Mênh mông tuyết phủ trong tranh Yamamoto Shunkyou / by Phuong Nguyen

Với nhiều kiệt tác nằm trong những kho lưu trữ “quốc bảo” Nhật Bản, có lẽ chúng ta biết đến nhiều bức tranh của Yamamoto Shunkyo hơn cả cái tên ông, và bức tranh nổi tiếng nhất trên cõi mạng có lẽ là “Thác nước” - Một bức vẽ đơn giản với bút pháp Shashei (vẽ thiên nhiên trực họa, không trau chuốt) với bố cục Cao Viễn trong tranh thủy mặc, diễn tả một người đàn ông đứng trên một phiến đá, kính cẩn cúi đầu trước thác nước đổ xuống từ vực núi phía xa. Gần như phác thảo với bút pháp mộc mạc và dứt khoát, trái ngược với những bức bình phong được thếp vàng miêu tả cẩn thận gần như trường phái hiện thực khác của Shunkyou, nhưng bức tranh này lại diễn tả được thế cân bằng giữa “tĩnh” và “động”- triết lý Lưỡng Nghi trong nhân sinh quan Phương Đông.

Yamamoto Shunkyo (1871-1933) - Waterfall, 1900-1910

Yamamoto Shunkyo (1871-1933) - Waterfall, 1900-1910

Ở đây ta thấy một tu sĩ dường như đã quên đi danh tính của mình ở nơi thâm sơn cùng cốc, tâm thế tĩnh lặng trước tiếng gầm gừ của thác dữ. Giữa cái mênh mông hoang sơ ấy, con người nép mình ở một góc nhỏ như càng nhấn mạnh thêm sự tịch liêu, đẩy mạnh tương phản trước cái vô cùng của thiên nhiên hùng vĩ, cái cúi đầu khiêm nhường ấy làm bừng tỉnh một sự kính sợ thần thánh như thể từ trong thác nước Long Thần đang hiển hiện.

Bức tranh này còn gợi tôi nhớ đến dòng thơ cuối trong bài Tĩnh Dạ Tứ 靜夜思 của Lý Bạch. “Cúi đầu nhớ cố hương”, đôi khi tôi cũng có một cảm xúc tương tự khi đắm mình giữa trời biển, nhớ về quê hương mình ở rất xa, vì phận là con người bé nhỏ chân bám đất không thể vượt qua núi cao biển sâu, nhưng kì thực vẫn dưới cùng một vòm trời.

靜夜思  

床前明月光,
疑是地上霜。
舉頭望明月,
低頭思故鄉。

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu tường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Yamamoto Shunkyo (山元春挙) sinh vào năm 1871 tại Shiga Ken. Ông là học trò của các họa sĩ lớn vào thời Đại Chính (Taisho) như Kōno Bairei, Nomura Bunkyo và Mori Kansai. Shunkyo được biết đến như một trong những họa sĩ tiên phong kết hợp bút pháp hiện thực Tây Phương vào trong tranh Nihonga, và chủ đề chính trong những tác phẩm của ông là cảnh núi rừng hoang sơ, tinh khiết. Ông có một sự hứng thú đặc biệt trong nghệ thuật nhiếp ảnh và điều này được thấy trong tranh ông ở cách thể hiện sắc độ, bố cục, phối cảnh và tương phản ánh sáng để tạo nên chiều sâu cũng như tính hiện thực mà không lấn át những đặc trưng của tranh truyền thống Nhật Bản.

