My Randomness

Bốn núi bủa vây, và những suy tưởng về số bốn by Phuong Nguyen

“Bốn núi”, ink wash and sumi on tea-dyed paper, 2020

“Bốn núi”, ink wash and sumi on tea-dyed paper, 2020

Bốn núi là một trong bộ tranh Haiku tôi hợp tác cùng với Pháp Hoan, và cũng là một trong những bài tôi đặc biệt yêu thích với sự chiêm nghiệm ngày một tỏ tường hơn sau mỗi lần đọc lại. Haiku quả thực có một sức mạnh riêng của nó, vì chỉ vỏn vẹn ba dòng, đọc xong không cần đến mười giây, nhưng sự cô đọng đó chừa ra một khoảng trống, không chỉ giản đơn là phần còn lại của trang giấy mà cả trong lòng, để ta phải tìm một ý nghĩa riêng đặng lấp đầy nó. Mỏng mà nặng. Đây là một trong những tác phẩm thuộc về category đó.

Bốn núi bủa vây

một sáng thức dậy

thấy mình là cây.

-Pháp Hoan

Gần đây tôi có một số suy nghĩ về bài thơ này cũng như ý nghĩa đằng sau cụm từ “Bốn núi”

Số bốn trong văn hóa phương Đông là một con số kỳ lạ. Trước tiên, nó là một con số chứa đựng trật tự và sự tiếp diễn, trong tự nhiên ta có bốn mùa, một năm chia làm bốn quý, một tháng chia làm bốn tuần… Trong Nông Lịch - một loại lịch cổ xưa dựa theo những quan sát từ tự nhiên mà vùng Đông-Nam Á mà các nước chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa sử dụng - thì lại có thêm khái niệm về Thiên Can Địa Chi cùng nhau hợp lại tạo thành Lục Thập Hoa Giáp là chu kỳ 60 năm, đây là một trong những tinh hoa không gì thay biến được trong văn hóa Á Đông và tới nay vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày, quyết định phương hướng và thời gian, những dịp lễ hội, cúng kiến, cưới xin, sanh đẻ….

Nhưng ở đây tạm bỏ qua để tiếp tục diễn giải về số 4. Có 10 Thiên Can và 12 Địa Chi. 10 can này (canh, tân, nhâm, quý, giáp…) tượng trưng cho các số 0,1,2,3 và cũng chính là 10 năm, và mỗi chu kỳ của nó bắt đầu ở những năm tận cùng mang số 4, như 1984, 1994… Giáp Tý chính là năm khởi đầu cho một chu kỳ 60 năm mới. Trái Ngược với tư duy phương Tây khi khởi đầu thường được gắn với số 1 thì trong Lục Thập Hoa Giáp số 4 (hành Mộc, tính dương) mới chính là khởi nguồn.

Kinh dịch diễn giải, "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng". Trong tư duy phương Bắc nơi mà thành tố âm - dương là nền tảng cho mọi suy tưởng, rằng vũ trụ và vạn vật sản sinh từ “lưỡng nghi” phân đôi thuần túy và do đó số chẵn được ưu ái, thì hẳn nhiên số 4 một lần nữa trở thành một biểu tượng quan trọng do gắn liền với tứ linh. Dễ thấy những cụm từ như tứ sinh, tứ chính, tứ quý, tứ trụ, tứ mã,... Nói tóm lại, số 4 là một con số không hề tầm thường mà dường như sở hữu một sức mạnh chi phối quy luật vận hành của tự nhiên mà con người đúc kết ra sau nghìn năm cộng sinh, quan sát cách thế giới xoay vòng. Nếu nói số 4 sở hữu thần khí trong nó hẳn cũng không ngoa.

