Gốm của Duy Mạnh: Đất trời lở máu / by Phuong Nguyen

Mấy hôm nay đọc nhiều chia sẻ về 600 hecta rừng nguyên sinh sắp bị san bằng, nghĩ đến những cái đĩa gốm của anh Duy Mạnh.

Hồi đầu khi mới biết đến tác phẩm của anh, mình bị cuốn hút khi thấy cảnh sơn thủy trong hình hài của gốm lại gợi nên đau đớn xót xa của da thịt loài sinh vật sống, hay cụ thể hơn là của chính con người, nhưng càng quan sát lại thấy rõ hơn một khía cạnh khác: là thân phận của đất. Đất tự thân nó có sự sống và chất chứa trong nó là sự sống. Sâu trong lòng đất cứng là dòng chảy dung nham, những mảng kiến tạo dịch chuyển không ngừng đánh vỡ siêu lục địa ngày xưa thành những châu lục hiện tại, chúng không ngừng trồi, sụt, bùng nổ để tạo thành núi cao vực thẳm. Dù là đỉnh Everest hay là đáy vực Mariana, chúng là hiện hình của sự vận động không ngừng của đất.

Và đất cát đâu chỉ là đất cát. Những mảnh xương muôn loài qua tháng năm vỡ ra thành cát mịn. Hạt cát vô tri trượt qua kẽ tay ta đâu đó trong dòng chảy trăm triệu năm từng là một sinh thể sống.

Trong thời hiện đại này, đất tiếp nhận một hình hài mới qua bàn tay can thiệp ngày càng sâu rộng của con người. Có một thuật ngữ mình học được là terraform - địa khai hoá, thường dùng trong bối cảnh giả tưởng để chỉ việc cải tạo một hành tinh sao cho gần nhất với môi trường sinh quyển Trái đất để biến nó thành thuộc địa mới. Tuy nhiên địa khai hoá không chỉ thuần giả tưởng, con người đã và đang khai thác thiên nhiên đến mức chúng biến dạng khỏi hình thái nguyên sinh. Những khu mỏ, đập nước, thuỷ điện, rừng cao su, rừng cọ, đường cao tốc, quần đảo nhân tạo ở Dubai là những ví dụ tiêu biểu nhất về địa khai hoá. Đất bị nhào nặn, phá vỡ, đâm xuyên, bồi đắp... Thành những dáng hình mới để phục vụ cho nhu cầu của con người và chỉ riêng con người.

Nếu nghĩ về Trái Đất như một sinh thể sống, thì con người không khác gì một loại virus. Thường một cá thể loài nào quá đông thì tự nhiên sẽ chọn lọc sao cho tự nhiên về thế cân bằng. Con người thì khác, không có thiên địch, không sợ thiên tai, khoa học phát triển đẩy lùi bệnh tật và tuổi già, nên nhân lên với tốc độ chóng mặt. Và đâu đó đột biến những chủng đầy dã tâm, khai hoang lập địa không đơn thuần vì nhu cầu của số đông mà chỉ vì lòng tham của một vài cá thể.

Nghĩ về rừng... Hai mùa hè trước ở Calabria miền nam nước Ý, có những ngày bước ra ban công mà mũi nghe mùi khét, không phải vì hàng xóm nướng thịt mà vì ngọn núi đứng gần đang bốc lửa. Ngày thấy khói, đêm thấy lửa. Lái xe qua những ngọn đồi thấy lửa lan thành những vệt đỏ sáng rực trong đêm. Tại sao không dập lửa đi mà để chúng liếm sạch những mảng xanh ít ỏi còn sót lại như thế? Vì địa hình hiểm trở khó có thể triển khai nhân lực, chỉ có thể dùng trực thăng, mà trực thăng đâu có nhiều, mỗi chuyến tốn bao nhiêu tiền nhiên liệu, và người cầm lái vẫn phải nghỉ ngơi. Lửa thì khác, vẫn cháy âm ỉ, chỉ cần một cơn gió là bừng lên dữ dội.

Và nội trong năm nay thôi đã có hơn 20 đợt cháy rừng lớn được ghi nhận, trong đó Hy Lạp, Canada và Hawaii có lẽ là ba thảm hoạ trầm trọng nhất. Hơn 1.5 triệu hecta rừng bị cháy rụi ở British Columbia, và trận cháy này còn chưa qua. 600 so với 1 triệu rưỡi là con số không đáng kể, để ta thấy được mảng xanh đang biến mất với tốc độ ghê gớm như thế nào. Nhân loại đang ngồi trên đống lửa đúng nghĩa đen...

Khi mình nói với anh Mạnh về thân phận của đất mình thấy trong tác phẩm thì anh nói rằng thật ra dấu ấn của những món đồ gốm này là về thân phận con người. Mình nghĩ những mảng thịt hồng là phận đất xót thương bị con người khai hoá, nhưng nghĩ lại thì có lẽ máu đó là từ con người tuôn ra ướt đẫm ngọn đồi. Đất rồi sẽ phục hồi, thiên nhiên rồi sẽ lại nảy nở sinh sôi. Nhìn về thảm hoạ Chernobyl từng khiến hàng trăm triệu hecta rừng phơi nhiễm phóng xạ, mà chỉ 35 năm sau, nơi đây trở thành một thánh địa nơi cây cối nảy nở sinh sôi và động vật hoang dã chọn làm nơi an trú. Đấy, tự nhiên tự thân sẽ có cách của nó, chỉ có con người bị đẩy vào đường cùng mà thôi.

Mình yêu thích các tác phẩm của anh vì thường có hình ảnh tranh sơn thuỷ, gợi mình nhớ đến những chiếc đĩa sứ ngày xưa. Mình luôn có một sự ưu ái đặc biệt nơi tác phẩm được xây dựng trên cái nền cổ điển. Tranh sơn thủy từng là một cách ngợi ca sự hùng vĩ của tự nhiên và để thể hiện cái sự khiêm cung bé nhỏ của con người khi đứng đối diện nó. Mình cũng có sự yêu mến tự nhiên trong ngôn ngữ hội hoạ của riêng mình. Tự nhiên sẽ đi vào trong tranh và toả ra nơi ngòi bút nếu người vẽ luôn có thiên nhiên trong lòng.

Và anh Mạnh cũng vậy, quang cảnh toả ra từ chiếc đĩa gốm của anh vừa tráng lệ, vừa bi thương. Phản chiếu chính môi trường anh sinh sống - một tự nhiên tan nát. Vừa ve vuốt gợi nhớ một thời gian xưa cũ bình yên, vừa như một nhát cắt khiến ta phải mở mắt nhìn vào hiện thực đau đớn, bàng hoàng.