An inkstone that I desire / by Phuong Nguyen

Một nghiên mực do Aoyagi tạo tác

Trong nhiều dụng cụ vẽ mà tôi có, thứ rẻ tiền nhất là một nghiên mực. Nó là một nghiên mực tiêu chuẩn, dường như được sản xuất dây chuyền, có thể mua được dễ dàng ngay cả ở tiệm hoạ cụ ở Ý, một nơi rất xa lạ với những hoạ cụ truyền thống Đông Phương.

Nó vuông vức, nhẵn mịn, có độ dốc vừa đẹp, đen như hắc ín, được gói trong một cái hộp giấy khiêm tốn cũ sờn, phủ dầy bụi sau bao tháng năm nằm trong xó tủ hoạ cụ không ai mó đến. Tôi mua nghiên mực đó với 15 đồng. Hai năm qua nó đã mài kha khá mực, xước xác, nhưng vẫn chưa mòn, chưa lõm, luôn hoàn thành tốt việc mà nó được giao phó cho, dễ đến mấy thập kỷ nữa vẫn bền chắc, tiếp tục phụng sự trong thầm lặng.

Giấy, bút, mực, màu, đều là những thứ không thể thoả hiệp, ngoài chất lượng thì cái quan trọng hơn là cảm giác, cơ thể đã quen với chúng nên khó lòng thay đổi, vì bạn sẽ không thấy hài lòng với những thứ phẩm chất kém hơn. Nhưng một nghiên mực thì khác, chất lượng của nó không ảnh hưởng đến thành quả là bức tranh. Thỏi mực được mài trên nghiên mực đắt tiền hay rẻ tiền đều cho ra một sắc mực như nhau, có lẽ chất lượng nước mà bạn dùng còn ảnh hưởng nhiều hơn là phẩm chất hòn đá dùng để tạo ra nghiên mực đó.

Nhưng rồi một ngày tôi tìm thấy những nghiên mực tuyệt đẹp và khám phá ra rằng có một thế giới mình chưa từng biết đến - nơi chúng được tạo tác bởi nghệ nhân. Những nghiên mực được mài ra, rồi khắc, tạo hình bởi bàn tay con người, cho nó những dáng hình vuông, tròn, oval, có cái chạm khắc rồng phượng, mai tùng phong phú, thậm chí còn có cả nắp đậy sơn mài

Và tôi đã...phải lòng một hòn đá. Nghiên mực này được tạo ra bởi nghệ nhân Aoyagi Takashi, người tiếp nối cơ nghiệp gia truyền kéo dài hơn thế kỷ. Nghệ nhân đời đầu trong gia đình đã tạo ra nghiên mực mà nhà văn lỗi lạc Natsume Soseki từng sử dụng, và nay là người thừa tự, Takashi muốn tạo ra những nghiên mực mà Soseki nếu còn sống, cũng sẽ khát khao được sở hữu.

Tôi thích những nghiên mực do anh tạo ra, khác với những nghiên cổ vật thường là của gia truyền trong những gia đình quyền quý thời xưa được chạm khắc tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật, nghiên mực của anh giản dị, nương theo dáng hình tự nhiên của hòn đá nguyên sơ, khiến chúng có vẻ khiêm cung thô ráp, trầm lặng mà đầy sức nặng. Mang trong mình tinh thần của một học giả, Aoyagi tự tay chọn những phiến đá ưng ý từ trong mỏ đá tận Hokkaido xa xôi, cảm nhận hòn đá bằng chính đôi tay mình, để cảm giác chắc chắn trong lòng thôi thúc, rằng đây chính là nghiên mực tiếp theo mà anh phải tạo thành.

Tôi không biết cụ thể công việc của một nghệ nhân khắc đá, nhưng đã từng táy máy khắc triện, một hòn đá nhỏ hơn với những chiếc dùi đục cũng nhỏ hơn nhiều, vậy thôi mà đã đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và hơn hết là thể lực. Bàn tay căng ra, tấy đỏ, mỏi nhừ, nên việc khắc tay một nghiên mực to nặng, chắc chắn không hề đơn giản.

