"Trăm năm cô đơn"
Dương Thùy Dương, sơn dầu trên toan, 160 x 120cm.
Trong loạt tranh "The Humanimal", 2019
-
Tôi tìm thấy tranh của chị Dương sau triển lãm "Những hành tinh của Agnes" trên mạng và gần như ngay lập tức cảm thấy có một cơn sóng lớn ụp lên người rồi cuốn phăng mình đi. Đó là loạt tranh chị vẽ chân dung - một dòng tranh nhiều thử thách, dễ sa vào lối mòn, dễ để lộ điểm yếu và thường không chừa nhiều chỗ so sáng tạo. Thế nên tôi càng ấn tượng khi thấy chị vẽ hẳn 60 bức chân dung, càng sốc hơn khi mỗi bức tranh lại có một bút pháp riêng biệt, tiềm tàng trong từng vệt bút là ẩn ý về câu chuyện chị muốn kể.
Phong cách định danh thống trị trong hầu hết tác phẩm của chị Dương là nét cọ rối (confusing lines). Trong thời gian tìm hiểu về chị, tôi đang đọc một cuốn sách về DNA, trong đó có một câu khiến tôi rất ấn tượng: ba ý niệm khoa học mang tác động lớn nhất trong thế kỷ 20 là nguyên tử, byte và gen. Mỗi cái đại diện cho một đơn vị tối giản bất khả phân: nguyên tử của vật chất, byte của thông tin số hoá và gen của thông tin di truyền sinh học. Tác phẩm của chị Dương bao trùm lên ba mảng tách rời nhưng liên hệ mật thiết này, vừa trữ tình vừa đậm tính khoa học. Những lỗ đen vũ trụ lấp ló trong nhụy hoa, sự hoài thai trên gương mặt bí ẩn của Agnes, những chấm nhỏ gợi nhớ đến mã điện tử binary tạo nên dung nhan những hình tượng tôn giáo, sự lai hoá giữa con người với động vật và cả cơ khí, AI... Những chủ đề chị chạm tới chắc chắn không dành cho toàn thể đại chúng mà chỉ những người có một chút nền tảng và sự hiếu kỳ về những mảng khoa học này. Bên dưới những bức chân dung của chị là những câu hỏi cắc cớ về vấn đề triết học muôn thuở: ta là ai? thế giới ta đang sống là gì? Ta sẽ đi về đâu? Câu trả lời của mỗi người sẽ tùy thuộc vào thế giới quan và bể kiến thức của riêng mỗi người, nhưng đối diện những bức chân dung này, tôi lờ mờ nghiệm thấy được viễn kiến của riêng chị. Chị không đưa cho ta câu trả lời trực tiếp, và cũng vì vậy hầu hết tranh của chị không có tên, đây là một cái tôi thường không thích, nhưng trong case riêng biệt này lại phù hợp và cần thiết, bởi chị đang kiến tạo nên một thế giới mới. Đi vào vô định để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi mang tính hiện sinh này là một hành trình đầy tính cá nhân, và người hoạ sĩ đã làm đúng phần việc của chị: để cánh cửa ngỏ mời chúng ta bước vào vũ trụ tâm trí mở rộng mà không cho ta một lời giải thích nào cả.
Và vì thế mà tôi cho rằng chị là một visionary painter. Nếu bạn tìm hiểu về visionary art trên google thường kết quả sẽ cho ra những bức tranh sặc sỡ mang tính psychedelic, và đó là kết quả chưa đúng. Visionary art không hoàn toàn là một art movement, không có một phong cách, bút pháp cụ thể, và cũng không có một chủ đề nhất định nào, mỗi một visionary artist sẽ có một cách tiếp cận riêng, nhưng cái core trong tác phẩm của họ sẽ có những yếu tố tương đồng: xoá nhoà ranh giới giữa hiện thực và ảo mộng, lồng ghép những yếu tố tâm linh huyền bí và khoa học viễn tưởng, qua đó kiến tạo nên một thế giới mới và mời ta bước vào đó qua trải nghiệm thị giác. Trong quá khứ, những visionary painters kiệt xuất như William Blake và Hyeronymus Bosch thường vẽ về những chủ đề mang đậm tính tôn giáo, để người xem có thể hình dung về một thế giới xa xôi vô hình mà họ chỉ có thể hình dung qua thi ca, kinh thánh, và vì vậy mà "vision" không chỉ đơn thuần là thị giác, mà còn có thể hiểu như là thị kiến, một khái niệm mang tính tôn giáo chỉ những người đã được thánh thần mở mắt. Tuy nhiên chúng ta không còn sống trong thời mông muội chỉ biết có thiên đường địa ngục, thời hiện đại này ta đã nhìn thấy những đơn vị vi mô và những thế giới khổng lồ lẩn khuất trong những đám bụi lân tinh nơi vùng trời xa xôi tăm tối. Visionary painter của thời hiện đại này là những người có thể đem đến cho ta trải nghiệm vượt qua mọi chiều kích, để ta nghiệm thấy sự liên hệ kỳ ảo giữa nhục thể tầm thường với cái vĩ đại không tưởng. Suy cho cùng, con người từ khi đi ra khỏi hang động đã luôn tiềm tàng trong họ hạt giống của sự tò mò, và đôi khi có những cá thể tò mò đột biến một mình đi vào trong khu rừng tối, ước ao sao một ngày được nhòm vào cái giếng của tạo hoá...