Như đã đề cập ở một số bài trước, làn sóng Nihonga được khởi xướng bởi những họa sĩ kì cựu như Seiho, Taikan, Kanzan… nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống và đặc trưng văn hóa trong mỹ thuật Nhật Bản khi đất nước mở cửa chào đón những giá trị mới từ phương Tây. Không có những đặc tả hình khối, không có sự tương phản chiaroscuro mạnh mẽ, lại càng không quá sa đà vào việc đặc tả tính chất của sự vật hiện tượng tự nhiên. Khi những họa sĩ Tây Phương tập trung vào việc thể hiện kỹ thuật được đúc kết qua hàng trăm năm học thuật, với góc nhìn tiếp cận mang tính khoa học và lý trí với tham vọng diễn đạt lại thế giới một cách chân thực qua thấu kính thị giác, thâu tóm thiên nhiên vào trong lòng bàn tay mình, thì những họa sĩ Nihonga lại có một hướng đi gần như trái ngược. Bản thân hội họa Nhật Bản cũng có một lịch sử nghìn năm với nhiều trường phái khác nhau như Rinpa, Kano… cùng những dấu ấn riêng qua từng thời kỳ bên cạnh sự ảnh hưởng qua lại với những nền văn hóa Á Đông khác trong khu vực. Trong đó có thể kể đến dòng tranh thủy mặc Trung Quốc cùng những quan điểm nhân sinh, tư duy tình cảm và thăng trầm lịch sử của chính nó. Đâu đó trong tranh của Shunkyo, ta bắt gặp bóng dáng của những bích họa sơn thủy phái Nam Tống, với tông màu trầm lạnh và nội dung ngợi ca sự hùng vĩ của núi rừng, sự nhỏ bé của loài người, con vật trong một vẻ đẹp rộng lớn khôn cùng của tạo hóa, cái thinh lặng của thời gian và cảnh sắc nửa có bóng dáng hiện thực nửa phủ nhận nó.

“Giang sơn tuyết tế đồ”, Vương Duy, họa sĩ sơn thủy nối tiếng phái Nam Tông

“Giang sơn tuyết tế đồ”, Vương Duy, họa sĩ sơn thủy nối tiếng phái Nam Tông

Mount Hōrai, 19th-20th century, Yamamoto ShunkyoHanging scroll; ink and color on paper. Núi Horai là một nơi các thiền sư ẩn dật từng lui đến tu tập. Bức tranh này là một ví dụ về sự ảnh hưởng của tranh Nam Tống đến Shunkyo

Mount Hōrai, 19th-20th century, Yamamoto Shunkyo

Hanging scroll; ink and color on paper. Núi Horai là một nơi các thiền sư ẩn dật từng lui đến tu tập. Bức tranh này là một ví dụ về sự ảnh hưởng của tranh Nam Tống đến Shunkyo

Trong triết lý mỹ thuật của tranh sơn thủy, người họa sĩ không chủ ý tái tạo hiện thực như một bản sao mà thiên về thể hiện cảm giác. Khung cảnh trong tranh sơn thủy thường mang tính ước lệ, không bị chi phối bởi quy luật viễn cận để có thể thâu tóm toàn cảnh đặng diễn đạt sự tương quan giữa cái nhỏ với cái lớn, tĩnh đối động, hùng vĩ bên trầm lắng,… từ đó toát lên những suy tư và tình cảm người họa sĩ muốn thể hiện và truyền đạt thông qua tác phẩm của mình. Có thể ví von phong cảnh hiện thực trong tranh Tây Phương là sự mô phỏng thực tế thông qua trực họa, để cho đôi mắt bắt lấy và đôi tay tái hiện sự vật hiện tượng như nó vốn là. Còn trong tranh sơn thủy, người họa sĩ đơn thuần là vẽ lại một trải nghiệm, một ấn tượng về cảnh sắc anh đã đi qua, rồi phóng chiếu nó lên tác phẩm của mình. Sự cân bằng trong tranh sơn thủy không dựa vào quy luật viễn cận hay sắc độ, hình khối như mỹ thuật Tây Phương mà dựa vào bản năng và nhân phẩm của chính người họa sĩ. Đồi núi, thác ghềnh, sông suối lẫn giữa mây mù trôi trên rừng già được sắp xếp theo một trật tự được lý tưởng hóa khó tồn tại trong hiện thực, vươn ra khỏi giới hạn của vật lý, chỉ thuần túy tinh thần. Dẫu biết vậy, ta vẫn bị cảnh tượng này thuyết phục rằng có thể đâu đó trên Trái Đất này thực sự tồn tại một khung cảnh thoát tục như thế, một nơi hoang vắng tịch liêu chưa vương dấu chân người.

