" Anas Al-Yazij gửi đến hôn thê Shaima Abu Al-Ouf, khi anh tìm thấy xác nàng hai ngày sau đó" by Phuong Nguyen

“Anas Al-Yazij gửi đến hôn thê Shaima Abu Al-Ouf, khi anh tìm thấy xác nàng hai ngày sau đó”
Hamed Ashour (1994 - )
——

Shaima à,
Ta yêu nàng rất nhiều, ta yêu nàng xiết bao
ta đang bị tấn công lần nữa
từ khi chúng ta gác máy ba ngày trước,
lúc năm đầu đạn thổi tung nhà nàng.
Từ lúc chúng ta thử áo cưới, một tối vẽ henna
từ những lời cuối ta trao, một giai đoạn hạnh phúc làm sao.

Từ lễ Eid và những tiếng gào thét
từ những hàng xóm, bè bạn, bao ngày lễ thành hôn
từ đứa con đầu ta trì hoãn đến sự bướng bỉnh của nàng
Ta nói rằng, “Ta chỉ muốn một đứa con.”
Nàng trả lời, “Không, em muốn có cả một gia tộc.”

Ta yêu nàng vô cùng, nhiều biết mấy, và ta đang bị tấn công một lần nữa,
tay đút túi, tâm trí ta nằm trọn lòng bàn tay.
Ta cất lời rằng, “Ôi Shaima,
một chiến cơ vừa mới bay qua,
cả chuông đồng lẫn tháp giáo đường đều sụp đổ.”

Và nàng nói rằng, “Sẽ không sao đâu, cánh chim câu còn đó.”
Ta nói, “Cửa sổ vỡ tung rồi”
Nàng trả lời, “Chẳng phải đó là cách ánh sáng được tự do?”
Ta yêu nàng biết bao.

Nhưng giờ đây ta bị tấn công, như từ muôn thuở,
ta bị chôn vùi dưới gạch vụn.
Lũ khốn và bọn thương nhân sẽ đến tụ tập họp bàn,
chúng đấu giá quê hương ta với một nhúm sống còn ít ỏi,
chúng sẽ thành lập ủy ban, dựng lại tháp đổ, sửa sang những căn nhà tan nát.

Còn căn nhà của chúng ta, hỡi tình yêu,
mái ấm mà ta đắp nên với từng hòn đá trước khi hóa đơn và nợ nần chồng chất
trước khi chúng ta chìm trong cãi vã – màu sắc chiếc sofa, những bức tường
và ở một góc vườn nhà nơi ta gieo mầm một cây nho bé nhỏ.

Chúng ta sẽ lấy lại những con đường
những tháp giáo đường, vườn cây, lấy lại dòng điện và những ống nước
Ta nói rằng, một khi ngừng bắn, ai sẽ trả lại dòng máu cho Shaima!
Chúng ta sẽ lấy lại những con đường
những tháp giáo đường, sân sau, lấy lại điện năng, lấy lại nguồn nước.
Ta thét gào, “Bom đã ngừng rơi, nhưng ai sẽ trả lại huyết mạch của Shaima?”

——
(Hoài Phương dịch)

Hamed Ashour (1994 - ) Một nhà thơ trẻ sinh ra và lớn lên tại dải Gaza. Anh đã có bằng cử nhân về phát triển xã hội tại đại học Al-Quds Open University vào năm 2017 và đã làm việc như một nhân viên xã hội. Các tác phẩm thi ca của anh đã được xuất bản qua những tạp chí văn chương khu vực.

"Người đàn ông và con nai nhỏ đùa chơi trong vườn" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Two Deer beneath Maple Trees
Maruyama Ōkyo 円山応挙 , 1787

Người đàn ông và con nai nhỏ đùa chơi trong vườn…
Mahmoud Darwish
From English translation by Omnia Amin and Rick London

—-

Người đàn ông và con nai nhỏ đùa chơi trong vườn…
Tôi hỏi anh rằng: “Chú nai nhỏ này
đến từ nơi đâu?” Anh trả lời: “Từ Thiên Đường – có lẽ
đó là ngôn sứ John quay về bên tôi trong hình hài nỗi đơn côi.
Có nó kề bên là một phúc lành. Nó mất mẹ rồi
nên giờ đây tôi là người mẹ chăm sóc nó. Tôi cho nó
uống sữa dê với một thìa đầy mật ong thơm ngát
rồi bế nó vòng quanh như đám mây thương yêu
bồng bềnh trôi giữa rừng cây sồi rộng lớn.
Tôi hỏi bạn: “Nó đã quen hơi nhà mới chưa
một nơi đầy ắp tiếng nói và đồ dùng trong bếp?”
Bạn tôi trả lời: “Nó nằm trên giường tôi mỗi lúc ốm đau.
Mỗi lúc như vậy tôi hóa hao gầy. Tôi thấy ảo giác:
Ôi đứa trẻ mồ côi, ta là cha, là mẹ của con,
hãy thức dậy và dạy cho ta biết về sự bình yên.”
Một tháng sau tôi quay lại thăm bạn tôi ở miền quê đó.
Lời nói tuôn ra giữa hàng lệ rơi, Solomon mạnh mẽ là vậy
lần đầu bật khóc, anh nức nở kể rằng:
”Đứa bé hậu duệ loài hươu nai này đã chết trong tay tôi.
Nó không thể hòa nhập với cuộc sống mới.
Nhưng cái chết của nó rất khác anh và tôi.”
Tôi chẳng thể mở lời ủi an người bạn .
Anh không ngâm thơ và chẳng nói lời chia tay như thường ngày.
Anh đến bên nấm mồ chú nai trắng. Anh gom một vốc cát trong tay
rồi khóc ngất rằng: “Hãy dậy đi, con trai ta, để cha có thể
ngủ say trên giường của con - chỉ ở đó ta hiểu được bình yên là gì.”
Anh thiếp đi bên mộ chú nai nhỏ và tôi đánh rơi
một phần quá khứ mình ở nơi này…
Người đàn ông và chú nai nhỏ nằm xuống bên nhau trong vườn…

