"Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông"
Rafeef Ziadah (1979 - )
—-
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ.
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ, cùng số liệu được chuẩn bị cho việc phản biện.
Thế nhưng ông ta đã hỏi, “Cô Ziadah, cô có cho rằng mọi sự sẽ được giải quyết nếu cô thôi dạy con cái mình về sự thù địch?”
Một khoảng lặng.
Tôi dặn lòng hãy mạnh mẽ và kiên nhẫn, nhưng kiên nhẫn không có trên đầu lưỡi hôm nay khi Gaza đang oằn mình trong pháo kích.
Kiên nhẫn đã hoàn toàn bay biến.
Một khoảng lặng. Mỉm cười.
”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”
Một khoảng lặng.
”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”
Người Palestine chúng tôi dạy về cuộc đời sau khi vùng trời cuối đã bị chiếm đóng.
Chúng tôi dạy về cuộc đời sau khi bọn chúng dựng nên những khu định cư, những bức tường phân biệt chủng tộc ở bên kia vùng trời cuối.
”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”
Nhưng ngày hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ.
Hãy kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, câu chuyện về con người ấy!
Chị thấy đó, đây không phải về vấn đề chính trị.
Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu với mọi người về chị và đồng bào chị, nên hãy kể một câu chuyện về con người.
Làm ơn đừng nhắc đến những từ như “phân biệt chủng tộc” và “chiếm đóng.”
Đây không phải về vấn đề chính trị.
Với tư cách một phóng viên, chị phải giúp chúng tôi kể nên câu chuyện về chị, một câu chuyện không nhuốm màu chính trị ấy!
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình...
Hay chị kể về câu chuyện một người phụ nữ ở Gaza đang cần thuốc men?
Về chị thì sao?
Về mớ chân tay gãy nát đủ để che khuất mặt trời?
Hãy đưa những thi thể đó cho chúng tôi cùng danh sách tên của họ trong giới hạn một ngàn hai trăm từ.
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành cuộc thảm sát trên truyền hình, được căn chỉnh vừa vặn với những trích đoạn và giới hạn ngôn từ, đủ khiến cho những người đã trở nên vô cảm với máu đổ từ bọn khủng bố cũng phải xúc động.
Vậy mà họ cảm thấy tiếc thương.
Họ cảm thấy tiếc thương cho đàn gia súc ở Gaza.
Thế nên tôi đã đưa ra những bản nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cùng số liệu, chúng tôi lên án, chúng tôi phê phán và từ chối!
Đây không phải vị thế cân bằng: có một quân chiếm đóng và những người bị chiếm đóng.
Cùng một trăm người chết, hai trăm, rồi một nghìn.
Giữa những con số đó là tội ác chiến tranh và bao cuộc thảm sát, tôi xổ ra những từ này rồi mỉm cười “không có gì kì lạ”, “không phải khủng bố”
Rồi tôi lại đếm, đếm lại một trăm người chết, một nghìn.
Còn ai ở đó?
Có ai đang lắng nghe tôi?
Tôi ước có thể khóc thương trên thân xác người ngã xuống.
Tôi ước mình có thể chạy đi trên đôi chân trần giữa những trại tỵ nạn, ước sao tôi có thể ôm chặt từng đứa trẻ trọn vòng tay rồi bịt tai chúng lại, để chúng không phải nghe tiếng gầm bom rơi suốt cuộc đời dài như tôi.
Hôm nay, cơ thể tôi trở thành một cuộc thảm sát trên truyền hình.
Và tôi sẽ nói cho anh hay, những nghị quyết Liên Hiệp Quốc của anh ấy, hoàn toàn vô dụng!
Không lời trích dẫn; Tôi sẽ không dùng bất cứ trích đoạn hấp dẫn nào dẫu cho tiếng Anh của tôi có tốt đến đâu, bởi vì không trích dẫn, không trích dẫn, không lời trích dẫn nào có thể khiến họ sống lại!
Không một trích dẫn nào có thể sửa sai...
”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”
”Chúng tôi dạy về cuộc đời, thưa ông.”
Người Palestine chúng tôi thức dậy mỗi buổi sáng để dạy cho phần còn lại thế giới biết về cuộc đời, thưa ông!
London, 12/11/2011
---
(Hoài Phương dịch)
Rafeef Ziadah là nữ thi sĩ người Palestine, cô cũng là một nhà hoạt động vì nhân quyền và là giảng viên tại King's College ở London, Anh Quốc. Bài thơ này cô viết ra vào năm 2011, khi Gaza cũng đang đi qua chiến sự như hiện tại, cô chia sẻ rằng cô đã dành cả đêm để diễn tập để phát biểu trước công chúng tại Anh, cô cũng phải trau chuốt cách phát âm vì âm "p" trong tiếng Ả Rập" sẽ thành âm "b", và cô muốn bài phát biểu của mình tốt nhất có thể. Tuy nhiên sau bao nỗ lực đó, một nhà báo đã hỏi cô rằng, "Thưa cô Ziadah, cô có cho rằng mọi sự sẽ được giải quyết nếu cô thôi dạy con cái mình về sự thù địch?", cô đã viết nên bài thơ này sau trải nghiệm đó. Một bài thơ được viết từ 12 năm trước vẫn đúng trong hoàn cảnh hiện tại, chỉ cần thay con số 1 nghìn người chết thành 30 nghìn.
Bạn có thể nghe cô đọc bài thơ trong video được đính ở phần comment.
Ảnh minh họa: dưới đống gạch vụn này có 13 đứa trẻ Palestine, 13 giấc mơ đã bị chôn vùi. Bức graffiti mang tên "giấc mơ / أحلام" đã được vẽ nên từ bàn tay của những đứa trẻ còn sống sót ở Rafah - vòng tuyến cuối cùng của Gaza. Ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia @abed_zagout (instagram)
Xem loạt ảnh tại đây https://www.instagram.com/p/C3qDyGyIpQ4/?hl=en
Rafeef Ziadah