Cây vĩ cầm (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Vĩ cầm gạt nước mắt cho người Gypsie đi tới Andalusia
Vĩ cầm khóc thương người Ả Rập đang rời khỏi Andalusia
Vĩ cầm khóc thương kỷ nguyên thất lạc chẳng thể quay về
Vĩ cầm khóc thương quê hương đã mất đợi ngày ta lấy lại
Vĩ cầm đốt cháy cánh rừng ở phía xa tăm tối
Vĩ cầm rạch nát chân trời, ngửi mùi máu tanh trong huyết mạch.
Vĩ cầm là tuấn mã trên sợi dây của bóng ma và dòng nước kêu than
Vĩ cầm là cánh đồng tử đinh hương rạp mình nghiêng ngả
Vĩ cầm là dã thú chịu đay nghiến dưới móng vuốt người đàn bà
chạm khẽ rồi rời đi,
Vĩ cầm là đội quân dựng nên nấm mồ từ cẩm thạch và thanh âm
Vĩ cầm là trái tim vô chính phủ được làn gió dưới chân người vũ công nâng đỡ
Vĩ cầm là bầy chim đi tìm bóng mát dưới ràng biểu ngữ dang dở
Vĩ cầm là lời phàn nàn của tấm lụa thu mình sau một tối đắm say
Vĩ cầm là hương rượu vang nồng đượm khi chối từ cơn khát
Vĩ cầm đi theo ta khắp nơi chốn để rửa hận
Vĩ cầm xuống tay hạ sát, bất cứ nơi nào hắn tìm thấy ta.
Vĩ cầm khóc thương người Ả Rập đang rời khỏi Andalusia.
Vĩ cầm gạt nước mắt cùng đoàn Gypsies đi tới Andalusia.

---

(Hoài Phương dịch)

Andalusia: Một vùng đất nơi những người Gypsie du mục (Người Romani) đầu tiên đã đến vào năm 1462 và cũng là nơi tập trung cộng đồng Gypsie đông đảo nhất hiện tại ở Tây Ban Nha (Đây cũng là quê hương của thi sĩ nổi tiếng Federico Garcia Lorca). Người Gypsie xuất xứ từ Ấn Độ, thường lang bạt rày đây mai đó và cũng đã từng chịu cảnh đàn áp trong quá khứ, Mahmoud Darwish đã mượn hình ảnh này để kể về hoàn cảnh những người Palestine lưu vong.

Thật hay khi ánh sáng vẫn còn trong thành phố chỉ lóe lên dưới mưa bom by Phuong Nguyen

Thật hay khi ánh sáng vẫn còn trong thành phố chỉ lóe lên dưới mưa bom
Mohammed Moussa

—-

Thành phố đã thành đôi cùng ngọn lửa chiến tranh ,
nhưng ánh sáng từ trại tỵ nạn Jabalia vẫn thắp lên không ngơi nghỉ
khi một khát vọng không ngờ ập đến bên lối vào
và niềm vui dâng trào rỉ ra từ cửa sổ, náu mình
trong trái tim những đứa trẻ khu tỵ nạn.

Luồng sáng bất ngờ đến từ khu trại ấy
có lẽ chẳng quấy rầy giấc ngủ bậc lão niên,
hay những người đang yêu nhau bên ánh lửa
và người mẹ chuẩn bị bữa tối dưới đèn đường.

Luồng sáng ấy soi rọi cõi lòng
ta thấy bao khát vọng ngày trẻ
và triền miên hỗn loạn của tháng năm trưởng thành.

Và trong đôi mắt người trú ngụ nơi đây
Khi khu trại thắp sáng lung linh
khắp nơi chuyển mình thành phố thị hân hoan ngập tràn…
thật hay được nhìn thấy ánh sáng
soi rọi thành phố
nơi chỉ lóe lên chớp nhoáng
dưới trận mưa bom.

Bên kia cửa sổ một vết thương (Mohammed Moussa) by Phuong Nguyen

Bên kia cửa sổ một vết thương
Mohammed Moussa

—-

Bên kia cửa sổ một vết thương
Tôi thầm xướng lên cái tên của ông bà
Ở phía bên kia ngôi làng giữa rặng đồi
là một mái nhà tôi chưa từng biết qua
và rồi tôi thấy những cội ô-liu già
bên đàn hồng hạc mang tên tự do

Bên kia cửa sổ một vết thương
Tôi ngâm nga một khúc hát xưa
cho bản làng rướm máu
nơi chúng ta chẳng thể quay về
hát cho người bị thương, người đã chết
kề bên biên giới những giấc mơ
cùng cánh diều rách nát và bánh xe cháy tàn
những mặt nạ hơi ngạt tự làm.

Bên kia cửa sổ một vết thương
bao quanh bởi muôn trùng bóng tối
trong phòng ngủ của tôi
Hát cho cái tôi bị chiến tranh băm nát
ngước lên nhìn trời
tìm lời giải đáp,
đạn pháo sáng ngời
những cánh chim hồng hạc.

Chiến tranh đã qua (Mohammed Moussa) by Phuong Nguyen

Chiến tranh đã qua
Mohammed Moussa
—-

Chiến tranh đã qua
Vậy mà đêm đến tôi không sao ngủ được.
Thức trắng đến hừng đông
đến khi bóng ma của chiến tranh sống dậy
trong hành lang căn phòng, phủ lên giường tôi như dịch bệnh
nhắc tôi nhớ tên bao người đã chết
từng cái tên, từng câu chuyện, trong triền miên mộng mị.

