Harun Hashim Rasheed

Giữa những người lạ (Harun Hashim Rasheed) by Phuong Nguyen

"Giữa những người lạ"
Harun Hashim Rasheed (1926-1984)
From English translation by Mohammed Sawaie

——

Laila bước đến bên cha
với nỗi đau dâng tràn trong mắt
khoang bụng cô sôi sục lửa hồng
cháy bỏng cùng bao nỗi khát vọng.
Mây mù dâng lên trong đôi mắt
đang yếu dần đi trước bạo bệnh.
Nỗi buồn của Bureij* giờ đã ngủ say
chẳng còn lại giai điệu lẫn tiếng nói.
Và Laila bước đến bên cha
đã già đi dưới sức nặng của năm tháng.
Rạn nứt vì đớn đau,
Cô hối hả mở lời:
“Cha ơi, tại sao,
tại sao,
chúng ta là những kẻ xa lạ?
Lẽ nào ta chẳng còn bè bạn
chẳng còn ai thân thuộc trên thế giới?
Lẽ nào ta không có bạn tâm giao?
Cũng chẳng có người nào yêu dấu?
Cha ơi, vì sao,
vì sao chúng ta…?
Vì sao chúng ta là những người xa lạ?
Vì sao chúng ta là những người xa lạ?
Những tháng năm đằng đẵng
Chẳng có gì thay đổi, cha ơi
không hy vọng, không tin tốt lành,
chỉ còn đớn đau và sầu thảm,
chỉ còn ưu phiền, hoạn nạn
chỉ còn lại số phận ai oán
đang cất lên tiếng gọi
quê nhà trong con.
Tại sao?
Cha ơi
Tại sao, chúng ta là những người xa lạ?

Tại sao
chúng ta phải chịu đựng thống khổ
trong nghèo nàn, tuyệt vọng
khi chúng ta lang bạt
từ nơi này đến nơi khác?
Chẳng lẽ ta không có một vùng đất
để ươm mầm ước vọng?
Nơi tin lành cất bước
khiêu vũ cùng tiếng chim trên vòm trời trải rộng?
Chẳng lẽ ta không có một quê hương
mang cái tên được thời gian tán thưởng?
Tại sao
Cha ơi, tại sao…
Chúng ta là những người xa lạ?

Chẳng phải dải đất quê nhà chúng ta
với thảm xanh ngút ngàn
được tươi tắm bởi bao dòng suối mát
và những giấc mơ hiền hòa
tỏa sáng trong yêu thương?
Tại sao chúng ta không được canh tác
như những người tự do
đôi tay ta thu hoạch quả ngọt của quê hương
ta cho đi để rồi nhận lại?
Tại sao ta không thể
cần mẫn chăm sóc quê nhà
và đổi lại Người nuôi dưỡng chính ta?
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
chúng ta là những người xa lạ?

Tại sao chúng ta sống trong túp lều
dẫu nóng nực hay buốt giá
Tại sao chúng ta không thể về nhà
nơi có cánh đồng và lòng danh dự?
Tại sao chúng ta đau đớn quá,
vì bệnh tật, đói khát
trong khổ sở giày vò?
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
Chúng ta là những người xa lạ?


Hôm qua, con hỏi cha
về mẹ
người đã rời đi, không bao giờ trở lại.
Con cất tiếng hỏi
khi tim gióng lên đau đớn từng hồi.
Con hỏi cha với lệ tràn trong mắt
và cha chỉ ngồi đó lặng lẽ
chẳng nghe, chẳng nói.
Cha ơi, sự im lặng đó thật dữ dội.
Tiếng nói cha chẳng thể nào cứu rỗi.
Nên con đã thét lên:
Hãy nói con hay!
Vì sao chúng ta là những kẻ xa lạ!

Con hỏi cha
chỉ vài ngày trước
về anh trai Ahmad.
Khi cha cố gắng xua tan tăm tối
trong đôi mắt con,
cha như muốn nói rằng, Anh con đã chết rồi
Laila ơi, anh đã trở thành người tử đạo,
Nhưng cha đã không nói!
Tại sao không hả cha?
Tại sao?
Tại sao chúng ta
là những kẻ xa lạ?

