My Randomness

Hai cuộc gặp gỡ by Phuong Nguyen

Chuyến đi này về, mình gặp được hai người bà.

Một người đã nuôi ba mình lớn. Một người đã sinh ra ba.

Người bà nuôi ba lớn đã qua đời trước khi mình về Việt Nam không lâu, đó là sự tiếc nuối ân hận rất lớn mình canh cánh trong lòng từ khi hay tin đến khi về nhà, khi ta sượt qua nhau, chỉ thiếu một chút nữa thôi, nhưng đã không còn kịp nữa...

Đêm khai mạc triển lãm, mình đeo chuỗi hạt bà để lại để tri ân. Đó là chuỗi ngọc bà đã đeo hằng ngày khi còn tại thế. Dù không mê tín, nhưng mình nghĩ rằng đồ vật nào thân thuộc gần gũi với thịt da ta hằng ngày sẽ lưu giữ được phần nho nhỏ linh hồn ta trong nó.

Nhưng rồi cả đêm ẵm con, Simone cứ giựt sợi dây nên mình sợ đứt nhờ mẹ cất đi. Đến khi tối muộn mới ghé qua nhà hàng ăn tối cùng gia đình và mấy người bạn, và tại đó mình bắt gặp một con ngài màu vàng óng rất đẹp. Nó lượn lờ ngoài cửa rồi bay vào phòng khi người phục vụ mở cửa. Nó đậu lên tường đứng đó lặng im một lúc, rồi khi mình đến gần hơn, nó cất cánh bay và bám lên áo, bò lên xương quai xanh, nơi mình từng đeo chuỗi hạt trước đó.

Mình quay lại bảo với các bạn, có con ngài đẹp lắm đậu lên Phương nè. Vừa dứt câu nói nó liền bay đi, nhưng khi mình lại gần đưa tay ra, nó lại nhẹ nhàng bò lên đó. Một người bạn cùng phòng vừa nghe mẹ kể câu chuyện khi bà mất nói rằng tâm linh quá chị Phương ơi. Bà chị về thăm chị đó. Các bạn liền lấy điện thoại ra định chụp lại, nhưng chưa kịp bấm máy thì nó đã cất cánh bay ra khỏi phòng, rồi mất dạng trong đêm.

Mấy hôm sau triển lãm, mình có gặp một người chị đến xem tranh. Cảm xúc còn ấm nóng, nên mình kể cho chị nghe câu chuyện về con ngài vàng. Chị biết nhiều về đạo Phật và giảng cho mình nghe về những cái thất của con người. Chị hỏi, Em có thực sự tin rằng bà em nay là một con ngài không? Từ tận đáy lòng, mình không tin. Mình không có đạo, không tin những gì mình không thấy và ưu ái những gì được lí giải bằng khoa học. Nhưng có lẽ một góc nào đó trong lòng mình vẫn có chỗ cho những sự huyền bí hay bạn bè thường gọi là tâm linh đó, và mình chọn tin vào những điều mang đến trong lòng sự an ủi...

Khi mình ra Hà Nội, lần đầu tiên gặp người bà đã sinh ra ba mình. Dẫu có nhiều điều muốn nói nhưng không tìm được thời điểm, nên phần lớn thời gian hai bà cháu chỉ nắm tay mỉm cười. Đến tối muộn đêm thứ hai sau khi đi ăn cùng gia đình mình quay lại nhà bà cùng với ba và cô. Mọi người chuyện trò vui vẻ, đến lúc chuẩn bị về thì mọi người đi ra trước, chỉ còn lại mình và bà. Hai bà cháu khi đó mới ôm nhau. Bà nói rằng tấm ảnh ở hôm khai mạc triển lãm, khi mình gặp cô lần đầu đẹp lắm. Mình nói với bà rằng có những giây phút rất đẹp được lưu trữ lại nhờ máy ảnh, nhưng phần lớn cuộc đời, những giây phút xúc động ngọt ngào nhất mà ta sẽ khắc cốt ghi tâm, thường nó vụt qua lặng lẽ, không để lại dấu vết... Như những giây phút này giữa chúng ta chỉ tồn tại trong ký ức của con với bà mà thôi.

