Kokei Kobayashi (小林古径) (1883–1957) sinh tại Takada thuộc tỉnh Niigata là một trong những họa sĩ danh tiếng theo trường phái Nihonga giữa thời Minh Trị và Đại Chính, và cũng là một trong những cây đại thụ đã đóng góp rất nhiều tranh quý cho hội họa Nhật Bản hiện đại.
Mồ côi cha mẹ từ sớm, năm 17 tuổi ông đã khăn gói đến Tokyo để theo học mỹ thuật truyền thống cùng với Kajita Hanko - một họa sĩ nổi tiếng theo dòng tranh khắc gỗ ukiyo-e và tranh minh họa kuchi-e cho bìa tạp chí và tiểu thuyết lãng mạn. Sau khi thành danh, Hanko theo đuổi sự nghiệp giáo dục và thành lập một trường mỹ thuật tư nhân mang tên Hokkokai (Byakkokai) và đây là nơi Kokei Kobayashi đã theo học bên cạnh những tên tuổi khác như Togyo Okumura và Seison Maeda. Sau một thời gian rèn luyện và nắm vững kỹ thuật truyền thống, ông gia nhập phong trào tái thiết Học Viện Mỹ Thuật Nhật Bản (Nihon Bijutsuin) dưới sự hướng dẫn của Yokoyama Taikan và sớm trở thành một trong những thành viên chủ chốt của nơi này(1). Kokei Kobayashi từng có thời gian du học tại Châu Âu cùng với Maeda Seison và như những họa sĩ từng giới thiệu qua, tính hiện thực và đương đại của Phương Tây đã ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách cũng như những sự vật hiện tượng ông chọn để diễn họa. Tuy vậy, cho đến cuối cuộc đời Kokei Kobayashi vẫn miệt mài học tập và thực hành kỹ thuật truyền thống của mỹ thuật Nhật Bản.
Ông là một họa sĩ tài năng và có phần phá cách, không ngần ngại thử sức với bút pháp mới, từ dày đặc chi tiết đến cô đọng và giản lược. Những chủ đề trong tranh ông cũng rất đa dạng, phong phú, từ những bức tranh miêu tả sống động cảnh sinh hoạt ngày thường như phòng tắm công cộng, dệt vải bằng khung cửi, cho đến tranh tĩnh vật khai thác triệt để khoảng trống và tất nhiên còn có dòng tranh Bijin-ga mỹ nhân họa. Vào thời kỳ đầu, chủ đề mà Kokei khai thác thường mượn cảm hứng từ những điển tích xưa, những huyền thoại trong dân gian với cảnh vật thần tiên và thế giới Yokai ma quỷ, chẳng hạn như Nàng tiên ống tre (Taketori Monogatari) hay câu chuyện về Xà Nữ Kiyohime mà tôi sẽ thuật lại trong bài viết này.
Bộ tranh “Huyền thoại về Kiyohime” là một trong những tuyệt tác của Kokei Kobayashi, gồm 8 bức tranh rời được vẽ bằng bột màu truyền thống trên giấy washi, miêu tả những phân đoạn chính trong câu chuyện dựa theo điển tích được lưu giữ trong một cuộn tranh từ thời Muromachi tại chùa Dojo-ji. Bộ tranh này vốn được Kokei hoàn thiện với mục đích hợp nhất thành tranh cuộn, tuy nhiên ý định đó không thành hiện thực và nay được lưu trữ như những bức rời tại bảo tàng Mỹ thuật Yamatane.
Kiyohime là một huyền tích nổi tiếng đã được chuyển thể nhiều lần thành kịch Noh, Kabuki, hòa ca Joruri, vũ kịch truyền thống Kimi Odori và thường xuất hiện trong văn hóa hiện đại như manga, anime và cả game series. Kiyohime là một trong những Youkai hiếm hoi có gốc gác là con người, nàng đã hóa thành yêu quái sau khi phát điên bởi tình yêu không được đền đáp. Nhưng câu chuyện này không chỉ có sự hận thù và những ngang trái của yêu đương bởi bao trùm suốt câu chuyện là không gian huyền bí của núi rừng Wakayama, của đền Dojo-ji linh thiêng, của tiếng kinh tụng âm vang nhằm xiển dương sức mạnh của bộ Kinh Hoa Pháp (Lotus Sutra)
Huyền thoại về Kiyohime, cũng như những câu chuyện khác về thế giới yêu ma Nhật Bản, thường là truyện ngụ ngôn và bởi thế có nhiều dị bản với những chi tiết được thêm bớt, cường điệu để tăng phần kịch tính. Ở đây mình tóm tắt và tổng hợp từ nhiều nguồn dựa theo những phân cảnh trong tranh của Kokei Kobayashi.
