My Art

Bóng ma trong lòng by Phuong Nguyen

Phương Tây có quỷ, nhưng ở quê nhà ta hay gọi nó là ma. Lâu rồi vẫn hay tự hỏi sao mình hay đổ thừa nỗi bất hạnh hay ám ảnh cho những hồn ma? Có phải vì phần nào chúng cũng giống cái bóng tối trong lòng, vô hình nhưng luôn lởn vởn, chỉ đợi thời cơ len lỏi rồi phủ trùm lên tất cả. Một phần con người đầy tính tự hoại mà ta không hiểu rõ và không thể kiểm soát. Như loài ăn đêm, ban ngày nó lẩn vào bóng râm, dưới những bộ áo đẹp và những nụ cười buồn. Ta chỉ muốn vùi nó xuống thật sâu, giấu tiệt đi không để ai nhìn thấy. Nhưng có đôi khi ở một mình, ta nghe thấy bước chân của nó chậm rãi, dường như sũng nước lướt đi trong đêm, chầm chậm tiến đến. Và rồi nó đổ ập vào người và ta cảm thấy như đang bị nhận chìm dưới vực sâu đầy nước. Rồi ta khóc. Bóng ma đó chính là ta, mà cũng thật xa lạ.

Ai mà không có bóng tối trong lòng.

If you have a ghost in you, I hope you can see it, make peace with it, and have the right support from your loved ones to face it.

"Ode to the ghost in me", color and ink on paper, 2022

Enso by Phuong Nguyen

Thử giấy mới. Washi dâu tằm.

Nhận ra khác biệt rất lớn giữa giấy phương Đông vs phương Tây, và sự khác biệt này có lẽ liên quan mật thiết với nhu cầu địa phương và tư tưởng về mỹ học tại nơi nó được sinh ra.

Lấy một ví dụ nhỏ như hình tròn. Đại diện cho sự hoàn hảo tuyệt đối của phương Tây là đường tròn của Giotto, một đường tròn vành vạnh được vẽ hoàn toàn bằng tay không cần công cụ trợ giúp. Vào những năm 1300, Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII mong muốn tìm người hoạ sĩ tài hoa nhất để thực hiện bức tranh chân dung của mình, ông đã gửi đại sứ đi khắp nơi để tuyển chọn người tài. Một thời gian sau, đại sứ quay về và trình bày trước Giáo Hoàng những tác phẩm tuyệt đẹp được tạo nên tỉ mỉ công phu bởi vô số các hoạ sĩ lừng danh. Tuy nhiên Giáo Hoàng đã bị thu hút bởi bức vẽ đơn giản chỉ độc một hình tròn. Đại sứ giải thích, đây là tác phẩm của Giotto trẻ tuổi, khi được yêu cầu hãy vẽ một bức tranh chứng tỏ tài năng của nhà ngươi, Giotto đã cầm lên một mẩu chì, lẳng lặng vén gấu áo rồi vẽ ra một hình tròn hoàn hảo mà không cần compa. Giáo Hoàng nghe vậy liền nhận ra Giotto chính là người ông đang tìm kiếm, một tài năng siêu việt với đôi tay khéo léo điêu luyện.

Phương Đông cũng có một đường tròn khác tên gọi Ensō. Tuy nhiên cái mà Ensō biểu hiện không phải là sự hoàn hảo mà ngược lại, cái đẹp tìm thấy trong sự bất toàn. Ensō thường được vẽ bằng tay, cũng giống như Giotto, nhưng nó hiếm khi tròn vành vạnh mà hơi méo một chút. Bên trong ranh giới của đường tròn đó là sự lĩnh ngộ về vạn vật và cái Không. Tùy vào tâm tư người vẽ, nó có thể đóng hoặc mở, và một đường tròn Ensō đẹp nhất thường được vẽ ra từ một cây cọ đã cũ tả tơi, đầu cọ chẻ ra như cái chổi, những nét mực đứt gãy tự nhiên càng nhấn mạnh thêm sự bất toàn mà nó đang hướng đến. Nếu như đường tròn của Giotto là sự tập trung cao độ để rèn luyện kỹ năng đến mức siêu việt nhằm vẽ được cái khó dường như bất khả, thì Ensō chính là sự buông lỏng bản thân, sáng tạo trong tâm thế rỗng không.

Hai luồng tư tưởng về sự hoàn hảo / bất toàn này đã phủ bóng không chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà cả công cụ được làm ra để phục vụ cho việc tạo thành những tác phẩm đó. Nếu giấy của phương Tây đồng nhất, dày dặn cứng cáp, phẳng lì và khá nặng, cầm vô là thấy chắc chắn thì giấy phương Đông mỏng manh, nhẹ như không, bề mặt có phần thô ráp và thưa, nhìn rõ thớ giấy, lượng hồ trong giấy cũng rất tiết chế để mực thấm và loang một cách tự nhiên. Một số loại giấy phương Tây khá nặng có thể lên đến hơn 800gsm, nhưng với washi, nặng nhất mình tìm thấy là khoảng 100gsm, và đây là loại giấy chỉ mới được làm ra sau này với công thức đặc biệt chịu ảnh hưởng từ phương Tây.

