“NƠI KHÔNG CÁNH CỬA” (Walid Daqqah) / by Phuong Nguyen

Gửi đến các bạn hai tiểu luận ngắn của nhà văn người Palestine Walid Daqqah. Ông cũng là một chiến sĩ tự do và là một người tù chính trị đã thụ án dài nhất trong nhà tù Israel gần 4 thập kỷ. Ông vừa qua đời cách đây 1 tuần vì bệnh ung thư xương trong khi vẫn còn đang bị giam cầm.

Dịch từ bài viết "We Call It a Policy of Slow Killing”: Why so Many Called for the Release of Walid Daqqah" (Chúng tôi gọi đây là chính sách Giết chậm: Tại sao nhiều người đang kêu gọi việc trả tự do cho Walid Daqqah)

-

Dựa theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Daqqah từng là một chiến sĩ của lực lượng cách mạng Palestine và ông đã bị giam trong nhà ngục Israel trong gần bốn thập kỷ với tội danh “liên quan với nhóm vũ trang đã tổ chức bắt cóc và ám sát một người lính Israel vào năm 1984.” Tuy đã mãn hạn tù nhưng bản án của ông liên tục bị gia hạn. Ông bị ốm nặng và không được cung cấp những liệu pháp y tế cần thiết. Tổ chức Ân xá Quốc tế, cùng với ban biên tập của tờ Haaretz (tòa báo lâu đời nhất của Israel) đã kêu gọi việc trả tự do cho ông. Tổ chức Ân Xá quốc tế cho hay, “Trường hợp của Daqqah là một ví dụ rõ rệt về sự tàn nhẫn của hệ thống tư pháp Israel đối với người Palestine, trong đó có cả những người bệnh nặng và đang hấp hối.”

Walid Daqqa đã qua đời vào ngày 7 tháng 4, năm 2024, thọ 62 tuổi.

Ông có một người vợ mà họ đã kết hôn sau khi ông đã bị bắt giam trong tù. Và dẫu cho chính quyền Israel đã tìm mọi cách ngăn cấm ông để lại người thừa tự như 1 sự trừng phạt, ông đã tìm cách đưa tinh trùng của mình ra đến tay vợ (họ không được phép quan hệ tình dục khi vợ đi thăm nuôi ông) và vợ ông đã hạ sinh một bé gái mang tên Milad. Ông chỉ được gặp con gái mình một lần duy nhất vào tháng 10 năm 2022. Ông qua đời khi vẫn còn đang thụ án tại Israel trong bệnh viện Shamir Medical Center.

-------

Đã từ lâu mỗi khi Milad hỏi qua điện thoại rằng ‘Cha ơi, cha đang ở đâu?’ Tôi tránh dùng từ ‘nhà tù.” Tôi sợ rằng con bé còn quá nhỏ và chưa đủ sức để có thể sống được với từ này cùng những hàm ý nặng nề chất chứa trong đó” . Walid Daqqah chia sẻ trong bài tiểu luận của ông “Nơi không cánh cửa”

Người tù chính trị và cũng là nhà văn Palestine 62 tuổi này đã bị bắt vào năm 1986 và bị kết án 37 năm tù trong nhà ngục Israel. Ông đáng lí đã mãn hạn tù vào năm 2023, nhưng những người cầm quyền tại Israel đã kéo dài bản án của ông thêm hai năm, với cáo buộc vận chuyển trái phép điện thoại di động trong tù. Bà Sana’ Salameh, người vợ mà ông đã kết hôn vào năm 1999 sau khi đã ở trong tù, viết rằng, “Với những tội danh tương tự, hình phạt thường chỉ có vài ngày trong phòng biệt giam. Nhưng họ bắt Walid phải thụ án thêm hai năm.” Salameh cùng nhiều nhà hoạt động khác tin rằng việc họ liên tục kéo dài thời gian thụ án của Daqqah thực chất là một sự trừng phạt cho thái độ thách thức của ông. Tiêu biểu nhất là khi ông đã lén vận chuyển tinh trùng ra khỏi nhà tù đến vợ mình, để rồi sau đó bà hạ sinh một bé gái vào năm 2020 mang tên Milad, mặc cho phía nhà chức trách Israel đã cấm họ không được quan hệ vợ chồng – một quyết định trái với luật pháp.

