Tử Hiện và Trư Đầu by Phuong Nguyen

Tử Hiện Thiền Sư, Mục Khê

Hai bức tranh của Mục Khê: Tử Hiện thiền sư và Trư Đầu hoà thượng.

Hai vị này là tiêu biểu dị nhân trong lịch sử Thiền tông. Họ là những du tăng lập dị lang bạt rày đây mai đó, không khoác tăng bào cũng không tu tập tại chùa mà lại yêu mến cuộc sống tự do muôn màu tục thế. Áo quần rách rưới tựa ăn xin, gương mặt khắc khổ với nụ cười tươi như trẻ nhỏ, phong thái có chút cuồng điên. Điểm chung của hai vị này là sư ăn thịt.

Tử Hiện là một thiền sư thời Đường, từng là môn sinh của thiền sư Động Sơn Lương Giới, người sáng lập thiền tông Tào Động. Tử Hiện không có môn sinh, cũng không đi thuyết pháp, nhưng ai ai cũng biết đến ông vì là thiền sư phá giới ăn thịt, món yêu thích nhất của ông là tôm (dù tên ông lại có chữ Hiện là con hến). Dù đông hay hạ ông đều khoác trên mình tấm áo vá tả tơi, ngày xách giỏ cói ra sông lội bùn, bắt tôm mang về tự chế biến làm bữa tối, đêm đến lang thang đền Bạch Mã lót giấy nằm nơi mái hiên, nhìn qua không thể phân biệt đấy là thiền sư hay là người hành khất. Một ngày nọ khi vừa bắt được một giỏ tôm và chuẩn bị ngắt đầu chúng, ông khựng lại và trong giây phút đó đạt đến giác ngộ. Vì lí do này mà ông thường được xem là biểu tượng của sự chuyển biến tâm thức từ một phàm phu tục tử sang cảnh giới giác ngộ, hơn là một nhà sư phá giới.

Trư Đầu Hòa Thượng, Mục Khê

Trư Đầu tên thật Mãnh Trí, nhưng vì thích ăn thịt heo nên người đời gọi ông là Trư Đầu. Không có nhiều ghi chép về tiểu sử của ông, nhưng có nhiều giai thoại thiền có thể làm sáng tỏ thêm về thân thế. Một trong đó là câu chuyện về một thiền sư xuất thân đồ tể. Một ngày kia, trong lò mổ tanh hôi mùi máu, khi ông đang mài dao chuẩn bị thịt một con heo như muôn vạn ngày khác, ông chợt bừng tỉnh trong một sát na, như thể vừa đạt được khải thị trong khoảnh khắc lưỡi dao loé sáng. Từ giây phút đó, ông từ bỏ công việc đồ tể, xuống tóc hành hương. Ông đã viết lại trải nghiệm này thành một bài thơ:

"Đêm qua tâm địa quỷ dạ xoa
Sớm nay sắc diện hoá Phật Đà
Ngẫm thấy tâm ma và chánh pháp
Đâu là khác biệt khó nhận ra."

Trong Phật giáo có tám giới luật mà người xuất gia phải gìn giữ, và trong đó có không sát sanh, ăn mặn là điều tuyệt đối cấm và sư nào phạm phải sẽ được xem là phá giới và bị trục xuất khỏi tăng đoàn. Về khía cạnh này thì cả Tử Hiện lẫn Trư Đầu đều phạm phải. Tuy nhiên một trong những khía cạnh khác của Phật giáo là người xuất gia phải chấp nhận cuộc sống hàn vi, khổ hạnh, nên tăng bào lộng lẫy và chỗ ăn nằm xa hoa phú quý là điều cần phải tránh. Trong quá khứ, nhà sư thường cũng là khất sĩ, vì lối sống tu tập không cầu vinh, tích trữ, chỉ có thể nhờ vào của bố thí từ người khác để sống qua ngày. Tuy nhiên vào thế kỷ thứ tám, nhận thấy cuộc sống của giới tăng lữ đã có nhiều thay đổi, những điều luật mới mang tên Bách Trượng Thanh Quy đã được ban bố, trong đó có quy định rằng các sư nay có thể lao động tạo ra thực phẩm, dẫn đến sự ra đời của những thửa ruộng canh tác kề bên các thiền viện, phục vụ cho tôn chí tự cung tự cấp. Về một lẽ nào đó, việc Tử Hiện tự kiếm cái ăn và ở đây là nghêu sò ốc hến là hành vi báng bổ, nhưng phong thái sống của ông không cầu cạnh một ai, vất vả bươn chải tự lo cái ăn, cái mặc, hạnh phúc với tấm áo sờn rách nơi màn trời chiếu đất, cho thấy ông đã gìn giữ và phát huy cao độ những phẩm chất khác của thiền tông.

