Đây là bài viết về chủ đề AI trong nghệ thuật được viết bởi Yoann Lossel - một hoạ sĩ tài năng người Pháp mà mình đọc được vài tháng trước. Nhân sự kiện nhiều hoạ sĩ đang lên tiếng trước việc tác phẩm của họ bị đưa vào hệ thống training AI mà không có sự đồng thuận (trong đó có chính tác giả), mình dịch lại bài viết này.
Bản dịch đã được sự đồng ý của tác giả Yoann Lossel.
Original text: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=697740898390882&id=100044649338879
--------------------------------------------------------------
Midjourney / AI in art Part 1 : Ấn tượng đầu tiên
Điều làm tôi trăn trở nhất trước sự xuất hiện của MidJourney và AI trong lĩnh vực đồ hoạ không hẳn là về khả năng chuyển hoá câu lệnh thành hình ảnh với rendering nhìn rõ lừa bịp; cái tôi lo lắng nhất là chúng ta đang giao phó trí tưởng tượng cho một cỗ máy. Ta thường đọc được chỗ này chỗ kia rằng AI chỉ là một công cụ thôi và tình thế này không khác gì so với khi photoshop hay máy ảnh mới xuất hiện (Tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần 2) Tuy nhiên, Midjourney không đơn giản là một phương tiện tinh chỉnh hiệu ứng mỹ thuật, đây là một con artist-bot được lập trình để sáng tác theo yêu cầu dựa trên bộ dữ liệu hình ảnh đồ sộ tạo nên từ thành quả lao động của chúng ta. Đây không chỉ là một công cụ mà là một sự chuyển hoá mô thức trong lãnh vực thiết kế đồ hoạ.
Midjourney (và AI art nói chung) sẽ tác động đến chúng ta theo những mức độ khác nhau. Từ vị trí một người quan sát, anh có thể cảm thấy thích thú trước cuộc hành trình này và thậm chí còn để lạc mất tâm trí trong thế giới kì dị, tăm tối mang âm hưởng từ tranh Beksinski, được tô điểm bằng đường nét uốn lượn mềm mại vay mượn từ tác phẩm của Mucha, và những cảnh tượng kì ảo bất cân xứng khiến ta liên tưởng đến những video game nổi tiếng, và không chỉ dừng lại ở đó.
Tuy nhiên, là một hoạ sĩ, ta biết rõ sự sáng tạo là một con đường quanh co khúc khuỷu mà Midjourney đang lợi dụng điều đó. Chính sự khó nhằn này truyền cho chúng ta cảm hứng, thôi thúc ta vượt qua những giới hạn của chính bản thân, buộc ta phải tưởng tượng ra những thứ không có thật, hay là ghi nhớ những điều thực có tồn tại để rồi có thể tái hiện chúng. Đó là một nguồn sức mạnh kéo chúng ta đi lên, mang đến cho ta năng lượng đầy tràn sức sáng tạo để định hướng, đưa ra những sự lựa chọn. Nghệ thuật không chỉ là một vật thể của lạc thú tạo ra để thoả mãn người xem, đó là một quá trình hoàn chỉnh mà để chúng vận động ta phải bỏ vào trí tuệ, tri giác và xúc cảm, rồi sau đó thâu tóm tất cả lại, biến những giai đoạn rời rạc này thành một tổng thể nhất quán. Không phải ai cũng có khả năng này, nó đòi hỏi kinh nghiệm như tất cả ngành nghề khác - nhưng ai cũng có thể một ngày nọ, thử điều gì đó mới mẻ, cầm cây bút lên vẽ vời, tận hưởng một chút niềm vui sáng tạo. Đây thực chất là một tác động mang chiều hướng tích cực và lành mạnh, không chỉ với từng cá nhân mà còn cả cộng đồng.