Tháng 12 năm 2022, Daqqah được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tủy giai đoạn cuối. Mặc dù tình trạng rất nguy kịch, ông không được phép ra tù và cũng không được cung cấp những liệu pháp y tế cần thiết để duy trì tính mạng. “Họ đã từng trì hoãn việc đưa ông đến bệnh viện chữa trị cho đến khi gần như quá muộn,” Salameh chia sẻ. “Chính sách y tế chểnh mảng này không có gì mới. Chúng tôi gọi nó là chính sách “giết chậm”

Tháng 3 năm 2023, gia đình của ông đã phát động một chiến dịch trên mạng xã hội dưới Hashtag #Free_Walid_Daqqah. Trong chiến dịch này, nhiều tản văn và tiểu luận của ông đã được dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Anh bởi Dalia Taha – một nhà thơ và biên kịch người Palestine. Những tiểu luận dưới đây mang tên “Nơi không cánh cửa” và “Chú ơi, cho con một điếu thuốc” đã được bí mật vận chuyển từ xà lim của ông. Một số tác phẩm khác của Daqqah bao gồm “Thời thế song song” (sau đó đã được chuyển thể thành kịch nói), “Nhận thức chảy tan hoặc: Tái định nghĩa sự tra tấn” và tiểu thuyết trẻ em “Câu chuyện bí mật của giọt dầu”

“NƠI KHÔNG CÁNH CỬA”

Một dạo sau khi trở về từ chuyến nghỉ mát bên bờ biển, Milad gọi điện cho tôi và tôi đã hứa rằng lần tới, tôi sẽ đưa con bé đi. Con bé im lặng vài giây rồi ngập ngừng trả lời, cẩn trọng như thể không muốn khiến tôi bị sốc, rằng “Làm sao được, cha không có một cánh cửa.”

Đã từ lâu mỗi khi Milad hỏi qua điện thoại rằng, “Cha ơi, cha đang ở đâu?” Tôi tránh sử dụng từ “nhà tù.” Tôi sợ rằng con bé còn quá nhỏ và chưa đủ sức để có thể sống được với từ này cùng những hàm ý nặng nề chất chứa trong đó. Tôi cảm thấy thật khó xử và không biết liệu tôi có nên nói ra sự thật hay không? Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi cứ giấu đi hiện thực cay đắng này, để những ẩn ý trong hai chữ nhà tù không hằn sâu trong trí tưởng tượng của con bé?

Nhưng con bé hiểu được nhà tù là gì qua những chuyến viếng thăm, trước cả khi hiểu được ý nghĩa của từ này. Với con bé, nơi cha của con bé bị cầm tù và không thể rời khỏi này không có một cánh cửa. Nếu nơi này không có một cánh cửa thì dĩ nhiên tôi không thể cùng con đi thăm biển. Tôi không thể ngồi bên con bé vào bữa sáng. Cũng không thể đưa con đến nơi con bé hân hoan gọi là “trường học.”

Từ những ký ức đầu tiên trong cuộc đời, các con của chúng ta đã hiểu được hiện thực của những bức tường, rào chắn và chốt kiểm soát. Chúng hiểu điều này từ lâu trước khi biết đến từ “chiếm đóng.” Và chúng ta buộc lòng tự hỏi bản thân một câu hỏi vừa phức tạp vừa mật thiết trong việc giáo dục con cái: Làm cách nào để biến cảm giác nặng nề được nhào nặn nên từ hiện thực đầy áp lực này thành nguồn năng lượng thúc đẩy những hành động tích cực, vốn rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng tính cách non trẻ đang không ngừng lớn lên từng ngày?

