ITO JAKUCHU Phần 3: Con đường Thủy Mặc / by Phuong Nguyen

Sau khi hoàn thành kiệt tác để đời là bộ tranh Doshoku Sai-e và chuyển giao toàn bộ cho thiền viện Shokokuji, cuộc sống của Ito Jakuchu những năm sau đó có phần bình lặng. Tại Edo bấy giờ ông được xem như là một trong những danh họa nổi tiếng nhất bên cạnh Maruyama Okyo. Tuy nhiên trái ngược với Okyo sau khi thành danh vẫn trung thành với phong cách cá nhân, thu nhận rất nhiều môn đồ rồi thành lập một họa phái riêng, thì Ito Jakuchu quay lại với cuộc sống ẩn dật. Tuy nhiên danh tiếng của Ito đã vang xa, những năm sau đó ông có vài yêu cầu vẽ cửa trượt cho vài ngôi chùa tại Osaka và Shikoku mà hầu hết đều là những chủ đề ông đã quen thuộc như gà trống và hoa cỏ tự nhiên trên những tấm cửa trượt thếp vàng. Trong đó có bộ cửa trượt Hanamaruzu tại thần điện Kotohira-gu thuộc Shikoku, khắc họa 201 các loại kì hoa dị thảo. Thời gian còn lại, ông thử nghiệm những chất liệu sáng tác mới.

Một trong số đó là tranh in mộc bản taku-hanga. Từ đây ông đã vẽ nên một cuộn tranh mang tên “Yokyoshu" (伊藤若冲画) miêu tả hành trình xuôi dòng Yodo trên con thuyền nhỏ cùng người bạn thân là tu sĩ Daiten. Phương pháp in âm bản này mô phỏng kỹ thuật tranh mài đá (stone rubbing) thời xưa từ Trung Quốc, khi mà đường nét được khắc chìm thay vì nổi nên khi in trên giấy đường nét sẽ mang màu trắng trên nền đen, và nó đối nghịch với tranh mộc bản thông dụng thời edo. Không nhiều nghệ sĩ theo đuổi phương pháp này vào thời của Ito Jakuchu và có thể xem như đã suýt soát thất truyền. Ông có thể đã tìm cảm hứng cho những tác phẩm này từ người thầy khi xưa là Ooka Shunboku, người đã cho ra rất nhiều tranh in âm bản trong những tập ehon.

Image source: THE MET

Xuyên suốt cuộn tranh dài là quang cảnh cố đô hai bên dòng sông Yodo nối liền Kyoto với Osaka, nền trời đen như mực gợi tả nên một quang cảnh hư ảo hiếm thấy trong những sắc tranh đương thời, gợi tả một bầu không khí trầm mặc buổi đêm, đâu đó là bản làng nho nhỏ giữa ngọn đồi, mái chùa nhấp nhô giữa thung lũng đầy cây tuyết tùng trải dài bên dòng sông lớn, và trên bầu trời điểm những bài vịnh được chấp bút bởi người bạn thân của mình.

Vào những năm 50 tuổi, Ito Jakuchu hầu như không còn sáng tác thêm một bức tranh màu nào nữa mà chỉ chuyên tâm vào dòng tranh thủy mặc. Ông dường như không muốn dậm chân tại chỗ, bấu víu vào ánh hào quang đã đi qua cuộc đời mình. Doshoku Sai-e đánh dấu tài năng rực rỡ của ông với dòng tranh công bút hoa điểu, sau khi thành tựu này đã được ghi nhận, ông lẳng lặng gấp nó lại, bước qua một trang mới. Đây là thời kỳ mà ông dấn sâu hơn nữa vào cuộc đời cư sĩ, và thủy mặc là một hướng đi phù hợp với tâm nguyện đó.

