"Đôi môi cắt hở" (Samih al-Qasim) / by Phuong Nguyen

Một bài phỏng vấn từ năm 1983 với nhà thơ Samih al-Qasim, một người Palestine sinh sống tại Israel sau thảm họa al-Nakba, để thấy được những thách thức mà ông phải đối mặt khi lưu lại quê hương bị chiếm đóng trong khi vẫn liên tục cất lên tiếng nói vạch trần và đòi lại công bằng cho đồng bào của mình.

"ĐÔI MÔI RẠCH HỞ VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC"

Samih al-Qasim

”Tôi đã có thể kể lại

câu chuyện về chú chim sơn ca

đã chết

Tôi đã có thể kể cho anh

câu chuyện đó...

nếu như đôi môi tôi

không bị rạch hở.”

Samih Al-Qasim là nhà thơ sinh sống và làm việc tại Haifa. Sinh ra vào năm 1939, tuyển tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản vào năm 1958. Tập thơ thứ hai của ông mang tên “Khúc hát trong ngõ hẹp” (1965) được xuất bản với đầy trang giấy trắng. Nhiều dòng, đoạn thơ, thậm chí là toàn bộ bài thơ đã bị hệ thống kiểm duyệt của Israel xóa sạch. Năm 1967 khi ông đang bị bắt bỏ tù trong cuộc chiến 6 ngày, ông quyết định gia nhập Đảng Cộng sản Israel. Vào năm 1968, ông từ chối để tuyển tập thơ của mình “Đợi cánh chim sấm” bị kiểm duyêt, và đã ngay lập tức bị bắt giam.

Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện vào ngày 18 tháng sáu năm 1983 bởi một nhà văn người Yemen tên Abdullah al-Udhari, trong khuôn khổ buổi đọc thơ cùng nhiều nhà văn khác bị kiểm duyệt mang tên “Tiếng nói trong vòng phong tỏa”

(Abdullah Al-Udhari) Là một nhà thơ Palestine sinh sống tại Israel, ông có được sự tự do như những người đồng nghiệp Do Thái khác trong công việc của mình?

(Samih al-Qasim) Tôi sẽ thú thật với anh rằng từ “kiểm duyệt” đối với tôi khá thân thuộc, bởi tôi đã có nhiều trải nghiệm tồi tệ với hệ thống kiểm duyệt của Israel. Tôi tin rằng ngay cả những nhà văn Do Thái cũng không có tự do dưới thể chế Israel. Có lẽ anh từng nghe tên hai nhà biên kịch người Do Thái nổi tiếng, Hanoch Levine và Yeshuwa Sobol, gần đây hai vở kịch của họ đã bị kiểm duyệt và cấm công chiếu. Những ai rao giảng về tự do và dân chủ ở Israel hoàn toàn là lũ đạo đức giả. Chiếu theo luật của Israel, tôi có thể viết và đọc thơ chỉ trích Menachim Begin (cựu thủ tướng Israel) nhưng bộ luật đó cũng cho phép chính Menachim Begin tịch thu mảnh đất mà tôi sẽ đến để đọc bài thơ đó. Và ông ta làm đúng như vậy. Theo cá nhân tôi thì ngay cả thể chế tồi tệ nhất trên thế giới này vẫn còn khá hơn những bộ luật "tuyệt vời” của Israel.

(Abdullah Al-Udhari) Trái ngược với nhiều nhà văn Palestine khác, ông đã chọn ở lại quê hương mình. Ông có thể chia sẻ lí do cho việc này không?

(Samih al-Qasim) Có lẽ anh từng nghe qua những lời này của Brutus: “Nếu như người bạn ấy hỏi rằng vì sao Brutus đã nổi dậy chống lại Caesar, thì đây là câu trả lời của ta: Không phải vì ta không còn yêu mến Caesar, nhưng bởi vì ta yêu Rome nhiều hơn thế nữa.” Tôi hiểu ý anh khi anh hỏi rằng vì sao tôi lại tự hủy hoại bản thân mình với những điều kiện tồi tệ ở Israel. Không phải vì tôi không yêu bản thân mình, nhưng bởi vì tình yêu quê hương trong tôi còn lớn lao hơn thế.

(Abdullah Al-Udhari) Nếu ông được mời chuyển đến những quốc gia Ả Rập khác, ông sẽ đi chứ?

