"Lá thư từ biển cả" (Liana Badr) / by Phuong Nguyen

Gửi đến các bạn một truyện ngắn rất thú vị mang âm hưởng khoa học viễn tưởng của nhà văn nữ người Palestine Liana Badr. Bà viết về một thế giới hậu tận thế với những cột mốc của lịch sử hiện đại và sự phản kháng của người Palestine trong ách chiếm đóng, cũng như vị thế của con người chúng ta trước những thảm họa tự nhiên chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần. Tất cả những điều này gói gọn trong 1 từ: tình yêu

"Lá thư từ biển cả"
Liana Badr (1950 - )
From English translation by Aida Bamia & Omnia Amin

——

Chiếc máy tính nhấp nháy phát ra luồng sáng nho nhỏ này đang giải mã một lá thư mà tôi tìm thấy trong một chiếc vỏ chai trôi dạt ngoài biển cách đây không lâu.

Bắt đầu với những từ rời rạc: mật ong, mùa hè , một con ong đực, hơi ấm, màu nâu, tử đinh hương, lau sậy, hàng rào mắt cáo, một nắm đất, một làn gió thổi, cây papyrus, kem vị va-ni, những quả nho, gia vị, băng cassette, xanh lam, ống sáo, một chiếc áo, đại dương, tuyết…

Trước khi tìm thấy cái chai này, tôi đang đi tìm ý nghĩa của tình yêu. Từ này đã xuất hiện trong một số văn bản tối nghĩa tôi tình cờ tìm thấy. Tôi cũng từng thấy nó trên những bức tranh, từng nghe thấy qua những đoạn ghi âm của một dạng sống nào đó trên Trái Đất trước kỷ nguyên đại hồng thủy. Những cái tên lạ lẫm vút qua trước mắt khiến tôi cảm thấy choáng váng. Một cảm giác kỳ lạ làm sao khi bao nhiêu từ ngữ người xưa từng sử dụng giờ trở nên quá xa lạ. Mọi thứ đã thay đổi nhiều sau trận đại hồng thủy.

Lá thư trong chai mà tôi nhặt được ngoài biển đó đã khơi dậy trong tôi sự tò mò. Nó chất chứa những từ ngữ diễn đạt nên thứ tình yêu mà tôi khát khao hiểu được. Một người đàn ông với bao tình cảm dâng trào đã viết ra lá thư này, chỉ vài phút trước khi biển cả phủ kín toàn bộ bề mặt Trái Đất.

Chiếc máy nho nhỏ đến từ Nhật này có nhiệm vụ giúp tôi hiểu được ý nghĩa của đồ vật hoặc những mối liên hệ của chúng. Chỉ trong một nút bấm, nó có thể rà soát thông tin khắp mọi bách khoa toàn thư chuyên ngành, và rồi thông qua thần giao cách cảm, nó nhận biết được liệu những kết quả đó có khiến tôi hài lòng hay không.

Tôi muốn cái gì là tình yêu, tôi muốn chạm vào, tôi đợi chờ và khao khát mang nó bên mình mãi mãi – nếu tình yêu thực có tồn tại. Một từ chạm vào tận đáy lòng tôi, thêm vào sự tồn tại trong tôi một ý nghĩa mới mẻ, huyền bí, đầy hấp dẫn. Trong quá trình tìm kiếm, hơi ấm râm ran lan tỏa khắp những đầu ngón tay tôi vốn đã luôn lạnh giá.

Lá thư trong chai đó là một trong ba mươi lá thư khác được viết ra bởi cùng một người. Cho đến giờ tôi chỉ mới tìm được một lá thư và cơ hội tìm được số còn lại khá mong manh. Tôi là người duy nhất trong nhóm có thể bơi lặn và sống dưới biển. Nhờ khả năng này mà tôi tìm được cái chai sau khi những tấm bản đồ xưa đã thất lạc, những đất nước bị chia cắt và bầu sinh quyển hoàn toàn đảo lộn. Các lục địa và cư dân từng sinh sống ở đó đều thay hình đổi dạng. Điều này xảy ra sau khi Nam Cực và Bắc Cực tan chảy, kéo theo đó là trận Đại Hồng Thủy. Sau sự kiện này, con người được chia ra làm hai dạng: người Miền Núi, hoặc Miền Biển.

