Trích đoạn môt bức tranh của Shimomura Kanzan, được xem là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của ông và cũng là bảo vật quốc gia được lưu trữ tại Tokyo National Museum, "Nhà sư khất thực / Yoroboshi / 弱法師", được vẽ bằng bột màu tự nhiên và thếp vàng rực rỡ trên bộ mười hai tấm bình phong. Cách dụng màu tươi sáng và sang trọng cùng chất liệu vàng ròng tràn đầy hậu cảnh khiến ta cảm thấy nghịch ngạo trước hình ảnh cây mận quạnh quẽ chưa đến độ trổ hoa rực rỡ và thân phận khổ hạnh, hàn vi của một nhà sư mù.
Là một trong những người tiên phong trong phong trào Nihonga - phục dựng mỹ thuật Nhật Bản trước sự gia nhập của mỹ thuật Tây Phương khi nước Nhật mở cửa, Kanzan kế thừa và phát triển kỹ thuật bản thân từ những trường phái đã xuất hiện trước đó như Rinpa, Kano, và cả dòng tranh Phật Giáo từ thời Muromachi với nhiều biểu hiện chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa. Tuy nhiên ông cũng không từ chối tính hiện thực của phương Tây mà ông học được khi đi du học ở Anh quốc, và kết hợp chúng khéo léo để tạo thành bản sắc Kanzan trong tranh của mình.
Bức tranh "nhà sư khất thực" được dựa trên một bở kịch Noh cùng tên tên là Yoroboshi. Chuyện kể về một chàng trai mang tên Shuntoku-maru có xuất thân danh giá từ làng Takayasu đã xui xẻo trở thành nạn nhân của một tin đồn ác ý, và cha anh - Takayasu Michitoshi - đã không mảy may nghi ngờ và quá sức thất vọng, ông chối bỏ Shuntoku rồi đuổi anh ra khỏi nhà. Sự hối hận dâng lên trong ông từng ngày và ông đã tìm đến Phật giáo, làm vô số những công việc thiện nguyện và cúng dường, mong rằng những việc này sẽ mang lại phước lành cho người con trai lang bạt của ông, trong kiếp này và cả kiếp sau. Vào một mùa xuân, ông đã đến chùa Tenno-ji (Nay là Shinteno-ji tại Osaka) làm công quả trong bảy ngày, và ở ngày cuối cùng, một nhà sư mù lang thang mang tên Yoroboshi xuất hiện. Người này, chính là cậu con trai Michitoshi đã đuổi đi năm nào.
Khi Yoroboshi hòa cùng dòng người xếp hàng để chờ nhận thức ăn, những cánh hoa mận bung nở rơi xuống tay áo anh, dù không thấy được quang cảnh này, gương mặt anh tỏ hiện một niềm hạnh phúc ngời sáng trước hương thơm trên vạt áo. Michitoshi nói với anh rằng, những cánh hoa này cũng là một phần của đồ cúng đó. Yoroboshi đồng ý, và bắt đầu giảng giải cho cha anh (khi này họ chưa nhận ra nhau) về những bài Kinh Phật và xuất xứ của chùa Tenno-ji. Để tránh sự tò mò của người khác, Michitoshi đợi đến khi việc cúng dường đã hoàn tất, khi đêm về để thổ lộ với Yoroboshi về thân phận của mình. Michitoshi gợi í cho con trai ông hãy thực hành jisso-kan, một nghi thức Thiền khi con người dụng trí tưởng tượng về cõi Niết Bàn trong khi quan sát mặt trời lặn. Yoroboshi trong lúc tọa thiền đã nghĩ đến khung cảnh tuyệt đẹp nơi bãi biển Ninawa nơi anh từng sống, và anh nói, Khung cảnh tuyệt đẹp trải dài đến vô biên này, tồn tại trong suy nghĩ của tôi. Nhưng rồi sự bình lặng đi qua, anh trở nên đau khổ và điên loạn khi nhận ra sự bất lực khổ sở của bản thân với đôi mắt mù. Trước mặt anh đây là ngày hay đêm thì có khác gì. Mặt trời lặn hay mọc đều tuyền một bức màn đen. Anh gào khóc, lăn lộn trong tuyệt vọng. Sau đó, cha anh tiết lộ rằng ông chính là cha của Shuntoku-maru đây. Yoroboshi hoảng sợ và xấu hổ bởi hoàn cảnh mù loà, bần cùng này thật chỉ làm cho cha anh thêm xấu hổ, anh bỏ chạy, nhưng cha anh đã đuổi kịp, ông nắm lấy tay anh và chào đón anh trong vòng tay. Sau đó, họ cùng nhau quay về quê hương ở làng Takayasu.
Kanzan đã lựa chọn trích đoạn tại chùa Tenno ji cho bức tranh của mình. Dựa vào hình ảnh cành mận ta có thể đoán thời gian câu chuyện xảy ra vào đầu xuân khi mận vừa nở hoa, tiết trời lạnh giá, mà nhà sư mù chỉ khoác trên mình một chiếc áo vá tả tơi. Yoroboshi, dù sống trong sự dèm pha, khổ cực, mù lòa, nhưng gương mặt anh sao thật thanh thản khi anh đón nhận trên bàn tay những cánh hoa rơi. Hoàn cảnh đáng thương đã đưa anh đến sự Giác Ngộ. Và thật may mắn khi sau đó là một kết cục đẹp.
Full HD: https://upload.wikimedia.org/.../Yoroboshi_by_Shimomura...
Nguồn về vở kịch Yoroboshi: https://www.the-noh.com/en/plays/data/program_079.html