Tuy nhiên trong thực tế thì số 4 lại là con số người Á Đông sợ hãi nhất, bởi cách phát âm của nó gần với cái chết (Tử). Rất nhiều bệnh viện, chúng cư ở Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc… loại bỏ hẳn tầng 4, và các tầng có mang số 4 vì khi con số 4 không đứng một mình nó còn tiềm ẩn những thông điệp đáng sợ hơn. Ví dụ như số 14 đọc lên nghe như "muốn / sắp chết" (要死), và 74 như "chắc chắn sẽ chết" hoặc "sẽ chết trong giận dữ "(氣死).

Tu

Theo ảnh này, thì từ nguyên của số 4 四 có khởi thủy từ Giáp Cốt Văn 甲骨文 - một loại cổ thư Trung Quốc từ thời Ân - Thương (1766 - 1122 TCN) được viết trên mai rùa (Giáp) và xương thú (Cốt). Ban đầu thì số 4 được viết đơn giản chỉ gồm bốn nét hoành, sau đó thì vay mượn từ “hơi thở” - hình tượng hóa một sống mũi đang thực hành sự thở - và sau thời gian dài sử dụng, “mượn mà không trả” thì số 4 đã chính thức được viết thành 四 cho đến nay.

Trong Thế giới Mật Tông (1), Osho đã đề cập đến sự thở như một nhịp cầu dẫn đến vũ trụ.

Tantra: “Hơi thở ra là sự chết. Hơi thở vào là tái sinh. Hơi thở vào được sinh ra lần nữa, và hơi thở ra lại mang ta về cõi chết.”


Hãy hiểu hơi thở dừng lại, bạn đang chết. “Bạn vẫn đang là nhưng bạn chết”, chết trong khoảnh khắc. Thời gian của một đời người rất ngắn ngủi. Chỉ trong một hơi thở và không bao giờ biết được rằng: “Mình đã chết bao nhiêu lần trong quá khứ, đang chết bao nhiêu lần trong hiện tại và tiếp diễn bao nhiêu lần như thế trong tương lai.”…

Hơi thở ra đồng nghĩa với sự chết. Hơi thở vào đồng nghĩa với tái tạo. Trong mỗi hơi thở có đầy đủ sự sống và sự chết. Cái chết hiện hữu trong mỗi sát na, mỗi khoảng cách; còn khoảng giữa hai hơi thở là đời sống ngắn ngủi.

-Osho

Như vậy, là hiển nhiên hoặc không, hàm chứa trong số bốn với thanh âm nhắc nhở ta về cái chết, là hơi thở, là một vòng tròn liên tục và tuần hoàn của sinh và diệt.

Trong Phật học, vạn vật sinh ra đã mang trong mình Bốn nỗi khổ lớn: sinh, lão, bệnh, tử. Đây là lẽ tự nhiên và là quy luật cuộc đời không ai thoát khỏi. Có lẽ không chỉ con người và vạn vật trên Địa Cầu mà cả vũ trụ bao la này. Thành - Trụ - Hoại - Diệt. Từ đâu sự sống hiển hiện rồi sinh sôi? Từ đâu thái dương hệ thành hình? Ở trung tâm sự sống là một hố đen hủy diệt. Những hành tinh và mặt trời trẻ trung tỏa sáng rực rỡ rồi sẽ có ngày già đi và tàn lụi. Vật chất tự thân nó đã chứa đựng phản vật chất. Trong một tương lai xa xăm khôn cùng mà thân phận con người bé nhỏ không thể khái quát nổi, vũ trụ rồi sẽ chìm vào trong băng giá và lặng yên, một giấc ngủ dài sâu tịch huyền. Cái chết.

Ở trên ta đã đọc về từ nguyên của số Bốn 四 và rõ ràng nó là khắc họa, tượng hình hóa hình ảnh sống mũi và sự thở. Nhưng trong Hán tự hiện đại, thì số Bốn 四 trông giống như chữ Nhân 人 bị nhốt chặt trong một hình vuông. Nói cách khác, con người sinh ra đã bị trói chặt trong Bốn nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử và không có cách nào anh ta có thể trốn chạy khỏi nó.