Sau khi cả thế giới bị nhận chìm, chỉ còn lại một giống người duy nhất với hình thể và màu sắc khác nhau còn sống sót. Giống người này được gọi là “survival-loving”, cái tên được công bố bởi Liên Hiệp Quốc – một tổ chức đạo đức ảo mà rồi sau đó cũng suy tàn. Họ lập luận rằng tất cả cư dân trên Trái Đất là hậu duệ đến từ một mã di truyền, nên giờ đây việc cấp bách nhất là phải chấm dứt mọi cuộc đối đầu sắc tộc vốn là nguyên nhân đẩy hành tinh của chúng ta đến bờ tuyệt diệt. Phát hiện về giống người Brighton cùng những khám khá tương tự vào năm 2017 chỉ ra rằng từ thời thần thoại, cư dân Bắc Bán Cầu vốn có nước da ngăm và màu mắt xanh. Khám phá này xảy ra đồng thời với sự ra đời của một thế hệ da trắng với màu mắt rực rỡ. Những sắc tộc này dần đồng hóa theo thời gian rồi tỏa ra định cư ở khắp nơi. Làn sóng này đã chấm dứt thời đại của những tư duy hẹp hòi và trí tưởng tượng nông cạn từng một thời thống trị, chia cắt giống người dựa vào màu da và màu mắt.

Thảm họa lớn nhất xảy ra vào khoảng 30 năm trước khi thủ lĩnh của một quốc gia hùng mạnh nhất Bắc Bán Cầu gặp gỡ một thủ lĩnh khác đến từ vùng Cực Nam. Tánh khí hai người này khá giống nhau, ươn gàn, khốn nạn, nóng nảy và đối đầu nhau về mặt lợi ích. Một ngày khi đang ở trên một chiếc phà, họ cãi nhau xem nút bấm kích nổ vũ khí hạt nhân của ai to hơn. Sự đối đầu này dẫn đến những cuộc thử nghiệm bom hydro và bom chân không rộng khắp, như thể họ đang đọ xem ai có nhiều cơ bắp hơn vậy. Cuộc đọ sức này đã khiến thế giới đảo điên, vô số người đã chết và rồi mực nước biển dâng cao, nhận chìm tất cả những thành phố duyên hải.

Nơi trú ẩn duy nhất còn khả dĩ là ở đỉnh núi cao hoặc trên những chiếc thuyền, bằng không họ phải tập luyện để có thể sống dưới nước trong thời gian dài. Những người sống sót đã đi qua bao bài tập huấn khắc nghiệt với niềm hy vọng rằng hậu duệ của họ sẽ thoát khỏi số phận đã bao trùm lên những thế hệ trước đó. Những người Miền Núi đã học cách nhảy cao vượt qua những ngọn đồi và những đỉnh núi xa, giống như những người cao su từng xuất hiện giữa một cộng đồng dân số mang tên Palestine giữa thời gian khi họ đối mặt với những hiểm họa khôn lường. Sự kiện này diễn ra giữa thời điểm khi một cộng đồng thực dân đã xây lên những bức tường cao ngất nhằm chia cắt bản làng, thành phố cũng như những gia đình của cộng đồng bị chiếm đóng. Và kì lạ làm sao, thảm kịch này đã dẫn đến sự sản sinh một thế hệ của những người “du tường” với khả năng leo trèo kiệt xuất. Họ nhảy vượt qua bao hàng rào cao ngất và bức tường chằng chịt kẽm gai được gài dây điện để rồi dần dần học được cách sinh sống ở trên đỉnh những cây đại thụ.

Những kẻ áp bức khi đó chỉ bận tâm đến việc buôn vũ khí, dựng nên những bức tường cao ngất cho bất kỳ ai có nhu cầu trên thế giới. Phần lớn những kẻ này muốn duy trì vị thế ưu việt, đứng trên những người nghèo khổ bị cầm tù sau trùng điệp dãy tường. Chúng đã viết nên những tuyên ngôn trên con đường đổ nát, trên cây cầu đổ sụp, những tòa nhà chọc trời xiêu vẹo sau khi bị càn quét bởi cơn lũ: “Chúng ta không có đối tác hòa bình nào cả” ; “Cả đất lẫn trời chỉ thuộc về riêng chúng ta”; “Chúng ta kiểm soát mọi quyết định, bởi vì chúng ta là những kẻ Chúa Trời đã lựa chọn, chúng ta vượt trên toàn bộ nhân loại.”