Cha có còn nhớ Salwa?
Hôm qua con thấy bạn ấy bên vệ đường
không còn nhà cửa, thất lạc
đầy đọa bởi khốn khổ, buồn thương.
Bệnh tật đã thay đổi bạn ấy rất nhiều
Cha ơi.
Không còn là bạn ấy nữa
đó không phải người bạn con từng biết,
đôi mắt bạn ấy chỉ còn đau đớn
và cơ thể giầy vò bởi bệnh tật.
Tại sao?
Cha ơi, tại sao
Tại sao chúng ta là những kẻ xa lạ?

Cha ơi!
Nhân danh Thánh thần, hãy nói con hay
Vì sao chúng ta đi đến Jaffa?
Những hình ảnh thân thương ấy
đang lướt qua trước mắt con.
Liệu chúng ta có thể đến nơi trong tự hào,
trong phẩm hạnh, mặc thời thế đảo điên?
Hãy nói cho con biết, con còn có thể bước vào căn phòng cũ?
Con có thể bước vào cùng những giấc mơ không?
Và liệu con có thể chạm vào giấc mơ đó ?
Liệu nó có nghe thấy bước chân con?
Con có thể tiến vào với trái tim
nhung nhớ quê nhà như một cơn khát?
Cha ơi
Giá như con có thể trổ cánh
như loài chim,
để vút bay cùng bao khát vọng
hoài thai từ tình yêu dâng tràn với quê hương.
Nhưng thương thay con chỉ là nắm đất;
nơi đôi chân con cắm sâu vào, trói chặt.

Giọt lệ ấm nóng,
run rẩy,
tuôn tràn,
từng hạt.
Tiếng khóc của đứa con như sấm nổ rền vang
dội vào bầu trời ảm đạm phủ lấy đôi tai của người cha,
và rồi ông gầm lên: “Chúng ta sẽ lấy lại tất cả,
chúng ta sẽ đòi lại quê nhà
chúng ta sẽ không bằng lòng với cái gì khác,
không cái giá nào đủ để đổi chác!”

Ta sẽ không chết đi dẫu có đói khát
Ngay cả thống khổ cũng chẳng thể chôn vùi chúng ta
hy vọng sẽ luôn chiến thắng
mỗi khi hận thù vẫy gọi.
Hãy kiên nhẫn, con gái ơi, kiên nhẫn
Ngày mai, chiến thắng sẽ đứng về phía chúng ta!

(Gaza, 1951)

——

(Hoài Phương dịch)

*Bureij: Tên một trại tỵ nạn ở Gaza

Harun Hashem Rasheed sinh năm 1927 tại Gaza. Khi còn là một đứa trẻ, ông đã chứng kiến quân lính Anh phá hủy nhà cửa của ông và hàng xóm láng giềng như một biện pháp trấn áp các cuộc nổi dậy của người Palestine, những sự kiện này đã để lại dấu ấn sâu đậm và thúc đẩy ông trở thành một nhà thơ. Sau khi nhận được bằng Cử nhân giáo dục từ trường cao đẳng Gaza, ông làm việc như một giáo viên cho đến năm 1954. Sau đó ông trở thành giám đốc của đài phát thanh Sawt al-Arab tại Gaza cho đến khi Gaza rơi vào tay người Israel vào năm 1967. Ông bị quân lính Israel quấy rối thường xuyên và cuối cùng buộc phải rời khỏi Gaza. Ông làm việc tại Cairo như đại diện chính thức của Palestine tại Liên minh các quốc gia Ả Rập. Ông qua đời vào tháng 5 năm 2002. Trong văn nghiệp của mình ông đã xuất bản hơn 20 tuyển tập thơ, tiểu thuyết, và ông cũng từng làm việc như một nhà biên kịch.

Bài thơ “Giữa những người lạ” được viết ra tại Gaza vào năm 1951, và đã được xuất bản trong tuyển tập thơ “Thế hệ túp lều” (The tent generation)

Ảnh: Nhà thơ Harun Hashem Rasheed (thứ 2 từ trái sang)