chết đói. Đạo đức duy nhất khả dĩ của nhân loại ở đây được đưa vào thực hành, đặc biệt trong hoàn cảnh của chúng ta: Nếu ngoài Chương Trình Helsingfors ra ta còn nhét đầy túi sự nhún nhường đủ loại, trong đó có sự tự nguyện tham gia vào cuộc đàm phán về một Liên Minh Ả Rập tuyệt vời od morza do morza (biển nối biển/from the sea to the sea) điều này chỉ khả thi nếu như người Ả Rập đồng ý kiến tạo nên một Palestine Do Thái. Tiền nhân chúng ta hiểu rõ điều này. Và Talmud trích dẫn một ví dụ pháp lý như sau – có mối liên hệ gần gũi đến trường hợp này. Hai người đi trên đường tìm được một mảnh vải. Một người nói: “Tôi tìm thấy nó nên nó là của tôi.” Rồi người kia đáp lại “Không đúng, tôi tìm thấy nó nên nó mới là của tôi.” Thẩm phán quyết định cắt mảnh vải làm hai, và mỗi kẻ cứng đầu kia lấy một nửa. Nhưng có một phiên bản khác nữa. Đó là khi chỉ có một trong hai bên tranh chấp là kẻ cứng đầu: người kia, ngược lại, muốn chứng tỏ với thế giới rằng anh ta thật cao thương. Nên anh ta nói rằng: “Cả hai chúng tôi đều cùng tìm thấy mảnh vải, vì thế tôi xin nửa phần của mình, vì phần kia thuộc về B. Nhưng bên B lại khăng khăng rằng anh ta tìm thấy nó nên anh phải sở hữu toàn bộ mảnh vải đó. Trong trường hợp này, Talmud đề nghị một quyết định khôn ngoan, nhưng lại thất vọng vô cùng cho người đàn ông lịch lãm kia. Thẩm phán nói rằng: “Bởi vì có sự đồng thuận về một nửa mảnh vải. Bên A đã thừa nhận một nửa sẽ thuộc về B. Nên sự tranh chấp chỉ xảy ra trong một nửa mảnh vải. Thế nên chúng ta sẽ chia nửa mảnh vải này thành hai mảnh nhỏ hơn: kẻ cứng đầu sẽ có ba phần tư, trong khi người “thanh cao” kia chỉ nhận được một phần tư, công bằng như ý anh ta mong muốn. Làm một người lịch lãm là tốt, nhưng trở thành một thằng ngốc thì không. Tổ tiên ta biết rõ điều này, nhưng chúng ta đã quên mất. Và chúng ta phải ghi nhớ điều này. Đặc biệt là khi tình thế ngày càng trở nên tồi tệ vì chúng ta nhượng bộ. Chúng ta không thể nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc Arab bằng không Chủ nghĩa Zionism sẽ bị phá hủy. Chúng ta không thể từ bỏ nỗ lực đoạt lấy Cộng đồng Do Thái đa số tại Palestine. Chúng ta cũng không thể cho phép bọn Ả Rập quản lý vấn đề di dân của người Do Thái hay gia nhập vào một Liên Đoàn Ả Rập. Chúng ta thậm chí không thể ủng hộ một phong trào Ả Rập nào cả, họ đầy sự thù địch và vì thế mà chúng ta, kể cả những người ra rả về sự ủng hộ với cộng đồng Ả Rập, phải hân hoan khi những phong trào này thất bại, không chỉ ở Transjordan kề cận, mà cả ở Syria và Morocco. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, không có một phương hướng nào khác cho đến khi Bức Tường Sắt vững vàng sẽ buộc cộng đồng Ả Rập nhân nhượng, đàm phán với chúng ta một lần cho mãi mãi.

III.

Hãy cùng nhau xem xét về quan điểm những kẻ cho rằng học thuyết này là vô lương. Hãy cùng nhau đào tận gốc rễ của sự tà ác – đó là chúng ta đang tìm cách đô hộ một đất nước, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân nơi đó, nói cách khác, bằng vũ lực. Mọi thứ khác phát sinh một cách không mong muốn từ gốc rễ này dĩ nhiên không thể phủ nhận. Vậy chúng ta phải làm sao?