Chúng gợi ta nhớ đến những người cố chấp, những người không muốn chấp nhận bằng chứng di truyền học chỉ ra rằng qua thời gian, các chủng tộc dần hòa vào nhau. Khái niệm về một chủng tộc thuần khiết siêu việt, vượt trên tất cả sắc tộc khác chỉ là ảo tưởng. Con người ai cũng như ai dẫu cho có sự phân hóa đa dạng về tôn giáo và tín ngưỡng. Sự khác biệt về sắc tộc và màu da chỉ là về ngoại thất, giống như màu sắc khác nhau của vỏ một trái táo vậy.



Dẫu sao thì, cái chai này cùng lá thư kì lạ bên trong đó đang khiến tôi phát điên!



Tôi muốn hiểu được bản chất của tình yêu, nhưng cỗ máy này chỉ cung cấp những thông tin chung chung không đưa đến một kết luận cụ thể nào cả. Trong từ “Tình yêu”, tôi thấy hàng triệu bài hát, cách diễn đạt, cùng những điệu nhảy tựa những vì sao, huyền bí như những thiên hà xa xôi. Tôi hiện là một chuyên viên về hải dương học nghiên cứu cách để bảo tồn sự tiếp diễn của giống người. Công việc của tôi là đo nồng độ acid và phóng xạ có trong nước biển, hoàn toàn không có mối liên hệ gì với thứ ngôn ngữ của tình yêu.





Ngôn từ trong lá thư vừa phức tạp, vừa mơ hồ. Tôi cố gắng mường tượng để hiểu được ý nghĩa của bao hình ảnh đang trải ra trước mặt. Tôi muốn tìm ý nghĩa của thứ tình yêu vượt qua biên giới của từ điển và bách khoa toàn thư. Quá trình tìm kiếm dường như bất tận cho đến khi tôi tìm thấy một tập thơ chép tay tiếng Ả Rập, mang tên “Chiếc nhẫn của bồ câu” từ nhà thơ người Andalusia Ibn Hamz. Đó là một bản hiệp ước về tình yêu gồm có ba mươi chương, mười hai chương trong đó viết về những đặc điểm vừa được ca tụng mà cũng chịu nhiều chỉ trích của tình yêu. Đầu tôi quay mòng mòng khi đọc lời tựa: “Chúa ban phúc cho anh; tình yêu vui thú buổi ban đầu để rồi trở nên nghiêm túc về sau.”

Điều này có ý nghĩa gì đối với một người không thể phân biệt được cái gì là vui thú và nghiêm túc như tôi?

Tình yêu thật khó hiểu: nó vừa gắn liền với tấn bi kịch, với hiểm nguy, giận dữ, vừa mang đến niềm vui và hạnh phúc dị thường. Tôi cảm thấy hoang mang khi tình yêu có thể trao số phận một ai đó vào bàn tay của người họ yêu thương. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để diễn tả được tình yêu là gì, tôi đã lắng nghe vô số bài hát và bài được viết bởi bao nhiêu ngôn ngữ khác biệt. Nhưng không có cái gì lí giải rành mạch được một thứ dường như là huyền thoại, như một sinh vật với mã di truyền không ai có thể diễn dịch.



Khó hiểu nhất là những nguồn thông tin kết nối tình yêu với vô số bài viết, với thức ăn và cả khiêu vũ, ví dụ như trong bài hát “Sway”: “Khi điệu Marimba trỗi dậy / Hãy cùng em khiêu vũ, cùng em đu đưa/ Như đại dương êm đềm ôm lấy bến bờ / Hãy ôm em thật chặt, khiến em xoay vòng mê mải.” Thật khó để hiểu rằng một đại dương có thể dễ dàng nuốt lấy bao người lại có thể êm đềm ôm lấy bờ biển như những người đang yêu. Dòng chảy đại dương vốn chỉ biết cuốn trôi rồi gầm gừ trong giận dữ, như khi nó nhận chìm bao thuyền nhân di cư từ Châu Phi, Châu Á và Trung Đông trên con đường đi về phương bắc.

