Từ khi vẽ bộ tranh minh họa Haiku vào đầu năm 2020, mình bắt đầu ứng dụng kỹ thuật nhuộm với nước trà vào các bức tranh để “lên tuổi” giấy nhằm đạt được cảm giác xưa cũ - wabisabi, và từ đây niềm hứng thú với những sắc nhuộm tự nhiên cổ xưa dần nảy nở. Ghi chép lại là một cách học sâu hơn. Các bài viết và hình ảnh được tổng hợp từ nhiều nguồn, có trích dẫn cụ thể ở cuối bài.
柿 Kaki - quả hồng, 渋 Shibu - nghĩa là vị chát (astringent, là cảm vị thứ 6 của vị giác theo kinh Vệ-Đà Ayurveda. Nó diễn tả cảm giác khô hanh trong khoang miệng, lưỡi tê lấm tấm khi ta nếm phải những thứ có chứa tannin, như trà, rượu, quả lựu, hoặc là vị quả hồng chưa chín)
Ở Nhật thường gặp nhất có lẽ là cây anh đào, sau đó là đến cây mận, rồi là cây hồng. Về những miền thôn quê Nhật Bản, ta dễ gặp hình ảnh cây hồng trĩu quả mỗi độ thu về ở sân sau vườn nhà, đôi khi chúng mọc dại quạnh quẽ giữa những cánh đồng hoang, hay lang thang ở bìa rừng nơi những quả hồng chín như những chấm màu đỏ chu sa rực rỡ trên cảnh sắc ẩm ướt và lạnh lẽo khi mùa đông chớm đến. Quả hồng chín thơm mềm, ngọt ngây, chắc chắn đủ khiến cảm vị của con người phải ngây ngất mê. Nhưng vị ngon chỉ là một trong những lí do khiến cây hồng được trồng đại trà như vậy. Những quả hồng xanh non tạo ra thứ thuốc nhuộm đặc sắc, kì diệu phủ màu nâu trầm lên mọi thứ từ giấy vẽ, vải vóc đến đồ nội thất gỗ, là một màu sắc đẹp đẽ và đặc trưng trong thẩm mỹ Nhật Bản.
Kakishibu là một kỹ thuật nhuộm tự nhiên và cổ xưa đã có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản từ thế kỷ 13, được chiết xuất từ quả hồng non phơi khô, nước nhuộm được nấu từ những quả hồng đây rồi sẽ được thanh lọc và cô đọng, rồi để cho chúng lên tuổi từ 2 đến 5 năm mới sẵn sàng được đưa vào ứng dụng. Về mặt cơ học, kakishibu chứa nhiều tannin giống như nước trà, vì thế nó không hẳn là một loại thuốc nhuộm bởi màu nâu của kakishibu là do những phân tử tannin kết hợp với nhau rồi phủ lên sợi tơ chứ không không bện vào như những loại thuốc nhuộm khác. Chính xác hơn nó là một lớp phủ. Và cũng chính vì tannin, những sản phẩm được nhuộm từ kakishibu có một khả năng rất nhiệm màu: lên tuổi cùng với thời gian. Để càng lâu màu nâu trầm của kakishibu càng trở nên tinh tế và sâu lắng, khác với khi ta vừa lấy chúng ra khỏi bể thuốc nhuộm, và chính nhờ đặc trưng này mà nhiều trà thất hay tư phòng dùng tranh trang trí, thậm chí là giấy shoji dát cửa đã qua nước nhuộm hồng chát, bởi nó mang lại một cảm giác ấm áp lặng yên, và chúng cũng như ta, đang thay đổi từng chút một khi thời gian đi qua.
Kakishibu được chiết xuất từ những quả hồng non khi chúng hẵng còn xanh, sau quá trình chưng cất, thành phẩm cuối cùng mang màu nâu trầm amber, nhờ vào tính phủ màu mạnh mẽ, không cần thêm chất cẩn màu (mordant) và khả năng kháng khuẩn cao, nó được ứng dụng rộng rãi từ các mặt hàng mỹ nghệ cho đến nông, ngư nghiệp. Không chỉ để nhuộm vải và giấy washi, nó còn được dùng như lớp lót (primer) cho các mặt hàng sơn mài Urushi truyền thống, nhờ có tính chống thấm nước nên nó còn được phủ lên dù wasaga, các loại nông cụ và lưới đánh cá để tạo một lớp màng bảo vệ tăng sức bền, chống côn trùng và mối mọt.
Kakishibu không phải là một loại thuốc nhuộm khó chế biến, không cần thêm hóa chất, không cần gia nhiệt (vốn được dùng cùng nhiều phương cách nhuộm khác) và không có nhưng cũng như người anh em tannin khác là rượu vang, quy trình lên men tự nhiên cần nhiều thời gian để đạt đến độ “chín” của riêng nó. Nhuộm Kakishibu đầu tiên và tất nhiên, ta cần có thật nhiều hồng non, phơi khô cho đến khi màu xanh ngả thành màu cam vàng đẹp mắt, rồi ta sẽ giã nát, dùng vải thưa bọc lại để tránh ruồi nhặng, để cho chúng lên men ít nhất 6 tháng, rồi chắt lọc dung dịch sau quá trình lên men đó, để cho chúng tiếp tục lên tuổi từ 5 - 7 năm. Quá trình lên tuổi này không dừng lại khi kakishibu được đóng gói, mà còn đồng hành cùng thứ sản phẩm chúng sẽ phủ màu để tạo nên màu sắc thâm trầm tuyệt đẹp của thời gian.
