My Randomness

Đối ẩm by Phuong Nguyen

Cô ấy ào đến, giết gần hết rựu nhà Phương rồi cô ấy lại bay đi...

Buổi chiều vừa mở sách ra thì đập vào mắt là trang này, có những sự tình cờ dễ thương ghê. Dịch một đôi trích đoạn mình tâm đắc...

"Ta thường phàn nàn rằng bởi cái nhịp sống hối hả ngày nay mà nghệ thuật đối thoại từ ngàn xưa khi ta ngồi trên những thùng rượu gỗ, quây quần bên bếp lửa hồng ngày càng mai một. Dầu tin rằng nhịp điệu này có những ảnh hưởng nhất định, tôi cho rằng nghệ thuật đối thoại bắt đầu suy tàn khi những mái nhà xưa nay thu mình thành căn hộ nhỏ mà chẳng còn bếp lò nữa, rồi xe cơ giới xuất hiện đặt dấu chấm hết cho chúng. Hoàn toàn trật nhịp, bởi đối thoại chỉ tồn tại giữa những người thấm đẫm tinh thần ung dung tự tại, cùng với tánh khí dễ chịu, sự hài hước và lòng trân trọng những sắc thái nhẹ nhàng..."

"Ta có thể nói về công việc làm ăn với ai cũng được, nhưng người có thể cùng ta đối thoại thâu đêm thì chẳng có mấy, và bởi thế, tìm thấy một người hoạt ngôn mang đến niềm vui ngang ngửa nếu không muốn nói là còn hơn cả khi ta đọc được một danh tác, thêm vào đó ta còn nghe được giọng nói, nhìn thấy cử chỉ người đó... Đó là khi ta sung sướng hội ngộ cùng người bạn cũ, khi đắm chìm trong hồi tưởng cùng kẻ thân sơ, hoặc đôi khi là tại phòng hút thuốc trên một chuyến tàu đêm, tại một quán trọ nhỏ trên chuyến du hành xa xăm..."

"Về đêm là thời gian tuyệt vời nhất để đối thoại, bởi ánh sáng ban ngày làm tan đi phần nào cảm giác mê hoặc. Nơi chốn đối với tôi hoàn toàn không quan trọng. Một người có thể tận hưởng một buổi chuyện trò về văn chương, triết học trong một tửu điếm từ thế kỷ 18 hay khi ngồi thư giãn giữa những ụ cỏ trên một nông trang khi chiều tà. Hoặc vào một đêm mưa lộng gió khi ta ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, ánh sáng dịu nhẹ từ những chiếc đèn lồng treo trên hàng thuyền neo đậu bên kia sông lấp lánh trong dòng nước..."

"Kiếp nhân sinh là thế, trăng khi tròn khi khuyết, hoa nở rồi sẽ tàn và bạn tốt thì chẳng mấy khi gặp gỡ, nên thần linh cũng chẳng đố kị đâu khi ta đắm chìm trong những niềm vui đơn giản như vậy."

"Phong thái chuẩn mực nhất cho một buổi tâm tình là sự thân mật và có phần hờ hững, bạn bè ta dường đã buông bỏ hết vẻ tự chủ đầy ngượng ngập và hoàn toàn không để tâm đến phục sức, dáng vẻ chuyện trò, cách hắt hơi, nơi đặt tay và càng không bận tâm xem câu chuyện đang trôi về đâu. Một buổi đối thoại chỉ thật sự cuốn hút khi ta ở bên những người bạn tâm giao mà ta tin tưởng đủ để sẻ chia những tâm tư sâu kín trong lòng. Một người đang gác chân lên bàn, người kia thì vắt vẻo bên cửa sổ, lại còn một người nữa thì ngồi trên sàn, tựa vào chiếc gối mềm hắn vớ được từ trên tràng kỷ...chỉ khi chân tay thư giãn, dáng ngồi thoải mái thì tâm trí ta mới có thể ung dung tự tại. Và rồi:

Đối mặt là những người bạn hiểu thấu tâm can,

Và bên cạnh không có những kẻ chướng tai gai mắt.

Đây là điều kiện tối cần thiết cho bất kì buổi đối thoại nào xứng tầm nghệ thuật. Chính vì không để tâm xem ta đang nói gì mà câu chuyện sẽ trôi dạt ngày càng xa, không theo trình tự, hệ thống, rồi đêm tàn, ai về nhà nấy với trái tim lâng lâng trong niềm hạnh phúc."