Tôi thấy gương mặt họ giữa bầu trời -
đang nhìn xuống những gì còn sót lại
nơi họ từng gọi là nhà,
và tôi thấy tất cả -
mỗi lần bước qua một bức tường đổ nát,
và những mảnh áo nhuộm màu máu
là khi đêm đưa tôi đến với
nỗi đau người duy nhất sống còn -
sau khi cả gia đình đã mất.

Và tôi nức nở hằng đêm
Chẳng vượt qua nổi rúng động hỗn mang
Nước mắt rơi trước những thước phim chiến tranh
mà tôi xem lại mỗi tối
Khóc thương từng câu chuyện không hồi kết
từng giấc mơ không bao giờ thành hiện thực
từng thiếu nữ với giấc mộng thành hôn tan vỡ,
từng trẻ thơ bị tước đoạt hơi ấm lòng mẹ
từng người cha, mẹ bị cướp mất tiếng cười
của những đứa con
khóc thương ký ức trong tôi và những ai còn sống
không, chúng ta không ổn, mọi thứ vẫn chưa qua.
dẫu chiến tranh đã lấy đi tất cả những gì hắn muốn
Chiến tranh vẫn chưa qua.

—-

Mohammed Moussa, nhà văn, nhà thơ trẻ người Palestine sinh ra tại Gaza và lớn lên trong trại tỵ nạn Jabalia - một trong những khu trại lớn nhất tại Gaza được thành lập nên từ năm 1948 cho những người lưu lạc sau sự biến al-Nakba. Anh đã cho ra mắt tập thơ đầu tay "Hồng hạc" (Flamingo) Anh là người sáng lập cộng đồng thơ Gaza Poets Society và là host của Gaza Guy Podcast. Ngày 20/11/2023, gia đình anh bao gồm cha, mẹ, hai người chị cùng tất cả những đứa cháu đã qua đời sau một trận pháo kích của Israel nhắm vào trại tỵ nạn Jabalia. Mohammed Moussa hiện đang tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Lời hứa của giông bão (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Lời hứa của giông bão
Mahmoud Darwish

——

Đành vậy thôi!
Ta sẽ khước từ cái chết.
Thiêu đốt giọt lệ rơi từ bài ca rướm máu
Và lột trần khỏi rặng Ô-liu
những cành nhánh giả mạo.

Nếu ta đã từng tấu lên khúc hoan ca
Đằng sau mi mắt hoảng sợ khép chặt
Đó là bởi vì cơn bão
đã giao ước với ta về ly rượu hồng
cùng bánh mì thơm và dải cầu vồng.

Bởi cuồng phong đã thổi bay
tiếng nói từ bầy chim quỵ lụy ngu ngốc
Rồi bứt rời những cành nhánh giả tạo
khỏi cội cây kiên cường đứng vững.

Đành vậy thôi!
Ta quá đỗi tự hào về người -
Ôi, thành phố đau thương!
Người là ánh chớp giữa đêm sầu muộn
Khi con đường nhíu mày nhìn xuống
Người chở che cho ta khỏi bóng tối
Và những cái nhìn giận dữ căm hờn.

Ta sẽ tấu lên khúc hoan ca
Sau mí mắt kinh hoàng khép chặt
Bởi giông bão đã trỗi dậy
và càn quét quê nhà…

Mẹ tôi (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Mẹ tôi
Mahmoud Darwish
English translation by A.Z. Forman.

—-

Con nhớ làm sao bánh mì thơm
và những ly cà phê của mẹ
Cách mẹ khẽ chạm tay
Và ký ức tuổi thơ sống dậy
từng ngày, từng ngày
Con phải nâng niu cuộc đời này
Bởi nếu con chết đi
Con sẽ hổ thẹn vô cùng trước giọt nước mắt người.

Và nếu một ngày con trở lại
Hãy xem con như tấm mạng người phủ trước làn mi
Trên nắm xương con hãy rải tràn cỏ xanh
nơi bước chân mẹ đã ban phước lành
như vùng đất thánh.
Và hãy bện chúng ta lại thật chặt,
Bằng một lọn tóc của mẹ
Và như thế con biết đâu sẽ trở thành bất tử
Linh hồn con vươn lên như thánh thần
Nếu con có thể chạm đến tận cùng đáy sâu trái tim người.

Nếu một ngày con trở lại, xin mẹ
Hãy dùng con như củi khô, mồi cho bếp lửa
Hãy xem con như sợi dây phơi căng trên mái nhà người
Bởi nếu không được mẹ ban phước hằng ngày
Con yếu đuối làm sao, chẳng còn đứng vững.

Con đã già rồi…
Hãy mang cho con bản đồ sao thời thơ ấu
Để con cùng bầy chim thiên di
tìm thấy con đường hồi hương
về tổ ấm nơi mẹ vẫn đợi chờ.

—-

(Hoài Phương dịch)

Mahmoud Darwish sáng tác bài thơ này khi còn trẻ, khi ông đang bị giam trong nhà ngục Israel, và ông bày tỏ lòng thương nhớ và sự hối lỗi gửi đến mẹ qua bài thơ này, được viết như một lá thư gửi đến bà. Ông kể rằng:


”Khi tôi còn ở trong ngục, mẹ đã đến thăm, bà mang theo trái cây và cà phê, và tôi không thể nào quên giây phút cai ngục tịch thu bình cà phê rồi đổ chúng xuống trước mặt bà… tôi không thể nào quên những giọt nước mắt đó. Tôi đã viết nên bài thơ này gửi đến mẹ trong buồng giam, trên vỏ một hộp thuốc lá rỗng. Tôi từng nghĩ rằng đây chỉ là lời xin lỗi của một đứa trẻ gửi đến mẹ mà thôi, chẳng nghĩ rằng rồi một ngày bài thơ này sẽ thành bài hát được xướng lên bởi hàng triệu đứa trẻ trên thế giới.”

