Ký ức cho sự lãng quên / by Phuong Nguyen

Chân dung Mahmoud Darwish được chụp bởi nhiếp ảnh gia Leonardo Cendamo tại Turin, Italy

KÝ ỨC CHO SỰ LÃNG QUÊN

Beirut, tháng 8, 1982

-

Đừng uống cà phê trong vội vã. Nó là người chị của thời gian, thế nên ta phải hớp từng ngụm, từng ngụm thật chậm rãi. Cà phê là âm thanh của hương vị, là lòng mặc tưởng cuốn ta vào dòng chảy của ký ức và linh hồn. Cà phê là một thói quen mà cùng với thuốc lá mời gọi ta đến bên một thói quen khác nữa - một tờ báo.

Tờ báo đâu rồi? Chỉ mới sáu giờ sáng mà tôi đã lọt thỏm vào địa ngục. Tin tức cần phải được đọc chứ không chỉ nghe thấy, nên một sự kiện chưa trở thành sự kiện trừ khi nó được ghi chép lại. Tôi biết một nghiên cứu sinh ở sở ngoại vụ Israel đã chối đây đẩy “tin đồn” rằng Beirut đang bị vây hãm, anh tuyên bố rằng trừ khi bản tin đó được viết bằng tiếng Hebrew, bằng không thì tấy thảy những gì anh đọc đều không xác thực. Anh nhất mực không tin rằng Beirut đang bị phong tỏa chỉ vì tờ báo Israel ấy chưa đến kịp tay. Nhưng đây không phải là điều điên rồ nhất khiến tôi khốn khổ. Với tôi, tờ nhật báo thực sự là một cơn nghiện. Tờ báo ấy đang ở đâu?

Những chiếc máy bay phản lực đang cuồn cuộn kéo đến. Bầu trời như phát điên. Thật quá sức điên rồ. Hừng đông cảnh báo ta rằng hôm nay là ngày cuối cùng của Sáng Thế. Chúng sẽ dội bom ở đâu? Có nơi nào mà chúng không oanh tạc? Khu vực vòng quanh sân bay có đủ rộng để nuốt chửng những đợt pháo kích này, dữ dội bạo tàn đến mức có thể hạ sát cả biển khơi? Tôi mở đài lên và ùa vào tai là những đoạn quảng cáo vui vẻ: “Thuốc lá Merit – đậm đà và ít nicotine hơn trước!” “Đồng hồ Citizen - vì thì giờ chính xác!” “Hãy đến với Marlboro, hãy đến nơi khoái lạc chờ đợi!” “Nước khoáng Sức Khỏe - Sức khỏe đến từ núi cao!” Nhưng nước ở đâu? Tiếng nói của những nữ phát thanh viên trên đài Monte Carlo bỗng ngày càng e thẹn, như thể họ vừa bước ra khỏi bồn tắm hay từ chốn phòng the kịch tính: “Oanh tạc dữ dội tại Beirut.” Oanh tạc dữ dội tại Beirut! Nhẽ nào bản tin này được phát đi như một tin vắn giữa một ngày bình thường, trong một cuộc chiến bình thường từ một đài phát thanh bình thường không kém? Tôi chuyển sang đài BBC. Những giọng nói lãnh đạm chết người đang hút tẩu phì phèo giữa phiên điều trần với khán thính giả. Giọng nói được phát đi qua làn sóng ngắn, rồi khuếch đại lên thành sóng trung nơi nó được biến chuyển thành âm thanh như những biếm họa gớm guốc: “Phóng viên của chúng tôi cho biết rằng, đối với những bên quan sát thận trọng thì có vẻ những gì đang diễn ra sẽ trở nên rõ ràng hơn dần dần khi phát ngôn viên các bên lên tiếng, trừ khi xảy ra khó khăn trong việc tiếp cận các sự kiện, điều này chỉ ra rằng hai phe trong cuộc chiến đang đặc biệt cố gắng không đề cập đến những phỏng đoán mơ hồ có thể tiết lộ danh tính những phi cơ cũng như phi công chưa xác định, nếu chúng ta muốn biết chính xác hơn thì điều này sẽ khẳng định rằng một số người đang mặc quân phục rất đẹp.” Giọng Ả Rập thanh lịch với những thông tin chuẩn xác làm sao, được kết lại bằng khúc hát của Muhammad Abd al-Wahhab bằng thứ ngôn ngữ Ả Rập bình dân cùng những xúc cảm chuẩn xác nhất: “Đến đây gặp anh, hoặc nói cho anh biết anh có thể gặp em nơi nào / Nói anh biết phải đi về đâu, hoặc từ bỏ em bây giờ.”