Cái nắm tay với bà đêm đó vẫn còn râm ran ấm nóng trên đầu ngón tay khi nhớ lại. Cái nắm tay đó vẫn còn vương vấn đầy kỷ niệm trên đôi mắt khi máy bay cất cánh rời khỏi Hà Nội. Thời gian đi qua cảm xúc lắng xuống trong lòng, mình thôi không còn khóc khi nhớ đến. Nhưng rồi mình rất sợ, sợ rằng mình sẽ quên. Trí nhớ của mình không tốt lắm, để nhớ được điều gì đó cần phải nỗ lực rất nhiều.

Nên dẫu cho hồi đầu muốn giữ những điều nay chỉ cho riêng mình nhưng mình chọn viết ra để những năm sau còn nhớ. Đây là vết tích của những cuộc gặp gỡ không hình ảnh, ghi âm. Và giờ đây dẫu cho nó chỉ còn là những cái bóng mờ được ghi lại bằng ngôn từ, mai sau khi được nhắc nhớ lại, mong sao mình vẫn cảm thấy được một nỗi xúc động dịu dàng, mong sao mình sẽ được sống lại dù chỉ phần nào những khoảnh khắc đã qua đó.

Địa Ngục by Phuong Nguyen

Tĩnh tọa trong đêm
tiếng hót đỗ quyên
vọng lên từ Địa Ngục.
- Pháp Hoan

Contemplating tonight’s stillness
resounds the cry of water rail
from the depth of hell.

_____

Tôi không biết thiên đường trông như thế nào và sẽ có cái gì chờ đợi những người đã phấn đấu cả cuộc đời để được đặt chân vào đó. Nhưng tôi tự hỏi rằng liệu nơi đó có đẹp đẽ và diệu kỳ hơn những gì tôi đang nhìn thấy nơi địa cầu này không? Những cánh rừng hùng vĩ nơi đại ngàn, biển rộng trải dài vô biên và trong lòng chúng nhung nhúc sinh sôi sự sống muôn loài đa dạng, rực rỡ. Nếu Cực lạc là nơi chỉ còn niềm vui, vậy thì liệu có vui hơn cảm xúc lâng lâng hạnh phúc tôi có được khi chuyện trò cùng những người bạn tâm giao? Có vui hơn nỗi xúc động khiến tâm hồn như được gột rửa khi nghe một bản nhạc hay, khi rảo bước đi bên bờ biển nhìn ngắm một hoàng hôn rơi, khi nhìn vào vũ trụ thăm thẳm sâu lấp lánh những vì tinh tú? Đối với tôi thiên đường hiện diện trong những vòng tay ôm và những nụ hôn với người thân yêu khiến thời gian như ngừng lại, trong đôi mắt ngây thơ và nụ cười những đứa con mình...

Và địa ngục cũng vậy, trong lòng mỗi người hiện diện một địa ngục sâu thăm thẳm của cô độc, của ly biệt, bội phản và hận thù... Liệu ma quỷ ở cõi âm ty có thể làm điều gì kinh khủng hơn những gì con người đã và đang làm với nhau? Đứng ở phía bên này vườn địa đàng, tôi ngước lên nhìn trời, mây trắng chầm chậm trôi thật bình yên, nhưng ở nơi khác trên trái đất này, từ những tầng mây kia là bom đạn đang rơi xuống.

Hồi đầu, tôi dự định vẽ cảnh địa ngục Phật giáo, nhưng rồi tôi đổi ý và vẽ lại cảnh núi lửa Visuvius bùng nổ, chôn vùi Pompeii, hàng chục nghìn người dân không kịp tháo chạy bị chôn vùi trong dung nham và bụi tro núi lửa. Một quang cảnh tang thương thường được xem như "địa ngục tại thế".

"Không có thiên đường, cũng không có địa ngục, bởi đó là những nơi ta có thể trải nghiệm ngay tại kiếp sống này."

---

I think that both heaven and hell are realms that you can experience during our earthly existence. What is there in heaven better than this life? A realm abundant in lush greenery, diverse landscape, expansive sea, and the wonder of nature. It's found in the delight of conversation with dear friends, the embrace of music, peaceful strolls along the shore watching the sunset. It's found in the warmth of an embrace, the tenderness of a kiss, the innocent laughters of my children... what could heaven offer that's superior to these treasure?