Bài thơ “Mẹ tôi” đã được Marcel Khalife, một nhạc sĩ người Lebanon phổ nhạc, mời các bạn nghe ca khúc này tại đây”

https://www.youtube.com/watch?v=gX2x7aW2EbI

Thưa Cha, Con là Yusuf (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Thưa Cha, con là Yusuf
Mahmoud Darwish
English translation Manal Swairjo

——

Thưa Cha, con là Yusuf
Thưa Cha, các anh không yêu thương cũng chẳng muốn con kề cạnh
Họ đánh đập, ném đá và buông lời cay đắng
Họ muốn con chết quách để có dịp đọc điếu văn
Họ đuổi con khỏi nhà Cha và khóa chặt cửa
Họ nhẫn tâm trục xuất con khỏi ruộng đồng.

Thưa cha, họ đầu độc vườn nho con chăm sóc
Rồi họ hủy hoại những giấc mộng con từng chiêm bao
Khi gió vờn đùa mái tóc con họ ghen tỵ thấy rõ
Bao lửa giận họ ném vào cả hai chúng ta
Con đã lấy đi điều gì từ họ, thưa Cha?
Bờ vai con cánh bướm chọn nghỉ ngơi
Đứng trước con đồng lúa cúi đầu
Và trên tay con những cánh chim chao liệng

Tại sao lại là con?
Cha ban cho con cái tên Yusuf
Họ liền ném con vào giếng.
Rồi đổ tội cho sói lang.
Lũ sói còn hiền ngoan hơn so với những người anh đó.
Ôi, Cha ơi
Con đã làm phật lòng ai khi lỡ miệng nói rằng
Con đã thấy mười một vì sao, mặt trời và ánh trăng
Và đối diện con họ cúi mình.

—-

(Hoài Phương dịch)
Bài thơ này được đăng trên tạp chí Al Jadid, Tuyển tập số 5, thứ 28, Mùa hè 1999.

Chỉ là thói quen (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Chỉ là thói quen
Ghassan Zaqtan
English translation by Fady Joudah
—-

Chiến binh và lính canh lỡ quên trong khu vườn,
Lính canh và biên phòng lỡ quên nơi cửa khẩu
Cửa khẩu và quân chiếm đóng lỡ quên bên thềm cửa,
Quân chiếm đóng và chính trị gia lỡ quên giữa đời ta,
Chính trị gia từng là chiến binh phục vụ quân chiếm đóng.
Xe tăng Merkava và quân đội lỡ quên ở trường học,
Quân đội và chiến tranh lỡ quên trong thành phố,
Chiến tranh và thống tướng lỡ quên giữa khán phòng,
Thống tướng và hòa bình lỡ quên trong giấc ngủ chúng ta.
Và hòa bình đã cầm lái chiến tăng Merkava.
Chúng nã đạn pháo vào đầu ta,
Mà chẳng cần khẩu lệnh,
Chỉ vậy thôi,
một thói quen.

Câu chuyện (Kamal Nasser) by Phuong Nguyen

Câu chuyện
Kamal Nasser (1924 - 1973)
English translation by Micheal R. Burch

—-

Để tôi kể anh nghe câu chuyện này…
câu chuyện từng sống trong giấc mộng dân tôi,
hoài thai từ thế giới của lều bạt,
cảm hứng là đói khát, được tô điểm thêm bởi bao đêm kinh hoàng
Câu chuyện đất nước tôi, một nhúm dân lưu lạc.
Nơi nửa cân bột mì hai mươi mạng chia nhau
kèm theo lời hứa hẹn… và vài món quà nhỏ.

Đó là câu chuyện của những người khốn khổ
nối nhau thành hàng đằng đẵng mười năm
trong cơn đói,
giữa đớn đau và giọt nước mắt rơi,
giữa nhọc nhằn và khao khát.
Đó là câu chuyện về những người lưu lạc,
bị ném vào mê lộ của tháng năm,
Thế nhưng họ vẫn ngoan cường trụ lại
đồng lòng hợp nhất dẫu có bị lột trần
khi lê bước chân từ ánh sáng về túp lều nhỏ:
cuộc cách mạng ngày trở lại
vào thế giới của đêm thâu.

—-

(Hoài Phương dịch)

Kamal Nasser (Kamal Butros Nasser) Là một chính trị gia Palestine và cũng là một nhà thơ, nhà văn. Ông sinh ra tại Gaza vào năm 1924 và lớn lên ở Birzeit trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Ông từng theo học tại Đại học Birzeit rồi sau đó theo đuổi Chính trị học tại American University tại Beirut. Ông trở thành giáo viên sau đó trong khi theo đuổi học luật tại Jerusalem. Vào năm 1952, ông gia nhập Ba’ath (Arab society Ba’th party) và chịu trách nhiệm sản xuất ở tòa báo Al-Ba’ath tại Ramallah và tờ báo Jil al-Jadid, một tòa báo quân đội. Bị trục xuất khỏi Tây Ngạn bởi Israel vào năm 1967, Nasser trở thành chủ biên của tuần báo Falastin Al Thawra trực thuộc PLO. Ông cũng là phát ngôn viên chính thức của PLO và từng nắm giữ chứng vụ quan trọng trong ban truyền thông. Ông qua đời vào đêm 9/4/1973, bị ám sát bởi lực lượng tinh nhuệ Israel trong một cuộc đột kích vào Lebanon.

