painter

Thế giới huyền hoặc trong tranh Agostino Arrivabene by Phuong Nguyen

“Autoritratto con lucciole”, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2008

“Autoritratto con lucciole”, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2008

Agostino Arrivabene (1967 - )

Ông là một họa sĩ dè dặt và kín tiếng, họa hoằn nửa năm mới thấy ông chia sẻ cái gì đó trên instagram mà hầu hết cũng chỉ là clip quay ông đang nghiền bột, pha màu, tỉa tót mấy cái bào tử nấm với địa y đâm ra từ cơ thể con người. Ông sống tại trang trại của gia đình, một cơ ngơi nhỏ bé được giữ gìn từ thế kỷ 17 ở một làng nhỏ phía đông Milano. Ông miêu tả nơi này như vỏ ốc anh vũ, nơi giữ cho ông được an toàn và tránh xa khỏi tiếng ồn của thế giới hiện đại, để ông được thỏa sức mộng mơ trong thế giới siêu thực của riêng mình. Trong chiếc vỏ ốc này là một thế giới của những mẫu vật trong dung dịch phooc mon, đầu lâu của linh dương và tiêu bản kì nhông trên bức tường màu san hô và những tấm màn nhung đỏ thẫm. Ông sống tại đây, ẩn dật như một vong hồn, với chú chó yêu và bà giúp việc người Ukrainian chăm sóc ông khi ông phải đi khỏi cái dystopian fantasy của mình mà quay lại hiện thực.

“Resurrectio Christi I”, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2008

“Resurrectio Christi I”, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2008

Giới mộ điệu gọi ông là visionary painter, người vẽ những giấc mơ và biến chúng thành một hiện thực huyền ảo mà ta dễ nhìn thấy trong chính trái tim mình. Một góc tối âm u nơi linh hồn bay ra từ tử thi và những loài cây đâm ra từ máu thịt, những cái đầu lâu (memento mori) và tinh trùng (biểu hiện của mầm sống) bay quanh một cơ thể đang hoại tử, tan vào mặt đất, hóa thành rừng cây. Ông là một người phản-hiện đại (anti modernism) nên ông khước từ vẽ tranh theo thị hiếu đại chúng mà chỉ tập trung vào những chủ đề cổ điển. Trong tranh của ông đầy những thánh tích cổ xưa, những tư thế mô phỏng Chúa trên thập tự giá, hay là xác Chúa trên giường, dê trắng... bên cạnh những biểu tượng thất lạc khác trong nền văn hóa Roman. Nhờ vào tính siêu thực độc lập khỏi ảnh hưởng đương đại, ông thường được nhắc đến cùng những visionary painters khác trong quá khứ như Goya, William Blake, Gustave Moreau, Odd Nerdrum, Leonardo Da Vinci... - một giáo phái của những họa sĩ siêu thực dị biệt.

Lo spavento di Proserpina, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2010

Lo spavento di Proserpina, Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2010

Sự phản-hiện đại đó còn thể hiện trong kỹ thuật của Agostino. Dù tốt nghiệp từ đại học mỹ thuật Milan, ông chia sẻ rằng ở đó ông chả học được gì (next to nothing) và sự nghiệp lẫn thiên hướng nghệ thuật của ông định hình nhờ những nghiên cứu độc lập tại các bảo tàng nghệ thuật cổ điển khắp Châu Âu. Ông nghiên cứu và tái tạo kỹ thuật pha màu, công thức trộn dầu của nhiều danh họa xưa trong đó hiển nhiên là Leonardo, Van Eyck, Dürer... nhưng còn có hai vị đặc biệt ít nghe tên hơn là Cennino Cennini và Pietro Annigoni. Ông hầu như không sử dụng màu từ tuýp, mà tự nghiền và trộn màu trên tấm kính với cái chày thủy tinh. Ông nghiên cứu những đặc tính hóa học của các loại pigments mà trong đó có thể kể như lapis lazuli (đá thanh kim), cinnabar (chu sa), madder (thiên thảo), dragon's blood (huyết rồng), orpiment (hùng hoàng), từ đây ông nghiền chúng thành bột và hòa lẫn với dung môi và dầu để vẽ trên những tấm toan ông cẩn thận thu nhập, giặt, ủi rồi căng trên khung. Hơn cả 1 họa sĩ, ông thực sự là một nghệ nhân và quá trình vẽ một bức tranh với ông như một sự hành lễ. Quy trình vẽ của ông cũng từ tốn và cẩn thận để không làm hỏng tính trang nghiêm đó. Ông thường phác thảo kĩ với than chì hoặc sanguine, và lớp lót với lòng đỏ trứng egg tempera mà ông chia sẻ đấy là một kỹ thuật xém thất truyền- mischtechnik (mixed technique) mà các danh họa như Grünewald và Albrech Dürer từng sử dụng. Ông rất tự hào về việc gìn giữ kỹ thuật của người xưa, ông gọi tên một cách trịnh trọng và không quên thêm vào cum từ "cao quý" (noble) mỗi khi nhắc đến chúng.

Stigmata-(Kavod), Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2012

Stigmata-(Kavod), Agostino Arrivabene, oil on canvas, 2012

Họa sĩ "ruột" của giáo sư / chính trị gia / nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng nhất Ý Vittorio Sgarbi - một nhân vật gây nhiều tranh cãi vì hay lên TV cãi lộn, nhưng ai lọt vào đôi mắt đen của ông, lại còn có tranh ở bảo tàng Museo della Follia thì coi như đã có chỗ đứng trong nền hội họa Ý đương đại. Điều này với Agostino có lẽ là một sự hợp tác trên danh nghĩa tình bạn và cộng sinh hơn là một nước đi vì danh vọng, bởi cá nhân ông từng tuyên bố trong một bài phỏng vấn rằng ông chẳng có việc gì muốn dây dưa trong giới văn nghệ sĩ. Những nhà sưu tầm, những phòng buôn tranh, những tay phê bình nghệ thuật như những vệ tinh xoay quanh dòng chảy của nghệ thuật mà theo thiển ý của ông thì nó phải được chảy như một dòng suối trong núi sâu, không gì được phép can thiệp vào.

“Nuotatore d’abissi”, Agostino Arrivabene, oil on linen, 2012

“Nuotatore d’abissi”, Agostino Arrivabene, oil on linen, 2012

Ông dành cả buổi sáng để thức dậy và thường vẽ vào giấc đêm, khi ông cảm nhận được màu xanh sâu thẳm nhất của lapis lazuli và vực sâu lạnh giá của bóng tối, âm thanh rì rầm của dòng sông, của mạch nước ngầm. Ông như Persephone lạc lối trong vương quốc của Hades, như Orpheus băng xuyên địa ngục.

Và từ đó thế giới kì dị của những giấc mơ bắt đầu.