- gửi đến Soleiman Elnajab

——

(Hoài Phương dịch)

Từ tuyển tập thơ Now, As You Awaken (2006) tuyển dịch bởi Omnia Amin and Rick London gồm các bài thơ được chọn lọc tù tập thơ “Don’t apologize for what you have done” xuất bản bởi El-Rayyes Books, Beirut, 2004

"Đừng tạ lỗi vì điều ngươi đã làm" by Phuong Nguyen

The First Born
Frederick Goodall
1862  

“Đừng tạ lỗi vì điều ngươi đã làm”
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Đừng tạ lỗi vì điều ngươi đã làm – Điều này ta khẳng định
trong thầm kín. Ta nói với nhân cách kia rằng:
Nơi đây ký ức của ngươi bất chợt hữu hình:
Buổi trưa tẻ nhạt khi chú mèo ngái ngủ,
chiếc mào gà trống,
mùi lá xô thơm,
hương cà phê của mẹ,
tấm chiếu cói cùng chiếc gối êm,
một con ruồi lượn quanh Socrates,
đám mây phủ trên đầu Plato,
tập sách Diwan al-Hamasa*
bức ảnh của cha
kẹp giữa trang sách Mu’jam al-Buldan,**
những dòng Shakespear đã viết ra
ba người anh trai, ba cô em gái,
vài đứa bạn thuở nhỏ -
và một đám đông bao đồng:
“Là hắn phải không?”
Những nhân chứng lắc đầu:
“Có lẽ”
Tôi hỏi:
“Vậy hắn là ai?”
Không ai đáp lời.
Ta thầm thì hỏi nhân cách khác:
“Phải chăng đó là ngươi… là chính ta?
Hắn lảng tránh.
Những nhân chứng hỏi mẹ ta để chắc rằng
hắn chính là ta
và bà đã sẵn sàng cất lên tiếng hát
bài ca của chỉ riêng bà:
“Dẫu ta là đấng sinh thành
nhưng ngọn gió đã nuôi nấng con trai ta.”
Rồi ta nói với một ta khác rằng:
“Trừ mẹ ngươi ra, đừng tạ lỗi trước bất kì ai.”

—-

(Hoài Phương dịch)

*Diwan al-Hamasa: Tuyển tập cổ thi gồm mười cuốn được tổng hợp vào thế kỷ thứ 9 bởi Abu Tammam, một nhà thơ người Ả Rập sinh ra tại một làng nhỏ gần Damascus, Syria hiện đại. Bên cạnh Asma'iyyat, Mufaddaliyat, Jamharat Ash'ar al-Arab và Mu'allaqa (Tên các tuyển tập cổ thi khác, đôi khi được nhắc đến trong các bài thơ của thi sĩ Palestine), al-Hamasa được xem như một trong những kho tàng cổ thi quan trọng nhất trong nền văn học Ả Rập.

**Mu’jam al-Buldan: Bách khoa toàn thư các vùng đất và đế chế được viết ra bởi Yaqut Al- Hamawi, một nhà địa lý Ả Rập gốc Hy Lạp sinh ra tại Byzantium (còn được gọi là Constantinople, Istanbul hiện đại) Bộ bách khoa toàn thư này được ông biên soạn vào thế kỷ thứ 12, tổng hợp hầu hết những kiến thức thời trung cổ về địa lý khắp thế giới và nội dung sách trải dài từ khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử, nhân loại học, khoa học tự nhiên, kiến thức địa lý cũng như tọa độ các vùng đất, kinh thành, làng bản, kèm theo danh sách về những thành tựu, tượng đài quan trọng, người cầm quyền cũng như số lượng của cải và dân số vùng đất đó. Đây là một tài liệu rất quan trọng với các học giả người Ả rập và vẫn còn giá trị tham khảo cho đến ngày nay.

"Ta có trí khôn của một kẻ chịu tội" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

The Death of Socrates
Jacques-Louis David, 1787

"Ta sáng suốt như một kẻ chịu tội"
Mahmoud Darwish (1941 - 2008)
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Ta sáng suốt như người thụ án tử hình,
Vì vô sản nên không điều gì sở hữu được ta
di thư ta viết nên rỉ ra từ dòng máu:
“Hỡi thần dân trong khúc hát ta: hãy tin vào dòng nước”
Ta mơ thấy mình bị đâm xuyên, được trao mũ miện bởi những ngày mai…
Ta mơ thấy trái tim vùng đất này thật vĩ đại
vượt xa khỏi bản đồ,
trong sạch hơn gương soi
lẫn chiếc giá đợi ta đến treo cổ.
Ở vầng trời cao ta lạc lối giữa mây trắng dập dìu
như thể ta là chú chim đầu rìu
và ngọn gió đã hóa thân thành đôi cánh.
Rồi hừng đông đến, tiếng quát từ lính gác đêm
dựng ta dậy từ cõi mộng cùng những ngôn từ:
Ngươi sẽ sống thêm một lần chết khác,
nên hãy xem lại di thư,
giờ tử của ngươi một lần nữa trì hoãn.
Ta hỏi: Tới khi nào?
Hắn trả lời: Đến khi ngươi đã chết thêm vài khắc.
Ta nói rằng: Ta vô sản nên không điều gì trói buộc ta
và chúc thư của ta rỉ ra từ dòng máu:
“Ôi những thần dân trong khúc hát ta: hãy tin vào dòng nước.”