And then there is hell, an immense chasm of isolation, of treachery, anguish and sorrow. The numbing pain of losing someone you love... It's the abyss deep within our soul. Are the ghost and malevolents capable of doing things even more terrifying than the atrocities human inflict upon each other? While I stand on this side of paradise gazing at peaceful clouds above, somewhere else on Earth it's raining down missiles...

Consequently, instead of depicting the realms of Buddhist hell as I intended to originally, I turned to the catastrophic eruption of Mount Visuvius that shook the Roman empire and buried Pompeii. An unparalleled disaster that vividly represent the horror of a living hell.

"The Blood of War" by Phuong Nguyen

“The Blood of War”, Le Duy Tiep, oil on canvas, National Gallery Singapore

Đến national gallery of Singapore, lần đầu tiên đối diện với thật nhiều tác phẩm tuyệt vời từ Đông Nam Á - một vùng đất dẫu rất thân thuộc nhưng lịch sử lập quốc và lịch sử mỹ thuật của họ mình hầu như không biết gì cả. Mình nhận ra sự mâu thuẫn khi bản thân có thể biết kha khá về những vùng đất vô cùng xa xôi nhưng những nơi gần gũi hơn nhiều mình lại hoàn toàn chẳng biết gì, và đây là một thiếu sót mình muốn học hỏi, bổ sung thêm trong nhiều năm tới. Xem những bức tranh chịu nhiều sự ảnh hưởng (cả tốt lẫn xấu) từ thời thuộc địa, cảm thấy rất nhiều suy tư trong lòng nhưng có lẽ cảm xúc chưa chín muồi nên thật khó tìm lời đúng để tả về nó.

Và tất nhiên, bức tranh mình muốn nhìn thấy tận mắt nhất là bức "Blood of war" của ông Lê Huy Tiếp - một nhân duyên huyền bí hội hoạ đã mang đến. Bảo tàng này rất lớn mà vì xách ông con theo nên mình phải đi vội vàng. Khi đến mình hỏi ngay, tôi muốn xem cụ thể một bức tranh trong bộ sưu tập này, bạn vui lòng chỉ cho tôi nó nằm ở đâu. Khi họ nhìn thấy liền chỉ mình đến ngay phòng số 10, là căn phòng của "Chiến tranh."

Gần đây mình vẽ một bức tranh lấy chủ đề chiến tranh. Khi vẽ bức tranh này mình đã đọc nhiều về những cuộc chiến trong quá khứ, những cuộc diệt chủng nhân danh hoà bình thịnh vượng, và đã có những khoảnh khắc mình cảm thấy buồn nôn. Lịch sử của loài người là chiến tranh trường cửu còn hoà bình có lẽ chỉ là những khoảng nghỉ ngơi hồi sức. Tuy nhiên dẫu cho ngay tại Châu Âu bây giờ, thế chiến thứ 3 đang rình rập nhưng về căn bản cuộc sống thường nhật vẫn khá bình yên. Bản thân mình chưa từng biết đến sự kinh hoàng tang thương mà chiến tranh mang đến, những gì mình nghĩ là biết, và hiêủ, chỉ là sự đồng cảm gián tiếp.

Người chết, người sống, người mù, người mẹ, đứa trẻ, người đang cháy, người đã cháy đen, người thành xương trắng, một khóm hoa tàn, tất cả như bị ép vào ngõ cụt dưới gọng súng...

Với những người đã kinh qua chiến trận, tác phẩm họ tạo ra thật đau đớn, trần trụi đầy ai oán. Ngay kế bên bức tranh của ông Tiếp là một bức về thảm sát Mỹ Lai, dẫu không đặc tả và được vẽ một cách ước lệ, gần như trừu tượng, nhưng mình vẫn cảm thấy kinh dị và khó thở khi nhìn chúng.

Một cái hộp chỉ treo hai bàn chân. Một cỗ áo quan lót đệm trắng... Còn nhiều những tác phẩm mà mình muốn quay lại để nhìn và cảm thấu nhiều hơn.

Một bức tranh dã man khác là bức "Cháy rừng", tả cảnh đàn thú hoang khi bị lửa dồn đến mép vực. Nhìn nó và nghĩ về con người, khi đến đường cùng, chẳng khác gì đâu...