Tính hài hước là một trong những thành tố quan trọng trong triết lý thiền tông, và đây là điều tối cần thiết để một người có thể yêu mến được hai bức tranh về những hình tượng đầy tranh cãi như Tử Hiện và Trư Đầu. Sự hài hước không đơn thuần là những trò hề khả ố ngu si, để hiểu được thâm ý đặng cất lên tiếng cười thì một người cần phải được trui rèn bởi bao thử thách khắc nghiệt. Sự hài hước mà không có chánh niệm thì thô lậu, vô nghĩa, trong khi giảng giải về chánh niệm mà không ý thức được hạn chế của chính nó thì khô cứng và sáo rỗng. Đây cũng là đặc điểm rõ rệt để phân biệt thiền tông với các phân nhánh khác, bởi họ thường châm biếm những điều luật khắc nghiệt mà những tông phái khác nghiêm ngặt bảo tồn. Sự hài hước trong câu chuyện về Tử Hiện và Trư Đầu thường được xem là mang tính đả phá và bất kính, nhưng mỉa mai thay, dẫu cho họ là những nhà sư phá giới, chính nhờ hành vi này mà họ đã tìm thấy phút giây khai sáng rạng ngời.

Tử Hiện và Trư Đầu, có lẽ vì lối sống dị thường nhiều tương đồng, nên thường được vẽ thành tranh đôi, như hai vị sư lập dị khác là Hàn Sơn, Thập Đắc.

-

Phương tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn.

Gốm của Duy Mạnh: Đất trời lở máu by Phuong Nguyen

Mấy hôm nay đọc nhiều chia sẻ về 600 hecta rừng nguyên sinh sắp bị san bằng, nghĩ đến những cái đĩa gốm của anh Duy Mạnh.

Hồi đầu khi mới biết đến tác phẩm của anh, mình bị cuốn hút khi thấy cảnh sơn thủy trong hình hài của gốm lại gợi nên đau đớn xót xa của da thịt loài sinh vật sống, hay cụ thể hơn là của chính con người, nhưng càng quan sát lại thấy rõ hơn một khía cạnh khác: là thân phận của đất. Đất tự thân nó có sự sống và chất chứa trong nó là sự sống. Sâu trong lòng đất cứng là dòng chảy dung nham, những mảng kiến tạo dịch chuyển không ngừng đánh vỡ siêu lục địa ngày xưa thành những châu lục hiện tại, chúng không ngừng trồi, sụt, bùng nổ để tạo thành núi cao vực thẳm. Dù là đỉnh Everest hay là đáy vực Mariana, chúng là hiện hình của sự vận động không ngừng của đất.

Và đất cát đâu chỉ là đất cát. Những mảnh xương muôn loài qua tháng năm vỡ ra thành cát mịn. Hạt cát vô tri trượt qua kẽ tay ta đâu đó trong dòng chảy trăm triệu năm từng là một sinh thể sống.