Rita và khẩu súng trường (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

“Rita và khẩu súng trường”
Mahmoud Darwish
English translation by Lamdi Hasan

—-

Giữa Rita và đôi mắt của ta
là một khẩu súng trường
Những ai từng biết Rita
Sẽ quỳ xuống rồi tấu nhạc
tụng ca thánh thần trong đôi mắt đẫm màu mật ấy.

Và ta đã hôn Rita
khi nàng còn rất trẻ
Ta nhớ cách nàng bước đến
cách bím tóc nàng quấn quít bàn tay ta
Và ta nhớ Rita
như chim sẻ nhớ thương suối nguồn.
Ah, Rita
Giữa chúng ta là triệu cánh chim, hình ảnh
mà phần nhiều là điểm hẹn đôi ta từng gặp gỡ
rền vang tiếng súng trường.

Cái tên Rita là yến tiệc nơi vòm miệng
Và thân thể nàng là hôn lễ trong huyết quản ta.
Ta lạc mất mình trong Rita suốt hai năm
Nàng say ngủ trong vòng tay ta thời gian đó
Chúng ta trao cho nhau bao thề nguyện
Bên những chiếc ly hoàn mỹ
Để giọt rượu thiêu cháy làn môi
Và rồi cùng nhau đôi ta lần nữa tái sinh.

Ôi, Rita!
Có điều gì khiến ta rời mắt khỏi nàng trước khi họng súng đến
Chỉ đôi giấc ngủ ngày và làn mây sóng sánh mật ong
Đã từng có một thời…
Ôi, thinh lặng của đêm rơi
Khi bình minh tới ánh trăng của ta thiên di về cõi khác
hướng về vùng trời có đôi mắt màu mật ong
Và rồi thành phố càn quét những nhạc công
Cùng với Rita.

Giữa đôi mắt ta và Rita -
Là một khẩu súng trường.

——


Translator note: Mahmoud Darwish đã từng yêu một cô gái người Israel vào những năm 1960 khi ông còn trẻ, và đây là bài thơ ông viết về tình yêu nồng cháy giữa ông và cô gái đó. Họ đứng ở hai bên bờ chiến tuyến với những khác biệt không thể dung hòa giữa Israel và Palestine, một tình yêu cam go, “dị giáo” bị số đông phản đối như câu chuyện giữa Romeo và Juliet. Rita là biệt hiệu mà ông gọi người yêu của mình - Tamar Ben-Ami, và câu chuyện giữa họ đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu “Viết lại, ta là một người Ả Rập” (2014). Ben-Ami là con gái của một gia đình Do Thái giàu có, Mahmoud Darwish khi đó là sinh viên tại trường đại học Haifa, và họ gặp nhau tại một cuộc diễu hành của Đảng cộng sản Israel vào năm 1962. Tại thị trấn Shfaram gần Haifa, ông thường đọc thơ và Ben-Ami - một vũ công và ca sĩ - trình diễn âm nhạc. Ông khi đó 22 tuổi và Ben-Ami 16 tuổi rưỡi. Ben-Ami nói rằng cô không muốn công khai mối quan hệ của họ bởi vì thể chế cộng sản, và vì ông là một người Arab, cô là một người Do Thái.

Mahmoud Darwish kể lại, ông từng bảo Ben-Ami: Em là thanh gươm thắng trận. Và cô trả lời: Và anh là lưỡi dao đã đào thoát.

Tuy nhiên tình yêu của họ không thể vượt qua lý tưởng. Mahmoud Darwish ngày càng nổi tiếng trong vai trò chủ bút và thông dịch cho Tòa báo Cộng Sản, cùng những bài thơ phản chiến và đả kích Israel, tiêu biểu là bài thơ “Thẻ căn cước”(Identity card, 1964) đã khiến ông đi tù. Ben-Ami vẫn còn trẻ và không thể từ bỏ gia đình, cuộc đời mình tại Israel. Họ chia tay. Vào năm 1967, sau cuộc chiến 6 ngày, Ben-Ami gia nhập quân đội Israel. Khi biết tin này Mahmoud Darwish đã gửi thư cho cô rằng:

”Tamari, tuần này anh nghĩ về em rất nhiều. Những suy tư này khiến anh cảm thấy thật tệ hại. Anh chỉ còn thấy trong em một tên tội phạm. Anh buộc lòng phải quên đi những khía cạnh đẹp đẽ ngọt ngào của em. Chúng còn tồn tại không? Anh mong là có.”

Sau trận chiến 1967, Darwish bị giam lỏng tại Haifa, và vào năm 1971, ông rời khỏi PAlestine đến Cairo, sau đó là Beirut, Moscow và Paris, cuộc đời lưu vong của ông bắt đầu và không bao giờ quay lại quê hương. Ông nhắc lại mối tình của mình với Ben-Ami sau đó trong tuyển tập “Hồi ký những tiếc thương tầm thường”(Journal of an Ordinary Grief)

“Ta nghĩ về em: Em đang làm gì? Có lẽ em đang ở Nablus, hay một thành phố khác, trên tay là một khẩu súng trường trong đội ngũ quân xâm lược, có lẽ ngay chính giây phút này em đang ra lệnh buộc vài người đàn ông giơ tay hay quỳ mọp dưới đất. Có lẽ em đang thẩm vấn và tra tấn một bé gái Ả Rập bằng tuổi em, cũng xinh xắn như em đã từng.”