Tuy nhiên, vì có nỗi khổ tồn tại nên con người mới đi tìm sự cứu rỗi. Bên cạnh cái chết là tái sinh, nỗi khổ chính là tiền đề của Phật Giáo, hoàng tử Gautama Siddhartha vì muốn thoát khỏi KHỔ nên mới từ bỏ ngai vàng đi bôn ba khắp nơi. Trong hành trình tìm sự khai sáng, Đức Phật đã có bốn lần gặp gỡ: một người già, một người bệnh, một xác chết, và rồi một thiền sư dưới một gốc cây. Ngài đã suy tưởng về tuổi già, bệnh tật, cái chết, rồi ngồi xuống thiền định cùng nhà sư này. Trốn chạy khỏi cuộc sống không phải là cách để thoát khỏi luân hồi, mà chỉ có đối diện với nó, tu tập, thực hành một cuộc sống đầy tình thương và lòng trắc ẩn mới cứu rỗi được linh hồn con người. Vậy là bên cạnh bốn nỗi thống khổ, ta cũng có bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế - là kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật và cũng là cái gốc của Phật Giáo.

unnamed (2).jpg

Bản thân chữ Nhân 人 cũng là một chữ vô cùng đơn giản cổ xưa từ thời Giáp Cốt Văn cho đến nay vẫn được viết như vậy, không có nhiều thay đổi. Chỉ khác là trong Giáp Cốt Văn thực tế lấy từ góc nhìn nghiêng của một con người, tay rủ trước người cúi khom lưng, chiếu từ xung quanh thì dễ thấy đây là hình dáng thường ngày của con người chúng ta, càng trưởng thành càng chùng xuống. Vì lao tâm khổ tứ và dưới sức nặng của thời gian, tuổi tác.

Theo Chiếu Viễn (2), kết cấu chữ Nhân gồm một nét phẩy và một nét mác. Phía bên trái là dương, bên phải là âm, do vậy nét phẩy bên trái, nét mác bên phải hợp thành chữ Nhân 人. Trong thuyết Âm Dương, tinh thần con người thuộc về tính Dương, đối nghịch với thể xác thuộc về Âm. Trong niềm tin của các nước Á Đông thì thể xác chỉ như một vật chứa đựng, có thể bị tổn thương, bị hủy hoại, rã thành đất cát, còn tinh thần hay linh hồn mới là chủ thể, quyết định Ta chính là Ta. Không chỉ những bậc thánh hiền Đông Phương mà trong cả Tây Phương đều đồng thuận rằng một cuộc sống viên mãn không được quyết định bằng vật chất mà chính một đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú mới là cái mang đến cho ta hạnh phúc đích thực. Chiếu theo tháp Maslow, nơi đáy tháp là những nhu cầu hằng ngày giúp thân thể sinh hoạt, tồn tại, và nơi đỉnh tháp chính là Tỉnh Thức - khi ta muốn đạt đến cảnh giới cao cả nhất trong cuộc đời. Đấy mới chính là Đắc đạo.

Khi một con người không còn ham muốn học hỏi mà chỉ chạy theo tiền tài, danh vọng, đuổi theo những ham muốn thỏa mãn dục vọng cá nhân đến mức suy đồi đạo đức thì tự bản thân họ đã từ bỏ đi Đạo làm Người. Chữ Người 人 bị đảo ngược, tạo thành chữ Nhập 入.

“Nhập” chính là: nhập mê, nhập vào dục vọng, nhập vào ngu dốt, cuối cùng tiến nhập vào địa ngục.

Như vậy, hàm trong Tứ 四 là Nhập? Hay Nhân? Là con người bị trói buộc trong Khổ Tứ - sinh, lão, bệnh, tử hay đang được bao bọc trong bốn chân lý cao cả - Tứ Diệu Đế, để cuối cùng bứt mình khỏi luân hồi, tan biến vào hư không, đến sự cứu tuyệt rỗi đối?