Từ ngữ nào để diễn tả những tác phẩm này, bạn không thể định nghĩa chúng với tư duy nhị nguyên đẹp-xấu, vì chúng ghi lại những giai đoạn lịch sử khi thiện-ác như tan vào nhau, khi việc giết người là hợp pháp, giết càng nhiều càng tốt, càng dễ được suy tôn thành anh hùng. Đồng loại thịt nhau không chừa già, trẻ, trai, gái và cảm giác đê mê tanh nồng đó không thua kém gì một thứ thuốc phiện.

Cuộc đời rất đẹp và cũng rất dã man, mình không muốn chỉ tiếp nhận cái đẹp, mình muốn đối diện với những chương hồi đen tối nhất của nhân loại, để cái thiện bé nhỏ mong manh trong mình luôn được cảnh tỉnh.

An inkstone that I desire by Phuong Nguyen

Một nghiên mực do Aoyagi tạo tác

Trong nhiều dụng cụ vẽ mà tôi có, thứ rẻ tiền nhất là một nghiên mực. Nó là một nghiên mực tiêu chuẩn, dường như được sản xuất dây chuyền, có thể mua được dễ dàng ngay cả ở tiệm hoạ cụ ở Ý, một nơi rất xa lạ với những hoạ cụ truyền thống Đông Phương.

Nó vuông vức, nhẵn mịn, có độ dốc vừa đẹp, đen như hắc ín, được gói trong một cái hộp giấy khiêm tốn cũ sờn, phủ dầy bụi sau bao tháng năm nằm trong xó tủ hoạ cụ không ai mó đến. Tôi mua nghiên mực đó với 15 đồng. Hai năm qua nó đã mài kha khá mực, xước xác, nhưng vẫn chưa mòn, chưa lõm, luôn hoàn thành tốt việc mà nó được giao phó cho, dễ đến mấy thập kỷ nữa vẫn bền chắc, tiếp tục phụng sự trong thầm lặng.

Giấy, bút, mực, màu, đều là những thứ không thể thoả hiệp, ngoài chất lượng thì cái quan trọng hơn là cảm giác, cơ thể đã quen với chúng nên khó lòng thay đổi, vì bạn sẽ không thấy hài lòng với những thứ phẩm chất kém hơn. Nhưng một nghiên mực thì khác, chất lượng của nó không ảnh hưởng đến thành quả là bức tranh. Thỏi mực được mài trên nghiên mực đắt tiền hay rẻ tiền đều cho ra một sắc mực như nhau, có lẽ chất lượng nước mà bạn dùng còn ảnh hưởng nhiều hơn là phẩm chất hòn đá dùng để tạo ra nghiên mực đó.

Nhưng rồi một ngày tôi tìm thấy những nghiên mực tuyệt đẹp và khám phá ra rằng có một thế giới mình chưa từng biết đến - nơi chúng được tạo tác bởi nghệ nhân. Những nghiên mực được mài ra, rồi khắc, tạo hình bởi bàn tay con người, cho nó những dáng hình vuông, tròn, oval, có cái chạm khắc rồng phượng, mai tùng phong phú, thậm chí còn có cả nắp đậy sơn mài

Và tôi đã...phải lòng một hòn đá. Nghiên mực này được tạo ra bởi nghệ nhân Aoyagi Takashi, người tiếp nối cơ nghiệp gia truyền kéo dài hơn thế kỷ. Nghệ nhân đời đầu trong gia đình đã tạo ra nghiên mực mà nhà văn lỗi lạc Natsume Soseki từng sử dụng, và nay là người thừa tự, Takashi muốn tạo ra những nghiên mực mà Soseki nếu còn sống, cũng sẽ khát khao được sở hữu.

Tôi thích những nghiên mực do anh tạo ra, khác với những nghiên cổ vật thường là của gia truyền trong những gia đình quyền quý thời xưa được chạm khắc tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật, nghiên mực của anh giản dị, nương theo dáng hình tự nhiên của hòn đá nguyên sơ, khiến chúng có vẻ khiêm cung thô ráp, trầm lặng mà đầy sức nặng. Mang trong mình tinh thần của một học giả, Aoyagi tự tay chọn những phiến đá ưng ý từ trong mỏ đá tận Hokkaido xa xôi, cảm nhận hòn đá bằng chính đôi tay mình, để cảm giác chắc chắn trong lòng thôi thúc, rằng đây chính là nghiên mực tiếp theo mà anh phải tạo thành.