Những giọng đều đều i hệt nhau. Như hạt cát diễn tả đại dương. Những lời hùng biện chối tai, vô sỉ, chúng diễn tả cái chết như dự báo thời tiết, thậm chí bản tin về con ngựa hay một trận đua xe còn khá hơn thế. Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tôi mở cửa vài bận mà chẳng thấy tờ báo nào cả. Tại sao tôi lại đi tìm một tờ báo trong khi những tòa nhà đang đổ sập từ mọi hướng? Lẽ nào như thế chưa đủ ghi chép hay sao?

Có điều gì đó không đúng. Kẻ đi tìm tờ báo giữa địa ngục này là kẻ đang cố trốn chạy khỏi cái chết cá nhân đến bên một cái chết tập thể. Anh ta đang đi tìm cặp mắt một con người, để cùng sẻ chia sự im lặng, cầu mong một mẩu đối thoại. Anh ta đang tìm cách tham gia vào cái chết này, bởi bằng chứng chỉ được phơi bày với một nhân chứng và những nấm mồ sẽ phủ lên xác người, vì người truyền tin về con ngựa khụy ngã, nhân danh diễn ngôn và câm lặng, để vơi đi buồn chán trong nỗi chờ đợi một cái chết không thể tránh khỏi. Bởi lũ quái thú mình đồng da sắt này đang gầm lên rằng chúng sẽ không buông tha ai trong hòa khí, và sẽ chẳng một ai đếm những xác người.

Tôi lừa dối bản thân rằng: Chẳng cần tìm kiếm bất kì dòng miêu tả nào về quang cảnh xung quanh hay nội tâm bất an đang rò rỉ. Sự thật là tôi sợ hãi mình sẽ rơi vào hoang tàn đổ nát để rồi trở thành miếng mồi cho một tiếng rên không ai nghe thấy. Điều đó thật rất đớn đau. Đau như thể chính mình đang đi qua nỗi đau ấy, như thể mọi thứ đã xảy ra rồi. Và tôi ở ngay đó, dưới tấn gạch vụn. Tôi cảm thấy nỗi đau đang dày xéo những con thú bị nghiền nát vang vọng từ tâm khảm. Một tiếng khóc bật ra trong đau đớn mà chẳng ai nghe thấy. Nỗi đau như một bóng ma, đến từ phía ngược lại - từ những gì có thể xảy ra. Có những người chân trúng đạn vẫn còn cảm thấy cái đau nhói thịt tận vài năm sau khi chân đã bị cắt. Họ vươn tay chạm vào nỗi đau ở nơi chẳng còn cẳng chân nữa. Cơn đau tưởng tượng như một bóng ma ấy có lẽ sẽ bám theo họ đến ngày cuối cuộc đời. Nhưng tôi lại cảm thấy cái đau của một vết thương chưa xảy đến. Đôi chân tôi đã ở đó, gãy nát dưới đống gạch vụn.

