Nhà cũ tôi ở gần nghĩa trang Certosa, nơi mà tôi yêu thích cho một chuyến rảo bộ khi sáng sớm và tới giờ đây khi bạn bè ghé thăm đôi khi vẫn dẫn đến, nếu họ không ngại cảm giác có phần ảm đạm và rùng rợn khi đi lòng vòng nơi hương hồn bao người an nghỉ. Certosa rất rộng lớn và được chia thành từng khu vực riêng biệt, cũng như cách ta phân lô bán đất cho người giàu kẻ nghèo nơi cõi trần vậy, nên gọi nó là thành phố của người đã khuất cũng không ngoa. Có khu vực của vương tôn quý tộc trang hoàng tượng cẩm thạch tinh xảo, đèn chùm pha lê, thơm ngát hương hoa, có khu vực của lính tử trận trong hai cuộc thế chiến, khu vực cho người bình thường nơi mỗi gia tộc có một hốc trong tường. Cũng có khu vực cho trẻ nhỏ, cho thai chết lưu, và cũng không ít những nấm mồ không tên...
Hồi còn ở gần đó, vào dịp đầu tháng 11 khi thế giới chơi Halloween tưng bừng thì ở Ý là ngày thăm người đã khuất. Chồng tôi không phải người Bologna nên không có ai để thăm viếng, nhưng đôi khi tôi vẫn thích ghé qua Certosa một buổi chiều thu, mua vài đóa hoa cúc, gửi tặng những nấm mồ hiu quạnh.
Vài năm trước, chồng tôi đọc cho tôi nghe bài thơ La livella (san bằng) của Totò - một diễn viên, biên kịch, nhà thơ người Ý. Đây là bài thơ nói về cái chết, nó giống như một cái xe ủi, bước qua ranh giới đó, giàu, nghèo, già, trẻ, cao sang, bần hàn… tất thảy bị san bằng.
Trong cõi vĩnh hằng, muôn loài bình đẳng.
Mình dịch thơ khá dở, nếu chuyển thành văn xuôi thì mượt hơn nhiều, nhưng vì tôn trọng nguyên tác của Toto nên mình cố
To a somber November.
Nghe Toto đọc La Livella tại đây: https://youtu.be/AZ8mrzSKzQs?si=fLtZucAHax62UtrH
------
SAN BẰNG (LA LIVELLA)
Ngày hai tháng mười một hằng năm
là dịp ta đến nghĩa trang thăm người đã khuất
Đây là thông tục ai cũng phải gìn giữ
Là chuyến hành hương vương vấn suy tư.
Năm nào cũng vậy, chính xác ngày này
Với nỗi buồn sầu và lòng thương nhớ
Tôi đến nghĩa trang cùng bó hoa tươi
Đặt lên mộ dì tôi, Vincenza đáng kính.
Nhưng năm nay một sự lạ đã xảy ra
ngay sau buổi viếng thăm thấm đẫm u sầu
Đức Mẹ ơi! Nhớ lại chân tay còn run rẩy
Lấy hết can đảm tôi mới trụ vững tại đây.
Đây là sự thật, anh hãy lắng nghe này
Tại nghĩa trang khi cận kề giờ đóng cửa
Thật chậm rãi tôi cất bước xoay lưng
Rồi bỗng nhiên tôi trông thấy hai nấm mồ
“Nơi đây an nghỉ hầu tước cao quý
Rovigo, Bullino, vùng đất ngài trị vì
qua đời năm ba mốt, ngày mười một tháng năm.
người anh hùng với nghìn chiến công kì vĩ."
Trên bia đá chạm vương miện xa hoa
Lập lòe ánh đèn trong hình hài thánh giá
danh sách dài người viếng cùng bó hồng tươi
sáu cây nến chen nhau tỏa soi lòng thành kính
Và ngay bên cạnh quý ngài đầy danh giá
Một nấm mồ nhỏ nhoi, điêu tàn và tơi tả
Bao năm trời lãng quên không bóng người thăm viếng
Xiêu vẹo cây thánh giá, không cả một cành hoa.
Tôi căng mắt soi dòng chữ mờ trên thánh giá
“Người gom rác… Esposito Gennaro”
Bỗng lòng tôi trào dâng nỗi buồn khôn tả
Không cả một ngọn nến cho người đã khuất xa.
“Đời là thế…” Tôi ngậm ngùi bâng khuâng
“Kẻ trắng tay, người ngập trong của cải”
Liệu kẻ đáng thương này có nhận thấy
Nơi bên kia thế giới hắn vẫn phận bần hàn?
Tôi chìm trong suy tư đến khi trời sập tối
Rồi bất thần nhận ra đã đến hồi nửa đêm
Cổng đã khép chặt, giam tôi trong ngục tối
Cùng bao người chết bên ánh nến bập bùng.