Có những nghiên mực Aoyagi mới tạo ra ngay hôm qua thôi, nhưng cốt của hòn đá anh nhặt lên niên đại gần 2000 năm. Tạo ra vật phẩm thời hiện đại từ một thứ chất chứa trong nó thời gian là một trải nghiệm linh thiêng thành kính, như khi đối diện một di tích cổ xưa. Tôi nhớ đến lần đầu bước vào đấu trường Coloseo và như bị nhấn chìm trong một đợt sóng lớn, nơi này cũng gần 2000 năm tuổi.

Thời hiện đại với sự tiện lợi khiến khoảng cách giữa con người và những vật dụng ta gần gũi ngày càng xa. Dáng hình nhân tạo và chu trình khép kín khiến ta khó hình dung đâu là khởi nguồn của chúng. Nhìn lọ dầu olive, tôi vẫn có thể mường tượng được à lọ thủy tinh từ cát, dầu từ quả olive, cái nút bần từ vỏ cây sồi. Nhưng ngay đến đôi giày mình đang mang tôi đã thấy bối rối về nguồn gốc của chúng, nói gì đến cái điện thoại đang dùng để gõ những dòng chữ này.

Thực hành hội hoạ cũng không là ngoại lệ. Dù là màu gì thì cũng đến từ tự nhiên. Tự pha một chén màu từ đất đá thì màu sắc cũng không khác mấy nếu bóp ra từ tuýp màu, chỉ là người ta đã thay mình làm hết tất cả những công đoạn tinh luyện nhiêu khê. Tiết kiệm cho ta rất nhiều thời gian, nhưng có lẽ sự tiện lợi cũng đã tước đi cơ hội để ta hiểu rõ hơn nguồn cội, bản chất của sự vật. Con người ta khó có thể chiêm nghiệm điều gì trong sự vội vàng gấp gáp. Khi thân nhàn rỗi, tâm mới có thể chậm rãi mà suy tư.

Khi tôi xúc ra một ít màu đổ vào chén, những tinh thể loá lên, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, tôi nghĩ đến hòn khoáng thạch đã đi qua hàng nghìn, thậm chí triệu năm trong sức ép của tầng tầng đất đá mà thành. Khi tôi mài thỏi mực, mùi thơm êm đềm của chúng gợi tôi nhớ đến ánh lửa bập bùng và những cây tùng già trăm tuổi. Âm thanh xào xạc khi thỏi mực hoà cùng nước ma sát với nghiên đá, tiếng nước nhuộm sôi lụp bụp trong bếp và tôi tận hưởng những xung động này với một ấm trà nóng hoặc một ly vang. Sự nhiêu khê rườm rà này cho tôi cơ hội để kết nối với những công cụ mình gần gũi, cảm xúc thăng hoa hơn khi tôi được vẽ bằng tất cả giác quan của mình.

Rồi sẽ đến ngày tôi chạm tay vào một nghiên mực Aoyagi tạo tác. Không cầu kì, chỉ cần một mặt phẳng trơn mịn có độ dốc vừa phải trên một hòn đá mà tôi có cảm tình còn vẹn nguyên hình hài. Đó là một thứ mà dù không có cũng không sao, tôi vẫn sẽ vẽ tranh rất tốt với nghiên mực 15 đồng khiêm tốn mà tận tụy của mình, nhưng nếu có sẽ khiến đời sống tinh thần thêm thú vị.

Biết rằng đời sống hiện tại đã khiến thú vui nhàn rỗi như mài mực trở nên lỗi thời, ngay cả trong giới văn nhân, nghệ sĩ thư pháp cũng không cầu kì về phẩm chất nghiên mực họ sử dụng, Aoyagi mày mò tìm hướng cách tân. Anh đi tìm những phiến đá hiếm sâu trong lòng đất ngàn năm tuổi, những phiến đá rơi xuống từ trời. Có những nghiên mực anh làm ra từ đá thiên thạch, bay xuyên vũ trụ biết đã bao nhiêu triệu triệu năm rồi đâm sầm vào tinh cầu bé nhỏ nơi ta đang sống. Cuộc du hành của chúng không dừng lại ở đó, anh nhặt chúng lên, cho chúng một dáng hình mới, một sứ mệnh mới.

Thời gian chất chứa trong chúng mang một sức mạnh mà khi chạm vào, tôi tin rằng mình sẽ cảm thấy như bị nhấn chìm dưới một cơn sóng lớn.

--

Ảnh, tư liệu từ trang web của Aoyagi Takashi: https://home-museum.net/suzuriten/