- "On Conversation | The Importance of Living by Lin Yutang"

Khởi nguồn của HAIKU by Phuong Nguyen

Bộ tranh Haiku ra đời trong một hoàn cảnh khác thường.

Đó là khi nước Ý - nơi đầu tiên ở Châu Âu mà covid càn quét - đang chìm trong đại dịch. Khi đó ta chưa thực rõ cái đang khiến người chết như ngả rạ ấy là cái gì, con người ta hoảng loạn tích trữ thực phẩm và tháo chạy khỏi tâm dịch. Rồi đùng một cái thủ tướng ra sắc lệnh national lockdown, không ai được rời khỏi nhà. Gần 80 ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường chật chội, đợi đến đêm ngóng xem Tivi thống kê số ca nhiễm mà tuyệt vọng, không biết khi nào thảm kịch này mới chấm dứt.

Giữa lúc tăm tối ấy mình tình cờ tìm thấy những bài Haiku của Pháp Hoan và thời gian vẽ những bức tranh này như cánh cửa đưa mình đi ra khỏi bốn bức tường chật chội ấy. Bài đầu tiên mình đọc thấy chính là "Tám vạn bốn nghìn cây"

Dưới chân núi phía Tây

tôi đi vào chốn ấy

tám vạn bốn nghìn cây.

Mình đã rất xúc động với ba dòng đơn giản đó. Pháp Hoan viết về cảm giác của bản thân giữa khu rừng tôn giáo, nhưng với cá nhân mình khi đó chỉ vừa bước chân vào nghiệp vẽ thì nó cũng rất trúng tim đen. Đứng trước vô vàn ngã rẽ của nghệ thuật, nơi bao nhiêu người tìm cách khẳng định vị trí bản thân và phong cách cá nhân, mình nhìn thấy sự hối hả, sự hoang mang, khao khát và đôi khi là chán nản trong lòng. Khi đó mình cảm giác như đã va phải một bức tường, và hành trình vẽ bộ Haiku chính là một con đường mòn khuất giữa hàng cây để mình vượt qua bức tường đó. Mình chợt nhận ra có lẽ mình đã cố gắng đuổi bắt những gì đang thịnh hành mà quên mất trái tim thực sự mong muốn điều gì.

Nhưng mình cũng biết rằng đột ngột thay đổi phong cách là một sự mạo hiểm rất lớn. Và quyết tâm rẽ hướng này có lẽ đến từ một lời từ chối. Người chủ một phòng tranh ở Roma nói họ có hứng thú với mình, nhưng họ chỉ invest vào những nghệ sĩ có phong cách ổn định, và họ muốn nhìn thấy sự ổn định đó. Bức tranh họ muốn mình tái hiện thành một bộ đó lại là một trong những bức tranh mình vẽ khi còn non tay vào đầu năm 2018. Nếu muốn nắm lấy cơ hội này, mình sẽ phải quay lại đằng sau bức tường rồi băng ngược về điểm khởi đầu.

Cuối cùng mình để cơ hội ấy sượt qua. Mình muốn đi tiếp. Dù phía trước là mênh mông vô định, không biết điều gì đang chờ đợi, mình muốn đi tiếp.

Nhìn lại bốn năm qua, mình thấy một sự thay đổi rất lớn trong cách vẽ và những suy tư về việc vẽ. Nghĩ lại thật vui, khi đó mình đã không vì muốn an phận mà quay đầu.

Và điều tuyệt nhất khi băng rừng trên con đường mòn đó là gặp được những người bạn đồng hành cùng tâm tư, những quả ngọt bé nhỏ dọc đường, và đôi khi mở ra trước mặt là một cảnh tượng đẹp đẽ choáng ngợp, càng đẹp hơn vì chúng đến như một sự bất ngờ, khi trong lòng không nặng trĩu mong chờ.

Đường còn dài, không vội, giữ nhịp, cứ đi rồi sẽ đến.

Bầu trời sao by Phuong Nguyen

Món quà đẹp nhất bạn có thể tặng cho một người

một màn đêm không ánh đèn, và ngước lên nhìn trời, trải ra trước mắt là bầu trời được thắp sáng bởi vô vàn những vì sao

Đêm nay sau bữa tối nhà mình lái xe ra bãi biển, đi qua rặng rừng thông, đi qua con đường đất, đến tận mũi đá bên bờ biển. Tắt đèn xe rồi đợi một chút để đôi mắt dần quen với bóng tối, bên tai là tiếng sóng biển, cơn gió lộng từ biển khơi đã thổi bay đám mây mù, và trước mắt chỉ còn một cảnh tượng rộng lớn khôn cùng, trải dài từ chân trời này đến chân trời kia, một vũ trụ trong sáng, đẹp đẽ, lấp lánh dải tinh vân và vô vàn ánh sao.

