Đến national gallery of Singapore, lần đầu tiên đối diện với thật nhiều tác phẩm tuyệt vời từ Đông Nam Á - một vùng đất dẫu rất thân thuộc nhưng lịch sử lập quốc và lịch sử mỹ thuật của họ mình hầu như không biết gì cả. Mình nhận ra sự mâu thuẫn khi bản thân có thể biết kha khá về những vùng đất vô cùng xa xôi nhưng những nơi gần gũi hơn nhiều mình lại hoàn toàn chẳng biết gì, và đây là một thiếu sót mình muốn học hỏi, bổ sung thêm trong nhiều năm tới. Xem những bức tranh chịu nhiều sự ảnh hưởng (cả tốt lẫn xấu) từ thời thuộc địa, cảm thấy rất nhiều suy tư trong lòng nhưng có lẽ cảm xúc chưa chín muồi nên thật khó tìm lời đúng để tả về nó.
Và tất nhiên, bức tranh mình muốn nhìn thấy tận mắt nhất là bức "Blood of war" của ông Lê Huy Tiếp - một nhân duyên huyền bí hội hoạ đã mang đến. Bảo tàng này rất lớn mà vì xách ông con theo nên mình phải đi vội vàng. Khi đến mình hỏi ngay, tôi muốn xem cụ thể một bức tranh trong bộ sưu tập này, bạn vui lòng chỉ cho tôi nó nằm ở đâu. Khi họ nhìn thấy liền chỉ mình đến ngay phòng số 10, là căn phòng của "Chiến tranh."
Gần đây mình vẽ một bức tranh lấy chủ đề chiến tranh. Khi vẽ bức tranh này mình đã đọc nhiều về những cuộc chiến trong quá khứ, những cuộc diệt chủng nhân danh hoà bình thịnh vượng, và đã có những khoảnh khắc mình cảm thấy buồn nôn. Lịch sử của loài người là chiến tranh trường cửu còn hoà bình có lẽ chỉ là những khoảng nghỉ ngơi hồi sức. Tuy nhiên dẫu cho ngay tại Châu Âu bây giờ, thế chiến thứ 3 đang rình rập nhưng về căn bản cuộc sống thường nhật vẫn khá bình yên. Bản thân mình chưa từng biết đến sự kinh hoàng tang thương mà chiến tranh mang đến, những gì mình nghĩ là biết, và hiêủ, chỉ là sự đồng cảm gián tiếp.
Người chết, người sống, người mù, người mẹ, đứa trẻ, người đang cháy, người đã cháy đen, người thành xương trắng, một khóm hoa tàn, tất cả như bị ép vào ngõ cụt dưới gọng súng...
Với những người đã kinh qua chiến trận, tác phẩm họ tạo ra thật đau đớn, trần trụi đầy ai oán. Ngay kế bên bức tranh của ông Tiếp là một bức về thảm sát Mỹ Lai, dẫu không đặc tả và được vẽ một cách ước lệ, gần như trừu tượng, nhưng mình vẫn cảm thấy kinh dị và khó thở khi nhìn chúng.
Một cái hộp chỉ treo hai bàn chân. Một cỗ áo quan lót đệm trắng... Còn nhiều những tác phẩm mà mình muốn quay lại để nhìn và cảm thấu nhiều hơn.
Một bức tranh dã man khác là bức "Cháy rừng", tả cảnh đàn thú hoang khi bị lửa dồn đến mép vực. Nhìn nó và nghĩ về con người, khi đến đường cùng, chẳng khác gì đâu...
Từ ngữ nào để diễn tả những tác phẩm này, bạn không thể định nghĩa chúng với tư duy nhị nguyên đẹp-xấu, vì chúng ghi lại những giai đoạn lịch sử khi thiện-ác như tan vào nhau, khi việc giết người là hợp pháp, giết càng nhiều càng tốt, càng dễ được suy tôn thành anh hùng. Đồng loại thịt nhau không chừa già, trẻ, trai, gái và cảm giác đê mê tanh nồng đó không thua kém gì một thứ thuốc phiện.
Cuộc đời rất đẹp và cũng rất dã man, mình không muốn chỉ tiếp nhận cái đẹp, mình muốn đối diện với những chương hồi đen tối nhất của nhân loại, để cái thiện bé nhỏ mong manh trong mình luôn được cảnh tỉnh.