—-

(Hoài Phương dịch)

Tranh: "The death of Socrates", Jacques-Louis David, 1787

Từ tuyển tập thơ "Now, As You Awaken" (2006) tuyển dịch bởi Omnia Amin and Rick London gồm các bài thơ của Mahmoud Darwish được chọn lọc từ tập thơ “Don’t apologize for what you have done” xuất bản bởi El-Rayyes Books, Beirut, 2004

"Không lời tạ tội với giếng sâu" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Truth Coming Out of Her Well
Jean-Léon Gérôme, 1896

"Không lời tạ tội với giếng sâu"
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Ta đã không tạ tội với giếng sâu khi bước ngang đó.
Ta mượn nhờ đám mây từ cành thông cổ rồi bóp nát nó
như một quả cam. Đợi chờ một linh thần nai trắng.
Ta bảo trái tim mình nhẫn nại: Giữ lòng trung lập, dẫu cho
ngươi chẳng phải một phần trong ta. Tại đây, những gã mục đồng
đứng ở trên không, làm ra sáo trúc và rù quyến những chú gà lôi
vùng núi cao, lùa chúng vào cạm bẫy. Tại đây,
trên lưng ngựa ta bay đến những hành tinh của chỉ riêng ta, bay thật xa.
Tại đây, một nhà chiêm tinh từng bảo ta rằng: Hãy cẩn thận với con đường trải nhựa
và những chiếc xe cơ giới, hãy cưỡi đi trên tiếng thở dài. Tại đây, ta tháo rời
cái bóng của chính mình, rồi chờ đợi. Ta chọn hòn đá nhỏ nhất
rồi bên nó ta đứng chờ, tỉnh thức. Ta đã đánh vỡ một huyền thoại
để rồi chính mình cũng tan nát. Ta đảo quanh miệng giếng đến khi
rời khỏi chính mình bay đến bên một nhân dạng khác. Giọng nói cất lên
từ sâu trong lòng giếng vang: Nấm mồ này
chẳng thuộc về ngươi. Vậy nên ta nói lời xin lỗi. Ta ngâm lên vài lời
thật thông thái từ Thiên Kinh, và nói với người xa lạ
dưới giếng kia rằng: Bình an ở bên anh, bên cái ngày anh đã bị giết
trên vùng đất của hòa bình, bình an ở bên anh ngày anh vươn lên
từ sâu thẳm lòng giếng tối tăm
và anh sẽ sống…

—-

(Hoài Phương dịch)

 

"Không gì hơn ngoài Iraq" (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Không gì hơn ngoài Iraq”
Mahmoud Darwish
English translation by by Elissar Haikal

——

Ta nhớ Al-Sayyab ở vùng Vịnh cất tiếng gào trong tuyệt vọng
“Iraq, Iraq, không gì hơn ngoài Iraq…”
Ta nhớ Al-Sayyab… giữa bình nguyên Sumeria trải rộng
bóng hình người đàn bà chinh phục màn sương cằn cỗi
hòng truyền lại cho chúng ta quê nhà cùng sự lưu vong.
Ta nhớ Al-Sayyab… thi ca được sinh ra tại Iraq,
Nên người Iraq ai cũng là thi sĩ, bạn ta ơi!
Ta nhớ Al-Sayyab… cuộc đời chẳng như ông kỳ vọng
giữa dòng Tigris và Euphrates, ông không mặc tưởng
như Gelgamesh từng nghĩ về ngọn cây vĩnh hằng lẫn ngày Phán Xử.
Ta nhớ Al-Sayyab… người vâng theo luật lệ Hammurabi
che đi hạ bộ của mình rồi bước đến huyệt mộ
Ta nhớ Al-Sayyab khi vật lộn trong cơn sốt và mê sảng:
Các anh ta nấu bữa tối cho đội quân Hulagu
Chẳng phải người hầu kẻ hạ… mà là các anh ta!
Ta nhớ Al-Sayyab…chúng ta chẳng mơ ước gì lớn lao
hơn giá trị một con ong cho sự sống, không gì lớn lao
hơn đôi tay bé nhỏ đang khuấy động sự vắng mặt...
Ta nhớ Al-Sayyab… những thợ rèn đã chết vùng lên
từ nấm mồ hòng đúc cho ta xiềng xích!
Ta nhớ Al-Sayyab… thi ca là trải nghiệm, là lưu vong
là cặp song sinh, chúng ta mơ một cuộc đời
chẳng xa vời hơn sự sống, mơ một cái chết chỉ đơn thuần được chết:
“Iraq, Iraq, không gì hơn ngoài Iraq… ”  

——

This poem appeared in Al Jadid, Vol. 9, no. 44 (Summer 2003)
Copyright (c) 2003 by Al Jadid

(Hoài Phương dịch)

Hắn im lặng và ta cũng thế (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Nighthawk, Edward Hopper