Tuy nhiên, Midjourney đặt chúng ta vào một thế bị động hơn trước rất nhiều và tôi lo lắng rằng thay vì thúc đẩy tiềm năng sáng tạo trong ta, MJ sẽ chỉ khiến chúng trở nên tê liệt. Khi ta ủy thác khả năng sáng tạo cho một cỗ máy, ta đang tước đi một vai trò rất quan trọng của nghệ thuật trong việc vun đắp trí tuệ loài người, trong việc tạo ra những thiên tài và dập tắt đi cơ hội kiến tạo nên một thế giới đầy những sáng tạo rực rỡ.
Chúng ta có thể vui thú hoặc thất vọng với những buổi hội hè đang diễn ra bây giờ. Nhưng theo thiển ý của tôi, đừng nên nghĩ về chúng đơn giản như một thành tựu mà ta còn phải dè chừng những hậu quả mà chúng có thể ảnh hưởng đến việc phát triển con người trên một phương diện rộng lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra còn vô số những vấn đề liên quan mà ta thấy rõ trước mắt:
- Vấn đề về bản quyền?
- Làm sao để phân biệt, phân loại những nghệ sĩ sử dụng AI để tạo thành một phần hay tất cả tác phẩm của họ? Nhiều cuộc thi đã vướng phải vấn đề này rồi.
- Một phần rất lớn dữ liệu của MJ được trained dựa trên những tác phẩm có bản quyền, nghĩa là chúng không thể được sử dụng miễn phí, vậy nhưng chúng đã bị đưa vào hệ thống. Tệ hơn thế nữa MJ không phải là một phần mềm phi lợi nhuận, phiên bản đầy đủ cần phải đóng phí thành viên để sử dụng.
- Và một lần nữa, quá trình sản xuất (nghệ thuật) đang được tăng tốc, giảm chi phí, nhằm mục đích sinh lợi cho những tập đoàn tư nhân nhưng lại chà đạp lên công sức lao động của rất rất nhiều người khác.
- Hãy giả định rằng trong tương lai, tác phẩm do AI tạo ra sẽ nhiều hơn tất cả những gì con người từng sáng tạo, và chúng sẽ bắt đầu tự sáng tạo dựa trên bộ dữ liệu mới này (ngày càng độc lập với sự sáng tạo của con người). Tôi tò mò muốn biết ý kiến của bạn về viễn cảnh này.
--------------------------------------------------------------
Midjourney / AI in art Part 2 : Con người kiệt xuất (human genius)
Một người phải hiểu rõ về tính năng của công cụ chứ không thể mơ hồ về khả năng của chúng. Mỗi công cụ đều khác nhau, không thể gom vào chung một rổ. Ngay cả khi chúng khá tương đồng thì vẫn có sự khác biệt ở công sức ta bỏ vào cũng như công việc mà chúng được giao phó. Một cây bút chì và mây tính đều là công cụ (ta có thể dùng chúng để tạo ra cùng một văn bản) nhưng sức ảnh hưởng của hai thứ này đối với nền văn minh thì lại không giống nhau.
Khi nói về sự xuất hiện của AI, ta thường hay nghe những ý kiến so sánh với khi máy ảnh xuất hiện rồi đe doạ hội hoạ truyền thống - nhưng tôi cho rằng chúng hoàn toàn không liên quan. Máy ảnh đã khiến nhiều hoạ sĩ chân dung thất vọng, đặc biệt những người đi theo trường phái cực thực (hyperrealism) nhưng ở đây ta đang nói về một cuộc cách mạng về phong cách. Một chiếc máy ảnh không phải là một công cụ (tool), nó chính xác hơn là một chất liệu biểu đạt (medium) mà ta sử dụng để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Nó không có một bộ dữ liệu đồ sộ, không thể tự tổng hợp nên hình ảnh theo hiệu lệnh, không có một chủ đề (MJ, về một khía cạnh nào đó có một chủ đề, nó tổng hợp dựa trên yêu cầu của người sử dụng) Khi bạn cầm trên tay chiếc máy ảnh, bạn phải sử dụng trí tưởng tượng và đặt ý định của mình vào trong từng khoảnh khắc cho đến khi bạn chạm đến hình ảnh lý tưởng trong đầu.