Trong thời hiện đại này, đất tiếp nhận một hình hài mới qua bàn tay can thiệp ngày càng sâu rộng của con người. Có một thuật ngữ mình học được là terraform - địa khai hoá, thường dùng trong bối cảnh giả tưởng để chỉ việc cải tạo một hành tinh sao cho gần nhất với môi trường sinh quyển Trái đất để biến nó thành thuộc địa mới. Tuy nhiên địa khai hoá không chỉ thuần giả tưởng, con người đã và đang khai thác thiên nhiên đến mức chúng biến dạng khỏi hình thái nguyên sinh. Những khu mỏ, đập nước, thuỷ điện, rừng cao su, rừng cọ, đường cao tốc, quần đảo nhân tạo ở Dubai là những ví dụ tiêu biểu nhất về địa khai hoá. Đất bị nhào nặn, phá vỡ, đâm xuyên, bồi đắp... Thành những dáng hình mới để phục vụ cho nhu cầu của con người và chỉ riêng con người.

Nếu nghĩ về Trái Đất như một sinh thể sống, thì con người không khác gì một loại virus. Thường một cá thể loài nào quá đông thì tự nhiên sẽ chọn lọc sao cho tự nhiên về thế cân bằng. Con người thì khác, không có thiên địch, không sợ thiên tai, khoa học phát triển đẩy lùi bệnh tật và tuổi già, nên nhân lên với tốc độ chóng mặt. Và đâu đó đột biến những chủng đầy dã tâm, khai hoang lập địa không đơn thuần vì nhu cầu của số đông mà chỉ vì lòng tham của một vài cá thể.

Nghĩ về rừng... Hai mùa hè trước ở Calabria miền nam nước Ý, có những ngày bước ra ban công mà mũi nghe mùi khét, không phải vì hàng xóm nướng thịt mà vì ngọn núi đứng gần đang bốc lửa. Ngày thấy khói, đêm thấy lửa. Lái xe qua những ngọn đồi thấy lửa lan thành những vệt đỏ sáng rực trong đêm. Tại sao không dập lửa đi mà để chúng liếm sạch những mảng xanh ít ỏi còn sót lại như thế? Vì địa hình hiểm trở khó có thể triển khai nhân lực, chỉ có thể dùng trực thăng, mà trực thăng đâu có nhiều, mỗi chuyến tốn bao nhiêu tiền nhiên liệu, và người cầm lái vẫn phải nghỉ ngơi. Lửa thì khác, vẫn cháy âm ỉ, chỉ cần một cơn gió là bừng lên dữ dội.

Và nội trong năm nay thôi đã có hơn 20 đợt cháy rừng lớn được ghi nhận, trong đó Hy Lạp, Canada và Hawaii có lẽ là ba thảm hoạ trầm trọng nhất. Hơn 1.5 triệu hecta rừng bị cháy rụi ở British Columbia, và trận cháy này còn chưa qua. 600 so với 1 triệu rưỡi là con số không đáng kể, để ta thấy được mảng xanh đang biến mất với tốc độ ghê gớm như thế nào. Nhân loại đang ngồi trên đống lửa đúng nghĩa đen...

Khi mình nói với anh Mạnh về thân phận của đất mình thấy trong tác phẩm thì anh nói rằng thật ra dấu ấn của những món đồ gốm này là về thân phận con người. Mình nghĩ những mảng thịt hồng là phận đất xót thương bị con người khai hoá, nhưng nghĩ lại thì có lẽ máu đó là từ con người tuôn ra ướt đẫm ngọn đồi. Đất rồi sẽ phục hồi, thiên nhiên rồi sẽ lại nảy nở sinh sôi. Nhìn về thảm hoạ Chernobyl từng khiến hàng trăm triệu hecta rừng phơi nhiễm phóng xạ, mà chỉ 35 năm sau, nơi đây trở thành một thánh địa nơi cây cối nảy nở sinh sôi và động vật hoang dã chọn làm nơi an trú. Đấy, tự nhiên tự thân sẽ có cách của nó, chỉ có con người bị đẩy vào đường cùng mà thôi.

