Nhà cũ tôi ở gần nghĩa trang Certosa, nơi mà tôi yêu thích cho một chuyến rảo bộ khi sáng sớm và tới giờ đây khi bạn bè ghé thăm đôi khi vẫn dẫn đến, nếu họ không ngại cảm giác có phần ảm đạm và rùng rợn khi đi lòng vòng nơi hương hồn bao người an nghỉ. Certosa rất rộng lớn và được chia thành từng khu vực riêng biệt, cũng như cách ta phân lô bán đất cho người giàu kẻ nghèo nơi cõi trần vậy, nên gọi nó là thành phố của người đã khuất cũng không ngoa. Có khu vực của vương tôn quý tộc trang hoàng tượng cẩm thạch tinh xảo, đèn chùm pha lê, thơm ngát hương hoa, có khu vực của lính tử trận trong hai cuộc thế chiến, khu vực cho người bình thường nơi mỗi gia tộc có một hốc trong tường. Cũng có khu vực cho trẻ nhỏ, cho thai chết lưu, và cũng không ít những nấm mồ không tên...
Hồi còn ở gần đó, vào dịp đầu tháng 11 khi thế giới chơi Halloween tưng bừng thì ở Ý là ngày thăm người đã khuất. Chồng tôi không phải người Bologna nên không có ai để thăm viếng, nhưng đôi khi tôi vẫn thích ghé qua Certosa một buổi chiều thu, mua vài đóa hoa cúc, gửi tặng những nấm mồ hiu quạnh.
Vài năm trước, chồng tôi đọc cho tôi nghe bài thơ La livella (san bằng) của Totò - một diễn viên, biên kịch, nhà thơ người Ý. Đây là bài thơ nói về cái chết, nó giống như một cái xe ủi, bước qua ranh giới đó, giàu, nghèo, già, trẻ, cao sang, bần hàn… tất thảy bị san bằng.
Trong cõi vĩnh hằng, muôn loài bình đẳng.
Mình dịch thơ khá dở, nếu chuyển thành văn xuôi thì mượt hơn nhiều, nhưng vì tôn trọng nguyên tác của Toto nên mình cố
To a somber November.
Nghe Toto đọc La Livella tại đây: https://youtu.be/AZ8mrzSKzQs?si=fLtZucAHax62UtrH
------
SAN BẰNG (LA LIVELLA)
Ngày hai tháng mười một hằng năm
là dịp ta đến nghĩa trang thăm người đã khuất
Đây là thông tục ai cũng phải gìn giữ
Là chuyến hành hương vương vấn suy tư.
Năm nào cũng vậy, chính xác ngày này
Với nỗi buồn sầu và lòng thương nhớ
Tôi đến nghĩa trang cùng bó hoa tươi
Đặt lên mộ dì tôi, Vincenza đáng kính.
Nhưng năm nay một sự lạ đã xảy ra
ngay sau buổi viếng thăm thấm đẫm u sầu
Đức Mẹ ơi! Nhớ lại chân tay còn run rẩy
Lấy hết can đảm tôi mới trụ vững tại đây.
Đây là sự thật, anh hãy lắng nghe này
Tại nghĩa trang khi cận kề giờ đóng cửa
Thật chậm rãi tôi cất bước xoay lưng
Rồi bỗng nhiên tôi trông thấy hai nấm mồ
“Nơi đây an nghỉ hầu tước cao quý
Rovigo, Bullino, vùng đất ngài trị vì
qua đời năm ba mốt, ngày mười một tháng năm.
người anh hùng với nghìn chiến công kì vĩ."
Trên bia đá chạm vương miện xa hoa
Lập lòe ánh đèn trong hình hài thánh giá
danh sách dài người viếng cùng bó hồng tươi
sáu cây nến chen nhau tỏa soi lòng thành kính
Và ngay bên cạnh quý ngài đầy danh giá
Một nấm mồ nhỏ nhoi, điêu tàn và tơi tả
Bao năm trời lãng quên không bóng người thăm viếng
Xiêu vẹo cây thánh giá, không cả một cành hoa.