1.Chuyến hành hương của nhà sư Anchin
Một ngày hè oi bức vào những năm 928 vào thời Heian khi Thiên Hoàng Daigo đương tại vị, có một nhà sư trẻ mang tên Anchin cùng sư phụ của mình đến từ vùng thị tứ Shirakawa đã lên đường hành hương đến Kumano Hongu - vùng đất thiêng bên kia cánh rừng ở Kỷ Y bán đảo (紀伊半島 - Kii-hanto, bán đảo lớn nhất thuộc đảo Honshu) Đây là chuyến đi thường niên và như thường lệ họ dừng lại nghỉ ngơi tại một ngôi làng nhỏ bên sông Hidaka, nơi trưởng làng Masago no Shoji luôn tiếp đãi họ như khách quý. Ông còn sai bảo con gái đến săn sóc, chuẩn bị chỗ ăn uống nghỉ ngơi cho hai nhà sư. Người con gái đó chính là Kiyohime. Năm tháng đi qua, Kiyohime lớn lên và nảy sinh tình cảm với Anchin và cô tin là Anchin cũng có cùng một cảm xúc, cô luôn chờ đợi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai người mỗi năm một lần. Nay đã đến tuổi thành thân, Kiyohime tin rằng đã đến lúc tình cảm của họ đơm hoa kết trái.
2. Kiyohime lẻn vào tư thất của nhà sư
Dưới sự che chở của màn đêm, Kiyohime đã tìm đến gian phòng nơi Anchin đang say ngủ. Nàng lẻn vào và đánh thức anh dậy để bày tỏ tình cảm của mình. Tình cảm nàng dành cho anh sâu sắc như thể nó là một sự tiếp diễn sau bao kiếp nhân sinh, và nàng mong rằng trong khiếp này họ sẽ nên vợ thành chồng rằng anh sẽ ở lại làng lâu hơn nữa. Anchin bối rối trước tình cảm Kiyohime dành cho mình, nhưng anh là Phật tử và lòng kính Phật trong anh không cho phép bản thân bị rù quyến. Không muốn làm phật lòng Kiyohime cũng như cha nàng - vị trưởng làng mến khách, anh đã nói dối rằng hãy những vị thần ở Kumano không thể gặp những nhà sư đã sa vào hồng trần tục lụy, nên nàng hãy để anh hoàn thành chuyến đi quan trọng này, sau đó trên đường về anh sẽ lại ghé qua Muro-gun để hai người họ có thể bên nhau lần nữa.
3. Đền Kumano
Sau một đêm nghỉ ngơi tại làng Muro-gun, Anchin và sư phụ của mình tiếp tục cuộc hành trình đi đến vùng đất thánh Kumano. Tuy nhiên sau khi chuyến hành hương hoàn thành, Anchin đã không giữ lời hứa gặp lại Kiyohime trên đường về nhà mà anh đi thẳng về nhà ở Shirakawa. Kiyohime vẫn mơ mộng rằng rồi đây sẽ sớm gặp lại người mình yêu, ngày ngày chờ đợi nhưng mãi bặt vô âm tín. Cô hỏi thăm những người khách qua đường liệu họ đã thấy một nhà sư từ Kumano trở về không, và cô phát hiện ra rằng Anchin đã đi khỏi Muro-gun từ lâu rồi.
4. Truy đuổi
Sau khi nghe được tin dữ, đau đớn, buồn tủi và phẫn nộ, Kiyohime tức tốc đuổi theo Anchin trên đôi chân trần băng qua đường rừng đầy sỏi đá như một người điên và cuối cùng cô đã bắt kịp anh. Nhưng lúc này đây, với đôi chân trần bật máu, mái tóc rối bời và y phục xộc xệch trông cô không còn giống một vị thiên kim tiểu thư nữa mà như một con quỷ oni. Cô van vỉ Anchin hãy nói cho cô biết sự thật nhưng anh liên tục nói rằng họ không quen biết nhau, cô đã nhận lầm người rồi. Hoảng loạn và tuyệt vọng trước sự tra khảo của Kiyohime, Anchin đã cầu cứu vị thần giữ đền Kumano là Kumano-gongen [熊野権現] và ngài đã điểm huyệt Kiyohime đông cứng để anh tháo chạy.
5. Anchin trốn chạy
Trong lúc Kiyohime còn đang bất động, Anchin chạy xuyên qua cánh rừng cho đến khi một con sông lớn xuất hiện trước mắt anh. Đó chính là dòng Hidaka hung dữ. Anchin bắt gặp một người lái đò, anh kể lể về tình cảnh đau khổ của mình và người lái đò đã giúp anh vượt sông. Khi đến bờ bên kia an toàn, Anchin thở phào nhẹ nhõm rằng cuối cùng chàng đã thoát khỏi Kiyohime, không quên căn dặn người lái đò nếu sau này có gặp Kiyohime thì tuyệt đối không được giúp nàng.
