Trò chuyện trong ngục tối (Tawfiq Zayzad) by Phuong Nguyen

Trò chuyện trong ngục tối
Tawfiq Zayzad
Bản dịch tiếng anh Asia Bamia

——

Tôi nhớ, tôi nhớ chứ
Bao đêm cay đắng
những hàng kẽm gai ở ngục Damon
nơi chính nghĩa treo trên tường rào,
và mặt trăng neo trên thập tự giá
nơi song sắt cửa sổ xà lim.
Tôi nhớ những điền trang tàn nhang đỏ
trổ đầy gương mặt lão cai ngục khó ưa.

Tôi nhớ, tôi nhớ chứ
Những đêm thâu chúng ta chuyện trò
Trong buồng giam bụi mù tăm tối
Ta thở dài giữa những mẩu chuyện tình
Và gầm gừ trước câu chuyện về trộm cướp
Rồi hò reo khi quân nổi dậy đoạt lấy tự do.

Ôi, nhân dân tôi
Ôi, như trầm hương cháy tàn,
Mọi người thân thương hơn chính sinh mệnh này
Và chúng ta giữ lời hứa
Chúng ta chịu đựng một đời mục rữa trong tù
Ràng buộc bởi bất công và song sắt
Chúng ta chịu đựng đói khát và mất mát
Hòng phá vỡ gông cùm ánh trăng treo
Mong muốn trả lại dân ta những quyền bị tước đoạt,
Và đòi lại tương lai từ lòng tham của bóng tối
Vì ta không thể để chúng thành món hàng đổi chác!
Không thể để con thuyền chỏng chơ không cánh buồm!

Chẳng còn lại gì (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Chẳng còn lại gì
Fadwa Tuqan
Bản dịch tiếng Anh bởi Michael R. Burch

——

Chúng ta còn bên nhau đêm nay
nhưng ngày mai anh sẽ lại bị giấu đi lần nữa,
bởi cuộc đời thật cay đắng.

Biển cả sẽ ngăn cách đôi ta
Ôi… Ôi… Giá như ta được nhìn thấy anh
Nhưng ta sẽ chẳng bao giờ biết đến…
nơi anh lưu lạc
con đường anh rẽ ngang
những đích đến không tên
mà đôi chân buộc anh đi tới.

Anh sẽ rời đi, và rồi kẻ trộm của trái tim,
kẻ khước từ cái đẹp,
sẽ cướp đi những gì thân thương nhất
cướp đi hạnh phúc của chúng ta,
chỉ chừa lại bàn tay trống rỗng.

Và khi hừng đông đến anh sẽ biến mất như một bóng ma
tan vào trong làn sương mờ ảo
nhanh chóng hòa vào vầng dương ngày hạ.

Mùi hương… mùi hương của anh, là mật ngọt của đời
thấm đẫm trái tim ta
như mặt đất hút lấy hạt mưa căng tràn sức sống.

Ta sẽ nhớ anh như cây lá tỏa hương
khi ngày mai anh lần nữa lên đường
và chẳng còn gì sót lại.

Như những gì đẹp đẽ, thân thương nhất
đánh mất - thất lạc! và chẳng còn gì sót lại.






Đừng viết sử như những bài thơ (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Đừng viết sử như những bài thơ
Mahmoud Darwish
Bản dịch tiếng Anh bởi Fady Joudah

——

Đừng viết sử như những bài thơ, bởi nhà sử học
là vũ khí. Họ không run rẩy khi xướng tên người chết
và bỏ ngoài tai tiếng đàn ngân nga. Lịch sử là bản kê toa
của vô vàn đạn pháo rơi xuống thân thể ta hằng ngày.
“Tình báo siêu việt là đấng tối cao”. Lịch sử
chẳng biết xót thương nên ta ngưỡng vọng một
Khởi nguồn, nó không hàm giấu một ý đồ
nên ta biết điều gì ở phía trước, cái gì
bỏ lại sau lưng… Nó không cất nên những trạm dừng
cho ta chôn cất người đã khuất; để ta ngồi xuống hồi tưởng
những gì thời gian đã gây ra, và những gì ta đã làm với nó.
Ta vừa là một phần mật thiết trong lịch sử, mà cũng là kẻ ngoài cuộc.

Lịch sử không logic hay cảm tính, nên ta chẳng thể đập vỡ
những tàn dư hoang đường về thời gian hạnh phúc,
Nó chẳng phải một huyền thoại để ta bám trụ trước cổng trời
ngày Phán Xử. Lịch sử trú ngụ trong ta, bên ngoài ta… nó lặp đi lặp lại
điên cuồng, từ những trụ bắn đá đến sấm chớp hạt nhân.
Ta vô tình tạo nên lịch sử, và nó cũng nhào nặn ta… Có lẽ  
lịch sử chẳng như ta mong đợi, bởi vì
Nhân Loại thực ra chưa từng tồn tại?