Tuy nhiên Shunkyo không phải là một họa sư Trung Quốc, tuy học hỏi nhiều về công bút của phái Nam Tống, ông không muốn vẽ như Vương Duy mà trái lại trong tranh của ông đầy những dấu ấn và triết lý của mỹ thuật Nhật Bản cũng như tính dân tộc trong đó. Như bức tranh này “Đông lạnh tuyết dày”, Shunkyou sử dụng những chất liệu truyền thống ngàn năm như mực mài sumi, bột màu nghiền từ khoáng thạch tự nhiên và gofun - một loại bột vỏ sò được dùng như gesso phương Tây, vừa để bồi giấy hay lụa, vừa là điểm nhấn cho màu trắng của tuyết. Thế giới ông tạo ra có vương vấn ảnh hưởng từ người thầy là Kōno Bairei (fig.5) với cảnh tuyết tùng giữa mênh mông đồi núi phủ sương. Nhưng Shunkyou đẩy sự kịch tính trong tranh lên khi dùng vóc lụa kích cỡ khác thường, 35.5cm x 114cm, phần tiền cảnh được đặt nửa dưới, cách dụng bút được vẽ theo phương pháp nhất giác (one stroke) cùng mực mài sumi,mà thấy rõ nhất là những ngọn cỏ úa đâm lên trên tuyết dày. Hậu cảnh mênh mông mờ ảo một đỉnh núi xa sau màn sương, tưởng là rỗng nhưng lại tạo cho ta cảm giác trong khoảng không đó tồn tại một thế giới khác mắt thường không thấy được.

Một trong những dấu ấn riêng biệt của nghệ thuật Nhật Bản, mà ở đây ta cũng thấy trong tranh Shunkyou, là cảm thức Wabi Sabi. Thuật ngữ này hiện giờ đã đi xa khỏi biên giới nước Nhật và thâm nhập vào triết lý, đời sống và văn hóa đại chúng nên xin không diễn giải quá sâu. Chỉ xin tóm gọn nó là một cảm giác khi ta nhìn nhận một sự vật, một quang cảnh hay đọc một tứ thư, và trong lòng dấy nên một cảm giác u sầu lặng lẽ khiến ta nhận thức về sự cô tuyệt, khiến ta thấy được cái đẹp trong sự bất toàn. Không nhiều người trong chúng ta từng có trải nghiệm như những thiền sư xưa, đi tìm ý nghĩa cuộc đời ở nơi thâm sâu cùng cốc, và ở trong thời hiện đại này thì càng khó để đến được những nơi không có dấu chân con người mà không cần đến sự giúp đỡ của con người. Nhưng Wabi Sabi là một cảm giác, do đó, ta có thể gián tiếp đạt được nó thông qua sự chiêm nghiệm, rồi ta nhắm mắt lại và đi vào thế giới ấy để bản thân được ngập tràn trong sự cô độc tuyệt đối rồi nhìn thấy bản ngã chính mình ở kia đang lê bước mệt nhọc mà sung sướng. Trong bức “Đông lạnh tuyết dày”, sự hiện diện của con người hoàn toàn bị xóa bỏ, và phải nhìn thật gần, gần hơn nữa, mới thấy được những vệt bút tả bầy nai nặng nề bước đi trên thảm tuyết dày, hướng đến con lạch nhỏ màu ngọc bích - là nơi chào đón đôi mắt ta đến đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng ta nhìn thấy trước khi bứt mình ra khỏi trạng thái mê hoặc bởi khung cảnh này.