Hắn im lặng và ta cũng thế
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Hắn im lặng và ta cũng thế.
Hắn hớp một ngụm trà với chanh, còn ta uống cà phê.
Đó là sự khác biệt giữa ta và hắn.
Cũng như ta trên mình hắn khoác áo sọc rộng,
Và hệt như hắn trên tay ta cầm số báo đêm.
Hắn không thấy ta đang trộm nhìn.
Ta không thấy cái liếc vội từ hắn.
Hắn thật im lặng, và ta cũng thế.
Hắn bất chợt gọi bồi bàn đến.
Rồi ta cũng hỏi bồi bàn một thứ gì đó…
Một con mèo đen bước giữa chúng ta.
Ta cảm nhận được màn đêm trong bộ lông của nó
và hắn cũng cảm thấy thinh khuya náu mình trong bộ lông đó...
Ta chẳng nói với hắn rằng: Bầu trời hôm nay
thật trong xanh.
Hắn cũng không nói với ta: Trời trong thật.
Hắn bị dõi theo và là người quan sát.
Cũng như ta đang bị dõi theo khi đang quan sát.
Ta nhấc bàn chân trái.
Hắn dịch bàn chân phải.
Ta ngâm một giai điệu
rồi hắn cũng lầm bầm giai điệu đó.
Ta tự hỏi: Phải chăng hắn là tấm gương phản chiếu lại chính mình?
Ta xoay người nhìn vào mắt hắn… mà chẳng thấy hắn đâu.
Ta chạy vội khỏi quán cà phê.
Nghĩ thầm: Có lẽ hắn là kẻ sát nhân…
hoặc đơn thuần chỉ là người qua đường nghĩ rằng
Chính ta mới là kẻ sát nhân.
Hắn đang kinh sợ… và ta cũng thế.

—-

(Hoài Phương dịch)

Giờ đây, anh đã thức... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Dead Swan, Jan Weenix

Giờ đây, anh đã thức
Mahmoud Darwish
Translated by Omnia Amin and Rick London

—-

Giờ đây anh đã thức, hãy nhớ vũ khúc cuối
của thiên nga. Anh có nhảy múa cùng thiên thần
khi say ngủ? Há chăng cánh bướm
đã thắp sáng cho anh khi chúng cháy bùng trong
vĩnh hằng chói loá một đóa hồng? Có phải phượng hoàng
đã hiện ra và gọi tên anh dõng dạc?
Anh có thấy hừng đông trên ngón tay
những người anh yêu quý? Anh có chạm vào
giấc mơ bằng cả đôi tay, hay anh
đã để mặc chúng trong cõi mộng, rồi thình lình thức tỉnh
trước sự vắng mặt của chính mình? Người mơ không chối bỏ
giấc mơ, họ lóe sáng rồi tiếp tục
sống cuộc đời từng hiện hữu trong cõi mộng ấy…. Hãy nói cho ta hay
cách anh từng khiến giấc mơ sống dậy
và ta sẽ tiết lộ con người thật của chính anh. Còn bây giờ,
anh đã thức, hãy nhớ xem anh có làm điều gì trái
với giấc mơ. Và nếu anh đã làm sai, thì hãy nhớ lại
vũ khúc cuối cùng bầy thiên nga…

—-

(Hoài Phương dịch)

Bị giết và vô danh... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Cherub and skull, sculpture in a cemetry

Bị giết và vô danh…
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

—-

Bị giết và vô danh… Chẳng được lãng quên góp nhặt
cũng không rải rác cùng lòng tưởng nhớ… họ chìm vào lãng quên
trong ngọn cỏ mùa đông, trên đại lộ chắn giữa
hai câu chuyện dài, của người hùng và kẻ khốn khổ.
“Ta là nạn nhân.”
“Không, ta là nạn nhân duy nhất.”
Chẳng ai nói cho nhà thơ hay: “Phàm là nạn nhân thì không xuống tay với người cùng số phận.
Trong câu chuyện luôn có một người bị hại, một kẻ sát nhân.”
Từng một thời trẻ dại, họ hái hoa tuyết rơi
trên cây Bách thần của Chúa rồi đùa chơi
với những thiên thần nhỏ -
những đứa trẻ sinh ra cùng thời… trốn học cùng nhau khỏi tiết toán,
Khỏi bài học cổ thi hamasa, họ đến bên rào chắn
đùa giỡn với những chiến binh, một trò chơi ngây thơ của tử thần.
Họ chẳng nói với chiến binh rằng:
“Hãy cất súng đi rồi mở đường cho cánh bướm
đi tìm mẹ lúc hừng đông, để chúng tôi có thể vút bay
cùng đàn bướm rời xa giấc mộng này, bởi giấc mơ rất hẹp nơi ngưỡng cửa.”
Họ từng trẻ dại, ham vui, đùa chơi
với đóa hồng vùi mình trong tuyết, sau hai câu chuyện dài,
của người hùng và kẻ khốn khổ, rồi họ trốn đi cùng những thiên thần
đến một vùng trời thanh cao trải rộng…  

—-

(Hoài Phương dịch)

Và họ không hỏi rằng... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Và họ không hỏi rằng…
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——


Họ không hỏi rằng: Điều gì đợi chờ ta sau cái chết?
Mặc dù say đắm với Thiên Đàng hơn những điều
đang xảy ra ở trần gian, họ trăn trở
vì một câu hỏi khác: Chúng ta phải làm gì
trước ngày ra đi? Gần gũi cuộc đời, chúng ta sống
như không tồn tại – cuộc đời chúng ta là những mảnh đất hoang,
đợi các bị thần bất động sản
cãi nhau chia phần.
Chúng ta sống kề cận cát bụi cổ xưa.
Cuộc đời ta là triền miên muộn phiền trong đêm người viết sử:
“Dẫu ta đã khiến họ biến mất, họ vẫn quay về
từ trong sự vắng mặt.”
Cuộc đời chúng ta là gánh nặng trên vai họa sĩ:
“Ta vẽ họ, ta hóa thành họ rồi màn sương phủ trùm ta.
Cuộc đời chúng ta khiến Thống tướng u sầu:
“Làm cách nào một hồn ma rướm máu?”
Chúng ta sẽ trở thành điều chúng ta muốn. Chúng ta mong
được sống, một chút thôi, chẳng vì điều gì hơn - tỏ lòng tôn kính
cho sự phục sinh sau cái chết.
Họ bất chợt cất lên những lời như triết gia:
“Cái chết với chúng ta là vô nghĩa: hắn không tồn tại nếu ta còn sống
Cái chết với chúng ta là vô nghĩa: nếu hắn tồn tại ta sẽ không còn.”
Và họ sắp xếp lại những giấc mơ,
rồi chìm vào giấc ngủ khi còn đang đứng.