Một khía cạnh nhỏ thú vị nữa khiến tôi đặc biệt yêu thích phong cách nét cọ rối của chị, nếu bạn truy về tận cùng của một bức tranh, thì nét cọ chính là đơn vị tối giản bất khả phân của hội hoạ. Nó dao động cùng tần số với ba đơn vị bất khả phân trong khoa học nói trên.
Tuy nhiên, dù cho chị đã có một phong cách định danh, nhưng chị không đứng yên tại chỗ mà không ngừng thử nghiệm những phương pháp vẽ mới - khó hơn, tinh tế hơn, thách thức hơn - và một trong những old masters mà chị theo đuổi không ai khác ngoài Vermeer, có thể nói là đối nghịch hoàn toàn với phong cách biểu hiện đặc trưng của chị. Tôi đánh giá rất cao phẩm chất này, luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao kỹ thuật, để đi đến tận cùng sự khéo léo của bàn tay, đẩy xa hết mức giới hạn khả năng của bản thân, là dấu ấn đích thực của một người nghệ sĩ.
Ở đây tôi chọn minh hoạ một bức tranh yêu thích của cá nhân mình, được vẽ bằng những nét cọ rối đặc trưng của chị Dương: khoảnh khắc một sinh mệnh ló dạng từ cửa mình người mẹ. Tôi luôn nghĩ rằng tạo nên một sinh mệnh mới là một nhiệm vụ thật huyền bí. Bạn tưởng tượng thử xem, mã di truyền của hai cá thể hoàn toàn độc lập được gói gọn trong những đơn vị vi mô, chúng va vào nhau rồi nhân lên với tốc độ không tưởng, bùng nổ như một supernova. Những nguyên tử bé nhỏ khởi đầu nhìn không khác gì cầu khuẩn ấy từ từ xuất hiện một trái tim, một nhánh xương cong, rồi đôi mắt, và rồi chúng mọc ra tay chân, hoá thân thành người. Và cái cảm giác khi đứa con chính thức lìa mình sau bao tháng trời bên nhau, để lại đằng sau một cái tử cung trống rỗng là một nỗi cô đơn cùng cực mà tôi đã từng đi qua với những giọt nước mắt. Chị Dương là một người mẹ, và tôi cũng là một người mẹ, nên tôi có thể đồng cảm với không chỉ bức tranh này, mà còn cả những bấp bênh làm nghề khi cả hai đều có những ưu tiên hơn cả tình yêu hội hoạ. Vì đây mà hè rồi về Việt Nam tôi đi tìm cuốn Trăm Năm Cô Đơn, và tôi cũng đi tìm cuốn Sự Bất Tử đã tuyệt bản để hiểu thêm về Agnes của chị, và rất may nhờ có một cô bạn tận tâm mà tôi đã tìm được.
Vốn định để dành bài viết này cho đến khi đọc xong Sự Bất Tử, nhưng vì sắp tới đây tranh của chị Dương cũng sẽ đến Paris cùng với gallery chúng tôi đang làm việc cùng nên tôi nghĩ đây có lẽ là thời điểm vừa đúng để mình biên ra đôi dòng cảm nhận. Được trưng tranh trong khuôn viên The Lourve là 1 trải nghiệm tuyệt vời, nhưng hơn nữa là tranh tôi sẽ được đứng kế tranh chị Dương - một hoạ sĩ mình yêu mến. Người chưa được gặp nhưng tranh đã thay mặt rồi, một ví dụ nhỏ về những cuộc gặp gỡ thú vị trong hội hoạ, một điều tôi luôn để tâm và trân trọng.