Bao triết gia và họa sĩ đã bước qua đây…
Cùng những thi sĩ viết nên nụ hoa tím đời thương
Họ bước qua đây… trước mặt là những người khốn khổ
trót tin lời họ về cõi vĩnh hằng, họ chờ đợi…
Thánh thần đã đến giải cứu tự nhiên khỏi tín ngưỡng
và họ bước qua đây. Nhưng lịch sử chẳng có
thời gian để suy tư, không một tấm gương
và chẳng có khuôn mặt. Nó là hiện thực không tưởng
là sự xa hoa tầm thường, vậy nên đừng viết.
Đừng viết, đừng viết về lịch sử như những bài thơ!

Thư gửi qua cổng Mandelbaum (Tawfiq Zayzad) by Phuong Nguyen

Thư gửi qua cổng Mandelbaum
Tawfiq Zayzad
Bản dịch anh ngữ bởi Asia Bamia

——

Mẹ yêu ơi!
Con gửi mẹ hai trăm cái hôn
Từ nhà chúng ta trên đỉnh ngọn đồi,
Từ hoa nhài xứ Ấn, ngọn cây cao và những cội hồng
Từ tiếng đất reo vui được xối lên ụ rơm mới,
Từ hàng ô-liu dày lên cội rễ già
Từ bếp lò nhịn đói, củi khô và những chiếc nồi
Từ giàn nho trĩu quả nặng túi ta khi mùa hè qua
Từ cây dâu tằm Damascus bạc màu và đau ốm
Từ một điềm báo khi màn đêm sẽ tàn.  

Mẹ ơi, mẹ là điều đẹp nhất trên khắp thế gian
Là con mắt mà con trân quý nhất cõi lòng
Nỗi khát khao trong con là đóa hồng được tưới tắm bởi tình yêu.

Mẹ ơi…

Mẹ có khỏe không?! Trái tim đôi lúc thật quá đỗi xa xôi.
Hãy nói con nghe,
Túp lều đen của chúng ta sao rồi, còn những người bạn hữu?
Hãy nói con hay, Chúa ơi, có phải mẹ đã úa tàn như con đã từng

            Con ước gì được ở gần mẹ.

Chúng con gửi mẹ lời chúc lành, tươi xanh như cỏ mới
mà cánh chim lạc hiến dâng đến bầy đàn,
hắn hỏi ánh sao về mẹ, đợi chờ lời hồi đáp
và hỏi về những bước đầu tiên trên chặng đường!
Mẹ muốn biết về chúng con sao? Nhiều điều đã xảy ra, khiến con tan nát

            cõi lòng:

Abu Salah đã mù trong nỗi tiếc thương
Sau khi Fakhri qua đời, mẹ cô liền đi theo vì không chịu nổi mất mát
Sắc nâu của thôn làng nay hóa màu xám tro nỗi chờ mong.
Rồi mùa xuân héo khô, chẳng còn đơm hoa nữa
Vùng đất chúng ta trôi tuột đi dưới màn đêm che phủ.
Những gì còn lại thưa mẹ, là đá cuội buồn tênh.
Rắn rỏi như sắt, chúng con vẫn chịu đựng qua tháng năm
Chẳng thể làm gì khác
Bởi lòng tự hào của chim ưng hừng hực cháy trong huyết mạch.

**

Mẹ ơi, dẫu là con một, nhưng nay con chẳng còn cô đơn
Bởi gần đây con đã cưới cô hàng xóm làm vợ
Nàng là nguồn động viên cao cả trong cuộc đời nhọc nhằn này.
Nếu mẹ gặp nàng, mẹ sẽ tấm tắc khen rằng “con là thứ quý nhất làng ta.”
Xin hãy tha thứ vì con không mời mẹ đến ngày hôn lễ,
Bởi mọi nẻo đường đã bị phong tỏa,

**

Mẹ ơi… nay mẹ đã trở thành bà nội,
Từ thịt xương của mẹ con ta nay trổ ra một đóa hồng
Chỉ mới ba tuổi nhưng ngỗ nghịch như chú khỉ con
Cô bé tên là Fahda, một bé gái rất mực ngọt ngào
Sáng nào cô bé cũng hỏi rằng, “bà nội của con đâu?”
Cô bé yêu thích Fairuz
Và bài hát yêu thích là “Đường về.”  

—-

*Tawfiq Zayzad (1929 - 1994) chính trị gia, thị trưởng thành phố Nazareth và là nhà thơ phản kháng người Palestine.

Cổng Mandelbaum: Chốt kiểm soát từng ngăn cách Israel và một phần Jerusalem thuộc địa phận Jordan

Không hộ chiếu (Rashid Hussein) by Phuong Nguyen

Không hộ chiếu
Rashid Hussein
bản dịch tiếng Anh bởi Sinan Antoon

——

Tôi sinh ra không hộ chiếu
Rồi lớn lên
chứng kiến quê hương mình
biến thành tù giam
mà chẳng còn hộ chiếu.