Ở gần nơi mà tôi đã tìm thấy cái chai, tôi cũng tìm thấy một chiếc kính viễn vọng. Tôi mong rằng những thiết bị thông minh của mình có thể dùng khả năng thần giao cách cảm để kết nối chúng ta với những người đã gửi đi những vật dụng này, giúp ta nhìn thấy được những điều họ từng nhìn thấy.

Sau khi tìm được lá thư, tôi bắt đầu phân tích những gì được viết trên thân kính viễn vọng và cuối cùng tôi cũng tìm thấy mối liên kết. Tôi tìm thấy hai ký hiệu có vẻ là hình trái tim được khắc trên phần ống đúc từ thép. Máy tính của tôi cho thấy mỗi ký hiệu này là cái tên của một trong hai người yêu nhau chưa rõ danh tính.

Tới đây thì tôi tạm dừng rồi bắt đầu xem một loạt những sự kiện kì lạ trên màn hình tivi: những tiêu đề và thước phim ghi lại chiến tranh ở Trung Đông, vùng Balkan, Yemen, Syria, Palestine và khắp nơi. Đây là lí do Đại Hồng Thủy đã xảy ra. May mắn thay, một số người đã xoay sở tìm được cách sống sót sau cuộc chiến khốc liệt khiến bao thế hệ của giống người không chỉ chống lại nhau, mà còn chống lại cả tự nhiên.



Dù quên mang theo lọ dầu thông Trung Quốc giúp an thần, nhưng tối đó tôi đã ngủ say. Sáng hôm sau, âm thanh từ chiếc đài mà tôi đã chỉnh sửa để phát những bài về “tình yêu” ùa vào tai đánh thức tôi dậy. Tôi nghe thấy điệu waltz, vũ khúc phương Đông và tiếng đàn flamenco Tây Ban Nha. Bữa tiệc huy hoàng đang phát ra từ một thiết bị đến từ thế giới cũ.



Tôi nảy ra một ý tưởng tuyệt vời, tôi sẽ kết nối máy tính của mình với bộ nhớ bên trong chiếc kính viễn vọng, bởi từng nguyên tử có ký ức sự kiện trong chính nó. Nó bắt đầu truyền tải những gì mà đôi mắt người chủ chiếc kính viễn vọng đã thấy vào những giây phút cuối cùng. Ông nằm bên một mặt hồ, ngắm nhìn đàn chim trắng sải cánh phủ kín vòm trời khi vút bay giữa đại dương xanh. Tôi không thể tin rằng màu sắc đó từng tồn tại, bởi giờ đây biển và đại dương đều rất ô nhiễm. Tôi đã thấy biển xanh và bầu trời mang sắc trắng. Một sự kết hợp kỳ diệu làm sao!







Người đàn ông đó đang nằm thư giãn trên bãi cỏ trong lúc chờ đợi vợ mình, bà là nhiếp ảnh gia làm việc cho một tạp chí mang tên National Geographic. Bà đang làm việc cho một dự án bảo tồn thiên nhiên và động vật quý hiếm. Ông là biên tập viên, và vợ ông là người ghi lại hình ảnh những loài sinh vật đang bị đe dọa bên bờ tuyệt chủng bởi nạn săn bắn, ô nhiễm và băng tan. Họ đã nhìn thấy một con gấu trắng đầy bùn đang tuyệt vọng trong đói khát, nó không còn bắt được cá bởi mực nước dâng lên dữ dội sau khi những khối băng tan rã. Họ yêu thích cá heo, cá sấu, hải cẩu và những chú hải cẩu sơ sinh, họ cũng thích những loài chim tao nhã, cáo trắng Bắc Cực, chó sói, mòng biển xám và nâu. Họ đau đớn khi chứng kiến ô nhiễm tràn lan theo chân đoàn khách du lịch, những kẻ hiếu kỳ làm vấy bẩn ngay cả những vùng đất xa xăm từng rất khó tiếp cận. Tthiên nhiên trở thành nguồn cung cấp món hàng xa xỉ, chỉ phục vụ cho việc giải trí. Trong khi những cư dân bản địa nghèo khổ như người Da Đỏ bị đặt sau những bức tường và hàng rào kẽm gai để họ không lọt vào con mắt những kẻ hiếu kỳ hạnh phúc.