Ben-Ami sau khi rời khỏi IDF (Quân đội Israel), bà đã rời Israel đến Đức làm việc như một biên đạo múa, nơi bà sinh sống đến tận bây giờ.

Bà chia sẻ với Mara’ana - đạo diễn của thước phim tài liệu “Viết lại, Ta là một người Ả Rập” - rằng: “Tôi có những người bạn Israel và tôi muốn ở lại nơi đó. Tôi nghĩ rằng mình chọn nơi này vì khi đó danh tính của tôi, khái niệm “tôi là ai” vẫn còn quá yếu ớt, tôi không dám thể hiện bản thân mình vì tôi còn trẻ, tôi bận đi học và chẳng có thời gian để suy tư, có lẽ…”

”Sự chia ly này là lỗi lầm của tôi. Tôi không đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong mối quan hệ này.”

Trên mạng có nhiều bài viết lan truyền về việc Mahmoud Darwish từng hẹn hò một tình báo viên Mossad trong quân đội Israel, nhưng bài phỏng vấn này đã xóa tan nghi vấn đó. Họ đã từng yêu nhau khi họ còn trẻ, một tình yêu vượt qua rào cản tôn giáo - ý thức hệ, dẫu nó đã chết yểu, nhưng tình yêu của họ còn đó trong thi ca.

Mong rằng một ngày nào đó, người Do Thái và Ả Rập sẽ có thể ôm lấy nhau trong yêu thương, như nhà Montague và Capulet hòa giải sau cái chết hai người con của họ, như những gì Mahmoud Darwish từng mong mỏi.

Vào một ngày như hôm nay (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Vào một ngày như hôm nay
Mahmoud Darwish
English translation by Fady Joudah

—-

Vào một ngày như hôm nay, tại một góc khuất
nơi nhà nguyện, trên mình là phục sức nữ tính,  
giữa một năm nhuận, giữa cuộc hạnh ngộ giữa sắc xanh lục
vĩnh hằng, và màu đen kolh thăm thẳm.
Khi hình hài hòa quyện cùng vật chất,
giữa những giác quan và đức khổ hạnh Sufi,
Bên dưới dàn nho vươn tỏa trên giàn rào,
Và những cái bóng đến đều đặn như một chu kỳ,
Khiến dáng hình của ý nghĩa đớn đau, và ngay tại
nơi chốn xúc động khôn cùng này/
                  Ta sẽ gặp khởi đầu và điểm tận của chính mình
                  Rồi cất lời: Khốn kiếp! Hãy mang ta đi nhưng nhớ chừa lại
Trái tim sự thật hẵng còn tươi cho đứa con lũ chó rừng
Và ta sẽ nói rằng: Ta chẳng phải một công dân
cũng không là kẻ chạy nạn
Ta chỉ muốn một điều thôi và không gì khác
Một điều duy nhất:
Là cái chết đơn giản và lặng im
Trong một ngày như hôm nay,
giữa góc khuất của bụi hoa diên vỹ
Biết đâu chúng sẽ đền bù cho ta ít nhiều
sau một đời ta đong đếm
bằng phút giây
bằng ly biệt
Ta muốn chết đi giữa một khu vườn
Chỉ vậy và không gì khác!

(Hoài Phương dịch)

Bàn tay của chiến tranh (Hosam Maarouf) by Phuong Nguyen

Bàn tay của chiến tranh
Hosam Maarouf
English translation by Fady Joudah

——

Ta nắm lấy bàn tay của chiến tranh
chẳng phải vì hắn là bạn đồng hành
mà bởi vì cái chết
đến chậm, nên ta đành lừa phỉnh hắn.

Ta nắm lấy bàn tay của chiến tranh
tin rằng đây là lần cuối cùng
hứng chịu tai ương hắn gieo xuống
bởi con đường ta đi là bức tường vô dụng.

và quê hương vẫn mải miết đi tìm
một bức ảnh
của nỗi đau chung.  

——

Hosam Maarouf là một nhà thơ, tiểu thuyết gia đến từ Gaza. Tuyển tập thơ “Death smell like grass” của anh đã nhận được giải thưởng văn học từ Bảo tàng Mahmoud Darwish vào năm 2015.

Một vĩnh hằng nhỏ bé (Mourid Barghouti) by Phuong Nguyen

Một vĩnh hằng nhỏ bé
Mourid Barghouti
English translation by Zeina Hashem Bec

——

Đơn độc, vút bay, ban công là những tầng mây
trong vòng tay êm ái của bầu trời
Bãi biển trải dài trước mắt, một thiên đường
nơi màu xanh lục (thầm thì, gầm lên vang vọng)
đủ nói lên tất cả.
Xanh lục nơi viền lá lấp lánh màu quả hồ trăn
Xanh lục bú mớm, trườn bò
cho đến khi trưởng thành như quả mơ sáng tỏ
rồi dần ngả màu rỉ sét xa hoa
như tấm da một quả lựu chín rũ.
Màu lục xám đào thoát khỏi xanh lam
lấp lánh như ngọc trai ngả sang ánh đồng
trong suốt tựa quả nho bé nhỏ và hơi giống
một thứ tôi không thể gọi tên.