Đây là điềm báo cho tôi. Có lẽ tôi sẽ không ra đi trong ánh chớp lòa của pháo kích khi chưa kịp nhận thức điều gì đang xảy ra. Có lẽ một bức tường sẽ chầm chậm đổ xuống thân xác này, khiến tôi đi qua một đau đớn kéo dài đến thiên thu, tôi gào khóc, nhưng không một ai nghe thấy. Có lẽ cẳng chân, cánh tay và cả hộp sọ tôi sẽ bị nghiền nát. Hoặc lồng ngực tôi bị đè chặt để rồi thoi thóp tận vài ngày sau, khi chẳng một ai có đủ thời gian đi tìm thịt da còn sót lại của người xa lạ trong đổ nát. Có lẽ mảnh thủy tinh từ tròng kính vỡ sẽ găm vào đôi mắt khiến tôi mù lòa. Hay một cây cọc sắt sẽ xiên qua mạn sườn, hoặc tôi nằm đó chìm dần vào lãng quên, bên đống thịt thối bị xé nát thành từng mảnh nhỏ vùi trong cát bụi.

Nhưng tại sao tôi lại quan tâm đến nơi chốn lẫn những điều sẽ xảy đến với xác chết của chính mình? Tôi không rõ. Tôi mong muốn một đám tang chỉnh tề cùng một cơ thể toàn vẹn không nát vụn từng mảnh, được đặt ngay ngắn trong một quan tài gỗ, với một lá cờ bốn màu rõ rệt phủ lên trên (dẫu cái tên đến từ một dòng thơ mà âm thanh phát ra không diễn đạt được ý nghĩa của chúng) và bè bạn sẽ khiêng tôi trên vai, bên những người vừa là bạn, mà cũng là kẻ thù.

Và tôi muốn vòng hoa kết từ hoa hồng vàng và đỏ. Tôi không thích màu hồng rẻ tiền, và xin đừng mang đến Tử Linh Lan, vì chúng tỏa mùi cái chết. Tôi muốn có một phát thanh viên không ba hoa lắm mồm, giọng không khàn đục và có thể diễn một vở sầu bi thuyết phục. Giữa những đoạn băng phát lại lời tôi từng nói, tôi muốn anh ta phát biểu vài lời. Tôi muốn một đám tang gọn gàng và bình thản; và tôi muốn nó thật hoành tráng, không phải một dịp tụ tập mà là một sự tiễn đưa đẹp đẽ. May mắn làm sao kẻ đã chết trong ngày đầu tang lễ, khi bao người thăm viếng tranh nhau ca tụng họ! Trong ngày hôm đó, họ là hiệp sĩ, là người yêu, là người trong sạch nhất! Không lời vu khống, không lời nguyền rủa, không cả tỵ hiềm. Và bởi vì chẳng có vợ con, mọi sự sẽ càng tuyệt vời hơn cho tôi hơn nữa. Những bè bạn tôi chẳng cần tốn sức đọc một điếu văn dài thê lương không hồi kết cho đến khi người góa phụ mủi lòng thương người đương phát biểu. Những đứa trẻ cũng giữ được phẩm hạnh của chúng, vì chẳng phải chầu chực trước cửa viện hành chính vận hành bởi một lũ quan liêu theo kiểu bộ lạc. Tuyệt làm sao bởi tôi chỉ một mình, một mình và một mình thôi. Vì lí do đó mà tang lễ của tôi không cần phúng điếu để không ai phải lo lắng về việc có đi có lại, và khi hậu sự xong xuôi, những người đưa tang có thể quay lưng bước về đời sống thường nhật. Tôi muốn một cỗ áo quan tao nhã, và nằm trong đó tôi dõi mắt ra nhìn đoàn người thăm viếng, như những gì biên kịch Tawfiq al-Hakim từng toan tính. Tôi muốn quan sát cách họ đứng, đi lại, thở dài, cách họ biến nước bọt thành những giọt nước mắt. Tôi cũng muốn nghe trộm những lời mỉa mai: “Hắn từng trăng hoa lắm.” “Hắn bảnh bao diêm dúa cực kì.” “Tấm thảm trong nhà hắn dầy lông ngập đến gối.” “Hắn có một lâu đài bên vùng duyên hải Pháp, một biệt thự ở Tây Ban Nha và một tài khoản bí mật tại ngân hàng Zurich. Hắn cũng bí mật sở hữu một phi cơ riêng và năm chiếc siêu xe tại tầng hầm ở Beirut.” “Bọn này không chắc hắn có một du thuyền ở Hy Lạp không, nhưng nhà hắn chất đầy vỏ ốc đủ để xây cả một trại di tản.” “Hắn lừa dối đàn bà.” “Nhà thơ đã chết, mang theo tất cả thi ca. Và còn gì sót lại? Vai trò của ông đã chấm dứt và chúng ta sẽ khép lại huyền thoại về ông. Ông ấy mang theo những bài thơ rồi biến mất. Dù sao thì ông ấy từng có một cái mũi dài, lưỡi ông cũng thế.” Khi trí tưởng tượng được thả rông thì tôi sẽ còn nghe nhiều điều khắc nghiệt hơn vậy nữa. Nhưng tôi sẽ cười trong cỗ áo quan của mình và thử cất tiếng rằng, “Đủ rồi đấy!” Tôi thử quay lại cuộc sống, và tôi sẽ thất bại.