Cầm tờ washi mỏng manh, nắng rọi xuyên thấu mà thấy có chút bất ngờ vì xưa nay đã quen những tấm giấy dày và nặng. Cảm giác có thể xé toạc nó mà không dụng sức. Nhưng washi cũng được dùng để lót cửa shoji, làm dù truyền thống che nắng che mưa nên bản chất nó cũng rất bền vững không thua kém gì giấy phương Tây. Cần phải thử nhiều hơn để quen với cảm giác mới này.

Tờ washi mình mua cũng khá tốt rồi nhưng vẫn chưa phải loại thượng hạng nhất. Loại giấy chuyên dụng để vẽ tranh truyền thống nihonga với công thức đã tồn tại từ nghìn năm nhìn giá mà suýt ngất. 120€ cho một tờ giấy mỏng tang, nặng chưa đến 100gsm.

Khởi nguồn của HAIKU by Phuong Nguyen

Bộ tranh Haiku ra đời trong một hoàn cảnh khác thường.

Đó là khi nước Ý - nơi đầu tiên ở Châu Âu mà covid càn quét - đang chìm trong đại dịch. Khi đó ta chưa thực rõ cái đang khiến người chết như ngả rạ ấy là cái gì, con người ta hoảng loạn tích trữ thực phẩm và tháo chạy khỏi tâm dịch. Rồi đùng một cái thủ tướng ra sắc lệnh national lockdown, không ai được rời khỏi nhà. Gần 80 ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường chật chội, đợi đến đêm ngóng xem Tivi thống kê số ca nhiễm mà tuyệt vọng, không biết khi nào thảm kịch này mới chấm dứt.

Giữa lúc tăm tối ấy mình tình cờ tìm thấy những bài Haiku của Pháp Hoan và thời gian vẽ những bức tranh này như cánh cửa đưa mình đi ra khỏi bốn bức tường chật chội ấy. Bài đầu tiên mình đọc thấy chính là "Tám vạn bốn nghìn cây"

Dưới chân núi phía Tây

tôi đi vào chốn ấy

tám vạn bốn nghìn cây.

Mình đã rất xúc động với ba dòng đơn giản đó. Pháp Hoan viết về cảm giác của bản thân giữa khu rừng tôn giáo, nhưng với cá nhân mình khi đó chỉ vừa bước chân vào nghiệp vẽ thì nó cũng rất trúng tim đen. Đứng trước vô vàn ngã rẽ của nghệ thuật, nơi bao nhiêu người tìm cách khẳng định vị trí bản thân và phong cách cá nhân, mình nhìn thấy sự hối hả, sự hoang mang, khao khát và đôi khi là chán nản trong lòng. Khi đó mình cảm giác như đã va phải một bức tường, và hành trình vẽ bộ Haiku chính là một con đường mòn khuất giữa hàng cây để mình vượt qua bức tường đó. Mình chợt nhận ra có lẽ mình đã cố gắng đuổi bắt những gì đang thịnh hành mà quên mất trái tim thực sự mong muốn điều gì.

Nhưng mình cũng biết rằng đột ngột thay đổi phong cách là một sự mạo hiểm rất lớn. Và quyết tâm rẽ hướng này có lẽ đến từ một lời từ chối. Người chủ một phòng tranh ở Roma nói họ có hứng thú với mình, nhưng họ chỉ invest vào những nghệ sĩ có phong cách ổn định, và họ muốn nhìn thấy sự ổn định đó. Bức tranh họ muốn mình tái hiện thành một bộ đó lại là một trong những bức tranh mình vẽ khi còn non tay vào đầu năm 2018. Nếu muốn nắm lấy cơ hội này, mình sẽ phải quay lại đằng sau bức tường rồi băng ngược về điểm khởi đầu.

Cuối cùng mình để cơ hội ấy sượt qua. Mình muốn đi tiếp. Dù phía trước là mênh mông vô định, không biết điều gì đang chờ đợi, mình muốn đi tiếp.

Nhìn lại bốn năm qua, mình thấy một sự thay đổi rất lớn trong cách vẽ và những suy tư về việc vẽ. Nghĩ lại thật vui, khi đó mình đã không vì muốn an phận mà quay đầu.

Và điều tuyệt nhất khi băng rừng trên con đường mòn đó là gặp được những người bạn đồng hành cùng tâm tư, những quả ngọt bé nhỏ dọc đường, và đôi khi mở ra trước mặt là một cảnh tượng đẹp đẽ choáng ngợp, càng đẹp hơn vì chúng đến như một sự bất ngờ, khi trong lòng không nặng trĩu mong chờ.

