Thế giới màu sắc của Nhật Bản by Phuong Nguyen

Sakai Hoitsu - Ōson Gafu

Sakai Hoitsu - Ōson Gafu

Tối đi ngang cõi mạng, rơi vào một thế giới màu sắc của Nhật. Không chỉ có một bảng màu phong phú sắc độ mà cách họ đặt tên cho từng màu cũng thật là hay.

Một số màu có thể kể:

曙色 - Akebono-iro - Dawn-color - Màu của bình minh
檜皮色 - Hihada-iro - Cypress bark color - Màu gỗ bách
朽葉色 - Kuchiba-iro - Decaying leaves color - Màu lá úa
利休白茶 - Rikyūshiracha - Faded Sen no Rikyū's tea- Tách trà nhạt của Rikyū (Một trà sư nổi tiếng có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa uống trà của Nhật Bản, ngay cạnh bên đó là màu 利休茶 - Rikyūcha - Tách trà của Rikyū )
路考茶 - Rokōcha - Contemplation in a tea garden - Suy tư trong vườn trà (Đây là một màu nâu trầm, gần với umber)
裏柳 - Urahayanagi - Underside of willow leaves - Mặt lưng của lá liễu (Màu xanh non)
虫襖 - Mushiao - Insect green - Màu xanh côn trùng
湊鼠 - Minatonezumi - Harbor rat - Màu lông chuột nơi hải cảng (Xin thề chưa thấy con chuột nào ở cảng có màu xanh nhạt này)

Và cái tên màu mình thích nhất có lẽ là

白練 - Shironeri - Unbleached silk - Màu lụa sống

Trong bảng màu mình thường thấy khi đi mua màu vẽ, đây là một sắc độ của màu trắng, kem hồng, mà thường được gọi nhất là Flesh tint, màu da người. Màu sắc này gây tranh cãi nhiều năm qua, nhưng nhờ sự kiện BLM mà nó đã trở thành một vấn đề lớn được đặt ra cho các hãng màu. Hiện nay, màu flesh tint không còn tồn tại, tên nó đã được thay đổi tùy theo mỗi hãng, như màu Maimeri mình hay dùng đã đổi thành Naples yellow red, Daler Rowney gọi nó là Peach - màu quả đào, Faber Castell từng có những màu da cụ thể hơn như da đen, da vàng... nay đã đổi thành màu san hô, màu cá hồi, màu kem đỏ... Không có ngoại lệ ngay đến những hãng danh tiếng lâu đời như Schmincke, Old Hollands, Winsor Newton... Đọc full statements tại đây https://www.jacksonsart.com/.../redefining-skin-and.../

Nhưng không có cái tên nào hay bằng Shironeri - Màu lụa sống : )

Đọc thêm về màu sắc Nhật cùng bảng màu phong phú của họ tại Đây

Mùa thu trong tranh Takehisa Yumeji by Phuong Nguyen

123708231_5046353538712012_2075608713485747686_n.jpg

Mùa thu nhung nhớ, mùa thu hoài niệm

Như trong tranh của Takehisa Yumeji. “秋のいこい / Rest in autumn” được vẽ vào năm Đại Chính thứ 9 (1920) Một người phụ nữ bận Kimono, chân trần đi guốc mộc ngồi ưu tư dưới tán cây ngô đồng đương thay màu lá.

Xem tranh của Yumeji thấy được vẻ đẹp của một thời xưa cũ, cảm xúc nhẹ nhàng dung dị. Giờ phải mở thêm bài Em ra đi mùa thu, giọng cô Thái Thanh, xem tranh càng đã.

 

Takehisa Yumeji (1884-1934) là nhà thơ/ hoạ sư nổi tiếng thời Đại Chính, ông được xem như là nhân vật tiên phong trong làn sóng Taisho Roman, nhờ vào bút pháp hoà quyện giữa sự Lãng mạn tây phương và tư tưởng cổ kính của Nhật Bản. Nay để tận mắt xem tranh của Yumeji, bạn có thể đến bảo tàng Yumeji Folk Art tại tỉnh Okayama, nơi này được thành lập nên bởi nhà sưu tập thân tình nhất với Yumeji lúc sinh thời là Motoi Matsuda. Rời đi khỏi quê nhà từ năm 16 tuổi, Yumeji luôn mang theo trong mình nỗi nhung nhớ khôn nguôi, hiểu được điều này, Matsuda đã quyết định mang tất cả những tác phẩm ông sưu tầm từ danh hoạ quay về Okayama và dựng nên bảo tàng vào năm 1966.

Những bức hoạ bijinga của ông với motif người phụ nữ cùng đôi mắt to đượm buồn, lông mi dài cong vút cũng được xem như nguồn cảm hứng cho trào lưu shoujo manga về sau, tiêu biểu là tác phẩm nổi tiếng Hoa hồng Versailles của Ryoko Ikeda.