Tôi căng mắt soi dòng chữ mờ trên thánh giá
“Người gom rác… Esposito Gennaro”
Bỗng lòng tôi trào dâng nỗi buồn khôn tả
Không cả một ngọn nến cho người đã khuất xa.
“Đời là thế…” Tôi ngậm ngùi bâng khuâng
“Kẻ trắng tay, người ngập trong của cải”
Liệu kẻ đáng thương này có nhận thấy
Nơi bên kia thế giới hắn vẫn phận bần hàn?
Tôi chìm trong suy tư đến khi trời sập tối
Rồi bất thần nhận ra đã đến hồi nửa đêm
Cổng đã khép chặt, giam tôi trong ngục tối
Cùng bao người chết bên ánh nến bập bùng.
Rồi bất chợt từ xa tôi trông thấy
Hai cái bóng mờ đang tiến đến gần đây
“Điều gì đang xảy ra?” Tôi hoang mang tự hỏi
Là thực hay mơ? Hay trí tưởng tượng điên rồ?
Không phải mơ, chính là ngài hầu tước
Tay gậy, khăn vấn, áo choàng lướt thướt
Kế bên cạnh ông là dáng hình hôi thối
Với cây chổi trong tay, mỏi mệt lê bước.
“Đây đích thị Don Gennaro…”
Người gom rác, kẻ bần cùng khốn khổ
Khiến tôi bối rối trước khung cảnh dị thường
Họ đã chết rồi nhưng giờ bỗng hồi sinh?
Rồi thình lình khi cách tôi chỉ gang tay
Ngài hầu tước bỗng dừng chân rồi gõ gậy
Ông chầm chậm xoay lưng và cất giọng
Đối diện Don Gennaro, “Hỡi kẻ hèn này
Mau nói cho ta hay, tên khốn mạt hạng
Ngươi thật táo tợn và vô cùng can đảm
khi dám chôn xác hèn kế bên ta
một người cao quý, danh tiếng ngút ngàn?
Ngươi phải tuân theo thứ bậc và giai cấp
Lí trí, lòng tự trọng ngươi đã vất đi đâu?
Xác thối của ngươi đáng ra phải chôn cất
Cùng rác rưởi xà bần dưới một nắm đất!
Thánh thần ơi ta không chịu nổi nữa
phải ở cạnh tạo vật hôi hám tanh tưởi
ta yêu cầu ngươ đi tìm mộ huyệt khác
xa khuất mắt, nơi đồng bọn ngươi tụ tập!”
“Ôi hầu tước đáng kính, oan khuất cho tôi
Kẻ hèn mọn này làm sao dám đắc tội
Là mụ vợ tôi đã lo toang hậu sự
Thân tôi đã chết, chuyện thì đã rồi.
Nếu còn sống tôi sẽ thật nhanh tay
Vác áo quan cùng bốn khúc xương này
Tôi sẽ lăn ngay vào một mộ huyện khác
Nếu điều này khiến cho ngài thanh thản.”
“Vậy còn chờ gì nữa, hỡi phế vật đáng thương?
Ngươi còn muốn ta điên tiết đến nhường nào?
Nếu không vì những tước vị cao quý
Ta đã xuống tay đánh ngươi không khoan nhượng!”
“Này này… nếu ngài lên giọng hung hăng
Thì để tôi nói cho hầu tước đây rằng
Ngài thật phiền phức và tôi chẳng còn kiên nhẫn
Tôi quên rằng mình đã chết và chẳng sợ đau thương!
Ngài nghĩ ngài là ai? Là vĩ nhân? Hay thánh thần?
Nhìn cho rõ, chúng ta giờ khác gì nhau
Đều đã chết, thành tro tàn, nắm đất
Như giây phút ra đời, hai ta bình đẳng.”
“Con lợn ngu ngốc! Sao ngươi cả gan
so sánh ta với ngươi ngang hàng?
Dòng máu của ta cao sang và đáng kính
Ngay đấng vương tôn phải cúi mình trong tỵ hiềm.”
“Nhưng giờ ngài ở đây, qua bao dịp lễ suốt năm dài
Sao ngài cứng đầu không chịu hiểu ra
rằng ngài đang phát điên trong hoang tưởng
và rằng cái chết… san bằng tất cả?