Rồi tôi nuôi lớn một đất nước
cùng với vầng dương
những ruộng lúa mì
trong từng căn nhà
nơi đây tôi chăm sóc hàng cây
rồi học cách làm thơ
để mang đến hạnh phúc cho người làng tôi  
những người không hộ chiếu .

Tôi học được rằng người bị cướp đất
chẳng thích mưa rơi
Nếu có thể quay về, anh sẽ ngay lập tức khởi hành
mà chẳng có trong tay hộ chiếu.

Nhưng tôi mệt mỏi với những suy tư
dần tha hóa thành nhà nghỉ tạm bợ
chứa chấp ước mơ chẳng bao giờ hoài thai
trừ khi nó mang bên mình hộ chiếu.


Dù không mang hộ chiếu
Ta sẽ vẫn bước đến trước mặt ngươi
để đấu tranh
vậy nên hãy giết ta đi
biết đâu ta sẽ cảm nhận được mình đang chết dần
khi không mang bên mình hộ chiếu.

—-

The poem appear in Al-A`mal al-Shi`riyya (al-Taybe: Markaz Ihya’ al-Turath al-`Arabi, 1990)



Và đây quê nhà (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

Và đây quê nhà
Mahmoud Darwish
Bản dịch anh ngữ bởi Fady Joudah
——-

Và đây quê nhà không biên giới, như một ý tưởng
mà ta chưa tỏ tường, rộng và hẹp. Một vùng đất…
Khi lướt trên bản đồ dần thu nhỏ lại bên ta
đưa ta băng qua đường hầm phủ tro, và giữa mê lộ đó
ta thét lên rằng: tình yêu vẫn còn đó, lòng yêu nước của ta
là căn bệnh nan y. Một vùng đất…
mà ta càng bị đày đi xa… càng trải rộng.
Dáng hình dương liễu dần hiển lộ. Cỏ mọc lan tỏa
khắp dãy núi xanh. Mặt hồ trải rộng
đến phía bắc linh hồn. Lúa trổ đòng đòng
nơi cực nam cõi lòng. Quả ngọt lấp lánh như đèn lồng
soi rọi mênh mông đêm tối kẻ ly hương. Vùng đất ánh lên
màu kinh thiêng. Dãy đồi trùng điệp
đắp lên nhau vươn đến tầng trời cao hơn, cao hơn nữa…

“Nếu hóa thành chim ta sẽ đốt trụi đôi cánh”, một người nói
với phần đời lưu vong… rồi hương vị mùa thu hóa thành
hình ảnh mà anh yêu thương. Mưa phùn tưới tắm
trên cõi tim khô hạn, trí tưởng tượng khai mở
về nguồn cội thăm thẳm, hóa thân thành một vùng đất Độc tôn
và Độc nhất. Những gì xa xôi
triệu hồi như miền quê cổ đại, như thể địa cầu
đang sửa soạn gặp gỡ Adam, giáng thế
từ thiên đường. Và tôi lên tiếng:
Ta đang hoài thai trong khoang bụng của quê nhà… rồi khi nào
mới được sinh ra? Liệu Adam có tái hôn lần nữa? Hay chúng ta sẽ
được sinh ra lần thứ hai
để quên đi tội lỗi?  

Một ngày êm đềm (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Một ngày êm đềm
Ghassan Zaqtan
Bản dịch tiếng Anh của Fady Joudah

——-

Phố phường hôm nay không vương mùi tử khí
thật là một ngày dịu êm
xe cộ lưu thông,
không gian trải rộng cho đoàn người
đưa tang những người ngày hôm qua ngã xuống,
đủ rộng để ta có thêm

một giấc mơ, một ý tưởng, một cậu trai nhỏ,
một cái đẩy nhẹ cho con thuyền yêu dấu,
một biệt hiệu ở chốn tù lao,
một đóa hồng gửi tình yêu mới,
một bàn tay cho người đồng chí.

Không gian để ta được sống dù chỉ một lúc nữa,
vừa đủ để bắt tay
và vươn đến mặt trời.

Hôm nay là một ngày êm đềm, ngày tản bộ
Người ta khiêu vũ khắp phố phường Beirut
chặn lối đi của xe bus, ta chẳng cần mua
báo mới:

bởi những trang tin đã đến văn phòng

và người chết nằm xuống trên Con đường Người Tử Đạo
ở ngoại biên trại tỵ nạn Sabra.

Một ngày êm đềm làm sao,
hàng xóm chúng ta sẽ bước ra trong lần áo ngủ
nàng khoác lên ta sự ngái ngủ lặng im
và bước chân cong vành, xiêu vẹo
bởi trong cơn mê nàng chẳng gom nổi những ký tự thành lời.

Đâu là cuộc đời giữa buổi sáng đờ đẫn, mênh mông
Chúng ta sẽ không đi đâu cả
Và rồi, từ vạt trời tuyền sắc trắng kia một lí do
sẽ rơi xuống, đưa ta đi tới cuối con đường
những tử thi trong lời “Chào buổi sáng”.