Tôi không biết cụ thể công việc của một nghệ nhân khắc đá, nhưng đã từng táy máy khắc triện, một hòn đá nhỏ hơn với những chiếc dùi đục cũng nhỏ hơn nhiều, vậy thôi mà đã đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và hơn hết là thể lực. Bàn tay căng ra, tấy đỏ, mỏi nhừ, nên việc khắc tay một nghiên mực to nặng, chắc chắn không hề đơn giản.

Có những nghiên mực Aoyagi mới tạo ra ngay hôm qua thôi, nhưng cốt của hòn đá anh nhặt lên niên đại gần 2000 năm. Tạo ra vật phẩm thời hiện đại từ một thứ chất chứa trong nó thời gian là một trải nghiệm linh thiêng thành kính, như khi đối diện một di tích cổ xưa. Tôi nhớ đến lần đầu bước vào đấu trường Coloseo và như bị nhấn chìm trong một đợt sóng lớn, nơi này cũng gần 2000 năm tuổi.

Thời hiện đại với sự tiện lợi khiến khoảng cách giữa con người và những vật dụng ta gần gũi ngày càng xa. Dáng hình nhân tạo và chu trình khép kín khiến ta khó hình dung đâu là khởi nguồn của chúng. Nhìn lọ dầu olive, tôi vẫn có thể mường tượng được à lọ thủy tinh từ cát, dầu từ quả olive, cái nút bần từ vỏ cây sồi. Nhưng ngay đến đôi giày mình đang mang tôi đã thấy bối rối về nguồn gốc của chúng, nói gì đến cái điện thoại đang dùng để gõ những dòng chữ này.

Thực hành hội hoạ cũng không là ngoại lệ. Dù là màu gì thì cũng đến từ tự nhiên. Tự pha một chén màu từ đất đá thì màu sắc cũng không khác mấy nếu bóp ra từ tuýp màu, chỉ là người ta đã thay mình làm hết tất cả những công đoạn tinh luyện nhiêu khê. Tiết kiệm cho ta rất nhiều thời gian, nhưng có lẽ sự tiện lợi cũng đã tước đi cơ hội để ta hiểu rõ hơn nguồn cội, bản chất của sự vật. Con người ta khó có thể chiêm nghiệm điều gì trong sự vội vàng gấp gáp. Khi thân nhàn rỗi, tâm mới có thể chậm rãi mà suy tư.

Khi tôi xúc ra một ít màu đổ vào chén, những tinh thể loá lên, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, tôi nghĩ đến hòn khoáng thạch đã đi qua hàng nghìn, thậm chí triệu năm trong sức ép của tầng tầng đất đá mà thành. Khi tôi mài thỏi mực, mùi thơm êm đềm của chúng gợi tôi nhớ đến ánh lửa bập bùng và những cây tùng già trăm tuổi. Âm thanh xào xạc khi thỏi mực hoà cùng nước ma sát với nghiên đá, tiếng nước nhuộm sôi lụp bụp trong bếp và tôi tận hưởng những xung động này với một ấm trà nóng hoặc một ly vang. Sự nhiêu khê rườm rà này cho tôi cơ hội để kết nối với những công cụ mình gần gũi, cảm xúc thăng hoa hơn khi tôi được vẽ bằng tất cả giác quan của mình.

Rồi sẽ đến ngày tôi chạm tay vào một nghiên mực Aoyagi tạo tác. Không cầu kì, chỉ cần một mặt phẳng trơn mịn có độ dốc vừa phải trên một hòn đá mà tôi có cảm tình còn vẹn nguyên hình hài. Đó là một thứ mà dù không có cũng không sao, tôi vẫn sẽ vẽ tranh rất tốt với nghiên mực 15 đồng khiêm tốn mà tận tụy của mình, nhưng nếu có sẽ khiến đời sống tinh thần thêm thú vị.

Biết rằng đời sống hiện tại đã khiến thú vui nhàn rỗi như mài mực trở nên lỗi thời, ngay cả trong giới văn nhân, nghệ sĩ thư pháp cũng không cầu kì về phẩm chất nghiên mực họ sử dụng, Aoyagi mày mò tìm hướng cách tân. Anh đi tìm những phiến đá hiếm sâu trong lòng đất ngàn năm tuổi, những phiến đá rơi xuống từ trời. Có những nghiên mực anh làm ra từ đá thiên thạch, bay xuyên vũ trụ biết đã bao nhiêu triệu triệu năm rồi đâm sầm vào tinh cầu bé nhỏ nơi ta đang sống. Cuộc du hành của chúng không dừng lại ở đó, anh nhặt chúng lên, cho chúng một dáng hình mới, một sứ mệnh mới.

