Nhất giác / by Phuong Nguyen

Phác hoạ một góc giàn nho với mực mài (13.5 x 41cm)

Vẽ xong một tranh lớn thì luyện tập với tranh nhỏ để "hồi sức". Không cần gì nhiều, mẩu giấy dư sau khi cắt khổ tranh lớn và một nghiên mực là đủ. Phần lớn bức vẽ nhỏ này sử dụng thủ pháp Nhất Giác 一角, là lối vẽ được danh hoạ Nam Tống Mã Viễn sáng tạo và đạt đến sự điêu luyện tài tình. Trái với lối vẽ màu nước cổ điển phương Tây thiên về tả thực, chồng nhiều lớp láng mỏng lên nhau để tạo chiều sâu, bút pháp Nhất giác nghĩa là chỉ một nét, không day đi day lại, nên là một bài luyện tập cần nhiều sự tập trung. Đang vẽ mà con bò đến kéo váy là giật mình thon thót. Mỗi lần tập vẽ mực là thấy....mệt vì phải tập trung thời gian dài, nhưng đồng thời cũng thấy được sự phóng túng tự tại trong tâm thế không chuẩn bị trau chuốt, không cầu kì.

Trong một khảo cứu không còn nhớ tên về Thiền và mỹ thuật xưa, hoạ nhân sẽ ngồi thiền trước vật anh ta muốn vẽ, ví dụ là một bụi trúc. Người đó phải nhìn ngắm thật lâu, học hỏi từng đốt trúc, cách từng mầm lá trổ ra, cách bụi trúc và tàn lá đung đưa xào xạc, cho đến khi nhắm mắt lại cũng có thể nhìn thấy bụi trúc đó hiện ra sống động, anh đã hoàn toàn trở thành bụi trúc. Đó là khi anh ta đứng dậy và bắt đầu cầm bút lên mà vẽ.

Càng học hỏi thêm về mỹ thuật xưa càng thấy rõ một điều là không có cái gì mới dưới gầm trời này. Những gì từng mang tính đột phá trong thế kỷ 17 đều là sự kế thừa và phát triển từ xa xưa hơn nữa. Trước khi đạt đến trình độ hoạ sư thì họ cũng từng là môn sinh, ngày ngày vùi đầu trong sách, kiên trì tập luyện, tái hiện những bức hoạ từ người xưa hơn nữa. Bao nhiêu tác phẩm đã chìm vào quên lãng dưới lớp trầm tích của thời gian, không ai biết đến? Ngay cả khi thoạt trông không liên quan gì đến phong cách bạn theo đuổi, hãy cứ luyện tập, vì chúng đều ở trong bạn thôi chẳng phí hoài gì cả.

Chiếu theo lời dặn dò từ một hoạ sĩ mình rất quý trọng, "Hãy học hỏi các thiên tài hạng A,B,C để một ngày mình lên hạng L,M...chớ có học hỏi hạng tầm tầm để rồi rớt hẳn xuống X,Y,Z."