Cái chết tập thể (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Cái chết tập thể
Ghassan Zaqtan
bản dịch tiếng anh bởi Fady Joudah
—-

Đêm lại về cùng với bóng tối  
Ta ẩn mình khi say ngủ dưới gầm trời,  
Không một ai sống sót trở lại đêm nay
để báo cho ta hay về cái chết những người khác.
Tiếng còi hụ rền vang khắp nẻo đường
thị trấn giờ nhung nhúc lũ sát nhân
tràn đến từ những quận lân cận
nơi tiếng thét của người dân vươn đến tận nơi này.
Chúng ta đã nghe. Chúng ta đã thấy
người chết diễu hành giữa thinh không
bị trói buộc bởi sững sờ rúng động
bước chân họ lao xao và dựng ta dậy
khỏi những mành chiếu đang dần bắt lửa.
Một lưỡi dao sáng ngời
đang rơi xuống con đường.
Những người phụ nữ của chúng ta hoặc chỉ sinh ra người chết
hoặc chẳng còn có thể sinh con.   

Liệu họ có tin (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Liệu họ có tin
Ghassan Zaqtan
bản dịch tiếng Anh bởi Fady Joudah
——
Liệu bọn trẻ sẽ tha thứ cho một thế hệ
bị giày xéo dưới vó ngựa của chiến tranh
luôn sẵn sàng trốn chạy, lưu đày biệt xứ? 

Liệu bọn trẻ có nghĩ về chúng ta
như những tên lính biệt kích lẩn trong hẻm núi
rung lên cùng nỗi tỵ hiềm 
ta khắc lên tấm áo đất mẹ những hàng cây
vờ làm chỗ nương thân.
Chúng ta là bè lũ chiến binh 
xua mây đen của chiến trận khỏi cỗ chiến xa  
chầu chực bên vòng vây kéo dài đến thiên thu 
ta hứng lấy xác người
như quả cây bất chợt rụng xuống mảnh đất hoang tàn.  

Liệu bọn trẻ có tha thứ cho chúng ta không?
những mục đồng của đạn pháo
những bậc thầy lưu vong, điên cuồng tán dương
mỗi khi trận chiến gần kề bùng lên ra dấu
ta liền đứng dậy
đan vào guồng dây của chiến tranh một nơi
đủ tốt lành để lưu lại, dung dưỡng tình yêu.

Cơn mưa bom nào biết đến nghỉ ngơi
Pháo kích có khi nào trở về mà không dấy máu
Và chúng ta hiếm khi dâng hoa cho người đã chết
hoặc gắng gượng sống tiếp.

Giá như mùa hè năm đó chừa cho chúng ta
một khe hở thời gian trước cuộc tháo chạy điên cuồng

Liệu những đứa trẻ sẽ tin ta chứ?



Chiếc gối (Ghassan Zaqtan) by Phuong Nguyen

Chiếc gối
Ghassan Zaqtan

———
Còn thời gian không
để tôi nói với mẹ rằng
Mẹ ơi,
chào buổi tối
con đã về
với một viên đạn trong lồng ngực
Gối của con đây phải không
Con muốn nằm xuống
nghỉ ngơi

Nếu chiến tranh ập tới
và gõ cửa nhà
hãy nói với hắn là:
con đang nằm xuống nghỉ ngơi.

Hamza (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Làng tôi từng có người đàn ông tên Hamza
một người thợ làm bánh bình thường chân chất.

Tôi gặp ông lần cuối
khi dải đất còn khoác trên mình tấm áo tang giữa thinh không trầm mặc
còn tôi chìm trong nỗi đau thất trận.  

Nhưng Hamza chân chất nói rằng:
Em gái ta ơi, trái tim đất mẹ chẳng bao giờ thôi những nhịp đập liên hồi
bền bỉ, Người chịu được những điều không ai chịu nổi,
Người nắm giữ bí mật những ngọn đồi, sâu trong tử cung.
Dải đất trổ gai nhọn bủa vây, nhưng cũng là bàn tay sinh ra những chiến binh của tự do
Quê hương ta đó em gái à, dải đất này là một người mẹ !

Thời gian trôi qua và tôi chẳng còn thấy Hamza
nhưng tôi cảm nhận được rằng bụng đất mẹ căng nặng nỗi đau.
Hamza đã sáu-lăm tuổi và anh là gánh nặng trên lưng dải đất
“Hãy đốt trụi nhà hắn!”
một thống tướng thét gào
“Rồi tống con trai hắn vào chốn tù lao!”

Sau đó đồn trưởng vội vã thanh minh rằng
họ làm vậy để gìn giữ trật tự, lề lối
một nghĩa cử nhân danh hòa bình và tình yêu!

Lính vũ trang bao quanh căn nhà của Hamza
Như con một con trăn cuộn vòng vây xiết.