Sử dụng khoảng trống một cách tài tình cũng là một đặc trưng của dòng tranh Nihonga mà dễ thấy nhất là trên những tấm cửa trượt fusuma hay những tấm bình phong Byōbu nơi bố cục tranh được chia ra và sắp xếp để làm sao khi đứng riêng biệt từng cánh cửa, trích đoạn vẫn có được vẻ đẹp và sự toàn vẹn của riêng nó. Trong bộ đôi bình phong 6 tấm (tổng cộng 12 tấm) mang tựa đề "Linh hồn diều hâu trên cành thông phủ tuyết” (Spirit of the Hawk, Snow and Pine Painting), Shunkyou vẫn sử dụng những chất liệu truyền thống như bột màu tự nhiên hòa cùng nikawa (một loại keo được làm từ xương cá hay da bò), bột vỏ sò và hậu cảnh được thếp vàng trên lụa. Trong sáu tấm đầu tiên, ta thấy một cành thông oằn mình dưới tuyết và ẩn trong màu xanh lục đậm của lưng lá - phần không bị tuyết phủ là một con diều hâu đang dõi mắt nhìn về hai con chim sẻ, được vẽ trên sáu tấm bình phong tiếp theo. Đôi chim thơ ngây đứng nép vào nhau dưới tuyết trên một cành nhỏ, không để tâm đến đôi mắt của kẻ săn màu trên cái cây bên cạnh. Màu lông vũ diều hâu được tả gần như màu nâu của cành thông nên nếu chỉ lướt nhìn qua có thể ta đã không chú ý đến sự tồn tại của nó. Đây là một tiểu tiết rất sống động, phản ánh sự quan sát tinh tế của Shunkyou về tự nhiên trước khi đặt bút xuống vẽ. Diều hâu là loài chim thường ngự trên đỉnh cây hay giấu mình trong tàn lá, thiên phú cho chúng bộ lông tối màu để tăng khả năng ngụy trang khi săn mồi. Vì vậy nếu vẽ diều hâu nổi bật trên tuyết trắng, nhất là khi đang cảnh giác săn mồi thì đã không còn tính “tự nhiên” trong đó nữa.

Khi bàn về tính “hiện thực” (realism) trong tranh của Shunkyou, có lẽ bức tranh này được xem là một đại diện tiêu biểu. Tranh Nihonga thường né tránh việc sa đà vào sắc độ, hình khối cũng như cách vạn vật trong tranh tương tác với ánh sáng và bóng tối bởi chính cái nét sương mờ hư ảo là một trong những đặc thù tiêu biểu. Nhưng trong bức tranh này, để thể hiện ánh mặt trời chiếu rọi xuống cây tùng phủ tuyết, Shunkyou đã vận dụng tính xuyên thấu của thớ lụa và dùng kỹ thuật Urahaku - phủ vàng lá lên mặt lưng của vóc lụa để gia giảm màu vàng cũng như tính phản sáng của kim loại, tạo nên một sắc vàng êm ái vừa mắt. Ở mặt trước của vóc lụa, Shunkyou vẽ tiền cảnh cây thông, tuyết trắng với những kỹ thuật ta quen nghe trong thế giới màu nước như dry brush, wet on wet… nhưng trong thuật ngữ mỹ thuật Nhật Bản thì nó được gọi là Tarashikomi - khi ta láng (hoặc nhỏ giọt) một lớp màu mới khi lớp dưới hẵng còn đang ướt để sắc màu hòa lẫn vào nhau và tạo nên những hiệu ứng ngẫu nhiên khó đoán trước. Đây là một kỹ thuật thường được sử dụng trong trường phái Rinpa vốn cầu kỳ lộng lẫy và giàu tính mỹ nghệ. Ở đây, ta có thể thấy kỹ thuật này được sử dụng trên cành thông hòa lẫn vào màu xanh malachite của tán lá và bụng của chim sẻ trong khi những cành khô thì được vẽ bằng những nét Sanshei gãy gọn, dứt khoát.

Tính hiện thực còn được thấy rõ trên bề mặt tuyết mà Shunkyo vẽ bằng bột vỏ sò gofun. Để ý thấy trượt dần về phía bên phải, màu tuyết ngày càng hòa lẫn vào màu vàng của lụa thếp vàng với điểm nhấn là một cây thông ở hậu cảnh ở phía xa bên phải được vẽ bằng những lớp màu nhạt như thể chúng đang tan vào trong sương - đây là một đặc điểm thường thấy trong phối cảnh viễn cận, khi tiền cảnh được vẽ đậm, rõ nét còn hậu cảnh sẽ được vẽ mờ hơn để hướng sự tập trung vào phía trước cũng như tạo nên sự cân bằng. Ở nơi phủ tuyết đôi chỗ được chủ ý vẽ dày và sáng hơn với màu trắng đục gần như sữa, ngầm thể hiện hướng sáng và nơi ánh mặt trời chạm đến. Trong khi ở những phần tuyết đổ xuống thì lớp màu trắng này được pha loãng ra để thấy được một phần hậu cảnh cũng như cành và lá cây thông. Nếu phóng đại hình ảnh, ta sẽ bắt gặp những “giọt tuyết gofun” khắp bề mặt cành cây, trên diều hâu và đôi sẻ, tạo một ảo giác về tính “động” cũng như chiều sâu mà ta không thường gặp trong tranh Nihonga truyền thống. Shunkyou yêu mến nhiếp ảnh và đã tự học cho đến khi thuần phục, và chắc hẳn những đam mê khác biệt đã cộng hưởng để góp phần tạo ra bản sắc của riêng ông giữa làn sóng Nihonga với vô số họa sĩ đầy tham vọng cùng chí hướng - phục hưng mỹ thuật truyền thống.