Mình yêu thích các tác phẩm của anh vì thường có hình ảnh tranh sơn thuỷ, gợi mình nhớ đến những chiếc đĩa sứ ngày xưa. Mình luôn có một sự ưu ái đặc biệt nơi tác phẩm được xây dựng trên cái nền cổ điển. Tranh sơn thủy từng là một cách ngợi ca sự hùng vĩ của tự nhiên và để thể hiện cái sự khiêm cung bé nhỏ của con người khi đứng đối diện nó. Mình cũng có sự yêu mến tự nhiên trong ngôn ngữ hội hoạ của riêng mình. Tự nhiên sẽ đi vào trong tranh và toả ra nơi ngòi bút nếu người vẽ luôn có thiên nhiên trong lòng.

Và anh Mạnh cũng vậy, quang cảnh toả ra từ chiếc đĩa gốm của anh vừa tráng lệ, vừa bi thương. Phản chiếu chính môi trường anh sinh sống - một tự nhiên tan nát. Vừa ve vuốt gợi nhớ một thời gian xưa cũ bình yên, vừa như một nhát cắt khiến ta phải mở mắt nhìn vào hiện thực đau đớn, bàng hoàng.

Hai cuộc gặp gỡ by Phuong Nguyen

Chuyến đi này về, mình gặp được hai người bà.

Một người đã nuôi ba mình lớn. Một người đã sinh ra ba.

Người bà nuôi ba lớn đã qua đời trước khi mình về Việt Nam không lâu, đó là sự tiếc nuối ân hận rất lớn mình canh cánh trong lòng từ khi hay tin đến khi về nhà, khi ta sượt qua nhau, chỉ thiếu một chút nữa thôi, nhưng đã không còn kịp nữa...

Đêm khai mạc triển lãm, mình đeo chuỗi hạt bà để lại để tri ân. Đó là chuỗi ngọc bà đã đeo hằng ngày khi còn tại thế. Dù không mê tín, nhưng mình nghĩ rằng đồ vật nào thân thuộc gần gũi với thịt da ta hằng ngày sẽ lưu giữ được phần nho nhỏ linh hồn ta trong nó.

Nhưng rồi cả đêm ẵm con, Simone cứ giựt sợi dây nên mình sợ đứt nhờ mẹ cất đi. Đến khi tối muộn mới ghé qua nhà hàng ăn tối cùng gia đình và mấy người bạn, và tại đó mình bắt gặp một con ngài màu vàng óng rất đẹp. Nó lượn lờ ngoài cửa rồi bay vào phòng khi người phục vụ mở cửa. Nó đậu lên tường đứng đó lặng im một lúc, rồi khi mình đến gần hơn, nó cất cánh bay và bám lên áo, bò lên xương quai xanh, nơi mình từng đeo chuỗi hạt trước đó.

Mình quay lại bảo với các bạn, có con ngài đẹp lắm đậu lên Phương nè. Vừa dứt câu nói nó liền bay đi, nhưng khi mình lại gần đưa tay ra, nó lại nhẹ nhàng bò lên đó. Một người bạn cùng phòng vừa nghe mẹ kể câu chuyện khi bà mất nói rằng tâm linh quá chị Phương ơi. Bà chị về thăm chị đó. Các bạn liền lấy điện thoại ra định chụp lại, nhưng chưa kịp bấm máy thì nó đã cất cánh bay ra khỏi phòng, rồi mất dạng trong đêm.

Mấy hôm sau triển lãm, mình có gặp một người chị đến xem tranh. Cảm xúc còn ấm nóng, nên mình kể cho chị nghe câu chuyện về con ngài vàng. Chị biết nhiều về đạo Phật và giảng cho mình nghe về những cái thất của con người. Chị hỏi, Em có thực sự tin rằng bà em nay là một con ngài không? Từ tận đáy lòng, mình không tin. Mình không có đạo, không tin những gì mình không thấy và ưu ái những gì được lí giải bằng khoa học. Nhưng có lẽ một góc nào đó trong lòng mình vẫn có chỗ cho những sự huyền bí hay bạn bè thường gọi là tâm linh đó, và mình chọn tin vào những điều mang đến trong lòng sự an ủi...