(Samih al-Qasim) Đầu tiên, trong hoàn cảnh này tôi không nghĩ bất kỳ quốc gia Ả Rập nào sẽ ngỏ lời. Một người bạn thân quý của tôi là Buland al-Haidari từng hỏi rằng tôi đã đến thăm Baghdad chưa. Và tôi chỉ có thể nói rằng tôi chưa từng đến Baghdad hay bất cứ một thành phố Ả Rập nào khác, nhưng tôi vẫn theo sát dòng tin tức về những gì đang diễn ra ở đó từ trong cái nhà tù lớn của mình. Tôi cũng tin rằng nếu như tôi được đến Damascus, Baghdad hay Rabat, tôi sẽ rảo bước giữa những con đường như một người được sinh ra và lớn lên ở đó, như thể tôi đã ở đấy hàng thập kỷ. Không có sự khác biệt về tinh thần giữa Baghdad hay Tunis hoặc Jerusalem, tất cả những đất nước này đều thân thuộc với tôi, đều là những nơi tôi gọi là quê nhà. Nhưng anh biết đó Israel không cho phép tôi quay về Rameh. Tôi không được phép ghé thăm ngôi làng xưa nơi có những con đường đẹp đẽ cùng bao người bạn cũ. Cái giá mà tôi phải trả đó là tôi không thể đi đến bất kỳ quốc gia Ả Rập nào, cũng không thể đi thăm bạn bè. Beirut cách Haifa chỉ một giờ lái xe, nhưng đối với tôi việc đi đến Beirut còn khó hơn đi đến Washington hay London. Đó là một sưu thuế rất nặng nề mà tất cả chúng tôi đang phải trả. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng dẫu phải trả thuế bằng máu, thì quê nhà xứng đáng cho điều đó.

(Abdullah Al-Udhari) Có một bài thơ ông từng xuất bản trong tuyển tập “Viễn cảnh” (outlooks), và tôi nhớ rằng một số ban ngành Israel đã phản đối kịch liệt. Nhiều nhà văn Israel đã biểu tình và đe dọa rút tác phẩm của họ nếu bài thơ này không được đưa vào tuyển tập đó. Ông có thể nói rõ hơn về những gì đã xảy ra?

(Samih al-Qasim) Đầu tiên, quê hương của tôi đã bị cưỡng đoạt, nên thêm một bài thơ bị cưỡng chế thì đã sao, tôi không quan tâm. Các bài thơ của tôi bị xem như một scandal chống lại nền dân chủ của Israel quá nhiều lần rồi. Có một lần, một thành viên trong nghị viện Israel đã trích dẫn bộ luật xưa từ thời Ottoman để lấy cớ bắt giữ tôi trong một năm, thậm chí không thông qua tòa án, chỉ vì tôi đã báng bổ Chúa trời trong một bài thơ của mình. Tôi đáp trả rằng nếu các ông muốn giam tôi một năm cho mỗi một câu báng bổ thì tôi sẽ thụ án chung thân rồi chết rục trong tù. Bài thơ đó tên là “Điếu văn” và cuối cùng tòa báo đã chọn và xuất bản nó. Tuy nhiên, Moshe Dayan khi đó là Bộ trưởng bộ ngoại vụ đã phát biểu trong một bài phỏng vấn rằng bài thơ đó đáng ra không nên được xuất bản bởi người viết ra nó là kẻ thù của Israel. Tất nhiên nhiều nhà văn và nghệ sĩ Israel đã cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, bởi thể chế của họ thậm chí không dám đối mặt với một bài thơ. Thật khó sống trong một chế độ sợ hãi với ngay cả một bài thơ.

(Abdullah Al-Udhari) Trước khi cuộc chiến Sáu ngày nổ ra, chính quyền Israel đã bỏ tù ông và có vài tin đồn rằng nhiều nhà văn và học giả Israel đã biểu tình gây sức ép lên chính phủ đòi tự do cho ông. Ông có thể kể thêm về những gì đã xảy ra khiến họ phải trả tự do cho ông?