Đường còn dài, không vội, giữ nhịp, cứ đi rồi sẽ đến.

Khung tranh by Phuong Nguyen

Tìm được một chiếc khung vừa ý cho tranh thật quan trọng. Bức tranh đẹp có thể trở thành gai mắt kinh khủng nếu đi cùng nó là một cái khung thô thiển kệch cỡm như thể muốn nuốt trọn bức tranh bên trong. Một cái khung đẹp là khi sự hiện diện của nó tế nhị và dịu dàng như đã hoá thành một phần của bức tranh, như đã ở đấy ngay từ khi bắt đầu.

Nhờ bàn tay tài hoa của bác Fabio mà giờ 'giấc mơ' này được khoác tấm áo mới đẹp rụng rời quá. Tình cờ tìm thấy tiệm của bác hồi lâu rồi hồi còn ở nhà cũ, một chiều đẩy Fede đi chợ thì nghe thấy tiếng cưa xẻ gỗ phát ra từ sau cánh cửa khép hờ dưới garage một toà chung cư. Bác không có nhân công, tự tay làm tất cả với sự trợ giúp của vợ, tiệm của bác còn chẳng có tên nhưng bây giờ thì đã "khá" hơn xưa một chút khi có thể tìm được thông tin trên google Thường ở Ý cái gì cũng chậm chạp, nhất là vào tháng 8, nên lúc gọi điện thì mình nghĩ là sẽ để tranh ở chỗ bác, để thong thả làm miễn sao kịp hạn chót nộp tranh. Ai ngờ đâu bác bảo, mai tiệm đóng cửa nghỉ hè, nên giờ mang tranh đến đi tôi làm cấp tốc luôn. Bác với Roby chọn khung dựa theo mô tả của mình và trong một tiếng đã hoàn thành, thợ lành nghề có khác. Bác đưa cho Roby xem một khúc gỗ Radica / gỗ Thạch Nam thuộc dòng antique, một loại gỗ quý chuyên dùng làm nội thất xe hơi và tẩu thuốc, và vừa thấy thì ổng biết ngay À ha, chính là nó.

Bác nói đây là khúc gỗ cuối cùng vì bên xưởng gỗ không còn sản xuất. Nên dù thấy thú vị ở sự hữu duyên này nhưng cũng hơi tiếc vì những tranh sau cùng series sẽ không đồng bộ được nữa. Tới đó lại phải tiếp tục hành trình đi tìm cái khung vừa vặn, cộng hưởng hài hoà không chỉ với tranh mà cả những bức bên cạnh nó.

Đất hóa linh hồn by Phuong Nguyen

"Đất hóa linh hồn"
(From Soil to Soul)

35.5 x 100 cm, màu và mực trên giấy Fabriano nhuộm thạch lựu, 2022

______

Phần tiếp theo của "Một cuộc đời mơ"

Bốn mùa đi qua cũng như bốn đoạn của đời người. Thịt xương rã thành đất, hoá thành dưỡng chất nuôi dưỡng mầm xanh. Sau mùa đông lạnh giá, lá và hoa chầm chậm nhú lên khi tuyết dần tan, cùng năm tháng đi qua mầm cây yếu mềm lớn lên thành một cây dẻ ngựa to cao vững chãi, nơi muông thú tìm đến gọi là nhà. Đến mùa thu, chim non đã lớn giờ cất cánh bay về phương Nam, nhưng chúng sẽ luôn nhớ đường về chiếc tổ cũ để kết đôi rồi sinh sôi khi mùa xuân tới. Một chu kỳ mới lại bắt đầu. Cuộc sống tiếp diễn.

Tỷ năm đi qua đất trời thay hình đổi dạng, núi vỡ thành đồng, suối chảy thành sông, biển cả hoá sa mạc, sinh mệnh bồi đắp tầng tầng đất đá. Ta bước đi giữa những linh hồn. Không có gì tự sinh ra rồi mất đi, họ ở trong đất, trên ngọn cỏ cánh hoa, trong từng hơi thở, từng hạt mưa rơi. Một vòng tròn bất tử của sinh và diệt.

/

A sequel to "Một cuộc đời Mơ/ Life, a fleeting dream" where I try to convey the poignant evanescence of human life in relation to the transition of nature through four seasons. From skeleton remnants, a horse chestnut tree slowly sprout beneath the snow as winter just came to an end. As years pass by, the once young, fragile plant transforms into a robust tree that root deep to the earth, providing abundant resources and shelter to the animal surrounding. And just before winter bestow again, mature birds set out to a long journey but they will always find their way back to the old nest when spring arrives.

Old life wilts. New life begins. We walk amongst those no longer here. Their presence are in the sand, the soil and in the air, in the very breath we take. Nothing is gone forever. An eternal cyclical rhythm of Life and Death.