Kẻ lưu vong không nhìn lại... (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

An Arab on a camel surveying the desert at dusk
Augustus Osborne Lamplough in 1900

Kẻ lưu vong không nhìn lại…
Mahmoud Darwish
English translation by Omnia Amin and Rick London

——

Kẻ lưu vong không nhìn lại khi dứt áo ra đi
khỏi chốn lưu đày – vì còn nhiều cuộc ly hương
đang chờ đợi phía trước, những cung đường vòng
dần hóa thân thuộc, chẳng có gì ở đằng xa
hay kề cận, không nam không bắc.
Họ di cư từ bờ rào vào trong khu vườn,
Trước sân nhà, dấu chân họ để lại bản chúc thư:
”Khi chúng ta đi rồi, hãy nhớ đến chỉ riêng cuộc đời này.”
Hành trình đó trải dài từ tấm lụa êm buổi sớm đến ban trưa bụi mù,
trên lưng họ là sự vắng mặt nặng trĩu cỗ áo quan:
tấm thẻ căn cước, cùng một lá thư cho người thương không còn địa chỉ:
”Khi chúng ta đi, hãy nhớ đến chỉ riêng cuộc đời này.”
Cùng điệu bộ chiến thắng đau thương
họ lê bước trên hành trình từ nhà ra đường lớn,
nói với bất kì ai lướt qua rằng:
“Chúng ta còn sống, nên đừng xem chúng ta như kỷ niệm.”
Từ lời chuyện kể họ vươn lên hít thở
rồi phơi mình trong nắng ấm, họ nghĩ rằng sẽ cất cánh bay…
bay thật cao. Họ vươn lên rồi rơi xuống. Họ đến rồi lại đi.
Từ bậc thềm cổ xưa họ nhảy vọt chạm đến những vì sao.
Họ quay trở lại trong lời chuyện kể
nơi không có kết thúc cho một khởi đầu.
Họ trốn chạy từ cõi u mê đến bên thiên thần ngủ say,
trắng bệch, đôi mắt đỏ au sau triền miên suy tư về dòng máu
tuôn trào:
“Khi chúng ta đi, hãy nhớ đến chỉ riêng cuộc đời này.”

—-

(Hoài Phương dịch)

Viết nên quê nhà (Najwan Darwish) by Phuong Nguyen

Viết nên quê nhà
by  Najwan Darwish
translated by Kareem James Abu-Zeid

——

Ta muốn viết nên quê nhà,
Ta muốn ngôn từ
trở thành bản thân vùng đất ấy.
Nhưng ta chỉ là bức tượng tạc nên từ đôi tay người La Mã
mà người Ả Rập đã lãng quên.
Lũ thực dân cướp đi bàn tay ta đứt lìa
rồi đưa chúng vào trong bảo tàng.
Chẳng sao. Ta vẫn muốn viết nên -
dải đất quê nhà
Ngôn từ trong ta vang vọng khắp chốn
và sự câm lặng là câu chuyện của ta.

—-

(Hoài Phương dịch)

Najwan Darwish (1978 - ) Nhà thơ Palestine sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh từng theo học luật và đã hành nghề luật sư trong vài năm trước khi quyết định dành trọn thời gian cho thi ca và đã xuất bản nhiều tập thơ. Anh cũng là cố vấn văn học cho nhiều hoạt động nghệ thuật thị giác, sân khấu kịch trường, và biên tập nhiều tạp chí về văn học Palestine và cộng đồng Arab.

Ngạt thở (Najwan Darwish) by Phuong Nguyen

Ngạt thở
Najwan Darwish
translated by Kareem James Abu-Zeid

—-

Khổ đau tràn ngập khắp gian phòng
và ta là một bóng ma bước vào căn nhà hoang vắng
kết cục nằm trọn lòng bàn tay,
ta ngủ say rồi thức dậy bên bao tàn tích.
Chán nản làm sao khi ta dần trở nên quen thuộc
với cảnh tiêu điều tịch mịch,
ta gắng bắt kịp chúng đến tận đây.
Đè nặng trên vai là những ngôi nhà hoang phế,
những cuộc ra đi lấp đầy cho nhà cửa các ngươi.
Ta bước vào những buồng tim trống rỗng, và không thở nổi…

*

Không ai hiểu được ta, không người Ả Rập, Byzantine lẫn Ba Tư.
Lẽ nào ta chưa từng có một lịch sử?
Làm thế nào giữa đường ta đã đánh mất -
những bài thơ từng là thế giới nở bừng trong khoảnh khắc?
Và làm sao ngươi, tất cả các ngươi đã thất lạc?
Ngươi lấy đi cả phần của ta trong mất mát
và chỉ chừa lại những gì bỏhoang,
một tinh cầu chẳng còn khung xương -
các người chừa lại cho ta điều này, chừa lại
để chôn vùi.

*

Nếu ta nói rằng ta sẽ rời đi
thì cũng chẳng còn lại ai hay điều gì
ngoài sự từ bỏ đang
cất tiếng kêu khan, để rồi nuốt trọn
giọng nói của chính ta.