Rồi bất chợt từ xa tôi trông thấy
Hai cái bóng mờ đang tiến đến gần đây
“Điều gì đang xảy ra?” Tôi hoang mang tự hỏi
Là thực hay mơ? Hay trí tưởng tượng điên rồ?
Không phải mơ, chính là ngài hầu tước
Tay gậy, khăn vấn, áo choàng lướt thướt
Kế bên cạnh ông là dáng hình hôi thối
Với cây chổi trong tay, mỏi mệt lê bước.
“Đây đích thị Don Gennaro…”
Người gom rác, kẻ bần cùng khốn khổ
Khiến tôi bối rối trước khung cảnh dị thường
Họ đã chết rồi nhưng giờ bỗng hồi sinh?
Rồi thình lình khi cách tôi chỉ gang tay
Ngài hầu tước bỗng dừng chân rồi gõ gậy
Ông chầm chậm xoay lưng và cất giọng
Đối diện Don Gennaro, “Hỡi kẻ hèn này
Mau nói cho ta hay, tên khốn mạt hạng
Ngươi thật táo tợn và vô cùng can đảm
khi dám chôn xác hèn kế bên ta
một người cao quý, danh tiếng ngút ngàn?
Ngươi phải tuân theo thứ bậc và giai cấp
Lí trí, lòng tự trọng ngươi đã vất đi đâu?
Xác thối của ngươi đáng ra phải chôn cất
Cùng rác rưởi xà bần dưới một nắm đất!
Thánh thần ơi ta không chịu nổi nữa
phải ở cạnh tạo vật hôi hám tanh tưởi
ta yêu cầu ngươ đi tìm mộ huyệt khác
xa khuất mắt, nơi đồng bọn ngươi tụ tập!”
“Ôi hầu tước đáng kính, oan khuất cho tôi
Kẻ hèn mọn này làm sao dám đắc tội
Là mụ vợ tôi đã lo toang hậu sự
Thân tôi đã chết, chuyện thì đã rồi.
Nếu còn sống tôi sẽ thật nhanh tay
Vác áo quan cùng bốn khúc xương này
Tôi sẽ lăn ngay vào một mộ huyện khác
Nếu điều này khiến cho ngài thanh thản.”
“Vậy còn chờ gì nữa, hỡi phế vật đáng thương?
Ngươi còn muốn ta điên tiết đến nhường nào?
Nếu không vì những tước vị cao quý
Ta đã xuống tay đánh ngươi không khoan nhượng!”
“Này này… nếu ngài lên giọng hung hăng
Thì để tôi nói cho hầu tước đây rằng
Ngài thật phiền phức và tôi chẳng còn kiên nhẫn
Tôi quên rằng mình đã chết và chẳng sợ đau thương!
Ngài nghĩ ngài là ai? Là vĩ nhân? Hay thánh thần?
Nhìn cho rõ, chúng ta giờ khác gì nhau
Đều đã chết, thành tro tàn, nắm đất
Như giây phút ra đời, hai ta bình đẳng.”
“Con lợn ngu ngốc! Sao ngươi cả gan
so sánh ta với ngươi ngang hàng?
Dòng máu của ta cao sang và đáng kính
Ngay đấng vương tôn phải cúi mình trong tỵ hiềm.”
“Nhưng giờ ngài ở đây, qua bao dịp lễ suốt năm dài
Sao ngài cứng đầu không chịu hiểu ra
rằng ngài đang phát điên trong hoang tưởng
và rằng cái chết… san bằng tất cả?
Một vị vua, một hầu tước, những người vĩ đại
Khi bước qua cánh cổng này tất thảy tàn phai
Không chỉ cuộc đời mà tên họ cũng bị tước mất
Ngài đã bao giờ thử chiêm nghiệm điều này?
Hãy lắng nghe tôi… ngài đừng ngoan cố nữa
Hãy chịu đựng tôi, ngài chẳng mất mát gì…
Đây là trò cười cho những ai đang sống
Còn chúng ta, những linh hồn trầm mặc
thuộc về
cõi chết."
italian
Sự tái sinh qua tranh của Guido Ricciardelli /
Guido Ricciardelli.