Một vị vua, một hầu tước, những người vĩ đại
Khi bước qua cánh cổng này tất thảy tàn phai
Không chỉ cuộc đời mà tên họ cũng bị tước mất
Ngài đã bao giờ thử chiêm nghiệm điều này?
Hãy lắng nghe tôi… ngài đừng ngoan cố nữa
Hãy chịu đựng tôi, ngài chẳng mất mát gì…
Đây là trò cười cho những ai đang sống
Còn chúng ta, những linh hồn trầm mặc
thuộc về
cõi chết."
poetry
Bốn núi bủa vây, và những suy tưởng về số bốn /
Bốn núi là một trong bộ tranh Haiku tôi hợp tác cùng với Pháp Hoan, và cũng là một trong những bài tôi đặc biệt yêu thích với sự chiêm nghiệm ngày một tỏ tường hơn sau mỗi lần đọc lại. Haiku quả thực có một sức mạnh riêng của nó, vì chỉ vỏn vẹn ba dòng, đọc xong không cần đến mười giây, nhưng sự cô đọng đó chừa ra một khoảng trống, không chỉ giản đơn là phần còn lại của trang giấy mà cả trong lòng, để ta phải tìm một ý nghĩa riêng đặng lấp đầy nó. Mỏng mà nặng. Đây là một trong những tác phẩm thuộc về category đó.
Bốn núi bủa vây
một sáng thức dậy
thấy mình là cây.
-Pháp Hoan
Gần đây tôi có một số suy nghĩ về bài thơ này cũng như ý nghĩa đằng sau cụm từ “Bốn núi”
Số bốn trong văn hóa phương Đông là một con số kỳ lạ. Trước tiên, nó là một con số chứa đựng trật tự và sự tiếp diễn, trong tự nhiên ta có bốn mùa, một năm chia làm bốn quý, một tháng chia làm bốn tuần… Trong Nông Lịch - một loại lịch cổ xưa dựa theo những quan sát từ tự nhiên mà vùng Đông-Nam Á mà các nước chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa sử dụng - thì lại có thêm khái niệm về Thiên Can và Địa Chi cùng nhau hợp lại tạo thành Lục Thập Hoa Giáp là chu kỳ 60 năm, đây là một trong những tinh hoa không gì thay biến được trong văn hóa Á Đông và tới nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, quyết định phương hướng và thời gian, những dịp lễ hội, cúng kiến, cưới xin, sanh đẻ….
Nhưng ở đây tạm bỏ qua để tiếp tục diễn giải về số 4. Có 10 Thiên Can và 12 Địa Chi. 10 can này (canh, tân, nhâm, quý, giáp…) tượng trưng cho các số 0,1,2,3 và cũng chính là 10 năm, và mỗi chu kỳ của nó bắt đầu ở những năm tận cùng mang số 4, như 1984, 1994… Giáp Tý chính là năm khởi đầu cho một chu kỳ 60 năm mới. Trái Ngược với tư duy phương Tây khi khởi đầu thường được gắn với số 1 thì trong Lục Thập Hoa Giáp số 4 (hành Mộc, tính dương) mới chính là khởi nguồn.
Kinh dịch diễn giải, "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng". Trong tư duy phương Bắc nơi mà thành tố âm - dương là nền tảng cho mọi suy tưởng, rằng vũ trụ và vạn vật sản sinh từ “lưỡng nghi” phân đôi thuần túy và do đó số chẵn được ưu ái, thì hẳn nhiên số 4 một lần nữa trở thành một biểu tượng quan trọng do gắn liền với tứ linh. Dễ thấy những cụm từ như tứ sinh, tứ chính, tứ quý, tứ trụ, tứ mã,... Nói tóm lại, số 4 là một con số không hề tầm thường mà dường như sở hữu một sức mạnh chi phối quy luật vận hành của tự nhiên mà con người đúc kết ra sau nghìn năm cộng sinh, quan sát cách thế giới xoay vòng. Nếu nói số 4 sở hữu thần khí trong nó hẳn cũng không ngoa.