Bạn có thể lần mò tinh chỉnh một bức ảnh tạo ra bởi MJ nhiều tiếng liền. Nhưng bạn cũng có thể không dùng nó mà vẫn đạt được mục đích, và ở giữa hai cách tiếp cận này là một hố sâu cách biệt khổng lồ. So sánh nhiếp ảnh với MJ giống như so sánh bản đồ giấy và GPS. Nếu bạn chưa bao giờ học cách định vị trước khi GPS xuất hiện, bạn đã bỏ qua nhiều kỹ năng vốn có thể hữu ích trong đời sống ngày thường, chẳng hạn như ước lượng khoảng cách, quản lý không gian và thời gian. Đây là những kỹ năng đóng góp vào khả năng tự chủ, khiến bạn bớt lệ thuộc hơn một chút, bên cạnh đó nó còn giúp phát triển tư duy phản biện. Giao phó trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo cho AI trong khi bạn còn chưa hề phát triển chúng cũng tương tự như thế. Tiềm năng trong bạn sẽ suy yếu
Tất nhiên MJ có thể là một công cụ thú vị dùng để theo đuổi nghệ thuật. Nhưng trước đó người nghệ sĩ cần phải đi một chặng đường sáng tạo rồi đã. Một người có thể đi đường tắt, nhanh chóng tạo ra sản phẩm sử dụng với AI, thậm chí trở nên nổi tiếng mà không cần phải trăn trở với những suy nghĩ này. Nhưng điều quan trọng là con đường quanh co đưa ta đến đích là cái giúp ta phát triển tiềm năng chưa hiển lộ, và những cá thể đầy tiềm năng này sẽ góp phần phát triển cộng đồng mà họ sống trong đó.
Tất cả những thứ ta tạo ra để ủy nhiệm một công việc nào đó, những thứ giúp ta đi nhanh hơn một chút, làm việc ít đi một chút rồi sẽ xuất hiện. Đây không phải là một tình huống giả định với chữ "nếu" mà là "khi nào" chúng sẽ diễn ra.
Câu hỏi ta cần phải đối mặt, đặc biệt với những hoạ sĩ chuyên nghiệp, bạn nghĩ gì về vấn đề này, bạn sẽ phát triển ý kiến của mình ra sao, dựa trên những thông tin, cơ sở nào? Và rồi làm cách nào ta có thể đối thoại với nhau về chúng?
--------------------------------------------------------------
Midjourney / AI in art part 3 : Về Nghệ thuật và thủ công, William Morris và phong trào Avant-Garde
Tôi thường đọc được rằng hoạ sĩ cần phải tự chất vấn phương pháp tiếp cận nghệ thuật của mình và rằng ta cần phải thay đổi bản thân, tự cách tân để đối đầu với sự xâm lấn của AI trong lãnh vực mỹ thuật.
Vai trò của nghệ nhân đã suy giảm rất nhiều sau sự xuất hiện của công nghiệp hoá, khắc nghiệt đến mức họ không bao giờ tìm được một vị trí tương tự trong xã hội mới. Người thợ thủ công giờ đây hoặc phải chấp nhận thực tế rằng giá trị những sản phẩm họ làm ra ngày càng rẻ mạt và vô nghĩa, hoặc với những người còn chút niềm tin, họ xoay sở hành nghề mặc cho vô số những khó khăn về kinh tế bủa vây. Mà đâu chỉ vậy, họ còn phải liên tục nghĩ những lí do mới để bảo vệ ngành nghề và thuyết phục người mua - những người không ngừng so sánh sản phẩm họ làm ra với những thứ được sản xuất hàng loạt trong công xưởng cơ khí hoá.