Một hoạ sĩ trẻ tài năng sinh ra và lớn lên tại Caracas, Venezuela, hiện đang sống và làm việc tại Milan. Anh từng theo học tại học viện mỹ thuật Milan, và đã drop out sau khi nhận ra môi trường học thuật không có tự do sáng tạo và những kiến thức anh theo đuổi. Anh cũng như bác Agostino, rong ruổi đi tìm cảm hứng ở những bảo tàng mỹ thuật, học hỏi các bậc thầy phục hưng qua tranh vẽ, ghi chú và phân tích kỹ thuật của họ. Giảng đường của anh là nơi giáo đường, dưới mái vòm nhà thờ rực rỡ tranh fresco và những bức tượng cẩm thạch đầy sức sống, ở nơi đó ánh sáng soi vào qua giếng trời và cửa sổ hoa hồng, tạo thành những hiệu ứng ánh sáng đầy tính thiêng liêng mà không một set up nhân tạo nào có thể tái hiện.
Guido là một người sùng đạo, dù anh né tránh tiếp cận chủ đề này một cách thô bạo nhưng anh luôn chia sẻ rằng hội hoạ, và con đường thi hành hội hoạ là một trải nghiệm thần thánh (a religious practice) và là một sự phản chiếu đến lòng kính Chúa của mình.
Bức tranh này có một câu chuyện đằng sau nó, Guido đã thay đổi cấu trúc, đặc biệt là gương mặt của nhân vật chính trong bức tranh. Những hoá thân của một vị thần. Phải xem video quay lại quá trình lột xác, thay da đổi thịt mới thấy được sự kịch tính và rằng gương mặt cuối cùng này, với đôi cánh ve đang vươn ra từ gương mặt hướng đến nguồn sáng và cái xác nằm bất động dưới những lần vải, là nó phải như thế.
Guido là người bạn hội hoạ đầu tiên mình quen ở đất Ý xa lạ. Mỗi lần đến triển lãm của anh mình luôn mang theo một chai prosecco chúc mừng, đây chỉ là gesture never come empty handed mà mình học được từ ông chồng Ý, nhưng Guido luôn thể hiện sự biết ơn một cách nồng nhiệt và chân thành, mình quý anh hơn ở điểm đó.
Trong một art fair ở Bologna năm rồi ở Dumbo, mình nhớ, tranh của Guido 'bị' treo ở một cây cột chơi vơi gần cầu thang, với cây đinh đóng vội, thậm chí còn không có bảng tên, và anh đã...đau lòng vì điều này đến bây giờ. Sự nghiệp mỹ thuật chưa bắt đầu nhưng anh đã muốn chấm dứt vì thấy tranh mình bị bạc đãi, lăn lóc như một hòn sỏi, người ta lướt qua tranh anh như xem một mớ đồng nát vì...nếu anh đã có tiếng hơn thì tranh anh hẳn phải có một vị trí trang trọng hơn chứ? Chia sẻ thêm, bạn biết cái gì là spotlight của art fair này không? Là một máy tính, tích hợp với máy khoan, được lập trình để khắc một bức phù điêu từ khối đá cẩm thạch. Irony much?
Tranh này Guido giấu, không mang đi triển lãm và có lẽ là không bán. Anh đang từng bước một rời xa thế giới nghệ thuật và đang chuẩn bị mở lớp dạy vẽ. Khi không phải lo về bánh mì thì không gì có thể can thiệp vào dòng chảy của anh. Anh trân trọng những bức tranh mình vẽ ra, và anh sẽ là người xây nên nơi ở xứng đáng dành cho chúng.
"They deserve a proper place and I must build it for them," he said.
Thế giới huyền hoặc trong tranh Agostino Arrivabene /
Ông là một họa sĩ dè dặt và kín tiếng, họa hoằn nửa năm mới thấy ông chia sẻ cái gì đó trên instagram mà hầu hết cũng chỉ là clip quay ông đang nghiền bột, pha màu, tỉa tót mấy cái bào tử nấm với địa y đâm ra từ cơ thể con người. Ông sống tại trang trại của gia đình, một cơ ngơi nhỏ bé được giữ gìn từ thế kỷ 17 ở một làng nhỏ phía đông Milano. Ông miêu tả nơi này như vỏ ốc anh vũ, nơi giữ cho ông được an toàn và tránh xa khỏi tiếng ồn của thế giới hiện đại, để ông được thỏa sức mộng mơ trong thế giới siêu thực của riêng mình. Trong chiếc vỏ ốc này là một thế giới của những mẫu vật trong dung dịch phooc mon, đầu lâu của linh dương và tiêu bản kì nhông trên bức tường màu san hô và những tấm màn nhung đỏ thẫm. Ông sống tại đây, ẩn dật như một vong hồn, với chú chó yêu và bà giúp việc người Ukrainian chăm sóc ông khi ông phải đi khỏi cái dystopian fantasy của mình mà quay lại hiện thực.