Cánh rừng trải rộng từ đồi xa dần chạm đến
sự tĩnh lặng nơi lòng hồ trải rộng
và mùi của hoa thơm nhẹ rơi
từ chân núi, hướng về phía tôi, cao xa vời vợi
như cánh chim mãi trói buộc bởi vòm trời.
Và dáng hình núi xanh thân thương như
tổ tiên ta, những người tỏ tường nơi họ thuộc về,
dãy núi là những kỷ nguyên,
và nếu ngươi nhìn thật kỹ, chúng là cơ thể của thời gian.
Tô điểm bởi những con thuyền, mặt hồ là
chiếc váy xinh của một cô cháu nhỏ. Gật gù ngái ngủ cô lắng nghe
ngọn núi thầm thì những mẩu chuyện thần kì
khi cơn gió thẹn thùng thổi qua
(những bản làng lác đác bên vòng hồ)
và có phần hối lỗi vì lỡ khiến tàn lá lao xao.

Và rồi đôi cánh thình lình trổ ra
tôi nhấc mình bay lên mênh mông trải rộng
giờ là cánh chim tôi bỗng chốc nhận ra
thế nào là góc nhìn toàn cảnh.
Và tôi cất lời thật là một buổi sáng yên lành
cho những ai dừng lại nhìn ngắm,
cảnh tượng nơi vạn vật nương tựa vào nhau.
Tôi sẽ cần đến một năm
để học tên của bao đại thụ,
của tán cây, những đóa hoa, tên các loài chim,
một năm để học được tên tôi giữa nơi này.
Và tại đây thi ca là hoàn hảo,
nên viết sao cũng được, hỡi người lạ
bởi những kí tự khao khát anh ở chốn này.

Tôi ngẫm về xác thân rồi chợt thấy hoang mang:
bên dưới hàng cúc trên làn áo mỏng
là một hiện thực
như đầu gối đập vào nền cẩm thạch,
rồi ập đến một quá khứ hãi hùng
như loài sói lang nghĩ về đứa trẻ thơ
và hối thúc tôi gọi đó là tương lai.
Ở kia là nhà cửa dân tôi
nay đã đổi người,
bao tổn thương mất mát được sắp đặt
ngay ngắn như từ điển trên giá sách.

Bản thân tôi khép chặt, nhưng đôi mắt còn mở to
như cửa sổ nhà mẹ tôi
chưa từng thấy quan cảnh những đứa cháu
chơi đùa ở sân sau -
Nhưng bà đã chứng kiến quân đội Yahweh đùa cợt
với tháng năm của chúng tôi, bà kinh qua thời thế đảo điên
nhìn thân thể nạn nhân hủy hoại triệt để
cùng nỗi hoài mong sụp đổ như những trần nhà.

Và dưới hàng cúc trên lần áo mỏng
Tôi tiếp tục công việc mang tên tồn tại:
Giữ cho Radwa được ấm,
Để Majid lưu lại đến tận khuya
Và mẹ Munif ngắt hoa từ vườn nhà
trong khi bà đợi ông Munif trở về.
Chúng tôi tản bộ giữa rặng núi vào buổi sớm mai,
chuyện trò, lắng nghe, mỏi mệt, từ tốn, nghỉ ngơi, hối hả,
giận dữ rồi thứ tha,
chúng tôi quên đi, đôi khi lạc lối, xin lời hướng dẫn
ngâm lên một khúc Al-Mutanabbi
phá lên cười trước một câu đùa hòa cùng nước mắt.

Tôi có thể khiến cái chết hối cải trước thất bại của hắn không?
Cái chết có tin rằng tôi đang bước đi trên đôi chân người đã khuất?
Bước chân của tôi thuộc về họ,
và bài thơ này đang dỏng tai nghe.
Tôi có nên thuyết phục cái chết rằng sớm thôi sẽ đến lượt mình
như sự cứu rỗi, hay vòng tay ôm.
Nó đang xảy ra rồi
và cùng nhau ta biết đâu kham nổi
gánh nặng của một vẻ đẹp quá sức chịu đựng,
một vĩnh hằng nhỏ nhoi
khiến ta ngạc nhiên trong giây phút này: Tamim chuẩn bị bấm máy
… và tôi lên tiếng, Hãy đợi:

Để tôi chỉnh lại cổ áo cho Radwa
kéo Munif và mẹ tôi lại gần hơn một chút,
đưa những người cao nhất như cha và Majid vào chính giữa.
Cái chết liệu có bị thuyết phục rằng chúng tôi đã hồi sinh
trượt khỏi tay tử thần, cất cánh bay giữa bầy chim?
Trên mặt hồ, chúng ta hòa cùng làn nước,
thành núi tảng và bóng râm,
và hàng quán rải rác bên đường.

Chính nơi đây ta trục xuất nỗi khát khao từ ngôn ngữ.
Khát khao, lời tự thú đánh vỡ và tách đôi
nơi chốn, thân thể và bản ngã.
Bờ cũng là sông
Bởi không có bờ thì con sông đã thành thứ khác.
Và ngọn núi là núi nhờ bao triền đồi bồi đắp
Còn những đóa hoa, chẳng phải đều trổ ra từ cành nhánh?
Như cán cần lưỡi gươm để hoàn thành sứ mệnh
Ai có thể tách rời loài chim khỏi sự hiện diện của đôi cánh?
Ai có thể tách rời ngọn sóng khỏi biển xanh?
Và ai có thể tách rời con thuyền khỏi dòng nước?
Ai từng nói mùa xuân là khi mùa hạ vắng mặt?
Ai tách bạch đám mây khỏi sắc trắng?
Và bầu trời sẽ chẳng còn hào quang
nếu không có vầng trăng trong tim hắn.