Khi mình ra Hà Nội, lần đầu tiên gặp người bà đã sinh ra ba mình. Dẫu có nhiều điều muốn nói nhưng không tìm được thời điểm, nên phần lớn thời gian hai bà cháu chỉ nắm tay mỉm cười. Đến tối muộn đêm thứ hai sau khi đi ăn cùng gia đình mình quay lại nhà bà cùng với ba và cô. Mọi người chuyện trò vui vẻ, đến lúc chuẩn bị về thì mọi người đi ra trước, chỉ còn lại mình và bà. Hai bà cháu khi đó mới ôm nhau. Bà nói rằng tấm ảnh ở hôm khai mạc triển lãm, khi mình gặp cô lần đầu đẹp lắm. Mình nói với bà rằng có những giây phút rất đẹp được lưu trữ lại nhờ máy ảnh, nhưng phần lớn cuộc đời, những giây phút xúc động ngọt ngào nhất mà ta sẽ khắc cốt ghi tâm, thường nó vụt qua lặng lẽ, không để lại dấu vết... Như những giây phút này giữa chúng ta chỉ tồn tại trong ký ức của con với bà mà thôi.

Cái nắm tay với bà đêm đó vẫn còn râm ran ấm nóng trên đầu ngón tay khi nhớ lại. Cái nắm tay đó vẫn còn vương vấn đầy kỷ niệm trên đôi mắt khi máy bay cất cánh rời khỏi Hà Nội. Thời gian đi qua cảm xúc lắng xuống trong lòng, mình thôi không còn khóc khi nhớ đến. Nhưng rồi mình rất sợ, sợ rằng mình sẽ quên. Trí nhớ của mình không tốt lắm, để nhớ được điều gì đó cần phải nỗ lực rất nhiều.

Nên dẫu cho hồi đầu muốn giữ những điều nay chỉ cho riêng mình nhưng mình chọn viết ra để những năm sau còn nhớ. Đây là vết tích của những cuộc gặp gỡ không hình ảnh, ghi âm. Và giờ đây dẫu cho nó chỉ còn là những cái bóng mờ được ghi lại bằng ngôn từ, mai sau khi được nhắc nhớ lại, mong sao mình vẫn cảm thấy được một nỗi xúc động dịu dàng, mong sao mình sẽ được sống lại dù chỉ phần nào những khoảnh khắc đã qua đó.

Tiếng vọng by Phuong Nguyen

Triển lãm "Tụng ca vô thường" đã đi hơn nửa chặng đường, chỉ còn 10 ngày là kết thúc.

Hội hoạ với mình là một tiếng gọi trong lòng, mình cầm cây bút lên vẽ đơn thuần là để đáp lại tiếng gọi đó. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự thoả mãn bản thân, để đối thoại với chính mình, thì có lẽ viết nhật ký cũng đủ rồi. Người hoạ sĩ có thể ẩn dật, tìm niềm vui thú nơi hoang vắng, cô quạnh, nhưng những gì họ tạo ra có một đời sống độc lập không thể bị giới hạn trong ngăn tủ, không bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời, không bao giờ nhìn thấy gương mặt người khác.

Một điều thật tuyệt vời là qua triển lãm này, những bức tranh của mình và Haiku Pháp Hoan đã có những cuộc gặp gỡ mới. Bên cạnh những anh chị nghệ sĩ, thi sĩ đồng nghiệp là những cô chú lớn tuổi, những em bé nhỏ, những thầy cô giáo, những bạn học sinh, những người thường ngày có lẽ nhìn về nghệ thuật với sự rụt rè e ngại, và còn có những sư cô, sư thầy đã không quản ngại đường xa ghé đến. Như hai bức ảnh thật cảm động này là từ sư cô An Ngọc, cô đến từ tận Bảo Lộc.

Thật vui khi thấy những người xa lạ dừng lại để ngắm tranh, rồi họ tiến lên một bước, hai bước, để nhìn thật gần. Nếu họ tìm thấy sự đồng cảm nào đó trong bức tranh thì còn gì tuyệt hơn? Khi bạn và tôi có một điểm chung, khi ta hiểu nhau mà chẳng cần mở miệng ra nói lời nào...

