Enso / by Phuong Nguyen

Thử giấy mới. Washi dâu tằm.

Nhận ra khác biệt rất lớn giữa giấy phương Đông vs phương Tây, và sự khác biệt này có lẽ liên quan mật thiết với nhu cầu địa phương và tư tưởng về mỹ học tại nơi nó được sinh ra.

Lấy một ví dụ nhỏ như hình tròn. Đại diện cho sự hoàn hảo tuyệt đối của phương Tây là đường tròn của Giotto, một đường tròn vành vạnh được vẽ hoàn toàn bằng tay không cần công cụ trợ giúp. Vào những năm 1300, Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII mong muốn tìm người hoạ sĩ tài hoa nhất để thực hiện bức tranh chân dung của mình, ông đã gửi đại sứ đi khắp nơi để tuyển chọn người tài. Một thời gian sau, đại sứ quay về và trình bày trước Giáo Hoàng những tác phẩm tuyệt đẹp được tạo nên tỉ mỉ công phu bởi vô số các hoạ sĩ lừng danh. Tuy nhiên Giáo Hoàng đã bị thu hút bởi bức vẽ đơn giản chỉ độc một hình tròn. Đại sứ giải thích, đây là tác phẩm của Giotto trẻ tuổi, khi được yêu cầu hãy vẽ một bức tranh chứng tỏ tài năng của nhà ngươi, Giotto đã cầm lên một mẩu chì, lẳng lặng vén gấu áo rồi vẽ ra một hình tròn hoàn hảo mà không cần compa. Giáo Hoàng nghe vậy liền nhận ra Giotto chính là người ông đang tìm kiếm, một tài năng siêu việt với đôi tay khéo léo điêu luyện.

Phương Đông cũng có một đường tròn khác tên gọi Ensō. Tuy nhiên cái mà Ensō biểu hiện không phải là sự hoàn hảo mà ngược lại, cái đẹp tìm thấy trong sự bất toàn. Ensō thường được vẽ bằng tay, cũng giống như Giotto, nhưng nó hiếm khi tròn vành vạnh mà hơi méo một chút. Bên trong ranh giới của đường tròn đó là sự lĩnh ngộ về vạn vật và cái Không. Tùy vào tâm tư người vẽ, nó có thể đóng hoặc mở, và một đường tròn Ensō đẹp nhất thường được vẽ ra từ một cây cọ đã cũ tả tơi, đầu cọ chẻ ra như cái chổi, những nét mực đứt gãy tự nhiên càng nhấn mạnh thêm sự bất toàn mà nó đang hướng đến. Nếu như đường tròn của Giotto là sự tập trung cao độ để rèn luyện kỹ năng đến mức siêu việt nhằm vẽ được cái khó dường như bất khả, thì Ensō chính là sự buông lỏng bản thân, sáng tạo trong tâm thế rỗng không.

Hai luồng tư tưởng về sự hoàn hảo / bất toàn này đã phủ bóng không chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà cả công cụ được làm ra để phục vụ cho việc tạo thành những tác phẩm đó. Nếu giấy của phương Tây đồng nhất, dày dặn cứng cáp, phẳng lì và khá nặng, cầm vô là thấy chắc chắn thì giấy phương Đông mỏng manh, nhẹ như không, bề mặt có phần thô ráp và thưa, nhìn rõ thớ giấy, lượng hồ trong giấy cũng rất tiết chế để mực thấm và loang một cách tự nhiên. Một số loại giấy phương Tây khá nặng có thể lên đến hơn 800gsm, nhưng với washi, nặng nhất mình tìm thấy là khoảng 100gsm, và đây là loại giấy chỉ mới được làm ra sau này với công thức đặc biệt chịu ảnh hưởng từ phương Tây.

Cầm tờ washi mỏng manh, nắng rọi xuyên thấu mà thấy có chút bất ngờ vì xưa nay đã quen những tấm giấy dày và nặng. Cảm giác có thể xé toạc nó mà không dụng sức. Nhưng washi cũng được dùng để lót cửa shoji, làm dù truyền thống che nắng che mưa nên bản chất nó cũng rất bền vững không thua kém gì giấy phương Tây. Cần phải thử nhiều hơn để quen với cảm giác mới này.

Tờ washi mình mua cũng khá tốt rồi nhưng vẫn chưa phải loại thượng hạng nhất. Loại giấy chuyên dụng để vẽ tranh truyền thống nihonga với công thức đã tồn tại từ nghìn năm nhìn giá mà suýt ngất. 120€ cho một tờ giấy mỏng tang, nặng chưa đến 100gsm.