——

(Hoài Phương dịch)

Najwan Darwish (1978 - ) Nhà thơ Palestine sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh từng theo học luật và đã hành nghề luật sư trong vài năm trước khi quyết định dành trọn thời gian cho thi ca và đã xuất bản nhiều tập thơ. Anh cũng là cố vấn văn học cho nhiều hoạt động nghệ thuật thị giác, sân khấu kịch trường, và biên tập nhiều tạp chí về văn học Palestine và cộng đồng Arab.

Trận oanh tạc chấm dứt (Najwan Darwish) by Phuong Nguyen

Trận oanh tạc chấm dứt
Najwan Darwish
English translation by Kareem James Abu-Zeid

—-

Ngày mai sẽ chẳng còn ai biết đến ngươi.
Trận oanh tạc đã qua
chỉ để bắt đầu một lần nữa trong người.
Những tòa nhà đổ sụp, chân trời rực cháy
đưa mồi cho bão lửa càn quét thâm tâm ngươi,
ngọn lửa dữ nuốt trọn đá tảng.

Lũ sát nhân đang say ngủ,
nhưng ngươi thì không -
mãi mãi tỉnh thức,
thức cho đến khi tất thảy vỡ vụn, những tảng đá khổng lồ
từng là nước mắt những thánh thần ẩn dật.

Sự thứ tha đã kết thúc,
Lòng khoan dung tuôn tràn khỏi thời gian.
Không ai biết đến ngươi bây giờ,
và sẽ chẳng một ai biết đến ngươi ngày mai.
Như những cái cây, ngươi
đã bị gieo xuống vùng đất nơi đạn pháo san bằng.

——

(Hoài Phương dịch)

Một tư tưởng thất bại (Basman Aldirawi) by Phuong Nguyen

Một ý tưởng thất bại
Basman Aldirawi

——

Ta thấu hiểu Chúa vô cùng:
Bởi cũng như Người, trái tim ta thất vọng ê chề
Nếu giờ đây như Chúa đang ngồi kề bên
có lẽ Người sẽ chia đôi cùng ta điếu thuốc. Ta sẽ đặt tay lên vai Người,
và khóc cùng nhau cho đến khi mưa phùn nhẹ rơi,
rửa trôi Gaza khỏi cuộn khói dày tăm tối,
vốn chẳng phải một phần của vòm trời,
rồi ngưng đọng tiếng nổ giết chết một đứa bé ở Gaza
cùng máu tuôn xối xả từ bàn tay và lỗ miệng của thế giới.
Cuộc đời sẽ trải rộng trên lồng ngực của Gaza, sự phục sinh đang tới:
Nàng nguyên vẹn không một vết xước, không một vết thương.
Nhưng vết sẹo sẽ không chết đi bao giờ, hỡi Đấng Toàn Năng.
Ta nghe thấy Người khóc rằng: “Một tỷ người câm lặng, một triệu người tan nát.”
Âm thanh dòng lệ chảy ngân vang
Và dẫu ta chẳng hề ngoan đạo, ta cầu nguyện.
Tưởng nhớ gương mặt người thân và bè bạn,
con đường, thành phố, đại dương,
gương mặt những người ta từng gặp hằng ngày ở Gaza.
Ta cầu chuyện và nghe thấy Người gào lên giữa tiếng gầm bom đạn
và tứ chi đứt lìa:
Tư tưởng này đã sai!
Nó là một thất bạiâ

- From Gaza

—-

Basman Aldirawi (Basman Derawi) là một bác sĩ vật lý trị liệu tốt nghiệp từ đại học Al-Azhar năm 2010 tại dải Gaza, anh tìm thấy tình cảm cho thi ca thông qua âm nhạc, phim ảnh và sự tiếp xúc với những người cần được chăm sóc đặc biệt và đã bắt đầu viết thơ và thường xuyên đóng góp bài trên nền tảng We Are Not Numbers (Chúng tôi không phải con số) - được thành lập bởi nhà thơ Rafaat Alareer, người đã qua đời vì không kích của quân đội Israel vào ngày 9/12/2023

(Hoài Phương dịch)

Người tử đạo cho Intifada (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Người tử đạo cho Intifada
Fadwa Tuqan
——

Họ vẽ nên bản đồ dẫn đường cho sự sống
Rồi lát lối đi ấy cùng đá quý và trái tim trẻ tuổi ấm nồng
họ nâng trái tim lên như hòn đá trong lòng bàn tay
như than hồng, rực lửa
rồi ném chúng vào quỷ dữ bên đường
đã là lúc để phô bày sức mạnh cùng lòng can đảm,
tiếng nói của họ chạm đến muôn nơi
vang vọng khắp chốn
rồi cùng với sức mạnh và lòng can đảm ấy
họ chết đứng
rực lửa trên đường
bừng sáng như những vì sao
đôi môi họ quyện lấy làn môi của sự sống.

***

Tử thần đã đến và vung lưỡi hái
họ vẫn vững chân đối diện cái chết
ngay thẳng hơn rừng cọ
hùng dũng hơn cánh đồng lúa trổ
sáng tỏ hơn vầng dương chiếu rọi
đẹp đẽ hơn hàng cây tưới tắm dưới cơn mưa ôm ấp hừng đông
họ vươn lên, nhảy vọt, lao đến chiến trường
nơi họ lan ra như những quả cầu lửa
họ bốc cháy, sáng rực, trao cho ta ánh sáng
giữa chặng đường - rồi biến mất như vệt nắng dần tan.