Fede đã thốt lên, what is this mama? Lần đầu tiên mình chỉ cho em thấy rằng đây, trên cả bầu trời rộng lớn, đây là vũ trụ, và những ánh sáng bé nhỏ con đang nhìn thấy đã vượt qua hàng triệu năm để đến nơi này.

Lần cuối mình nhìn thấy bầu trời sao này cũng là ở một hòn đảo xa. Chiều hôm đó mình với bạn bắt bus đi về phía bắc, chỉ kịp đi siêu thị mua hai chai vang, mấy bịch khoai tây, mải ngắm hoàng hôn quên mất chuyến xe cuối về thành phố nên quyết định ngủ đêm tại biển luôn. Đó là lần đầu tiên mình biết star-gazing thực sự như thế nào. Những xúc động đó dường như đã bị vùi chôn sau bao nhiêu tháng năm nhưng đêm nay một bàn tay vô hình trong não bộ đã cào tung bao tầng đất cát để chúng một lần nữa sống dậy.

Mình nhớ đêm đó đã té mấy chục lần vì lội đá đi ra biển để thả nổi mình trên dòng nước lạnh ngắm sao. Xong trời đổ mưa tầm tã, hai con ướt nhẹp chạy loạn bãi biển kiếm chỗ trú mưa, lạnh teo người và buồn ngủ xỉu nhưng không có đến cả cái khăn lau. Mình phải giả ốm để bạn mình gõ cửa nhà dân xin khăn lúc 2h sáng, rên hừ hừ như con chó ốm vậy mà người ta nỡ lòng nào cho mỗi cái khăn mặt nhỏ xíu :)) cứ vắt khô rồi chia nhau lau cho đỡ ướt, đợi trời sáng bắt chuyến bus đầu tiên về nhà, mà xe bus thì máy lạnh chạy maximum, hai con quễ ngồi cuối xe run cầm cập, lúc tới nhà nhìn nhau chỉ biết lăn ra cười. Tả tơi hơn cái giẻ, cảm thấy sao mà khổ quá đi trời, nhưng bây giờ nhớ lại thì thấy thật buồn cười và dễ thương làm sao.

Đêm nay mình có nói chuyện với ông già về "ngã rẽ cuộc đời". 10 năm trước đây có lẽ mình không thể nào tưởng tượng một ngày nào đó mình sẽ ngồi ở đảo Sardegna, ngắm sao và viết mấy dòng này khi mấy con heo rừng đi dạo buổi đêm dẫm cỏ lẹp xẹp trước mặt. Cuộc đời thực ra nó là 50/50. Kiểu như con mèo Schrodinger, sinh mệnh của con mèo đó lơ lửng giữa trạng thái sống và chết, nhưng giây phút bạn mở nắp cái hộp, số phận của nó an bài. Bạn không thể biết được phía trước là gì, và cuộc đời nhìn có vẻ phức tạp vô cùng nhưng thực sự nó chỉ là lựa chọn 50/50. Ngồi yên hay đứng lên, rẽ trái hay rẽ phải, đi hay ở, yêu hay rời bỏ... Những lựa chọn vi mô đó như hiệu ứng cánh bướm sẽ thổi tung những đợt sóng và những trận cuồng phong, đau khổ tột cùng hay hạnh phúc vô biên, suy cho cùng, là điều ta đã chọn tại giây phút đó.

Đâu đó trong quá khứ, mình chợt nghĩ về cái ngã rẽ này. Mình nhớ về một buổi sáng đi siêu thị với mẹ ở Coop 20 năm trước, trong siêu thị có một cửa hàng bán đồ chơi, trên chiếc giá lớn trang trọng là một chiếc kính viễn vọng. Lúc đó mình đã rất yêu thích vũ trụ, mình muốn nhìn thấy vành đai sao thổ, nhưng cái kính đó rất đắt tiền nên mỗi lần đi siêu thị mình chỉ ghé ngang cửa hàng đó một chút thôi, để nhìn ngắm cái kính đó.

Liệu ở 1 hiện thực khác, nơi cái hộp mở ra và mình có cái kính viễn vọng đó, mình có thể đã đi 1 con đường khác không? Học về những vì sao, về dải ngân hà, về vụ nổ lớn, những thiên hà cổ xưa, hố đen và những supernova...