Bốn núi bủa vây theo cảm nhận của tôi chính là bốn bức tường trong số Bốn. Một con người bơ vơ giữa thung lũng, nhìn lên trời xanh, đôi tay anh đã bao lần trèo lên vách đá đến chai sần nhưng vô vọng.

Hóa thành cây. Từ bỏ đi hơi thở. Từ bỏ đi những tham, sân, si, những gì trói buộc ta với hồng trần để tâm thân thanh thản cùng thiền định, chính là cánh cửa để bước ra khỏi thung lũng đó.


Bài viết có tham khảo tài liệu

(1)Thế giới Mật điển (Osho)

(2) Chiết tự chữ Nhân từ tác giả Chiếu Viễn

Sự tái sinh của Akanemaru by Phuong Nguyen

131888869_5242791435734887_7106886927016528309_o.jpg

Akanemaru là một nhà sư lang bạt khắp Nhật Bản với đam mê khắc nên một tuyệt tác để đời, vào một đêm định mệnh, anh đã bị cướp phế một tay. Mất đi bàn tay dùng để điêu khắc, anh không còn thiết sống, nhưng anh đã tìm lại được nghị lực sau khi một nhà sư cho anh xem những bức tượng trong sân chùa, được đúc thành hình nhờ hạt nước rơi trong im ắng, đều đặn đã ngàn năm. Anh ở lại chùa rèn luyện đôi tay, và một lần nữa sau nhiều năm nỗ lực, anh trở thành điêu khắc gia nổi tiếng. Trong hành trình đi tìm Phượng Hoàng để khắc nên bức tượng cho Thiên hoàng với cái án tử treo trên đầu, giữa một cơn hưng cảm anh đã khắc nên bức tượng Quan Âm giữa thị chúng với người mẫu là cô gái đầu đường xó chợ Buchi (hơi giống Caravaggio đã vẽ nên Madonna qua hình ảnh người tình cuối của ông - 1 cô gái làng chơi. Sự cao quý, mỉa mai thay lại mượn hình dáng kẻ thấp hèn nhất trong xã hội đương thời)

Bức tượng Quan Âm này cũng như tài năng của Akanemaru đã được một Quan đại thần tên Kibi để mắt đến, ông cứu Akanemaru khỏi án tử trong gang tấc, đổi lại cho bức Quan Âm và rằng anh phải trung thành tuyệt đối dưới trướng ông. Sau đó ông cho anh vào kho bảo vật để tìm manh mối về Phượng Hoàng, và tại đây anh đã nhìn thấy những tái sinh của chính mình. Thành một con phù du trôi dạt trên biển lớn, rồi một con rùa sống ở sông Trường Giang, cho đến ngày con người bắt anh lên làm thịt, đánh cái mai anh thành chiếc lược, chấm dứt trăm năm phận rùa. Linh hồn thoát ra, nhập vào một quả trứng, nở thành một con chim nhỏ, tại kiếp này, anh được gặp Phượng Hoàng.

131892436_5242791869068177_7552661466565828849_o.jpg
131928043_5242793235734707_6221432398505617502_o.jpg