(Samih al-Qasim) Tôi bị bắt rất nhiều lần. Khi cuộc chiến vừa nổ ra tôi đã bị giam lỏng. Đôi khi tôi nghĩ mình biết nhiều về nhà tù Israel hơn chính quê hương mình. Mỗi lần bị bắt tôi chẳng hề cảm thấy buồn hay bị xúc phạm, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ, kiên cường hơn bởi cuộc đấu tranh của mình đang đến gần chiến thắng. Có một bộ luật nói rằng nhà thơ phải tự giác nộp sáng tác của mình đến bộ kiểm duyệt trực thuộc quân đội trước khi anh ta xuất bản. Và phần lớn trường hợp, người chịu trách nhiệm kiểm duyệt là một cậu lính trẻ từng học qua vài lớp tiếng Ả Rập thời đi học nhưng không thể đọc lưu loát. Anh ta còn chẳng thể đọc được bài thơ, thì làm sao hiểu được nó! Thế nên tôi quyết định không gửi tuyển tập “Đợi chờ cánh chim sấm” qua bộ kiểm duyệt. Khi tập thơ được xuất bản, họ đã dán hình bìa cuốn sách trên tất cả đồn cảnh sát với lệnh: “Nếu thấy cuốn sách này ở bất cứ đâu thì tịch thu ngay tại chỗ.” Cứ như ở miền Viễn Tây với những trát truy nã "Dù sống hay chết” vậy. Tất nhiên sau đó tôi đã bị ném vào tù. Rất nhiều những nhà thơ, nhà văn sống trong chế độ dân chủ đã không chấp nhận nổi sự sỉ nhục này. Rồi một chiến dịch nổ ra, có lẽ là trên quy mô toàn cầu, vì những nhà thơ, nhà văn, ca sĩ và nghệ sĩ như Joan Baez, Allen Ginsberg, Jean Paul Satre, Theodorakis và nhiều người khác nữa đã tham gia vào chiến dịch. Khoảng 70 bức điện tín được gửi từ nước ngoài đến chính phủ lên án việc bắt giam tôi và gây sức ép buộc họ phải trả cho tôi tự do. Nhưng ngay sau đó, họ đổi luật. Đây là một ví dụ xuất sắc về nền dân chủ của Israel. Họ tuyên bố rằng: nhà thơ không cần phải đích thân kiểm duyệt tác phẩm nhưng đó là trách nhiệm của bên xuất bản. Và sự kiểm duyệt toàn diện này vẫn đang tiếp diễn đến hiện tại. Có một bộ luật ai ai cũng biết đó là nếu anh hát một bài hát về quê hương hay mặc đồ mang màu cờ Palestine, nếu anh viết một bài thơ hay truyện ngắn đề cập đến những vấn đề tiềm tàng hiểm họa cho an ninh quốc phòng Israel, họ sẽ bắt giam anh ngay mà không cần giải thích “hiểm họa quốc phòng” ấy có nghĩa là gì. Chính vì thế mà những bài hát, những gì chúng tôi trao đổi, ăn uống, thậm chí quần áo chúng tôi bận hằng ngày, chiếu theo luật, có thể khiến chúng tôi đi tù. Nhưng chúng tôi sẽ không nhân nhượng bộ luật này. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống, tiếp tục viết lách, cất lên những bài hát của dân tộc mình.

(Abdullah) Một học giả nổi tiếng người Do Thái từng nhận xét về cách chính quyền Israel đã nhẫn tâm đàn áp phong trào Black Panther Israel rằng: Israel bây giờ quả thực là một quốc gia Trung đông. Điều này liệu có đúng?

(Samih al-Qasim) Đây là một nhận xét vô cùng nguy hiểm. Israel không giống bất kỳ đất nước nào khác trên thế giới này. Anh cần phải hiểu được điều này. Nó thậm chí còn chẳng giống Nam Phi. Bởi vì có sự khác biệt giữa một thể chế lợi dụng khác biệt chủng tộc để đàn áp con người, với một thể chế muốn bứng gốc toàn thể cư dân địa phương rồi trục xuất họ khỏi quê nhà. Đây không phải là vấn đề thay đổi thể chế, mà là quyền được ở lại trên chính quê hương mình. Tôi hiện khá là vui, bởi lời nói dối rằng Israel là miền đất hứa cho người Do thái đang dần mất đi uy tín, bởi 60% người Israel hiện nay đến từ phương Đông, đa số người Israel đến từ những quốc gia Ả Rập và Hồi Giáo. Dẫu cho họ chiếm đa số, thể chế Israel không thể hiện sự tôn trọng và có sự phân biệt rõ rệt về văn hóa. Những người dân này quen thuộc với khúc hát của Umm Khlthum, Abdul Wahab và Farid al-Atrash, họ cũng nói tiếng Ả Rập. Họ sẽ bị nhắc nhở rằng nói tiếng Đức thì ổn, nói được tiếng Anh thì tuyệt vời, nhưng nói tiếng Ả Rập là một sự xấu hổ. Gần đây, đặc biệt sau cuộc xâm chiếm Lebanon, anh sẽ thấy rằng người dân đang dần mở mắt. Những người Do Thái đến từ Morocco, Iraq, người Ai Cập, Lebanon và Syria không còn cảm thấy hổ thẹn khi trò chuyện bằng tiếng Ả Rập nữa. Chúng ta không nên thổi phồng những gì đang diễn ra bởi nó chưa phải là một cuộc cách mạng. Nhưng đây là một bước tiến vô cùng thú vị, và tôi mong rằng phong trào này sẽ ngày càng lớn mạnh.

---

(Hoài Phương dịch)