Tuy nhiên trong thực tế thì số 4 lại là con số người Á Đông sợ hãi nhất, bởi cách phát âm của nó gần với cái chết (Tử). Rất nhiều bệnh viện, chúng cư ở Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc… loại bỏ hẳn tầng 4, và các tầng có mang số 4 vì khi con số 4 không đứng một mình nó còn tiềm ẩn những thông điệp đáng sợ hơn. Ví dụ như số 14 đọc lên nghe như "muốn / sắp chết" (要死), và 74 như "chắc chắn sẽ chết" hoặc "sẽ chết trong giận dữ "(氣死).
Theo ảnh này, thì từ nguyên của số 4 四 có khởi thủy từ Giáp Cốt Văn 甲骨文 - một loại cổ thư Trung Quốc từ thời Ân - Thương (1766 - 1122 TCN) được viết trên mai rùa (Giáp) và xương thú (Cốt). Ban đầu thì số 4 được viết đơn giản chỉ gồm bốn nét hoành, sau đó thì vay mượn từ “hơi thở” - hình tượng hóa một sống mũi đang thực hành sự thở - và sau thời gian dài sử dụng, “mượn mà không trả” thì số 4 đã chính thức được viết thành 四 cho đến nay.
Trong Thế giới Mật Tông (1), Osho đã đề cập đến sự thở như một nhịp cầu dẫn đến vũ trụ.
Tantra: “Hơi thở ra là sự chết. Hơi thở vào là tái sinh. Hơi thở vào được sinh ra lần nữa, và hơi thở ra lại mang ta về cõi chết.”
Hãy hiểu hơi thở dừng lại, bạn đang chết. “Bạn vẫn đang là nhưng bạn chết”, chết trong khoảnh khắc. Thời gian của một đời người rất ngắn ngủi. Chỉ trong một hơi thở và không bao giờ biết được rằng: “Mình đã chết bao nhiêu lần trong quá khứ, đang chết bao nhiêu lần trong hiện tại và tiếp diễn bao nhiêu lần như thế trong tương lai.”…
Hơi thở ra đồng nghĩa với sự chết. Hơi thở vào đồng nghĩa với tái tạo. Trong mỗi hơi thở có đầy đủ sự sống và sự chết. Cái chết hiện hữu trong mỗi sát na, mỗi khoảng cách; còn khoảng giữa hai hơi thở là đời sống ngắn ngủi.
-Osho
Như vậy, là hiển nhiên hoặc không, hàm chứa trong số bốn với thanh âm nhắc nhở ta về cái chết, là hơi thở, là một vòng tròn liên tục và tuần hoàn của sinh và diệt.
Trong Phật học, vạn vật sinh ra đã mang trong mình Bốn nỗi khổ lớn: sinh, lão, bệnh, tử. Đây là lẽ tự nhiên và là quy luật cuộc đời không ai thoát khỏi. Có lẽ không chỉ con người và vạn vật trên Địa Cầu mà cả vũ trụ bao la này. Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Từ đâu sự sống hiển hiện rồi sinh sôi? Từ đâu thái dương hệ thành hình? Ở trung tâm sự sống là một hố đen hủy diệt. Những hành tinh và mặt trời trẻ trung tỏa sáng rực rỡ rồi sẽ có ngày già đi và tàn lụi. Vật chất tự thân nó đã chứa đựng phản vật chất. Trong một tương lai xa xăm khôn cùng mà thân phận con người bé nhỏ không thể khái quát nổi, vũ trụ rồi sẽ chìm vào trong băng giá và lặng yên, một giấc ngủ dài sâu tịch huyền. Cái chết.
Ở trên ta đã đọc về từ nguyên của số Bốn 四 và rõ ràng nó là khắc họa, tượng hình hóa hình ảnh sống mũi và sự thở. Nhưng trong Hán tự hiện đại, thì số Bốn 四 trông giống như chữ Nhân 人 bị nhốt chặt trong một hình vuông. Nói cách khác, con người sinh ra đã bị trói chặt trong Bốn nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử và không có cách nào anh ta có thể trốn chạy khỏi nó.