Akanemaru thức dậy khỏi giấc mơ về hậu kiếp, hình ảnh Phượng Hoàng rực rỡ còn in dấu trong mắt, và anh đã khắc nên một bức tượng sống động rất vừa lòng Thiên Hoàng và sự nghiệp anh từ đấy cất cánh bay cao. Anh trở nên tự mãn, tham lam quyền lực, không còn màng đến chính nghĩa, cho đến ngày anh gặp lại Buchi, cô gái đầu đường xó chợ từng là hình mẫu cho Quan Âm hôm nào. Cô nhắc anh nhớ lại sự xảo quyệt chốn công đường đã chia rẽ tình cảm hai người, và giờ đây anh lại về dưới trướng vị tướng từng đánh cô què quặt. Anh tự hỏi Akanemaru của ngày xưa ở đâu? Niềm đam mê khắc tượng đã từng khiến thời gian như ngưng đọng khi anh khắc Quan Âm phải chăng đã tan biến? Rồi anh gặp lại Gaou - tay tướng cướp đã chặt một tay của anh - y đã trả giá cho những tội ác của mình, hoàn lương, và nay là một cao thủ khắc tượng với tài năng không thua kém gì Akanemaru. Họ bị buộc phải so tài trước sự chứng giám của hoàng cung. Và Akanemaru, vì không chấp nhận thua cuộc trước Gaou đã đem chuyện xưa kể lại, chặt cụt tay của Gaou để trả thù. Trái tim thanh cao của anh giờ nhuốm đầy hận thù và tham vọng. Rồi ngày tận đến, anh chết cháy khi cố gắng cứu bảo tượng từ trong đám lửa, Phượng Hoàng đến bên anh, bảo đã đến lúc anh phải về bên nó. Anh vẫn còn cố sức làm người, anh van vỉ xin ông trời hãy cho anh được làm con người ở kiếp sau để tiếp nối những gì kiếp này chưa hoàn thành. Phượng hoàng chỉ cười đáp lại, lộ trình làm người của ngươi đã kết thúc rồi, Akanemaru. Từ nay đến tận cùng và tận cùng của thời gian, ngươi sẽ đi qua nhiều kiếp tái sinh, nhưng sẽ không bao giờ được làm con người nữa.

Và rồi Akanemaru cháy rụi, tất cả còn lại, chỉ là một cái sọ trắng.


Nguyên tác : Hi no Tori by Osamu Tezuka

San Lorenzo al Mare by Phuong Nguyen

110743192_4522316374449067_4541646307106776511_o.jpg

San Lorenzo al mare, một chiều mùa hè

109933654_4522316814449023_3378406399947059752_o.jpg
109939391_4522317034449001_7229843088080172273_o.jpg

Những làng ven biển Liguria có bảng màu nhìn thật thích mắt: cam san hô, hồng nhạt, vàng quả mơ, cửa sổ xanh lục trầm, đối diện màu xanh của biển và trời, của lá và hoa. Cả thị trấn cùng chung một màu áo, không ai muốn trội hơn ai. Bước qua những khung cảnh này thấy tim mình đập khác hẳn, bởi màu sắc có ảnh hưởng đến cảm xúc thật mà nhưng mình không có từ ngữ để diễn đạt sự hài hoà êm ái này.

Cái sào phơi đồ của một người không quen nhìn thôi đã thấy dạt dào cảm tình. Xanh mướt và đầy hoa.

Vũ trụ by Phuong Nguyen

104638772_4379702418710464_7636820534704879294_o.jpg

Hỗn loạn và rực rỡ

Vũ trụ qua lăng kính X-ray, lộng lẫy như một giấc mơ ...

Kính thiên văn eROSITA của Nga và Đức bắt đầu hoạt động từ tháng 7 năm rồi và đến tháng 12, nó chính thức chạm đến ngưỡng xa nhất trong dải ngân hà, 900 triệu dặm tính từ đây. Sau đó, thêm 182 ngày chầm chậm xoay vòng, bảy chiếc máy ảnh ghi lại tất cả hoạt động của vũ trụ sâu thẳm. Hơn một triệu nguồn năng lượng đang rực cháy và toả nhiệt được phát hiện, những ngôi sao mới vừa sinh ra, bụi khí nóng rực, nghĩa địa sao với tàn dư supernova và nhộn nhịp nhất là vô số hố đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà đang ngấu nghiến nuốt chửng những hành tinh ở gần đó.

Hồi xem timelapse về tương lai của vũ trụ, mình rất ấn tượng với câu nói, "Our universe gives life only a brief moment to shine - a haven in time, safe from its fiery birth and icy death."

Vũ trụ của chúng ta vẫn đang là một đứa trẻ sơ sinh.