Nhưng không, tôi sẽ không chết tại đây! Dưới đống gạch vụn này. Tôi sẽ giả vờ mình đang tản bộ dưới phố tìm mua một tờ báo. Nỗi sợ là một sự ô nhục giữa cơn sốt chủ nghĩa anh hùng đang bùng nổ - từ những người vô danh trên tiền tuyến đến những linh hồn giản dị đã chọn ở lại Beirut, cống hiến những ngày còn lại đi tìm nguồn nước rót đầy một can hai mươi lít dưới trận mưa bom, họ kéo dài phút giây phản kháng và lòng kiên định trong dòng lịch sử, rồi đối diện trước những mảnh sắt nổ tung giữa trận chiến, họ trả giá bằng chính thịt da của mình. Anh hùng ở ngay đây, ngay chính phần bị chia cắt tại Beirut này giữa trưa hè bỏng lửa. Đó là Tây Beirut. Người ngã xuống tại đây chẳng phải tình cờ. Và những ai còn sống thực là may mắn, vì không một khoảng đất nào đạn pháo chừa ra và chẳng có đến một chỗ đặt chân mà không phát nổ. Nhưng tôi không muốn chết đi dưới đống gạch vụn. Tôi muốn nằm xuống trên con đường trải rộng.

Bỗng nhiên lũ giòi bọ, từng nổi tiếng trong một bộ tiểu thuyết nào đó, bủa vây khắp người tôi. Những con giòi trật tự xếp thành từng hàng theo màu sắc, chủng loại để tiêu hóa một xác chết, chúng lột thịt khỏi xương sạch sẽ chỉ trong vài phút. Một cuộc đột kích, rồi hai, và chẳng còn lại gì ngoài xương trắng. Những con giòi xuất hiện chẳng từ nơi đâu, từ trong lòng đất, từ bên trong chính xác chết ấy. Nhờ có đội quân vô cùng nghiêm túc này mà cái xác ngấu nghiến chính nó chỉ trong vài khoảnh khắc. Chắc chắn hình ảnh này sẽ rút cạn một người đàn ông khỏi lý tưởng anh hùng lẫn xác thịt, tống anh ta vào trong sự trần trụi của số phận điên rồ, một sự điên rồ tuyệt đối, hư vô tuyệt đối; một bức tranh lột trần khúc hát khỏi những lời tụng ca cái chết, lột trần sự trốn chạy để anh ta lao vào chiến đấu. Phải chăng để vượt qua sự thật xấu xí này mà trí tưởng tượng của con người - những thần dân ngụ trong xác chết – đã mở ra một không gian để cứu rỗi linh hồn khỏi hư vô? Phải chăng đây là giải pháp được đề xướng bởi tôn giáo và thi ca? Biết đâu. Biết đâu đấy…

- Mahmoud Darwish

----

(Hoài Phương dịch)

From English translation by Ibrahim Muhawi

Ảnh: Chân dung Mahmoud Darwish được chụp bởi nhiếp ảnh gia Leonardo Cendamo tại Turin, Italy