Tiểu Mãn / by Phuong Nguyen

Loài lưỡng cư giấu mình trong bãi lau sậy cất tiếng kêu gợi tình, bươm bướm chập chờn vỗ cánh giữa những cánh hoa diên vĩ vàng đương nở bung rực rỡ, chuồn chuồn kim bâu lấy nhau trên mặt hồ lấm tấm bèo xanh, và cách chúng chỉ vài chiếc lá sen, một con ếch cái đang lặng lẽ giương mắt nhìn.

Một ngày trong tiết Tiểu Mãn.

Ngày dài ra và nóng dần lên khi đã vào hạ, đôi khi lác đác cơn mưa. Khi xưa đọc 7seeds mình không thấy related lắm với những nhan đề tiết khí, chỉ đến khi sống ở một nước ôn đới bốn mùa mới thấy nghìn năm đã qua, nếp sống con người có nhiều đổi thay, nhưng nhịp sống của muôn loài thì vẫn vậy. Người xưa chỉ là quan sát rồi ghi chép lại.

Xuân đến thì nở hoa, sau cơn mưa đầu hạ, những loài ấu trùng lột xác, vươn cánh bay lên từ đáy ao, khao khát yêu đương rồi đẻ trứng, hoàn thành nhiệm vụ sinh học mà chúng đã âm thầm lặp đi lặp lại, từ trăm triệu năm.

Vòng đời của chuồn chuồn có thể kéo dài đến sáu năm, nhưng phần lớn chúng không chết già, mà chết vì bị ăn. Ấu trùng chuồn chuồn bơi trong ao hồ là nguồn dinh dưỡng cho lưỡng cư và cá hay nhện nước, nếu chúng sống được đến khi đập cánh thì xung quanh vẫn muôn trùng thiên địch.

Sắp đến mùa ve sầu nẻ đất chui lên. Ấu trùng ve giấu mình trong lòng đất 17 năm, chúng hoá thân, mọc cánh, kêu vang mùa hè, rồi chết đi khi mùa thu chưa kịp đến.

20 năm rồi mới được nghe tiếng ếch kêu sống động đến thế. Nhớ khi xưa nhà mình mới cất lên giữa một đầm lầy, bao quanh là ruộng rau muống, đêm không ngủ nổi vì tiếng ếch nhái, tiếng dế kêu rỉ rả. Rồi một ngày xe tải chở cát đến lấp hết ao hồ đi, những toà nhà mới mọc lên, con đường san phẳng rồi phình to theo năm tháng. Tiếng ếch kêu cũng không còn.

Thực ra, đây giữa lòng đô thị cũng không có chỗ cho chúng sinh tồn.

Hệ sinh thái bé nhỏ tương đối khoẻ mạnh này là một cái ao nhân tạo, trong botanical garden của khoa sinh trường đại học.