Có phải tôi vừa nói những lời này không
hay những người đã chết bất thần ứng khẩu
Tôi không chắc,
Nhưng tôi không nhớ họ -
bởi vì họ còn đây
dưới hàng cúc trong lần áo mỏng.



Hãy đợi nàng (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Hãy đợi nàng
Mahmoud Darwish
English translation by Noor Al Rahbi, 2014

——

Trên tay là ly rượu màu trời khảm lưu ly, hãy đợi nàng
Giữa đêm xuân nồng đượm hương hoa hồng, hãy đợi nàng
Kiên nhẫn như chú ngựa khổ luyện vượt núi rừng, hãy đợi nàng
Cùng mỹ vị đặc trưng của một đấng quân vương, hãy đợi nàng
Bên bảy chiếc gối nhồi căng bằng mây mỏng, hãy đợi nàng
Trong cuộn sóng hương trầm vấn vương, hãy đợi nàng
Đẫm mùi gỗ đàn hương hùng dũng trên lưng ngựa, hãy đợi nàng
Hãy đợi nàng và đừng vội vã.

Nếu nàng chậm trễ, hãy đợi nàng.
Nếu nàng đến sớm, hãy đợi nàng.
Đừng sợ hãi đàn chim giấu mình trong lần tóc tết.
Hãy đợi nàng đến ngồi xuống khu vườn ngày mãn khai.
Hãy đợi nàng hít thở bầu không khí xa lạ với trái tim này.
Đợi nàng vén tấm váy nhẹ như mây dần hé lộ đôi chân
Hãy đợi nàng…

Đưa nàng đến ban công chiêm ngưỡng vầng trăng đắm chìm trong dòng sữa
Hãy đợi và dâng lên nàng nước mát trước rượu vang.
Đừng trộm nhìn đôi chim chukar say ngủ trên lồng ngực nàng
Hãy đợi khi nàng đặt cốc xuống bàn cẩm thạch rồi chạm tay nàng thật khẽ
Như thể ngươi đang hứng lấy cho nàng một giọt sương, hãy đợi.
Chuyện trò với nàng như cách cây sáo ngân lên trước vĩ cầm sợ hãi,
như thể ngươi biết điều gì sẽ xảy đến ngày mai.
Đợi, và mài bóng màn đêm cho nàng như chiếc nhẫn
Hãy đợi nàng cho đến khi Đêm Tối mở lời:
Ngoài hai ngươi, chẳng còn ai sống sót trên đời,
Vậy nên hãy dịu dàng đưa nàng đến cái chết ngươi hằng khao khát,
và hãy đợi.



Hừng đông (Rawan Hussin) by Phuong Nguyen

“Hừng đông”
Rawan Hussin
Bản dịch tiếng Anh Fady Joudah

——

Hừng đông vỡ ra trên đầu
Và hồi kết bị băm thành mảnh vụn
Đôi chân những đứa trẻ của ta
hối hả vươn ra
hướng đến bầu trời.

Thời gian đã bước qua một bên
Khi nơi chốn khép vội hàng mi
như ngôn từ của một đứa trẻ
hóa màu xám tro đằng sau mi mắt.  

Và rồi trần nhà rung lắc
đổ xuống ta là thác lũ gạch vụn
dưới hoang tàn đổ nát
hình ảnh cuối cùng hiện ra:
bức tranh cuối được họa trên
những gương mặt buồn.

Ta già đi giữa màn đêm cô độc
dệt guồng thời gian rồi khoác lên người
gắng gượng nuốt trọn những thê lương
đang tuôn xuống khoang miệng lũ trẻ
Thế rồi ai, ai sẽ ngấu nghiến
đôi môi rỉ sét này của ta?

-Từ dải Gaza, June 01 2021


Cách tôi giết một người lính (Ahlam Bsharat) by Phuong Nguyen

Cách tôi giết một người lính
Ahlam Bsharat
Bản dịch tiếng Anh bởi Fady Joudah

——

Bọn lính thực dân
chúng đã làm gì bao năm nay
trong những bài thơ của tôi  
nơi chúng dễ dàng bị giết chết
giữa những dòng viết
như cách chúng xuống tay
giết cả nhà tôi bên ngoài trang giấy.

Thơ là cơ hội duy nhất
Cho tôi trả thù bè lũ sát nhân
nhưng tôi sẽ để chúng già đi
trong sương gió, nếm mùi mục rữa
bốc lên từ cuộc đời, gương mặt chúng
hằn nếp nhăn, nụ cười dần thưa
khi vũ khí bẻ còng lưng chúng.

Bạn đọc thân mến, nếu bạn thấy một chiến binh
rảo bước giữa những dòng thơ,
hãy yên tâm, tôi để số phận chăm sóc chúng  
như một tên tội phạm đang thi hành án,
cho đến ngày bị kết liễu.


Và chính đôi tai sẽ xuống tay hạ sát
khi hắn lắng nghe tôi ngâm lên bài thơ
tiếc nhớ một gia đình đã mất,
hắn không thể trốn chạy
khỏi cuốn sổ này lẫn hội trường lớn
nơi bao thính giả đang trừng mắt dõi theo.

Ngươi sẽ không tìm thấy ủi an,
hỡi chiến binh, không bao giờ,
ngay cả khi ngươi rời khỏi
sự kiện đọc thơ
với đôi vai rúm ró
và túi áo đầy vỏ đạn.