Chúng đập cửa cùng lời đe dọa cuối cùng
“Cút khỏi đây mau, lũ khốn!”
Và họ thong thả đáp lời từ tốn:
“Được thôi, trong một giờ nữa.”

Hamza mở tung cửa sổ.
Đối mặt với ánh dương chói lòa, ông thét lên
“Ta và các con của ta đã sinh ra và sẽ chết đi ở đây, vì Palestine!”
Âm thanh từ cuống họng ông vang vọng giữa lặng im chảy tràn.  

Chính xác một giờ sau, căn nhà của Hamza sụp đổ
từng căn phòng nổ tung đến tận trời xanh, gạch vữa bùng cháy
cho đến khi lửa tàn âm ỉ để muội tro chôn vùi ký ức một cuộc đời
lao động cần mẫn lẫn những đắng cay ngọt bùi.

Ngày hôm qua tôi thấy Hamza
rảo bước xuôi con đường thị trấn
Hamza, người đàn ông bình dị chân chất vẫn như xưa:
mang trong mình một ý chí không gì suy chuyển.


Hai bài thơ của Mourid Barghouti by Phuong Nguyen

Hai bài thơ
Mourid Barghouti
bản dịch Anh ngữ bởi Radwa Ashour
——

NHÀ TÙ

Một người đàn ông nói rằng:
May mắn là cánh chim trong lồng
bởi ít ra, chúng biết
đâu là ranh giới
của nhà tù.

CÂM LẶNG

Và Câm lặng mở lời:
sự thật chẳng cần hùng biện,
Sau cái chết của người kị sĩ,
độc mã phi nước đại về nhà
đủ nói lên tất cả
mà chẳng cần đến một lời.

——-

(Hoài Phương dịch)

Mourid Barghouti (1944-2021) nhà thơ Palestine sinh ra tại Deir Ghassana, gần Ramallah ở Tây Ngạn. Ông theo học Ngữ văn Anh tại đại học Cairo, Ai Cập và tốt nghiệp năm 1967. Ông bị trục xuất khỏi Ai Cập vào năm 1977. Sau Hoà ước Oslo, ông được cho phép quay lại Tây Ngạn và vào năm 1996, ông cuối cùng hồi hương về Ramallah sau 30 năm biệt xứ. Sự kiện này đã khiến ông viết nên quyển hồi ký "Tôi đã thấy Ramallah" được xuất bản bởi Dar Al Hilai (Cairo, 1997) và mang lại cho ông giải thưởng văn học Naguib Mahfouz. Trong một phỏng vấn cùng trang tin Guardian, ông nói rằng "Tôi học từ những cái cây. Cũng như rất nhiều quả non rơi rụng để một số khác chín ngọt, tôi làm thơ cùng một sự bạo tàn hợp lí, xoá đi hình ảnh để chăm sóc cho những gì tinh khiết nhất."

Ta xứng đáng được chết một cách khác (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

Ta xứng đáng được chết một cách khác
Mosab Abu Toha

——-

Ta xứng đáng được chết một cách khác.
Bởi giờ đây thân xác này biến dạng, gãy nát
dày đặc lỗ đạn bắn và mảnh sắt găm
Tên chúng ta bị xướng lên một cách sai lầm
trên truyền hình và đài phát thanh
Và giữa bức tường chỉ còn lại di ảnh
ngày càng nhạt đi thành sắc trắng.
Di ngôn nơi bia mộ dần bị che phủ
dưới đống phân của bò sát, chim muông.
Những tán cây buồn chẳng còn ai chăm sóc
dần thôi phủ bóng lên những nấm mồ.
Và tia nắng kia sôi sục bỏng rát
đổ xuống thân xác ta mục rữa, tàn phai.

Khát khao: Cảm hứng từ lực hấp dẫn by Phuong Nguyen

Khát khao: Cảm hứng từ luật hấp dẫn
Fadwa Tuqan
Bản dịch từ Chris Millis and Tania Tamari Nasir

——

Đã hết giờ và tôi lại đơn côi trong căn nhà vắng bên vệt bóng đổ dài
Luật trời giờ đây vỡ tan dưới định mệnh phù phiếm
Chẳng còn gì níu giữ đồ vật của mình
Chẳng còn sức nặng nào để ghì chúng xuống
Mọi thứ bay đi tứ tán, rơi vào tay kẻ khác
Từ cái bàn, chạn tủ đến chiếc ghế xoay.  

Chỉ còn lại mình tôi đơn côi bên vệt bóng đổ dài
Không còn mẹ cha
Không còn anh chị
Ngôi nhà từng tràn ngập tiếng cười
Giờ còn lại gì ngoài cô độc và nỗi tiếc thương.

Bao vụn vỡ của tháng năm
đè nặng trên lưng, khiến tôi chùn bước, mắt mờ đi trước những chân trời.