Đó là một cuộc đời không thể quan sát, nhưng ít nhất trong hiện tại này mình có thể nhìn ngắm vũ trụ tuyệt đẹp, với đôi mắt trần, qua internet, những chiếc kính viễn vọng nhìn thấy spectrum vượt khỏi mắt thường, và mình có đôi tay này để vẽ nên một thế giới nơi mình chỉ có thể chạm đến trong những giấc mơ.

Và đây là điều một bầu trời sao tuyệt đẹp có thể trao tặng.

Hồi tưởng và suy tư.

Khung tranh by Phuong Nguyen

Tìm được một chiếc khung vừa ý cho tranh thật quan trọng. Bức tranh đẹp có thể trở thành gai mắt kinh khủng nếu đi cùng nó là một cái khung thô thiển kệch cỡm như thể muốn nuốt trọn bức tranh bên trong. Một cái khung đẹp là khi sự hiện diện của nó tế nhị và dịu dàng như đã hoá thành một phần của bức tranh, như đã ở đấy ngay từ khi bắt đầu.

Nhờ bàn tay tài hoa của bác Fabio mà giờ 'giấc mơ' này được khoác tấm áo mới đẹp rụng rời quá. Tình cờ tìm thấy tiệm của bác hồi lâu rồi hồi còn ở nhà cũ, một chiều đẩy Fede đi chợ thì nghe thấy tiếng cưa xẻ gỗ phát ra từ sau cánh cửa khép hờ dưới garage một toà chung cư. Bác không có nhân công, tự tay làm tất cả với sự trợ giúp của vợ, tiệm của bác còn chẳng có tên nhưng bây giờ thì đã "khá" hơn xưa một chút khi có thể tìm được thông tin trên google Thường ở Ý cái gì cũng chậm chạp, nhất là vào tháng 8, nên lúc gọi điện thì mình nghĩ là sẽ để tranh ở chỗ bác, để thong thả làm miễn sao kịp hạn chót nộp tranh. Ai ngờ đâu bác bảo, mai tiệm đóng cửa nghỉ hè, nên giờ mang tranh đến đi tôi làm cấp tốc luôn. Bác với Roby chọn khung dựa theo mô tả của mình và trong một tiếng đã hoàn thành, thợ lành nghề có khác. Bác đưa cho Roby xem một khúc gỗ Radica / gỗ Thạch Nam thuộc dòng antique, một loại gỗ quý chuyên dùng làm nội thất xe hơi và tẩu thuốc, và vừa thấy thì ổng biết ngay À ha, chính là nó.

Bác nói đây là khúc gỗ cuối cùng vì bên xưởng gỗ không còn sản xuất. Nên dù thấy thú vị ở sự hữu duyên này nhưng cũng hơi tiếc vì những tranh sau cùng series sẽ không đồng bộ được nữa. Tới đó lại phải tiếp tục hành trình đi tìm cái khung vừa vặn, cộng hưởng hài hoà không chỉ với tranh mà cả những bức bên cạnh nó.

A Livella by Phuong Nguyen

A rather strange morning when my husband read to me a beautiful piece of poetry "A Livella" by Totò that talks about death. Like a mason level, death renders everyone equal. Young and old, rich and poor...

That brings back poignant memories back in the days when we were living close to Certosa. As I wandered around the city of the death, came accross my eyes tombs as large as a chapel, decorated with fanciful chandelier, silver candlesticks and guarded by marble angels behind whimsical fences. There were also many common people rested in what I call 'drawers" embedded in the wall, their name written in cursive, their little photo framed. Richer families would reserve a whole block for themselves and their future kins. And then there were tombs of infants, of stillborns, the poor, the abandoned, those without flowers and without names.

Maybe not on daily basis but I think about death quite often and it's not even remotely suicidal. It's just a thought. What lies beyond? Why the fear? Why the pain? Why after thousand and thousand of years, after so many lives lost to the corrosion of time and so many have written about it we still struggle to understand and to make peace with death? We afraid of what we know little about, and death, ah yes, is The Great Unknown.

And I couldn't help but thinking of "Into Oblivion", a little painting I made earlier this year that dwells on the same theme. The perfect farewell as one drifts into The Great Unknown and their body and soul dissolved into a soup of lost, disintegrated information. An absolute end, to have all traces erased.

A theme I would like to keep coming back over and over again. Art is but a fragment of my inner life after all.