Đối diện với áp lực phải tự thích nghi và làm mới bản thân mình, phần lớn nghệ nhân trở thành thợ gia công đồ nội thất cho IKEA, dựng những chiếc tủ sách theo phong cách industrial từ ván ép; hay thợ nong nhẫn tại những kiosks bán nữ trang trong siêu thị; hay là thợ may ráp áo khoác cho những hãng thời trang sang trọng nhưng bản thân họ thì chôn vùi trong căn chòi xập xệ lạnh giá. Phẩm giá của nghề thủ công nay đã suy tàn, tay nghề thất truyền, và thành phẩm thì thường kém tinh xảo hơn xưa rất nhiều, chúng bị bỏ rơi khi người thợ chú tâm vào những cách sản xuất khác đơn giản hơn, nhanh hơn mà lại cho ra số lượng lớn hơn rất nhiều sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng của đám đông đã bị thay đổi bởi sự bão hoà của sản phẩm công nghiệp, chúng trở thành một loại hình thẩm mỹ đương đại, và ta vẫn liên tục đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Một sai lầm phổ biến ở đây là người ta dùng hay tưởng bở rằng gu thẩm mỹ này là tự thân họ khám phá, nhưng thực chất không phải như vậy. Ta dần trở nên quen thuộc và ưa chuộng những gì ta thấy đầy rẫy xung quanh sau một thời gian dài. Nó giống như một cái ti giả được tẩm độc vậy.
Người hoạ sĩ tưởng rằng vị trí của anh ta được bảo vệ và rằng số phận anh ta sẽ không kết thúc như những người anh em nghệ nhân. Nhưng sự tách biệt giữa hai ngành nghề này không hề rõ rệt - trong quá khứ tại tất cả thành phố thuộc lãnh thổ Châu Âu, người hoạ sĩ và người thợ đi chung một con đường. Những biến động về văn hoá có thể hoặc làm suy thoái, hoặc thiết lập lại vị trí của người làm nghề dựa trên những tiêu chuẩn mới. Khi ta thoả hiệp với lời mời gọi đi theo phong trào cách tân avant-garde, ta đang chấp nhận sự suy tàn của công việc nghệ thuật và ta dần trở thành một phần của lịch sử như những người anh em thợ thủ công trong quá khứ.
Nếu ta tự hỏi bản thân rằng ta có nên thay đổi phong cách theo một chiều hướng avant-garde hơn để tiếp tục tồn tại dưới tư cách một nghệ sĩ, như một cách đối kháng với sự phát triển thần tốc của công nghệ, ta đã mặc nhiên công nhận rằng ta đang sống trong kỷ nguyên siêu cạnh tranh và ta phải rượt theo sau gót chân những công nghệ đó. Mỉa mai thay, sự phát triển công nghệ này há chẳng phải là để phục vụ cho con người?
Đây thực là cách mà ta muốn tư duy? Đây là cái mà ta đang theo đuổi ư?
Chẳng phải sẽ thú vị hơn khi ta có thể tạo nên một thế giới nơi ai cũng có thể có thể sống đúng với khả năng của họ, trong đó có những người thợ thủ công, những người hoạ sĩ từ chối đi theo con đường cách tân, và ta có thể mở rộng ra những ngành nghề khác nữa. William Morris đã đặt ra vấn đề này từ hơn một thế kỷ trước. Chúng ta cần được đảm bảo rằng thông qua sản phẩm ta làm ra ta có thể nhìn thấy nhân phẩm của chính mình, và rằng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong việc mình làm, rằng những thứ ta tạo ra hữu ích và đẹp đẽ (hai từ này được dùng trong văn cảnh của William Morris) Tôi đã bị thuyết phục rằng ta không thể tránh sự xâm lấn của công nghệ và những xu hướng cách tân sắp tới, nhưng trong lòng tôi luôn có một vị trí nhất định dành riêng cho nghệ thuật và thủ công, nó đem đến cho ta một cái nhìn về những gì ta có thể đạt được nhờ có sự đoàn kết giữa những người làm nghề và tài năng đa dạng của họ.