Tôi nhớ vị cà phê và hương thơm khí trời
Sự thiếu vắng giờ đây là cơn say tôi đắm chìm suốt đêm ngày.

Hết giờ rồi và căn nhà chỉ còn lại tôi
Cô đơn bên cái bóng của chính mình.

Tôi nhớ tình bạn từ trang sách
Sự ủi an chúng mang đến qua trắc trở và niềm vui.

Tôi nhớ xiết bao chiếc đồng hồ cũ của mẹ, những bức ảnh gia đình từng ngự trên tường
và mùi trầm hương
vấn vương trong sợi tro tàn lặng lẽ,

Hết giờ rồi, chỉ còn lại mình tôi quạnh quẽ
chịu đựng giày vò bởi giờ giới nghiêm
đau đớn, không, nó hủy diệt tôi, những đứa trẻ đang bị giết chết ở gần nhà.

Tôi sợ ngày mai
Tôi sợ những thủ đoạn ẩn mật số phận còn che giấu
Chúa ơi, xin đừng để con thành gánh nặng, bị ghẻ lạnh.
Con đợi ngày về vùng đất lặng thinh. Con đợi chờ cái chết
Vì hành trình này đã quá dài rồi thưa Chúa
Mong quãng đường còn lại sẽ ngắn và hồi kết sẽ qua nhanh.

Thẻ căn cước (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Thẻ căn cước"
Mahmoud Darwish
bản dịch tiếng Anh bởi Denys Johnson-Davies

---

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Số căn cước của ta là năm mươi nghìn
Ta có tám người con
Và đứa thứ chín sẽ đến khi mùa hè đi qua.
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Cùng những đồng chí của mình làm việc tay chân nơi mỏ đá
Ta còn tám người con
Ta phải mang bánh mì về cho chúng
và sách vở, áo quần
đào lên từ đất đá …
Ta không xin bố thí ở cửa nhà các người
Cũng không quỵ lụy cúi đầu trước bất kì ai
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại!
Ta là một người Ả Rập
Mang một cái tên mà chẳng còn tước hiệu
Là con bệnh của một đất nước
nhung nhúc người dân giận dữ
Gốc rễ của ta
đã đâm sâu từ trước khi thời gian bắt đầu
trước khi những thời đại khởi sinh
Trước hàng cây bách và cội ô liu già
Trước khi cỏ lên mầm lan tỏa.
Cha của ta… đến từ một gia đình chỉ biết cày bừa
Nào có xuất thân từ tầng lớp vinh hoa
Và ông nội ta… từng là một nông dân chân chất
không thuần chủng, cũng chẳng hề danh giá
Nhưng người dạy cho ta lòng tự hào của ánh dương
trước khi chỉ cho ta mặt chữ
và nhà ta khiêm tốn như căn chòi người gác cửa
đắp nên từ cành khô củi mục
Địa vị của ta thế này có thỏa mãn các người?
Chỉ còn một cái tên mà chẳng còn họ!

Hãy ghi lại
Ta là một người Ả Rập.
Màu tóc: Đen
Màu mắt: Nâu
Đặc điểm nhận dạng:
Đầu choàng khăn Keffiyeh cùng một chiếc Igal*
Và ta sẽ tẩn ngay kẻ nào cả gan chạm vào đó.
Địa chỉ:
Một ngôi làng xa xôi chẳng còn ai nhớ đến
Một con đường không còn cả cái tên
Tất cả đàn ông trong làng phơi lưng ngoài đồng hay mỏ đá
Vậy có gì khiến các người giận dữ?

Hãy ghi lại.
Ta là một người Ả Rập
Các người đã cướp mất vườn nho tổ tiên ta
và tất cả đất đai ta từng canh tác,
cùng các con của mình.
Các người chẳng chừa lại gì cho con cháu của ta
ngoài những hòn đá cuội…
Vậy Nhà nước có lấy luôn chúng không?
Như các người từng tuyên bố.

Vì vậy!
Hãy ghi lại ngay đầu trang thứ nhất:
Ta không căm thù bất kì ai
cũng không xâm phạm bất kể điều gì.
Nhưng, nếu ta đói
Da thịt kẻ cướp sẽ thành miếng mồi
Nên hãy cẩn thận…
Hãy cẩn thận…
Trước cơn đói
Và cơn cuồng nộ của ta!

---

*Keffiyeh và Igal: Khăn choàng biểu tượng của Palestine với hoa văn mắt lưới, thường có màu đen trắng và được cố định trên đầu bằng một chiếc vòng vải màu đen gọi là Igal. Chiếc khăn này đã trở thành một biểu tượng phản kháng của người Palestine cũng như những người ngoại quốc ủng hộ họ.

