ITO JAKUCHU (PHẦN 1): Tổng quan về cuộc đời / by Phuong Nguyen

Title: White Plum Blossoms and Moon

Artist: Itō Jakuchū (Japanese, 1716–1800)
Period: Edo period (1615–1868)
Date: 1755
Culture: Japan
Medium: Hanging scroll; ink and color on silk

Ito Jakuchu | 伊藤 若冲 (1716 - 1800) hiện được xem là một trong những danh hoạ quốc bảo của Nhật Bản. Mặc dù sở hữu bút pháp điêu luyện người đương thời hiếm ai sánh bằng và không dễ dàng sao chép, nhưng Ito Jakuchu vốn không phải là con nhà nòi và bắt đầu sự nghiệp hội hoạ khá muộn. Ông sinh ra và lớn lên vào giai đoạn trung kỳ Edo, khi nước Nhật đã bế quan toả cảng, tại quận Nishiki vốn là phố chợ sầm uất lâu đời tại Kyoto. Gia đình ông là hàng rau có tiếng đã hoạt động qua ba thế hệ, và Ito Jakuchu, thân là con trưởng, sẽ là người thừa kế thứ tư. Vì lẽ đó mà cuộc đời thanh thiếu niên của ông không có nhiều ghi chép, ông vốn chỉ học gảy bàn tính, kỹ năng giao thương, quản lý tiền bạc là những kỹ năng cần thiết cho con buôn kẻ chợ. Khi Ito Jakuchu vừa tròn 23 tuổi thì cha ông qua đời và ông chính thức trở thành Masugen đời thứ tư, thay cha gánh vác cơ nghiệp. Nhưng bản tính ông có phần ẩn dật không hợp chốn thương trường, cũng không đam mê vật chất lẫn những thú vui trai gái xa hoa. Ngoài việc đảm đương cơ nghiệp gia đình (mà ông không mấy mặn mà), ông thường xuyên lánh vào núi ở những thiền tự hẻo lánh, có khi mấy tháng trời biền biệt không thư gửi, gia đình ngỡ ông đã mắc bệnh qua đời.

Không rõ ông bắt đầu vẽ từ khi nào, nhưng chắc chắn không sớm như những hoạ gia cùng thời, chẳng hạn Maruyama Okyo vốn đã thể hiện thiên phú hội hoạ từ rất trẻ. Nhiều ghi chép cho rằng ông bắt đầu vẽ khoảng năm 20 - 25 tuổi, như một thú vui quạnh quẽ trong những ngày tháng tu hành nơi thâm sơn cùng cốc. Theo những ghi chép của tu sĩ Daiten (1745-1805) người bạn thân thiết của Ito Jakuchu cho ta thấy, ngoài việc vẽ tranh, Ito Jakuchu không bày tỏ sự hứng thú đối với bất kì điều gì khác. Ông không thích học, viết chữ rất vụng, những kỹ năng cần thiết để quản lý hàng rau Masugen dù đều đã học qua nhưng ông lại khá vất vả khi phải bắt tay vào công việc đó. Ông càng không mặn mà với lạc thú, không thích đi đến tửu lầu hay tham dự tiệc ra mắt, vật chất xa hoa cũng không đoái hoài. Bản tính ông chỉ thích làm việc trong cô độc, ngày qua ngày miệt mài vẽ tranh, lấy việc nhìn thấy đôi tay ngày càng trở nên điêu luyện làm niềm vui.

Ba mươi năm đắm chìm trong hội hoạ với ông trôi đi thật nhanh như thể chỉ thoáng qua một ngày. Vào thời điểm này hầu hết các hoạ sư thường xuất thân hoặc theo học trường phái Kano hoặc Rimpa, vốn là hai trường phái danh tiếng nhận được rất nhiều hỗ trợ về tiền bạc lẫn quyền lực, nhưng ông cho rằng những hoạ gia cùng thời chỉ chăm chăm vào việc phô diễn kỹ năng, tái hiện cảnh sắc hời hợt, vẽ theo thị hiếu của giới thượng lưu nhằm leo lên nấc thang danh vọng. Họ không còn quan sát tự nhiên mà chỉ sao chép thầy thợ một cách cứng nhắc, vì thế không thể truyền đạt, nắm bắt được cái thần hồn của thiên nhiên sống động. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là Ito Jakuchu không hề phủ nhận trường phái Kano, cái ông chỉ trích là thái độ cũng như mục đích không đứng đắn của nhiều hoạ sĩ đã đẩy trường phái này vào lối mòn dẫn đến suy tàn. Ito Jakuchu không đoái hoài đến tiền tài danh vọng, ông muốn trở nên xuất chúng, hơn nữa ông cho rằng dù có cố đến đâu ông cũng không thể sánh bằng những bậc thầy khởi sinh trường phái Kano, ông phải tìm ra con đường riêng cho bản thân mình. Tuy vậy Jakuchu vốn là một người xuất thân không dính dáng gì đến hội hoạ, ông như một người đi lạc trong rừng thẳm mà không có lấy một chiếc la bàn, thành ra những mối quan hệ thân tình cũng như những người thầy đầu tiên chính là tầng đá vững chãi đặt nền móng cho sự nghiệp về sau.