***

Ôi những giấc mơ của họ đang hiện ra ở nơi xa
ôm ấp tương lai hạnh phúc!
Và ngươi sẽ mang họ quay lại
cùng những ngày mai tuyệt vời.
Hình hài của tái sinh sẽ vươn lên từ vực sâu của đêm và cái chết
trên gương mặt hắn hiển linh bao tin tốt lành
và giữa đôi mày rộng, một vì sao rực sáng.

***

Đất Mẹ sẽ mớm cho anh dòng sữa ngọt suốt cuộc đời  
để ngay đến sự cô đọng của cái ác
và quỷ dữ nơi đất liền, thống trị biển khơi
cũng không thể bứt rời anh khỏi bầu ngực Người
và anh sẽ chẳng bao giờ rời xa dòng sữa ấy
dẫu bè lũ cướp ngôi xuống tay bạo tàn
anh sẽ chẳng bao giờ rời xa dòng sữa ấy
và rồi giữa màn đêm bội bạc, tử thần sẽ vẽ nên
đầu vú bầu ngực căng tràn bằng giọt táo đắng.  

***

Hãy nhìn họ từ đằng xa!
Họ đang trỗi dậy cao hơn, cao hơn nữa
khi cả thế giới căng mắt dõi theo!
Họ đang vươn lên những nấc thang vời vợi
khi dòng máu trào dâng!
Trái tim họ không thể nào bị trói buộc bởi tử thần bội bạc
khi sự tái sinh và hừng đông còn đó
trong tầm mắt, dẫn họ bước tiếp con đường của hy sinh!
Hãy nhìn họ đàn chim ưng giang đôi cánh giữa Intifada
họ bước đến vĩnh hằng, vì dải đất và quê hương tôn kính!

Gửi đến Palestine từ dải Gaza (Refaat Alareer) by Phuong Nguyen

Gửi đến Palestine từ dải Gaza
Refaat Alareer
—-

Dẫu cho Israel đã giáng xuống ta án tử
như một viên đạn chì
đâm xuyên qua đầu,
ngấu nghiến cuộc đời ta,
bấu vào ta như con ve trên thân chú mèo,
rồi bóp nghẹn cuống họng ta
Giây phút chúng ta nói “Amen”
đáp lại lời nguyện của những người già
bị chặn lại trên đường về với Chúa,
Chúng ta mơ rồi nguyện cầu,
bấu víu cuộc đời quyết liệt hơn nữa
Mỗi lần một người thân yêu
bị nhổ đi dưới bàn tay man dã.
Chúng ta phải sống. Chúng ta phải sống
Chúng ta sẽ sống.

Bài thơ được đăng trong tuyển tập Gaza Writes Back: Short Stories from Young Writer in Gaza, Palestine

—-

(Hoài Phương dịch)

Buồn hơn dòng nước (Samih al-Qasim) by Phuong Nguyen

Buồn hơn dòng nước
Samid al-Qasim
translated by Nazih Kassis

——

Buồn hơn dòng nước,
đứng giữa bao kì quan cõi chết,
ngươi đã tách rời bản thân khỏi vùng đất này.
Buồn hơn dòng nước
nhưng kiên cường hơn sóng gió thổi qua,
ước sao ta có được vài giây chợp mắt,
một mình. Xung quanh là hàng triệu người
đằng sau khung cửa chìm dần vào đêm tối.


Ngươi đã tách rời khỏi cái tôi
để có thể ở lại
quê nhà.
Ngươi còn ở đây.
(Con người vô dụng làm sao… vùng đất này cũng vậy
nhưng ngươi còn bám trụ)
Và ở vùng trời trống rỗng này,
chẳng còn lại gì ngoài chính ngươi
cùng phế tích của thời loạn lạc
sau một mùa thanh trừng đau đớn…

*

Ngươi được sinh ra trong chiếc nôi miền đất thánh.
Và chiếc nôi của tôn giáo chính là vùng đất của ngươi.
Giữa chiếc nôi và nấm mồ, ngươi đã chọn
ở lại quê nhà. Để cơn gió thổi bay phấn hoa
đến đại thụ của Thánh Thần. Linh hồn ngươi bám trụ, như đàn chim mùa hạ thiên di
để khi mùa đông đến trở về rồi đi qua cái chết một lần nữa.
Những quả bom ngạt đang phát nổ
sẽ cho ngươi vay mượn nhịp điệu
và khi thời khắc đến, ngươi sẽ vùng lên
buồn hơn dòng nước
và kiên cường hơn kết thúc…

*

Những nhạc công xưa đó thuộc về ngươi. Mênh mông sa mạc
Bí mật những chuyến chinh phạt – nhân danh tên các người
và những hòn than hồng của sự lĩnh hội đó
còn đang rực sáng dưới đống tro tàn.
Cùng một giấc mơ ngươi dẫn đường cho bao kỷ nguyên mới
Kiên cường đi tới với những vì sao, kiến tạo những khu vườn
ngươi hiểu thấu những điều Thánh Thần dạy về đại họa,
để rồi đùa cợt cùng cái chết:
mặt nạ hơi ngạt ấy đã được giải phóng
huyết quản trong ngươi tìm ra điều chúng hằng mong mỏi
và ngươi đã bị thuyết phục rằng
bản thân ngươi chính là khởi đầu không có điểm tận,
không hồi kết thúc… và vòng vây cuốn siết cổ họng ngươi
ngày càng chặt, không bao giờ châm dứt. Vết nứt trên trần nhà nở rộng,
bức tường nhà ngươi biết rõ
gương mặt của bom đạn từ tận tâm can.
Và ngươi đứng bên thềm ý chí
từng giọt của lời đang rơi, câm lặng rỉ máu,
khi ngươi moi viên đạn khỏi bức ảnh gia đình
khi ngươi lần mò theo đường pháo kích
rồi bước vào buồng tim của bao đồ vật trong nhà
đếm từng lỗ thủng nơi mảnh đạn ghim
trong cơ thể đứa con gái hẵng còn ngủ say -
như hôn lên lớp sáp phủ bàn tay em
trong góc tối của chiếc hòm.
Làm cách nào ta đúc thành sự điên loạn của một điếu văn?
Làm cách nào ta gom lại tháng ngày những người đã chết
dọc bên con đường quê nhà đẫm ướt sương?
Hoặc ngươi có thể ôm vào lòng
cơ thể con gái ngươi hẵng còn say ngủ.