Ngay cả khi bàn tay ngươi
run lên bần bật
cùng những viên đạn
sau triền miên tàn sát,
những gì ngươi còn có thể
để lại
là một thanh âm đã chết.

Ahlam Bsharat, June 8, 2021

                                        —Ramallah
—-

Ahlam Bsharat (1975 - ) Nhà thơ người Palestine, bà cũng là một người viết hồi ký và tiểu thuyết cho tuổi trưởng thành. Bà sinh ra tại làng Tammun ở Jordan Valley. Tiểu thuyết tiêu biểu của bà mang tên “Những cái cây cho người vắng mặt” (Trees for the Absentee)

Vào một đêm không sao (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

Vào một đêm không sao
Mosab Abu Toha

——

Vào một đêm không sao
Tôi té ngửa, lộn nhào
đất trời rung chuyển và
tôi rơi khỏi chiếc giường êm.
Tôi vội nhìn qua cửa sổ. Căn nhà
kề bên đã chẳng còn
đứng vững. Bị san bằng
như một tấm thảm phẳng lì trên nền đất
bị giẫm đạp bởi đạn pháo, và những chiếc giày
đang bay khỏi bàn chân đứt rời.
Tôi chưa từng biết rằng hàng xóm mình còn giữ chiếc tivi nhỏ,
bức tranh xưa vẫn còn treo trên tường,
và con mèo nhà họ vừa mới sinh con.

Ngữ điệu đã chọn ta (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Ngữ điệu đã chọn ta
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ bởi Fady Joudah

——

Ngữ điệu chọn ta, siết lấy cuống họng ta
Ta là dòng chảy tuôn trào từ cây vĩ cầm chứ không phải kẻ chơi đàn
Ta là một phần trong ký ức hiện diện
Là tiếng vọng vạn vật mượn thân thể này cất tiếng
Và rồi từ đó, ta mở miệng…  

Mỗi khi lắng nghe hòn đá, ta nghe thấy
tiếng gù của chim câu trắng
thấp thỏm trong tim ta rằng:
Người anh em! Ta là em gái của người
Nhân danh nàng, ta cất lời khóc than cùng những giọt nước mắt của lời
Và mỗi khi ta thấy cội rễ cây xoan
nhẹ bỗng bay lên những tầng mây,
ta liền nghe thấy trái tim một người mẹ
đập liên hồn trong ta rằng:
Ta đã ly hôn,
và nhân danh bà, ta nguyền rủa bóng đêm phủ trên lũ ve sầu.    

Và mỗi khi ta nhìn thấy người đàn bà trên mặt trăng
Ta nhìn thấy tình yêu như loài quỷ dữ
gườm mắt nhìn lại rằng:
Ta vẫn ở đây
Nhưng ngươi sẽ chẳng còn là con người ngày ta rời bỏ
ngươi không thể quay lại, và ta cũng thế
ngữ điệu đã đi trọn một vòng
rồi tròng lấy cuống họng ta…

Ông tôi là một tên khủng bố (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

Ông tôi là một tên khủng bố
Mosab Abu Toha

——

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người chăm sóc ruộng đồng,
tưới tắm hoa hồng trong sân,
hút thuốc lá cùng bà tôi
trên bãi biển nắng tràn, người nằm dài ở đó
như tấm thảm cầu nguyện.

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người hái những quả chanh và cam ngọt,
cùng họ hàng đi đánh cá đến tận trưa,
giữa đường đi người cất lên tiếng hát
gửi anh thợ gò từ trên lưng ngựa đốm.

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người thường cho sữa vào tách trà,
ngồi thư giãn giữa điền trang xanh mướt
mượt mà như dải lụa êm.

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người rời khỏi ngôi nhà của mình
để cưu mang bao người khách mới,
người rót nước sẵn trên bàn, thật tử tế
để khách lạ đừng chết khát sau chuyến chinh phạt.

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người cuốc bộ đến ngôi làng gần nhất,
trắng tay dưới vòm trời buồn,
trống rỗng như túp lều bỏ hoang,
đen sạm như màn đêm tăm tối.

Ông tôi là một tên khủng bố -
Người từng là một người đàn ông
là trụ cột của gia đình mười miệng ăn,
gia sản của người là một túp lều tranh,
với lá cờ Liên hiệp Quốc vắt ngang thanh xà cũ,
trên bãi biển vàng, bên cạnh nghĩa trang.

Sự tồn tại (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Sự tồn tại
Fadwa Tuqan
Bản dịch tiếng Anh bởi Michael R. Burch

——

Giữa cõi đời quạnh hiu tôi là câu hỏi thất lạc
vây quanh là bạt ngàn cõi tối
nơi câu trả lời giấu mình giữa đơn côi

Và người là ánh sao sáng ngời
mà số phận phơi bày,
tỏa sáng từ thẳm sâu màn đêm không đáy.

Xoay quanh người là những vì sao
- một, rồi hai -
Cho đến khi tôi giang tay đón lấy
hào quang độc nhất của người,

Rồi bóng tối lạnh lẽo chợt vỡ tan
Và trong cơn rung chấn song sinh
khi bàn tay quấn lấy bàn tay
Tôi tìm thấy câu trả lời đã tìm kiếm bấy lâu.

Đôi ta thật gần gũi mà sao quá cách xa!
Người có còn nhớ sự hợp nhất
khi linh hồn ta cháy bừng trong biển lửa
khi hai vũ trụ lao vào nhau
giữa hai người thi sĩ?
Dù giữa đôi ta là khôn cùng khoảng cách
Ta hợp nhất vì ta tồn tại.