Danh tính hoạ sư ông theo học chưa bao giờ được xác thực, nhưng dấu tích triện thư cũng như bút danh ông dùng trong thời gian đó gợi ý ông đã từng theo học một học giả đương thời là Ooka Shunboku. Ông là một trong những học giả hiếm hoi nghiên cứu về lịch sử phát triển của hội hoạ Trung Hoa tại Kyoto, và đã tái hiện nhiều tác phẩm của các danh hoạ xưa nhằm mục đích khảo cứu cũng như hoàn thiện bộ sách đại cương gồm 6 quyển in mộc bản "ehon" về Trung Quốc hoạ. Có lẽ chính từ Shunboku, Jakuchu đã học hỏi phong cách hội hoạ của các hoạ sư Trung Hoa trước đó một cách tường tận để rồi từ từ phát triển nên phong cách cá nhân độc lập khỏi trường phái Kano. Một trong những người bạn thân tình nhất với Jakuchu là tu sĩ Daiten, họ kết giao từ những ngày tháng tu hành. Về sau này Daiten trở thành trụ trì ở chùa Shokoku-ji tại Kyoto và nhờ đây mà Jakuchu đã được tận mục sở thị nhiều bức hoạ Trung Hoa nằm trong kho bảo vật mà thường dân không thể tiếp cận. Daiten cũng chính là người đã nghĩ ra Pháp danh "Jakuchu" - "Nhược xung" cho người bạn thân của mình. Jakuchu có nghĩa là "hư không", được trích từ đoạn 45 trong Đạo Đức Kinh: Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng.

Tuy vậy, nỗ lực hệ thống một cách đầy đủ các tác phẩm thời kì đầu của Ito Jakuchu hầu hết chỉ là phỏng đoán, mang tính ước lệ bởi một đặc thù là các hoạ sĩ thời đó không đề ngày tháng trên tranh mà chỉ có thể căn cứ theo dấu triện, thường là biệt hiệu, vốn hay thay đổi. Thêm vào đó với bản tính cầu toàn, Ito Jakuchu có lẽ không muốn để thế giới nhìn thấy những tác phẩm xưa trước khi tài năng của ông đến độ chín muồi. Hơn nữa, sau vụ đại hoả hoạn thiêu rụi phần lớn cố đô Kyoto 1788, cả hàng rau Masugen và xưởng vẽ của ông đều đã bị san bằng, và trong đám tro tàn đó có lẽ là những tác phẩm đời đầu của ông. Những tác phẩm cũ nhất có năm sáng tác đáng tin cậy là năm 1755, khi ông đã quá bốn mươi tuổi. Đây là khi người con thứ trong gia tộc Ito là Hakusai chấp nhận thừa kế hàng rau Masugen, và nhờ vậy mà Jakuchu đã được giải thoát khỏi trách nhiệm gánh vác cơ nghiệp để toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường hội hoạ.

Bức Hoa mận dưới trăng (1755) là một trong ba tác phẩm đầu tiên có thể tra cứu được năm sáng tác. Cảnh đêm huyền hoặc được thắp sáng bởi những đoá mận trắng bung nở dưới ánh trăng, và đối lập với sự mong manh của hoa là đường nét gồ ghề, lởm chởm gợi tả một cổ thụ già. Bức vẽ thứ hai là "Đôi Phượng Hoàng trước cảnh bình minh" (1755) là tác phẩm tranh trục cuộn lớn nhất trong tất cả những tranh hoa điểu của ông. Là một hoạ sư chuyên vẽ về thiên nhiên, ông rất xem trọng việc quan sát và ghi chép cách muôn loài sinh hoạt nhằm tái hiện được chúng sống động và chân thật nhất, tuy nhiên, vì Phượng Hoàng là loài chim thần thoại không có thực, ông viết trong lạc khoản rằng "đã vẽ chúng thật phóng túng và thả từng nét cọ đi theo trí tưởng tượng". Tranh vẽ về chim Phụng từng là một chủ đề khá quan trọng và được ưa chuộng bởi các hoạ gia cung đình Trung Hoa. Nhờ vào mối quan hệ thân tình với chùa Shokokuji, Ito Jakuchu có thể đã xem vài bức tranh vẽ Phượng Hoàng từ thời Minh được lưu trữ trong kho bảo vật để tìm cảm hứng. Bức thứ ba vẽ một con hổ, được sáng tác cùng năm 1755. Cũng giống như bức vẽ Phượng Hoàng, hổ khi đó không có tại Nhật Bản, nên Ito Jakuchu đã tham khảo những bức tranh hổ được sáng tác trước đó bởi những hoạ gia cung đình Trung Quốc. Có thể thấy sức ảnh hưởng từ hội hoạ Trung Hoa là một thành tố quan trọng trong việc định hình phong cách cá nhân Ito Jakuchu, không thể lẫn với trường phái nào khác tại Nhật Bản lúc bấy giờ.

Ở tuổi 40, Jakuchu đã hình thành bản sắc cá nhân với kỹ thuật điêu luyện, chặt chẽ, chủ đề phong phú nhưng bút pháp nhất quán, không hỗn loạn. Ông tự nhận rằng điều duy nhất khiến ông khác biệt so với những hoạ gia khác chính là khả năng tái hiện thiên nhiên sinh động rực rỡ, và người thầy dạy cho ông điều này không gì khác ngoài chính tự nhiên. Không còn trách nhiệm với gia tộc nên trong những năm này ông đã cho ra một số lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú, từ tranh cuộn đến cửa trượt thư phòng, bình phong, trước khi dành toàn bộ tâm tư vào thực hiện kiệt tác để đời - bộ tranh Doshoku sai-e (The Colorful Realm of Living Beings) gồm 30 trục cuộn, thể hiện muôn loài rực rỡ sống động trong bầu sinh quyển tự nhiên của chúng. Khi hoàn thành kiệt tác này, ông đã hiến tặng toàn bộ cho Thiền viện Shokoku-ji tại Kyoto cũng chính là nơi người bạn vong niên Daiten trụ trì. Và nguyện vọng của ông đã thành hiện thực. Toàn bộ bộ tranh Doshoku sai-e nay là di sản quốc gia nằm trong bộ sưu tập của hoàng gia Nhật Bản.