6. Kiyohime vượt dòng Hidaka
Sau khi chú pháp của Kumano-gongen không còn hiệu lực, Kiyohime tỉnh lại và trong nàng không còn gì ngoài sự tủi hận vì bị bỏ rơi, nàng tiếp tục đuổi theo dấu vết của Anchin trên con đường mòn cho đến khi chắn trước mặt nàng là sông Hidaka đang cuồn cuộn chảy xiết. Nàng bắt gặp người lái đò nhưng đã bị từ chối bởi ông không thể mang nữ nhân qua sông. Van xin người lái đò không thành, nàng dần dần bị xâm chiếm bởi sự giận dữ và căm thù. Quá phẫn uất, nàng gieo mình vào dòng Hidaka với quyết tâm không buông tha cho Anchin. Giữa những dòng chảy ào ạt như thác lũ, nỗi căm hận và khao khát báo thù dần dần chuyển hóa cơ thể của Kiyohime thành một con rắn khổng lồ với lông mao đen tuyền như màu tóc nàng và những bụm lửa đỏ phun ra từ giữa những chiếc răng nanh bén nhọn. Với hình thù này thật không khó khăn gì để nàng vượt qua những cơn sóng dữ và đuổi theo Anchin đến tận đền Dojoji.
7. Cái chết của nhà sư
Từ đền Dojoji, Anchin có thể nhìn thấy Kiyohime trong hình hài một con rắn phun lửa đang lao đến. Anh hoảng sợ kể rõ sự tình và nhờ một nhà sư giấu mình bên trong đại hồng chung. Tuy nhiên điều này đã không thoát khỏi tai mắt của Kiyohime, lửa hận thù đã che mờ lí trí và nhân tính trong cô, cô quấn chặt chiếc chuông đồng và nổi lửa nung nóng, thiêu sống Anchin bên trong đó. Cho đến khi nhìn thấy thân thể người mình từng yêu nay chỉ còn là một cái xác đen kịt, khô cong, Kiyohime mới sực tỉnh. Quá đau khổ và ân hận, nàng gieo mình xuống sông tự vẫn.
8. Cây anh đào nở hoa
Ở một số phiên bản thì câu chuyện của Anchin và Kiyohime chấm dứt sau cái chết của cả hai, nhưng trong bộ tranh của Kokei thì kết cục của họ không bi thảm đến như thế. Cả hai đã được chôn cất cùng nhau trên đồi Hiyokuzuka và từ đây một cây anh đào đã mọc lên, đó chính là cây anh đào Iriai zakura (3) (日高川入相花王 - Hidakagawa iriai zakura - Cây anh đào bên dòng Hidaka là một vở Kabuki dựa theo tích truyện của Kiyohime) . Kokei vẽ thân cây anh đào uốn lượn mềm mại như một người phụ nữ, những cánh hoa trắng muốt tuôn rơi trong sự tĩnh lặng trầm mặc như khúc kinh cầu cho câu chuyện bi thảm, ngang trái giữa một nhà sư và một nàng công chúa vì tình yêu mà đã hóa thân thành yêu quái.
Huyền thoại về Kiyohime xuất xứ từ đâu có lẽ không ai thực sự rõ, nhưng bản ghi chép đầu tiên về câu chuyện này (4) được ghi nhận từ Dainihonkoku Hokekyō Kenki - Truyện kể kinh Pháp Hoa, tuyển tập những truyện ngụ ngôn, thần thoại Phật Giáo được ghi chép bởi nhà sư Chingen nhằm xiển dương đạo Phật cũng như để phổ biến kinh Pháp Hoa đến đại chúng. Theo đó, một thời gian sau cái chết của Kiyohime và Anchin, sư trụ trì của đền Dojo-ji đã có một giấc mơ lạ. Ông thấy một con rắn trườn đến bên mình và thầm thì rằng nó chính là Anchin đã hóa kiếp sau khi bị thiêu chết trong đại hồng chung, và nó mong rằng ông sẽ cầu nguyện cho linh hồn của cả hai được siêu thoát. Khi sư trụ trì tỉnh giấc, ông đã y lời lập đàn tế lễ, khấn nguyện kinh Pháp Hoa và rồi hình bóng của Anchin và Kiyohime xuất hiện, họ không chỉ được giải thoát khỏi kiếp nạn mà họ đã đạt thành Phật Quả và được nhập vào cõi Tịnh Độ. Câu chuyện còn tiết lộ rằng Anchin và Kiyohime sau đó đã trở thành Kumano Gongen và Kanzeon Bosatsu, hai vị Bồ Tát bảo hộ của đền Kumano.
Thông tin tổng hợp và tham khảo từ những nguồn
(1) Kobayashi Kokei - Britannica
(2) Dojo-ji Temple Play - Japanese Wiki Corpus
(3) Hidakagawa Iriai Zakura
(4) Yokai Street
(5) Google Art and Culture
(6) Magic vengeance in old Japan