Xuyên suốt sự nghiệp của Shunkyou, ông đã tham gia nhiều triển lãm tiếng tăm như Bunten và Tentei (dưới thời Học viện Mỹ Thuật Nhật Bản/Bijutsu Shinsa Iinkai và Học Viện Mỹ Thuật Hoàng Gia/Teikoku Bijutsu-in) và là một giáo sư mỹ thuật tại trường đại học mỹ thuật Kyoto. Ông cũng là một họa sư sống ổn với nghề, xưởng vẽ của ông luôn đông đúc những học viên trẻ muốn dấn thân vào con đường hội họa và có thể sánh ngang với xưởng vẽ của Takeuchi Seiho. Ông có nhiều khách thượng lưu và thường xuyên có tác phẩm được đặt vẽ với số tiền rất lớn vào đương thời. Bức “Diều hâu” trên đây thuộc về một bộ sưu tập tư nhân sau khi đã qua tay nhiều phòng tranh và phiên đấu giá. 12 tấm bình phong được bảo vệ trong một hộp gỗ sồi sơn mài lớn, bên ngoài có khắc tên tác phẩm cùng chữ ký Shunkyo Jidai cùng con dấu đỏ. Người ta tìm thấy bên trong một chiếc hộp tomobako nhỏ chứa một biên nhận trị giá 5000 yên - số tiền đủ để mua năm căn nhà lớn tại trung tâm Kyoto thời đó.

Cảnh núi rừng sâu thẳm đắm chìm trong tuyết trắng là một motif thường thấy trong tranh của Yamamoto Shunkyou. Vào thời kỳ đầu, những tác phẩm của ông thường đơn sắc, chủ yếu dùng mực sumi và bột vỏ sò. Trải dài cùng tháng năm, ông đã nghiên cứu thêm những cách vẽ mới, như dát vàng lên mặt lưng lụa, những kỹ thuật dụng bút khác nhau và trở nên phóng túng hơn với màu sắc bên cạnh việc hoàn thiện lối vẽ lẫn suy tư tình cảm trong cách ông sắp đặt bố cục và lựa chọn đối tượng.

"Yuki no Asa", Yamamoto Shunkyo, 1925

"Yuki no Asa", Yamamoto Shunkyo, 1925

Không có nhiều thông tin về đời tư của Yamamoto Shunkyo, ông được biết đến như một họa sĩ cống hiến cả đời cho mỹ thuật và thường chỉ vẽ cảnh tuyết sơn, nhưng trong một số ngoại lệ hiếm hoi, ta thấy một bức chân dung được chính tay ông chấp bút. Một ngày đầu năm, người phụ nữ gương mặt buồn bã với mái tóc vấn vội phủ trên vai một chiếc khăn choàng, ở góc dưới bên trái là một phần của chiếc dù đen. Có lẽ cô vừa đi lễ đầu năm về, trên mái tóc vấn vương vài bông tuyết.

Để kết lại bài viết đã quá dài này, xin trích dẫn một bài Hài Cú của thi sĩ Kajiwara Hashin mà theo tôi thể hiện được thật hoàn hảo tinh thần của Shunkyo

Không còn trời
không còn đất
chỉ còn
bông tuyết rơi
- Kajiwara Hashin

Bài viết có tham khảo thông tin, hình ảnh từ Gallery Kagedo