Cách đơn giản nhất là tìm một quốc gia khác để xâm chiếm và đô hộ, như Uganda chẳng hạn. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng vấn đề, ta sẽ nhận ra rằng cái ác tương tự cũng tồn tại ở đó. Uganda đã có một dân tộc bản địa, và dẫu có nhận thức hay không như mọi trường hợp khác trong lịch sử, sẽ vùng lên phản kháng những kẻ thực dân. Tôi thừa nhận những người bản địa này da đen. Nhưng chẳng có gì thay đổi về mặt thiết yếu. Nếu như việc thuộc địa hóa một quốc gia và dẫm đạp lên mong muốn của cộng đồng bản địa và phi đạo đức, thì nó cũng phải được áp dụng lên người da đen ngang bằng với người da trắng. Tất nhiên, người da đen có lẽ không đủ tiến bộ để nghĩ đến việc gửi phái đoàn đến London, nhưng anh ta sẽ sớm tìm được những người bạn tốt bụng người da trắng, những người sẽ chỉ bảo cho anh ta cách. Dẫu cho những người bản xứ này thật bất lực, như một lũ trẻ, vấn đề sẽ chỉ trở nên ngày càng trầm trọng. Nếu như việc chủ nghĩa thực dân là thôn tính và cướp bóc, thì còn tội ác nào ghê gớm hơn cướp từ những đứa trẻ bất lực. Vì thế, thuộc địa hóa Uganda là phi đạo đức, và thuộc địa hóa bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này dẫu tên gọi là gì, đều là phi đạo đức. Chẳng còn nơi nào không người ở trên thế giới. Mỗi ốc đảo đều có một bộ tộc dựng đất cất nhà từ thời xa xưa, và họ sẽ không chấp nhận bất kì một sự nhập cư ồ ạt hay một sự thôn tính bởi ngoại bang. Vì vậy, nếu có một dân tộc không vùng đất, thì giấc mơ của họ về một quốc gia nơi họ gọi là nhà là một giấc mơ phi đạo đức. Những người không đất đai sẽ phải tồn tại như vậy đến thiên thu. Toàn trái đất này đã được phân chia rồi. Quá đủ: Vì Đạo đức đã nói như thế:

Từ góc nhìn Do Thái, đạo đức khoác trên mình một dáng vẻ thật thú vị. Mọi người nói rằng cộng đồng Do Thái chúng ta có tổng cộng 15 triệu người rải rác khắp nơi trên thế giới. Một nửa trong số đó không nhà cửa, bần cùng, bị săn lùng. Dân số Ả Rập tổng cộng 38 triệu người. Họ sinh sống ở Morocco, Algeria, Tunis, Tripoli, Ai Cập, Syria, Arabia và Iraq, một vùng đất rộng lớn bằng một nửa Châu Âu, nếu ta loại trừ những vùng sa mạc. Trong khu vực này mỗi dặm vuông có 16 người Ả Rập. Để so sánh thì Sicily có 352 người mỗi dặm vuông, Anh có 669 người. Và quan trọng hơn, hãy nhớ rằng Palestine chiếm khoảng một phần 200 tổng diện tích khu vực này.

Vậy nhưng nếu những người Do Thái vô gia cư muốn có Palestine cho chính họ, thì họ lại là bọn “vô đạo đức” vì cộng đồng bản địa không đồng ý với điều đó. Thứ đạo đức này chỉ được chấp nhận trong những bộ lạc ăn thịt người, chứ không phải thế giới văn minh. Đất đai không thuộc về những kẻ sở hữu thừa mứa mà là những người không có trong tay một tấc đất. Và công lý đơn giản làm sao, ta phải cắt đất từ những quốc gia được xem như chủ đất lớn nhất thế giới và chia phần cho những tộc người du mục lang thang không nơi đâu để gọi là nhà. Và nếu một quốc gia chủ đất hùng mạnh như vậy từ chối, thì cũng là lẽ tự nhiên thôi - họ sẽ phải tuân theo bằng sự ép buộc. Công lý được thi hành bằng vũ lực thì vẫn là công lý. Đây là chính sách Ả Rập duy nhất mà chúng ta cho là khả thi. Còn về sự đồng thuận, thì đợi khi có thời gian chúng ta sẽ tính tiếp.

Bao nhiêu khẩu hiệu đã được sử dụng để chống lại chủ nghĩa Do Thái Phục Quốc; vài người đem Dân Chủ, đa số quyết định quyền tự quyết của một dân tộc. Điều đó có nghĩa dân số Ả Rập ở Palestine hiện nay đang chiếm đa số, họ có quyền tự quyết về định mệnh của họ, và họ sẽ quyết định rằng Palestine phải là một quốc gia Ả Rập. Dân chủ và quyền tự quyết là những quy tắc thiêng liêng, nhưng những quy tắc thiêng liêng như Tên của Chúa Trời không thể sử dụng bừa bãi - để làm bệ đỡ cho dối trá, để che đậy sự bất công. Nguyên tắc tự quyết không có nghĩa là nếu ai đó đã chiếm quyền một dải đất thì nó sẽ thuộc về anh ta mãi mãi, và những người bị buộc rời khỏi đất đai mình sẽ vô gia cư cho đến thiên thu. Quyền tự quyết có nghĩa là sự xét lại – xét lại về sự phân phối đất đai giữa những quốc gia có quá nhiều đất, họ phải chia đất cho những quốc gia ít đất và những người chẳng có miếng đất nào cả, nên mọi người trên thế gian này có thể thực thi quyền tự quyết. Và giờ đây khi phần đông những đế chế văn minh thừa nhận rằng người Do Thái có quyền quay lại Palestine, điều đó có nghĩa rằng người Do Thái, về nguyên tắc, cũng là “công dân” và “cư dân” của Palestine, họ chỉ bị đuổi đi hồi trước, và giờ đây sự hồi hương của họ sẽ là một hành trình dài, và hoàn toàn sai trái khi ta quả quyết rằng cư dân bản địa có quyền từ chối sự hồi hương này, vì “Dân chủ.” Nền Dân chủ của Palestine gồm có hai sắc tộc, sắc tộc địa phương và những người đã bị trục xuất, và nhóm thứ hai này sẽ chiếm đa số.

---