Tuy nhiên, vì có nỗi khổ tồn tại nên con người mới đi tìm sự cứu rỗi. Bên cạnh cái chết là tái sinh, nỗi khổ chính là tiền đề của Phật Giáo, hoàng tử Gautama Siddhartha vì muốn thoát khỏi KHỔ nên mới từ bỏ ngai vàng đi bôn ba khắp nơi. Trong hành trình tìm sự khai sáng, Đức Phật đã có bốn lần gặp gỡ: một người già, một người bệnh, một xác chết, và rồi một thiền sư dưới một gốc cây. Ngài đã suy tưởng về tuổi già, bệnh tật, cái chết, rồi ngồi xuống thiền định cùng nhà sư này. Trốn chạy khỏi cuộc sống không phải là cách để thoát khỏi luân hồi, mà chỉ có đối diện với nó, tu tập, thực hành một cuộc sống đầy tình thương và lòng trắc ẩn mới cứu rỗi được linh hồn con người. Vậy là bên cạnh bốn nỗi thống khổ, ta cũng có bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế - là kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật và cũng là cái gốc của Phật Giáo.
Bản thân chữ Nhân 人 cũng là một chữ vô cùng đơn giản cổ xưa từ thời Giáp Cốt Văn cho đến nay vẫn được viết như vậy, không có nhiều thay đổi. Chỉ khác là trong Giáp Cốt Văn thực tế lấy từ góc nhìn nghiêng của một con người, tay rủ trước người cúi khom lưng, chiếu từ xung quanh thì dễ thấy đây là hình dáng thường ngày của con người chúng ta, càng trưởng thành càng chùng xuống. Vì lao tâm khổ tứ và dưới sức nặng của thời gian, tuổi tác.
Theo Chiếu Viễn (2), kết cấu chữ Nhân gồm một nét phẩy và một nét mác. Phía bên trái là dương, bên phải là âm, do vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải hợp thành chữ Nhân 人. Trong thuyết Âm Dương, tinh thần con người thuộc về tính Dương, đối nghịch với thể xác thuộc về Âm. Trong niềm tin của các nước Á Đông thì thể xác chỉ như một vật chứa đựng, có thể bị tổn thương, bị hủy hoại, rã thành đất cát, còn tinh thần hay linh hồn mới là chủ thể, quyết định Ta chính là Ta. Không chỉ những bậc thánh hiền Đông Phương mà trong cả Tây Phương đều đồng thuận rằng một cuộc sống viên mãn không được quyết định bằng vật chất mà chính một đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú mới là cái mang đến cho ta hạnh phúc đích thực. Chiếu theo tháp Maslow, nơi đáy tháp là những nhu cầu hằng ngày giúp thân thể sinh hoạt, tồn tại, và nơi đỉnh tháp chính là Tỉnh Thức - khi ta muốn đạt đến cảnh giới cao cả nhất trong cuộc đời. Đấy mới chính là Đắc đạo.
Khi một con người không còn ham muốn học hỏi mà chỉ chạy theo tiền tài, danh vọng, đuổi theo những ham muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân đến mức suy đồi đạo đức thì tự bản thân họ đã từ bỏ đi Đạo làm Người. Chữ Người 人 bị đảo ngược, tạo thành chữ Nhập 入.
“Nhập” chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt, cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.
Như vậy, hàm trong Tứ 四 là Nhập? Hay Nhân? Là con người bị trói buộc trong Khổ Tứ - sinh, lão, bệnh, tử hay đang được bao bọc trong bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế, để cuối cùng bứt mình khỏi luân hồi, tan biến vào hư không, đến sự cứu tuyệt rỗi đối?
Bốn núi bủa vây theo cảm nhận của tôi chính là bốn bức tường trong số Bốn. Một con người bơ vơ giữa thung lũng, nhìn lên trời xanh, đôi tay anh đã bao lần trèo lên vách đá đến chai sần nhưng vô vọng.
Hóa thành cây. Từ bỏ đi hơi thở. Từ bỏ đi những tham, sân, si, những gì trói buộc ta với hồng trần để tâm thân thanh thản cùng thiền định, chính là cánh cửa để bước ra khỏi thung lũng đó.
Bài viết có tham khảo tài liệu
(1)Thế giới Mật điển (Osho)
(2) Chiết tự chữ Nhân từ tác giả Chiếu Viễn