Trong khi đang bâng khuâng rằng liệu tôi có nên dùng từ “nhà tù” với Milad hay không, những ký ức từ tháng năm giam cầm bắt đầu sống dậy trong tâm tưởng. Tôi nhận ra rằng quanh mình suốt thời gian này tồn tại không chỉ một mà những ba thế hệ: Người Cha, Người Con, Người Cháu. Có lẽ nhà tù đã ngấm ngầm lan tỏa vào trong cuộc đời lũ trẻ qua những chuyến thăm nuôi, để rồi sau đó chính chúng cũng hóa thành tù nhân, rồi bước chân vào ách giam cầm. Một trong những câu chuyện về đời sống trong tù của tôi mang tên “Chú ơi, cho con điếu thuốc” khi một tù nhân chỉ mới mười hai tuổi đã hỏi xin tôi một điếu thuốc lá. Nếu điều này xảy ra bên ngoài bức tường xà lim giữa một cuộc đời bình thường, tôi chắc chắn sẽ nói không. Chẳng ai muốn cho trẻ con hút thuốc cả. Nhưng tôi bất chợt nhận ra rằng yêu cầu mà cậu bé đặt ra chính là khao khát được trưởng thành thật nhanh, để cậu có thể đối đầu với những tháng năm ngục tù dai dẳng trước mặt, hoặc vì cậu muốn trấn tĩnh lại bản thân sau khi bị bắt giữ một cách đầy bạo lực. Thông qua hành động hút thuốc, cậu dường như muốn tuyên bố rằng “Hãy nhìn này, tôi là một người lớn!” Thế nên tôi đã cho cậu ấy một điếu thuốc. Rồi đến ngày gặp gỡ Milad, tôi cuối cùng cũng đã thốt ra hai chữ “nhà tù.” Tôi nương theo những dấu hiệu của con bé. Nó đã dạy cho tôi tầm quan trọng của sự thành thật khi nuôi dạy con trẻ. Dù tôi có dùng chữ “nhà tù” hay không thì trong lòng con bé ý nghĩa của từ này đã hiện hữu rồi. Đó là một nơi không cánh cửa.

“CHÚ ƠI, CHO CON ĐIẾU THUỐC”

Tôi nhớ đó là buổi sáng và tôi có thể nghe thấy tiếng xiềng xích leng keng trong khi tên quản ngục đang đến gần. Âm thanh đó ngân lên khi hắn ném mớ xích xuống đất, và rồi khi âm thanh ấy đi qua, một cảm giác bình yên lan tỏa khắp căn phòng. Một mớ xích còng lấy đôi tay, rồi một mớ khác dài hơn để ràng lại đôi chân. Tám cặp còng tay xích sắt đủ loại cho bảy người tù.

Tôi cùng vài người nữa đang đứng tựa vào tường trong một cái sân nhỏ bị vây kín bởi buồng giam, thấm mệt vì phải di chuyển từ nhà tù này đến nhà tù khác kể từ khi cả bọn bắt đầu chống đối bằng cách tuyệt thực. Tôi gượng sức hớp lấy một hơi dài để chuẩn bị trước chuyến hành trình vài tiếng đồng hồ bên trong một cái hộp sắt, mà dưới nóng điên cuồng này, sớm thôi sẽ hóa thành một lò luyện ngục.

Sau khi đã xích cả bọn, tên quản ngục tiến về phía xe tải vận chuyển tù nhân. Rồi tôi chợt nghe thấy một tiếng nói vọng ra từ buồng giam ở ngay sau lưng mình.

“Chú ơi, cho con điếu thuốc.” Tôi nhòm vào buồng giam tối tăm nhưng chẳng thấy một ai. Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ mình hoang tưởng, nhưng rồi ngay sau đó tôi lại nghe thấy giọng nói cất lên, lớn hơn và tuyệt vọng hơn. “Chú, chú ơi, cho con một điếu thuốc đi!” Tôi nhìn vào buồng giam lần nữa.

“Con ở đâu vậy?”

“Ở đây, dưới này này!”

Tôi cúi thấp người rồi nhìn qua khe hở dưới cửa, nơi tù nhân thường nhận đồ ăn nước uống, nơi tay họ sẽ bị còng lại trước khi bước ra khỏi buồng giam, và tôi thấy một đứa bé dường như chưa đến 12 tuổi. Một đứa bé đang hỏi xin tôi thuốc lá.

Tôi không biết nên trả lời thế nào. Tôi nên đưa cho thằng bé điếu thuốc hay nên dạy cho nó biết về những hiểm nguy tiềm tàng trong thuốc lá, như cách mà tất cả người lớn sẽ làm khi ở bên ngoài tù giam? Người lớn, người lớn… tôi chợt nhận ra rằng mình cũng thuộc vào nhóm người trưởng thành này, bởi thằng bé gọi tôi là “chú.” Tôi đã già rồi sao?