Là một họa sư tự học, Ito Jakuchu nghiên cứu bút pháp thủy mặc qua phương pháp lâm mô truyền thống. Những mối quan hệ thân tình trong giới tăng lữ đã giúp ông được vào nhiều kho bảo vật của đền tự, nơi lưu trữ rất nhiều những bức tranh từ danh họa Trung Quốc thời xưa. Khởi đầu, ông lâm mô rất nhiều tranh chủ đề tôn giáo, trong đó có bộ tranh Thập Bát La Hán. Một số những bức tranh gốc từ họa sĩ Trung Quốc không xác định vẫn còn được lưu trữ tại Osaka, đối chiếu với tác phẩm của Ito Jakuchu, có thể thấy ông rất tôn trọng nguyên bản, nhưng đã có sự phóng tác cá nhân trong cách đi bút mà sau này sẽ định hình thành bản sắc riêng của ông. Một tác phẩm khác trong thời kỳ này của Ito Jakuchu là bộ tranh đôi Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát, cũng là lâm mô từ nguyên bản của Wu Daozi, một họa gia kiệt xuất thời nhà Đường. Khi quan sát các tác phẩm này của ông, ta nhận ra phẩm chất khác của Ito Jakuchu đó là trong phần lạc khoản, ông thường ghi chú lại xuất xứ cũng như bày tỏ lòng trân trọng đến những họa gia đời trước, chẳng hạn trong tác phẩm Hổ và Trúc, là một motif ông đặc biệt yêu thích và đã vẽ lại nhiều lần, phần lạc khoản viết rằng, “Vẽ từ tự nhiên mà không có mẫu vật là bất khả. Vì đất nước ta không có loài hổ dữ, tôi chỉ có thể mô phỏng dáng hình chúng từ nguyên tác của họa sư Mao-I.” Ông cũng đã ghi chú tương tự trong các tác phẩm khác như Phượng Hoàng, Tam Thế Phật.

Những tác phẩm này đều được vẽ trên nền giấy gasenshi, tiền thân là giấy Tuyên, một loại giấy mỏng mềm có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ thời Edo các nhà làm giấy tại Nhật đã thành lập nhiều công xưởng, đưa vào sản xuất đại trà để đáp ứng nhu cầu của các họa sĩ địa phương. Đây là loại giấy mà Ito Jakuchu yêu thích, nhờ tính nhuận mực mà phù hợp cho việc vẽ thủy mặc và thư pháp.

Tác phẩm thủy mặc nguyên bản đầu tiên và nổi bật nhất của Ito Jakuchu là bộ cửa trượt và tranh trục cuộn cho chính điện Dai-shoin thuộc thiền viện Rokuonji. Các tác phẩm này được trưng bày trang trọng trong thiền viện ở những góc nhỏ như tủ âm tường chigaidana và hốc tokonoma, đồ sộ nhất phải kể đến bộ cửa trượt bốn tấm cho năm căn phòng lớn, lần lượt mang tên gọi: Giàn nho, Tùng và Hạc, Chim Sáo và Cây Chuối, phòng thứ tư gồm ba bộ tranh là Gà Trống và Cúc Đại, Gà Mái, Thu Hải Đường và căn phòng cuối cùng là Tre Trúc. Ông nhận lời cho dự án đầy tham vọng này khi mới 45 tuổi, trùng với thời điểm ông đang hoàn thiện mười bức tranh đầu tiên trong bộ Doshoku Sai-e, và bút pháp ở những tác phẩm thủy mặc này thì lại vô cùng tương phản với bộ tranh màu. Nếu như những bức tranh màu được vẽ trên mặt lụa của ông khắc họa thiên nhiên sinh động và chân thật với những nét cọ được tính toán kĩ lưỡng, dày đặc chi tiết, hòa sắc lung linh, đường nét mỏng manh đan quyện vào nhau, thì các tác phẩm thủy mặc của ông lại thường đi theo hướng tả ý với bút pháp nhất giác phóng túng có phần trừu tượng, thể hiện qua những vệt bút khô dày gãy gọn, sắc độ khi êm đềm, khi đậm đặc tương phản, toàn bức tranh lại mênh mông khoảng trống, đẫm tính Thiền.