Xem thêm tranh của ông tại đây https://yumeji-art-museum.com/gallery-english/

Sáu thanh âm, sáu Đức Phật by Phuong Nguyen

121058438_4926763407337693_4265822770741927130_o.jpg

Nhà sư Kūya sinh vào thời Heian năm 903, mất năm 972. Ông là một thiền sư lang thang và lúc sinh thời ông thường đi khất thực khắp nơi để truyền dạy về Phật pháp và cõi Tịnh Độ. Nơi ông thường dừng lại là chỗ chợ búa đông đúc, tầng lớp ông tiếp xúc và thuyết pháp nhiều nhất là thường dân và bởi thế ông còn được mệnh danh là thánh nhân phố chợ. Ông thường xuất hiện trong bộ áo hành hương, trên lưng mang theo những cuộn tranh và trước ngực treo một chiếc cồng (chanchiki / atarigane) bằng đồng thau - một loại nhạc cụ cổ truyền mà ông dùng để đệm nhạc khi xướng lên những bài hát ca ngợi cõi Tịnh Độ. Bên cạnh việc truyền dạy về Phật pháp thì Kūya còn làm việc công đức như đào giếng, xây cầu và chôn cất những thi hài không nơi an trú.

Trong bức tượng này được tạc nên bởi điêu khắc gia Kōshō, nhà sư Kūya đang xướng lên câu kinh nhiệm màu nembutsu, và 6 thanh âm na-mu-a-mi-da-butsu hoá thành 6 vị A-di-đà bước ra từ cửa miệng.

121018330_4926763587337675_7492091039235002812_n.jpg

Trong tiếng Việt, nembutsu nghĩa là niệm Phật và 6 thanh âm kia chính là Nam Mô A Di Đà Phật. Bức tượng này là quốc bảo của Nhật Bản và được lưu trữ tại đền thờ Rokuharamitsu-ji tại Kyoto - được xây nên bởi không ai khác mà chính là thiền sư Kūya.

Thời gian cắt đi đôi cánh của Tình yêu by Phuong Nguyen

"Time Clipping Cupid’s Wings" Pierre Mignard, 1694

"Time Clipping Cupid’s Wings" Pierre Mignard, 1694

Vị thần đầy quyền năng của Thời gian Chronos được khắc hoạ như một người đàn ông trưởng thành to lớn và lực lưỡng, một tay giữ chặt thần Tình yêu Cupid trong khi tay kia lăm lăm cây kéo (ở một số tranh thì là lưỡi hái) cắt đi đôi cánh của vị thần bé nhỏ. Ý nghĩa của bức tranh thật rõ ràng, thời gian rồi sẽ cuốn trôi tình yêu, làm nguội đi khao khát, tắt lửa đam mê. Thật đáng buồn thay, đam mê dù rất quan trọng nhưng thường lại là thứ đầu tiên nguội lạnh trong một mối quan hệ lãng mạn, nó không thể thoát khỏi dòng chảy ghê gớm của thời gian. Tất nhiên, điều này không đúng cho mọi người bởi mỗi chúng ta đều là độc bản, người ta yêu, cách ta yêu cũng thế, và tình yêu sẽ đi qua từng cung bậc để trưởng thành cùng ta cho đến cuối cuộc đời.

"Venus, Cupido und Chronos", Giacinto Gimignani. 1681

"Venus, Cupido und Chronos", Giacinto Gimignani. 1681

Phải lưu ý là tựa đề của những bức tranh này dùng từ "clipping" chứ không phải "cutting", hàm ý tình yêu vẫn còn đó chứ không bị xoá bỏ. Đôi cánh của Cupid bị hủy hoại theo thời gian nhưng chưa bị cắt cụt đi, và nếu ta nuôi dưỡng đúng cách thì nó sẽ lại vươn ra mạnh mẽ. Cho đến giới hạn Thời gian dành cho mỗi người, ta sẽ không thể chối từ khao khát yêu, và được yêu.

"Chronos Clipping the Wings of Cupid" Anthony van Dyck

"Chronos Clipping the Wings of Cupid" Anthony van Dyck

Lược dịch từ Art Today - La dose quotidiana di arte. Một bài viết thú vị. Để biết rằng rồi sẽ đến ngày tình yêu nhạt phai đi, nhưng nó không phải là chấm hết. Trong bài cũng có dùng hai khái niệm na ná nhau nhưng lại rất khác, là "'L'amore" (tình yêu) và "passione" (đam mê). Ở một bài khác, họ ví hai cảm xúc này như ngọn lửa. Passione là ngọn lửa bùng lên dữ dội và thiêu cháy tất cả, nó chạm đến vùng đất của khoái lạc và khiến ta cảm thấy được khích lệ, trong khi L'amore là ngọn lửa râm ran, giữ cho xung quanh và chính ta được ấm áp, nó kích hoạt sự đồng cảm và quan tâm đến đối phương. Nói cách khác, Tình yêu là vì người, còn Đam mê là vì mình. Cả hai thứ cảm xúc này đều cần thiết cho tình trường của một người và chúng sẽ dominate ở những thời điểm khác nhau. Chỉ là không nên nhập nhằng lẫn lộn bởi từ đây, bao nhiêu đau đớn, hồ nghi, khổ sở và thất vọng sẽ sinh ra.