Hội hoa vốn là một lựa chọn ích kỷ, nhưng nó đã mang lại cho mình nhiều điều quý giá và những kết nối vượt lên trên cả ngôn từ.

Cảm ơn các bạn vì đã yêu mến những bức tranh mình vẽ ra, đó là sự động viên rất lớn trên con đường đôi khi rất cô độc này.

Địa Ngục by Phuong Nguyen

Tĩnh tọa trong đêm
tiếng hót đỗ quyên
vọng lên từ Địa Ngục.
- Pháp Hoan

Contemplating tonight’s stillness
resounds the cry of water rail
from the depth of hell.

_____

Tôi không biết thiên đường trông như thế nào và sẽ có cái gì chờ đợi những người đã phấn đấu cả cuộc đời để được đặt chân vào đó. Nhưng tôi tự hỏi rằng liệu nơi đó có đẹp đẽ và diệu kỳ hơn những gì tôi đang nhìn thấy nơi địa cầu này không? Những cánh rừng hùng vĩ nơi đại ngàn, biển rộng trải dài vô biên và trong lòng chúng nhung nhúc sinh sôi sự sống muôn loài đa dạng, rực rỡ. Nếu Cực lạc là nơi chỉ còn niềm vui, vậy thì liệu có vui hơn cảm xúc lâng lâng hạnh phúc tôi có được khi chuyện trò cùng những người bạn tâm giao? Có vui hơn nỗi xúc động khiến tâm hồn như được gột rửa khi nghe một bản nhạc hay, khi rảo bước đi bên bờ biển nhìn ngắm một hoàng hôn rơi, khi nhìn vào vũ trụ thăm thẳm sâu lấp lánh những vì tinh tú? Đối với tôi thiên đường hiện diện trong những vòng tay ôm và những nụ hôn với người thân yêu khiến thời gian như ngừng lại, trong đôi mắt ngây thơ và nụ cười những đứa con mình...

Và địa ngục cũng vậy, trong lòng mỗi người hiện diện một địa ngục sâu thăm thẳm của cô độc, của ly biệt, bội phản và hận thù... Liệu ma quỷ ở cõi âm ty có thể làm điều gì kinh khủng hơn những gì con người đã và đang làm với nhau? Đứng ở phía bên này vườn địa đàng, tôi ngước lên nhìn trời, mây trắng chầm chậm trôi thật bình yên, nhưng ở nơi khác trên trái đất này, từ những tầng mây kia là bom đạn đang rơi xuống.

Hồi đầu, tôi dự định vẽ cảnh địa ngục Phật giáo, nhưng rồi tôi đổi ý và vẽ lại cảnh núi lửa Visuvius bùng nổ, chôn vùi Pompeii, hàng chục nghìn người dân không kịp tháo chạy bị chôn vùi trong dung nham và bụi tro núi lửa. Một quang cảnh tang thương thường được xem như "địa ngục tại thế".

"Không có thiên đường, cũng không có địa ngục, bởi đó là những nơi ta có thể trải nghiệm ngay tại kiếp sống này."

---

I think that both heaven and hell are realms that you can experience during our earthly existence. What is there in heaven better than this life? A realm abundant in lush greenery, diverse landscape, expansive sea, and the wonder of nature. It's found in the delight of conversation with dear friends, the embrace of music, peaceful strolls along the shore watching the sunset. It's found in the warmth of an embrace, the tenderness of a kiss, the innocent laughters of my children... what could heaven offer that's superior to these treasure?

And then there is hell, an immense chasm of isolation, of treachery, anguish and sorrow. The numbing pain of losing someone you love... It's the abyss deep within our soul. Are the ghost and malevolents capable of doing things even more terrifying than the atrocities human inflict upon each other? While I stand on this side of paradise gazing at peaceful clouds above, somewhere else on Earth it's raining down missiles...

Consequently, instead of depicting the realms of Buddhist hell as I intended to originally, I turned to the catastrophic eruption of Mount Visuvius that shook the Roman empire and buried Pompeii. An unparalleled disaster that vividly represent the horror of a living hell.