Bộ tranh Haiku ra đời trong một hoàn cảnh khác thường.
Đó là khi nước Ý - nơi đầu tiên ở Châu Âu mà covid càn quét - đang chìm trong đại dịch. Khi đó ta chưa thực rõ cái đang khiến người chết như ngả rạ ấy là cái gì, con người ta hoảng loạn tích trữ thực phẩm và tháo chạy khỏi tâm dịch. Rồi đùng một cái thủ tướng ra sắc lệnh national lockdown, không ai được rời khỏi nhà. Gần 80 ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường chật chội, đợi đến đêm ngóng xem Tivi thống kê số ca nhiễm mà tuyệt vọng, không biết khi nào thảm kịch này mới chấm dứt.
Giữa lúc tăm tối ấy mình tình cờ tìm thấy những bài Haiku của Pháp Hoan và thời gian vẽ những bức tranh này như cánh cửa đưa mình đi ra khỏi bốn bức tường chật chội ấy. Bài đầu tiên mình đọc thấy chính là "Tám vạn bốn nghìn cây"
Dưới chân núi phía Tây
tôi đi vào chốn ấy
tám vạn bốn nghìn cây.
Mình đã rất xúc động với ba dòng đơn giản đó. Pháp Hoan viết về cảm giác của bản thân giữa khu rừng tôn giáo, nhưng với cá nhân mình khi đó chỉ vừa bước chân vào nghiệp vẽ thì nó cũng rất trúng tim đen. Đứng trước vô vàn ngã rẽ của nghệ thuật, nơi bao nhiêu người tìm cách khẳng định vị trí bản thân và phong cách cá nhân, mình nhìn thấy sự hối hả, sự hoang mang, khao khát và đôi khi là chán nản trong lòng. Khi đó mình cảm giác như đã va phải một bức tường, và hành trình vẽ bộ Haiku chính là một con đường mòn khuất giữa hàng cây để mình vượt qua bức tường đó. Mình chợt nhận ra có lẽ mình đã cố gắng đuổi bắt những gì đang thịnh hành mà quên mất trái tim thực sự mong muốn điều gì.
Nhưng mình cũng biết rằng đột ngột thay đổi phong cách là một sự mạo hiểm rất lớn. Và quyết tâm rẽ hướng này có lẽ đến từ một lời từ chối. Người chủ một phòng tranh ở Roma nói họ có hứng thú với mình, nhưng họ chỉ invest vào những nghệ sĩ có phong cách ổn định, và họ muốn nhìn thấy sự ổn định đó. Bức tranh họ muốn mình tái hiện thành một bộ đó lại là một trong những bức tranh mình vẽ khi còn non tay vào đầu năm 2018. Nếu muốn nắm lấy cơ hội này, mình sẽ phải quay lại đằng sau bức tường rồi băng ngược về điểm khởi đầu.
Cuối cùng mình để cơ hội ấy sượt qua. Mình muốn đi tiếp. Dù phía trước là mênh mông vô định, không biết điều gì đang chờ đợi, mình muốn đi tiếp.
Nhìn lại bốn năm qua, mình thấy một sự thay đổi rất lớn trong cách vẽ và những suy tư về việc vẽ. Nghĩ lại thật vui, khi đó mình đã không vì muốn an phận mà quay đầu.
Và điều tuyệt nhất khi băng rừng trên con đường mòn đó là gặp được những người bạn đồng hành cùng tâm tư, những quả ngọt bé nhỏ dọc đường, và đôi khi mở ra trước mặt là một cảnh tượng đẹp đẽ choáng ngợp, càng đẹp hơn vì chúng đến như một sự bất ngờ, khi trong lòng không nặng trĩu mong chờ.
Đường còn dài, không vội, giữ nhịp, cứ đi rồi sẽ đến.