Vì nhiều khoảng trắng, qua các bức tranh này ta thấy được sự tinh tường của ông trong việc sắp đặt bố cục của các chủ thể trong tranh như cành cây, hòn đá, từng chiếc lá và tư thế chim muông để chúng khéo léo dẫn dắt đôi mắt người xem mà vẫn không khiên cưỡng làm khô cứng vẻ tự nhiên của chúng. Trong bức giàn nho, bố cục được ông dàn trải sao cho tầm nhìn của ta khởi đầu từ góc phải trên xuống dần góc trái bên dưới, trong tấm cửa trượt cuối cùng tưởng trống trơn, ông điểm xuyết một chi tiết nhỏ mà tinh tế vô cùng là chú chim nhỏ vút bay vào khoảng không đang ngoái đầu nhìn lại để tạo thế cân bằng.

Bố cục này cũng được ông lựa chọn cho bức tranh thứ hai là Tùng và Hạc. Thân tùng thô ráp với những vệt bút đậm dày nghiêng về phía một con hạc trắng nghiêng mình ở trung tâm bức tranh, và đổ lên người nó là những cành cây dày lá. Các nhà sư đã tán thưởng bức tranh này với bút pháp tươi mới, bởi thay vì tỉ mẩn vẽ từng chiếc lá với một cây cọ nét mỏng, vốn là cách vẽ tùng thường thấy, ông gợi tả sự lởm chởm và khô cứng của lá kim bằng cách dùng cọ hake, một loại cọ mỏng, rộng bản để đi những mảng lớn, gợi nhiều hơn tả mà vẫn giữ được tinh túy của loài cây. Nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết nên cụm từ “tự nhiên trừu tượng” (abstract nature) để miêu tả bút pháp đặc trưng này của Ito Jakuchu, nhưng một lần nữa, bút pháp này là một sự kế thừa và phát triển từ quá khứ. Trong bức tranh Tre Trúc, giáo như Tsuji Nobuo cho rằng ông đã học hỏi thủ pháp vẽ tre này từ tăng họa sư Trung Quốc tên gọi Mục Khê. Tuy nhiên Ito Jakuchu đã đưa phong vị cá nhân của mình vào khi ông kết hợp những mắt tre tròn dẹp giữa những đốt tre được vẽ bằng hai nét song song uốn lượn, ông kéo chúng lên cao rồi nhấc bút đột ngột để vệt bút đen thình lình tan vào khoảng trống.

Bức tranh Thu Hải Đường có lẽ là bức đặc sắc nhất. Ông khắc họa bụi hoa khá gần với hình ảnh thực của loài cây này và nó gợi ta nhớ đến kỹ năng công bút điêu luyện trong các tranh màu, khác với sự phóng túng trừu tượng vừa đề cập ở những bức trên. Thu hải đường vốn là loài cây bụi mọc rất thấp, và ông thể hiện đặc tính này khi dàn trải chúng ở phần dưới bốn tấm tranh, chiếm tỉ lệ chỉ khoảng một phần sáu, còn lại phía trên là khoảng không mênh mông, chẳng hề điểm xuyết thêm ong bướm. Sự bất cân xứng này tưởng gây cảm giác chông chênh, nhưng chúng lại gợi nên trong lòng người xem một sự tĩnh mịch lạ thường. Đây có lẽ là bức tranh khởi đầ thể hiện rõ nhất tính Thiền mà ông theo đuổi trong giai đoạn sau của cuộc đời. Cần nhắc lại rằng khi thực hiện dự án đồ sộ này, ông đang đồng thời vẽ những bức đầu tiên của bộ Doshoku Sai-e, để ta có thể thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận chất liệu, bút pháp và ông đã có thể phát huy cả hai lối tiếp cận thật toàn vẹn trong cùng một lúc. Một họa sư đa tài, người không thỏa hiệp chỉ với một phong cách.