Giới mộ điệu gọi ông là visionary painter, người vẽ những giấc mơ và biến chúng thành một hiện thực huyền ảo mà ta dễ nhìn thấy trong chính trái tim mình. Một góc tối âm u nơi linh hồn bay ra từ tử thi và những loài cây đâm ra từ máu thịt, những cái đầu lâu (memento mori) và tinh trùng (biểu hiện của mầm sống) bay quanh một cơ thể đang hoại tử, tan vào mặt đất, hóa thành rừng cây. Ông là một người phản-hiện đại (anti modernism) nên ông khước từ vẽ tranh theo thị hiếu đại chúng mà chỉ tập trung vào những chủ đề cổ điển. Trong tranh của ông đầy những thánh tích cổ xưa, những tư thế mô phỏng Chúa trên thập tự giá, hay là xác Chúa trên giường, dê trắng... bên cạnh những biểu tượng thất lạc khác trong nền văn hóa Roman. Nhờ vào tính siêu thực độc lập khỏi ảnh hưởng đương đại, ông thường được nhắc đến cùng những visionary painters khác trong quá khứ như Goya, William Blake, Gustave Moreau, Odd Nerdrum, Leonardo Da Vinci... - một giáo phái của những họa sĩ siêu thực dị biệt.
Sự phản-hiện đại đó còn thể hiện trong kỹ thuật của Agostino. Dù tốt nghiệp từ đại học mỹ thuật Milan, ông chia sẻ rằng ở đó ông chả học được gì (next to nothing) và sự nghiệp lẫn thiên hướng nghệ thuật của ông định hình nhờ những nghiên cứu độc lập tại các bảo tàng nghệ thuật cổ điển khắp Châu Âu. Ông nghiên cứu và tái tạo kỹ thuật pha màu, công thức trộn dầu của nhiều danh họa xưa trong đó hiển nhiên là Leonardo, Van Eyck, Dürer... nhưng còn có hai vị đặc biệt ít nghe tên hơn là Cennino Cennini và Pietro Annigoni. Ông hầu như không sử dụng màu từ tuýp, mà tự nghiền và trộn màu trên tấm kính với cái chày thủy tinh. Ông nghiên cứu những đặc tính hóa học của các loại pigments mà trong đó có thể kể như lapis lazuli (đá thanh kim), cinnabar (chu sa), madder (thiên thảo), dragon's blood (huyết rồng), orpiment (hùng hoàng), từ đây ông nghiền chúng thành bột và hòa lẫn với dung môi và dầu để vẽ trên những tấm toan ông cẩn thận thu nhập, giặt, ủi rồi căng trên khung. Hơn cả 1 họa sĩ, ông thực sự là một nghệ nhân và quá trình vẽ một bức tranh với ông như một sự hành lễ. Quy trình vẽ của ông cũng từ tốn và cẩn thận để không làm hỏng tính trang nghiêm đó. Ông thường phác thảo kĩ với than chì hoặc sanguine, và lớp lót với lòng đỏ trứng egg tempera mà ông chia sẻ đấy là một kỹ thuật xém thất truyền- mischtechnik (mixed technique) mà các danh họa như Grünewald và Albrech Dürer từng sử dụng. Ông rất tự hào về việc gìn giữ kỹ thuật của người xưa, ông gọi tên một cách trịnh trọng và không quên thêm vào cum từ "cao quý" (noble) mỗi khi nhắc đến chúng.
Họa sĩ "ruột" của giáo sư / chính trị gia / nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng nhất Ý Vittorio Sgarbi - một nhân vật gây nhiều tranh cãi vì hay lên TV cãi lộn, nhưng ai lọt vào đôi mắt đen của ông, lại còn có tranh ở bảo tàng Museo della Follia thì coi như đã có chỗ đứng trong nền hội họa Ý đương đại. Điều này với Agostino có lẽ là một sự hợp tác trên danh nghĩa tình bạn và cộng sinh hơn là một nước đi vì danh vọng, bởi cá nhân ông từng tuyên bố trong một bài phỏng vấn rằng ông chẳng có việc gì muốn dây dưa trong giới văn nghệ sĩ. Những nhà sưu tầm, những phòng buôn tranh, những tay phê bình nghệ thuật như những vệ tinh xoay quanh dòng chảy của nghệ thuật mà theo thiển ý của ông thì nó phải được chảy như một dòng suối trong núi sâu, không gì được phép can thiệp vào.
Ông dành cả buổi sáng để thức dậy và thường vẽ vào giấc đêm, khi ông cảm nhận được màu xanh sâu thẳm nhất của lapis lazuli và vực sâu lạnh giá của bóng tối, âm thanh rì rầm của dòng sông, của mạch nước ngầm. Ông như Persephone lạc lối trong vương quốc của Hades, như Orpheus băng xuyên địa ngục.
Và từ đó thế giới kì dị của những giấc mơ bắt đầu.