Người đàn ông đó sưởi ấm dưới tia sáng óng ánh màu mật trong khi chờ đợi vợ ông chụp ảnh đàn chim trên ngọn đồi xanh mướt bên bờ Biển Bắc. Ông chợp mắt rồi chìm vào một giấc mộng tuyệt đẹp. Và ngay giây phút đó, đợt xâm thực đầu tiên của đại dương bắt đầu.

Ông hối hả đi tìm vợ mình, bỏ lại đằng sau cái túi đựng kính viễn vọng cùng một cái chai chưa đựng lá thư tình ông chuẩn bị ném vào đại dương. Trước đó ông đã thả hai mươi chín cái chai khác mà không rõ lí do vì sao; có lẽ là một cách để kỷ niệm tình yêu đã mang họ đến bên nhau.

Những cơn sóng thần dâng cao nuốt trọn cả thế giới, có lẽ nào đây là những xúc cảm ông đã đi qua?

Giờ đây tôi phải làm gì khi tóc tai dựng đứng bởi kết cục của câu chuyện buồn này? Tôi chỉ có thể tiếp tục tìm kiếm những ý nghĩa mà tôi không hiểu được và chưa từng nghĩ tới: mật ong, mùa hè , một con ong đực, hơi ấm, màu nâu, tử đinh hương, lau sậy, hàng rào mắt cáo, một nắm đất, một làn gió thổi, cây papyrus, kem vị va-ni, những quả nho, gia vị, băng cassette, xanh lam, ống sáo, một chiếc áo, đại dương, tuyết…

Tôi có thể tìm đến những người trẻ hơn, vài người trong số họ là chuyên viên về thực vật nên biết đâu họ có thể hiểu được những từ ngữ này, biết đâu họ có thể hiểu được sự hiếu kỳ của tôi về những đóa hoa bung nở ở nơi chốn kì lạ.

Tôi cũng có thể đi tìm một vài chuyên gia về mặt trời, bởi giờ đây chúng ta đang đối mặt với ngày tàn của nó. Tôi cũng có thể tìm vài nhà tâm lý học để chắc chắn rằng họ đã tìm ra cách để chữa trị con người – những người muốn thâu tóm tự nhiên trong lòng bàn tay rồi viết những lời tán tụng trên cây cầu đổ sụp, trên những tàn tích vì họ nghĩ bản thân thật siêu việt, rằng họ quan trọng hơn phần còn lại của nhân loại.





Câu hỏi của tôi là, liệu có một người nào có thể giải thích cho tôi ý nghĩa của tình yêu?

Rồi một ngày, chắc chắn tôi sẽ hiểu ra người đàn ông đấy đang mơ về điều gì trong khi nằm trên bãi cỏ chờ đợi người vợ:

Màu xanh, sắc trắng, thiên thanh, ngọc lam…

Những màu sắc đó là bài học đầu tiên của tôi về giấc mơ, và biết đâu là cả tình yêu nữa!

Tôi phải hiểu được!

Và tới đây, giấc mơ còn để ngỏ của chàng trai trẻ ấy đã đến hồi kết khi anh vẫn đang kể lại câu chuyện của mình. Tôi đã thấy trọn vẹn con người anh, trong sự thức tỉnh mà tôi chưa từng tưởng tượng rằng mình có thể.

---

(Hoài Phương dịch)

Liana Badr là một nhà văn chuyên về thể loại truyện ngắn, bà cũng là một đạo diễn người Palestine. Bà sinh ra tại Jerusalem vào năm 1950 và đã bị trục xuất khỏi Jericho vào năm 1967, sau đó bà đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Bà là đạo diễn cho bảy bộ phim tài liệu và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế.

Nhắc nhở các bạn tuần lễ Ramadan đã bắt đầu, và đây là cột mốc mà Benjamin Netanyahu từng phát biểu rằng sẽ tổng lực tấn công vào Rafah, phòng tuyến cuối cùng của Gaza nơi gần 1,5 triệu người đang tỵ nạn. All eyes on Rafah! All eyes on Gaza! Diệt chủng không thể xảy ra trong thời đại của chúng ta. Tự do cho Palestine! Lên án, phê phán và phản kháng!