Thời gian chất chứa trong chúng mang một sức mạnh mà khi chạm vào, tôi tin rằng mình sẽ cảm thấy như bị nhấn chìm dưới một cơn sóng lớn.

--

Ảnh, tư liệu từ trang web của Aoyagi Takashi: https://home-museum.net/suzuriten/

Teatro Anatomico by Phuong Nguyen

"Teatro anatomico" - giảng đường giải phẫu học trong khuôn viên trường đại học Bologna. Được thành lập từ thế kỷ thứ 11, nơi đây thường được gọi là trường đại học đầu tiên ở Châu Âu và suốt 10 thế kỷ nó chưa bao giờ ngưng hoạt động nên cũng là ngôi trường xưa nhất thế giới hiện còn vận hành.

Ngày nay thì cả phố cổ Bologna như 1 campus khổng lồ, mỗi ban ngành khác nhau nằm trong một palazzo khác rải rác khắp nơi , nhưng giảng đường giải phẫu này đặc biệt nằm trong khuôn viên trường nguyên bản cổ xưa.Từ teatro cũng có thể được hiểu như là sân khấu, bởi cách thiết kế giảng đường này khá tương đồng với sân khấu nhạc kịch: hàng ghế cho khán thính giả được xây cao lên trong khi vị trí diễn giả nằm ở trung tâm thấp nhất để người xem dù ở vị trí nào trong phòng cũng có thể quan sát toàn vẹn. Tuy nhiên ở đây thì không có đàn hát nhảy múa gì cả, nó được xây vào năm 1673 bởi kiến trúc sư người Bolognese Antonio Paolucci chỉ nhằm một mục đích duy nhất: giảng dạy về giải phẫu học. Vào thời đó thì việc mổ xác là phi pháp, bởi họ cho rằng đây là một sự báng bổ thánh thần và phàm kẻ nào bị phanh thây sẽ không được cứu rỗi vào ngày Phán Xét, thành thử cấm tiệt, dẫn đến hệ quả là sự hiểu biết về giải phẫu học vô cùng hạn chế. Và mỗi năm vài lần, trong sự kiện vô cùng hiếm có khi họ tìm thấy một người chết được đặc cách hiến mình cho y học trong tình trạng toàn vẹn, còn "tươi mới" và có lẽ quan trọng nhất là không có mầm mống bệnh truyền nhiễm, các sinh viên, giáo viên, bác sĩ, y tá từ khắp nơi sẽ đổ xô về chen chúc trong khán phòng này, và ở cái bàn cẩm thạch nơi chính giữa căn phòng sẽ có một xác người nằm đó, được phanh ra một cách nghiêm cẩn trịnh trọng. Trong căn phòng được dựng bằng gỗ vân sam lèn kín người, giữa mùi nồng của máu thịt hôi tanh và đầy nội tạng đó, những kiến thức đầu tiên về cơ thể người, về giải phẫu học đã được ghi chép lại.

Trần nhà được khảm hình ảnh mười bốn chòm sao và thần Apollo - vị thần bảo trợ của y học - ngự ở tâm điểm. Chủ đề chiêm tinh học được lựa chọn dựa vào một niềm tin cổ xưa rằng mỗi bộ phận trên cơ thể ta đều được phù hộ bởi sao trời, và trước khi kê đơn thuốc, người y sĩ (hay thầy đồng) sẽ viện đến những chòm sao nhằm cầu xin lời chỉ dẫn từ chư vị thánh thần.

Vào thế chiến thứ 2, giảng đường này đã bị dội bom và hủy hoại nặng nề. Công việc trùng tu đã được bắt đầu ngay sau đó và chỉ cần 6 tháng để căn phòng trở lại nguyên dạng. Đội ngũ chuyên gia còn cẩn thận phân tích tình trạng lớp gỗ xưa, phủ lên chúng những lớp bảo vệ đặc biệt nhằm chống lại mối mọt và nhất là những mầm bệnh virus có thể đã tích tụ trong căn phòng sau bao nhiêu thế kỷ phục vụ cho công việc giải phẫu học.