*

Buồn hơn dòng nước
Và sáng tỏ hơn vầng dương ngày hạ.
Nhưng ngọn lúa mì sẽ chọn ngày
để chín, sau triền miên mùa hạn.
Vì vậy hãy cầu xin một ổ bánh mì thôi
từ đơn vị cứu trợ gần nhà -
Và tạm quên đi những bữa ăn khác một thời gian.
Quên đi giá cả của chúng: từng ngày.
Từng tháng. Rồi từng năm đi qua.
Hãy thanh lọc bầu không gian khác lạ
trước khi tiếng gọi ngươi thình lình phát nổ.
Ngươi cất tiếng gọi và cũng là kẻ lắng nghe.
Ngươi cháy bùng trong lửa. Họ dập tắt. Rồi bắt đầu.
Ngươi thoái lui. Ngươi tìm thấy vùng đất ấy.
Để rồi lại đánh mất.
Buồn hơn dòng nước…


From Sadder Than Water: New & Selected Poems by Samih al-Qasim, translated by Nazih Kassis. Reprinted with the author's permission.

Khi hắn chạm đến tận cùng cô độc (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Khi hắn chạm đến tận cùng cô độc
Ghassan Zaqtan
English translation by Fady Joudah

—-

Hắn sập cửa rồi tắt đèn
trừ hành lang nơi dẫn đến hàng rào
nơi hắn trộm nhìn giàn hoa giấy

bên những cành táo ngọt hắn gieo xuống mùa đông qua.
Chỉ một ngọn nến leo lét trong phòng,
vậy thôi là đủ.

Cuộn khói dâng lên bên ánh lửa yếu ớt
khiến hắn nghĩ đến một nơi có những gương mặt
cùng thân thể, tên gọi và nơi chốn  
đang ngồi phía bên kia làn khói mỏng.  

Giữa hành lang vô tận tiếng thở dài lăn lộn khi cố vươn đến hắn
Tiếng nói và những căn phòng quá xa xôi, như thể bị chôn vùi.

Nhưng hắn còn ở đó giang rộng đôi tay
cùng làn khói dẫn đường đưa họ băng qua bóng tối
ánh sáng là dấu hiệu, là hành lang yêu thương
bảo vệ cho mọi thứ đừng rơi, đừng lạc lối.  

Để ký ức của hắn đừng kết thúc cũng không mục rữa
Chỉ vừa đủ để đợi chờ hắn ở một cõi xa xôi
cho đến khi hắn chạm đến tận cùng của cô độc

Ghassan Zaqtan, November 2, 2021

                                        —Zakariya/Beit Jala/Ramallah

Ngựa đen (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Ngựa đen
Ghassan Zaqtan
English translation by Fady Joudah



Kẻ thù đã chết không ngừng nghĩ về ta trong giấc ngủ vĩnh hằng
Những bóng ma lướt đi trên bậc thang, ngồi trong góc tối
Những bóng ma ta nhặt bên vệ đường, như chuỗi hạt
quàng trên cổ một người kết từ tội lỗi.

Tội lỗi ngập tràn cuống họng, và tại đây ta nuôi sống những bóng ma, cho họ ăn
rồi họ bơi vòng quanh như đàn ngựa đen trong giấc mộng.

Với sức sống từ người tử nạn, điệu Blue cuối trỗi dậy
khi ta nghĩ về sự đố kỵ,
cánh cửa rạch hở và hơi thở tràn qua kẽ nứt, dòng sông
thở phập phồng, như một kẻ say
và quá khứ của người đàn bà chợt thức dậy giữa công viên…

Và khi ta chìm vào giấc ngủ
Ta thấy một chú ngựa đang gặm cỏ
bất cứ khi nào ta chìm vào giấc ngủ
một chú ngựa bước đến gặm nhấm giấc mơ ta

Trên chiếc bàn ở Ramallah là bao lá thư dang dở, bức ảnh người bạn cũ
Bản chép tay bài thơ của một chàng trai trẻ từ Gaza, đồng hồ cát,
và khởi đầu của bài thơ đang đập cánh trong đầu.  

Tôi muốn nhớ về bạn như bài hát ta từng nghe hồi tiểu học
mà tôi nhớ tường tận, chưa từng phạm lỗi
với đôi môi lạc nhịp và mái đầu nghiêng
cùng bàn chân nhỏ hăng hái giậm sàn đất
và trên chiếc bàn là đôi tay vỗ liên hồi.  

Tất cả đã chết vì chiến tranh, bằng hữu, bạn học…
những bàn chân nhỏ ấy vẫn còn đây, cùng đôi tay hăng hái, dẫm trên
sàn lớp học, bàn ăn, bên vệ đường
trên vai lưng những người dạo bước
và bất cứ nơi đâu tôi đi đến
tôi vẫn nghe
tôi vẫn nhìn thấy.