Bị gọi như thế này khiến tôi bất thần hốt hoảng, bởi là lần đầu tiên sau 26 năm sống trong ách giam cầm tôi đối thoại với một ai kém xa tuổi mình như vậy. Ở trong tù chúng tôi thường không gọi nhau bằng những xưng hô thể hiện sự kính trọng tuổi tác. Có cách nhau bao nhiêu tuổi, chúng tôi vẫn chỉ gọi nhau là “người anh em”, “đồng chí”, và gần đây nhất là “chiến sĩ.”

Tôi trầm tư nghĩ về cậu bé. Tôi có thể cảm thông với khao khát được cầm vào điếu thuốc đó. Không phải cảm giác thèm cơn say nicotine, mà là tính biểu hiện điếu thuốc mang đến. Đây là một đứa bé đang hoảng sợ giữa thế giới khắc nghiệt của tù đày và mong rằng mình có thể lớn lên thật nhanh. Trong khi tôi thì khao khát quay ngược thời gian để lại được làm một đứa trẻ, hay chí ít là một thanh niên, như cái hồi mà tôi vừa bước chân vào tù một phần tư thế kỷ trước.

Cả hai chúng tôi đều hoảng sợ. Tôi sợ thời gian đã qua, cậu bé thì sợ những tháng ngày đang chờ đợi phía trước. Quá khứ là thứ khiến tôi sợ hãi, còn với cậu bé, đó là tương lai. Tôi sợ hãi nghĩ về cuộc đời đã cháy tàn trong nhà tù, còn cậu sợ trước những gì mà điếu thuốc kẹp giữa làn môi giờ đây chẳng thể nào đốt cháy. Sau hơi thuốc đầu tiên, điếu thuốc trở thành một thứ gì đó khác lạ, và chính cậu bé trai đang nhón chân rướn mình này dường như đã già thêm mấy tuổi. Tàn thuốc cháy đỏ hóa thành chiếc đèn lồng trong tay, xua đi cô đơn và sợ hãi, xua đi bóng tối đang bủa vây giữa chốn tù đày.

Cậu bé đâu có hút thuốc, nó chỉ đang cố gắng dập tắt hình ảnh trẻ con đang đeo bám chính mình. Bởi trong thế giới tù đày, ngày ngày phải đối mặt với bọn lính canh tàn nhẫn, tuổi thơ chỉ là một gánh nặng. Biết rằng trước mặt là những tháng năm bị giam cầm, cậu bé mong muốn rũ bỏ hình ảnh yếu đuối và ngây thơ vốn giờ đây chẳng còn tích sự gì nữa. Sự ngây thơ đó vốn đã vô dụng từ khi thẩm phán tuyên án cậu phải đi tù bốn năm.

Tên cai ngục quay lại. Hắn nhấc chiếc còng thứ tám trên sàn nhà rồi lệnh cho thằng bé chìa tay qua khe cửa. Thằng bé làm theo trong khi điếu thuốc vẫn còn kẹp giữa ngón tay. Tên cai ngục quát lên bắt thằng bé thả điếu thuốc rồi lầm bầm bằng tiếng Hebrew rằng thật tệ hại làm sao khi ngay cả một thằng nhóc cũng hút thuốc, trong khi hắn tiếp tục ràng mớ xiềng xích vào đôi tay nhỏ bé đó mà chẳng chút rung động. Cổ tay của cậu bé quá nhỏ, nên hắn xiết lại vài lần mà không thành để rồi quyết định dùng nó để xích chân cậu lại.

Khi cậu bé bước ra khỏi buồng giam để chuẩn bị cho việc di chuyển, tôi nhìn theo mà tưởng như đây là đứa con trai của mình. Đứa con mà số phận vẫn chưa muốn gieo vào cuộc sống. Từng thớ thịt trong tôi cùng bản năng của người cha dâng trào khiến tôi khao khát được ôm chầm cậu bé trong tay. Những giọt nước mắt đã chực trào, nhưng tôi ráng kiềm lại cảm xúc ấy, sợ rằng tôi sẽ vô tình phá vỡ hình ảnh của người đàn ông mà cậu bé mong muốn trở thành. Tôi bước đến để bắt lấy tay cậu như một đồng chí, hay như một đối thủ, rồi mở lời:

“Con sao rồi, hỡi chiến binh?”

----

(Hoài Phương dịch)

Ảnh: Chân dung người tù chính trị, chiến sĩ tự do, nhà văn Walid Daqqah.

Nguồn bài viết trong comment