Là một chất nhuộm có gốc tự nhiên, không phản ứng hóa học, không sinh độc tố, kakishibu còn được dùng để nhuộm các túi lọc sake - 酒袋 Saka-bukuro - một loại túi được dệt từ sợi bông thô dùng để chắt lọc Shizuku sake 雫 hay còn gọi là “sake nhỏ giọt”, một loại sake hiếm thấy và đắt đỏ. Khác với quy trình tinh chế sake thông thường khi rượu được ép ra, với shizuku sake, nguyên liệu thô sau quá trình ủ lên men được cho vào túi lọc saka-bukuro, lợi dụng trọng lực để “ép” sake thơm ngon rơi ra khỏi chiếc túi ấy, từng giọt, từng giọt một. Cũng giống như rượu vang ngon dở còn nhờ vào loại gỗ tạo nên chiếc thùng nơi nó được ủ, chiếc túi dùng để lên men và chiết xuất sake cũng đóng một vai trò quan trọng. Kakishibu không chỉ tạo nên sắc nâu đẹp đẽ sang trọng như da thuộc, càng cũ càng đẹp, nó còn góp phần bảo vệ sợi bông và ắt hẳn cũng góp một phần hương vị vào những giọt sake ấy.
Kakishibu, cũng như các phương pháp nhuộm truyền thống có chiết xuất từ tự nhiên, dần thành thất truyền dưới sự bành trướng của sự cơ giới hóa và những phương pháp nhuộm hóa học tân tiến, linh hoạt và nhanh chóng hơn đến từ phương Tây. Vùng Onomichi tại Hiroshima từng là trong ba địa phương trồng hồng lớn nhất Nhật Bản và cũng là nơi phần lớn thuốc nhuộm kakishibu được tạo ra. Tuy nhiên sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhu cầu dùng thuốc nhuộm giảm dần, rất nhiều cơ sở sản xuất lâm vào cảnh phá sản, và như nhiều kỹ thuật truyền thống khác thường mang tính gia truyền, không còn ai kế thừa sẽ lâm vào cảnh tuyệt diệt. Người không còn, nhưng cảnh vẫn còn, rất nhiều cánh đồng trồng hồng dù không được chăm sóc vẫn sinh sôi mạnh mẽ, xung quanh Onomichi có rất nhiều hồng cổ thụ hơn 100 năm tuổi. Với xu hướng con người đang dần quay trở lại với thiên nhiên, kakishibu đang dần lấy lại sức sống cũ. Vào mùa thu hoạch, nô nức cảnh những trang trại nhỏ buôn bán hồng xanh, phơi chúng cho đến khi ngả màu cam mà thực vị vẫn còn đắng chát. Đối với địa phương Onomichi bây giờ, kỹ thuật chế tạo thuốc nhuộm cũng là một “tourist attraction” về mặt văn hóa. Bản thân nơi này cũng là một vùng hải cảng bên sườn đồi xanh mướt rất đẹp, có phần gợi nhớ đến eo biển Liguria ở Ý.
Kakishibu cũng được các nghệ sĩ đương đại theo đuổi cái đẹp phi tuyến tính và đậm tính truyền thống gìn giữ. Masamichi Terada (1935) là một nghệ nhân chuyên sử dụng màu hồng chát và ông thể nghiệm chúng trên nhiều chất liệu đa dạng từ sợi bông, dâu tằm đến lụa, tre nứa và cả đồ gỗ. Một ngày nọ vợ ông mang về một chiếc túi lọc sake và ông đã bị màu nâu trầm ấy mê hoặc. Ông nhận ra rằng những kiến thức về kakishibu đang dần mai một và khó tiếp cận bởi đại chúng, ông đã quyết tâm theo đuổi, học hỏi và bảo tồn kỹ thuật nhuộm truyền thống này. Dưới đây là một số tác phẩm do ông làm ra cùng với những quả hồng chát. Thật dễ hiểu vì sao ông lại đam mê sắc màu này đến thế.
Hiện nay, thuốc nhuộm Kakishibu có thể mua được dễ dàng trên các trang bán hàng đại chúng như Amazon Japan, etsy… hàng chính hãng nội địa đến từ địa phương Onomichi hẳn hoi với giá khá hạt dẻ. Kakishibu có nhiều lợi điểm:
đầu tiên là cô đọng, không cần phải ninh nấu hay thêm chất hóa học gì (với một người dốt hóa như Phương đây là một điểm cộng lớn) để cẩn màu, mà trái lại, ta phải pha loãng nó ra để đạt được sắc độ mong muốn bởi kakishibu cô đọng đủ mạnh để nhuộm gỗ.
Kakishibu là một thuốc nhuộm gốc nước, có thể rửa sạch tay hay cọ nhuộm dễ dàng, không cần dùng dung môi để gột rửa.
lợi ích tự nhiên, như chống thấm nước, chống mối mọt, nấm mốc, và đuổi côn trùng.
màu sắc lên tuổi cùng thời gian, không sợ hết hạn sử dụng, để càng lâu, màu nâu càng đẹp.
tiết kiệm nước. Một ít thuốc nhuộm đủ dùng cho một thời gian dài và không cần nhiều nước như những phương pháp nhuộm hóa học vốn tạo ra nhiều nước thải. Một bể nhuộm kakishibu không còn dùng được chỉ khi nó đã cạn sạch.
timeless. Đây là một sắc màu rất đẹp và sẽ gây nhiều ngạc nhiên cùng với thời gian. Thời gian lên tuổi trung bình của màu hồng chát là từ 1-2 năm sau khi nhuộm. Còn lâu hơn như vậy thì sao, có lẽ Phương phải trồng ngay một cây hồng, hay mua ngay một túi thuốc nhuộm từ Onomichi để biết.
Nguồn tham khảo:
Một trang Etsy
Ozuwashi
Touching Stone Gallery
Nada-ken
Weave Zine