Bài thơ "Thẻ căn cước" xuất hiện lần đầu trong tập thơ "Lá Olive" vào năm 1964, khi Mahmoud Darwish chỉ mới 23 tuổi, và khi ông đọc bài thơ này lần đầu tiên trước công chúng nó đã đã tạo được tiếng vang lớn. Bài thơ được viết theo thể tự do với ngôn từ rất đơn giản và dễ hiểu, miêu tả lại cảnh một người Arab đang bị khảo cung bởi binh lính Israel - một trải nghiệm mà hầu hết người Arab Palestine đã đi qua sau sự biến al-Nakba 1948. Bài thơ này có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Mahmoud Darwish và được phát sóng rộng rãi không chỉ trong cộng đồng Palestine mà cả Israel, tuy nhiên phải đến năm 2016 khi nó được đọc lên trên đài radio của quân đội Israel (Israel Army Radio) thì mới gây phản ứng dữ dội từ những người cầm quyền.

"Tổ ấm" là gì? (Mosab Abu Toha) by Phuong Nguyen

“Tổ ấm” là gì?
Mosab Abu Toha

——-

Đó là hàng cây tỏa bóng con đường đến trường
trước khi bị đào trốc gốc.
Đó là bức ảnh trắng đen của ông bà ngày thành hôn
trước khi tường nhà sụp đổ.
Đó là tấm thảm cầu nguyện của chú
nơi đàn kiến ngủ say qua ngày đông lạnh giá,
trước khi bị đánh cắp
rồi đưa vào viện bảo tàng.
Đó là chiếc lò than nơi mẹ từng nướng gà và bánh mì thơm
trước khi một quả bom rơi
thổi tung nhà tôi thành cát bụi.
Đó là quán cà phê tôi từng lui tới xem những trận bóng và chơi ---

Con tôi ngắt lời: Một từ bốn ký tự có thể chứa đựng từng đó sao, thưa cha?

———

Mosab Abu Toha ( 1992 - ) Nhà thơ trẻ người Palestine sinh ra tại trại tỵ nạn Al-Shati (thường được gọi là Beach camp) ở miền bắc dải Gaza vào năm 1992, không lâu trước khi hiệp ước hòa bình Oslo giữa Israel và Palestine được kí kết. Anh là giáo viên dạy tiếng Anh tại trường học của Liên Hiệp Quốc UNRWA từ năm 2016 đến 2019, năm 2020 anh đến Havard theo diện khách mời theo chương trình lưu trú của hiệp hội Scholars At Risk (Học giả trong tình thế rủi ro) Anh sinh sống cùng gia đình tại Beit Lahiya, và anh là người sáng lập Thư Viện Edward Said, thư viện lưu trữ đầu sách tiếng Anh duy nhất trong khu vực.

Tháng 11 năm 2023, anh đã bị bắt giữ bởi quân lực Israel trong khi cùng gia đình chạy nạn từ miền bắc Gaza đến miền Nam với niềm hy vọng rằng họ có thể băng qua biên giới Rafah tiếp nối Ai Cập bởi con trai 3 tuổi của anh là một công dân Mỹ. Mặc dù anh được đặc cách vượt biên dưới sự bảo đảm của lãnh sự quán Mỹ, gia đình anh đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát của binh lính Israel, và bởi vì anh là một nhà thơ phản chiến có tiếng nói tại Gaza cũng như cộng đồng quốc tế, họ đã nhắm vào anh và tống giam cùng với 200 dân thường khác. Hiệp hội PEN tại Mỹ và Quốc tế đã lên tiếng, gây áp lực và đến ngày 21 tháng 11 họ đã trả tự do cho anh từ nhà tù Negev, anh đã bị tra tấn và theo lời luật sư của Anh, ngay sau khi rời khỏi nhà tù họ phải đưa anh đến ngay bệnh viện để chữa trị.

Bài thơ này nằm trong tuyển tập thơ “Things you may find hidden in my ears” của Mosab, xuất bản năm 2022.
 

Nỗi sợ (Najwan Darwish ) by Phuong Nguyen

"Nỗi sợ"
Najwan Darwish
bản dịch tiếng Anh: Kareem James Abu-Zeid

----

Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước buổi đêm: họ tuyên bố vì
tôi chưa trả tiền cho không khí.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước tối mùa vọng: họ tuyên bố rằng
tôi chưa trả tiền thuê ánh nắng
và những bóng mây.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi nơi đây
trước hừng đông: họ cáo buộc tôi
gieo sầu muộn vào đêm thâu và rằng
tôi đã quên nguyện cầu trước những vì tinh tú.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi thành phố
trước khi trôi ra từ tử cung mẹ,
bởi những gì đã làm suốt bảy tháng hoài thai
là viết nên những lời thơ chờ đợi cuộc sống.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi sự sống
bởi họ nghi ngờ tôi là một phần của hư không.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi hư không
bởi họ nghi ngờ tôi là đồng bọn của sự sống.
Tôi sẽ bị trục xuất khỏi cả hư không lẫn sự sống
bởi tôi được sinh ra để trở thành

một kẻ lưu vong.

----

(Hoài Phương dịch)

Najwan Darwish (1978 - ) Nhà thơ Palestine sinh ra và lớn lên tại Jerusalem. Anh từng theo học luật và đã hành nghề luật sư trong vài năm trước khi quyết định dành trọn thời gian cho thi ca và đã xuất bản nhiều tập thơ. Anh cũng là cố vấn văn học cho nhiều hoạt động nghệ thuật thị giác, sân khấu kịch trường, và biên tập nhiều tạp chí về văn học Palestine và cộng đồng Arab.

Cơn đau chuyển dạ (Fadwa Tuqan) by Phuong Nguyen

Cơn đau chuyển dạ
Fadwa Tuqan



Gió cuốn phấn hoa bay đi trong đêm
qua những căn nhà và ruộng đồng đổ nát
Địa cầu run rẩy trong tình yêu,
và quặn đau trong cơn gò chuyển dạ,
nhưng kẻ xâm lược muốn chúng ta
tin vào sự khuất phục và quy hàng.
Ôi cực quang trên bầu trời Arab
hãy nói cho những kẻ cướp đất kia rằng,
sinh con là sức mạnh hắn sẽ chẳng bao giờ biết đến
bởi nỗi đau trên thân thể người mẹ,
và bao sẹo dầy trên dải đất này
khởi sinh sự sống
vào thời khắc của hừng đông
khi đóa hồng đỏ máu
bừng nở trên vết thương đau.

(Hoài Phương dịch)


Ở Jerusalem (Mahmoud Darwish) by Phuong Nguyen

"Ở Jerusalem"
Mahmoud Darwish
Bản dịch Anh ngữ: Fady Joudah

---

Trong thành cổ Jerusalem, giữa những bức tường
tôi dạo bước qua từng kỷ nguyên mà chẳng còn
ký ức dẫn đường. Ở đằng kia, một ngôn sứ đang thuyết giảng về
lịch sử những vị thần… họ bay đến thiên đường
và khi trở lại, nỗi chán nản buồn thương đã vơi, ​bởi tình yêu
và hòa bình rất thiêng liêng, và chúng đang đến.

Tôi tự vấn bản thân khi bước xuống triền đồi: 
Họ đã tranh cãi sôi nổi thế nào 
về những gì ánh sáng đã nói với hòn đá?
Có phải từ tảng đá mờ đó mà chiến tranh đã bắt lửa bùng lên?

Tôi bước đi khi còn ngủ say. Nhìn khi ngủ say. Sau lưng
chẳng có ai. Trước mặt không bóng người.
Ánh sáng này chỉ dành cho tôi. Bước đi. Nhẹ hẫng. Vút bay
thành một ai khác. Tôi thay hình đổi dạng. Ngôn từ
nảy nở như cỏ cây từ vòm miệng ngôn sứ Isaiah
“đừng mong an toàn nếu trong lòng ngươi không có đức tin”
Tôi bước đi như một kẻ khác. Vết thương như đóa hồng trắng
giữa trang kinh. Hai bàn tay hóa cánh chim câu
chao liệng trên thánh giá, trên thân chúng gánh cả địa cầu.
Tôi không bước đi, mà vút bay, tôi hóa thành một ai khác,
tôi thay hình đổi dạng. Thời gian và không gian chợt tan biến. Tôi là ai
Tôi chẳng còn là tôi Ngày Chúa Về Trời. Nhưng rồi
tôi chợt nghĩ: giữa đơn côi, ngôn sứ Muhammad
đã cất lời bằng tiếng Ả Rập cổ xưa. “Và rồi?”
Điều gì sau đó? Một nữ quân nhân gào lên:
Lại là ngươi! Ta đã giết ngươi rồi mà?
Tôi trả lời: Cô đã giết ta… và cũng như cô, ta đã quên rằng
mình
phải chết.

---
(Hoài Phương dịch)

"Không thể" (Maya Abu-Alhayyat) by Phuong Nguyen

“Không thể”
Maya Abu-Alhayyat
chuyển ngữ tiếng Anh Fady Joudah

———

Đến phút cuối rồi tất cả sẽ rơi,
những ai từng cất lời “mày không thể”
sẽ thất thế trước tuổi già và buồn chán,
hoặc một trí tưởng tượng nghèo nàn.

Rồi sớm muộn, mọi chiếc lá sẽ rơi.
Và bạn đợi đến lượt mình sau cuối,
để thuyết phục thế giới rằng
bạn chẳng hề là mối nguy hại
đến cuộc đời của cái cây.  

Chuyển ngữ tiếng Việt Hoài Phương

Maya Abu-Alhayyat (1980 - ) Nhà thơ trẻ, tiểu thuyết gia, dịch giả người Palestine sinh ra và lớn lên tại Beirut, Lebanon và Jordan. Cô cũng là một người chuyên sáng tác và sản xuất các chương trình cho thiếu nhi. Năm 2008, cô quay về định cư tại khu vực bị chiếm đóng tại Jerusalem